Giải Đáp Phụng Vụ: Linh Mục Lau Môi Bằng Khăn Lau Chén Được Không?

0
1007


Hỏi: Con xin hỏi liệu một linh mục có thể dùng khăn lau chén (purifier, purificatoire) để làm sạch Máu Thánh dính trên môi ngài, sau khi ngài rước Máu Thánh từ chén thánh không, biết rằng khăn lau chén được dùng để lau chén thánh?. – J. T. P., Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam.

Đáp:

Về nguyên tắc, câu trả lời sẽ là không, vào thời điểm này.

Trong cuốn cẩm nang “Nghi thức của Nghi Lễ Rôma hiện đại” (Ceremonies of the Modern Roman Rite) của mình, linh mục – nay là Giám mục – Peter Elliott mô tả thời điểm linh mục rước lễ như sau:

“Cầm khăn lau chén bằng tay phải, linh mục chuyển khăn qua tay trái, đọc thầm “Xin Máu Thánh Chúa Kitô gìn giữ con, cho con được sống muôn đời”, rồi ngài kính cẩn và không vội vàng rước Máu Thánh, trong khi tay trái giữ khăn lau chén dưới cằm. Nếu ngài rước hết Máu Thánh, ngài không cần dốc ngược chén thánh lên cao. Ngài đặt chén thánh lên khăn thánh, chuyển khăn lau chén qua tay phải và cẩn thận lau miệng chén thánh, trong khi tay trái giữ phần chân của chén thánh. Nếu có tấm vuông đậy chén thánh, linh mục cần lấy nó xuống, trước khi ngài dùng khăn lau chén, sau đó ngài đặt tấm vuông đậy chén thánh trống rỗng lại.

“Một cách khác là linh mục có thể cầm chén thánh trong hai tay, đọc thầm “Xin Máu Thánh Chúa Kitô gìn giữ con, cho con được sống muôn đời”. Sau đó ngài kính cẩn và không vội vàng rước Máu Thánh. Ngài đặt chén thánh lên khăn thánh, cầm khăn lau chén bằng tay phải và cẩn thận lau miệng chén thánh, trong khi tay trái giữ phần chân của chén thánh. Cách làm này là thuận tiện hơn nếu chén thánh đầy rượu”.

Tuy nhiên, về việc tráng chén, cha Elliott có một nhận xét khác:

“Sau khi uống nước tráng chén, linh mục lau môi mình, nếu xét là cần thiết. Ngài để lại khăn lau chén trên bàn thờ hoặc bàn bánh rượu, và người giúp lễ đậy chén thánh lại”.

Các sách hướng dẫn về hình thức ngoại thường đưa ra nhiều chi tiết hơn, nhưng nói chung không tiên liệu việc dùng khăn lau chén như một khăn ăn hoặc khăn tay, ngay cả trong trường hợp tráng chén.

Tôi tin rằng lý do cho sự khác biệt này không phải là một vấn đề vệ sinh, nhưng là sử dụng một vật dụng phụng vụ cách không thích hợp.

Chức năng chính của khăn lau chén vào thời điểm rước Máu Thánh từ chén thánh là để ngăn chặn bất kỳ giọt Máu Thánh nào rơi ra hoặc dính vào mép của chén thánh. Điều này thường không phải là một nguy hiểm khi một linh mục thận trọng rước Máu Thánh từ chén thánh, và do đó không cần lau môi.

Tuy nhiên, khăn lau chén nên được dùng theo cách này nếu một số giọt Máu Thánh vô tình tóe ra trên cằm.

Trong việc tráng chén, có thể cần lau môi sau khi uống nước. Trường hợp này có thể phát sinh, nếu có nhiều vụn Bánh Thánh trong nước, và một số trong đó có thể dính vào môi linh mục. (Zenit.org 9-4-2013)

 
 
Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô (LC), Khoa trưởng Thần học và giáo sư phụng vụ của Đại học Regina Apostolorum (Nữ Vương các Thánh Tông Đồ), Rôma.