Giải Thích Bộ Giáo Luật – Quyển II: Dân Thiên Chúa – Các Tu Hội Đời Sống Thánh Hiến Và Tông Đồ

0
4446


GIẢI THÍCH

BỘ GIÁO LUẬT NĂM 1983

CỦA HỘI THÁNH CÔNG GIÁO

Tác giả: Lm. Giacôbê Phạm Văn Phượng, OP.

***

***

QUYỂN II:

DÂN THIÊN CHÚA

—***—

PHẦN III

CÁC TU HỘI ĐỜI SỐNG THÁNH HIẾN

CÁC HỘI ĐỜI SỐNG TÔNG ĐỒ

***

 MỤC I

DẪN NHẬP

Đây là phần III của quyển II: “Dân Thiên Chúa”, nói về các tu sĩ, là phần có những sửa đổi sâu rộng nhất đối với bộ luật 1917.

Công đồng Vaticanô II đã dành cho các tu sĩ đoạn 6 của Hiến chế Lumen Gentium về Giáo hội. Bản văn này có ghi lời khẳng định quan trọng như sau : “Mặc dù không thuộc về cấu trúc phẩm trật của Giáo hội, bậc sống được tạo thành do sự tuyên khấn các lời khuyên Phúc Âm cũng rõ ràng thuộc về sinh hoạt và sự thánh thiện của Giáo hội” (LG. số 44, cuối). Rồi sau đó lại có sắc lệnh Perfectae Caritatis để “canh tân và thích ứng đời sống tu trì”, và trong Tự sắc Ecclesiae Sanctae (ngày 6-8-1966), đã ấn định những qui tắc để áp dụng sắc lệnh này.

Những chỉ thị được ban bố nơi các văn kiện trên của Giáo hội đã dẫn tới những thay đổi trong phần tương ứng của bộ Giáo luật, cả về nhan đề lẫn sơ đồ và nội dung.

I. NHAN ĐỀ VÀ SƠ ĐỒ

1. Nhan đề

Việc thay đổi thứ nhất là thay đổi nhan đề. Nhan đề cũ “De religiosis”: về các tu sĩ, đã nhường chỗ cho nhan đề mới “De Institutis vitae consecratae et de Societatibus vitae apostolicae”:  các tu hội đời sống thánh hiến và các hội đời sống tông đồ.

2. Sơ đồ

Giáo luật phân ra hai loại : tu hội thánh hiến và hội tông đồ. Tu hội thánh hiến có : tu hội dòng và tu hội đời.

Thời gian giữa bộ Giáo luật 1917 và bộ Giáo luật 1983, xuất hiện những tu hội đời đã được Hiến chế Tông tòa Provida Mater Ecclesia (2-2-1947) dành cho qui chế trong Giáo hội. Hiến chế Lumen Gentium không nói tới các tu hội đời này cách minh nhiên, nhưhg sắc lệnh Perfectae Caritatis đã dành một chỗ đứng cho các tu hội đời đó, và khẳng định đó không phải là những tu hội “tu sĩ”.

Một khó khăn nữa là chỗ đứng phải dành cho “các hội có đời sống chung” xưa kia bị xếp vào phần phụ trương dành cho các tu sĩ. Các hội này không muốn kể vào số các tu hội đời sống thánh hiến. Cho nên, danh xưng “ùCác hội đời sống tông đồ” đã được ưa chuộng hơn cách xưng hô trước kia, vì nó nói rõ hơn cuộc sống huynh đệ của các thành viên, đó là sự nâng đỡ nhau trong hoạt động tông đồ, nhất là trong hoạt động thừa sai.

Vì các hội này không thuộc thành phần các tu hội đời sống thánh  hiến, nên phải nhắc tới các hội này trong một phần riêng, nên nhan đề chung của phần III là “Các tu hội đời sống thánh hiến và các hội đời sống tông đồ”.

Vậy, sơ đồ của phần III như sau : gồm 2 thiên, dài ngắn rất khác nhau, để cho có sự công bằng.

– Thiên I : các tu hội đời sống thánh hiến.

– Thiên II : các hội đời sống tông đồ.

Trong thiên bàn về các tu hội đời sống thánh hiến, để tránh những chỗ lặp đi lặp lại, nên đã có một tiết gồm những điều luật về “các qui tắc chung” cho tất cả các tu hội, rồi sau đó mới tới 2 tiết về “các tu hội dòng” và “các tu hội đời”. Lời văn của các điều luật này có tính tổng quát, các chỉ thị của các điều luật này sẽ được áp dụng cho mỗi tu hội tùy theo bản chất riêng của mình.

II. NHỮNG NGUYÊN TẮC CHỈ ĐẠO

Đây là những nguyên tắc chỉ đạo để làm nên những điều luật của phần này. Những nguyên tắc này trực tiếp xuất phát từ công đồng Vaticanô II, đã được trình bày trong thư đề ngày 2-2- 1977, kèm theo việc gởi lược đồ đầu tiên cho các hội đồng giám mục và các cơ quan có trách nhiệm xem xét.

1. Qui tắc pháp lý : từ những suy nghĩ thần học, rút ra những qui tắc cụ thể pháp lý.

2. Sự  tự trị : bộ Giáo luật tôn trọng sự tự trị của mỗi tu hội.

3. Tính uyển chuyển : để mỗi tu hội có thể thích nghi với những điều kiện và những đòi hỏi khác nhau của Giáo hội và của chính tu hội.

4. Việc cai quản : bộ luật dừng lại ở những chỉ dẫn đại cương, để luật riêng qui định cụ thể.

5. Gạt bỏ mọi phân biệt phái tính nam nữ.

***

MỤC II

NHỮNG QUI TẮC CHUNG

CHO TẤT CẢ TU HỘI ĐỜI SỐNG THÁNH HIẾN

 

I. NHỮNG QUI TẮC CHUNG

1. Định nghĩa đời sống thánh hiến (đ 573)

Điều mở đầu của phần này cho chúng ta một định nghĩa về đời sống thánh hiến với các yếu tố rút ra từ Hiến chế Lumen Gentium : Ánh sáng muôn dân của công đồng Vaticanô II, số 43, 44.

Câu định nghĩa có vẻ hơi luộm thuộm về cuộc đời thánh hiến, nhưng khá chi tiết và đầy đủ. Trong câu định nghĩa này có những yếu tố căn bản, cả về thần học lẫn Giáo luật.

a. Những yếu tố thần học

1- Đi theo Chúa Kitô

2- Tác động của Chúa Thánh Thần

3- Thánh hiến trọn vẹn cho Thiên Chúa

4- Yêu mến Thiên Chúa trên hết mọi sự

5- Tuyên khấn các lời khuyên Phúc Âm

6- Kết hợp đặc biệt với Giáo hội bằng đức ái để phục vụ nước trời

7- Trở thành dấu chỉ sáng chói báo hiệu cuộc sống mai sau.

b. Những yếu tố pháp lý

1- Một lối sống vững chắc thành lập do thẩm quyền của Giáo hội

2- Các tín hữu được tự do lựa chọn và các tu hội được tự do nhận vào

3- Các lời khấn buộc các tu sĩ dòng các hình thức ràng buộc khác cho các tu hội đời.

2. Ai có thể chọn bậc sống này?

Ơn kêu gọi là một hồng ân đặc biệt Thiên Chúa ban cho một số tín hữu, chính Thiên Chúa kêu gọi và ban ơn kêu gọi này, nên mọi tín hữu đều có thể chọn bậc sống này (đ 574). Có thể nhận vào tu hội đời sống thánh hiến bất cứ người Công giáo nào có ý ngay lành – có những đức tính do luật chung và luật riêng đòi hỏi – không mắc ngăn trở nào – và được chuẩn bị thích đáng (đ 597).

3. Vị trí bậc sống thánh hiến (đ 588)

Bậc đời sống thánh hiến đặt vị trí ở đâu? “Tự bản tính, bậc sống thánh hiến không thuộc hàng giáo sĩ, cũng không thuộc hàng giáo dân (đ 588 §1). Bộ luật cũ đã khẳng định như thế (đ 107) và luật mới còn nói rõ hơn : “Do Thiên Chúa thiết lập, trong Giáo hội có hai loại tín hữu : giáo sĩ và giáo dân. Trong cả hai loại này, có những tín hữu tận hiến cho Thiên Chúa bằng sự khấn giữ các lời khuyên Phúc Âm” (đ 207 §1,2).

Nhưng trong số các tu hội, có tu hội giáo sĩ và tu hội giáo dân (đ 588 §2,3). Thí dụ : Đa Minh, Phan Sinh, Chúa Cứu Thế… thí dụ : La San, bệnh viện, tất cả dòng nữ.

4. Ba lời khuyên Phúc Âm (đ 598, 599, 600, 601)

Các tu hội phải xác định trong hiến pháp cách tuân giữ các lời khuyên Phúc Âm : khiết tịnh, thanh bần, tuân phục. Đây chỉ là những bó buộc tối thiểu không thể không có:

– Một con tim không chia sẻ

– Một đời sống siêu thoát về vật chất

– Vâng phục với tinh thần đức tin và đức mến.

5. Nền tảng của các lời khuyên Phúc Âm (đ 575)

Không thể có nền tảng nào khác : Chúa Kitô là trung tâm điểm của bất cứ đời sống thánh hiến nào. Bằng các lời khuyên này của Phúc Âm, người ta sẽ đạt tới sự trọn lành và sẽ thực hiện được sự thánh hiến mình cho Chúa và cho mọi người.

6. Ai có quyền giải thích các lời khuyên Phúc Âm? (đ 576)

Chính Giáo hội có trách nhiệm giải thích ý nghĩa của các lời khuyên Phúc Âm – điều hành việc thực thi – và châu phê các lối sống vững chắc và lo cho các tu hội tăng trưởng và kết hợp chặt chẽ với Giáo hội, đúng theo tinh thần của đấng sáng lập và truyền thống lành mạnh của tu hội.

7. Các loại tu hội thánh hiến (đ 577)

Nhiều loại hồng ân được ban cho các gia đình tu sĩ khác nhau, theo tinh thần và chí hướng các đấng sáng lập, nên có nhiều loại tu hội.

Bộ luật mới không liệt kê và xếp loại các tu hội trong Giáo hội, nhưng chỉ nhằm nêu lên nền tảng của tất cả mọi tu hội là làm theo Chúa Kitô trong các hoạt động của Ngài xưa ở trần gian.

Phân biệt như sau:

a. Tu hội dòng – Tu hội đời – Hội tông đồ

– Các tu hội dòng: có ba đặc điểm chính:

+ Tuyên giữ ba lời khuyên Phúc Âm với lời khấn công

+ đời sống chung

+ xa cách đời.

– Các tu hội đời:

+ không có lời khấn công mà chỉ có mối dây ràng buộc thánh

+ không có đời sống chung

+ sống giữa đời (chính ở điểm thứ ba này tạo nên bản chất của họ).

– Các hội tông đồ:

+ không có lời khấn công, nhưng chỉ có một mối dây ràng buộc nào đó kể là ám tàng

+ có đời sống chung (điểm này mang  họ gần các tu hội dòng và khác các tu hội đời, thậm chí trong bộ luật cũ, họ được gọi là “Các hội đời sống chung không có lời khấn”).

b. Tu hội Tòa thánh – Tu hội giáo phận (đ 589)

– Tu hội Tòa thánh, còn gọi là tu hội thuộc luật Giáo hoàng khi do Tòa thánh thiết lập hay chuẩn y.

– Ngược lại, do giám mục giáo phận thiết lập và không có sắc lệnh chuẩn y của Tòa thánh.

c. Tu hội giáo sĩ – Tu hội giáo dân (đ 588 §2,3)

Dựa vào tiêu chuẩn:

– Truyền thống hợp lệ

– Nhìn nhận của giáo quyền

Xin lưu ý:

* Tu hội giáo sĩ : vai trò điều khiển phải là giáo sĩ, tối thiểu là phó tế.

* Các tu hội nữ đều là tu hội giáo dân

* Tu hội giáo sĩ : không phải tất cả tu sĩ đều là giáo sĩ

* Tu hội giáo dân : từ  công đồng Vaticanô II, có một số tu sĩ có thể được lãnh chức linh mục.

d. Tu hội chiêm niệm – Tu hội tông đồ

Có bốn loại tu hội, xét theo mục tiêu mà họ cố gắng họa lại từ cuộc đời Đức Kitô :

– Đức Kitô cầu nguyện : đây là mục tiêu của những tu hội “thuần túy chiêm niệm”.

– Đức Kitô loan báo nước trời : những tu hội phục vụ lời Chúa (giảng, dạy)

– Đức Kitô thi ân cho nhân loại : những tu hội chuyên về công tác bác ái, xã hội.

– Đức Kitô sống giữa đời : áp dụng cách riêng cho các tu hội đời.

8. Duy trì  di sản truyền thống của tu hội (đ 578)

Điều này được nhắc đến nhiều lần trong suốt bộ Giáo luật. Đây là một trong những chủ đề chính yếu của việc canh tân theo công đồng.

Di sản truyền thống là :

– Đấng sáng lập

– Tinh thần của ngài

– Các bản viết các ý định của ngài (đã được giáo quyền thừa nhận)

– Mục đích, tinh thần và đặc tính của mỗi tu hội

– Truyền thống lành mạnh, v.v…

Tóm lại, di sản truyền thống có nghĩa là tất cả những gì tạo thành di sản trung thực của tu hội.

9. Hai thứ luật của mỗi tu hội (đ 587)

Đây cũng là điều hoàn toàn mới, không có nơi bộ luật cũ, đó là : hai thủ bản luật lệ cho mỗi tu hội : một là bản hiếp pháp (hay hiến luật, cũng gọi là luật nền tảng của các tu hội) : gồm các luật lệ căn bản và phải ngắn gọn. Bản hiến pháp này phải được châu phê bởi thẩm quyền Giáo hội (Tòa thánh cho các tu hội thuộc quyền giáo hoàng – giám mục giáo phận cho các tu hội thuộc quyền giáo phận). Mỗi khi muốn sửa đổi, cần phải có sự đồng ý của thẩm quyền ấy.

Hai là các bản luật lệ cấp thấp : gọi là qui chế – nội qui, kim chỉ nam… Thật ra trong các bản luật phụ này ghi chép nền pháp chế với đủ chi tiết thực hành do thẩm quyền của tu hội ấn định – và có thể được sửa đổi tùy theo hoàn cảnh – đó là các tổng tu nghị, tổng hội nghị toàn dòng.

II. ÁP DỤNG NHỮNG QUI TẮC TRÊN

1. Thẩm quyền của Giám mục giáo phận (đ 579, 594, 595)

– Đức giám mục có quyền thành lập trong giáo phận mình những tu hội dòng hoặc đời, các hội đời sống tông đồ. Việc thành lập này phải được thực hiện bằng một sắc lệnh chính thức.

Lưu ý: Ai lập sẽ được coi là vị sáng lập. Đức giám mục chỉ ban cho tu hội qui chế pháp lý và chính thức.

– Tu hội thuộc quyền giáo phận, được đặt dưới sự coi sóc của giám mục giáo phận (đ 594).

– Đức giám mục của trụ sở chính (thường là nhà mẹ) có quyền chuẩn nhận hiến pháp và phê chuẩn các sửa đổi. Có quyền chuẩn trước hiến pháp trong những trường hợp riêng biệt. Có quyền giải quyết các việc lớn liên hệ đến toàn thể tu hội, vượt trên quyền hạn của quyền bính nội bộ.

2. Thẩm quyền Đức Giáo hoàng (Tòa Thánh)

– Thành lập các tu hội thánh hiến hoặc châu phê bằng một sắc lệnh chính thức (đ 589).

– Tòa thánh dành cho mình những quyền sau đây, cả đối với những tu hội thuộc quyền của giáo phận: Các sự sáp nhập, thống nhất, liên hiệp hoặc tổng liên hiệp các tu hội lại với nhau (đ 582).

– Bãi bỏ một tu hội, dù tu hội thuộc quyền giáo phận và chỉ có một nhà duy nhất (đ 584).

– Chuẩn y các hiến pháp, tức bản luật nền tảng của tu hội, cũng như chuẩn y những sửa đổi hiến pháp (đ 587).

– Những thay đổi trong các tu hội đời sống thánh hiến liên quan tới những gì đã được Tòa thánh chuẩn y, thì không thể được thực hiện nếu không có phép của Tòa thánh (đ 583).

– Mọi tu hội (Giáo hoàng hay giáo phận) đều phải tuân phục Đức Giáo hoàng như bề trên tối cao, và điều này nằm trong lời khấn (đ 590).

– Các tu hội thuộc quyền Giáo hoàng trực tiếp tùy thuộc và chỉ tùy thuộc vào Tòa thánh trong việc lãnh đạo nội bộ và kỷ luật (đ 593).

3. Sự liên kết – phân chia – sáp nhập – thay đổi – giải thể các tu hội

– Liên kết một tu hội thánh hiến với một tu hội khác, thuộc thẩm quyền của tu hội đứng ra đón nhận, nhưng vẫn luôn giữ quyền tự trị của tu hội được đón nhận (đ 580).

– Việc phân chia tu hội thành nhiều phần, thuộc thẩm quyền của tu hội theo hiến pháp (đ 581).

– Sự sáp nhập và hiệp nhất các tu hội đời sống thánh hiến, dành cho Tòa thánh (đ 582).

– Những thay đổi trong các tu hội đời sống thánh hiến, phải có phép của Tòa thánh (đ 583).

– Giải thể một tu hội thì thuộc quyền của Tòa thánh cũng như quyết định về các tài sản của tu hội ấy (đ 584).

– Còn giải thể những thành phần của tu hội thì thuộc thẩm quyền của tu hội (đ 585).

4. Ơn miễn trừ

Sự miễn trừ vẫn được duy trì, nhưng nhấn mạnh về những lý do của sự miễn trừ này, đó là để lo cho lợi ích của các tu hội và lợi ích chung của Giáo hội. Nay bị giới hạn hơn bộ luật cũ. Ngày nay, thay vì là một đặc ân, thì miễn trừ là một tư cách mà Đức Giáo hoàng có thể ban cho bất cứ tu hội nào.

Miễn trừ  là điều dành cho các tu hội đời sống thánh hiến khỏi quyền lãnh đạo của các vị thường quyền sở tại và được đặt dưới quyền một mình Đức Giáo hoàng (đ 591).

5. Quyền tự trị của mỗi tu hội (đ 586)

Đây là một trong những qui tắc lớn của công cuộc cải tổ trong chương này. Đây là một qui định họa hiếm và lạ lùng trong lịch sử  Giáo luật. Bởi vì quyền tự trị đã là một khao khát lớn của các tu hội, bộ Giáo luật cũ đã không thể thừa nhận, vì tinh thần giáo quyền của thời đó. Trong khi bộ Giáo luật mới có nhiều điều khoản nhắc tới quyền tự trị này.

Quyền tự trị này càng tỏ ra cần thiết và tế nhị đối với các tu hội thuộc quyền giáo phận. Các vị thường quyền sở tại có nhiệm vụ duy trì và bảo vệ sự tự trị này.

Định nghĩa: quyền tự trị là quyền của mỗi tu hội tự đặt ra những qui tắc riêng, tương đương với những qui tắc mà luật chung thường dành cho các tu hội, và quyền sống mà không bị quyền lực nào cản trở.

Hiệu quả của quyền tự trị là:

– Các tu hội có quyền bảo toàn đoàn sủng riêng của mình

– Sống theo các qui tắc của mình

– Được bảo vệ chống lại những sự can thiệp không chính đáng từ bên ngoài

– Được quyền bảo vệ các công trình của mình

– Được tăng trưởng và phát triển trong Giáo hội

– Được làm việc trong Giáo hội mà không bị các cản trở…

6. Vai trò của các bề trên

– Để giúp cho sự hiệp thông của các tu hội với Tòa thánh cách đắc lực hơn, mỗi “vị điều khiển tối cao”, danh từ thích hợp hơn danh từ “bề trên tổng quyền” sẽ cứ thời điểm do Tòa thánh qui định mà gởi cho Tòa thánh bản tường trình ngắn gọn về sinh hoạt và các hoạt động của tu hội (đ 592 §1).

Đó là hình thức xưa của “bản tường trình ngũ niên” (luật cũ đ 510). Nay điều này mặc một hình thức uyển chuyển hơn.

– Bề trên của mỗi tu hội phải khuyến khích các người thuộc quyền tìm hiểu cặn kẽ các văn kiện Tòa thánh liên quan đến họ, và liệu sao cho họ tuân thủ các văn kiện này (đ 592 §2).

– Các bề trên và các công nghị có quyền trên các thành viên. Trong tu hội giáo sĩ còn có quyền ở tòa ngoài cũng như tòa trong (đ 596).

7. Đời sống huynh đệ (đ 602)

Đây cũng là một điều mới. Tư tưởng của điều luật này lấy lại giáo huấn của công đồng Vaticanô II (Sắc lệnh “Đức ái trọn hảo”, số 15): cổ võ sống huynh đệ, chia sẻ, cộng tác, đồng trách nhiệm, và cùng nhau thi hành sứ vụ.

– Đối với các tu hội dòng : sống chung huynh đệ là một yếu tố cơ bản (đ 607 §2). Các tu sĩ phải sống trong cộng đoàn tu viện (đ 608) – cần có phép bề trên khi vắng nhà (đ 605) – giữ luật nội vi (đ 667).

– Đối với các tu hội đời: có thể sống hoặc đơn thân hoặc trong gia đình, hay trong nhóm huynh đệ. Nói cách khác luật chung không bắt buộc họ phải sống thành cộng đoàn.

– Đối với các hội tông đồ: sống chung cũng là một yếu tố căn bản (đ 731 §1), nên cũng áp dụng những gì đã nói về tu hội dòng (đ 733,740), trừ việc chung tài sản khi bản chất của hội không đòi hỏi.

8. Vấn đề nam nữ (đ 606)

Những gì qui định về các tu hội đời sống thánh hiến và về các thành viên, đều có giá trị luật pháp cho cả hai giới nam nữ, trừ khi văn mạch hay tính chất sự việc nói rõ thể khác.

Để tránh sự khác biệt giữa nam nữ, bộ luật xếp các tu hội nữ không thuộc dòng đan viện vào loại các tu hội giáo dân (xc. đ 630 §3, đ 676).

Như vậy, các sư huynh và các “sơ” ở trong một tình trạng hoàn toàn như nhau. Nhưng phải hiểu rằng các tu sĩ là những giáo dân – hoặc giáo sĩ.

III. CHUẨN NHẬN NHỮNG HÌNH THỨC MỚI CỦA ĐỜI SỐNG THÁNH HIẾN (đ 605)

Chỉ Tòa thánh mới có quyền chuẩn nhận những hình thức mới đời sống thánh hiến. Một việc tốt đẹp, nhưng là một sứ mạng đáng sợ, đã được trao vào tay các giám mục giáo phận, đó là nhận xét những khởi xướng mà Chúa Thánh Thần khơi dậy trong lòng Giáo hội.

Trước đây, nhiệm vụ của các giám mục là, có vẻ là, kềm chế và đặt ra những đòi hỏi cho các khởi xướng này, trước khi ban sắc lệnh phê chuẩn, nay, bổn phận của các ngài là nhận xét và giúp đỡ các khởi xướng đó.

Thừa nhận một vài hình thức mới đời sống thánh hiến

1. Ẩn tu hay độc tu (đ 603)

Nay trả lại địa vị cao quý cho hình thức sống trọn lành vẫn có từ hồi đầu trong Giáo hội, và là một hình thức rất trung thực, nhưng Giáo hội không thể coi đây là một thứ tu hội. Đây là đời sống ẩn tu, vị tu hành sống hoàn toàn đơn độc (không phải cuộc sống đơn độc mà một vài tu hội có thể chấp nhận cho các thành viên của mình theo luật lệ của tu hội). Lối sống này đã mở ra nhiều triển vọng cho những tâm hồn được Chúa Thánh Thần hướng dẫn (đ 603 §1). Còn khoản 2 của điều luật này nêu ra những điều kiện để lối sống thánh thiện này được giám mục giáo phận thừa nhận. Ngài giữ vai trò rất lớn ở đây. Những điều kiện đó là công khai giữ  3 lời khuyên Phúc Âm – được củng cố bằng lời khấn hoặc bằng một dây ràng buộc thánh nào khác – giữ nếp sống riêng của mình.

2. Các trinh nữ  (đ 604)

Bậc sống của các trinh nữ cũng giống như các hình thức sống thánh hiến khác, nhưng khác ở chỗ chỉ đặt nền trên sự thực thi đức trinh khiết để tiến lên mức trọn lành, đúng như được nêu lên ở điều 599 về lời khấn khiết tịnh. Sự quyết tâm của các trinh nữ không được coi là một lời khấn, nhưng truyền thống Giáo hội vẫn xem là gần như một lời khấn. Bậc các trinh nữ được gọi như thế từ thời xa xưa, và dành để chỉ các trinh nữ đã sống thánh hiến cho Thiên Chúa. Ở đây giám mục giáo phận đóng vai rất quan trọng của các vị thánh giám mục vĩ đại xưa của Giáo hội thời nguyên thủy. Trong tay đức giám mục, và nhờ lòng nhiệt thành tông đồ ngài, các trinh nữ dâng mình để sống độc nhất cho Chúa Kitô và để lo cho ơn cứu độ của nhân loại. Nghi thức và luật sống của các trinh nữ hàm chứa một sự phong phú thần học rất lớn lao. Các trinh nữ có thể sống tập hợp với nhau để giúp nhau sống thánh hiến và lo việc tông đồ theo các hình thức của Giáo luật.

Tóm lại, những hình thức được nhắc tới ở các điều 603 và 604, không phải là những hình thức mới, nhưng là những hình thức xưa kia đang được phục hồi : các vị ẩn tu và các trinh nữ thánh hiến, đã không có chỗ đứng trong bộ Giáo luật 1917, vì bị coi là những thể chế hết thời, nay được phục hồi.

Những điều luật trên không liên quan gì đến các tu sĩ sống cuộc đời ẩn tu chiếu theo tu hội của họ, hoặc với phép bề trên của họ, cũng không liên quan gì đến các nữ tu các đan viện vẫn giữ nguyên lễ nghi xưa về việc “thánh hiến các trinh nữ”, nhưng liên quan đến các giáo dân sống giữa đời, hoặc các linh mục triều muốn sống đời ẩn tu và được đặt trực tiếp dưới sự chỉ dẫn của đức giám mục. Nếu họ có vào hội với nhau, thì đó không phải là những tu hội tận hiến.

Xét theo một nghĩa nào đó, “người trinh nữ thánh hiến” như hiền thê của Chúa Kitô, có một sự tận hiến cương quyết hơn sự thánh hiến của một nữ tu đã tuyên khấn mà không qua nghi lễ này. Nhưng người trinh nữ thánh hiến không buộc giữ đầy đủ các lời khuyên Phúc Aâm, không buộc sống chung dưới quyền bà bề trên. Chỉ một thí dụ này cũng đủ cho thấy các ơn kêu gọi khác nhau chừng nào, và rất khó xếp loại các ơn kêu gọi đó. Cần nhất là đừng muốn lập ra một phẩm trật “giữa các đoàn sủng” và cần phải công nhận với thánh Phaolô rằng : “mỗi người nhận được bởi Thiên Chúa là hồng ân riêng của mình, người này nhận được cách này, người kia nhận được cách khác” (I Cor 7,7).