Ga 20, 1-9: “Ông Đã Thấy Và Đã Tin” (20,8). Ai thấy? Thấy Gì? Tin Gì?

0
651


Lm. Giuse Lê Minh Thông, OP.

 

Đoạn Tin Mừng Ga 20,1-9 nói về tiến trình “thấy” và “tin” của người môn đệ Đức Giê-su yêu mến. Xin chia sẻ đôi nét về người môn đệ bí ẩn này và ý nghĩa của việc “thấy” và “tin”.

Người thuật chuyện kể ở Ga 20,1-9: “1 Vào ngày thứ nhất trong tuần, Ma-ri-a Mác-đa-la đi đến mộ lúc sáng sớm, khi trời còn tối, bà thấy tảng đá đã bị lấy ra khỏi mộ. 2 Bà liền chạy đến với Si-môn Phê-rô và người môn đệ khác người Đức Giê-su thương mến –, bà nói với các ông: ‘Người ta đã lấy Chúa khỏi mộ và chúng tôi không biết họ để Người ở đâu.’ 3 Vậy Phê-rô và người môn đệ khác đi ra và họ đi đến mộ. 4 Cả hai ông cùng chạy, người môn đệ khác nhanh hơn Phê-rô, chạy trước và đã đến mộ trước tiên. 5 Cúi xuống nhìn, ông ấy thấy những băng vải còn để đó nhưng không đi vào. 6 Si-môn Phê-rô theo sau ông ấy cũng đến nơi, đi vào trong mộ và thấy những băng vải còn để đó, 7 và khăn che đầu của Người không để với những băng vải, nhưng cuốn lại để riêng ra một nơi. 8 Bấy giờ người môn đệ khác cũng đi vào người đã tới mộ trước tiên –, ông ấy đã thấy và đã tin. 9 Thực ra, các ông chưa hiểu theo Kinh Thánh là Người phải trỗi dậy từ giữa những kẻ chết.”

Truyền thống đồng hóa môn đệ Đức Giê-su yêu mến với tông đồ Gio-an. Nhưng thực tế không đơn giản. Trong Tin Mừng Nhất Lãm, tông đồ Gio-an thuộc nhóm ba môn đệ thân tín của Đức Giê-su: Phê-rô, Gio-an và Gia-cô-bê. Hình ảnh tông đồ Gio-an, cũng như các môn đệ khác, thường là không hiểu Đức Giê-su. Khi Gio-an và Gia-cô bê xin được ngồi bên hữu và bên tả, Đức Giê-su nói: “Các anh không biết các anh xin gì” (Mc 10,38a). Khi những người Sa-ma-ri không tiếp đón Thầy trò, Gia-cô-bê và Gio-an nói: “Thưa Thầy, Thầy có muốn chúng con khiến lửa từ trời xuống thiêu huỷ chúng nó không?” Và Đức Giê-su đã quay lại quở mắng các ông (Lc 9,54-55). Ở vườn Ghết-sê-ma-ni, ba môn đệ thân tín ngủ khi Thầy đang hấp hối (Mc 9,32-42). Trong Tin Mừng Nhất Lãm, Phê-rô đóng vai trò tông đồ trưởng và nổi bật hơn tông đồ Gio-an.

Trong Tin Mừng thứ tư, người môn đệ Đức Giê-su yêu mến có một vị trí đặc biệt và nổi bật hơn Phê rô và các môn đệ khác trong nhiều khía cạnh. Người môn đệ này xuất hiện lần đầu tiên trong bữa tiệc ly (Ga 13,1-32). Phê-rô phải nhờ người môn đệ này hỏi Đức Giê-su xem ai là người sẽ nộp Thầy (Ga 13,23-24). Người môn đệ này có vị trí gần Đức Giê-su hơn Phê-rô và hiểu Đức Giê-su hơn Phê-rô. Trong biến cố Thương Khó, các môn đệ khác sợ sệt bỏ chạy, thì người môn đệ Đức Giê-su yêu mến đứng dưới chân thập giá và được Đức Giê-su trao phó chăm sóc Mẹ của Người (Ga 19,26-27). Trong trình thuật ngôi mộ trống (Ga 20,1-9), người môn đệ Đức Giê-su yêu mến đã thấy và đã tin, còn lòng tin của Phê-rô không được nói đến. Khi Đấng Phục Sinh hiện ra trên bờ biển hồ Ti-bê-ri-a (Ga 21,1-14), người môn đệ này là người đầu tiên nhận ra Đức Giê-su.

Như thế, người môn đệ Đức Giê-su yêu mến trổi vượt hơn Phê-rô và các môn đệ khác về ba phương diện: (1) Về vị trí, ông ở bên cạnh Đức Giê-su trong bữa tiệc Vượt qua cuối cùng (Ga 13,23), (2) Về lòng tin, ông đã thấy và đã tin trước ngôi mộ trống (Ga 20,8), (3) Về sự hiểu biết, ông nhận ra Chúa trước tất cả các môn đệ khác (Ga 21,7).

Việc người môn đệ Đức Giê-su yêu mến thường hiện diện với Phê-rô trong Tin Mừng thứ tư không đủ để đồng hóa người môn đệ này với tông đồ Gio-an trong Tin Mừng Nhất Lãm. Với sự thân tín đặc biệt và được trình bày cách lạ lùng trong Tin Mừng Gio-an, người môn đệ Đức Giê-su yêu mến là một nhân vật lịch sử đã trở thành nhân vật biểu tượng. Đây là người môn đệ lý tưởng và mẫu mực cho người tin qua mọi thời đại.

Đoạn Tin Mừng Ga 20,1-9 cho biết thế nào là “thấy” và “tin”. Có thể hiểu người môn đệ này không vào mồ trước, vì tôn trọng Phê-rô là trưởng Nhóm Mười Hai; nhưng mạch văn cho thấy, ông trổi vượt hơn Phê-rô về ba khía cạnh: (1) Trước hết, ông chạy trước Phê-rô để tới mộ trước. Việc ông mau mắn hơn Phêrô cho thấy sự gắn bó giữa ông và Đức Giê-su, (2) Thứ đến, ông là người thấy những băng vải trong mộ trước Phê-rô, (3) Cuối cùng, sự thấy của ông có hiệu lực hơn sự thấy của Phê-rô: Những điều Phê-rô thấy chỉ có tính cách thông tin, còn những gì người môn đệ này thấy bằng mắt thể lý đã dẫn tới thấy bằng mắt đức tin, “ông đã thấy và đã tin” (20,8).

Hai động từ “thấy” và “tin” không có bổ túc từ nên có thể hiểu theo nghĩa rộng. Những điều người môn đệ này thấy không chỉ là thấy những băng vải như đã kể ở trên, mà ông còn thấy ngôi mộ trống rỗng, thấy Đức Giê-su không còn đó. Xa hơn, gợi đến những gì ông đã thấy khi đứng dưới chân thập giá. Tuy nhiên, đây không phải là “thấy” bình thường mà là thấy đúng theo ý Thiên Chúa. Nghĩa là “thấy” và “tin” gắn kết với nhau như Đức Giê-su đã nói: “Đây là ý muốn của Cha Tôi: Tất cả những ai thấy người Con và tin vào Người thì có sự sống đời đời” (6,40).

Động từ “tin” trong câu: “Ông đã thấy và đã tin” (20,8) cũng không có túc từ và cho phép hiểu: Người môn đệ này không chỉ tin vào việc Đức Giê-su sống lại mà còn tin vào những lời Đức Giê-su đã nói, tin Đức Giê-su là Đấng Chúa Cha sai đến, tin là Đức Giê-su có thể ban sự sống đời đời. Và ở mức độ cao nhất: Tin Đức Giê-su là Chúa và là Thiên Chúa như lời Tô-ma tuyên xưng trước Đấng Phục Sinh: “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con” (20,28). “Thấy” và “tin” theo nghĩa tuyệt đối, không có túc từ, cho thấy người môn đệ Đức Giê-su yêu mến đã hiểu ý nghĩa của biến cố Thương Khó.

Tuy nhiên, giữa việc “thấy bằng mắt” và “tin” có một khoảng cách lớn lao. Bởi lẽ ngôi mộ trống và những băng vải không phải là bằng chứng hiển nhiên về việc Đức Giê-su Phục Sinh. Người môn đệ Đức Giê-su yêu mến đã thấy dấu chỉ, chứ không thấy Đức Giê-su sống lại. Vì thế, chúng ta không ngạc nhiên khi Tin Mừng thứ tư kết thúc với lời động viên các tín hữu thế hệ sau: “Phúc cho những người không thấy mà là những người tin” (20,29).

Thực ra, không ai có bằng chứng hiển nhiên về việc Đức Giê-su sống lại. Dù chúng ta là những người không thấy mà tin, bài Tin Mừng mời gọi chúng ta đạt tới hành động “thấy” đích thực như người môn đệ Đức Giê-su yêu mến. Từ việc thấy dấu chỉ được kể lại trong Tin Mừng, dẫn tới việc thấy bằng con mắt đức tin, nghĩa là nhận ra sự hiện diện của Đấng Phục Sinh trong cuộc đời.

Việc Đức Giê-su Phục Sinh đã mở ra một giai đoạn mới trong lịch sử cứu độ, xin cho tất cả chúng ta “thấy” và “tin” qua những dấu chỉ thuật lại trong Tin Mừng và qua những dấu chỉ trong cuộc sống hôm nay để đón nhận sự sống, niềm vui và bình an của Đấng Phục sinh ban tặng./.