Giá Trị Của Tình Yêu Và Tính Dục Trong Nhãn Quan Luân Lý Kitô Giáo

0
2179


Gv. Giuse Nguyễn Ngọc Thành,
                                                   Gs. ĐCV Thánh Giuse – Xuân Lộc.

 

Trong Thông điệp Humanae Vitae: “Sự sống con người” Đức Giáo hoàng Phaolô VI đã nói rằng: “Nhờ Hôn nhân, Thiên Chúa đã kết hợp cách khôn ngoan hai trong những thực tại lớn lao của nhân loại: Sứ mạng truyền sinh sự sống và tình yêu hỗ tương hợp pháp của người nam và người nữ, qua đó họ được mời gọi để bổ túc cho nhau trong việc trao hiến không những về thể lý, nhưng nhất là tinh thần. hay nói cách khác, Thiên Chúa đã muốn làm cho đôi vợ chồng tham dự vào tình yêu của Ngài, của tình yêu riêng mà Ngài dành cho mỗi người và qua đó, Ngài mời gọi họ giúp đỡ lẫn nhau và trao hiến cho nhau để đạt đến sự sung mãn về đời sống riêng của họ, và của tình yêu mà Ngài mang đến cho nhân loại và cho tất cả mọi con cái của Ngài.

Được sinh ra từ tình yêu tạo dựng và phụ tử của Thiên Chúa, hôn nhân tìm thấy trong tình yêu nhân loại, phù hợp với kế hoạch và ý định của Thiên Chúa, luật căn bản về giá trị luân lý của nó: trong tình yêu hỗ tương của vợ chồng, qua đó mỗi người cố gắng hết sức mình giúp đỡ người khác trở nên người mà Thiên Chúa muốn, trong cùng một lòng ao ước diễn tả một cách trung thành tình yêu của Thiên Chúa là Đấng Tạo Hoá và là Người Cha, trong khi truyền sinh sự sống mới.

Thông Điệp cũng đề cập rằng: “Trong hành vi tính dục, vợ chồng cần phải tôn trọng sự liên kết không thể tách rời mà Thiên Chúa đã muốn” để có thể giữ gìn cách toàn vẹn ý nghĩa hỗ tương và tình yêu chân thực và nhằm đến ơn gọi cao cả của con người đến việc làm cha mẹ”.
Với những trình bày trong Thông điệp cho thấy rằng: Giáo lý truyền thống của Giáo hội về truyền sinh được bảo vệ cách trọn vẹn. Thông điệp xác nhận “mối dây liên kết không thể tách rời” giữa hai ý nghĩa của hành động phối hôn vợ chồng là kết hiệp và truyền sinh.
 

I. GIÁ TRỊ CỦA TÌNH YÊU VÀ TÍNH DỤC TRONG THÁNH KINH
1.  Theo Cựu Ước

Trong Kinh Thánh có rất nhiều đoạn nói cho chúng ta biết về tình yêu nam nữ, tình yêu hôn nhân và tình yêu vợ chồng, bởi thế, nhìn cách chung, ta có thể nhận ra Kinh Thánh là một cuốn sách kể lại lịch sử của giao ước tình yêu giữa Thiên Chúa và con người cách rõ nét nhất. Chính Thiên Chúa đã sánh ví Ngài như người chồng luôn yêu thương Nhân loại là vợ của mình. Và chính Chúa Giêsu cũng sánh ví tình yêu của Ngài với Hội Thánh, một tình yêu chung thuỷ như Hiền Thê của vị Tân Lang.

Sách sáng Thế 1, 26 – 28: “Thiên Chúa phán: “Chúng ta hãy làm ra con người theo hình ảnh của chúng ta, giống chúng ta, để con người làm bá chủ cá biển, chim trời, gia súc và dã thú, tất cả mặt đất và mọi vật bò dưới đất. Thiên Chúa sáng tạo theo hình ảnh mình. Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh Thiên Chúa. Thiên Chúa sáng tạo con người có nam có nữ”.

Đây là điểm quan trọng trong việc mặc khải về tương quan giữa người nam và người nữ, trở nên dấu chỉ tiên báo và mạc khải về Thiên Chúa và về tương quan giữa hai phái tính khác nhau, nhưng lại đón nhận và yêu thương nhau.

Nền tảng của mọi cộng đồng nhân loại đều dựa trên nền tảng được xây dựng từ người nam và người nữ. Chỉ từ nền tảng này mọi tương quan khác đều lãnh nhận được ánh sáng và năng lực. Người nam được tạo dựng để có một tương quan và liên hệ mật thiết với một người khác phái.

Khái niệm toàn vẹn của con người không chỉ có trong nam mà thôi, nhưng cả nam lẫn nữ. Tính dục được nhìn nhận như một giá trị. Sau khi tạo dựng nên người nam và người nữ. Thiên Chúa thấy mọi sự tốt đẹp. Sự tốt đẹp này bao gồm cả thân xác và ngay cả kinh nghiệm về sự thân mật tính dục nữa.

Sách Sáng Thế 2, 19: “Và rồi Thiên Chúa phán: “Con người ở một mình thì không tốt, Ta sẽ làm cho nó có một trợ tá tương xứng”.

Ở đây diễn tả một sự thiếu vắng trong cuộc sống con người, dù rằng cũng đã có đầy đủ những cảnh vật thiên nhiên, muôn loài súc vật. Như vậy, hiểu rằng con người cần có một người đồng hành với mình, chung sống với mình và trợ giúp cho mình, để có thể đối thoại, cảm thông, chia sẻ, và biểu lộ tương quan tình cảm, và tính khác biệt của tính dục.

Người trợ tá ở đây không thể hiểu như người xưa, đó là người chỉ để sinh con đẻ cái thôi, mà là người bạn đồng hành của người nam, người bình đẳng trong quan hệ chứ không phải là một tài sản hay một sức mạnh để làm việc cho người nam.

Sách Tiên tri Hôsê diễn tả cuộc hôn nhân mới, biểu tượng của giao ước mới giữa Thiên Chúa với dân Israel, thể hiện qua người đàn ông không là người làm chủ mà là người làm chồng “Vào ngày đó, sấm ngôn của Đức Chúa, ngươi sẽ gọi ta: “này mình ơi” chứ không gọi là “ông chủ ơi!”. Trong mối tương quan mới giữa Thiên Chúa và dân Israel, Ngài sẽ có những tâm tình yêu thương đối với dân Ngài và không dùng quyền như quyền sở hữu, và dân Ngài được mời gọi sống đầm ấm yêu thương với Ngài như người vợ với người chồng.

Chúng ta đọc thêm các sách Tiên tri Giêrêmia, Isaia, Edêkien và các sách Tiên tri khác, chúng ta sẽ thấy ở nơi đó có rầt nhiều sứ điệp phong phú diễn tả về tình yêu hôn nhân như là hình ảnh của Thiên Chúa. Nhưng đặc biệt, chúng ta cũng điểm qua một chút về sách Diễm ca, để thấy nơi đó là một bản tình ca diễn tả về tình yêu của người nam và người nữ, một sự đối đáp giữa chàng và nàng là một cuồn sách dành cho tình yêu từ trang đầu đến trang cuối, một cuốn sách dành riêng cho chàng và nàng, đôi bạn đầu tiên trên mặt đất trong hạnh phúc và tình yêu, và phản chiếu phần nào tình yêu Thiên Chúa.“Hãy kéo em theo anh, đôi ta cùng nhau bước. Quân vương đã vời thiếp vào cung nội, ngài sẽ là nguồn hoan lạc vui sướng của chúng em. Ân ái của ngài chúng em quý hơn rượu. Thương yêu ngài phải lẽ biết bao nhiêu” (Dc 1, 4).
 

2. Theo Tân Ước:

Trong Tin Mừng thì không dùng những hình ảnh để diễn tả về tình yêu vợ chồng, nhưng điểm quy chiếu là Đức Giêsu Kitô, Ngài là tình yêu trọn đầy và tuyệt hảo nhất. các sách Tin Mừng nói với chúng ta rằng, để biết được Thiên Chúa yêu thương chúng ta như thế nào và yêu thương tới mức dộ bao nhiêu, thì cần phải nhìn vào Chúa Giêsu Kitô: “Các con hãy yêu thương nhau như thầy đã yêu thương các con” (Ga. 15, 2). Thánh Phaolô mở cho chúng ta một cái nhìn về sự đổi mới, hay nói đúng hơn là đường hướng được thay đổi. Hai vợ chồng cần phải và có thể hiểu được hôn nhân bắt đầu từ Đức Kitô. Ngài dạy rằng: “Hỡi những người chồng, hãy yêu thương vợ mình như Đức Kitô đã yêu thương Hội Thánh và phó mình vì Hội Thánh” (Ep.5, 25).

Để hiểu rõ thêm, chúng ta cần biết rằng trong Cựu Ước, tình yêu vợ chồng chỉ mang tính cách loan báo, có tính tiên tri và diễn tả qua hình ảnh. Trong TânƯớc, tình yêu ấy trở nên sự hiện diện của Thiên Chúa, trở nên một thực tại, nơi chốn cụ thể để diễn tả tình yêu Đức Kitô dành cho Hội Thánh, và cũng vì tình yêu mà Ngài thiết lập Hội Thánh. Cũng chính vì thế, Công đồng Vaticanô II trong Hiến chế Lumen Gentium đã gọi hôn nhân là “Giáo hội thu nhỏ”, “Hội Thánh tại gia”.

3.  Theo Giáo huấn Giáo hội

a/ Theo Thông điệp “Sự sống con người” trình bày, tình yêu trong hôn nhân: Bản chất thực tiễn và sự cao quý của tình yêu trong hôn nhân được biểu lộ hoàn toàn khi người ta nhìn qua Nguồn gốc tối thượng của nó là Thiên Chúa tình yêu (Ga 4, 8), “là Cha toàn năng, nguồn mạch của mọi tình cha con, trên trời cũng như dưới đất” (Ep 3, 15). Chính vì thế, hôn nhân không phải là kết quả của ngẫu nhiên hay của các lực lượng tự nhiên, vô ý thức tạo thành, nhưng là do một tổ chức khôn ngoan do Đấng Tạo Hoá vì tình thương thực hiện nơi nhân loại. Đôi vợ chồng cống hiến cho nhau chính bản thân mình, hòa đồng bản thể đôi bên lại để hoàn thiện hóa cá nhân, hầu cộng tác với Thiên Chúa trong việc lưu truyền sự sống và dưỡng dục các đời sống mới.

Tình yêu trong hôn nhân được nổi bật sáng chói và mang một giá trị cao trọng qua các đặc tính: Đó là một thứ tình yêu hoàn toàn hữu hình và siêu hình, vì không phải là một thứ chuyển thông tình cảm bản năng từ người này sang người kia, mà là hành vi của lý trí và tự do, để hai người kết nên một tâm hồn, một tinh thần và đạt tới đỉnh sự hoàn thiện của nhân loại. Tiếp đến, là một thứ tình yêu trọn vẹn, nghĩa là một hình thức đặc biệt của tình bạn cá nhân, nhờ đó hai vợ chồng cùng nhau chân thành yêu mến, chia sẻ mọi sự, không dấu diếm, không tính toán ích kỷ, nhưng họ cảm thấy hạnh phúc và sung sướng vì những cái bạn mình đã trao cho mình. Đồng thời, nó thể hiện một tình yêu chung thuỷ, và dành riêng trọn một người cho đến chết. Lòng chung thuỷ, tuy trong cuộc sống đôi lúc cũng gặp muôn vàn khó khăn, nhưng không phải là không thực hiện được, bởi lòng chung thuỷ là một thái độ cao quý, đáng trân trọng. Cuối cùng, đây cũng là một tình yêu phong phú không hề tiêu hao trong việc truyền thông giữa hai vợ chồng, trái lại, nó luôn đủ lực để tiếp sức bằng việc tạo dựng những mầm sống mới.

b/ Thông điệp “Tin Mừng Sự sống” cho thấy rằng: Việc con người tham dự vào một phần nào đó quyền Chủ Tể của Thiên Chúa cũng được biểu lộ rõ ràng, do sự kiện họ được trao trách nhiệm đặc thù với sự sống con người nói riêng. Đó là một trách nhiệm sẽ đạt tới đỉnh cao khi người nam và người nữ, trong bậc hôn nhân ban tặng sự sống qua việc sinh sản, như Công đồng Vaticanô II nhắc lại: “Chính Thiên Chúa, Đấng đã phán: con người ở một mình không tốt” (St. 2,18), và là Đấng “ngay từ ban đầu đã dựng nên con người có nam và nữ“(Mt. 19, 4), muốn cho con người tham dự cách đặc biệt vào công trình sáng tạo của Thhiên Chúa, vì thế Ngài chúc phúc cho hai người nam nữ: “hãy sinh sôi nảy nở ra nhiều” (St 1, 28).

c/ Thông điệp “Ân ban sự sống” trình bày: Trong Giáo hội và nhờ Giáo hội, đôi bạn Kitô hữu là và phải là một hiện thân mang tính bí tích và hiện sinh của mối quan hệ tình yêu bất khả phân ly giữa Đức Kitô và Hội Thánh (Ep 5, 21-32). Đó là mầu nhiệm cao cả. Nghĩa là, đôi bạn được kêu gọi để yêu thương nhau cùng một cách thức mà Chúa Kitô yêu thương Hội Thánh. Cách thức đó được thể hiện cao điểm nơi biến cố Thập giá. Vâng, đôi bạn cũng được mời gọi cử hành hôn phối của họ trong sự hiến thân cho nhau nơi những thập giá hằng ngày của đời họ.

Sứ mạng của đôi vợ chồng còn là một đòi hỏi nội tại của sự kết hợp thân mật ấy, tức là ân huệ sự sống: hợp tác với tình yêu của Chúa Tạo Hoá qua trao ban ân huệ sự sống. Sự kết hợp thân mật vợ chồng tự thân, một cách tích cực, hướng đến ân huệ sự sống, và, một cách tiêu cực, đẩy lùi mọi hình thức cản trở sự sống theo nghĩa đạo đức.

Ân huệ sự sống trước hết là ân huệ con cái Thiên Chúa trao tặng cho đôi bạn. Sự sống đó không chỉ liên hệ đến nhiệm vụ sinh sản nhưng, xét cho cùng, là sinh thành một con người, một nhân vị, và dẫn đưa một con người đến chỗ thành toàn, viên mãn, nghĩa là nhiệm vụ giáo dục con người.
 
II. GIÁ TRỊ CỦA TÌNH YÊU VÀ TÍNH DỤC TRONG NHÃN QUAN LUÂN LÝ KITÔ GIÁO

Chúng ta vừa có cái nhìn về giá trị của tình yêu và tính dục trong Kinh Thánh và trong Huấn quyền của Giáo hội, giúp chúng ta thấy rõ vai trò quan trọng của tình yêu hôn nhân và giá trị của việc sử dụng tính dục trong đời sống của đôi bạn. Tình yêu và tính dục phải hướng về Cội nguồn của Đấng Tối Cao là Thiên Chúa tình yêu, và cộng tác với Thiên Chúa trong công trình sáng tạo để xây dựng và phát triển sự sống mới theo Luân lý Kitô giáo.

1. Tình yêu và sự thân mật của đôi bạn
Trong đời sống hôn nhân, không chỉ dừng lại ở mối quan hệ thể lý của đôi vợ chồng mà phải hướng đến một giá trị cao hơn, nghĩa là sự kết hợp tinh thần. Nên không chỉ hiểu rằng, sự kết hôn thuộc sở hữu của mình rồi thì “quyền của người này trên thân xác người kia” một cách quá duy vật. Nếu trong sinh hoạt vợ chồng mà chỉ nhắm đến tính dục và tách khỏi khía cạnh của tình yêu, thì không thể nào nói đến sự khiết tịnh được.

Tính dục và tình yêu theo Luân lý Kitô giáo không có sự tách rời, không thể cô lập và tách rời đời sống tính dục trong toàn bộ đời sống hôn nhân và khỏi những sự quan tâm quý giá và lớn lao mà hai vợ chồng dành trao cho nhau.

Thánh Phaolô Tông đồ dạy rằng: “Chồng phải nhìn nhận quyền vợ chồng của mình; ngược lại vợ cũng phải thế. Vì vợ không làm chủ thân xác mình mà là chồng. Chồng cũng không làm chủ thân xác mình mà là vợ. Đừng từ chối nhau, trừ khi đã có thoả thuận vì một lý do gì đó, như để cầu nguyện. Nhưng sau đó, hãy trở lại với nhau, kẻo bị Satan cám dỗ vì không tự chủ nổi”(1Cr. 7,3 – 5).

Trong đời sống chung vợ chồng, người chồng cần phải khéo léo để đọc ra được những lời yêu cầu thầm kín của vợ mình, nên giải thích những dấu hiệu muốn tỏ bày trong sự riêng tư của đời sống chung đó là những ý kiến và yêu cầu của vợ. Người chồng khôn ngoan như vậy, hẳn rằng tình yêu của hai người sẽ mỗi ngày một nhiều hơn để hai bên bắt đầu gặp nhau trong sự hiểu biết, cảm thông và chia sẻ.

Sự thân mật và âu yếm của đôi bạn không chỉ là việc nằm trong chính đời sống hôn nhân, mà nó đi liền với việc kết hiệp vợ chồng. Sự kết liên trong một của vợ chồng phải được diễn tả qua những cử chỉ của một tình yêu dịu dàng, thân ái. Những sự thân mật của đôi vợ chồng, sẽ nuôi dưỡng một tình yêu bền chặt.

Các quan hệ vợ chồng phải được hướng dẫn và cảm hứng từ sự quan tâm lo lắng cho nhau một cách vô vị lợi như thế. Tình yêu của họ cũng phải luôn luôn là tình yêu nhằm phục vụ Chúa và kế hoạch sáng tạo, cứu độ của Ngài.

Làm chủ dục vọng là nhiệm vụ của hai vợ chồng cùng chung vai sát cánh, cùng đồng thuận với nhau trong tính thống nhất, để bảo vệ tình yêu hôn nhân gia đình được mãi mãi sắt son. Đôi vợ chồng cần có lương tâm tinh tế, đôi khi cũng có thể thái quá trong việc kiềm chế các biễu hiện của tình cảm vợ chồng. Nếu nghiêm nhặt quá trong sự khát mong có thể dẫn đến mất niềm vui trong tình yêu đối với nhau và làm cho ước vọng yêu thương bị giãn đoạn, dở dang và tan biến dần. Những cử chỉ thân mật, yêu thương nhằm nuôi dưỡng tình yêu vợ chồng, để an ủi và nâng đỡ nhau trong mọi nỗi ưu sầu phiền muộn, nỗi lo lắng hay buồn bã, để cho người bạn đời của mình cảm nhận được một sự nâng niu, yêu thương và quý mến. Thánh Phaolô dạy rằng: Vợ chồng phải yêu thương nhau cũng bền lâu và nồng nàn như Đức Kitô yêu Giáo hội và như Giáo hội tận hiến cho Đức Kitô (Ep. 5,21-33).

Trong đời sống hôn nhân, người đàn ông và người đàn bà sẽ “giúp đỡ nhau và phục vụ nhau bằng cách kết hiệp mật thiết với nhau trong con người và trong việc làm” (MV. 48). Trình thuật sách sáng thế nói về vườn địa đàng, việc Thiên Chúa trao ban cho người đàn ông một người bạn đồng hành để hai bên tương trợ và giúp đỡ nhau và làm bạn với nhau. “ Đàn ông ở một mình không tốt, ta sẽ làm cho nó một người trợ giúp, thích hợp với nó” (St. 2, 18). Thế là Thiên Chúa đã tạo ra người phụ nữ, khi người phụ nữ xuất hiện, thìAdam đã thốt lên rằng: “ Ồ! Đây là xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi”. Kinh Thánh kết luận: “Bởi đó, người đàn ông sẽ lìa bỏ cha mẹ mình mà gắn bó với vợ của mình, cả hai sẽ nên một xương một thịt” (St. 2, 23tt). Đây là kiểu nói ngụ ý rằng hôn nhân không phải chỉ là một ràng buộc trong thân xác mà còn tạo nên một cuộc sống mới, một cuộc sống với nhau và cho nhau, một thực tại mà không bao giờ có thể dẹp bỏ được.

Một tình yêu lý tưởng và trọn vẹn là tình yêu không chia sẻ cho bất kỳ một ai khác, điều này được các Ngôn sứ trong Cựu Ước diễn tả mối tình giữa Giavê với Dân Israel của Ngài (Gr. 2 – 4; 31; Is. 54). Trong Tân Ước, Thánh Phaolô cũng diễn tả hôn nhân giống với sự kết hợp của Đức Kitô với Hội Thánh “Hỡi những người chồng, hãy yêu thương vợ mình, như Đức Kitô yêu thương Giáo hội, và phó mình cho Giáo hội, để thánh hoá Giáo hội… Người chồng phải yêu thương vợ như yêu chính thân thể mình” (Ep 5, 25).

Chúng ta nên hiểu sự tương trợ mà hai vợ chồng phải có trong tình yêu hôn nhân, không dừng lại ở chỗ tương trợ lẫn nhau khi vui vẻ hạnh phúc, thịnh vượng, nhưng mà còn cần hơn nữa, là phải gắn bó với nhau khi gặp hoạn nạn, lúc khổ đau, khi âu sầu lúc gian truân…

Đời sống hôn nhân cũng thường được xem như là cách thế để làm dịu bớt dục vọng, ngăn cản tính dục đi lệch đường, đặt nó dưới sự kiểm soát chặt chẽ của tình yêu hôn nhân. Thánh Phaolô đã khuyên nhủ những người còn độc thân hay những quả phụ nên ở như vậy tiếp tục (1Cr. 7) “Với những người độc thân và quả phụ, tôi nói thế này, họ cứ ở vậy, theo như tôi thì tốt cho họ hơn (1Cr.7,8). Nhưng Ngài lại thêm rằng: “Nếu họ không làm chủ được thì nên lập gia đình, vì thà kết hôn còn hơn là nung nấu lửa dục vọng” (1Cr.7,9).

Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, không nên coi việc làm dịu các dục vọng là một mục tiêu để tách rời các mục tiêu khác, như để chỉ thoả mãn bản năng tính dục. Đôi vợ chồng nên tỏ ra quan tâm đến nhu cầu và sự cám dỗ tính dục của bạn mình. Bằng cách này, họ sẽ vượt lên trên sự thoả mãn thuần tuý để tiến tới chỗ yêu thương, quan tâm và lo lắng cho nhau. Sau hết, muốn thực hiện bản năng tính dục cho có ý nghĩa thì phải đặt bản năng ấy phục vụ các mục tiêu khác của hôn nhân, như Tạo Hoá đã sắp đặt. Chỉ có tình yêu vợ chồng mới có sức chữa lành.

2. Trách nhiệm luân lý trong tình yêu hôn nhân
 
Trong thời gian chuẩn bị cho việc kết hôn, các đôi bạn trẻ thanh niên nam nữ thường có một thời gian chuẩn bị, hay còn gọi là thời kỳ đính hôn. Động cơ để đưa hai người đến với nhau và xích lại gần nhau hơn thường là do hai người đã có một cảm tình về tình yêu với nhau, hay nói cách thông thường bình dân, là đã “hợp nhãn” với nhau rồi. Chỉ có duy nhất hai người khám phá ra những cái riêng của nhau từ sự cùng rung một nhịp đập của trái tim, điều đó khiến cho hai người thuộc về nhau.

Thời gian tìm hiểu và chuẩn bị cho cuộc hành trình hôn nhân mãi mãi và trọn đời chung thuỷ là vấn đề cần thiết và quan trọng, do vậy, đôi bạn trẻ cần có một sự chuẩn bị cho việc xây dựng một nền tảng vững chắc, cần có một lưu ý đến giáo lý tiền hôn nhân, có những sự tìm hiểu về tình yêu và những cung cách sống cho phù hợp. Tuy nhiên, thời gian này dù chỉ là giai đoạn tìm hiều nhưng cũng cần phải biểu lộ một tình thương, lòng chung thành và thẳng thắn đối với nhau.

Tính dục, hiểu theo một nghĩa rộng, đóng vai trò quan trọng và thiết yếu trong giai đoạn chuẩn bị, nó liên quan đến tâm linh và thể lý, nên không thể trao hiến cho nhau cách trọn vẹn ngay từ lúc ban đầu vừa mới quen biết nhau, nguy hiểm cho cả một quá trình sống trọn đời với nhau sau này. Đừng bao giờ nghĩ chúng mình sẽ là của nhau, rồi mãi là của nhau để tự cho nhau một sự thoả mãn, một cách tự do dễ dàng, nó gây đến một hậu quả thiếu lành mạnh, chán trường và nghi ngờ trong sự dại khờ và non dạ của thưở ban đầu.

3. Trách nhiệm luân lý của tình yêu tính dục trong hôn nhân
 
Mục đích của đời sống hôn nhân có một liên hệ chặt chẽ với các mục tiêu của tình yêu tính dục. Nhưng không phải chỉ là việc sinh sản con cái mà còn là việc giáo dục con người trưởng thành. Đồng thời, cùng hỗ trợ nhau trong mọi công việc tinh thần lẫn thể chất.

Mục tiêu truyền sinh của tình yêu tính dục là một mục tiêu căn bản của hôn nhân. Hiến chế Mục Vụ số 50 khẳng định: “Tự bản chất hôn nhân và tình yêu vợ chồng được tổ chức nhằm sinh sản và giáo dục con cái. Con cái đúng là một món quà cao quý nhất của hôn nhân, góp phần rất căn bản vào hạnh phúc của cha mẹ… Vì thé, tuy không coi nhẹ các mục tiêu khác của hôn nhân, nhưng sống tình yêu vợ chồng cách đích thực và tìm được ý nghĩa cho đời sống gia đình, tất cả đều nhằm mục tiêu ấy: vợ chồng phải sẵn sàng can đảm và cộng tác với tình yêu của Thiên Chúa Tạo Hoá và Cứu Độ, đã dùng họ để ngày ngày mở rộng và làm giàu thêm cho gia đình của Ngài. Cha mẹ phải coi việc truyền sinh và giáo dục những người đã được mình truyền sự sống cho như sứ mạng của riêng mình”.

Quan hệ tính dục chỉ có giá trị hợp pháp trong khuôn khổ hôn nhân. Kinh Thánh đã giải thích ý định của Đấng Tạo Hoá một cách đúng đắn khi coi truyền sinh là một mục tiêu thiết yếu của hôn nhân. Hôn nhân thời nào cũng được bảo đảm là đưa tới sinh sản, vì chính Chúa đã chúc phúc cho cặp vợ chồng nhân loại đầu tiên rằng: “Hãy sinh sôi nảy nở cho đầy mặt đất” (St 1, 28) như trình thuật sáu ngày sáng tạo cho thấy.

4. Trưởng thành trong tình yêu nhân loại

 

Theo một quy luật tự nhiên, sự thu hút nhau do bản năng tính dục của hai người nam nữ khi gặp gỡ nhau. Nhưng nếu việc kết hợp tính dục chỉ dựa theo bản năng này thì chưa phải là tình yêu nhân loại đúng nghĩa. Bên cạnh hay thậm chí trước cả khi có những biểu hiện của tình yêu tính dục ấy, quan hệ giữa các phái tính phải là một sự giao tiếp cá nhân, biết kính trọng, yêu thương và quan tâm đến nhau.

Tình yêu tính dục và đức Ái Kitô giáo hoàn toàn liên kết chặt chẽ không tách rời. Tính dục nơi con người có xu hướng nội tại là tỏ lòng yêu mến người khác, luôn muốn chăm sóc, phục vụ và bảo bọc người kia. Khuynh hướng đó ngày càng được tăng trưởng nơi các thanh niên nam nữ từ khi mới bắt đầu quen nhau cho đến ngày trở thành bạn đời trăm năm của nhau.

Đôi bạn nam nữ phải trưởng thành theo cách riêng của mỗi bên để dần dần trở thành đàn ông và đàn bà thực sự. Cho nên, việc hướng dẫn, giáo dục cho các bạn trẻ khi còn là thiếu niên và ở tuổi dạy thì là điều cần thiết, nhất là phải giáo dục về trưởng thành giới tính và ý thức về mối quan hệ lứa đôi, biết trân trọng, lịch sự khi tiếp xúc với nhau.

Hội Đồng Giám mục Đức cũng dạy rằng: “Người trẻ phải tập gặp gỡ người khác phái một cách thanh lịch, không khiêu dâm. Đương sự cần biết người khác phái một cách cá biệt để dần dần dẫn đến chỗ lựa chọn để sống suốt đời người sẽ kết hôn với mình hoặc để có thể tự mình quyết định từ chối đời sống hôn nhân. Cho dù có thể có nguy cơ những cuộc tiếp xúc ấy sẽ đưa hai người tới chỗ thân mật và giao kết với nhau quá sớm nhưng không phải vì thế mà ta bãi bỏ hay nhảy qua giai đoạn cần thiết ấy để đòi trưởng thành trong khả năng yêu thương”.
 
III. TÍNH DỤC THEO LUÂN LÝ KITÔ GIÁO

Mỗi người đều sinh ra từ người khác. Sau lưng chúng ta là cả một gia đình, một người nam và một người nữ. Hai con người gặp trong trong quá trình hôn nhân và đến một khi nào đó, họ dẫn đến một sự thân mật thâm sâu, để nảy sinh ra một con người mới.

Khi nào thì có một sự sống xuất hiện? Thời điểm này là một Ân ban của Thiên Chúa, nên cha mẹ không ai có thể nói chắc được khi nào một sự sống mới xuất hiện. Mặc dù, ta cũng khẳng định rằng dù sự sống mới xuất hiện theo các quy luật không do con người làm ra, nhưng vẫn có thể nghiên cứu các quy luật ấy và có thể kiểm soát chúng ở một mức độ nào đó. Nhưng phải luôn xác định rằng, điều mãi mãi là kỳ công bất khả xâm phạm, nằm ngoài tầm kiểm soát của loài người: đó chính là con người vừa được sinh ra.

Có thể nói, giây phút một con người được sinh ra là một giây phút linh thiêng, biểu tỏ quyền năng vô hạn của Thiên Chúa, và duy chỉ Thiên Chúa mới quyết định được đứa trẻ đó là tôi chứ không là ai khác, còn cha mẹ giỏi lắm thì cũng chỉ muốn đứa này là con trai hay đứa kia là con gái, đó chính là quyền mà cha mẹ được trao ban trong việc cộng tác với Thiiên Chúa khi thụ thai, lúc sinh đẻ, và giáo duc con cái toàn diện.

Một con người mới chào đời là đã có sự âu yếm và tình yêu trọn vẹn của hai người là cha và mẹ. Tình yêu và hoa trái của tình yêu được xây dựng trên sự khác biệt của giới tính. Sự khác biệt của giới tính không chỉ quan trọng trong việc tạo ra sự sống mới, mà nó còn thâm nhập vào toàn bộ nhân cách của người ấy, luôn luôn và mãi mãi.

1. Cơ cấu tính dục của con người

 

Sự khác biệt giữa nam và nữ là một yếu tố làm nên hai bản tính con người. Hai giới tính khác nhau bên cạnh hệ thống các tuyến khác nhau, còn do toàn bộ cơ cấu của thân thể khác nhau. Chẳng hạn, thân thể của đàn ông chắc chắn và vóc dáng to khoẻ, đàn bà thì yếu hơn nhưng khung chậu và ngực nở nang hơn. Yếu tố tâm lý và điều kiện tâm linh cũng khác biệt. Sau đây là một số khác biệt của phái nam và phái nữ:

– Đàn ông hoạt động hướng ngoại và mạnh dạn chủ động hơn. Còn đàn bà thì thụ động, ưa tự vệ, có nghị lực để chịu đựng nhiều hơn.

– Đàn ông hướng đến sự vật, quan tâm đến mục tiêu khách quan. Đàn bà chú ý tới con người và sẵn sàng hiến thân cho nhữngngười mà mình thương bằng hết cả tâm hồn và con người của mình.

– Đàn ông mạch lạc trong trình bày, sắc bén trong lý luận. Đàn bà được hướng dẫn bởi tình cảm, nhạy bén, tinh tế và trực giác.

– Đàn ông làm việc theo nguyên tắc, còn đàn bà hành động do tình yêu.

Giới tính của mỗi giới đều có những điểm mạnh và điểm yếu, và cả hai đều bổ túc và hỗ trợ nhau để làm nên một điểm chung tốt đẹp. Nếu khinh thường một giới tính nào thì xét là coi thường Đấng tạo Hóa.

Tính dục là một năng lực sáng tạo rất kỳ diệu nơi con người, nhưng do sức mạnh của nó nên tính dục cũng là một điều đáng sợ. Một khi tách các ước muốn tính dục và sự thoả mãn sinh dục khỏi toàn bộ yếu tố là tình yêu của con người, ta sẽ thấy ẩn chứa những điều không ngờ được của sự dữ. Chỉ khi nó hoà nhập vào trong toàn thể hữu thể con người, tính dục mới trở thành điều tốt đẹp, đáng yêu và có giá trị xây dựng.

Sự khác biệt giới tính nam và nữ đòi hỏi ta phải bảo vệ và tạo cơ hội phát triển các điểm của mỗi giới. Bỏ qua hay coi nhẹ hai bổn phận này là không bình thường và làm hại tới tính dục của con người.

2. Bản chất và mục tiêu của tính dục nơi con người

 

Hai giới biểu lộ sự lôi cuốn và yêu thương nhau một cách thâm sâu, xác thịt và ngây ngất trong hành vi yêu thương của tính dục. Tự bản chất, tình yêu tính dục làm cho một người tìm cách trở thành kẻ đối ngẫu của người khác giới với mình. Mọi hình thức khác của việc hoạt động tính dục đều bất toàn, nếu không muốn nói là chưa trưởng thành hay là đồi bại. Con người: “Không bao giờ có thể làm cho tính dục hoạt động một cách có ý nghĩa, nếu chỉ coi đó là một giá trị chỉ quy về mình. Trái lại, con người phải nhìn tính dục trong thế giới tương quan với người khác”.

Bản năng tính dục cũng thúc đẩy con người tìm cách duy trì nhân loại như bản năng tự bảo tồn đã thúc đẩy con người duy trì sự sống của mình bằng cách ăn uống. Đấng tạo hoá đã cho khoái lạc đi kèm việc thoả mãn với các bản năng ấy. Tuy nhiên, khoái lạc không phải là mục tiêu và cứu cánh của việc thể hiện các bản năng, mà luôn luôn đặt khoái lạc tuỳ thuộc vào mục tiêu mà nó đã được quy định để thực hiện.

Mục tiêu hay cứu cánh của tình yêu hoặc tính dục theo như thần học luân lý truyền thống thì đều hướng tới vai trò truyền sinh của hành vi tính dục. Bất cứ mục tiêu nào khác mà con người nhắm tới khi thể hiện tình yêu vợ chồng, đều đặt bên dưới vai trò cơ bản ấy. Nhưng sau này, các nhà thần học thấy rằng, bên cạnh việc truyền sinh hành vi tính dục còn có mục tiêu khác, rất tốt và rất xứng đáng, đó là phương thế bày tỏ tình yêu của hai người đối với nhau.

Sinh sản con cái là mục tiêu của tính dục, mà thiên nhiên đã quy định. Hiến chế Mục vụ của Công đồng Vaticanô II cũng dạy rằng: “Do chính bản tính của mình, định chế hôn nhân và tình yêu vợ chồng tự chúng đã được quy hướng tới chỗ sinh sản và giáo dục con cái, coi con cái như phần thưởng cao quý nhất của hôn nhân và tình yêu gia đình” (Mv 48).

Tình yêu tính dục có khả năng tạo ra một cộng đoàn. Nó ràng buộc con người lại với nhau, thân xác và linh hồn càng tham gia vào tình yêu đó nhiều, thì khả năng ràng buộc của tình yêu đó càng lớn. Tình yêu ấy sẽ tạo ra một bầu khí yêu thương, gợi lên những tâm tình biết ơn, quảng đại và vui tươi.

3. Làm chủ tính dục và những điều nghịch lại trong sự việc này

Luân lý Kitô giáo nhìn nhận thân xác và tính dục là những công trình của Đấng Tạo Hoá. Theo Kinh Thánh, thân xác và cơ cấu tính dục của thân xác không phải là một kết quả của một nguyên lý xấu, mà là do Thiên Chúa. Do đó là một điều tốt lành, xứng đáng và có giá trị, cần phải luôn tôn kính và quý trọng.

Tính dục có một sức mạnh sáng tạo, nhưng cũng như mọi sức lực tự nhiên mãnh liệt khác, tính dục cần phải được điều khiển cách đúng đắn, cần phải nhằm mục đích phục vụ cho con người chính đáng chứ không trấn áp con người. Nếu không thì tính dục sẽ trở thành nguồn phát sinh ra những sự nô lệ, thất vọng, chán nản, ích kỷ và phá hoại.

a/ Nhân đức đoan trang và những hành vi lỗi với nhân đức này:

Đoan trang là tôn trọng những đòi hỏi để tránh bị xấu hổ trong lãnh vực tính dục. Nhân đức luân lý giúp con người đáp lại những yêu cầu của cảm giác xấu hổ trong lãnh vực tính dục là đức đoan trang. Đó là sự sẵn sàng tránh các nguy hiểm đe doạ tới sự vẹn toàn về mặt tính dục của mình, những nguy hiểm phát xuất từ những hình ảnh tưởng tượng của mình, những câu nói, những cử chỉ bên ngoài. Nhân đức ấy giúp bảo vệ và giữ sự khiết tịnh cách tốt nhất.

Bỏ qua cảm giác xấu hổ này là vi phạm tới nhân đức đoan trang ấy. Những sự vi phạm này có thể chỉ là những thiếu sót hay những tội nhẹ, nhưng cũng có thể là tội nặng. Điều này con tuỳ ở khả năng xảy ra cho mình những kích thích tính dục và những hành vi lệch lạc, không được phép, cũng như tuỳ vào mức khiêu khích và khơi gợi có thể xảy ra cho người khác.

b/ Những hành vi lỗi với nhân đức đoan trang:

– Trò chuyện: Trò chuyện cách khiếm nhã và thô lỗ về các vấn đề tính dục đã là đi ngược lại với đức đoan trang và kính trọng cần có đối với nguồn gốc sự sống.

– Đọc sách báo khiêu dâm thường là có tội, trừ khi đó là đề tài cần để nghiên cứu. Cũng đôi khi có những sách báo được phép cho những người đã kết hôn lại không thích hợp cho những đối tượng khác, những người độc thân hay còn trẻ.

– Sử dụng các phương tiện giải trí Kịch nghệ, truyền thanh, phim ảnh và truyền hình một cách không phân biệt là một trong những nguy cơ lớn đặt ra cho đức đoan trang nết na hiện nay.

– Nhìn ngắm cách đặc biệt với phụ nữ mà cảm thấy bị kích dục khi bị người ta nhìn như một đối tượng tính dục. Bởi đó, thật là thiếu đoan trang khi nhìn ngắm một cách tò mò hay còn khiếm nhã hơn nữa khi chỉ thích ngắm những thân thể khoả thân, ăn mặc không kín đáo…

– Sờ mó, một cách bình thường đụng đến thân thể mình khi tắm rửa, nhưng khi đụng chạm đến cơ quan sinh dục của mình lúc không cần thiết thì có thể dẫn đến hành động thiếu đoan trang. Đối với thân thể người khác, đặc biệt là người khác phái, cần phải tôn trọng, dè dặt và khôn ngoan, chỉ khi công việc với đức ái đòi hỏi như chăm sóc bệnh nhân thì không có gì đáng lo lắng và ngại ngùng.

– Về ăn mặc thì cần phải tôn trọng và phát huy vẻ đẹp nhưng cần phải có chừng mực, ngay cả việc trang điểm hay làm đẹp ngoại hình cho mình là điều rất trân trọng, nhưng cần lưu ý đừng đi quá mức hay cố tạo một sự khêu gợi cảm xúc cho con mắt người khác, đó là điều lỗi đức khôn ngoan và làm gương mù gương xấu.

c/ Nhân đức khiết tịnh:

Khiết tịnh là một sức mạnh luân lý giúp ta giữ vững trật tự đời sống tính dục của con người. Trật tự này thế nào là do mục tiêu và bản chất của sinh hoạt tính dục.

Khiết tịnh không phải chỉ là tiết dục, mà còn là một thái độ bày tỏ sự kính trọng đối với mầu nhiệm sự sống và đối với phẩm giá của người bạn đời.

Đức khiết tịnh giúp uốn nắn và tổ chức khả năng tính dục của ta để nó có thể phục vụ quan hệ vợ chồng cũng như nhu cầu sinh tồn của cộng đoàn.

Lý tưởng khiết tịnh của Kitô giáo là một lý tưởng khá cao. Ta thường thấy đó không phải là điều mà con người sẽ chiếm lấy một lần là xong, nhưng đó phải là một đích điểm mà con người không ngừng hướng tới và đeo đuổi.

4. Những tư tưởng liên quan đến tính dục và thiếu đức trong sạch

a/ Những sự tưởng tượng liên quan đến tính dục là những hình ảnh trong tâm trí, những sự mơ tưởng có bản chất khiêu dâm, cách ăn mặc, sự vuốt ve sờ mó… hay các hoạt động tính dục do chính mình bày kế ra, tưởng tượng ra.

Các sự tưởng tượng tính dục xét về mặt luân lý dựa trên hai tiêu chuẩn: Thứ nhất, đáng khiển trách vì chính nội dung của chúng là phi luân hoặc vì cường độ của chúng, có thể tạo ra phản ứng tính dục. Ngoài ra, cũng cần phải áp dụng các tiêu chuẩn khác tuỳ vào các bậc sống khác nhau của đương sự.

Những sự tưởng tượng tính dục có tội là do chính nội dung của chúng, một nội dung không thể chấp nhận được trên nguyên tắc. Chủ tâm thụ hưởng các hành vi phi luân (ngoại tình, loạn luân, thông dâm, đồng tính luyến ái), tán thành những sự lỗi phạm đức khiết tịnh trong quá khứ hay tiếc nuối vì đã không khai thác những cơ hội đó, ao ước làm việc ô uế, đó là những tội nội tâm đi ngược lại đức khiết tịnh.

Những sự tưởng tượng tính dục cũng có thể bị lên án, nếu chúng bỗng trở lên mãnh liệt đến nỗi tạo ra những phản ứng tính dục. Thường ta nên loại trừ nó trước khi chúng xuất hiện lên cao tới mức trở thành những sự kích thích thân xác mãnh liệt. Bởi khi tình trạng tính dục dâng cao thì ý chí và sự tự do sẽ dần dần trở nên yếu và khó làm chủ được bản thân mình.

b/ Vấn đề thủ dâm là việc làm tự chính mình kích thích cơ quan sinh dục để tự khoái cảm cho mình lên tới cực độ, nhằm thoả mãn tính dục cách trọn vẹn. hành vi này có thể tự chính mình dụng chạm vào bộ phận sinh dục, có thể bằng một hành vi khiếm nhã với người khác phái, đồng phái, không qua giao hợp. Thường thì chỉ sự thoả mãn bằng sự kích thích chính mình, người ta gọi đó là việc tự lạm dụng mình hay phạm tội một mình.

Vấn đề này thì cha giải tội có thể dựa vào những chỉ dẫn thực tiễn sau đây để phê phán tầm mức nặng hay nhẹ của một hành vi thủ dâm: “Nếu hối nhân đã có những nỗ lực nghiêm túc để sống đẹp lòng Chúa, nếu hối nhân đã thành tâm tìm kiếm cách khắc phục thói xấu ấy và xa tránh hành vi thủ dâm, nếu hối nhân đã tránh những cơ hội có thể tránh được, đã siêng năng lãnh nhận các Bí tích và chuyên chăm cầu nguyện, nhất là trong một cơ hội nhất định nào đó hối nhân đã không đầu hàng cơn cám dỗ khi chưa chiến đấu dai dẳng và cam go, thì cha giải tội nên khoan dung xét xử trường hợp ấy”.

5. Sự giao tiếp giữa các phái tính

a/ Âu yếm và vuốt ve:

Phong tục và thói quen của mỗi nền văn hoá đóng vai trò rất lớn trong việc gặp gỡ tiếp xúc của hai người, bởi có điều thì không chấp nhận ở nền văn hoá này thì lại trở nên một sự bình thường của nền văn hoá khác.

Những biễu hiện tình cảm giữa hai người thường được gọi chung là âu yêm và vuốt ve, từ việc cầm tay, hôn hít cho đến việc đụng chạm vào thân thể người khác phái.

Những vuốt ve và những chiều chuộng tính dục quá sớm sẽ cản trở không cho ta phát huy được một tình yêu toàn diện, trưởng thành hơn nhưng cũng khó khăn hơn. Bởi vì, tình yêu toàn diện không dừng lại nơi sự luyến ái tính dục mà còn lại sự quan tâm đến người khác cách vô vị lợi và sống tình bạn một cách tận tuỵ.

b/ Vấn đề giao hợp trước hôn nhân:

Xưa nay, việc giao hợp trước hôn nhân vẫn bị đạo đức Kitô giáo coi là một tội nặng. Thế nhưng, đây lại là một hiện tượng khá phổ biến.

Giáo huấn trong Kinh Thánh Cựu Ước và Tân ước mạnh dạn lên án mọi hình thức gian dâm, coi đó như hành vi ngược lại sự công chính của Nước Trời

Giáo huấn của huấn quyền cũng liên tiếp bảy tỏ niềm tin vững chắc của mình rằng giao hợp trước hôn nhân là một tội nặng, cho dù huấn quyền không làm việc ấy qua một lời định tín bất khả ngộ nào.

6. Những tội nghịch với quan hệ tính dục của hai phái tính

a/ Mại dâm: là hành vi dùng thân xác và quan hệ tính dục của mình như một nghề để kiếm tiền sống và thỏa mãn. Vấn đề này là một tội rất nặng, bởi tính dục chỉ đúng đắn dành cho hai con người yêu nhau.

Mại dâm là hành động không vì tình yêu, mà chỉ là một bên thoả mãn dục vọng và một bên thì tìm kiếm tiền cho nhu cầu sống.

b/ Ngoại tình: là giao hợp tính dục giữa hai người khác phái trong đó ít là một người đã kết hôn. Ngoài tội phạm đến đức khiết tịnh, ngoại tình còn là sự vi phạm tới đức công bằng và sự thuỷ chung.

Ngoại tình kéo theo những hậu quả nguy hại cho tình yêu, cho sự kết hợp ổn định trong gia đình của người đã kết hôn.

Ngoại tình còn xâm phạm đến sự trung thành mà đôi bên đã hứa với nhau khi kết hôn, đối với người Công giáo thì còn là việc xúc phạm đến sự thánh hiến dây hôn phối do bí tích hôn nhân đem lại.

Hai người có thể ngăn chặn được ngoại tình khi hai người không coi nhẹ tình yêu vợ chồng, và luôn quan tâm lo lắng đến nhau cách đặc biệt và bậc nhất. Ngoại tình rất khó xảy ra nếu hai vợ chồng luôn sống tình yêu chân thành.

c/ Cưỡng dâm: Hiếp dâm là giao hợp một cách bất hợp pháp với một phụ nữ ngược với ý muốn của phụ nữ ấy. Đó không những là tội nặng lỗi đức khiết tịnh mà còn là tội nặng đối với đức công bằng. Vì đã xâm phạm cách bất công đến thân thể của phụ nữ, làm cho người phụ nữ đó ra ô nhục trong xã hội, và rất nguy hiểm đến việc xây dựng hôn nhân và hạnh phúc tương lai.

d/ Loạn luân: là giao hợp giữa người có mối quan hệ huyết tộc và thân tộc rất gần. Sự loạn luân không chỉ lỗi đức trong sạch mà còn lỗi đến đức hiếu đễ trong gia đình, một sự xúc phạm cực kỳ nghiêm trọng khi diễn ra giữa ông bà cha mẹ với con cái, giữa anh chị em với nhau.
 

7. Những lệch lạc về tính dục và về vấn đề loạn dâm đồng giới

 

Những trường hợp loạn dâm đồng giới hiện nay trở nên khá phổ biến. Có quan hệ loạn dâm đồng giới là có những sinh hoạt giữa hai người đồng giới tính. Thường thì nó chỉ là một sự thoả mãn theo cách thức thủ dâm cho nhau, không thể giao hợp mà chỉ thỏa mãn qua những nơi khác trên thân thể người cùng giới.

Kinh Thánh và huấn quyền của Giáo hội luôn coi hành vi loạn dâm đồng giới là tội. Sự đồng dâm sẽ trái ngược với tự nhiên và không thoả mãn khát vọng tính dục sâu sa nhất của hai người. Đó chỉ là một sự thay thế không đủ sức đáp ứng các nhu cầu đích thực của bạn mình và vì thế không đủ làm dấu hiệu chân thực trong tình yêu.

Những quan hệ đồng dâm thường mang tính lưỡng giả. Hai bên vừa thấy bị những tình cảm yêu thương thu hút vừa cảm thấy những tình cảm bị nghi kỵ đẩy xa nhau. Quan hệ tính dục theo lối này rốt cuộc chỉ là một sự bù trừ, nghèo nàn, đáng thương thay cho tình yêu chân thực giữa hai người khác giới.

8. Những hình thức lệch lạc tính dục khác

 

a/ Thú dâm là giao hợp và mong thoả mãn với một con thú vật. đây là một hành động mà Kinh Thánh và huấn quyền Giáo hội lên án cực lực. Hành vi xấu xa ở chỗ có cảm xúc đồi bại và thiếu suy nghĩ, mất tư cách và phẩm giá con người. Hành vi này không biểu lộ tình yêu, không dẫn đến sự sống của một người khác, mà chỉ là thoả mãn sự căng thẳng trong tính dục.

b/ Những cách thức thoả mãn tính dục thái quá: Thoả mãn tính dục thái quá là tạo sự kích thích tính dục chỉ nhờ hay ít là chủ yếu nhờ những việc làm hoàn toàn xa lạ với đời sống tính dục: như bạo dâm, tìm sự kích dục bằng cách chịu hành hạ người khác; khổ dâm là tìm kích thích tính dục bằng cách chịu đựng những hành vi tàn bạo, nhục nhã có người khác; vật dâm là tìm kích thích tính dục qua những đồ vật, quần áo, giày dép, tóc… mà không liên hệ đến một người đặc biệt nào.

Những hành vi trên đây xấu xa về mặt luân lý thế nào hẳn ta đã thấy rõ. Mặc dù, hiểu về sự căng thẳng và rối loạn nặng nề về tâm lý. Nhưng, nếu có thể làm chủ được những cách biểu hiện của các xu hướng và dục vọng của mình, từ chối những cách thoả mãn bất hợp pháp, thì người bất bình thường về tính dục cũng phải làm thế, và càng phải làm hơn nữa khi những dục vọng ấy gây nguy hại cho người khác.
 
Kết luận:

Tình yêu và tính dục trong quan hệ vợ chồng là điều đáng trân trọng, bởi vì cùng cộng tác vào trong công trình tạo dựng của Thiên Chúa, để tạo ra những mầm sống mới. Đó là một giá trị cao quý, một tặng phầm vô giá mà Thiên Chúa yêu thương ân ban cho con người. Nên mối quan hệ khởi đi từ sự yêu thương, chung thuỷ, quan tâm lo lắng cho nhau cách vô vị lợi. Tình yêu của họ luôn cần phải biểu hiện một tình yêu chân chính, phục vụ nhu cầu của nhân loại, phục vụ trong thánh ý Chúa để kế hoạch sáng tạo và cứu độ của Ngài được thực hiện cách hữu hiệu và trọn hảo. Tính dục luôn phải được thi hành trong mục đích và giá trị mà Thiên Chúa đã hướng đến cho việc truyền sinh và giáo dục con người mới, nhằm mang đến lợi ích tốt đẹp và cao quý cho con người qua mọi thời đại, và nâng cao phẩm giá của con người cách đích thực và ý nghĩa.