Ga 12, 20 – 33: Ánh Sáng Của Thập Giá

0
366


Lm. FX. Vũ Phan Long, OFM.

 

Bản Văn Tin Mừng: Ga 12, 20 – 33 [1]

20 Trong số những người lên Giê-ru-sa-lem thờ phượng Thiên Chúa, có mấy người Hy-lạp. 21 Họ đến gặp ông Phi-líp-phê, người Bết-xai-đa, miền Ga-li-lê, và xin rằng: “Thưa ông, chúng tôi muốn được gặp ông Giê-su.” 22 Ông Phi-líp-phê đi nói với ông An-rê. Ông An-rê cùng với ông Phi-líp-phê đến thưa với Đức Giê-su. 23 Đức Giê-su trả lời: “Đã đến giờ Con Người được tôn vinh! 24 Thật, Thầy bảo thật anh em, nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác. 25 Ai yêu quý mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai coi thường mạng sống mình ở đời này, thì sẽ giữ lại được cho sự sống đời đời. 26 Ai phục vụ Thầy, thì hãy theo Thầy; và Thầy ở đâu, kẻ phục vụ Thầy cũng sẽ ở đó. Ai phục vụ Thầy, Cha của Thầy sẽ quý trọng người ấy.”

27 “Bây giờ, tâm hồn Thầy xao xuyến! Thầy biết nói gì đây? Lạy Cha, xin cứu con khỏi giờ này, nhưng chính vì giờ này mà con đã đến. 28 Lạy Cha, xin tôn vinh Danh Cha.” Bấy giờ có tiếng từ trời vọng xuống: “Ta đã tôn vinh Danh Ta, Ta sẽ còn tôn vinh nữa!” 29 Dân chúng đứng ở đó nghe vậy liền nói: “Đó là tiếng sấm!” Người khác lại bảo: “Tiếng một thiên thần nói với ông ta đấy!” 30 Đức Giê-su đáp: “Tiếng ấy đã vọng xuống không phải vì tôi, mà vì các người. 31 Giờ đây đang diễn ra cuộc phán xét thế gian này. Giờ đây thủ lãnh thế gian này sắp bị tống ra ngoài! 32 Phần tôi, một khi được giương cao lên khỏi mặt đất, tôi sẽ kéo mọi người lên với tôi.” 33 Đức Giê-su nói thế để ám chỉ Người sẽ phải chết cách nào.

***

I.- NGỮ CẢNH

Câu truyện này nằm trong bối cảnh thời gian và thần học là tuần lễ cuối cùng trong sứ vụ của Đức Giêsu, tuần lễ Vượt Qua (x. Ga 12,1.12; 13,1; 18,28; 19,31) mà cuộc hy sinh của Đức Kitô, là Con Chiên Vượt Qua, sẽ biến thành lễ Vượt Qua mới và vĩnh viễn có sức giải phóng tất cả mọi người. Việc xức dầu ở Bêtania (12,1-11) chính là mở đầu mang tính tiên tri. Hành vi của Maria, chị của Ladarô, xức chân Đức Giêsu bằng dầu thơm cam tùng quý giá, đã loan báo việc mai táng Người (12,7). Quả thật, người ta không xức dầu lên chân một người sống như thế, mà thường xức cho một thi hài vào lúc làm nghi thức tắm rửa. Ta ghi nhận rằng theo TM Mc (14,3-9), người phụ nữ chỉ đã xức dầu lên đầu Đức Giêsu, và đấy là cử chỉ tiêu biểu trong việc xức dầu tấn phong ai làm vua và tấn phong đấng Mêsia.

Hôm sau, khi Đức Giêsu vào Giêrusalem (12,12-19), dân chúng đã tung hô Người như là “vua Israel”. Tác giả TM IV coi việc dân chúng cầm nhành lá thiên tuế hoan hô reo hò như là mức độ cuối cùng của sự sai lầm của dân chúng và Đức Giêsu im lặng để sửa chữa những niềm hy vọng thiên sai lầm lạc. Người cỡi lên một con lừa nhỏ vào lúc ấy – chứ không ngay từ đầu như trong các TMNL –, Đức Giêsu muốn cho họ thấy là giống như ông hoàng khiêm tốn mà ngôn sứ Dacaria đã loan báo (Dcr 9,9-10), Người hoàn toàn không có một mưu đồ chính trị nào. Cuộc Vượt Qua sắp tới của Người, tức cuộc Thương Khó, cái Chết, cuộc Phục Sinh, sẽ cho thấy rõ ràng kiểu “vinh quang” Người đang theo đuổi. Chỉ sau kinh nghiệm này các môn đệ mới nắm được bản chất đích thực của cuộc khải hoàn của Đức Giêsu (c. 16).

Đám đông thì vẫn không hiểu (cc. 17-18). Nhưng những lời hoan hô của họ khiến người Pharisêu phải phản đối và tranh luận với nhau: “Các ông thấy chưa: các ông chẳng làm nên trò trống gì cả! Kìa thiên hạ theo ông ấy hết!” (c. 19b). Ở đây, tác giả TM IV vẫn vận dụng khả năng khôi hài quen thuộc của ngài. Nỗi lo sợ của người Pharisêu là thật hơn họ tưởng: cả người ngoại cũng đã xuất hiện (cc. 20-23).

Nhận định của người Pharisêu (c. 19b) khiến ta nghĩ ngay đến nhận định của thượng tế Caipha: “Các ông cũng chẳng nghĩ đến điều lợi cho các ông là: thà một người chết thay cho dân…” (11,50). Chính ông này cũng đã nói tiên tri mà không biết: trong tư cách là thượng tế, ông đã nói tiên tri là Đức Giêsu phải chết thay cho dân, và không chỉ thay cho dân mà thôi, nhưng còn để quy tụ con cái Thiên Chúa đang tản mác (11,52).

Sự kiện mấy người ngoại đến xin gặp Đức Giêsu là một đỉnh cao trong cấu trúc văn chương và thần học của các ch. 11–12 của TM IV: kế hoạch cứu độ phổ quát, thậm chí ra ngoài biên giới dân tộc Do Thái, đang bắt đầu được thực hiện, ít nhất ở dạng mầm mống. Tất cả những điều đó chứng tỏ rõ ràng là giờ của cuộc Thương Khó đã được loan báo, giờ đưa tới vinh quang.

II.- BỐ CỤC

Bản văn có thể chia thành bốn phần:

1) Người Hy Lạp đến gặp (12,20-22);

2) Đức Giêsu công bố về Giờ và dạy về thân phận của Người và của các môn đệ  ([“Đã đến giờ”], 12,23-26);

3) Đức Giêsu trước cái chết (“bây giờ”, 12,27-30);

4) Giá trị của cái chết của Đức Giêsu (“bây giờ”, 12,31-33).

III.- VÀI ĐIỂM CHÚ GIẢI

– Mấy người Hy Lạp (20): Những lời mỉa mai ở c. 19 được ứng nghiệm tức khắc. Đây không phải là những người Do Thái Hải ngoại (diaspora; x. Ga 7,35), đã di cư ra khỏi Paléttina và bị phân tán trong các vùng dân ngoại, nhưng là những người ngoại giáo không cắt bì, thuộc về hạng người “kính sợ Thiên Chúa” (x. Cv 10,2.22.35; 13,16.26), tin vào vị Thiên Chúa duy nhất và tuân giữ đức công bình. Họ đã đến Giêrusalem không phải để du lịch mà là để hành hương, vì bị thúc đẩy bởi thao thức tìm ra chân lý.

Họ đến gặp ông Philípphê (21): Họ ngỏ ý muốn với Philípphê bởi vì ông này nói tiếng Hy Lạp (tên Philípphê và tên Anrê là hai tên Hy Lạp), và cũng như họ, ông là người Bếtxaiđa, là vùng có đa số dân cư là người ngoại.

Chúng tôi muốn được gặp ông Giêsu (21): dịch sát là “muốn được thấy”, có nghĩa là “nói với Đức Giêsu”, trò chuyện với Người, để biết Người, khám phá ra chân tính của Người.

Giờ (23): Đây là giờ Thương Khó, Chết và Phục Sinh, để Con Người được tôn vinh. “Giờ” đây là đỉnh cao của sứ mạng của Người và cũng là lúc kết án “thế gian” này với thủ lãnh của nó.

Tôn vinh (23): “Vinh quang” (doxa) là sự tỏa rạng sự hiện diện của Thiên Chúa, là ánh huy hoàng, vừa đáng sợ vừa thu hút, của Hữu thể thần linh. Vinh quang này ở trong Ngôi Lời nhập thể, nhưng tính khiêm hạ của mầu nhiệm Nhập Thể đã chế giảm đi ánh huy hoàng của vinh quang này, cho dù các lời nói và các công việc của Đức Giêsu lại là “dấu chỉ” đầu tiên của vinh quang này (x. 2,11). Cuộc Thương Khó, thay vì che phủ vinh quang này, lại vén mở cho thấy vinh quang này ở mức viên mãn: kể từ khi cái vỏ bọc nhân loại bị phá vỡ, sự hiện diện thần linh, như được giải phóng, mới xâm nhập tất cả nhân tính của Ngôi Lời để làm cho nhân tính này sống lại và lên trời.

Nếu hạt lúa gieo vào lòng đất (24): Câu này được vọng lại trong 1 Cr 15,36. Rất có thể đây là một câu tục ngữ quen thuộc tác giả đã dùng để áp dụng cho trường hợp Đức Giêsu: chỉ cái chết của Đức Giêsu mới có thể đưa lại ơn cứu độ cho người khác.

– Ai yêu quý mạng sống mình, thì sẽ mất (25): Câu này trở đi trở lại ở nhiều dạng (x. Lc 9,24 so sánh với Mc 8,35 và Mt 16,25; Mt 10,39 so sánh với Lc 17,33). Các TMNL áp dụng câu này cho những đau khổ và mất mát của đời môn đệ. Hẳn là tác giả TM IV cũng đang nghĩ tới những đau khổ của cộng đoàn của ngài (x. 15,18-21).

Thầy ở đâu, kẻ phục vụ Thầy cũng sẽ ở đó (26): Sự đồng nhất giữa Đức Giêsu và các môn đệ sẽ được nêu bật hơn trong các diễn từ cáo biệt (x. 13,13.16; 15,20). Phần kết “Ai phục vụ Thầy, Cha của Thầy sẽ quý trọng người ấy” lại xuất hiện trong ngôn ngữ tình yêu trong các diễn từ cáo biệt (14,23; 16,27). Xem Mc 8,38; Mt 10,32 so sánh với Lc 12,8.

– Bây giờ tâm hồn Thầy xao xuyến (27): Tác giả TM IV đang cảm hứng hoạt cảnh Đức Giêsu hấp hối tại Vườn Ôliu, nhưng đặt hoạt cảnh ấy trong một bối cảnh khác. Cũng như trong các TMNL, khi thấy giờ chết đến gần, Đức Kitô run sợ: “Tâm hồn Thầy xao xuyến” (tetaraktai, c. 27a). “Tâm hồn” (psychê) đây cũng có nghĩa là bản thân, là mạng sống; mạng sống ấy đang chao đảo khi đứng trước cái chết sắp tấn công nó. Sự xúc động trong lòng (tô pneumati) mà Đức Giêsu cảm thấy khi đứng trước mộ Ladarô, bây giờ xâm chiếm tất cả bản thân Người (so sánh với Lc 22,43-44).

Lạy Cha, xin tôn vinh Danh Cha (28): x. Lc 11,2. Câu này diễn tả sự duy nhất trong kế hoạch của Đức Giêsu với ý muốn của Thiên Chúa. Đức Giêsu sẽ tôn vinh Thiên Chúa trên thập giá và cũng sẽ được Chúa Cha tôn vinh (x. 13,31-32; 17,4).

Có tiếng từ trời (28): Dân chúng không thể “nghe” được lời Thiên Chúa đáp lại Đức Giêsu, nên họ nghĩ đó là tiếng một thiên thần. Giống như trong truyện Ladarô, việc Đức Giêsu cầu nguyện cũng là một tấm gương cho họ.

Ta đã tôn vinh Danh Ta, Ta sẽ còn tôn vinh nữa  (28): Hành vi “tôn vinh” đầu quy về những “dấu lạ” Đức Giêsu đã làm và nhờ đó đã làm chứng về Chúa Cha, khi tôn vinh Ngài nơi Đức Giêsu. Hành vi “tôn vinh” thứ hai quy về cái chết và cuộc tôn vinh Đức Giêsu.

Mà vì các người (30): Như thế, tác giả đã biến truyền thống về “cơn hấp hối riêng tư” của Đức Giêsu thành một cuộc bày tỏ công khai công việc phục vụ vì vâng lời của Đức Giêsu.

Giờ đây đang diễn ra cuộc phán xét thế gian này (31): Cuộc phán xét (x. 3,18-19) lên cao điểm với cuộc đóng đinh. Tiếng sấm trong lời Thiên Chúa nói trong câu trước báo trước việc Thiên Chúa sẽ đến uy hùng mà tống “thủ lãnh của thế gian này” ra ngoài. Ở đây, tác giả dùng từ ngữ “thế gian” không phải để chỉ đối tượng được Thiên Chúa yêu thương, như trong 3,16, nhưng như một biểu tượng cho tất cả những gì là không tin và thù nghịch với Thiên Chúa (x. 8,24; 15,18-19; 16,8-11). Satan như là thủ lãnh của “thế gian” ở trong thế đối lập với Thiên Chúa, là một hình ảnh quen thuộc của nền văn chương khải huyền Do Thái. Nhưng tác giả chỉ dùng hình ảnh Satan để giải thích việc Giuđa phản bội thôi (6,70; 13,2.27) và trong những câu nói loan báo chiến thắng của Đức Giêsu (14,30; 16,11).

Một khi được giương cao lên khỏi mặt đất (32): Các truyền thống Kitô giáo tiên khởi coi việc Đức Giêsu bị đóng đinh như là việc Người được tôn lên bên hữu Thiên Chúa và coi đây là nền tảng cho quyền chủ tể của Người trên vũ trụ (x. Pl 2,9-11). Rất có thể cặp từ ngữ “được tôn vinh – được giương cao” của tác giả được lấy từ Is 52,13, nơi mà Người Tôi Tớ của Đức Chúa được “vươn cao”, và “được suy tôn”.

IV.- Ý NGHĨA CỦA BẢN VĂN

Câu chuyện chúng ta đọc hôm nay xảy ra chỉ vài ngày trước các biến cố thuộc lễ Vượt Qua cuối cùng của Đức Giêsu.

* Người Hy Lạp đến gặp (20-22)

Một vài người Hy Lạp đã muốn gặp Đức Giêsu, không phải chỉ để nhìn thấy Người, nhưng là để biết Người, khám phá ra “căn cước” của Người. Câu 20 dường như cho hiểu rằng những người ngoại quốc kia đang thực hiện một hành trình thiêng liêng dài, và bây giờ cần “gặp” Đức Giêsu. Hành trình vào dịp lễ Vượt Qua đã đưa họ đến Giêrusalem không phải như du khách, mà là để cầu nguyện, để gặp Thiên Chúa, để khám phá ra điều Thiên Chúa muốn họ làm. Họ cảm thấy là Thiên Chúa muốn họ đến nói chuyện với Đức Giêsu. Họ không đến gặp Đức Giêsu trực tiếp, trước hết họ đến gặp các môn đệ, vì nghĩ rằng đó là cách tốt nhất để có thể gặp Đức Giêsu. Họ ngỏ lời với Philípphê, ông này lại nói với Anrê, và cả hai đã đến thưa với Đức Giêsu. Những người kia đã ngỏ lời với Philípphê vì ông (cũng như Anrê) có tên gọi Hy Lạp và phát xuất từ vùng giáp ranh của Galilê với thế giới Hy Lạp. Philípphê và Anrê đã ở trong số những môn đệ đầu tiên, vì muốn biết Đức Giêsu, đã đến với Người và đã là những người đầu tiên chia sẻ kinh nghiệm và đưa những người khác đến với Người (1,35-46). Trong truyện này, ta thấy được bổn phận họ phải chu toàn trong đời sống: làm trung gian để cho nhân loại có thể gặp Đức Giêsu.

Chúng ta không biết là sau đó chuyện gì đã xảy ra, những người Hy Lạp đã gặp Đức Giêsu, hay đã về nhà mà vẫn chưa được gặp Người. Bản văn chỉ cho thấy Đức Giêsu không ngỏ lời trực tiếp với họ. Nhưng bây giờ, chỉ còn ít ngày nữa trước khi Người chịu chết và bởi vì những người này đã đến với Người, Người xác định tầm quan trọng và hiệu năng của cái chết của Người trên thập giá và gửi đến dân Do Thái lời kêu gọi cuối cùng.

Như vậy, ta hiểu việc người ngoại đi tìm một trung gian dường như có một ý nghĩa biểu tượng. Thế giới ngoại giáo chưa hề biết trực tiếp Đức Giêsu, mà chỉ nhờ lời rao giảng của các tông đồ: người ngoại đã “thấy” Đức Giêsu nhờ Tin Mừng được rao giảng cho họ. Nhưng giữa ước muốn được “thấy” Đức Giêsu và việc “gặp” Đức Giêsu, tức đi vào Vương quốc nhờ lời rao giảng của các tông đồ, còn có cuộc Thương Khó-Chết-Phục Sinh của Đức Giêsu, tức “giờ” của Người (c. 23). Chỉ khi đó mọi hàng rào được dựng lên bởi các chủ trương đặc thù bè phái mới đổ hết. Cũng chỉ khi đó mới bắt đầu những kinh nghiệm đầu tiên về niềm tin chân chính vào Đức Kitô hằng sống, vào Đức Kitô “Đức Chúa” (x. Ga 20,18.20.28.29; 21,7.12.17), là những kinh nghiệm không thể có được trước Phục Sinh (Vượt Qua).

Lời thỉnh cầu của những người ngoại vô tình lại là một cử chỉ đón tiếp khải hoàn. Đức Giêsu sẵn sàng chấp nhận, như trong cuộc đón tiếp của người Do Thái khi Người vào Giêrusalem. Nhưng trước hết, Người phải điều chỉnh ý tưởng lệch lạc đám đông Giêrusalem có về vinh quang và cuộc khải hoàn của Người (x. 12,12-16). Việc người Hy Lạp đến như thế giống như một bài học biểu tượng, bổ túc cho truyện đi vào Giêrusalem. Lời Đức Giêsu nói (cc. 23-26) là một trả lời gián tiếp cho nguyện vọng được những người ngoại ấy diễn tả ra: chính là nhờ cuộc Thương Khó của Người mà Đức Kitô, một khi đã bị sát tế, sẽ dễ dàng cho họ gặp được.

* Đức Giêsu công bố về Giờ và về thân phận của Người và của các môn đệ (“đã đến giờ”, 23-26)

Kể từ câu 23, tác giả TM IV chẳng còn nói gì đến những người ngoại kia nữa, hay đến thỉnh nguyện của họ có được thoả mãn hay không nữa. Ta gặp kiểu viết tương tự trong cuộc gặp gỡ Nicôđêmô: đến một lúc nào đó, bài tường thuật thôi nói về ông, để nhường chỗ cho những lời nói của Đức Giêsu và những suy tư của tác giả.

Sự xuất hiện của những người ngoại giáo và thỉnh nguyện của họ khiến Đức Giêsu hiểu rằng giờ mà Người hằng mong đợi, mà TM IV cho thấy đang đến gần (2,4; 7,6.8.30; 8,20), thực sự đã đến. Đây là giờ của “Con Người”, giờ Đức Giêsu chiến thắng bằng cách đi qua thập giá, giờ Người được “tôn vinh” (x. 3,14; 8,28; 12,32). Cái chết của Đức Giêsu không phải chỉ là kết quả của sự tàn bạo của loài người và cũng không phải là kết thúc ô nhục của Đức Giêsu. “Giờ” của Người đã được Chúa Cha quyết định.

Đức Giêsu, Con Người, sẽ được tôn vinh bằng chính cái chết của Người. Cái chết này minh chứng một cách sáng ngời và thuyết phục rằng Con Thiên Chúa được liên kết với Chúa Cha bằng một dây vâng phục dù phải trải qua thử thách nào và rằng Người hiến mình cho chúng ta không dè giữ. Cái chết của Người cho thấy tình yêu vô biên của Người, bởi vì Người sống hoàn toàn cho Chúa Cha và hoàn toàn cho loài người chúng ta.

Sự phong phú của công trình của Người tùy thuộc cái chết của Người; và Người buộc các môn đệ Người hành động như chính Người đã hành động. Đức Giêsu nhắc lại kinh nghiệm sống mỗi ngày: thiên nhiên không sản sinh ra gì cả nếu trước đó không có một cái chết nào đó. Chỉ khi một hạt lúa mì bị hủy đi, nó mới trở thành một khối lượng lúa lớn. Chính là vì Người đã chịu cái chết và đã tỏ chính mình ra trong cái chết, mà Đức Giêsu sẽ quy tụ lại quanh Người một đoàn người đông đảo (x. 12,32). Đã chết rồi, Người không biến mất khỏi loài người, nhưng lại trở thành trung tâm của một cộng đoàn mênh mông. Người không ra sức bám lấy cuộc sống của Người. Cuộc sống trần thế đối với Người không phải là một sự thiện tối cao phải cứu lấy bằng mọi giá. Chỉ những ai liên kết với Người khi phục vụ, mới sẽ được liên kết với Người sau này. Chỉ kẻ nào đã theo Đức Giêsu trong cuộc sống, mới sẽ đạt tới mục tiêu và mới có phần phúc khi được Chúa Cha nhìn nhận.

* Đức Giêsu trước cái chết (“bây giờ”, 27-30)

Phân đoạn này nhắc tới hoạt cảnh Vườn Ghếtsêmani trong các TMNL (chẳng hạn Mc 14,34-36). Rõ ràng tác giả TM IV đang cảm hứng hoạt cảnh Vườn Ôliu. Tuy nhiên, ngài đặt hoạt cảnh ấy trong một bối cảnh khác, ngài giải thích hoạt cảnh ấy và sửa chữa đôi chút. Cũng như trong các TMNL, khi thấy giờ chết đến gần, Đức Kitô run sợ: “Tâm hồn Thầy xao xuyến” (27a). “Tâm hồn” đây cũng có nghĩa là bản thân, là mạng sống, mạng sống mà người ta phải “ghét” và chịu mất để cứu được; mạng sống ấy đang chao đảo khi đứng trước cái chết sắp tấn công nó. Sự xúc động trong lòng (tô pneumati) mà Đức Giêsu cảm thấy khi đứng trước mộ Ladarô, bây giờ xâm chiếm tất cả bản thân Người (so sánh với Lc 22,43-44).

Nhưng rồi từ đó tác giả triển khai các điểm theo cách riêng. Câu hỏi: “Thầy biết nói gì đây?” cho thấy là Đức Giêsu bị đặt vào thế lưỡng nan là xin Cha Người: “Xin cứu con khỏi giờ này” hay là: “xin tôn vinh Danh Cha”. Và Người chọn tức khắc cách cầu nguyện thứ hai. Ngoài ra, trong TM IV, Đức Giêsu luôn “năng động [tích cực]” trong cuộc Thương Khó của Người. Người làm chủ tình hình (x. Ga 18,6), Người ý thức trọn vẹn về vai trò Người đảm nhận, Người hoàn tất tuyệt vời sứ mạng Cha Người đã giao: hy sinh mạng sống để cứu độ toàn thể thế giới. Ở tại ngưỡng cửa cuộc Khổ Nạn, ta không thể tưởng tượng ra một lời cầu nguyện nào khác trên môi Đấng được Thiên Chúa sai đến, ngoài lời này: “Xin tôn vinh Danh Cha” (x. Ga 17,4). Nếu Người trốn “giờ” này (hiểu là “những gì sẽ xảy ra vào lúc ấy”)[2], giờ mà Người hết sức mong mỏi và cuối cùng nay đã tới, hẳn sẽ là phá hủy tất cả tầm mức gồm tóm trong mầu nhiệm Nhập Thể: khi đó Chúa Con đã nhận lấy nơi mình cuộc sống trần thế với tất cả chiều sâu của nó và đặc tính bi thảm của nó, để sống trọn cuộc sống này cho tới chết, không phải cho bản thân Người mà là cho những người khác. Khi Đức Giêsu chấp nhận “giờ” này, Người đã tôn vinh Chúa Cha, bởi vì như thế, dự phóng cứu độ toàn thế giới cuối cùng được bày tỏ trọn vẹn, và dự định đó, cuộc Thương Khó, cái Chết và cuộc Phục Sinh của Con Cha sẽ thực hiện.

Cũng như trong tất cả các Tin Mừng, ở đây cũng vậy, khi đứng trước cái chết, Đức Giêsu quay ra cầu nguyện với Chúa Cha (x. Mc 14,32-42). Người ý thức về ý nghĩa của cái chết của Người, nhưng không vì thế mà Người đi đến đó hoàn toàn vô cảm. Cũng như mọi con người, chính Người cũng sợ hãi tránh né cái chết, cũng bị rúng động bởi định mệnh phải chết của mình. Vì Người có sự nhạy cảm của loài người, hẳn là Người cầu xin Chúa Cha cất cho Người bước đường này. Nhưng Người không chịu thua ước muốn của riêng mình, Người muốn tuân theo sự hướng dẫn của Chúa Cha, nên đã cầu nguyện: “Lạy Cha, xin tôn vinh Danh Cha” (c. 28). Như thế Người đồng ý về ý nghĩa của định mệnh của Người, như Thiên Chúa đã thiết định, nên Người lấy điều này làm mục tiêu của lời cầu nguyện.

Như thế, cái chết của Đức Giêsu cho thấy rõ những gì nằm ở trong tên “Cha” và cho thấy Chúa Cha đã nghiêng quá mức thế nào về phía con người, nên mới ban cho chúng ta chính Con Một của Ngài (x. 3,16). Đức Giêsu không thua Chúa Cha trong tình yêu, Người cầu xin để tình yêu của Chúa Cha có thể trở nên hiển nhiên, cho dù Người biết rằng điều này đòi hỏi cái giá là mạng sống Người.

* Giá trị của cái chết của Đức Giêsu (“bây giờ”, 31-33)

Cái chết của Đức Giêsu trên thập giá cũng là chiến thắng vĩnh viễn của Người trên ma quỷ. Nó sẽ bị tống ra ngoài, và không còn có một vị trí quyền lực nào nữa. Công việc ma quỷ làm là nhắm chia lìa con người khỏi Thiên Chúa, làm mờ tối cái nhìn của họ khiến họ không thấy được Thiên Chúa. Cái chết của Đức Giêsu lại là mạc khải cao độ nhất về tình yêu của Thiên Chúa đối với loài người và về dây vâng phục nối kết bất khả phân ly Đức Giêsu với Thiên Chúa. Như thế, ý đồ của ma quỷ hoàn toàn thất bại. Với cái chết của Người, Đức Giêsu cũng khởi sự hoạt động phổ quát của Người, liên hệ tới toàn thể nhân loại. Được giương cao trên thập giá như là biểu tượng của tình yêu của Thiên Chúa (x. 3,14-17) và được nâng lên đến Chúa Cha trong quyền lực thiên đình của Người, Đức Giêsu tới với cả nhân loại, đón nhận họ vào trong tình yêu huy hoàng của Người. Như thế, Người cũng được giương cao cho người Hy Lạp nữa, là những người muốn gặp Người.

+ Kết luận

Trong bản văn này, tác giả nêu bật điểm chú ý là “giờ” của Đức Giêsu, cả trên bình diện lịch sử lẫn thần học. Theo quan điểm Kitô học, “giờ” này đánh dấu lúc hoàn tất sứ mạng mạc khải và cứu độ, được Ngôi Lời làm người thực hiện. Sứ mạng này tiêu biểu cho trọn cuộc sống của Đức Kitô, vì cuộc sống của Người hướng về đó. Khi đó sẽ xảy ra cuộc “phán xét” (krisis) nhân loại. Khi đó sẽ xảy ra giữa loài người mộtcuộc “tách biệt” (krima) do người ta tin hay không tin vào mầu nhiệm Đức Kitô chịu chết và được tôn vinh. Sự chọn lựa này đảm bảo cho mộtsố người được cứu độ và được sống muôn đời, và lôi kéo án phạt và cái chết đến cho những người khác.

V.- GỢI Ý SUY NIỆM

1. Như Philípphê và Anrê, chúng ta cũng có nhiệm vụ làm trung gian giúp kẻ khác gặp được Đức Giêsu. Nhưng muốn thế, chính chúng ta đã phải gặp Đức Giêsu và có kinh nghiệm về Người rồi. Chúng ta cũng ghi nhận những tương quan giữa các môn đệ để giúp người ta gặp Đức Giêsu: người Hy Lạp đến gặp Philípphê, có lẽ vì quen biết ông hơn. Nhưng Philípphê lại cần có Anrê để có thể mạnh dạn đi gặp Đức Giêsu…

2. Những người Hy Lạp đây đại diện cho tất cả những người ngoại ước muốn biết Đức Giêsu. Không ai có thể trở thành Kitô hữu mà lại không có một môn đệ của Đức Kitô nói cho biết về Người, và giới thiệu với Người về họ.

3. Vinh quang trong cuộc sống vĩnh cửu, tuy vẫn là một ân ban nhưng-không của Thiên Chúa, vẫn cần có sự cộng tác của chúng ta. Chỉ những ai đã liên kết với Đức Giêsu khi phục vụ, mới sẽ được liên kết với Người sau này trong vinh quang thiên quốc. Có trung thành bước theo Người hôm nay, sau này chúng ta mới mong được  thông phần gia nghiệp với Người.

4. Đức Giêsu đã đến thế gian như là ánh sáng cho mọi người (1,9). Khi Người đã được giương cao trên thập giá, từ nơi Người sẽ phát ra ánh sáng chói chan huy hoàng nhất, cho thấy mọi sự trong tính chân thật nhất: Thiên Chúa trong tình yêu vô biên của Ngài; Con Người trong việc hiến mình không dè giữ và trong hoạt động bao trùm toàn nhân loại; ma quỷ bị thua trong quyền lực của nó. Trong ánh sáng này, chúng ta phải chọn lựa cuộc sống chúng ta như là con đường bước theo Đức Kitô.

5. Tất cả những ai muốn đưa lại ơn ích cho người khác, cũng phải chấp nhận thân phận “hạt lúa gieo vào lòng đất phải chết đi”. Mọi Kitô hữu đều được kêu gọi sống Giờ của Đức Giêsu: trước tiên, người Kitô hữu không thể tránh giết chết trong mình những gì chống lại sự sống đích thực (= sự từ bỏ chính mình); đồng thời phải sống một mầu nhiệm phục sinh, tôn vinh và hân hoan (= niềm vui thiêng liêng).


[1] Bản văn Tin Mừng do nhóm Các Giờ Kinh Phụng Vụ chuyển ngữ

[2] Phép métonymie: gọi một điều bằng một từ khác.