Đức Trung Tín Của Các Đấng Tử Đạo Tại Việt Nam

0
1324


Lm. Mai Đức Vinh và Vinhsơn Vs. Đoàn Quốc Khánh

 

Một trong những phương sách tiêu diệt đạo Gia-Tô của vua Minh Mệnh là: dựa vào các nguyên tắc luân lý của Nho Giáo mà vua coi như “giáo lý đạo tự nhiên” để thảo ra và phổ biến trong dân chúng 10 điều huấn dụ (1). Trong đó, nội dung của điều 2 và điều 7 đáng chúng ta quan tâm:

* Điều 2. Chính tâm thuật: Tâm của con người rất quan trọng, cần tinh sạch và ngay thẳng. Mọi sự xuất phát từ cái tâm ngay thẳng sẽ là những sự lành chứ không phải là những sự dữ đổ trên đầu con người. Đấng Đại Thiên đã in sâu vào tâm trí con người những nguyên tắc luân lý tự nhiên: nhân, nghĩa, lễ, trí, tín. Đời sống con người cốt tại sống các nguyên tắc cao cả này. Trẫm ước mong rằng mọi thần dân hãy sống tâm hồn tốt lành.

* Điều 7. Sùng chính học: Tránh học thuyết xấu và học hỏi cái hay. Ước chi thần dân mỗi ngày học thêm cái hay và coi chừng tà thuyết: Đạo Gia-Tô là một tà thuyết, sai lầm và nguy hại, đi ngược với thuần phong mỹ tục, với các nguyên tắc luân lý…

Chủ đích của những bài viết trong sách này là chứng minh rằng: Đạo Gia tô là đạo thật chứ không phải là tà thuyết. Đạo Gia-Tô không dạy điều gì ngược lại với những điều tốt lành mà Đấng Đại Thiên đã in sâu vào tâm trí con người, với những thuần phong mỹ tục của quê hương hay với những nguyên tắc luân lý cao đẹp “Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín” của dân tộc.

Nhất trí với những người viết về “Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí”, trong bài này tôi dựa vào những nhân chứng đức tin và những quan điểm văn hóa dân tộc để chứng minh rằng: các thánh Tử Đạo Việt Nam đã sống tuyệt hảo nguyên tắc đạo lý bao gồm trong chữ TÍN, cũng gọi là TRUNG TÍN.

Văn hóa việt nam diễn tả trung thực ý nghĩa sâu rộng của chữ Tín hay Trung Tín: Trung tín là chung thủy, trước sau như một.

Tôi xin trình bày ba điểm: – 1. Trung tín với Thiên Chúa và Giáo Hội. – 2. Trung tín với Tổ Quốc và Nhà Vua – 3. Trung tín với mọi người.

I. TRUNG TÍN VỚI THIÊN CHÚA

Theo sách Giáo Lý điều 828, chúng ta có thể quả quyết: các Thánh Tử Đạo là những người “sống trung tín với Thiên Chúa và Giáo Hội”. Nghĩa là các Ngài phụng thờ Thiên Chúa như Giáo Hội truyền dạy nhân danh Chúa. Điều này chúng ta đọc thấy trong sự tích của mỗi vị tử đạo tiền nhân, đã được phong thánh hay chưa, dù là linh mục, thày giảng hay giáo dân. Đương nhiên, mỗi vị tử đạo đều là chứng tá về sự trung tín đối với Thiên Chúa rồi. Cái chết là sự chung kết của cả một đời trung tín. Sự trung tín này đồng hóa với niềm tin vững chắc được thi thố dưới nhiều hình thức: đọc kinh dâng lễ, sống bác ái, che giấu và bênh vực các vị thừa sai, cất giấu đồ thờ phượng, lời tuyên xưng đạo trước mặt vua quan, trước mặt mọi người khi xử án, lúc bị giam trong tù, và cả khi hối hận “xin tuyên chứng lại niềm tin” sau một lần quá khóa hay đạp lên ảnh Thánh Giá… Không thể đan cử ra hết các chứng tá về lòng trung tín của các vị tử đạo. Dưới đây chúng ta chỉ nêu lên ba trường hợp làm tiêu biểu:

1. Quan đội Tống Viết Bường.

Khoảng năm 1831, có giặc nổi lên ở Quảng Ngãi, ngài được vua sai đi dẹp loạn quân. Khi trở về, ngài vào tâu với vua mọi việc. Vua vui vẻ hỏi: “thần có đi viếng chùa Non Nước không?”. Ngài trả lời khôn khéo: “Vì bệ hạ không dạy bảo nên thần không dám đi”. – “Thói quen các quan khi dẹp giặc yên trở về, là đến chùa tạ ơn, cớ sao nhà ngươi lại không đi?”. – “Thưa bệ hạ, hạ thần là người công giáo nên không đi viếng chùa”. Vua Minh Mạng liền nổi giận la mắng và ra lệnh quan đội Tống Viết Bường phải bỏ đạo. Quan đội nhất quyết trung thành với Thiên Chúa, không bỏ đạo. Vua liền ra lệnh đánh 80 trượng đòn, lột hết các chức tước và đày đi phục dịch trong một trại lính ở biên cương. Một năm sau, vua Minh Mạng lại gọi Tống Viết Bường về Huế, ép bỏ tà đạo. Ngài cương quyết giữ đạo, không quá khóa, nên bị vua tống ngục, bắt đeo gông cùng với tám lính thị vệ khác, trong đó có con rể của thánh nhân. Trong những lần tra khảo, quan đội Tống Viết Bường một mực chỉ nói về đạo mà thôi. Mỗi lần quan ra lệnh bỏ đạo thì ngài thưa: “Tôi nhất định không bỏ đạo. Chúa đã dựng nên trời đất muôn vật mà tôi thờ phượng lâu nay, làm sao tôi có thể bỏ được? Mỗi lần khẳng khái thưa như vậy, ngài lại bị đánh đòn, lúc 50, lúc 100, lúc 150 roi. Lần kia, quan ra lệnh cho lính kéo chân đội Bường qua ảnh Thánh Giá, ngài tri hô lớn: “Đây là việc lính của quan làm chứ tôi không muốn”. Thấy đánh đòn không được việc, quan lại dịu dàng dụ dỗ: “Này Bường, hãy theo thời mà sống. Bây giờ vua đang cơn thịnh nộ, thì hãy tạm vâng lời bỏ đạo cho đẹp lòng vua và lấy lại chức tước, rồi sau sẽ hay, chứ cứng cỏi mà làm gì!”. – “Tôi cám ơn lòng tốt của quan lớn, nhưng xin hãy để tôi trọn một lòng trung tín với Thiên Chúa của tôi” (DMAH 2, tr.59-63) (2).

2. Thày giảng Phanxicô Xaviê Cần.

Thầy giảng Phanxicô Xavier Cần chết vì đạo lúc 34 tuổi. Thầy Cần chào đời năm 1803, sinh quán tại làng Sơn Miêng, phủ Ưng Hòa tỉnh Hà nội. Thầy bị bắt ngày 20.04.1836 do ông cai tổng Hào chủ mưu và dẫn nộp lên quan huyện Thanh Oai. Quan huyện nọc thầy Cần đánh 40 trượng và khuyên thày quá khóa về nhà làm thuốc sống và nuôi mẹ già. Nhưng thầy Cần trả lời cương quyết: “Tôi cám ơn lời khuyên của quan huyện, nhưng tôi không thể làm như vậy được. Vì tôi thờ kính một Thiên Chúa dựng nên tôi làm sao tôi lại dám thất tín với Ngài. Tôi cũng không bao giờ dám đạp lên hay bước qua ảnh Thánh Giá đâu. Nếu quan tha thì tôi sống mà nếu quan bắt tội thì tôi sẵn lòng chịu chết”. Biết thầy Cần làm dấu và đọc kinh trước khi ăn cơm, quan huyện hỏi: “Ông đọc kinh, làm dấu như vậy để làm gì?”. – “Trước khi ăn, người có đạo làm dấu Thánh Giá và đọc kinh, có ý cám ơn Thiên Chúa đã tạo nên của ăn để nuôi sống chúng ta”. – “Thế còn sau bữa ăn thì sao?” – “Xin thưa, ăn cơm xong, chúng tôi tạ ơn Thiên Chúa vì đã ban cho chúng tôi của ăn thức uống để sống, để phục vụ tha nhân và để thờ phượng Chúa Trời”. – “Làm thế rất phải. Ông hãy đọc thêm cho tôi nghe”. – “Tôi xin đọc kinh 10 điều răn Đức Chúa Trời và kinh sáu điều răn Hội Thánh” – “Ông là người khôn ngoan, lý sự, tôi rất mến phục ông. Tôi chỉ xin ông một điều là bước qua ảnh đi, hay bằng lòng cho tôi bá cáo về vua là ông đã bước qua, như vậy ông sẽ được tự do”. – “Tôi xin thưa, đức vua mà quan phục vụ chỉ là người, thế mà quan không dám đạp lên ảnh vua hay nói lời thất lễ. Vậy tại sao, quan lại bảo tôi chối bỏ Thiên Chúa tôi thờ. Chính Ngài là Chúa trời đất, là Vua trên các vua. Chính Ngài ban cho chúng ta hàng ngày muôn vàn ơn lành. Tôi không bao giờ dám tỏ ra vô ơn với Ngài”… Lần kia, một số giáo dân kém lòng đạo đến nghe quan tra hỏi thầy Phanxicô, họ đã khuyên thầy: “Thầy ơi, không có tội nào nặng đến nỗi Chúa không tha thứ. Thánh Phêrô cũng đã chối Chúa ba lần mà vẫn còn làm đầu Giáo Hội. Bao nhiêu vị thánh cũng vậy, thầy đã biết. Xin thầy hãy bước qua ảnh đi để cả làng khỏi bị oan lây vì thầy”. Thầy Cần trả lời quả quyết: “Tôi không muốn làm hại ai. Nếu giữa quan và dân có chuyện gay go là việc của họ. Làm sao tôi có thể xúc phạm đến Thiên Chúa để giải thoát làng xã được?”…. Sau cùng thầy Phanxicô Xaviê Cần đã bị xử giảo ngày 20.11.1837 (DMAH 2, tr.99-114).

3. Linh mục Giacôbê Năm.

Linh mục Giacôbê Năm có tên thật là Mai Ngũ, sinh năm 1781, chịu chức linh mục lúc 32 tuổi, bị bắt 1838 và bị xử trảm năm 1838… Khi ông Trịnh Quang Khanh, tuần phủ Nam Định tra khảo bắt cha bỏ đạo, cha đã thẳng thắn trả lời: “Bẩm lạy quan lớn, tôi là đạo trưởng mà tôi dám bỏ đạo hay đạp tượng Chúa tôi làm sao được? Tôi vốn khuyên dạy người ta phải giữ đạo vững vàng và thà chết chẳng thà bỏ đạo, thì tôi phải trung tín với lời tôi dạy kẻ khác chứ? ” – “Ta thấy ông lương thiện thật thà, ta muốn cho ông được sống. Nhưng ông cứ giọng điệu này thì chắc chắn ông phải chết thôi. Ta khuyên ông nên vâng lời hoàng đế mà bỏ đạo”. – “Bẩm quan lớn, tôi bằng này tuổi đầu, tôi đâu còn sợ chết. Vả, chết vì đạo là chết vì Chúa, là giữ lòng trung tín với Ngài”. Về sau trên mộ cha thánh Năm có ghi hai câu đối ca tụng “nghĩa khí” và “lòng trung tín” của ngài như sau: “Hoành hoành nghĩa khí quân gian cụ, Lẫm lẫm trung thành vạn cổ sư” (DMAH 2, tr.171-176).

Quả thật các Thánh Tử Đạo trước tiên là những người đã tìm ra câu trả lời của bài thơ đồng dao:

Ai làm ra suối ra sông?
Ra rừng ra núi ra đồng ra ao?
Ai làm ra thấp ra cao?
Ra rồng hút nước ra sao trên trời?

– Gẫm suy mọi sự bởi Trời!…

Con chim nó hót trên cành,
Nếu Trời không có, có mình làm sao?
Con chim nó hót trên cao,
Nếu Trời không có, làm sao có mình?

Tiếp đến, các ngài nhận ra Trời là Cha và không gì hạnh phúc hơn là từ giã trần gian tạm bợ để vĩnh viễn đi về nhà Cha trên trời.

Xưa kia chỉ biết kêu trời,
Nhưng nay đã biết gọi Trời là Cha.
Trần gian chẳng phải là nhà,
Đi về vĩnh cửu gặp Cha trên trời.

Vì thế các ngài trung tín với Thiên Chúa, không nề quản mọi gièm pha, cấm cản:

Dù ai nói ngược nói xuôi,
Ta đây vẫn giữ đạo Trời khăng khăng.

II. TRUNG TÍN VỚI VUA QUAN VÀ TỔ QUỐC

Từ đầu lịch sử Giáo Hội Công Giáo Việt Nam cho đến ngày nay, những người chống báng đạo Công Giáo, là thứ dân, quan lại, vua chúa, triều đình hay chế độ đều rêu rao, nhai lại những điệp khúc hồ đồ, bất công, hẹp hòi, vu khống và cố chấp: Theo đạo là “bỏ ông bà”, là “gây chia rẽ dân tộc”, là “bất tín với vua”, là “phản quốc”, là “vào phe với ngoại bang”, là “đi ngược với lịch sử dân tộc”, là “phá bỏ tinh thần tốt đời đẹp đạo”, tử đạo là “ngu xuẩn”, “bị mê hoặc”… (3).

Đọc lại chuyện lịch sử Giáo Hội Việt Nam đặc biệt trong thời bách hại (1580-1862) (4) mà các Thánh Tử Đạo Việt Nam là những chứng nhân đích thực, chúng ta thấy ngược lại với những âm mưu và luận điệu của những người thù ghét đạo Thiên Chúa ở Việt Nam. Nơi các ngài đầy ấp ý nghĩa của những câu ca dao diễn tả lòng trung tín vua quan và yêu thương tổ quốc.

Sông có cội, suối có nguồn, con người có tổ có tiên.
Già thì già tóc già tai,
tinh thần yêu nước nào đâu có già.
Dù em con bế con bồng,
thi đua yêu nước quyết không lơ là.
Dân đồng lòng, vận nước mới phồn thịnh.

Đọc chuyện các vị Tử Đạo Việt Nam, đã được phong thánh hay chưa, chúng ta múc được tinh thần yêu nước, kính vua chúa, quan quyền một cách thật cao độ và hoàn toàn đúng theo lễ giáo của dân tộc “thờ trời, kính vua, và hiếu với cha mẹ”. Dưới đây chúng ta trưng dẫn những chứng từ thẳng thắn, can tràng, thật quý báu mà các vị tử đạo tiền nhân, trước những nghi ngờ, đe dọa, tra tấn và án tử… đã hiên ngang để lại cho chúng ta.

1. Từ vua, chúa, quan quyền và lương dân đều nghi ngờ và lên án.

Một trong những lý do khiến các chúa, các vua và các quan gớm ghét và quyết tâm tiêu diệt đạo Giatô, là vì họ mang một hiểu lầm to lớn, giống như vua Nguyễn Nhạc đã tuyên bố năm 1785: “Trẫm muốn tiêu diệt đạo Âu Châu vì nó đã lan rộng trong nước. Đó là một giáo phái không tôn kính cha mẹ hay vua quan…, không tôn trọng các lệnh vua cũng chẳng tôn kính thần làng…” (DMAH 1, tr.211). Trong sắc lệnh (1839) bắt các quan phải dựng miếu tại mỗi làng, dạy dân về 10 điều huấn dụ và về các nghi lễ cúng tế, vua Minh Mạng đã thanh minh: “Nếu đạo lý của ông Giatô thật sự củng cố lòng trung tín với vua, hiếu thảo với cha mẹ và hòa thuận với anh em thì có ai bắt bớ các người công giáo làm chi!…” (DMAH 2, tr. 290). Rồi, trước cảnh nước nhà bị ngoại xâm, một số nhà trí thức có lòng ái quốc nhưng không nắm vững tình thế, năm 1874, đã khởi xướng phong trào Văn Thân, và quy kết cho “người công giáo trách nhiệm làm mất nước, đồng thời coi ba sứ giả đi Pháp thương thuyết là những người bán nước” (DMAH 3, tr.330-331).

2. Không dính líu với chính trị, sẵn sàng đi đánh giặc bảo vệ Quê Hương, nhưng cương quyết giữ đạo.

Năm 1861, cha Phêrô Nguyễn Văn Lựu, người Mỹ Tho, bị bắt và bị trảm quyết. Các quan hỏi cha về vụ liên quân Pháp và Tây Ban Nha tấn công Đà Nẵng và yêu cầu cha Lựu đến gặp họ để xin họ rút quân. Cha Lựu đã trao đổi thẳng thắn với các quan: “Tôi không dính líu gì đến chiến tranh và không có quyền thế gì để nói với người ngoại quốc điều ấy”. – “Theo luật quốc gia, tội ông nặng lắm. Hãy đạp ảnh và bỏ đạo, hoàng đế sẽ giảm án cho”. – “Tôi đã giữ đạo từ nhỏ. Đạo không dạy điều gì trái luật quốc gia, còn việc quan ra lệnh cho tôi thì trái ngược với lẽ phải” (DMAH 3, tr. 256-257). Trước đó, năm 1858, khi quân Pháp và quân Tây Ban Nha đánh phá Cửa Hàn, vua Tự Đức cho các tù nhân được tình nguyện đi đánh giặc để đền tội và lập công. 12 người lính tù ghi tên đi. Nhưng để tránh người công giáo nội ứng, vua ra lệnh cho các quan phải bắt những người lính ấy đi lễ tổ tiên và đạp ảnh Thánh Giá. Mọi người đều làm như vậy, trừ cai đội Phanxicô Trần Văn Trung. Quan hỏi ông: “Sao chú không đạp qua thánh giá, đúng chú là người có đạo?”. – “Vâng, thưa quan, tôi là người công giáo, tôi sẵn sàng đi đánh giặc theo lệnh hoàng đế, nhưng đạp ảnh hay bỏ đạo thì tuyệt đối tôi không vâng theo”. Ngài tỏ ra trung thành với quốc gia nhưng đồng thời chọn cái chết để trung thành với đức tin. (DMAH 3, tr. 193)

3. Trình thẳng thưa thật với các quan và dân làng.

Khi lương dân Xứ Đoài ép người công giáo bỏ đạo, một thiếu nữ đã mạnh dạn nói với họ “Xin quý ông bà biết cho rằng: Vua chỉ biết lạm dụng quyền hành trong tay để bắt đạo Đức Chúa Trời là Đấng đã ban phát sự sống và quyền hành cho vua. Các sắc lệnh cấm đạo của vua không bao giờ làm chúng tôi bỏ đạo của Đấng đã tạo dựng trời đất… Nếu làng không cho chúng tôi giữ đạo, chúng tôi sẵn sàng bỏ mọi của cải đi đến nơi nào chúng tôi có thể giữ đạo được” (DMAH 1, tr. 247-248) Cũng tại Xứ Đoài, khi quan huyện đến hạch xách một bà cụ 60 tuổi đang đọc kinh với các con, bà đã khảng khái nói: “Tôi nghĩ rằng các quan và hoàng đế đã mất lương tri rồi. Vì nếu có lương tri một chút thì các ngài đã không cấm đoán một tôn giáo dạy thờ Chúa Trời Đất, một đạo dạy tôn kính cha mẹ, vua quan và tất cả các bề trên, một đạo khuyến khích yêu thương các người khác như chính mình và cầu nguyện cho cả kẻ thù của mình, lấy ân lành đáp trả sự dữ….” (DMAH 1, tr.248). Thán phục lòng dũng cảm của người công giáo, nhiều lương dân thắc mắc: “Cái gì đã làm cho hoàng đế bắt bớ một đạo tốt đẹp như vậy? Hoàng đế muốn cho người ta theo đạo, sao không để cho người ta theo một đạo tốt lành như vậy?” (DMAH 1, tr.248)

4. Đạo dạy “phụng thờ Thiên Chúa, trung tín với vua quan và hiếu thảo với cha mẹ.”

Chúng ta đọc thấy: Thầy Inhaxiô đã thưa với chúa Thượng Vương: “Kính thưa chúa thượng, đạo hạ thần theo không phải là đạo Bồ Đào Nha, nhưng là đạo của Chúa Trời Đất. Đạo dạy trước tiên thờ kính Chúa Trời, sau đến vua cai trị đất nước và cuối cùng là cha mẹ” (DMAH 1, tr.37). Năm 1685, dân công giáo làng Kiên Giao không muốn thông công vào việc xây chùa và tham dự ngày lễ kính thần làng. Vì thế người lương đã kiện lên tận chúa Trịnh Căn. Chúa Trịnh Căn tức giận, cho quan quân đến bao vây làng Kiên Giao và bắt một số khá lớn người công giáo giải về cho chúa Trịnh. Chúa hỏi nhóm người công giáo: “Trong nước này, các ngươi nghe lệnh ai?”. – Ông Jêrôm thay mặt bà con dõng dạc thưa: “Thưa ngài, tôi và phần đông những người đang đứng trước mặt ngài, đã phục vụ từ đời vua ông, vua cha của vua đương nhiệm theo đạo truyền dạy. Hết thời hạn phục vụ là 50 tuổi, chúng tôi để dành trọn thời giờ để phục vụ Chúa Trời và chúng tôi nguyện sẽ phục vụ cho đến chết” (DMAH 1, tr.219). Thời chúa Trịnh Cương, năm 1712, ba thầy giảng và hai giáo dân bị bắt ngay Kinh Đô Thăng Long. Ba thày giảng là thày Hiệp, thày Xuân và thày Mi Lộc. Thày Hiệp thông thạo chữ Hán và sách Trung Hoa nên đã thao thao trình bày giáo lý ngay trước tòa xử: “Đạo Đức Chúa Trời là đạo chân thực. Bổn phận của tín hữu là trung thành với Thiên Chúa, với triều đình và với cha mẹ”. Việc giảng đạo can tràng của thày đã khiến quan tòa tức giận và cho lính đánh 15 dùi cui vào đầu gối. (DMAH 1, tr.142). Trước những cuộc khởi nghĩa ở nhiều địa phương, các giám mục đều cấm với vạ tuyệt thông những linh mục, thày giảng hay giáo dân nào cả gan tham gia. Các ngài dạy phải luôn trung thành với nhà vua (DMAH 3, tr.175).

5. Được tha bổng vì đã sống trung hiếu và cần mẫn phục vụ trong hoàng cung.

Theo lời chứng của cha Đắc Lộ, trong phiên tòa ngày 26.7.1625, chúa Thượng Vương (nhà Nguyễn), đã tha bổng cho hai giáo dân, một cụ già 73 tuổi và một thanh niên 19 tuổi vì: ‘họ sống lương thiện, kính bề trên, yêu bề dưới, nộp thuế cho vua và làm lành lánh dữ’ (DMAH 1, tr.29). Tháng 3.1714, tám người lính đã được tha vì thề “trung thành với chúa Minh Vương cho dù họ nhất quyết không nhạo báng đạo Công Giáo mình đang sống” (DMAH 1, tr. 89-90) Bà Sum, một nô lệ chuyên việc may vá trong hoàng cung, bị tố cáo là người công giáo, nên bị chúa Minh Vương tra tấn dã man, như cắm kim khâu vào 10 đầu ngón tay, quấn vải thấm dầu vào đầu ngón tay rồi đốt cháy… Lúc đầu chúa Minh Vương định đem bà đi xử trảm, nhưng các cung phi can dán, “vì bà Sum là một công dân trung thành và cần mẫn làm việc”, chúa Minh Vương đã tha bổng bà Sum (DMAH 1, tr. 83-84)

6. Trung tín với vua, với chúa, nhưng trung tín với Thiên Chúa trên hết.

Trong phiên tòa ngày 22.12.1664, xử án hai quân nhân, một là kỵ binh, một là vệ binh, chúa Hiền Vương đã giận dữ trước lời lẽ cương quyết tuyên xưng đạo của họ. Nhiều lần chúa đã thét lên: “Chính ta là chủ tể đất nước này, ta cai trị như ta muốn, ta không tùy thuộc Chúa Trời nào cả”. Ông Phêrô Đang, một kỵ binh thiện nghệ, luôn bình tĩnh thưa: “Tâu chúa thượng, hạ thần là công dân số một, là bề tôi trung tín của chúa thượng, nhưng trên hết, hạ thần là bề tôi trung tín của Chúa Trời Đất”. Ông Phêrô Đang tử đạo ngày 22.6.1664, lúc 40 tuổi (DMAH 1, tr.55)

Vào tháng 3.1714, hai mươi mốt người đàn ông và năm người đàn bà công giáo thuộc làng Văn Cui đã bị bắt nộp cho chúa Minh Vương. Chúa hỏi họ: “Tại sao các ngươi không vâng lệnh ta và còn chống lại đạo tổ tiên? Các ngươi không biết rằng ta đã cấm mọi thần dân không được theo đạo ngoại quốc. Các ngươi đã cả gan theo đạo ngoại quốc, các ngươi không biết là các ngươi đã phạm tội khi quân sao?…” Tất cả họ đã hiên ngang thưa lại: “Chúa thượng vạn tuế! Chúng tôi hiên ngang tuyên xưng rằng chúng tôi hết lòng vâng mệnh lệnh chúa công, chỉ trừ một điều về tôn giáo là chúng tôi trái lệnh: Chúng tôi thà chịu chết chứ không nguyền rủa thánh danh Chúa Trời Đất mà chúng tôi tôn thờ” (DMAH 1, tr.89-90) Năm 1858, khi quân Pháp và Tây Ban Nha đánh phá Cửa Hàn, vua Tự Đức cho các tù nhân được tình nguyện đi đánh giặc để đền tội và lập công. 12 người lính tù ghi tên đi. Nhưng để tránh người công giáo nội ứng, vua ra lệnh cho các quan bắt những người lính ấy đi lễ tổ tiên và đạp ảnh Thánh Giá. Mọi người đều làm như vậy, trừ cai đội Phanxicô Trần Văn Trung. Quan hỏi ông: “Sao chú không đạp qua thánh giá, đúng chú là người có đạo?”. – “Vâng, thưa quan, tôi là người công giáo, tôi sẵn sàng đi đánh giặc theo lệnh hoàng đế, nhưng đạp ảnh hay bỏ đạo thì tuyệt đối tôi không vâng theo”. Ông Phanxicô tỏ ra trung thành với quốc gia nhưng đồng thời chọn cái chết để trung thành với đức tin. (DMAH 3, tr. 193). Thầy Giuse Nguyễn Duy Khang bị bắt và bị giết năm 1861, đã đối thoại nghiêm túc với các quan ngồi xử án thày như sau: “Vậy ngươi là tên có đạo, đã từ bao giờ?” – “Vâng, tôi là người Kitô đã theo đạo từ thuở nhỏ”. – “Ai đã dụ dỗ mày theo đạo lầm lạc này?” – “Đạo của tôi không phải là tà đạo, nhưng là đạo chân thật”. – “Nhưng luật lệ quốc gia đã cấm đạo này”. – “Luật của người ta không thể ngược lại luật của Thiên Chúa, luật nước như vậy không tốt”. – “Như vậy, ngươi coi thường quốc gia và coi khinh đức vua”. – “Tôi kính vua và rất mực yêu tổ quốc, nhưng trước hết tôi yêu Đức Chúa Trời và trọng giữ lề luật của Ngài”. “Mày là tên khốn nạn. Hãy đạp thánh giá đi!”. – “Xin quan đừng ép tôi đạp ảnh hay bỏ đạo. Quan biết tôi rồi, hỏi han như vậy chỉ mất thời giờ của quan” (DMAH 3, tr.282-283)

7. Dù được sống hay chết, cũng mang ơn vua

Cha Gioan Đạt người tỉnh Thanh Hóa, sinh ra 1765 bị bắt và bị trảm quyết năm 1798, đã ôn tồn nói với một quân nhân canh nhà tù: “Nếu vua thuận cho tôi sống, tôi rất mang ơn vua. Mà nếu vua truyền lệnh cho tôi phải chết, tôi cũng vẫn biết ơn vua. Dầu thế nào, tôi vẫn giữ một mực, giữ vững đức tin của tôi” (DMAH 3, tr.237). Cha Ven đã thưa với quan tòa cách bình thản: “Chúng tôi tôn trọng mọi luật pháp quốc gia đồng thời chúng tôi cũng tôn trọng luật của Vua Trời Đất”. – “Vậy ông có thù ghét người giết ông không?” – “Chắc chắn là không, vì đạo Công Giáo dạy chúng tôi phải yêu mến cả những người ghét bỏ mình” (DMAH 3, tr.246-247)

8. Dù có bị kết án, chúng tôi cũng cầu nguyện cho vua quan.

Y sĩ Giuse Hoàng Lương Cảnh, người làng Hàng Ván, bị bắt và bị xử trảm năm 1838 lúc đã 75 tuổi. Cụ đã làm cho quan tỉnh Bắc Ninh phải hết sức ngỡ ngàng khi nghe cụ đọc kinh cầu nguyện cho các vua chúa quan quyền được sự bình an. Quan không thể hiểu được cụ lại cầu cho những vua khát máu như Minh Mạng, người đã tàn ác giết chết bao nhiêu người công giáo… (DMAH 3, tr.232). Năm 1717, cha Phước bị bắt tại làng Kẻ Hồi, huyện Gia Viễn, tỉnh Thanh Hóa. Cha bị áp giải về Kinh Đô, nơi đây cha gặp ba thày giảng Hiệp, Xuân và Lộc. Cả bốn người bị đưa ra tòa xét xử trước hội đồng triều chúa Trịnh Cương. Một thày đã trả lời minh bạch: “Tôi sống đạo là để ngợi khen Thiên Chúa và cầu nguyện cho thế giới, cho Bắc Kỳ, cho hoàng thượng, cho chúa thượng, cho mọi gia đình được an cư thịnh vượng”… Một thày khác đã trả lời suôn sẻ: “Tôi là một thần dân rất vâng phục lệnh vua và chúa, nhưng tôi không vì thế mà chối đạo hay xúc phạm đến Thiên Chúa”… (DMAH 1, tr. 148).

Đọc những lời chứng trên đây, tôi có ba suy nghĩ:

• Các tiền nhân của chúng ta, cũng như mọi người dân khác, rất yêu tổ quốc, yêu quê hương, luôn ý thức rằng “Sông có cội, suối có nguồn, toàn dân có tổ quốc”. Vì thế “nước có vua, quê hương có chúa, mỗi miền có quan” mà người dân phải kính, phải tuân… Nhất là mỗi người dân phải thương đồng bào, vì “nhiễu điều phủ lấy giá hương, dân trong một nước phải thương giống nòi”.

• Các tiền nhân chúng ta được đạo dạy giữ sống tròn bổn phận đối với “ba bậc cha”: Thiên Chúa là Cha, vua quan là cha, phụ mẫu là cha. Vì thế người có đạo không thể kính vua chúa và thương đồng bào nếu không trọn tình mến Thiên Chúa là “Cha bậc nhất”. Nghĩa là “tin vào Thiên Chúa hơn tin vào vua quan”, “coi luật truyền của Ngài trọng hơn luật vua quan”. Niềm tin vào Thiên Chúa và lòng yêu mến dành cho Thiên Chúa là tuyệt đối, phải trọn vẹn… Nếu cần phải sẵn sàng hy sinh mạng sống để tuyên chứng. Đúng như lời thánh vịnh:

Tôi đã tin cả khi mình đã nói: “Ôi nhục nhã ê chề!”.
Lời khấn nguyền với Chúa, tôi xin giữ trọn,
trước toàn thể dân Người.
Đối với Chúa thật là đắt giá,
Cái chết của những ai trung hiếu với Ngài… (Tv115).

• Và như vậy, qua các tiền nhân tử đạo, đạo Chúa đã nâng cao, đã siêu nhiên hóa tinh thần “trung với vua, yêu giống nòi và hiếu với cha mẹ” của dân tộc Việt Nam. Nâng cao bằng cách đổi mới những tập tục “đã lỗi thời hay bị lạm dụng” (tục đa thê, những mê tín trong việc tôn kính tổ tiên, lạm dụng quyền bính của vua quan). Một cách hiền hòa và can đảm, các tiên nhân đã “thực hiện công trình đổi mới này” bằng cách sống, chứng từ và sự chết. Đúng như lời Giáo Hội hằng ca ngợi:

Cùng hoan chúc các anh hùng tử đạo,
Lòng cam chịu đời ghét ghen thù oán,
Muôn thử thách vì Chúa đâu xá kể,
Không hé một lời oán trách thở than,
Chẳng xôn xao, lòng thơi thới yên hàn,
Trước sau vẫn hiền hòa, luôn kiên nhẫn…

(Thánh thi lễ Tử Đạo)

III. TRUNG TÍN VỚI THA NHÂN

Chúng ta đã chia sẻ về lòng trung tín của các tiền nhân tử đạo đối với Thiên Chúa và đối với vua quan và tổ quốc. Trong những trang dưới đây, chúng ta sẽ trình bày về lòng trung tín của các ngài đối với tha nhân, từ trong gia đình đến mọi môi trường sống. Chúng ta có thể trưng dẫn rất nhiều gương sáng và chứng từ các thánh tiền bối để lại. Nhưng với khuôn khổ của bài viết, chúng ta đành chỉ nêu bật ba điểm sau đây:

1. Trung tín với những người trong gia đình ruột thịt.

Trước tiên, như mọi người Việt Nam, các vị tử đạo sống trọn vẹn đạo hiếu, tôn kính cha mẹ, tổ tiên. Không một vị tử đạo nào đã phiền trách cha mẹ, hay anh chị em trong nhà. Kể cả khi nhiều người trong gia đình “dụ dỗ quá khóa”, hay độc đáo, trường hợp bị chính người trong gia đình phản bội “tố cáo và bắt nộp cho quan quyền”, như trưòng hợp linh mục Giuse Đặng Đình Viên bị anh ruột là ông Đặng Đình Lại và cháu ruột là Đặng Đình Nhật tố cáo lên quan đầu tỉnh Hưng Yên (DMAH 2, tr. 205). Quả thật,

Con ơi muốn nên thân người,
Lắng tai nghe lấy những lời mẹ cha.
Công cha như núi thái sơn,
Công mẹ như nước trong nguồn chảy ra.
Một lòng thờ mẹ kính cha,
Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con.
Cây xanh thì lá cũng xanh,
Cha mẹ hiền lành để đức cho con.
Anh em như thủ túc,
Thương nhau như cốt nhục.

Những trường hợp sau đây là thể hiện tròn đầy ý nghĩa của những câu ca dao tục ngữ chúng ta vừa đọc.

• Trung tín với cha mẹ: Các Thánh Tử Đạo luôn trung tín với Thiên Chúa, với vua quan và với cha mẹ: Thầy Inhaxiô (5) thưa với chúa Thượng Vương: “Đạo thần theo không phải là đạo Bồ Đào Nha nhưng là đạo của Chúa Trời Đất. Đạo dạy trước hết kính thờ Chúa Trời, sau đến vua cai trị nước và cuối cùng là cha mẹ’. (DMAH 1, tr.37).

• Chồng trấn an vợ: Binh sĩ Dominicô Đinh Đạt, người Phú Nhai, bị bắt 1838 và bị xử giảo 1839. Khi nghe tin sẽ được chết vì đạo, ông vui mừng khôn tả. Ông báo tin vui cho gia đình và bà con, xin mọi người cầu nguyện cho mình. Lúc đó, vợ ông muốn khuyên ông bỏ ý định tử đạo, đã đến khóc lóc, tay dẫn đứa con gái: “Ông đành bỏ tôi và con bé này sao?…”. Ông Đạt rất cảm động, nhưng ông bình tĩnh nói với bà: “Nếu tôi quý bà và con gái hơn Chúa Giêsu, tôi chẳng đáng làm môn đệ Ngài. Tôi xin ký thác bà và con gái cho Thiên Chúa, xin Ngài bảo trợ bà và con. Xin bà hãy vui lên và cảm tạ Chúa. Sau đó, ông dẫn vợ và con gái ra đình làng. Ở đó các quan viên và nhiều người dân đã tụ họp đủ mặt để từ giã ông. Ông lạy quan viên và xin mọi người cầu nguyện cho. Đồng thời xin làng giúp đỡ vợ và con gái…” (DMAH 2, tr.327).

• Vợ trấn an chồng: Năm 1700, triều chúa Minh Vương, bà Agnes, người xứ Đồng Nai, bị bắt lúc còn hai con nhỏ, một 10 tuổi và một 7 tuổi… Nghe tin vợ bị bắt, người chồng đi làm xa vội trở về và thấy hai đứa con khóc đỏ mắt… Ông liền bế con vào tận nhà tù nài nỉ vợ bỏ đạo trở về với chồng con. Bà Agnes can đảm nói với chồng: “Này anh, em xin anh đừng khóc lóc buồn phiền. Chính Chúa thương cho em được ơn trọng như thế này. Đây là một vinh dự cho cả anh và các con sao anh lại khóc ầm ỹ. Em xin anh một lần nữa đem hai con về nhà chăm sóc chúng nó và dạy chúng biết kính sợ Thiên Chúa và nhắc chúng rằng, em vẫn nhớ đến anh và các con trên nước thiên đàng. Em hy vọng sẽ được phúc tử đạo sớm”. Bà Agnès được như ý nguyện, bà chết vì đạo sáng ngày lễ Giáng Sinh, 25.12.1700. (DMAH 1, tr.79)

• Tình thương của người mẹ tử đạo: Bà Monica Sum bị truy tố đã chôn giấu các đồ đạo, và bị bắt lúc còn hai con nhỏ một 14 tuổi và một 7 tuổi. Từ trong tù bà đã nhắn với đứa con lớn: “Con ạ, con đừng ở lại làng nữa, mà hãy lên kinh đô trà trộn giữa người ta mà sống kẻo ở lại người ta cũng bắt con và mẹ sợ khi bị bắt, con còn trẻ không biết có đủ can đảm xưng danh Chúa Giêsu không, hay là trông thấy quan quân cầm gươm giáo rồi sợ hãi mà chối đạo. Còn em con, nó nhỏ tuổi đem gửi chú con. Đừng lo lắng cho mẹ”… Cùng với nhiều người công giáo khác, bà Monica Sum đã bị giam trong chuồng voi và chết rũ tù trong quãng 1700-1713. (DMAH 1, tr. 81).

• Lòng dũng cảm của người mẹ chứng kiến con tử đạo: “Binh sĩ Anrê Trông bị bắt lúc 20 tuổi. Mẹ chàng làm nghề dệt và rất đạo đức, hằng theo dõi con mọi ngày trong thời gian bị giam tù. Khi hay tin con sẽ bị trảm quyết, bà vui mừng đến tận nhà tù thăm viếng và khích lệ con. Bà hỏi con: “Bấy lâu nay con ở trong tù có mắc nợ ai không? Con nói để mẹ lo trả cho người ta”. – “Thưa mẹ, con không thiếu gì cả. Tiền nộp nhà tù và tiền thuê xích xiềng con cũng đã thanh toán cả rồi”. Bà bình tĩnh đứng chứng kiến con bị chặt đầu và việc người đao phủ tung đầu con lên cho quan thấy… Trong sắc lệnh phong phong 77 Á Thánh, Đức Thánh Cha Leô XIII đã đặc biệt nêu cao tấm gương trung tín mẹ con như sau: “Trong các Đấng Tử Đạo ở Nam Kỳ có Anrê Trông thời danh không những vì chính ngài dũng cảm mà mẹ ngài cũng anh hùng như con. Vì bà đã bắt chước Đức Mẹ chịu đau khổ, đứng bên cạnh xem con mình chịu chết và khi con bị chém đầu rồi thì ôm đầu con trong lòng mình” (DMAH 2, tr.72).

2. Trung tín với đồng bào trong họ đạo hay thôn làng

Thôn làng là nơi chôn rau cắt rốn của một người. Nên đối với dân Việt Nam tình nghĩa thôn làng rất sâu đậm. Tình nghĩa này còn sâu đậm hơn, thiêng liêng hơn, khi thôn làng mang thêm danh xưng là “họ đạo”. Những người sống trong họ đạo không chỉ gắn bó với nhau về mồ mả, về phong tục tập quán hay về phạm vi hành chánh, nhưng còn hiệp thông với nhau trong một niềm tin, cùng chung lời “gọi Thiên Chúa là cha và coi nhau như anh em, như các chi thể của một Nhiệm Thể”. Đó là đối với giáo dân, còn với linh mục hay thày giảng, họ đạo là nơi mình được sai đến để phục vụ, để rao giảng Tin Mừng, để sống chết vì phần rỗi anh chị em mình. Vì những lý do đó, lòng trung tín của các vị tử đạo đối với thôn làng hay họ đạo thật sáng ngời. Không nêu lên hết được, chúng ta chỉ tóm lược hai trường hợp làm tiêu biểu.

• Gương sáng cho cả làng, đặc biệt giới trẻ: Khi ông Micae Lý Mỹ cũng gọi là Nguyễn Huy Diệu bị bắt, nhiều người trong làng tuyên bố: “Trong làng và họ đạo, ai cũng coi ông như gương lành để bắt chước”. Đặc biệt cụ thủ chỉ Phê đã nói với giới trẻ: “Chúng con hãy noi gương cụ Diệu, vì ông thật là người trung tín, nghiêm chỉnh và đạo đức”. Tuy còn trẻ, ông ăn ở chính trực và ăn nói lịch sự. Khi nghe ông Lý Mỹ bị kết án xử trảm, làng Kẻ Vĩnh đến bàn với ông về việc bỏ tiền chuộc cho ông được tha, ông trả lời: “Xin cám ơn dân làng đã có lòng tốt. Dân có lòng thì tôi thật ghi ơn, nhưng đừng góp tiền chạy chuộc cho tôi làm chi. Xin cứ để món tiền đó cho vợ con tôi tổ chức mời cả làng làm bữa khao mừng khi đem xác tôi về”. Trước khi đem ông Lý Mỹ ra bãi chặt đầu, quan án còn khuyên ông: “Này Lý Mỹ, mày là thằng giỏi giang lại trẻ tuổi, lý sự và coi sóc dân làng tốt, ai cũng được nhờ… Sao mày không thương dân làng mà quá khóa đi? – “Thưa quan lớn, khi chưa có tôi thì đã có dân, vậy, ai coi sóc dân lúc bấy giờ. Tôi nguyện phó thác dân làng tôi cho Thiên Chúa” (DMAH 2, tr.288)

• Để bổn đạo khỏi bị liên lụy: Cha Phêrô Nguyễn Văn Tự bị bắt và bị xử trảm 1838 thuộc làng Ninh Cường, tỉnh Nam Định. Khi ở trong tù, cha đã làm nhiều cách hủy một trang sách ghi tên những người công giáo để họ khỏi bị liên lụy: Trước tiên cha giả xin một chậu nước để rửa mình, cốt ý nhúng ướt tờ giấy rồi vò nát ra, nhưng không thành, vì lính canh gắt gao quá. Cha lại giả xin một manh chiếu để đuổi muỗi, cốt ý lấy manh chiếu che miệng mà nhai nghiến tờ giấy…” (DMAH 2, tr.215)

• Xin lỗi gia đình và dân làng: Ông cai Phaolô Kiên bị bắt và rất can đảm chịu mọi tra tấn và bị bỏ đói… chúa Minh Vương ra án cho ông bị xử chém tại bản quán tỉnh Quảng Bình. Nhưng khi về tới làng để chuẩn bị ngày chịu chết, ông đã mất can đảm vì thấy vợ con khóc lóc và nhiều người làng xóm khuyên bỏ đạo. Ông Kiên đạp ảnh và tuyên bố bỏ đạo. Quan giám sát làm phúc trình gửi lên chúa Minh Vương. Nhưng Chúa Minh Vương không tha mạng, lệnh xử chém vẫn phải thi hành. Cả nhà ông Kiên sửng sốt và ông Kiên thêm sức mạnh. Ông khóc lóc xin lỗi Chúa, xin lỗi gia đình và xin lỗi mọi đồng hương và dõng dạc tuyên bố mình phải chết như một Kitô hữu. (DMAH 1, tr.21).

3. Trung tín đối với đồng bào, không phân biệt tôn giáo hay làng xã.

“Nhiễu điều phủ lấy giá gương, người trong một nước hãy thương nhau cùng”. Các vị tử đạo đã giữ trọn vẹn lời dạy của tổ tiên. Các ngài không chỉ sống “chữ hiếu chữ trung là thầy với mẹ” mà còn “chữ nhân chữ nghĩa là làng với quê”, vì “tình thương đâu quản xa gần”. Đức tin và tình thương giúp các ngài luôn sống hài hòa với mọi người, kính trọng mọi người, không phân biệt họ hàng hay không, đồng đạo hay khác đạo… Các ngài sống như thánh Phaolô dạy “Bác ái là nhân từ, là chịu đựng, là tha thứ …” (x1Cr 13,1-7). Sau đây là mấy trường hợp bày tỏ đức trung tín của các thánh tử đạo đối với đồng hương:

• Ngay với người hành hạ và chém giết mình: Ông Tôma được các cha khuyên: “Ông hãy mạnh dạn xưng đạo và vui vẻ sẵn lòng chết vì Chúa, như thế sẽ gieo mầm mống đức tin nơi dân ngoại’… Nhờ đó ông thêm can đảm đón nhận việc tuẫn giáo. Ông xin người nhà đến cám ơn lính canh và thưởng tiền cho tên đao phủ chém đầu ông. Sau khi bị chém đầu, ông Tôma còn hiện ra cám ơn người lính đã chém đầu ông (DMAH 1, tr.51)

• Nhờ sự trung tín mà chinh phục được người ta. Ông Gioan Nghiêm, 72 tuổi làm, người tỉnh Quảng Nam. Ông là một y sĩ nhiệt thành, rất sùng Phật trước khi trở thành người công giáo. Ông nóng tính với nhiều người, nhưng lại thuần thục với ông Manuel mà ông gọi là người trung tín trong lời nói và việc làm. Ông đã được ông Manuel chinh phục và dẫn vào đạo. Việc ông Gioan Nghiêm trở lại làm chấn động giới Phật giáo. Chính ông Gioan đã trở thành người cộng tác với các linh mục trong việc chinh phục người khác về với Chúa. Ông thường nói “Có ai sùng Phật hơn tôi? Có ai làm những điều dị đoan hơn tôi? Thế mà nhờ ơn Chúa, từ khi tôi lãnh bí tích Rửa Tội, tôi hoàn toàn đổi mới’. Rồi khi nghe có lệnh cấm đạo, ông Gioan Nghiêm đã kêu gọi nhiều người: “Chúng ta còn làm gì ở đây nữa? Hãy đi để cùng chết với các đạo trưởng vì Chúa Giêsu!” (DMAH 1, tr.152).

• Không phản bội người khác: Cô Daria sinh ra trong một gia đình công giáo đạo đức. Cô là thiếu nữ xinh đẹp, cô sống trung thành với luật Chúa. Một quan chức lớn muốn ép cô lấy ông làm vợ lẽ. Cô không chịu vì như vậy là lỗi luật “một vợ một chồng” của đạo dạy. Cô phải trốn đi ở nơi khác. Tức giận, quan lớn cho lính đi lùng bắt cô. Quan còn cho tập trung những người quen biết cô và tra tấn họ cho biết nơi cô Daria ẩn lánh. Nhưng mọi người đều nhất trí thưa với quan lớn: “Chúng tôi không thể làm đều thất tín. Phản bội một người đồng đạo đã tín nhiệm nơi mình là điều bất nhẫn, giao cô cho quan để làm hại nhân đức khiết tịnh của cô còn là một tội ác nữa” (DMAH 2, tr.392)

• Bác ái với các bạn tù. Cha Phaolô Phạm Khắc Khoan, người tỉnh Ninh Bình, bị bắt năm 1837 và bị xử trảm 1840, là một người đầy lòng bác ái với người nghèo, không phân biệt lương giáo. Điển hình nhất là khi ở trong tù, cha thấy nhiều tù nhân đói khổ. Cha liên hệ với gia đình, xin họ giúp gạo và đồ ăn để cha tìm cách nấu cơm phân phát cho họ. Số tù nhân được cha nuôi ăn là 30 người. Do đó mà nhiều tù nhân trước kia khó chịu mỗi khi thấy cha lẩm bẩm đọc kinh, sau thân thiện và cảm tình với cha. Đặc biệt cha Khoan đã khuyên và rửa tội cho một tướng cướp khi ông này ốm liệt gần chết. Suốt ba năm trong tù, cha Khoan luôn sống vui vẻ, chia sẻ với mọi người…” (DMAH 1, tr.110)

Thật đẹp và cao quý, những bài học về “văn hóa dân tộc” và “đạo lý quê hương” mà chúng ta múc lấy được nơi từng vị hay nơi tập thể các thánh Tử Đạo tổ tiên. Các ngài không chỉ là những chứng nhân anh dũng của Đức Tin Kitô giáo, nhưng còn là những hiện thân rõ nét của nền đạo lý “thờ kính ba bậc cha: Trời, Tổ Quốc và Phụ Mẫu” (6). Các ngài cho chúng ta thấy truyền thống đạo lý này đã được gói gọn trong ngũ luân: quân thần, phụ tử, phu phụ, huynh đệ bằng hữu, và trong ngũ thường: nhân, nghĩa, lễ, trí, tín. Có thể không thâm nho, không hiểu sâu về luân lý đạo Khổng, nhưng trong cách sống cụ thể, đặc biệt trong tiến trình chết vì đạo, các thánh đã thể hiện trọn vẹn đức trung tín đối với Trời, với tổ quốc và vua quan, đối với gia đình và tha nhân… Tôi còn muốn nói rằng: các thánh Tử Đạo tiền bối đã nâng cao nền văn hóa và đạo lý của dân tộc: tất cả ngũ luân và ngũ thường phải quy về nguồn gốc là Thiên Chúa tình yêu. Niềm tin vào Thiên Chúa là một hành động “trở về nguồn”. Quy về nguồn hay nâng cao ngũ luân, ngũ thường không có nghĩa là chối bỏ, nhưng là đổi mới, là củng cố là “thần linh hóa và tôn giáo hóa” những yếu tố cơ bản làm nên nền tôn giáo cổ truyền của dân tộc, cấu thành nền văn hóa của quê hương.

Những trang viết vắn gọn trên đây về đức Trung Tín của các vị tử đạo tiền nhân, đã được tuyên thánh hay chưa, nhằm khẳng định rằng: Trung tín với Thiên Chúa hay với Trời là trung tín với Tổ Quốc và vua chúa, là trung tín với cha mẹ và với mọi người. Và đây là điểm son của nền văn hóa Việt Nam, là tương quan mật thiết giữa đức tin và văn hóa, là cốt cách sáng ngời nơi mỗi vị và cả tập thể các vị Tử Đạo tiền bối của chúng ta. Quả là:

Với Trời, với Nước, với Tha Nhân,
Trọn niềm Trung Tín, vượt gian truân,
Gương lành soi chiếu, khắp trần gian,
Siêu thăng vinh hiển, phúc Thiên Đàng.

————————

(1) Mười huấn dụ: 1. Đôn nhân luân, 2. Chính tâm thuật, 3. Vụ bản nghiệp, 4. Thượng tiết kiệm, 5. Hậu phong tục, 6. Huấn tử đệ, 7. Sùng chính học, 8. Giới dâm thắc, 9. Thập pháp thủ, 10. Quảng thiện hạnh. Xem: Havard, Annales IX, tr. 362-369; x. Launay, Monseigneur Retord, tr. 88-92; Trần Trọng Kim, Việt Nam Sử Lược II, tr. 196; Phạm Văn Sơn Việt Sử Tân Biên IV, tr. 336 (lấy lại của Trần Trọng Kim); x. Vũ Thành: Dòng Máu Tử Hùng 2, tr. 64-67..

(2) Kể từ đây khi trích lại hay quy chiếu sách “Dòng Máu Anh Hùng của cha Vũ Thành, chúng tôi sẽ đề DMAH và số Tập 1, 2 hay 3 và số trang.

(3) Trịnh Việt Yên, Máu Tử Đạo Trên Đất Việt” tr. 103-123, x. Phan Thiết, Đất Việt Người Việt: tác giả vạch ra những âm mưu và luận điệu chống Đạo Công Giáo ở Việt Nam trong các tác phẩm “Tây Dương Gia Tô Bí Lục”, “Đạo Thiên Chúa và chủ nghĩa thực dân tại Việt Nam” (Cao Huy Thuần), “Việt Nam máu lửa Quê Hương tôi” (Đỗ Mậu), “Giá trị truyền thống của dân tộc Việt Nam” (Trần Văn Giàu), Những bài chống việc phong thánh cho 117 vị Tử Đạo tại Việt Nam (1988) của các ông Nguyễn Khắc Viện, Văn Tạo và Nguyễn Quang Huy.

(4) Xem bản tổng kết 300 năm bách hại Đạo Công Giáo trong “Máu Tử Đạo trên đất Việt Nam” của Trịnh Việt Yên, tr. 67-68.

(5) Trong lịch sử truyền giáo, nhiều trường hợp người ta không ghi tên gọi Việt Nam mà chỉ có tên thánh. Có lẽ vì bấy giờ các thừa sai gọi tên thánh bằng tiếng latinh dễ dàng hơn bằng tiếng bản xứ.

(6) Vũ Thành, sd 1. tr. 183. Cha Mattêô Đậu trả lời đối chất với quan tòa: “Luật mà tôi giảng dạy là chân thật và công bằng, giúp người ta thoát bỏ con đường tội lỗi để trau dồi đức hạnh trong việc tôn kính ba bậc cha” – “Ba bậc cha là những ai, nói ta nghe?” – “Trước hết là Thiên Chúa cao cả, cha của mọi thần thánh, rồi mỗi nước có vua và các quan, sau cùng là cha mẹ và các tổ tiên. Con người đã nhận bao ân huệ từ ba bậc cha này”. – sd 3, tr. 225-226: Cha Toma Khuông trả lời cho quan tòa: “Đạo chúng tôi truyền buộc các tín hữu phải giữ trọn lề luật trong đạo đồng thời phải trung thành với vua, hiếu thảo với cha mẹ và phải cầu nguyện luôn cùng Thiên Chúa cho quốc gia được hưng thịnh”.