Kinh nguyện Thánh Thể (KNTT) được coi là Lời Nguyện cao quý, thánh thiêng nhất của Cử hành Phụng vụ, là trung tâm của Cử hành Thánh lễ, là Hành vi Phụng tự của toàn thể Hội Thánh.
Huấn thị Redemptionis Sacramentum, số 51 viết: “Chỉ được sử dụng những KNTT có trong Sách lễ Rôma hoặc được phê chuẩn cách hợp pháp bởi Tông Tòa theo những thể thức và trong những giới hạn mà Tông Tòa ấn định. ‘Không thể dung thứ việc vài linh mục tự cho mình quyền biên soạn KNTT’[1] hoặc thay đổi bản văn đã được Hội Thánh phê chuẩn, hoặc dùng những KNTT khác do cá nhân biên soạn[2]”
Trong thánh lễ, linh mục thường có nhu cầu để cầu nguyện cho những người còn sống hay đã qua đời theo ý người xin, nên Hội Thánh đã dự liệu những chỗ thích ứng cho linh mục để nhớ đến họ. Thí dụ:
– Khi có nhu cầu nhắc đến người đã qua đời, linh mục có thể dùng KNTT 1, 2 hoặc 3. Những mẫu KNTT này có chỗ quy định để nhắc đến các linh hồn đã
qua đời.
– Khi cầu nguyện cho những người còn sống nhân ngày Kỷ niệm Hôn phối, tạ ơn, cầu bình an hay ngày bổn mạng của một Hội đoàn, một Giới… thường chúng ta chỉ cần hướng ý đầu lễ, thêm ý nguyện trong Lời Nguyện Chung; còn nếu muốn nhắc đến họ trong KNTT, chúng ta dùng KNTT 1, để nhắc đến họ trong lời cầu nguyện cho người còn sống: “Lạy Chúa, xin nhớ đến (những) tôi tớ của Chúa là T. và T. và mọi người đang sum họp nơi đây…”
Vì vậy, linh mục không nên thêm những tâm tình riêng của mình vào KNTT, ngoài những chỗ đã quy định như vừa trình bày. Việc thêm như thế vừa không đúng luật Phụng vụ, vừa phá vỡ cấu trúc của Kinh Nguyện Thánh Thể, vốn mang tính cách là Hành vi Phụng tự chung của toàn thể Hội Thánh.
[1] Gioan-Phaolo II, Tông thư “Vicesimus quintus annus” số 13: AAS 81 (1989)) tr. 910.
[2] Thánh Bộ Bí Tích và Phụng Vụ Thánh, Huấn thị Inaestimabile Donum, số 5: AAS 72 (1980), tr. 335.