GIẢI THÍCH
BỘ GIÁO LUẬT NĂM 1983
CỦA HỘI THÁNH CÔNG GIÁO
Tác giả: Lm. Giacôbê Phạm Văn Phượng, OP.
***
***
QUYỂN II:
DÂN THIÊN CHÚA
—***—
DẪN NHẬP
Quyển II là quyển quan trọng nhất về độ dài, với 543 điều, chiếm gần 1/3 bộ luật, và về tầm giá trị, có nhiều thay đổi diễn tả tinh thần và đường hướng canh tân của công đồng Vaticanô II. Tất cả bộ Giáo luật liên quan đến luật pháp của dân Thiên Chúa, nhưng quyển II được dành riêng cho qui chế pháp lý của những người trong Giáo hội và của những cấu trúc cai trị của Giáo hội.
Quyển II gồm ba phần :
1. Các tín hữu Kitô.
2. Cơ cấu phẩm trật của Giáo hội .
3. Các tu hội đời sống thánh hiến và các hội đời sống tông đồ.
MỤC I
CÁC TÍN HỮU KITÔ NÓI CHUNG
CÁC TÍN HỮU KITÔ NÓI CHUNG
I. MỘT VÀI KHÁI NIỆM
1. Định nghĩa
Bộ luật đã đưa ra một định nghĩa: tín hữu Kitô là người tin theo Đức Kitô, được sáp nhập vào Đức Kitô bằng phép Rửa tội, làm thành dân Thiên Chúa, trở thành những người được tham dự vào chức tư tế, ngôn sứ và vương đế của Đức Kitô. Họ được mời gọi, theo địa vị riêng của họ, thực thi sứ mạng mà Thiên Chúa đã trao cho Giáo hội phải chu toàn trong thế giới (đ 204 §1).
2. Thẩm quyền lãnh đạo trong Giáo hội
Giáo hội được thiết lập và tổ chức trong thế giới như một xã hội, được cai trị bởi đấng kế vị thánh Phê-rô và bởi các giám mục hiệp thông với ngài (đ 204 §2).
3. Người tín hữu trong Giáo hội
Được hiệp thông đầy đủ vào Giáo hội Công giáo là những người đã chịu phép Rửa tội, và trong lòng Giáo hội họ được kết hiệp với Đức Kitô trong cơ cấu hữu hình của Giáo hội bằng mối dây hiệp nhất do việc tuyên xưng đức tin, lãnh nhận các bí tích và nhận quyền lãnh đạo của Giáo hội (đ 205).
4. Đối với người dự tòng
Các người dự tòng, dù chưa lãnh nhận bí tích Rửa tội, nhưng đã kết hiệp với Giáo hội rồi và Giáo hội coi họ như con cái mình (đ 206 §1,2).
Vậy đừng lấy làm lạ khi thấy họ được hưởng một số á bí tích (xc. đ 1170), lễ hôn phối và an táng của họ (xc. đ 1183 §1).
II. GIÁO SĨ VÀ GIÁO DÂN TRONG GIÁO HỘI
1. Bậc sống trong Giáo hội
Điều 207 nêu rõ hai bậc sống chủ yếu của đời sống Giáo hội: giáo sĩ và giáo dân. Hai bậc sống bắt nguồn nơi bí tích Rửa tội và bí tích Truyền chức thánh (đ 207 §1).
2. Các tu sĩ
Các thành viên của các tu hội không tạo thành một bậc sống đứng giữa hai bậc sống trên, vì các tu hội gồm đủ các tín hữu của cả hai nhóm đó, tức là có tu sĩ giáo sĩ và tu sĩ giáo dân. Tuy nhiên, cần biết rằng : cộng đoàn Giáo hội sẽ không được hoàn thành nếu không có các tu hội này. Có thể nói, nếu không có các cuộc đời thánh hiến của các tu sĩ thì Giáo hội sẽ không có sự sống đầy đủ thánh thiện (đ 207 §2).
III. QUYỀN LỢI VÀ BỔN PHẬN CỦA TẤT CẢ CÁC TÍN HỮU KITÔ
Bộ Giáo luật khẳng định như sau :
1. Mọi tín hữu Kitô đều bình đẳng về phẩm giá và hành động (đ 208).
2. Bổn phận của mỗi người là phải giữ mọi hiệp thông với Giáo hội toàn cầu cũng như địa phương (đ 209 §1,2).
3. Mọi người phải cố gắng sống thánh thiện và cổ võ cho Giáo hội được tăng trưởng và thánh thiện (đ 210).
4. Bổn phận truyền giáo là bổn phận của tất cả Kitô hữu (đ 211).
5. Mọi người có bổn phận vâng phục các vị chủ chăn như là đại diện Chúa Kitô (đ 212 §1).
6. Mọi người được quyền bày tỏ cho các chủ chăn những nhu cầu và nguyện vọng của mình (đ 212 §2).
7. Mọi người có quyền bày tỏ cho các chủ chăn biết những ý kiến của mình với lòng tôn kính (đ 212 §3).
8. Mọi người có quyền được các chủ chăn trợ giúp các ơn ích thiêng liêng, nhất là lời Chúa và các bí tích (đ 213).
9. Mọi người có quyền tham dự các việc phụng tự và sống cuộc sống tinh thần của mình (đ 214).
10. Mọi người có quyền sáng lập và điều hành các hiệp hội bác ái, đạo đức (đ 215).
11. Mọi người có quyền dùng cả những sáng kiến riêng để cổ võ và nâng đỡ hoạt động tông đồ (đ 216).
12. Mọi người có quyền được hưởng một nền giáo dục Kitô giáo để biết sống mầu nhiệm cứu độ (đ 217).
13. Những người chuyên về các môn học thánh có quyền tự do nghiên cứu, tự do phát biểu, nhưng với lòng tuân phục quyền thầy dạy của Giáo hội (đ 218).
14. Mọi người có quyền tự do lựa chọn bậc sống, không bị bất cứ một cưỡng bách nào (đ 219).
15. Mọi người có quyền giữ danh dự và quyền bảo vệ đời sống riêng tư (đ 220).
16. Mọi người có quyền được xét xử công minh trước tòa án của Giáo hội và chỉ bị phạt chiếu theo luật (đ 221 §1,2,3).
17. Mọi người có bổn phận trợ cấp cho những nhu cầu vật chất của Giáo hội và cổ võ công lý xã hội và cứu trợ những người nghèo khổ (đ 222 § 1,2).
18. Mọi người có bổn phận để ý đến công ích của Giáo hội, để ý đến quyền lợi của người khác, và vì công ích của Giáo hội, Giáo hội có quyền điều giảm các quyền lợi riêng của họ (đ 223 § 1,2).
MỤC II
NGHĨA VỤ VÀ QUYỀN LỢI CỦA NHỮNG TÍN HỮU KITÔ GIÁO DÂN
NGHĨA VỤ VÀ QUYỀN LỢI CỦA NHỮNG TÍN HỮU KITÔ GIÁO DÂN
Bộ Giáo luật xếp đặt các điều luật liên quan đến giáo dân liền sau các điều liên quan chung đến tất cả các tín hữu, và trước phần dành cho giáo sĩ là điều rất hay và có ý nghĩa: giáo dân là thành phần đông đảo nhất trong dân Chúa so với giáo sĩ chỉ là một thành phần bé nhỏ
Sau đây là những nghĩa vụ và quyền lợi riêng của người giáo dân (đ 224). Có thể xếp thành hai loại : các nghĩa vụ chung và các nghĩa vụ khác.
1. Các nghĩa vụ chung: làm chứng nhân và làm tông đồ
Nghĩa vụ này đặt cơ sở nơi phép Rửa tội và Thêm sức. Nó được thực thi cách cá nhân hoặc cách tập thể: làm cho mọi người nhận biết và đón nhận sứ điệp ơn cứu độ. Mỗi người thực thi nghĩa vụ này tại nơi mình sinh sống trong khi thi hành các hoạt động trần thế của mình (đ 225 §1,2).
Với tư cách là vợ chồng, phần quan trọng nhất của việc tông đồ của họ là nêu cao sự thánh thiện. Với tư cách là cha mẹ, họ phải lo cho con cái được hấp thụ nền giáo dục Kitô giáo (đ 226 §1,2).
2. Các nghĩa vụ khác
– Giáo dân có thể dùng quyền tự do công dân để loan truyền Tin Mừng và đạo lý của Giáo hội. Nhưng cẩn thận đừng trình bày ý kiến riêng của mình trong những vấn đề còn đang tranh luận (đ 227).
– Khi có khả năng, giáo dân có thể được các vị chủ chăn trao cho những chức vụ trong Giáo hội mà Giáo luật cho phép. Họ có thể làm chuyên viên hoặc cố vấn trong các thứ hội đồng để giúp đỡ các chủ chăn (đ 228 §1,2).
– Giáo dân có thể học các môn học thánh tại các đại học và phân khoa của Giáo hội, cũng như giảng dạy các môn học đó khi được giáo quyền ủy cho việc đó (đ 229 §1,2,3).
– Giáo dân nam hội đủ tuổi và những đức tính cần thiết có thể được nhận một cách vĩnh viễn vào những tác vụ đọc sách và giúp lễ bằng một nghi thức phụng vụ đã được qui định và không có bổng lộc gì. Mọi giáo dân có thể đọc sách trong những hoạt động phụng vụ, và chú giải, ca hát hoặc các nhiệm vụ khác. Khi nhu cầu đòi hỏi và khi không có thừa tác viên thánh, họ có thể thi hành tác vụ lời Chúa, chủ tọa các buổi kinh phụng vụ, ban bí tích Rửa tội và cho rước lễ (đ 230 §1,2,3).
– Khi được chọn vào tác vụ gì, phải có một sự huấn luyện thích hợp cần thiết và buộc chu toàn cách ý thức và nhiệt thành, và có quyền được thù lao xứng đáng tương ứng với nhu cầu của họ và gia đình, và cũng có quyền được bảo đảm về an ninh xã hội và được trợ cấp khi đau yếu (đ 231 §1,2).
MỤC III
CÁC THỪA TÁC VIÊN THÁNH HAY GIÁO SĨ
CÁC THỪA TÁC VIÊN THÁNH HAY GIÁO SĨ
I. KHÁI NIỆM
Bí tích Truyền chức là nền tảng cho hàng giáo sĩ, cũng như bí tích Rửa tội là nền tảng cho bậc sống “các tín hữu Kitô”.
Vấn đề này Giáo luật mới có những thay đổi về vị trí so với Giáo luật cũ. Trong Giáo luật cũ, vấn đề này nằm trong quyển III dành cho huấn quyền của Giáo hội, nên không được ai để ý, và chương 21 của bộ luật cũ bàn về chủng viện với 31 điều. Nay trong Giáo luật mới, tất cả các vấn đề về giáo sĩ được đưa sang quyển II, có thêm điều mới, nhiều vấn đề mới và môt sự sắp xếp hợp lý hơn và tốt hơn.
Công đồng Vaticanô II đã để ý nhiều đến vấn đề huấn luyện các giáo sĩ. Các nét chính đã được phác họa tại công đồng, và sau đó đã được triển khai trong sắc lệnh “Optatam totius”. Sau đó lại được thương hội đồng giám mục lần I năm 1967 nghiên cứu thêm.
Theo ủy nhiệm của công đồng, các qui tắc căn bản về huấn luyện linh mục sẽ được các hội đồng giám mục thích ứng cho mỗi nước, và sẽ được định kỳ duyệt xét lại và được Tòa thánh phê chuẩn “để việc huấn luyện linh mục luôn đáp ứng với nhu cầu mục vụ”.
Thêm vào đó là nội qui của mỗi chủng viện được thảo ra đúng theo các qui tắc của mỗi hội đồng giám mục, và có sự phê chuẩn của giáo quyền.
II. HUẤN LUYỆN GIÁO SĨ
1. Quyền huấn luyện giáo sĩ
Giáo hội có nghĩa vụ và quyền riêng và độc hữu huấn luyện những người được cử vào các tác vụ thánh (đ 232). Bộ Giáo luật cũ chỉ nói đến quyền, bộ luật mới nói đến quyền và nghĩa vụ. Như thế cho thấy Giáo hội có ý thức rõ ràng hơn và có quyết tâm chu toàn bổn phận của mình.
Tất cả các tín hữu, các cộng đoàn Kitô giáo và nhất là giám mục giáo phận phải lưu tâm cổ võ ơn gọi và việc huấn luyện giáo sĩ, vì đây là “chìa khóa” của mùa gặt cho công vụ tông đồ (đ 233 §1). Và cũng phải quan tâm đến ơn gọi của người lớn tuổi (đ 233 §2).
2. Tiểu chủng viện và đại chủng viện
Việc huấn luyện giáo sĩ thường được thực hiện trong các chủng viện.
Ở đâu đã có tiểu chủng viện thì phải duy trì và khuyến khích; ở đâu không có, khuyên các giám mục giáo phận nên tạo lập (đ 234). Sau đó sẽ được huấn luyện ở đại chủng viện. Thời gian không được ít hơn 4 năm (đ 235).
Còn các phó tế vĩnh viễn. Nếu còn trẻ, phải ở trong một nhà nào đó 3 năm do đức giám mục chỉ định, còn những người lớn tuổi phải qua 3 năm huấn luyện (đ 236).
3. Chủng viện giáo phận và liên giáo phận
Các đại chủng viện được coi là cần thiết cho việc huấn luyện linh mục, kinh nghiệm nhiều thế kỷ chứng minh điều này, không có các đại chủng viện sẽ không dễ đáp ứng thỏa mãn việc huấn luyện những người chuẩn bị lên chức linh mục.
Có 3 cách giải quyết :
a. Đại chủng viện của mỗi giáo phận : đó là giải pháp được Giáo hội ưa thích hơn hết. Cho nên ở đâu có thể làm được thì phải cố gắng làm.
b. Đại chủng viện của một giáo phận đón nhận chủng sinh của các giáo phận khác. Đại chủng viện này thuộc quyền giám mục giáo phận có đại chủng viện. Các chủng sinh phải hội nhập hoàn toàn vào đại chủng viện này.
c. Đại chủng viện liên giáo phận : để đón nhận các chủng sinh nhiều giáo phận. Giáo luật có xét đến việc thành lập các đại chủng viện toàn quốc hoặc miền dành cho nhiều giáo phận. Trước khi hành động, các giám mục liên hệ phải có phép Tòa thánh (đ 237 §1,2).
Các tiểu chủng viện và đại chủng viện được thành lập hợp pháp thì đương nhiên có tư các pháp nhân. Theo nguyên tắc, linh mục giám đốc sẽ đại diện chủng viện trong mọi công việc, trừ những việc được chỉ định cách khác bởi vị có thẩm quyền (đ 238 §1,2).
4. Điều hành chủng viện
Những vị có nhiệm vụ huấn luyện các chủng sinh phải tạo nên một ê-kíp thuần nhất. Họ phải có kiến thức đầy đủ và phải ý thức sâu xa về sứ mạng của mình, Đó là ê-kíp mà đức giám mục phải chăm sóc hơn hết. Trong ê-kíp này, đứng đầu là vị giám đốc, nếu cần thêm một phó giám đốc, một vị quản lý, các giáo sư (đ 239 §1).
Nay không còn sự phân biệt như trước đây, cha giám đốc thì có quyền về kỷ luật, cha giám học có quyền về việc giảng dạy.
Cũng phải có một vị linh hướng, chỉ một thôi, vì có nhiều cha linh hướng có thể gây va chạm. Có linh hướng cho mỗi chủng viện để bảo đảm tốt hơn cho đời sống nội tâm và tinh thần của các chủng sinh. Nhưng chủng sinh vẫn được tự do tiếp xúc với những linh mục khác đã được đức giám mục chỉ định vào việc này (đ 239 §2).
Việc điều hành, nhất là về kỷ luật, phải được qui định rõ ràng trong nội qui của chủng viện (đ 239 §3).
Ngoài các linh mục giải tội thường lệ, còn phải có các linh mục giải tội khác đến chủng viện đúng kỳ, và chủng sinh được trọn quyền đến với bất cứ linh mục giải tội nào trong hoặc ngoài chủng viện (đ 240 §1)
Trong việc nhận cho các chủng sinh được chịu chức hay bị loại ra khỏi chủng viện không bao giờ được hỏi ý kiến linh mục linh hướng và các linh mục giải tội (đ 240 §2).
Kinh nghiệm cho thấy rằng, dù vẫn tôn trọng tự do của chủng sinh trong việc chọn cha linh hướng hoặc cha giải tội, nhưng nên khuyên họ thường xuyên tiếp xúc với một cha giải tội hoặc một cha linh hướng, như vậy có thể hướng dẫn họ tới việc chịu chức hay khuyên họ rút lui.
5. Nhận vào đại chủng viện
Đức giám mục có trách nhiệm nhận các thanh thiếu niên vào chủng viện. Việc này được coi là quan trọng. Sự thường đức giám mục ủy quyền này cho cha giám đốc. Một sự lựa chọn tốt sẽ tránh được những khó khăn về sau (đ 241 §1).
Chủng sinh phải nộp đầy đủ hồ sơ cần thiết (đ 241 §2).
Nếu nhận một người đã bị một chủng viện hay một tu hội loại ra, cần phải có giấy chứng minh của bề trên liên hệ, nhất là về lý do tại sao họ bị thải hồi hoặc họ bỏ ra đi (đ 241 §2).
6. Đời sống ở chủng viện
a. Chương trình học
Trong mỗi nước phải có chương trình huấn luyện do hội đồng giám mục ấn định và được Tòa thánh phê chuẩn. Chương trình này phải ấn định những nguyên tắc cơ bản của việc huấn luyện và những qui tắc tổng quát thích nghi với nhu cầu mục vụ (đ 242 §1). Chương trình này phải được tuân thủ trong tất cả các chủng viện hoặc liên giáo phận (đ 242 §2).
b. Nội qui
Mỗi chủng viện còn phải có một nội qui riêng được đức giám mục phê chuẩn. Nội qui phải đề cập về kỷ luật liên quan tới sinh hoạt hằng ngày của các chủng sinh (đ 243).
7. Việc huấn luyện ở chủng viện
Việc huấn luyện chủng sinh về tinh thần và về học thuyết phải được phối trí hài hòa để chủng sinh trưởng thành về nhân bản và kiến thức (đ 244).
a. Huấn luyện về tinh thần
Phải làm sao cho chủng sinh có khả năng thi hành nhiệm vụ chủ chăn và tinh thần truyền giáo (đ 245 §1).
Phải làm cho họ thấm nhuần mầu nhiệm Giáo hội, gắn bó với Đức Giáo hoàng, liên kết với đức giám mục như những cộng tác viên trung thành và cùng làm việc với anh em linh mục của họ (đ 245 §2).
Tham dự thánh lễ hằng ngày như trung tâm của tất cả cuộc sống ở chủng viện (đ 246 §1).
Tập luyện để cử hành việc phụng vụ các giờ kinh (đ 246 §2).
Phải cổ võ lòng sùng kính Đức Ma-ri-a, kể cả việc lần chuỗi Mân côi, tập nguyện gẫm và các việc đạo đức khác (đ 246 §3).
Năng lãnh nhận bí tích Giải tội (đ 246 §3)
Hằng năm phải dự cuộc tĩnh tâm (đ 246 §5)
b. Huấn luyện về luân lý
Một nền giáo dục thích hợp sẽ chuẩn bị chủng sinh giữ đời sống độc thân, quí trọng nó như một hồng ân quí báu của Chúa chứ không phải chỉ thuần túy là một luật truyền của Giáo hội hay một gánh nặng (đ 247 §1).
Cho họ biết rõ các bổn phận riêng của thừa tác viên thánh, đừng giấu diếm một khó khăn nào của đời sống linh mục (đ 247 §2).
c. Huấn luyện về học thuyết
* Nền học vấn tổng quát
Mang lại cho họ một nền đạo lý sâu rộng và chắc chắn trong các môn học thánh (đ 248). Phải hiểu biết rành rọt tiếng La tinh và có kiến thức đầy đủ về các ngoại ngữ (đ 249).
* Học triết và thần học
Việc học này phải gồm ít là 6 năm trọn : 2 năm triết và 4 năm thần (đ 250).
Việc dạy triết phải dựa trên gia sản có giá trị ngàn đời bắt rễ trong học thuyết thánh Tôma Aquinô để có thể học thần học (đ 251).
Việc dạy thần học phải làm sao cho họ biết toàn vẹn giáo lý Công giáo (đ 252 §1).
Phải đặc biệt giảng dạy Kinh Thánh, vì đó là linh hồn của tất cả khoa thần học (đ 252 §2).
Học các môn về thần học tín lý, luân lý, mục vụ, giáo luật, phụng vụ, lịch sử Giáo hội và các môn phụ và chuyên môn khác (đ 252 §3).
d. Việc tuyển chọn các giáo sư
Để dạy các môn triết, thần và Giáo luật, đức giám mục chỉ bổ nhiệm những người lỗi lạc về nhân đức và đã đậu tiến sĩ hay cử nhân tại một đại học hay phân khoa được Tòa thánh công nhận (đ 253 §1).
Phải có các giáo sư riêng biệt để dạy các môn Kinh Thánh, tín lý, luân lý, phụng vụ, triết học, giáo luật, lịch sử Giáo hội và các môn học khác (đ 253 §2).
Giáo sư nào thiếu sót cách nặng trong nhiệm vụ sẽ bị đức giám mục bãi nhiệm (đ 253 §3).
e. Cách giảng dạy
Các giáo sư phải để ý đến đặc tính duy nhất, chặt chẽ và hài hòa của toàn bộ giáo lý đức tin, nên trong chủng viện phải có một vị điều hành toàn bộ chương trình học (đ 254 §1).
Dạy cho chủng sinh có khả năng nghiên cứu để có thể giải quyết một số đề tài bằng công sức riêng của họ (đ 254 §2).
Tất cả việc huấn luyện nhằm mục đích mục vụ, nếu không sự huấn luyện và học tập sẽ vô ích (đ 255).
Đặc biệt áp dụng vào thừa tác vụ thánh, dạy giáo lý, diễn giảng Tin Mừng, thờ phượng Chúa, nhất là cử hành các bí tích, giao tiếp với mọi người, quản trị giáo xứ (đ 256 §1).
Cũng phải được học về các nhu cầu của Giáo hội, lo đến các ơn kêu gọi, vấn đề truyền giáo, đại kết và những vấn đề khẩn cấp khác, kể cả những vấn đề xã hội (đ 256 §2).
Dạy cho họ chẳng những lưu tâm đến Giáo hội địa phương, mà cả Giáo hội toàn cầu nữa (đ 257 §1).
Giám mục giáo phận phải lo sao để giáo sĩ đổi địa phương được chuẩn bị thích hợp để thi hành tác vụ, như học tiếng địa phương, tục lệ v.v…(đ 257 §2).
Ngay trong thời gian học, cần có thực tập, nhất là kỳ hè, do đức giám mục ấn định (đ 258).
8. Việc quản trị chủng viện
Đức giám mục ấn định tất cả những gì liên quan đến ban giám đốc và quản trị chung của chủng viện (đ 259 §1).
Đức giám mục đích thân thường xuyên kinh lý chủng viện (đ 259 §2).
Mọi người phải vâng phục vị giám đốc (đ 260).
Giám đốc, các giáo sư phải lo cho chủng sinh tuân thủ chương trình và nội qui chủng viện (đ 261 §1).
Giám đốc và giám học phải lo cho các giáo sư chu toàn trọng trách của họ (đ 261 §2).
Chủng viện được miễn trừ khỏi quyền cai trị của giáo xứ, Giám đốc và các giáo sư ở chủng viện không phải chỉ lễ cho giáo dân (tức những người ở trong chủng viện). Còn các giáo sư ở ngoài chủng viện thì không được gồm trong sự miễn trừ này, vì sự miễn trừ của chủng viện có tính cách đối địa chứ không đối nhân (đ 262).
Đức giám mục phải lo cung cấp cho việc thiết lập và duy trì chủng viện, nuôi dưỡng các chủng sinh và trả thù lao cho các giáo sư và các nhu cầu khác của chủng viện (đ 263).
Để lo việc trên, ngoài tiền quyên được nói ở điều 1266, đức giám mục có thể đặt một khoản đóng góp trong giáo phận (đ 264 §1).
Khoản đóng góp này cho chủng viện buộc tất cả các pháp nhân trong Giáo hội, việc đóng góp này phải tương xứng theo nhu cầu của chủng viện (đ 264 §2).
MỤC IV
GIÁO SĨ GIA NHẬP HOẶC NHẬP TỊCH GIÁO PHẬN
GIÁO SĨ GIA NHẬP HOẶC NHẬP TỊCH GIÁO PHẬN
Chương này chú ý đến 2 điều :
1. Muốn tất cả các giáo sĩ đều có nhập tịch, để tránh tình trạng những giáo sĩ bơ vơ, không nơi cư trú.
2. Muốn có sự phân phối giáo sĩ tốt hơn, để các giáo phận có thể tương trợ nhau về nhân sự. Đó là tinh thần hiệp nhất và cộng tác được đề ra trong sắc lệnh về linh mục của công đồng Vaticanô II.
Sau đây là những qui định cụ thể :
Bất cứ giáo sĩ nào cũng phải nhập tịch hoặc một giáo hội địa phương hoặc một tu hội nào đó, tuyệt đối không chấp nhận những giáo sĩ không dưới quyền ai hay phiêu cư (đ 265).
Điềy này có tính kỷ luật. Mục đích là tránh tình trạng có những giáo sĩ “không đầu”, nghĩa là không có vị thường quyền, không có bề trên riêng. Thực ra, nội dung của điều luật này bao hàm hơn : nhằm bảo đảm một số quyền lợi cho các giáo sĩ, và nhất là muốn cụ thể hóa chức năng phục vụ của thừa tác vụ thánh.
Nhận chức phó tế là liên kết một giáo sĩ với một giáo hội địa phương. Đối với một tu sĩ cũng vậy, chức phó tế liên kết họ với một tu hội, nơi họ khấn trọn đời. Đối với thành viên tu hội đời, liên kết họ vào giáo hội địa phương đã cho họ lãnh chức để phục vụ (đ 266 §1,2,3).
a. Chuyển tịch từ giáo phận sang giáo phận
Không một sự xuất giáo phận nào có hiệu lực mà không có sự nhập giáo phận tương ứng (đ 267 §1,2), nghĩa là việc cho xuất tịch chỉ có hiệu quả khi đã được nhập tịch vào giáo hội địa phương khác.
Một giáo sĩ đã rời giáo phận mình hợp pháp, thì sau 5 năm sẽ đương nhiên nhập vào giáo phận đón nhận, phải tỏ ý xin bằng giấy tờ. Nếu cả hai giám mục hai giáo phận trong 4 tháng từ lúc nhận đơn không thông báo từ chối (đ 268 §1).
b. Chuyển tịch từ giáo phận sang dòng tu
Sau khi đã được nhận vĩnh viễn vào một tu hội thì giáo sĩ ra khỏi giáo phận mình và nhập tịch vào tu hội ấy (đ 268 §2).
Giám mục giáo phận đừng cho phép giáo sĩ nhập tịch, trừ khi vì nhu cầu hoặc lợi ích của giáo phận (đ 269).
Chỉ có thể cho phép xuất giáo phận một cách hợp pháp vì những lý do chính đáng, như ích lợi của Giáo hội hoặc thiện ích của chính giáo sĩ. Nhưng không được từ chối cho phép xuất giáo phận, trừ khi có lý do quan trọng (đ 270).
c. Giáo sĩ đi phục vụ tại giáo phận khác
Trừ trường hợp thật sự có nhu cầu cho giáo phận mình, giám mục không được từ chối cho phép một giáo sĩ đi phục vụ trong một giáo phận khác, vì nơi ấy thiếu trầm trọng giáo sĩ. Phải làm giấy tờ ấn định quyền lợi và nghĩa vụ của giáo sĩ này với vị giám mục giáo phận đón nhận (đ 271 §1).
Sự cho phép này có thể được hạn định một thời gian nào đó, cũng được gia hạn nhiều lần mà giáo sĩ ấy vẫn có chỗ đứng trong giáo phận gốc của mình (đ 271 §2).
Giáo sĩ này có thể bị giám mục của mình gọi về, nhưng phải tôn trọng những thỏa thuận đã ký kết và phải giữ sự công bình tự nhiên (đ 271 §3).
Giám quản giáo phận không thể cho phép xuất hay nhập giáo phận cũng như cho phép chuyển sang giáo phận khác, trừ khi tòa giám mục trống ngôi được một năm và có sự ưng thuận của hội đồng tư vấn (đ 272).
MỤC V
NGHĨA VỤ VÀ QUYỀN LỢI CỦA CÁC GIÁO SĨ
NGHĨA VỤ VÀ QUYỀN LỢI CỦA CÁC GIÁO SĨ
Các giáo sĩ có nghĩa vụ đặc biệt tôn kính và vâng phục Đức Giáo hoàng và vị thường quyền của mình (đ 273). Vì nhiều lý do: sự tùy thuộc vào hàng giáo phẩm – việp nhập tịch vào giáo phận hoặc một cơ chế tương đương – Lời hứa vâng lời khi lãnh nhận chức linh mục – và lời tuyên khấn đối với các tu sĩ (xc. PO,số 7).
Sự bất tuân phục đối với một lệnh truyền hợp pháp sẽ bị phạt xứng đáng (xc. đ 1371), và người xúi giục người khác bất tuân phục sẽ bị phạt nặng hơn (xc. đ 1373).
Chỉ các giáo sĩ mơi có thể nhận các chức vụ đòi có chức thánh hoặc quyền lãnh đạo của Giáo hội. Nên họ phải nhận và chu toàn chức vụ (đ 274 §1,2).
Các giáo sĩ phải hợp nhất hay liên kết với nhau trorng tình huynh đệ bằng cầu nguyện và cộng tác với nhau (đ 275 §1). Họ phải công nhận và cổ võ sứ mạng của giáo dân thi hành phận vụ của họ (đ 275 §2).
1. Đời sống thánh thiện
a. Là những người ban phát các mầu nhiệm của Chúa và phục vụ dân Chúa, các giáo sĩ phải sống cuộc đời thánh thiện (đ 276 §1). Để được như thế, họ phải:
– Chu toàn những bổn phận thừa tác mục vụ.
– Nuôi dưỡng đời sống thiêng liêng bằng Thánh Thể và Kinh Thánh, nên linh mục được mời gọi cử hành thánh lễ mỗi ngày, các phó tế thì tham dự thánh lễ hằng ngày.
– Các linh mục, phó tế và ứng viên linh mục phải chu toàn việc đọc các giờ kinh phụng vụ.
– Phải tham dự cuộc tĩnh tâm hằng năm.
– Phải suy gẫm, lãnh bí tích giải tội, đặc biệt tôn sùng Đức Mẹ và những phương thế thánh hóa khác (đ 275 §2).
b. Phải giữ đức khiết tịnh trọn vẹn và vĩnh viễn trong bậc độc thân, nên phải thận trọng trong việc giao tiếp. Đức giám mục có thể ấn định những qui tắc rõ ràng hơn về vấn đề này (đ 277 §1,2,3).
c. Giáo sĩ có quyền lập hội để giúp nhau, nâng đỡ nhau thi hành hữu hiệu tác vụ và hiệp nhất với giám mục. Nhưng không chấp nhận những hội không thích hợp với bậc sống giáo sĩ hoặc với hoạt động tông đồ (đ 278 §1,2,3).
2. Học vấn của giáo sĩ
Sau khi lãnh chức linh mục, các giáo sĩ vẫn phải tiếp tục học hỏi Kinh Thánh, truyền thống Giáo hội, văn kiện của các công đồng và giáo hoàng. Luật chung để cho luật riêng ấn định cách thức việc huấn luyện liên tục này (đ 279 §1,2,3).
Việc huấn luyện liên tục này là việc rất quan trọng trong thời đại ngày nay, để các giáo sĩ trở nên thức thời đối với các trào lưu tư tưởng và cũng là để luôn cải tiến việc học vấn của họ. Các giáo sĩ rất được khuyến khích theo một lối sống chung nào đó (đ 280).
3. Thù lao
Các giáo sĩ có quyền hưởng thù lao tương xứng với mỗi thời và mỗi nơi. Cũng phải lo cho họ được hưởng trợ cấp xã hội để bảo đảm khi bệnh tật, đau yếu, tuổi già (đ 281 §1,2).
Các phó tế có gia đình được hưởng thù lao đủ cho các nhu cầu của họ và gia đình (đ 281 §3).
Chính đức giám mục có bổn phận nhắc nhở các tín hữu để họ chu toàn nghĩa vụ này đối với linh mục.
4. Sống bình dị
Các giáo sĩ phải sống đơn giản, tránh tất cả những vẻ hào nhoáng, và phải dùng của dư thừa cho các nhu cầu của Giáo hội và công cuộc bác ái (đ 282 §1,2).
5. Trú sở
Cả khi không có một chức vụ đòi phải có trú sở, giáo sĩ không được vắng khỏi giáo phận trong một thời gian đáng kể mà luật riêng ấn định (đ 283 §1).
Các tác giả giải thích khác nhau về “thời gian đáng kể”. Có người cho là 3 tháng, có người cho là không được quá một tháng. Bộ Giáo luật dành riêng cho luật riêng (giáo phận) ấn định.
Mỗi năm giáo sĩ có quyền đi nghỉ một thời gian, do luật chung ấn định (nhiều nhất là một tháng), liên tục hay cách quãng (cho linh mục chính xứ, xem điều 533 §2) hoặc do luật riêng ấn định (đ 283 §2).
6. Y phục
Hội đồng giám mục có bổn phận ấn định y phục của giáo sĩ (đ 284). Y phục của giáo sĩ đã được ấn định bởi nhiều qui định khác nhau trong lịch sử, nay Giáo luật để tùy sự định đoạt của hội đồng giám mục.
7. Những qui tắc đặc biệt
Phải tránh những gì bất xứng với bậc mình (đ 285 §1,2).
Không được đảm nhận công việc có sự tham gia vào chính quyền dân sự dù lập pháp, hành pháp hay tư pháp (đ 285 §3).
Không có phép của vị thường quyền thì không được đảm nhận việc quản lý tài sản của giáo dân. Tránh ký vào những thương phiếu (đ 285 §4).
Không được đích thân hay nhờ người khác kinh doanh kiếm lời cho mình hay nguời khác, nếu không có phép của vị thường quyền (đ 286).
Không được tích cực tham gia vào các đảng phái chính trị hoặc điều hành các tổ chức nghiệp đoàn, trừ khi giáo quyền cho phép (đ 287 §1,2).
Các phó tế vĩnh viễn không buộc giữ những qui định ở các diều 284, 285 §3, 286, 287 §2 trừ khi luật đặc lập ấn định khác (đ 288).
Các giáo sĩ và ứng viên chức thánh không được tình nguyện đi quân dịch, trừ khi có phép của vị thường quyền (đ 289 §1).
Các giáo sĩ hãy sử dụng các đặc miễn để khỏi thi hành các nhiệm vụ và các công vụ dân sự không phù hợp với giáo sĩ (đ 289 §2).
8. Mất bậc giáo sĩ
Việc lãnh nhận chức thánh đã thành sự thì không bao giờ trở thành vô hiệu. Nhưng một giáo sĩ có thể mất bậc giáo sĩ vì ba lý do sau :
a. Do một án tòa hay do một sắc lệnh hành chánh tuyên bố sự vô hiệu của việc nhận chức thánh.
b. Do việc ra hình phạt sa thải cách hợp pháp. Hình phạt này giả thiết đương sự đã phạm một trọng tội nào đó.
c. Do phúc chiếu của Tòa thánh cho phép rời bỏ hàng giáo sĩ. Nhưng Tòa thánh chỉ ban phúc chiếu này cho một phó tế khi có những lý do quan trọng, và cho một linh mục vì những lý do rất quan trọng, nghĩa là một phó tế sẽ dễ được chuẩn chước hơn một linh mục (đ 290).
Trừ trường hợp việc lãnh nhận chức thánh được tuyên bố là bất thành (đ 290a trên đây), sự mất bậc giáo sĩ không kéo theo sự miễn khỏi giữ bậc độc thân. Ơn đặc miễn này chỉ Đức Giáo hoàng có quyền ban (đ 291).
Cùng với sự mất bậc giáo sĩ, các giáo sĩ mất tất cả các quyền lợi. Họ không buộc giữ các nhiệm vụ thuộc bật giáo sĩ nữa, trừ phải giữ độc thân. Cấm thi hành quyền của chức thánh, trừ việc giải tội cho người nguy tử (xc. đ 976). Mất hết các các chức vụ, nhiệm vụ và bất cứ quyền hành nào (đ 292).
Giáo sĩ nào đã mất bậc giáo sĩ thì không thể được tái nhận vào hàng giáo sĩ, trừ khi có phúc chiếu của Tòa thánh (đ 293).
MỤC VI
GIÁM VỤ ĐỐI NHÂN
GIÁM VỤ ĐỐI NHÂN
1. Khái niệm
Theo nguyên tắc, một giám vụ đối nhân gồm những linh mục và những phó tế thuộc hàng giáo sĩ triều đã nhập giáo phận, được gửi tới những nơi thiếu linh mục, hoặc để chu toàn những công việc thừa sai hoặc mục vụ cần đến hàng giáo sĩ chuyên môn. Chỉ Tòa thánh có thẩm quyền thành lập những giám vụ đối nhân sau khi đã hội ý với hội đồng giám mục liên hệ (đ 294).
Niên giám Tòa thánh năm 1984 chỉ nêu tên một giám vụ đối nhân duy nhất là Opus Dei, được thành lập do Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II ký ngày 23-8-1982, nghĩa là 5 tháng trước khi ban hành bộ Giáo luật.
2. Quản trị
Giám vụ đối nhân được điều hành bởi những qui chế do Tòa thánh thiết lập, có một giám chức đứng đầu là vị thường quyền riêng. Ngài có quyền thành lập chủng viện quốc gia hay quốc tế, và có quyền cho nhập giám vụ mình những chủng sinh, rồi gọi họ lãnh chức thánh với danh nghĩa để giúp giám vụ (đ 295 §1).
Vị giám chức phải lo việc huấn luyện tinh thần cho những người ngài sẽ gọi phong chức và phải lo cho họ sinh sống xứng đáng (đ 295 §2).
Điều 295 nêu lên thẩm quyền của vị giám chức. Tất cả đều qui về việc huấn luyện các linh mục tương lai. Các linh mục này phục vụ dân Chúa ở đâu? Ở nơi các giáo phận mà họ sẽ được gửi tới qua một khế ước với các vị thường quyền sở tại. Giám chức của giám vụ đối nhân không có dân riêng của ngài. Nếu có dân riêng, ngài sẽ thực tế thấy giám vụ đối nhân của mình tương đương với một giáo phận. Đó là điều công đồng Vaticanô II đã không muốn, và bộ Giáo luật không chấp nhận.
Các giáo dân có thể cộng tác với giám vụ đối nhân để dấn thân vào các việc tông đồ của giám vụ. Cách thức cộng tác cũng như những nhiệm vụ và quyền lợi của họ cần được xác định cẩn thận trong qui chế (đ 296). Những giáo dân này không tạo thành dân riêng của giám vụ, họ vẫn thuộc quyền tài phán của vị giám mục nơi họ có thường trú.
Các qui chế cũng phải ấn định những tương quan của giám vụ đối nhân với những vị thường quyền sở tại của các giáo hội địa phương nơi giám vụ đối nhân thi hành hoặc muốn thi hành các công việc mục vụ hoặc truyền giáo của mình khi đã được sự đồng ý của giám mục giáo phận (đ 297). Những quan hệ tốt sẽ tránh được những va chạm có thể xảy ra, tránh được sự phân tán lực lượng và để củng cố sự hiệp thông xung quanh giám mục giáo phận.
MỤC VII
NHỮNG HIỆP HỘI CÁC TÍN HỮU KITÔ
NHỮNG HIỆP HỘI CÁC TÍN HỮU KITÔ
I. NHỮNG QUI TẮC CHUNG
1. Khái niệm
Ngoài các tu hội, trong Giáo hội còn có những hiệp hội, gồm giáo sĩ hoặc giáo dân, hoặc cả giáo sĩ và giáo dân cùng hoạt động, nhằm cổ võ việc thờ phượng công cộng hoặc giáo lý Kitô giáo, hoặc thực hiện những hoạt động tông đồ khác như việc Phúc Âm hóa, việc đạo đức hay việc bác ái và nhằm đưa tinh thần Kitô giáo vào lãnh vực trần thế (đ 298 §1).
Giáo hội không những thừa nhận những hiệp hội như thế mà còn khuyến khích gia nhập những hiệp hội đã được thành lập, hoặc được khuyến khích thành lập bởi thẩm quyền Giáo hội (đ 298 §2).
Điều 298 xác định mục đích của các hiệp hội và phác họa các loại hiệp hội. Điều này triển khai điều 215 : với mục đích bác ái hoặc đạo đức, hoặc để xúc tiến thiên chức người Kitô trên thế giới và mở ra nhiều khả năng khác nữa.
Các hiệp hội có thể là chỉ gồm giáo dân, chỉ gồm giáo sĩ, hoặc gồm cả giáo dân và giáo sĩ.
Thừa nhận những hiệp hội đã có, khuyến khích thành lập những hiệp hội mới.
Bộ Giáo luật không nêu rõ tên một hiệp hội phổ biến nào, trừ những hội giáo hoàng truyền giáo được nêu lên nơi điều 791.
2. Phân loại
a. Các hiệp hội tư
Các tín hữu có quyền thành lập các hiệp hội, đây chỉ là các hiệp hội tư, phải được thẩm quyền Giáo hội duyệt y (đ 299 §1,2,3). Điều này đề cập đến các hiệp hội hoạt động không nhân danh Giáo hội, qui chế phải được giáo quyền thừa nhận.
Không một hiệp hội nào được mang danh hiệu “Công giáo”, nếu không có sự đồng ý của thẩm quyền Giáo hội (đ 300).
b. Các hiệp hội công
Hiệp hội công là những hiệp hội được thành lập bởi giáo quyền (đ 301 §1). Giáo quyền có thể thành lập những hiệp hội tín hữu có mục đích giảng dạy giáo lý, hoặc cổ động việc thờ phượng công cộng (đ 301 §2) hoặc theo đuổi những mục đích khác mà sáng kiến tư nhân chưa lo liệu đầy đủ (đ 301 §3).
c. Các hiệp hội giáo sĩ
Là hiệp hội do giáo sĩ điều hành để lo việc thi hành thánh chức và được giáo quyền công nhận (đ 302). Hầu hết đây là các hiệp hội linh mục, trừ vài hiệp hội phó tế.
d. Các hội dòng ba
Là những thành viên sống ngoài đời, nhưng thông phần vào tinh thần của một tu hội dòng sống đời tông đồ và nhằm tiến đến sự trọn lành Kitô giáo, dưới sự điều hành của tu hội ấy, được gọi là dòng ba hay bằng một danh xưng nào khác xứng hợp (đ 302).
3. Qui chế
Bất cứ hiệp hội nào cũng phải có qui chế xác định mục đích, đối tượng xã hội, trụ sở, việc quản trị và những thể thức hoạt động (đ 304 §1). Hiệp hội phải chọn một tên gọi thích hợp (đ 304 §2). Các qui chế này phải được “thừa nhận” đối với các hiệp hội tư không có tư cách pháp nhân, và phải được “chuẩn y” đối với các hiệp hội công và những hiệp hội tư muốn thủ đắc tư cách pháp nhân.
Tất cả các hiệp hội đều đặt dưới quyền giám sát của thẩm quyền Giáo hội, và thẩm quyền này có quyền và bổn phận kinh lý (đ 305 §1). Các hiệp hội đều ở dưới quyền giám sát của Tòa thánh (đ 305 §2).
4. Quyền lợi của hội viên
Nếu đã được nhận vào hiệp hội cách thành sự thì được hưởng các quyền lợi, đặc ân, các ân xá và các ơn thiêng liêng khác đã ban cho hiệp hội (đ 306).
a. Việc nhận vào hiệp hội:
Việc nhận các thành viên phải được thực hiện theo đúng Giáo luật và qui chế của mỗi hiệp hội (đ 307 §1). Một người có thể gia nhập nhiều hiệp hội (đ 307 §2). Các tu sĩ có thể gia nhập hiệp hội, theo luật riêng của dòng và sự đồng ý của bề trên mình (đ 307 §3).
b. Việc loại ra khỏi hiệp hội:
Ai đã được nhận vào hiệp hội cách hợp pháp thì không thể bị loại ra nếu không có lý do chính đáng chiếu theo Giáo luật và qui chế (đ 308). Qui chế phải nói rõ ai có quyền loại ra, vì Giáo luật không nói rõ. Có thể thượng cầu nơi vị có thẩm quyền để chống lại quyết định loại bỏ này.
5. Sinh hoạt của hiệp hội
Hiệp hội có quyền ban hành những luật lệ riêng liên quan đến sinh hoạt : chỉ định người điều hành, những viên chức, những nhân viên và những người quản lý tài sản (đ 309).
Một hiệp hội không có tư cách pháp nhân, nhưng các thành viên có thể kết lập nghĩa vụ, thủ đắc và sở hữu tài sản như những đồng sở hữu và đồng chấp hữu. Có thể thi hành qua người thụ ủy hoặc đại diện (đ 310).
Thành viên tu hội đời sống thánh hiến điều khiển hoặc trợ giúp các hiệp hội được liên kết với tu hội thì phải lo liệu cho các hiệp hội ấy giúp các việc tông đồ trong giáo phận (đ 311).
II. CÁC HIỆP HỘI CÔNG CỦA CÁC TÍN HỮU KITÔ
1. Quyền thành lập
Thẩm quyền để thành lập các hiệp hội công của các tín hữu là :
a. Tòa thánh đối với các hiệp hội toàn cầu và quốc tế.
b. Hội đồng giám mục đối với các hiệp hội quốc gia có chủ đích hoạt động trên toàn quốc.
c. Giám mục giáo phận đối với địa hạt của ngài.
Những vị giám quản giáo phận không có quyền này, trừ đối với những hiệp hội mà việc thành lập được đặc quyền Tòa thánh dành cho những người khác (đ 312 §1).
Buộc phải có sự ưng thuận bằng văn thư của giám mục giáo phận cho sự thành hiệu của việc thành lập một hiệp hội. Sự ưng thuận của giám mục giáo phận cho sự thành lập một nhà dòng cũng có giá trị cho việc thành lập nơi nhà dòng đó có một hiệp hội riêng của hội dòng đó (đ 312 §2).
2. Tư cách pháp nhân
Do sắc lệnh của thẩm quyền cho thành lập một hiệp hội công thì cũng đương nhiên được trở thành một pháp nhân (đ 313).
3. Qui chế
Qui chế của một hiệp hội công cũng như việc duyệt lại hay thay đổi qui chế đều cần sự chuẩn y của giáo quyền cho phép thành lập hiệp hội đó (đ 314).
Hiệp hội công có thể xướng xuất những dự án thích hợp, còn chính hiệp hội thì phải được chi phối bởi qui chế (đ 315).
4. Các thành viên
Không được nhận vào hiệp hội những người sau:
– Công khai chối bỏ đức tin.
– Không còn hiệp thông với Giáo hội.
– Bị vạ tuyệt thông (đ 316 §1).
Những người đã gia nhập mà rơi vào trường hợp nói ở khoản 1 trên, sau khi đã khuyến cáo mà không sửa chữa sẽ bị loại ra khỏi hiệp hội (đ 316 §2). Có thể thượng cầu lên thẩm quyền trên.
5. Quản trị
Giáo quyền cho phép thành lập có quyền chuẩn y vị hội trưởng do hiệp hội bầu lên, hoặc cắt cử người đã được giới thiệu hoặc bổ nhiệm vị ấy. Cũng giáo quyền này bổ nhiệm vị linh giám (đ 317 §1).
Đối với hiệp hội được thành lập bởi dòng tu ở ngoài nhà thờ hay nhà dòng của họ cũng áp dụng khoản 1 trên.
Còn đối với hiệp hội thành lập bởi nhà dòng ở trong nhà thờ hay dòng của họ thì việc bổ nhiệm hay chuẩn y vị hội trưởng và vị linh giám thì thuộc bề trên của tu viện (đ 317 §2).
Một hiệp hội không phải giáo sĩ thì giáo dân có thể thi hành nhiệm vụ hội trưởng. Vị linh giám hoặc giáo sĩ phụ trách không được đảm nhận vai trò ấy (đ 317 §3).
Đối với hiệp hội công của các tín hữu có mục đích trực tiếp lo việc tông đồ thì người có chức vụ lãnh đạo các đảng phái chính trị sẽ không được làm hội trưởng (đ 317 §4).
Khi có lý do nghiêm trọng, thẩm quyền Giáo hội có thể chỉ định một ủy viên để tạm thời điều hành hiệp hội (khi các người lãnh đạo hiệp hội bị treo chức) (đ 315 §1).
Vị nào đã bổ nhiệm hội trưởng, khi có lý do chính đáng có thể bãi chức người đó. Về vị linh giám cũng vậy (đ 318 §2).
6. Quản lý tài sản
Hiệp hội quản lý tài sản mình theo qui chế dưới sự chỉ đạo cao hơn của quyền bính Giáo hội. Hằng năm hiệp hội phải khai trình kế toán với quyền bính ấy cũng như việc sử dụng những của dâng cúng hiệp hội đã thu góp được (đ 319 §1,2).
7. Hủy bỏ hiệp hội
Hiệp hội do Tòa thánh lập thì chỉ Tòa thánh có thể hủy bỏ (đ 320 §1).
Hội đồng giám mục có thể hủy bỏ hiệp hội mình đã lập.
Giám mục giáo phận có thể hủy bỏ hiệp hội do ngài lập. Giám mục cũng có quyền hủy bỏ hiệp hội do một dòng lập (đ 320 §2).
Hiệp hội công không thể bị thẩm quyền hủy bỏ khi chưa hội ý với vị hội trưởng và các viên chức cao cấp khác của hiệp hội (đ 320 §3).
III. CÁC HIỆP HỘI TƯ CỦA CÁC TÍN HỮU KITÔ
1. Qui chế
Hiệp hội tư phải có qui chế. Việc điều hành và quản trị theo những qui định của qui chế (đ 321).
2. Tư cách pháp nhân
Hiệp hội tư không có tư cách pháp nhân, nhưng bộ Giáo luật dự trù nó có thể thủ đắc tư cách pháp nhân do sắc lệnh chính thức của thẩm quyền Giáo hội (đ 322 §1,2).
a). Tùy thuộc vào giáo quyền
Tuy hiệp hội có quyền tự trị nhưng phải chịu sự giám sát của giáo quyền (đ 323 §1,2).
b). Quản trị
Hiệp hội tư được tự do chỉ định hội trưởng và các viên chức theo qui chế (đ 324 §1).
Hiệp hội tư cũng được quyền chọn một cố vấn tinh thần trong số các linh mục trong giáo phận và được giáo quyền sở tại thừa nhận (đ 324 §2).
3. Quản lý tài sản
Hiệp hội tư được tự do quản lý tài sản của mình (đ 325 §1), nhưng thẩm quyền Giáo hội vẫn có quyền giám sát.
Hiệp hội phải phục tùng vị thường quyền sở tại trong việc quản lý và sử dụng tài sản được tặng cho để làm việc thiện (đ 325 §2).
Các luật lệ này thường đòi hỏi mỗi năm phải tường trình sổ sách.
4. Chấm dứt hiệp hội
Những nguyên nhân chấm dứt hiệp hội do thẩm quyền hợp pháp :
a. Chấm dứt theo qui chế.
b. Hoạt động phương hại nghiêm trọng đến giáo lý hay kỷ luật của Giáo hội.
c. Gây gương xấu nơi các tín hữu (đ 326 §1).
Tài sản của hiệp hội bị chấm dứt phải được xác định đúng theo qui chế, và phải tôn trọng các quyền lợi thủ đắc và ý muốn của những người dâng tặng (đ 326 §2).
IV. NHỮNG QUI TẮC RIÊNG VỀ HIỆP HỘI GIÁO DÂN
1. Giáo dân phải quí trọng những hiệp hội đã được thiết lập cho mục đích tinh thần (đ 327).
2. Ai điều khiển hiệp hội phải lo cho hiệp hội mình cộng tác với các hiệp hội khác và sẵn lòng góp phần vào các công cuộc Kitô giáo trong cùng địa hạt (đ 328).
3. Các hội trưởng phải lo cho thành viên của hội được đào tạo đúng mức để làm việc tông đồ (đ 329).
Ba điều trên hình như chỉ lặp lại những điều đã đề cập ở trên, và nội dung gần như trống rỗng, dư thừa, không cần thiết.