Giải Thích Bộ Giáo Luật: Phần Dẫn Nhập

0
5564


 GIẢI THÍCH

BỘ GIÁO LUẬT NĂM 1983

CỦA HỘI THÁNH CÔNG GIÁO

Tác giả: Lm. Giacôbê Phạm Văn Phượng, OP.

***

***

PHẦN DẪN NHẬP

—-

MỤC I: GIÁO LUẬT

I. LUẬT LÀ GÌ ?

Bộ Giáo luật không đưa ra định nghĩa về luật, vì thế các tác giả đều nhắc đến câu định nghĩa của thánh Tôma Aquinô : “Luật là sự quy định của lý trí hướng tới công ích, được ban hành do người điều khiển cộng đoàn” (S.Th. I-II,  90,4).

Trong định nghĩa này, thánh Tôma nêu lên những yếu tố căn bản của luật :

– Một quy định của lý trí : nghĩa là luật không phải là những lời khuyên bảo hay những lời nhắn nhủ theo tình cảm nhưng là một quyết định của lý trí, nên phải gạt bỏ tất cả những quyết định tùy tiện hay do tức giận hoặc bạo lực.

– Luật phải nhắm tới công ích. Đây là cứu cánh của luật : nhằm tới thiện ích của cộng đoàn.

– Luật được ban hành bởi người có trách nhiệm điều khiển cộng đoàn. Điều này giả thiết rằng chỉ người có thẩm quyền hợp pháp mới có thể ra luật cho cộng đoàn.

– Luật phải được ban hành hay công bố. Bởi vì luật là một biện pháp dành cho cộng đoàn, nên cộng đoàn cần phải được thông tri về biện pháp đó.

II. CÁC THỨ LUẬT

1. Luật tự nhiên

Thiên Chúa tạo dựng con người có lý trí, tự do và lương tâm, nên con người biết lành biết dữ, biết phải trái để hướng dẫn đời sống mình sống tốt đẹp. Đó là luật tự nhiên. Có thể nói sống theo lương tâm là sống theo luật tự nhiên, đây là luật được Thiên Chúa in sẵn trong lương tâm mỗi người.

Nhưng cần hiểu rõ: luật tự nhiên không có nghĩa luật có sẵn trong thiên nhiên như luật vật lý hoặc sinh lý mà mọi vật cứ tự nhiên phải theo nhưng là luật do lý trí con người nhận ra để làm chủ mình và thiên nhiên, để tôn trọng bản tính tự nhiên tốt lành của mình (nhân chi sơ, tính bản thiện), tôn trọng phẩm giá và quyền lợi tự nhiên của mọi người. Luật tự nhiên là luật căn bản, phổ quát và không thay đổi, có giá trị cho mọi người. Đó là luật của công trình sáng tạo.

2. Luật mặc khải của Thiên Chúa

Khi nguyên tổ loài người phạm tội bất phục tùng Thiên Chúa thì lương tâm con người bị mê lầm, dễ hướng về sự xấu, sự dữ, dễ sống theo luật rừng : mạnh được yếu thua, cá lớn nuốt cá bé. Vì thế, sau khi Thiên Chúa giải phóng dân Israel khỏi nô lệ Ai Cập, Người đã ban cho họ 10 Điều răn (khoảng 1250 AC). 10 Điều răn là giao ước giữa Thiên Chúa và loài người. Nó xác định luật tự nhiên là luật của công trình sáng tạo. Nó là luật giải phóng con người khỏi luật “rừng” và giáo huấn con người biết thờ phượng Thiên Chúa trên hết mọi sự và yêu mọi người như yêu mình. Nó được gọi là luật của Cựu Ước, luật của công trình giáo huấn, bao gồm luật tự nhiên nhưng cũng do Thiên Chúa mặc khải để chuẩn bị cho con người đón nhận luật của Tin Mừng, luật của Đức Kitô.

3. Luật mặc khải của Đức Kitô

Khi Đức Kitô đến cứu chuộc con người, Ngài không hủy bỏ 10 điều răn, nhưng làm cho hoàn hảo hơn, và biến nó thành luật của Ngài. Chính Ngài đã thi hành và công bố trong bài giảng trên núi, mở đầu là 8 mối phúc, sau đó Ngài đối chiếu luật cũ với luật mới của Ngài (Mt 5,3) giúp người ta hiểu sâu sắc hơn và qui chiếu tất cả về tình yêu thương : yêu Chúa hết lòng và yêu mọi người như chính Ngài yêu thương (Ga13,34-35). Chỉ có luật của Ngài mới giải phóng toàn diện con người : vật chất lẫn tinh thần, đời này cũng như đời sau, đó là luật do chính Ngài mặc khải, luật của công trình cứu độ. Luật của Đức Kitô là luật tình yêu, nghĩa là phải giữ vì yêu chứ không vì sợ; là luật của ân sủng, nghĩa là phải nhờ ơn Thiên Chúa mới tuân giữ được; là luật tự do, nghĩa là đem lại tự do thật, làm cho người ta không phải là đầy tớ nô lệ nhưng là bạn hữu của Đức Kitô (Ga15,5).

4. Luật của Giáo hội

Ngay từ thời sơ khởi, Giáo hội đã có một số luật do chính Đức Kitô qui định, như luật về cộng đoàn các tông đồ, về nhiệm vụ giảng dạy, về việc rửa tội, về cử hành thánh lễ và hôn nhân… Đó là luật do Thiên Chúa (Thiên luật) mà Giáo hội có nhiệm vụ bảo toàn và thi hành, không được hủy bỏ hay thay đổi. Ngoài Thiên luật làm nền tảng, các tông đồ và những người kế tiếp còn đặt ra những kỷ luật và biện pháp để tổ chức cộng đoàn, hoặc để thi hành mệnh lệnh Đức Kitô truyền, đó là luật của Giáo hội (nhân luật). Đây là luật của công trình thực hiện ơn cứu độ.

5. Giáo luật là gì?

– Giáo là tôn giáo, đạo, Giáo hội, Công giáo.

– Luật là luật lệ, lề luật, luật pháp.

Giáo luật là luật tôn giáo, luật đạo, luật Giáo hội, luật đạo Công giáo.

Vậy Giáo luật là luật của Giáo hội Công giáo, do người có thẩm quyền của Giáo hội đặt ra nhằm bảo đảm trật tự trong cộng đoàn Giáo hội.

Định nghĩa như vậy không sai nhưng chưa đúng, bởi vì trong Giáo luật còn có những luật do Thiên Chúa dạy nữa, cho nên đừng hiểu lẫn lộn Giáo luật và luật Giáo hội. Tiếng Giáo luật có ngoại trương rộng hơn luật Giáo hội.

Tóm lại, Giáo luật là những qui định về nghĩa vụ và quyền lợi của các phần tử trong Giáo hội mà mọi người phải tôn trọng theo lẽ công bằng để duy trì trật tự trong đời sống cộng đoàn.

Giáo luật khác các luật khác ở chỗ nó có tính cách mục vụ, nghĩa là nhằm ba khía cạnh sau:

1. Phục vụ sự hiệp thông và lợi ích cho các linh hồn.

2. Bảo vệ công lý với tinh thần bác ái, bất đắc dĩ mới áp dụng kỷ luật trừng phạt.

3. Giáo luật giúp chu toàn luật của Đức Kitô để sống đúng bổn phận một thành phần trong Giáo hội.

***

MỤC II

LỊCH SỬ LẬP PHÁP CỦA GIÁO HỘI

 

“Ubi societas, ibi jus”: ở đâu có xã hội, ở đó có luật.

Giáo hội Công giáo là một xã hội, hiểu theo nghĩa cơ cấu tổ chức hữu hình của một xã hội trên trần gian, nên Giáo hội Công giáo cũng có luật. Trước hết, chính Đức Kitô đã dạy một số luật, đó là Thiên luật. Sau đó, xuất hiện các luật từ thẩm quyền của Giáo hội tùy theo nhu cầu sinh hoạt nội bộ và sự tiến triển của thời gian, đây là nhân luật. Vì thế, lịch sử công cuộc lập pháp của Giáo hội đã tiến triển theo đà tiệm tiến của lịch sử Giáo hội.

I. THỜI SƠ KHAI

Từ ngày Chúa Giêsu lên trời, các tông đồ đã nhận được lệnh truyền của Ngài : hãy ra đi rao giảng, rửa tội cho những ai nghe và tin (Mt 28,19-20). Bởi vậy, mỗi tông đồ cũng như toàn thể các tông đồ thấy mình có hai bổn phận : một đàng phải thiết lập trong cộng đoàn đang phát triển một luật pháp để phục vụ cho tính thống nhất của đức tin; đàng khác, phải làm cho người ta nhận biết mình đích thực là những người mang sứ điệp đến cho loài người và cho thế giới.

Nói cách khác, các tông đồ đã thấy cần phải đặt ra những qui tắc để phục vụ cuộc sống và sứ mạng của cộng đoàn trong Chúa Giêsu Kitô.

Thời kỳ này, chúng ta thấy có những điều nổi bật về việc thành lập các cộng đoàn Kitô hữu và việc điều hành những cộng đoàn ấy. Ba yếu tố cấu thành cộng đoàn là đức tin, bí tích, quyền bính.

– Đức tin : là yếu tố tạo nên Giáo hội theo hai nghĩa : – qui tụ các phần tử của cộng đoàn Giáo hội – đức tin được phát biểu thành biểu thức, ai muốn gia nhập cộng đoàn Giáo hội phải tuyên xưng chấp nhận biểu thức ấy.

– Bí tích : bổn phận phải lãnh bí tích Rửa tội nhân danh Chúa Giêsu, những qui định về việc cử hành Thánh Thể, tức là thánh lễ.

– Quyền bính : do các tông đồ nắm giữ, không phải để thống trị nhưng để phục vụ, nhằm duy trì sứ vụ của mình, các tông đồ chọn các người cộng sự và kế nhiệm, và được ủy thác những nhiệm vụ sau : – loan truyền Lời Chúa, bảo vệ kho tàng đức tin – canh chừng những lầm lạc – dạy dỗ về luân lý – tổ chức phụng vụ – tuyển chọn những nhân viên phục vụ cộng đoàn. Biện pháp kỷ luật nghiêm khắc nhất là khai trừ (Mt 18,15-18).

II. THỜI GIÁO PHỤ

Từ hòa bình Constantinople năm 321 và những thế kỷ tiếp theo, Giáo hội đã ra sức trang bị cho mình những cấu trúc bên ngoài để xã hội dễ thấy, và để có thể có một sinh hoạt hợp pháp; đồng thời vẫn giữ cho mình một cách tổ chức riêng biệt, tuân theo những luật riêng của mình. Sau đây là một vài nhận định về thời kỳ này:

– Giáo hội thu nhận những thể chế của cổ luật Rôma, một số thể chế còn giá trị hiện hành, thí dụ : chia thành giáo phận, giáo tỉnh; giá trị của sự thỏa thuận khi kết hôn.

– Chủ động công cuộc lập pháp là các giám mục, đặc biệt trong dịp họp nhau ở công đồng giáo tỉnh hay hoàn vũ.

Thời này, với những phương tiện thiếu thốn trong các lãnh vực di chuyển và thông tin, những luật của Giáo hội chỉ giới hạn trong những lãnh vực hạn hẹp giữa các giám mục và những giáo sĩ liên hệ. Những thế kỷ sau đó, dù luật lệ trong Giáo hội đã phát triển theo nhu cầu truyền giáo và theo sự phát triển chung của Giáo hội, nhưng cũng vẫn chưa được hệ thống hóa.

Dầu sao cũng đã có những tác giả thu góp những luật lệ của Giáo hội thành những bộ sưu tập như Didaché (năm 96-98), Traditio Apostolica (đầu thế kỷ III), Didascalia Apostolorum (cuối thế kỷ III).

Tóm lại, trong quãng ngàn năm thứ nhất, tức là 10 thế kỷ đầu, từng chục tuyển tập có phương pháp đã được phổ biến khắp Tây phương Kitô giáo, thu nhặt đủ thứ văn kiện các loại, những trích dẫn Kinh Thánh, những trang sách giáo phụ, những luật của các công đồng, những trích lục các bản sám hối và luật lệ đan viện, những qui tắc của các hội đồng, những bản văn luật Rôma… Những bản văn này làm nên những yếu tố của luật Giáo hội.

III. THỜI TRUNG CỔ

Thời kỳ này có ba điều nổi bật:

– Ảnh hưởng của luật Germanic : tuy ảnh hưởng của luật Rôma còn mạnh, nhưng luật Germanic được du nhập vào Giáo hội từ hoàng đế Charlemagne.

– Vai trò của Tòa thánh : với sự cải tổ Giáo hội của Đức Giáo hoàng Grêgôriô VII (1073-1085), vai trò lập pháp của các Giáo hoàng gia tăng, hành sử quyền lập pháp khi ban hành các nghị quyết.

– Giáo luật trở thành bộ môn chuyên khoa đại học : công cuộc sưu tập các luật lệ của Giáo hội vẫn tiếp tục với một kỹ thuật hoàn bị hơn nhờ các phân khoa Giáo luật được mở tại các đại học, nổi bật nhất là Bologna (Ý).

Thế kỷ XI xuất hiện danh từ “canon” và dẫn tới việc soạn  ra các tác phẩm Giáo luật và được giảng dạy có hệ thống ở các đại học. Tác phẩm nổi tiếng nhất được dùng làm sách giáo khoa là bộ “Decretum” của Gioan Gratianô (1080-1140) thu thập các luật lệ, rồi xếp đặt theo tiết mục, phân tích, chú giải, giải quyết, trong đó có những điều luật đang thịnh hành trong Giáo hội. Đức Grêgôriô IX ủy thác cho thánh Raymunđô Pênhapho (1175-1275), thu thập các bản văn pháp lý ban hành sau tuyển tập của Gratianô. Tác phẩm của thánh Raymubđô là “Decretales”, ban hành ngày 2-11-1234, được coi như một bộ luật (gồm 5 quyển), trình bày tương đối có hệ thống, làm nền tảng cho cơ cấu luật pháp Giáo hội cho đến ngày nay.

Tiếp theo là các bộ : Liber Sextus của Đức Bônifaciô III (1298) – Clementinae do Đức Clêmentê V bắt đầu và Đức Gioan XXII hoan tất (1313) – Extravagantes của Đức Gioan XXII (1325) – Extravagantes communes (1500). Những tuyển tập trên cùng với tác phẩm của Gratianô và Raymunđô hợp thành Corpus Juris Canonici (Bộ Giáo luật) và được dùng làm giáo trình cho các phân khoa Giáo luật trải qua bao thế kỷ.

IV. THỜI PHỤC HƯNG

Sau thời Trung cổ và trong quãng 6 thế kỷ tiếp theo, Giáo luật đã có một sự tiến triển đáng kể trong lịch sử và trong việc quản trị Giáo hội. Có những điểm nổi bật sau:

– Công đồng Tridentinô (1545-1563) với chủ trương canh tân Giáo hội, công đồng ban hành nhiều nghị quyết liên quan tới đức tin và kỷ luật. Tòa thánh đặt ra những cơ quan hành pháp, dần dần được kiện toàn thành các bộ của giáo triều Rôma.

– Năm 1580, Đức Giáo hoàng Grêgôriô XIII, qua Hiến chế “Cum pro munere” đã ban hành và cho phép các luật gia, sử gia và khoa học gia nghiên cứu hình thành “Bộ Giáo luật” của Giáo hội. Tuy nhiên, nó vẫn còn bị giới hạn trong lãnh vực lịch sử và nghiên cứu hơn là những luật pháp được ấn định cho Giáo hội phổ quát biết đến và tuân hành. Như vậy, cho đến thời kỳ này, tất cả những nỗ lực để soạn thảo bộ luật cho Giáo hội đều đã thất bại, hay nói nhẹ nhàng hơn, vẫn chưa được hình thành. Tuy nhiên, so với những thế kỷ trước, đã có một chuyển biến rất lớn. Trước đây công cuộc lập pháp do các công đồng chủ động, thường mang tính cách địa phương, nay công cuộc lập pháp chuyển về Tòa thánh, mang tính hoàn vũ.

– Công đồng Vaticanô I (1870) : muốn hệ thống tất cả các luật lệ, tức là có ý định soạn thảo bộ Giáo luật chính thức cho Giáo hội, nhưng cũng không thực hiện được vì công đồng phải giải tán do tình hình chính trị xáo trộn tại Ý năm 1870.

V. THỜI CẬN ĐẠI

Các giám mục đề nghị Đức Piô X : cần phải điển chế Giáo luật, tức là hệ thống thành một bộ Giáo luật. Vì thế, ngày 19.03.1904, ngài công bố Tự sắc “Arduum sane munus” loan báo cho thế giới biết quyết định của ngài muốn thâu thập các luật Giáo hội thành một bộ luật theo phương pháp của những bộ luật hiện đại. Những người làm nên công việc này là 10 vị hồng y, dưới sự lãnh đạo của hồng y Gaspari, được sự trợ giúp bởi một số cố vấn, chia làm 3 ủy ban. Sau 13 năm (1904-1913), các ngài đã thực hiện được một công trình lớn lao, đó là hoàn thành bộ Giáo luật, có 2414 điều, gồm tóm trong một cuốn sách tiện dụng và hiện đại, có tên là “Codex Juris Canonici”.

Đức Giáo hoàng Piô X đã có công khởi đầu công việc hệ thống hóa Giáo luật, nhưng công cuộc đang tiến triển tốt đẹp thì ngài qua đời ngày 21.08.1914. Vì thế, bộ luật này đã được Đức Giáo hoàng Bênêđictô XV ban hành ngày 27.05.1917, qua Tông hiến “Providentissima Mater Ecclesia” cho toàn thể Giáo hội và được áp dụng từ lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống ngày 19.05.1918.

Bộ luật này đã là một biến cố lớn trong Giáo hội. Chính bộ luật này đã bảo đảm việc điều hành Giáo hội Công giáo cho tới ngày 25.01.1983, là lúc Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II công bố bộ Giáo luật mới của thời kỳ hậu công đồng Vaticanô II.

KẾT LUẬN

Thật sự như ta thấy, Giáo hội thời Trung cổ đã có một thời đại phong phú qua 170 năm soạn thảo luật pháp của mình. Nhưng dưới mắt của lịch sử, thì thế kỷ XX đã không thua kém gì, vì trong hơn 80 năm qua, thế kỷ của chúng ta đã chứng kiến 2 lần có những nỗ lực vĩ đại về soạn thảo luật pháp, và mỗi lần đều có chức năng riêng biệt trong lịch sử Giáo hội thời nay.

Bộ Giáo luật 1917 đã có sứ mạng thu thập kinh nghiệm nhiều thế kỷ của Giáo hội để thích ứng vào những đòi hỏi hiện đại trong sự suy nghĩ và sinh hoạt của con người trong lãnh vực “pháp luật”, nhất là tiếp sau công trình vĩ đại của bộ luật Napoléon, là bộ luật đã làm nên khuôn mẫu cho pháp chế đại đa số các quốc gia ngày nay trong suốt thế kỷ XIX.

Trái lại, bộ luật 1983 đã lấy cảm hứng từ kinh nghiệm thần học của công đồøng Vaticanô II, nhất là dựa vào sự đào sâu về học thuyết Giáo hội sau đó, nên bộ luật này hướng nhìn về tương lai, vạch ra những nét chính cho những thể chế chưa có căn bản thực hành lâu dài. Chúng ta cũng đang chứng kiến một sự tiến bộ về tư tuởng Giáo luật.

Trong một quá khứ gần đây, việc lý luận đã được dựa trên “luật tự nhiên”. Giáo hội là một xã hội của con người, vậy thì Giáo hội cần phải có luật pháp, luật pháp này đã được khuôn đúc theo kỹ thuật của các khoa luật học. Từ 1970 cách lý luận này đã nhường chỗ cho sự “suy tư thần học”. Trong Giáo hội, một luật chỉ có lý do chính đáng khi nó bắt nguồn nơi chính mầu nhiệm Giáo hội, và như vậy, sẽ bảo đảm tính đặc loại của nó, cũng như sẽ phân biệt nó khỏi các luật pháp trần tục.

***

MỤC III

BỘ GIÁO LUẬT 1983

 

I. NHỮNG THỜI ĐIỂM ĐÁNG GHI NHỚ

1. Ngày 25.01.1959, tại Vương cung thánh đường thánh Phaolô ở ngoại thành, Đức Giáo hoàng Gioan XXIII đã loan báo 3 biến cố sẽ ghi dấu ấn sâu đậm trong Giáo hội:

* Họp thượng hội đồng Rôma

* Triệu tập công đồng chung Vaticanô II

* Duyệt lại bộ Giáo luật.

Hai biến cố đầu đã đi vào lịch sử; còn biến cố thứ 3 thì nay mới được thừa nhận, sau một quãng đường dài và một sự làm việc bao la.

2. Ngày 28.03.1963, sau khóa họp đầu tiên của công đồng, Đức Gioan XXIII đã thành lập “Ủy ban duyệt xét bộ Giáo luật” gồm 40 hồng y. Nhưng sau khi họp phiên đầu tiên ngày 12.11.1963, ủy ban này đã quyết định hoãn việc chính thức duyệt xét bộ Giáo luật cho tới khi kết thúc công đồng, để các nghị phụ có thể phát biểu những gợi ý : hoặc về cách thức cải tổ bộ luật hiện hành, hoặc về những đặc điểm của bộ luật mới; và để thâu thập tất cả những vấn đề có tính pháp luật được nêu ra tại hội trường của công đồng và được chuyển lại cho ủy ban duyệt xét Giáo luật nghiên cứu.

II. NHỮNG BƯỚC KHỞI ĐẦU

1. Ngày 17.04.1964, Đức Phaolô VI đã bổ nhiệm thêm vào ủy ban duyệt xét Giáo luật một tập thể gồm 70 cố vấn, trong đó có mặt hầu hết các vị thư ký của các ủy ban của công đồng, một số lớn các chuyên viên của công đồng về Giáo luật, thần học, xã hội học,v…v… Đó là những người biết rõ những hướng đi mới, do các nghị phụ yêu cầu. Hợp lực với ủy ban hồng y, các chuyên viên này đã bắt tay vào việc bằng hai phiên họp toàn thể ngày 16.05 và ngày 20.11.1965, vài ngày trước khi long trọng kết thúc công đồng Vaticanô II : ngày 08.12.1965.

2. Tuy nhiên, vì ước ao cho Giáo hội toàn cầu tham gia vào công việc duyệt xét và đổi mới này, nên qua bức thư đề ngày 15.01.1966, Đức Giáo hoàng đã yêu cầu các chủ tịch hội đồng giám mục các nước hãy giới thiệu những nhà Giáo luật có khả năng trở thành cố vấn của ủy ban cải cách này. Chính nhờ đó mà thành lập được 10 nhóm nghiên cứu đầu tiên, gồm 48 giám mục, 121 cố vấn : linh mục, tu sĩ và giáo dân, là những chuyên viên về đủ các môn học của Giáo hội trên khắp thế giới.

3. Sau một loạt những công việc chuẩn bị, các nhóm nghiên cứu duyệt xét bộ Giáo luật đã chỉ thật sự bắt tay vào việc sau thượng hội đồng giám mục thế giới lần I, họp từ ngày 30.09 đến 29.10.1967. Chính trong thời gian họp thượng hội đồng này, từ 30.09 đến 04.10.1967 đã soạn thảo được những chỉ thị cho việc cải tổ bộ Giáo luật. Những chỉ thị đó được gồm tóm trong 10 nguyên tắc như kim chỉ nam để làm việc.

III. ĐƯỜNG HƯỚNG LÀM VIỆC

10 Nguyên tắc chỉ đạo công cuộc tu chính bộ Giáo luật:

1. Tính cách pháp lý của bộ Giáo luật

Do bản chất xã hội của Giáo hội, bộ luật cần phải có tính pháp lý để việc tổ chức và điều hành mọi sinh hoạt của Giáo hội được kết quả tốt đẹp.

2. Sự dung hòa giữa tòa ngoài và tòa trong

Trên nguyên tắc, Giáo luật chú trọng đến tòa ngoài (kỷ luật cộng đoàn), nhưng cũng chú ý đến tòa trong (lương tâm với Thiên Chúa). Nên cần giảm thiểu những xung khắc giữa hai tòa ấy để nói lên sự dung hòa giữa công lý và đức bác ái Kitô giáo.

3. Tính cách mục vụ của bộ Giáo luật

Bởi vì mục tiêu của toàn bộ Giáo luật nhằm tới phần rỗi của các linh hồn, nên không chỉ áp dụng những qui tắc pháp lý mà còn nhờ các biện pháp mục vụ, tức là huấn dụ, khuyên bảo theo lòng yêu thương và nhân bản.

4. Ý thức mới về Giáo hội học của bộ Giáo luật

Quan điểm của công đồng Vaticanô II về Giáo hội đã có nhiều thay đổi, đưa ra một thần học mới về Giáo hội. Trước đây mang tính hộ giáo, thần học phải nhấn mạnh tới tính chất pháp lý, phẩm trật của Giáo hội. Nay trở về nguồn Kinh Thánh, giáo phụ, phụng vụ, cho thấy Giáo hội không chỉ gồm khía cạnh cơ chế phẩm trật nhưng còn bao gồm nhiều khía cạnh khác, nên bộ Giáo luật cũng phải theo chiều hướng đổi mới đó.

5. Nguyên lý hỗ trợ

Liên quan tới thẩm quyền của giám mục và các giáo hội địa phương. Bộ luật mới cần phải dự trù hai điểm sau : – giám mục có quyền lập pháp – luật chung chỉ qui định tổng quát, còn chi tiết để các địa phương định liệu. Đây là một hình thức của nguyên tắc hỗ trợ : cấp trên không quyết định thay cho cấp dưới, nhưng chỉ hỗ trợ trong những điều vượt quá khả năng của họ.

6. Bảo vệ quyền lợi tín hữu

Luật pháp không chỉ nhằm cổ võ trật tự công cộng nhưng còn phải để ý đến việc thăng tiến con người. Cần có những định chế hữu hiệu để bảo vệ quyền lợi của họ và cổ võ tinh thần trách nhiệm cá nhân. Cần phải dự trù thủ tục tố tụng để người tín hữu có thể khiếu nại khi quyền lợi của họ không được nhà chức trách tôn trọng.

7. Chú ý đến tinh thần đại kết

Việc hợp nhất các người Kitô dĩ nhiên không chỉ nhờ Giáo luật mà thành tựu, nhưng Giáo luật có thể đóng góp vào công cuộc ấy bằng cách loại bỏ những bức tường ngăn cách không cần thiết.

8. Về hệ thống tổ chức hành chánh của Giáo hội

Xưa nay sự phân chia thẩm quyền (quyền tài phán) thường dựa trên tiêu chuẩn lãnh thổ, bây giờ cần dự trù những thực thể dựa theo nhân sự (quen gọi là tòng nhân), thí dụ : dựa theo nghi lễ, ngôn ngữ, sắc tộc.

9. Tính cách mục vụ của hình luật

Cần giảm bớt số lượng các hình phạt, cách riêng những hình phạt “tiền kết”.

10. Lưu ý về bố cục của bộ luật

Bộ luật mới phải phản ánh được tinh thần của luật Giáo hội, sao cho phù hợp với chiều hướng của công đồng Vaticanô II.

IV. NHỮNG GIAI ĐOẠN LÀM VIỆC

Gồm 5 giai đoạn:

– Giai đoạn 1 : các tư vấn và chuyên viên làm việc, hoặc riêng rẽ hoặc chung trong tiểu ban, để soạn thảo các lược đồ.

– Giai đoạn 2 : trình lược đồ lên tiểu ban trung ương duyệt xét, rồi trình lên Đức Giáo hoàng. Sau khi ngài duyệt y, các lược đồ được gửi đi khắp Giáo hội để tham khảo các ý kiến và nhận xét.

Ủy ban duyệt xét và các nhóm nghiên cứu đã kiên trì làm việc trong nhiều năm. Đến năm 1976, bản sơ thảo của các lược đồ bộ Giáo luật mới, chia làm 7 quyển, đã hoàn tất và được gửi tới tất cả các giám mục trên thế giới để các ngài được tự do góp ý tùy thích và tùy sự lựa chọn của các ngài. Đó là công phu của 10 năm, với 154 phiên họp toàn thể, 58 khóa họp hỗn hợp hoặc từng nhóm nhỏ, tính ra tất cả là 5.561 giờ làm việc tập thể nơi các tiểu ban.

Cũng nên thêm rằng : trong việc tham khảo rộng lớn này, các lược đồ còn được gửi tới các liên hiệp các bề trên tổng quyền của các tu hội đời sống thánh hiến, cũng như tới các đại học Công giáo và các phân khoa Giáo hoàng trên khắp thế giới. Một thời hạn từ 6 tháng tới 1 năm đã được dành cho tất cả các tổ chức này để gửi lại những nhận xét của mình về các lược đồ.

Giai đoạn tham khảo ý kiến kéo dài từ 1972 đến 1977. Đã có khoảng 30.000 góp ý. Như vậy, bộ Giáo luật mới sẽ mang dấu ấn của một sự hợp tác giữa các chủ chăn và những chuyên viên về pháp luật, giữa những lý thuyết gia và những người thực hành trên toàn thế giới.

– Giai đoạn 3 : Các tiểu ban họp lại để cứu xét các ý kiến và nhận xét gửi về. Thực vậy, sau cuộc tham khảo rộng khắp trên, mỗi tiểu ban của ủy ban duyệt xét đã được yêu cầu dựa vào những ý kiến và nhận xét từ khắp nơi gửi về mà soạn thảo lại bản văn của bộ Giáo luật.

Sau khi cứu xét, các tiểu ban đã soạn thảo lại tất cả bộ Giáo luật từng chương, từng điều dưới ánh sáng của những nhận xét và góp ý đã tham khảo, rồi đúc kết thành một toàn bộ có hệ thống, sau đó chuyển giao cho tiểu ban trung ương, rồi cho ủy ban các hồng y duyệt xét lần chót và đệ trình Đức Giáo hoàng vào ngày 29-6-1980.

– Giai đoạn 4 : Đức Gioan Phaolô II bổ nhiệm thêm các hồng y, tổng giám mục và giám mục vào ủy ban hồng y đã có sẵn, để duyệt xét lại bản văn lần sau cùng. Do đó, ủy ban gồm 37 hồng y, 31 tổng giám mục và giám mục, chừng 50 linh mục chuyên viên và 9 giáo dân của năm châu. Ngày 20.10.1981, khóa họp toàn thể của ủy ban duyệt xét bộ Giáo luật, họp tại Rôma để biểu quyết lần cuối cùng. Đa số các thành viên đã chấp thuận bản văn sau cùng này. Và ủy ban đã trình lên vị làm luật tối cao là Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II vào ngày 21.04.1982 để có thể công bố khi nào ngài thấy là thuận tiện.

– Giai đoạn 5 : hoàn thành và ban hành

Nhận được bản văn, Đức Gioan Phaolô II đã tập họp một nhóm 10 chuyên viên, gồm hồng y, giám mục và linh mục chuyên môn về Giáo luật để cùng với ngài duyệt lại từng điều của toàn bộ bản văn.
Sau cùng, một lần nữa, Đức Giáo hoàng lại nhờ 4 vị cố vấn riêng của ngài (3 hồng y và 1 tổng giám mục) lần lượt xem xét lại một lần chót vào những tuần lễ cuối cùng của năm 1982.

Thế là trước sự bỡ ngỡ của mọi người, vào dịp lễ Giáng Sinh năm 1982, Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II loan báo bộ Giáo luật mới đã sẵn sàng và sẽ được công bố vào đúng ngày, tháng cách đây 24 năm khi Đức Giáo hoàng Gioan XXIII loan báo sự cải tổ quan trọng này, một việc cải tổ sẽ đi vào lịch sử với tên tuổi và dấu ấn của 4 vị giáo hoàng.

Đúng vậy, ngày 25.01.1983, Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II, với Tông hiến “Sacrae Disciplinae Leges”, đã chính thức ban hành bộ Giáo luật mới cho toàn thể Giáo hội hoàn vũ và được áp dụng từ ngày 27.11.1983.

KẾT LUẬN

Dựa theo những chỉ thị của thượng hội đồng giám mục năm 1967, những chỉ thị đã được đúc kết thành 10 nguyên tắc dựa theo những quy tắc nền tảng của học thuyết Giáo luật, ủy ban tu chính Giáo luật đã nghiêm túc làm việc theo những nguyên tắc chỉ đạo này và đã hoàn thành bộ Giáo luật mới sau 24 năm làm việc, nghĩa là non ¼ thế kỷ.

Cách đây gần ¼ thế kỷ, một cuốn sách đã đặt câu hỏi: “Giáo luật dễ thương không?”. Có lẽ chưa cho phép trả lời khẳng định. Nhưng vẻ khô khan của bản văn không được làm ta quên giá trị mục vụ của Giáo luật, như Đức Giáo hoàng Phaolô VI đã từng nhấn mạnh trong buổi đầu khi chuẩn bị tu chính bộ Giáo luật mới. Sắc lệnh “Optatam totius” số 16 của công đồng đòi hỏi : “Khi trình bày Giáo luật phải qui chiếu vào mầu nhiệm của Giáo hội”. Đức Giáo hoàng Phaolô VI khẳng định : “Vì vậy, Giáo luật phải được giảng dạy và phải được áp dụng cách nào để tác dụng của nó không bao giờ thiếu mất giá trị mục vụ, để phục vụ dân Thiên Chúa”.

Bộ luật mới là kết quả của sự hợp tác chặt chẽ giữa Đức Giáo hoàng với cộng đoàn giám mục với sự cố vấn chuyên môn của nhiều thành phần khác nhau của dân Chúa.

Trong 24 năm làm việc, ủy ban tu chính đã kết nạp làm thành viên 101 hồng y, 78 tổng giám mục và giám mục, 61 linh mục triều, 37 linh mục dòng, 3 nữ tu và 9 giáo dân nam nữ, không kể những người đã góp phần vào việc tham khảo ý kiến.

Đây là kết quả của toàn thể Giáo hội.

Công đồng Vaticanô II không những đã biểu quyết rất nhiều quy tắc có ảnh hưởng tới kỷ luật của Giáo hội, mà còn trình bày một thần học mới về Giáo hội. Do đó, công tác của ủy ban tu chính bộ Giáo luật không chỉ dừng lại ở chỗ cập nhập luật pháp cho phù hợp với thời thế mới, nhưng còn phải chỉnh đốn dựa theo một nhãn giới mới về Giáo hội học của công đồng Vaticanô II. Có thể nói : đây là bộ luật của công đồng Vaticanô II, và theo nghĩa này thì đây là văn kiện sau cùng của công đồng.

***

MỤC IV

NHỮNG CHIỀU KÍCH MỚI CỦA BỘ GIÁO LUẬT 1983

 

Chúng ta có thể nêu ra những chiều kích mới của bộ Giáo luật 1983 như sau:

1. Cách tổ chức, sắp xếp của bộ luật 1983

Cách tổ chức tổng quát của bộ luật 1983 đã biểu lộ tinh thần của việc soạn thảo ra nó. Bộ luật 1983 có 7 quyển, gồm 1752 điều, bộ luật 1917 có 5 quyển, gồm 2414 điều, tức là nhiều hơn 2 quyển, nhưng ít hơn 662 điều. Lý do vì bộ luật 1917 theo khuynh hướng : khi luật cho phép thì mới được làm, do đó phải có nhiều điều khoản. Trong khi đó, tinh thần của bộ luật 1983 thì chủ trương : được làm mọi việc trừ những gì luật cấm, do đó,  qui định ít điều khoản hơn. Trong tinh thần này thì tôn trọng tự do hơn, tính cách cộng đoàn được mở rộng và đề cao hơn.

Cách phân chia các tiết mục đã bỏ rơi cách phân chia của bộ luật 1917 là bộ luật lệ thuộc vào những nguyên tắc của luật Rôma, cho nên đã được chia làm 5 quyển:

– Quyển I : những qui tắc chung

– Quyển II : những nhân sự

– Quyển III : những sự vật (gồm cả các bí tích)

– Quyển IV : những hành vi (trong đó có các việc tố tụng)

– Quyển V : những sự trừng phạt và các hình phạt.

Nay, cách phân chia của bộ luật mới theo cách phân chia hợp với những chỉ thị của công đồng Vaticanô II, và ngay nhan đề của mỗi quyển cũng đủ nói lên tinh thần đã thúc giục việc cải tổ này.

– Quyển I : những qui tắc chung

– Quyển II : Dân Thiên Chúa

– Quyển III : Nhiệm vụ giáo huấn của Giáo hội

– Quyển IV : Nhiệm vụ thánh hóa của Giáo hội

– Quyển V : Các tài sản của Giáo hội

– Quyển VI : Những hình phạt trong Giáo hội

– Quyển VII : Tố tụng.

2. Tính cách vừa cũ vừa mới của bộ Giáo luật

Bộ luật 1983 vừa cũ và vừa mới : bộ luật này có phần cũ, bởi vì Giáo hội không thể nào bỏ qua các cơ cấu do chính Đức Kitô thiết lập hay do các tông đồ truyền lại; đàng khác, có rất nhiều điều của bộ luật 1917 đã được giữ lại. Và dĩ nhiên, bộ luật 1983 có nhiều điều mới, bởi vì nó muốn đáp ứng lại những quyết định của công đồng Vaticanô II và ý của Đức Giáo hoàng Gioan XXIII khi tuyến bố dự định tu chính bộ Giáo luật cùng lúc với quyết định triệu tập công đồng Vaticanô II. Vì thế, bộ luật phải trở nên một dụng cụ hữu hiệu để thực thi những canh tân mà công đồng Vaticanô II mong muốn.

Do đó, việc tu chính bộ Giáo luật không chỉ giới hạn vào việc cập nhật hóa bộ luật cũ cho thích hợp với pháp chế hiện hành, mà còn phải dự phóng cho tương lai nữa dựa theo một nhãn giới mới về Giáo hội học của công đồng Vaticanô II.

3. Tính cách mục vụ của bộ luật

Luật pháp của Giáo hội phải nhằm tới phần rỗi của các linh hồn, vì thế, tính cách mục vụ đòi hỏi sự dung hòa giữa công lý và nhân ái, do đó, những lời khuyên cũng quan trọng không kém những qui tắc luật pháp. Những biện pháp chế tài chỉ được sử dụng khi công ích và kỷ luật chung đòi hỏi, sau khi những biện pháp khác đã tỏ ra ít hiệu lực.

4. Ý thức mới về Giáo hội học

Bộ luật 1917 với một nền tảng Giáo hội học nặng tính cách hộ giáo, nên bộ luật cũ nhấn mạnh đến cơ cấu pháp lý của Giáo hội, với sự chỉ huy chặt chẽ qui củ. Giáo hội được quan niệm như một kim tự tháp : ở dưới đáy là giáo dân, lên dần dần đến các giáo sĩ, rồi tới các giám mục với Giáo hoàng ở chóp đỉnh tập trung mọi quyền hành. Mọi hoạt động đều bắt đầu tự lệnh ở trên ban xuống, cấp dưới chỉ lo răm rắp thi hành.

Công đồng Vaticanô II muốn trình bày hình ảnh Giáo hội theo Kinh Thánh hơn. Trong Giáo hội, mỗi người tín hữu, dù ở địa vị nào, cũng đều có một số quyền lợi và nghĩa vụ nhằm hoạt động để xây dựng Nước Chúa. Do đó, cơ cấu phẩm trật của Giáo hội cần phải được lồng trong đạo lý về dân Thiên Chúa, trong đó hết mọi tín hữu đều được bình đẳng về phẩm giá cũng như có vai trò tham gia vào sự mạng của Giáo hội, trong việc điều hành lẫn hoạt động tông đồ bác ái.

Như vậy, có một sự đảo ngược viễn ảnh Giáo hội học, tiếp theo Hiến chế Lumen Gentium về Giáo hội, thí dụ : nhị thức của luật cũ : “hàng giáo phẩm/dân Thiên Chúa”, nay đã nhường chỗ cho công thức mới : “dân Thiên Chúa/hàng giáo phẩm”.

5. Thẩm quyền của giáo hội địa phương

Sự hiện diện của các giáo hội địa phương trong lòng Giáo hội Công giáo đòi hỏi bộ Giáo luật phải được soạn thế nào để có thể thích ứng được với những môi trường văn hóa khác nhau. Theo đó, mỗi giám mục thực sự là chủ chăn của cộng đoàn, chứ không phải là đại diện của chính quyền trung ương. Vì thế, bộ Giáo luật dành chỗ cho các giám mục được hành sử quyền lập pháp trong giáo hội địa phương của mình. Về các dòng tu cũng vậy, bộ Giáo luật tôn trọng tính cách đa dạng của các đoàn sủng của các dòng tu. Do đó, không qui định một khuôn mẫu đồng nhất cho hết mọi dòng tu, nhưng dành chỗ cho mỗi dòng tu được soạn một qui chế riêng hợp với đặc sủng của mình.

Như thế, cấp trên không nên can thiệp vào quyết định trong một lãnh vực mà cấp dưới có thể làm được. Cấp trên chỉ “hỗ trợ” cho cấp dưới trong những gì vượt quá khả năng của họ, chứ không dành quyền quyết định tất cả. Vì thế, bộ Giáo luật chỉ qui định tổng quát, còn những chi tiết thì để cho các địa phương định liệu. Do đó, trách nhiệm lập pháp của các giám mục và hội đồng giám mục sẽ nặng hơn.

Tóm lại, bộ Giáo luật mới dành nhiều quyền hạn cho các giám mục trong việc điều hành giáo đoàn của mình. Ngoài ra, bộ Giáo luật mới cũng lưu ý đến giám mục đoàn, một thực thể không được lưu ý trong bộ luật cũ.

6. Vấn đề đại kết

Một ý nguyện của Đức Giáo hoàng Gioan XXIII khi triệu tập công đồng Vaticanô II là cổ võ sự hợp nhất các Kitô hữu. Các văn kiện của công đồng được soạn ra trong chiều hướng đại kết. bộ Giáo luật cũng tiếp nhận tinh thần đó.

Một bước tiến đáng kể của bộ luật hậu công đồng là việc nhìn nhận sự hiện hữu của các giáo hội ngoài Công giáo. Vì thế, bộ Giáo luật dành nhiều điều qui định việc cử hành phụng vụ chung với các anh em Kitô giáo khác, và nhìn nhận các cộng đoàn đó cũng có thẩm quyền lập pháp đối với các phần tử của họ. Từ đó, bộ Giáo luật mới không còn ràng buộc các tín hữu ngoài Công giáo nữa.

***

MỤC V

BỐ CỤC CỦA BỘ GIÁO LUẬT

 

Nguyên bản La ngữ, tựa đề là “Codex Juris Canonici” : Bộ Giáo Luật.

Mở đầu với Tông hiến “Sacrae Disciplinae Leges”, là văn kiện công bố bộ luật. Ngoài ra, văn kiện này còn có tính cách quan trọng khác. Đức Giáo hoàng không những giải thích lý do của việc tu chính bộ Giáo luật, nhưng nhất là lý do hiện hữu của luật pháp trong Giáo hội. Mục đích của luật pháp không những chỉ nhằm duy trì trật tự trong Giáo hội, xét như một cộng đoàn, nhưng nhất là nhằm phục vụ sứ mạng mà Đức Kitô đã trao phó : thông truyền các ân huệ cứu rỗi, đặc biệt là lời Chúa và các bí tích.

Tiếp đến là lời tựa của ủy ban tu chính Giáo luật kể lại tóm tắt diễn tiến các giai đoạn làm việc của ủy ban từ ngày thành lập (28-03-1963) cho đến ngày hoàn tất dự thảo cuối cùng (21-04-1982).

Cuối cùng là chính bộ Giáo luật : gồm 7 quyển có 1752 điều.

– Quyển I (203 điều) : tựa đề là “Những qui tắc tổng quát” đưa ra những qui định chung, có tính cách kỹ thuật pháp lý liên quan tới việc giải thích và áp dụng Giáo luật.

– Quyển II (543 điều) : tựa đề “Dân Thiên Chúa”, là phần có nhiều đổi mới nhất của bộ luật, vì nhằm thực thi những đổi mới trong các văn kiện của công đồng Vaticanô II. Chẳng hạn như tựa đề “Dân Thiên Chúa” trích trong Hiến chế về Hội thánh của công đồng. Phần này nói về các nhân sự trong Giáo hội : các phần tử, tức là các tín hữu với những bổn phận và quyền lợi, các cộng đoàn và các nhà chức trách trong toàn Giáo hội, các giáo sĩ và tu sĩ.

– Quyển III (87 điều) : tựa đề “Nhiệm vụ giáo huấn của Giáo hội”, nói về thừa tác vụ Lời Chúa, rao giảng Lời Chúa, huấn giáo (dạy giáo lý), truyền giáo, giáo dục Công giáo, các phương tiện truyền thông xã hội.

– Quyển IV (420 điều) : tựa đề “Nhiệm vụ thánh hóa của Giáo hội”, nói về các bí tích, các á bí tích, an táng, tôn kính các thánh, ảnh tượng, thời gian và nơi thánh, khấn và thề.

– Quyển V (57 điều) : tựa đề “Các tài sản của Giáo hội”, nói về tất cả những gì liên quan đến tài sản của Giáo hội : thủ đắc, quản trị, khế ước, chuyển nhượng, tặng lập.

– Quyển VI (89 điều) : tựa đề “Sự chế tài trong Giáo hội”, nói về những tội phạm và những hình phạt.

– Quyển VII (353 điều) : tựa đề “Tố tụng”, nói về việc xử án và tòa án.

Chúng ta hãy nhớ : đây là bộ luật chứ không phải là quyển sách giáo lý. Đối với Giáo hội nói chung và từng tín hữu nói riêng, thì các tín điều và các nghĩa vụ luân lý cũng là luật (nhất là những gì thuộc về Thiên luật). Nhưng nhà làm luật không muốn bao gồm hết tất cả mọi qui luật của đời sống Kitô giáo trong bộ Giáo luật này, song chỉ giới hạn vào những qui tắc có tính cách kỷ luật, liên hệ tới quan hệ công bằng trong Giáo hội thôi.

Hơn nữa, dù giới hạn vào phạm vi kỷ luật, chúng ta cũng đừng mong tìm thấy tất cả các luật lệ liên quan tới lãnh vực ấy. Lý do vì bộ luật 1983 được soạn ra theo nguyên tắc “địa phương tản quyền”. Vì thế, bộ luật này chỉ gồm những qui tắc có giá trị cho toàn thể Giáo hội, và dành một khoảng khá lớn cho các hội đồng giám mục và các giám mục qui định những điều chi tiết hợp với phong tục và nhu cầu từng nơi.

Tóm lại, bộ Giáo luật rất cần cho Giáo hội, vì Giáo hội là một tổ chức hữu hình, nên cần có những qui tắc để hướng dẫn các thành phần dân Chúa thi hành những quyền lợi và nghĩa vụ của họ.