Đức Vâng Phục Trong Truyền Thống Công Giáo Dưới Khía Cạnh Lịch Sử

0
3005


Trung Dũng

Truyền thống trong Giáo Hội Công giáo đề cao đức vâng phục. Giáo hội nhìn nhận rằng “tuân phục là thái độ căn bản của con người trước nhan Thiên Chúa, chủ tể vạn vật. Con người là thụ tạo chứ không phải là bá chủ vũ trụ, vì vậy con người phải biết tuân theo những chỉ dẫn của Đấng tạo tác nên mình. Sự tuân phục luật lệ của Thiên Chúa không làm hạ giá con người, nhưng mang lại sự sống cho con người”[1]. Tuy nhiên, việc nhìn nhận những khía cạnh liên quan đến đức vâng phục lại diễn ra theo dòng lịch sử với những ý kiến không đồng nhất. Do đó, việc xem xét đức vâng phục theo dòng lịch sử là khá bổ ích và quan trọng. Điều này không chỉ giúp chúng ta khám phá ra sự phong phú trong truyền thống Giáo Hội mà còn giúp chúng ta đào sâu hơn về đức tin. Thiết nghĩ điều này rất cần thiết khi chúng ta sống năm phụng vụ mới với chủ đề được Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI gợi hứng: “năm Đức tin”.

I. ĐỨC VÂNG PHỤC TRONG THÁNH KINH

1. Cựu ước

Trước tiên, thái độ vâng phục căn bản mà Thiên Chúa đòi hỏi nơi dân Ít-ra-en là sự lắng nghe. Thiên Chúa ngỏ lời với dân Người và Người đòi buộc họ lắng nghe những điều Người truyền dạy và đem ra thực hành[2]. Kế đến, Kinh Thánh còn đề cập đến sự vâng phục của dân Ít-ra-en đối với giao ước. Đây không phải là sự vâng phục theo kiểu chủ – tớ nhưng là sự vâng phục gắn với sự trung thành, trung tín trong tình yêu. Sự vâng phục này được đặt trong bối cảnh của tình yêu theo kiểu cha-con[3], mẹ-con[4] và tình yêu vợ chồng[5]. Sau cùng, Kinh Thánh trình bày về một Thiên Chúa nhân hậu trung tín chứ không phải một vị thần chỉ thích những hy lễ. Hy lễ tình yêu là hy lễ làm đẹp lòng Thiên Chúa hơn cả[6].

2. Tân ước

Tân ước không chỉ nối dài những tư tưởng đó mà còn làm sáng lên mẫu gương vâng phục tuyệt vời của Đức Giê-su. Chính nhờ sự vâng phục mà Đức Giê-su đã trở nên nguyên nhân cứu rỗi đời đời cho nhân loại[7]. Thánh Phao-lô đã tóm kết tất cả cuộc đời dương thế của Đức Giê-su trong sự vâng phục tuyệt đối, kể cả khi chấp nhận cái chết nhục nhã trên thập giá[8]. Sự vâng phục của Đức Giê-su Ki-tô đối với Thiên Chúa là sự vâng phục của một người con hiếu thảo đối với người Cha nhân từ trong mối tương quan yêu thương. Có thể nói rằng tất cả những lời nói, hành động và việc làm của Đức Giê-su, dù có cam go và thử thách, đều được nuôi dưỡng bởi lòng tuân phục và niềm cảm tạ.

Thánh Phao-lô còn đề cập sâu hơn nữa về sự vâng phục. Thánh nhân không chỉ coi trọng việc vâng phục trong việc tuân giữ các lề luật của người Do Thái, mà hơn thế nữa, ngài nhấn mạnh đến sự vâng phục trong đức tin[9]. Tuân phục, theo Phao-lô, là sự chân nhận những gì Thiên Chúa mặc khải cho con người qua đức tin. Niềm tin là khởi đầu cho sự vâng phục của ông Áp-ra-ham vào Thiên Chúa[10].

II. ĐỨC VÂNG PHỤC THEO DÒNG LỊCH SỬ GIÁO HỘI

1. Vâng phục của các ẩn sĩ

Những đan sĩ đầu tiên đặt nặng sự vâng phục ý Chúa. Trong bước đường tu đức, người đan sĩ cần một người khôn ngoan dìu dắt nên sự vâng phục còn được ví như các môn sinh đối với bậc thầy của mình. Nó có tính cách sư  phạm vì người học trò non nớt cần phải biết lắng nghe lời thầy dạy dỗ. Nó cũng có tính cách tu đức; nghĩa là, người học trò không những cần hấp thụ những kiến thức trừu tượng mà còn phải thực hành nữa. Những bài tập của thầy đưa ra là phương thế giúp môn sinh từ bỏ ý riêng, tập đức khiêm tốn.

2. Vâng phục của đan sĩ cộng đồng

Ngoài khía cạnh tu đức, sự vâng phục của các đan sĩ cộng đồng còn có thêm yếu tố đời sống cộng đoàn. Và trong một cộng đoàn, để tránh sự hỗn loạn và mất trật tự, phải có người lãnh đạo, vị bề trên. Thánh Pacomio, thánh Basilio và thánh Biển Đức đều tìm cách lý giải vai trò tu đức của sự vâng phục nhưng mỗi vị lại nhấn mạnh tới một khía cạnh khác nhau, nhất là về vai trò của bề trên.

– Thánh Pacomio muốn rằng toàn thể các đan sĩ sống trong đan viện phải đồng lòng hợp ý để khám phá ra ý Chúa. Chính Thiên Chúa là vị cai quản cộng đoàn chứ không phải là viện phụ.

– Thánh Basilio cho rằng mục tiêu của sự vâng phục là từ bỏ ý riêng để theo Đức Ki-tô. Trước tiên, các đan sĩ phải vâng phục ý Chúa biểu lộ qua các điều răn trong Kinh Thánh. Kế đến, các đan sĩ phải vâng phục, suy phục hết mọi người (miễn sao điều truyền khiến hòa hợp với ý Chúa) kể cả người anh em nhỏ nhất trong cộng đoàn khi họ sửa bảo. Thánh Basilio rất đề cao mối tương quan của cộng đoàn trong sự vâng phục. Thánh Basilio còn nhắc nhở các đan sĩ phải vâng phục để thực hành sự yêu thương, làm cho đức ái triển nở.

– Thánh Biển Đức quan niệm sự vâng phục như là phương thế để tập đức khiêm nhường. Sự vâng phục không những chỉ giới hạn vào việc tuân hành điều mà bề trên truyền khiến nhưng còn phải hòa hợp ý chí của mình với ý của bề trên. Đối với thánh Biển Đức thì sự vâng phục bề trên nhằm thực hiện sự hy sinh từ bỏ chính mình.

3. Vâng phục theo quan niệm của thánh Đaminh và thánh Inhaxiô

– Thánh Đaminh chú trọng đến sự thông hiệp huynh đệ trong cộng đoàn. Các tu sĩ gọi nhau là anh em (fratres) và bề trên được coi như anh trưởng (Prior). Ngoài việc khấn vâng phục Thiên Chúa, Đức Maria, thánh Đaminh; các tu sĩ dòng Đaminh chỉ khấn vâng phục bề trên cả theo như hiến pháp quy định. Bề trên không nắm hết mọi quyền hành trong tay và không có quyền quyết định mọi sự. Sự vâng phục trong dòng được lồng vào trong việc mưu cầu lợi ích chung. Người tu sĩ vâng phục bề trên vì  ích chung hay ích lợi của cộng đoàn.

– Thánh Inhaxiô lại đề ra một hướng mới về sự vâng phục. Sự vâng phục được lồng vào trong chiều hướng tông đồ: một đạo quân hữu hiệu cần được tổ chức quy củ, dưới sự điều động của tướng lĩnh. Do đó, dòng Tên tập trung mọi quyền hành vào tay vị bề trên cả. Như thế, sự vâng phục dần dần đào tạo cho người tu sĩ biết từ bỏ ý riêng; sự vâng phục được đặt gần với đức tin và người tu sĩ dòng Tên cần phải tập để thấy Chúa hiện diện nơi bề trên.

4. Vâng phục dưới cái nhìn của Công đồng Va-ti-ca-nô II

Ngày này, trong một thế giới đề cao phẩm giá tự do của con người cũng như quyền được tham gia vào công quyền, chắc chắn quan niệm về sự vâng phục trong Giáo Hội và các dòng tu cũng chịu ảnh hưởng. Giáo luật đòi hỏi phải thiết lập những cơ quan nhờ đó các phần tử có thể tham gia vào việc quản trị của dòng[11]. Giáo luật cũng nhắc nhở bề trên hãy hành xử quyền bính trong tinh thần phục vụ, ngoan ngoãn với ý Chúa, xúc tiến sự vâng phục tự nguyện và vui lòng lắng nghe người thuộc quyền[12]. Vâng phục đòi hỏi sự lắng nghe và tôn trọng, nghĩa là có sự đối thoại chứ không mang tính bắt buộc. Hơn nữa, Công đồng cũng đề cao giá trị của lương tâm trong việc xem xét trách nhiệm để thi hành bổn phận. Do vậy, Giáo luật khuyên nhủ bề trên hãy tìm cách xây dựng trong Đức Ki-tô một cộng đoàn huynh đệ[13]. Sự vâng phục cần phải hướng đến mục tiêu cao cả là sự trọn lành của Đức Ái.


[1]Ba lời khuyên Phúc Âm, NXB Tấm Lòng Vàng, tr. 79

[2]x. Đnl 6,4-9

[3]x. 2 Sm 7, 14; 1 Sb 17,13; 1 Sb 22,10; 1 Sb 28,6

[4] x. Is 66,13;

[5] x. Ed 16,1-43; Hs 2, 1-18

[6] x. Tv 40,7.9; 1 Sm 15,22

[7]X. Dt 5, 8-9.

[8]X. Pl 2,6-8

[9] X. Rm 1,5; Rm 16,26

[10] X. Dt 11,8

[11]Bộ Giáo Luật, điều 632-633

[12]Bộ Giáo Luật, điều 618

[13]Bộ Giáo Luật, điều 619