Sau Công đồng Vatican II, Sách lễ Roma có 3 ấn bản vào các năm 1970, 1975 và 2000. Phần Quy Chế Tổng Quát của các ấn bản này có chút khác biệt nhau, liên quan đến việc ai được phép giảng lễ như sau:
a. Quy chế Tổng quát 1970 và 1975 quy định giống nhau như sau: “Phải diễn giảng và không được bỏ, trừ khi có lý do quan trọng, vào các ngày Chúa Nhật và lễ buộc trong mọi thánh lễ cử hành có đông giáo dân tham dự; còn các ngày khác cũng nên diễn giảng, nhất là các ngày trong Mùa Vọng, Mùa Chay và Mùa Phục Sinh, và trong các lễ khác cũng như các dịp có khá đông giáo dân tập họp ở nhà thờ[1]. Thường chính linh mục chủ tế phải diễn giảng (số 42).
b. Quy chế Tổng quát 2000 thì xác định rõ ràng hơn như sau: “Người diễn giảng thông thường là chính vị chủ tế hay một trong các vị đồng tế được vị chủ tế nhờ, hay đôi khi, tùy nghi, là phó tế, nhưng không bao giờ là giáo dân[2]. Trong những trường hợp đặc biệt và có lý do chính đáng, một Giám mục hay một linh mục hiện diện trong buổi cử hành mà không đồng tế có thể đảm trách việc giảng.
Phải diễn giảng và không được bỏ, trừ khi có lý do quan trọng, vào các ngày Chúa Nhật và lễ buộc trong mọi Thánh Lễ cử hành có đông giáo dân tham dự; còn các ngày khác cũng nên diễn giảng, nhất là các ngày trong tuần Mùa Vọng, Mùa Chay và Mùa Phục Sinh, và trong các lễ khác cũng như các dịp có khá đông giáo dân tập họp ở nhà thờ.
Sau bài giảng, nên giữ ít phút thinh lặng (số 66).
Như vậy, ấn bản cuối cùng (2000) đã qui định và giải thích rõ ràng hơn về việc ai giảng lễ: thông thường là vị chủ tế, nhưng có thể là vị đồng tế hoặc ngay cả phó tế được nhờ, thậm chí giám mục và linh mục không đồng tế cũng có thể giảng nếu có lý do chính đáng, và sau bài giảng nên có một thời gian im lặng.
c. Đối với giáo dân : theo Giáo luật điều 766, giáo dân có thể được giảng trong nhà thờ, nhưng ngoài Thánh Lễ. Thật vậy, giáo dân có thể giảng trong một nhà thờ hay một nhà nguyện, nhưng với các điều kiện như:
1/ có nhu cầu đòi hỏi, trong một số hoàn cảnh nhất định;
2/ hoặc nếu là hữu ích, trong những trường hợp đặc biệt;
3/ và phải tuân theo những quy định của HĐ. Giám Mục.
Tuy nhiên, giảng trong nhà thờ hay nhà nguyện không có nghĩa là được giảng trong lễ. Giáo luật điều 767, § 1 xác định: “Trong các hình thức giảng, bài giảng lễ giữ một vị trí trổi vượt, là một phần của chính phụng vụ và được dành riêng cho tư tế hoặc phó tế”. Do đó, giáo dân không được phép giảng lễ[3], và Giám mục giáo phận không được quyền miễn chuẩn để giáo dân giảng lễ[4].
Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô (LC), Khoa trưởng Thần học và giáo sư phụng vụ của Đại học Regina Apostolorum (Nữ Vương các Thánh Tông Đồ), Rôma.
[1] X. Thánh bộ Nghi lễ, Huấn Thị Inter Oecumenici, 26.9.1964, số 53, trong AAS 56 (1964), tr. 890.
[2] X. Bộ Giáo Luật, đ. 767 § 1 ; X. UB Giáo hoàng giải thích chính thức Bộ giáo luật, Trả lời ngày 26.5.1987 về thắc mắc liên quan đ. 767 § 1, trong EV 10/1841; Huấn Thị liên thánh bộ về những vấn đề liên quan đến sự hợp tác của giáo dân vào Thừa tác vụ của linh mục, Ecclesiae de mysterio, 15.8.1997, art. 3, trong AAS 89 (1997), tr. 864
[3] X. Bộ Phụng tự, Huấn Thị Actio pastoralis, 15.5.1969, số 6, trong EV 3/1166 ; Bộ Phụng tự, Huấn Thị Liturgicae Instaurationes, 5.9.1970, số 2, trong EV 3/2767 ; Bộ Phụng tự và Kỷ luật Bí tích, Huấn Thị Inaestimabile donum, 3.4.1980, số 3, trong EV 7/293.
[4] X. Ủy Ban Giáo Hoàng Giải thích chính thức Bộ Giáo luật, Trả lời ngày 26.5.1987 về thắc mắc liên quan đ. 767 § 1, trong EV 10/1841.