Đức Tin Theo Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo

0
2709


Lm. Giuse Phan Tấn Thành, OP.

 

Nhập đề

Nhân Năm đức tin, đức thánh cha Bênêđictô XVI mời gọi chúng ta học hỏi sách Giáo lý Hội thánh Công giáo (viết tắt: GLCG). Chúng ta có thể xem tác phẩm này như là nguồn mạch để đào sâu đức tin của Hội thánh Công giáo[1]. Tuy nhiên, trong một bài thuyết trình ngắn, chúng ta chỉ có thể dừng lại ở một câu hỏi: Sách GLCG nói gì về đức tin?

Tuy câu hỏi xem ra đơn giản, nhưng không dễ gì trả lời, bởi vì trong sách GLCG đức tin không chỉ giới hạn vào một phần, nhưng được đề cập từ đầu đến cuối sách. Thật vậy, trong Lời mở đầu[2], khi trình bày Bố cục Sách Giáo lý (số 13-17), chúng ta nhận thấy rằng đức tin là sợi chỉ xuyên suốt của bốn phần cuốn sách:

– Phần thứ nhất: tuyên xưng đức tin (Professio fidei).

– Phần thứ hai: các bí tích đức tin (Fidei sacramenta), hay cũng có thể gọi là “cử hành đức tin” (celebratio fidei).

– Phần thứ ba: đời sống đức tin (vita ex fide), nói tắt là “sống đức tin”.

– Phần thứ bốn: kinh nguyện trong đời sống đức tin (oratio in vita ex fide), nói tắt: “đức tin cầu nguyện”.

Như vậy, toàn bộ sách Giáo lý trình bày bốn khía cạnh của đức tin: đức tin tuyên xưng, cử hành, sống, cầu nguyện[3]. Nên lưu ý là chiều dài của  bốn phần không ngang nhau: phần thứ nhất chiếm 39%; phần thứ hai chiếm 23%; phần thứ ba chiếm 27%; phần thứ bốn 11%. Làm thêm một bài tính cộng nữa: hai phần đầu chiếm 62%, hai phần cuối chiếm 38%. Hai phần đầu nói lên sáng khởi hoặc ân huệ của Thiên Chúa thì nhiều hơn là hai phần cuối nói lên sự đáp trả của con người. Đây là đặc trưng của Kitô giáo, trái với quan niệm của đa số các tín hữu (và giáo sĩ), chú trọng đến các bổn phận của con người hơn là nhìn đến tình thương của Thiên Chúa.

Tuy nhiên, chúng ta có thể giới hạn câu hỏi về đức tin vào hai mệnh đề như sau: Tin là gì? Tin cái gì? Mệnh đề thứ nhất liên quan đến chủ thể đức tin, mệnh đề thứ hai liên quan đến đối thể đức tin. Chúng ta sẽ chú trọng nhiều hơn đến mệnh đề thứ nhất: Tin là gì? Bản tính của đức tin thế nào? Những câu hỏi này được bàn cách riêng ở phần thứ nhất, chương Ba mang tựa đề “Con người đáp lời Thiên Chúa” (số 144-175), với hai mục:

Mục 1 “Tôi tin”, với ba đoạn: I. Sự vâng phục của đức tin. II. “Tôi biết tôi đã tin vào ai”. III. Những đặc tính của đức tin.

Mục 2 “Chúng tôi tin” với ba đoạn: I. “Lạy Chúa, xin nhìn đến đức tin của Hội thánh Chúa”. II. Ngôn ngữ đức tin. III, Một đức tin duy nhất.

Nếu nhìn các chú thích kèm theo bản văn, ngoài các bản văn Kinh thánh ra, chúng ta sẽ nhận thấy rất nhiều quy chiếu về hiến chế tín lý Dei Filius của công đồng Vaticanô I và hiến chế tín lý Dei verbum của công đồng Vaticanô II. Nói thế có nghĩa là Sách GLCG không trình bày những tư tưởng độc đáo mới mẻ, nhưng dựa trên giáo huấn cổ truyền. Mặt khác, cả hai công đồng Vaticanô đã không soạn ra các bản văn như một giáo trình hàn lâm, nhưng với chủ đích mục vụ, nghĩa là đáp lại những thách đố của thời đại. Do đó, để hiểu rõ tư tưởng của sách GLCG, chúng ta hãy ôn lại những vấn đề thần học đức tin đã được nêu lên trong lịch sử Giáo hội từ thời các giáo phụ đến nay, và Giáo hội đã trả lời như thế nào. Sách GLCG đã tổng hợp đạo lý cổ truyền, và trình bày với những ngôn ngữ thích hợp với những nhu cầu thời nay.

Vì thế, trong phần đầu của bài thuyết trình, chúng ta sẽ rảo qua những vấn nạn đã được nêu lên liên quan đến đức tin; trong phần thứ hai, chúng ta sẽ khảo sát đạo lý của sách GLCG.

I. THẦN HỌC ĐỨC TIN TRONG LỊCH SỬ GIÁO HỘI

Ở đây chúng tôi không có tham vọng kể ra tất cả những lạc thuyết trái nghịch với đạo lý đức tin, nhưng chỉ ghi nhận vài điểm liên quan đến bản chất của đức tin, trải qua bốn giai đoạn lịch sử: 1/ Thời các giáo phụ. 2/ Thời kinh viện. 3/ Cuộc Cải cách Tin Lành. 4/ Thời cận đại.

A. Thời các giáo phụ

Có thể chia làm hai giai đoạn, lấy thánh Augustinô làm mốc.

1/ Trước thánh Augustinô

Các giáo phụ nhấn mạnh đến sự quan trọng của đức tin để được cứu rỗi. Đức tin được ấn định qua các “quy luật đức tin” (regula fidei).

Các giáo phụ cũng phải trả lời nhiều vấn nạn của các triết gia đương thời. Vì thế vấn đề tương quan giữ đức tin và triết học được đặt ra. Vài giáo phụ không ngần ngại khẳng định rằng đức tin là cửa dẫn vào “triết học chân chính” (minh triết sophia, gnosis), còn triết học chỉ chuẩn bị cho đức tin. Theo thánh Giustinô, triết học chứa đựng những mầm của “lý” (logos) còn đức Kitô là chính Lời (Logos). Clêmentê Alexandria đặt tên cho đạo lý về Thiên Chúa là philosophia. Nói thế không có nghĩa là coi nhẹ triết học; ngược lại, cần phải dùng triết học để chuẩn bị và bảo vệ đức tin. Origène cũng theo chiều hướng đó, nghĩa là đức tin là đỉnh cao của tri thức, tuy không quên nhấn mạnh rằng tri thức đức tin còn hướng dẫn cuộc sống và các hành vi, đòi hỏi cuộc dấn thân luân lý. Cần thiết phải có những đức tính luân lý, chẳng hạn như tâm tình vâng phục, kiên nhẫn, thì mới có thể đạt đến sự hiểu biết mầu nhiệm. Nói cách khác, đức tin không chỉ thuộc phạm vi trí tuệ mà còn bao hàm phạm vi luân lý. Hơn thế nữa, đức tin còn bao gồm chiều kích huyền bí, được phát triển cách riêng nơi các giáo phụ Cappađôxia[4].

2/ Thánh Augustinô

Trong các giáo phụ, khi bàn về đức tin, thánh Augustinô giữ một vị trí độc đáo bởi vì đã để lại nhiều suy tư súc tích về nội dung đạo lý cũng như những khía cạnh tâm lý của nhân đức, đặc biệt ở ba điểm sau: a) hồng ân đức tin; b) tin và hiểu; c) tương quan giữa lý trí và đức tin.

a) Hồng ân đức tin

Thánh Augustinô nhấn mạnh rằng đức tin là một hồng ân của Thiên Chúa, được ban cho con người tội lỗi. Đây là một quan điểm chống lại chủ trương của nhóm Pêlagiô: họ cho rằng mạc khải của Thiên Chúa đã là hồng ân rồi. Nhờ mạc khải, con người cố gắng tuân giữ kỷ luật thì đủ sức để thực hành các nhân đức. Theo thánh Augustinô, nói như vậy là coi nhẹ công trình cứu chuộc của Đức Kitô rồi. Con người cần được ơn thánh chữa lành và soi sáng  thì mới có khả năng thực hành các nhân đức, kể cả đức tin. Con người được nên công chính nhờ đức tin, chứ không phải nhờ sự tuân giữ lề luật. Nhờ có đức tin, con người mới có thể lập công trạng; việc gì làm mà không do đức tin đều là tội lỗi, như thánh Phaolô đã nói (Rm 14,23). Đạo lý về đức tin như hồng ân sẽ được công đồng Orange II (năm 529) tiếp nhận và định tín.

b) Tin để hiểu, hiểu để tin (intellige ut credas, crede ut intelligas)[5]

Các chân lý đức tin do Thiên Chúa mạc khải và được thông truyền nhờ lời giảng dạy của Hội thánh. Con người đón nhận các chân lý ấy vì tín thác vào một thế giá có thẩm quyền chứ không vì sự hiển minh nội tại. Dĩ nhiên, tin thì khác với mê tín, cuồng tín. Vì thế con người cần phải kiểm chứng các lời khẳng định để xem có phải là do Chúa phán dạy hay không. Việc chấp nhận một chân lý dựa trên uy tín của một người chuyên môn là điều xảy ra thường tình trong cuộc sống: nó không đi ngược lại bản tính tự do của con người, trái lại nó mở rộng kiến thức cho trí tuệ. Đức tin vượt quá lý trí nhưng không đối nghịch với lý trí. Vì thế tin là một hành động tự do, hợp lý. Thật vậy, trước khi tin, con người phải đắn đo cân nhắc về những lý do khiến mình chấp nhận đức tin, suy xét về uy tín của người nói xem họ có đáng tin hay không (credere est cum assensione cogitare). Về điểm này, thánh nhân nhìn nhận sự can thiệp của ơn Chúa, cũng như tâm tình chân thành về phía con người. Như vậy, tin không chỉ là hành vi của lý trí mà còn là hành vi của ý muốn và tình yêu nữa.

c) Đức tin và lý trí

Đức tin không loại trừ lý trí: Thiên Chúa không thể nào hủy diệt tài năng mà Ngài đã ban cho con người, làm cho con người vượt xa loài cầm thú. Giữa lý trí và đức tin có sự hòa hợp. Có một tác dụng hỗ tương giữa hai phía. Lý trí giữ vai trò chuẩn bị trí tuệ; đức tin mang đến gia tài chân lý. Cần phải chấp nhận đức tin để có thể nắm bắt được nó, mặc dù đức tin vẫn luôn cần được làm sáng tỏ: “fides quaerit, intellectus invenit”. Thánh Augustinô đã dùng lý trí để phục vụ đức tin, dùng khả năng suy tư của mình để giải thích các mầu nhiệm của đạo (chẳng hạn mầu nhiệm Ba ngôi Thiên Chúa), cũng như kế hoạch của Thiên Chúa trong lịch sử (thí dụ trong tác phẩm Thành đô Thiên Chúa).

Dù sao, trên đường hiểu biết chân lý đức tin, thánh nhân đặt nặng tác động nội tại của Thánh Linh. Ngoài ra, ngài cũng nhìn nhận vai trò quan trọng của Hội thánh: “giả như không có thế giá của Hội thánh công giáo thì tôi sẽ chẳng tin vào Tin mừng được”[6].

Đức tin mang tính năng động: con người tiến gần đến Chúa, gắn bó với Chúa, và sẵn sàng hy sinh những chuyện thế sự vì đức tin. Vì thế khi nói đến đức tin mang lại ơn cứu độ, thì đó không chỉ là chấp nhận chân lý mà thôi, nhưng còn là hoán cải và yêu mến.

Tóm lại, thánh Augustinô đã để lại cho hậu thế nhiều suy tư về hành vi đức tin, và cách riêng là sự phân biệt giữa hai khía cạnh: fides quae )khía cạnh khách thể; nội dung đức tin(;  fides qua (khía cạnh chủ thể; việc chấp nhận đạo lý)[7]. Một thuật ngữ khác là credere Deum, credere Deo, credere in Deum. “Credere Deum” nói đến đối tượng của đức tin; “credere Deo” nói đến động lực của đức tin; “credere in Deum” thêm vào khía cạnh hiện sinh, khi con người ký thác tất cả cuộc đời cho Thiên Chúa.

B. Thời Trung cổ

Tương quan giữa đức tin và lý trí vẫn còn là trọng tâm nghiên cứu của thần học thời Trung cổ. Vào giai đoạn đầu của kinh viện, thánh Anselmô tiếp tục đường hướng của thánh Augustinô qua công thức “fides quaerens intellectum”, dùng lý trí để làm sáng tỏ nội dung đạo lý đức tin. Tuy nhiên dần dần kinh viện áp dụng triết học Aristote để phân tích cấu trúc của việc “tin” (hành vi của lý trí và hành vi của ý chí), và dần dần mất đi chiều kích cứu độ của đức tin. Điều này đã gây ra phản ứng nơi khuynh hướng “thần học đan tu” (theologia monastica) của thánh Bênađô và Bonaventura, nhấn mạng đến sự cần thiết nuôi dưỡng đức tin bằng cầu nguyện, ngõ hầu cảm nghiệm về Thiên Chúa, sống kết hiệp với Ngài bằng tâm tình.

Thánh Tôma Aquinô cố gắng trình bày một cái nhìn toàn diện về đức tin. Tin là một nhân đức hướng Chúa: đức tin nằm trong tiến trình hướng đến ơn cứu độ. Đức tin là khởi điểm của sự sống vĩnh cửu (II-II, q.4,1). Để tin cần có những dấu chỉ khả tín (lời giảng, dấu lạ, lý luận), nhưng chừng ấy chưa đủ. Tin là do chính Thiên Chúa là Chân lý thông ban mình ở bên trong con người[8]. Yếu tố quyết định của đức tin là tác động của ân sủng, được ví như là ánh sáng và bản năng. Sự xác tín đức tin dựa trên ánh sáng ấy chứ không phải do sự hiển minh nội tại. Tuy nhiên, mặc dù ánh sáng đức tin vượt quá khả năng lý trí nhưng không hủy diệt lý trí; trái lại, nó nâng cao lý trí và đưa lý trí  đến mục tiêu mà nó nhắm. Cũng nên thêm rằng người tín hữu vào thời Trung cổ nhận được một sự hỗ trợ cho đức tin ở nơi cơ cấu văn hóa xã hội của họ.

C. Cuộc Cải cách Tin Lành

Phong trào Cải cách hồi thế kỷ XVI đã gây ra một sự xung khắc trong Giáo hội về quan điểm đức tin.

Đối với Lutêrô, tin là tin tưởng vào lời hứa của Chúa, và phó thác cho lòng Chúa khoan nhân.  Đối với ông, con đường dẫn đến Thiên Chúa không phải là sự suy tư của con người, nhưng là sự tin tưởng vô điều kiện. Ông coi nhẹ giá trị của chân lý; nhưng rồi chủ đề chân lý lại được Melanthon và Calvin quan tâm.

Phản ứng lại quan điểm về niềm tin như là tin tưởng phó thác, công đồng Trentô nhấn mạnh đến việc lý trí chấp nhận đạo lý mạc khải. Việc chấp nhận này  chứng tỏ con người muốn quy hướng về Thiên Chúa, và được triển nở nhờ đức cậy và đức mến, là những thành tố của việc được trở nên công chính. Như vậy, bên Tin Lành nhấn mạnh khía cạnh tin tưởng và phó thác vào Chúa; bên Công giáo nhấn mạnh đến sự chấp nhận đạo lý mạc khải, và như vậy nêu bật khía cạnh tri thức cũng như vai trò của huấn quyền Giáo hội. Thật ra đó là hai khía cạnh của đức tin bổ túc lẫn nhau chứ không trái nghịch nhau. Tiếc rằng bầu khí tranh luận sôi nổi của thời ấy không cho thấy điều đó. Bên Tin lành có lý khi nhấn mạnh đến chiều kích tương quan tín thác; nhưng nếu chỉ dừng lại ở chỗ này thì sẽ đưa đến thái độ chủ quan, như thực sự đã xảy ra. Phía Công giáo có lý khi nêu bật chiều kích khách thể của đạo lý mạc khải, cũng như hoạt động của lý trí và ý chí; nhưng nếu chỉ dừng lại ở đây thì có nguy cơ thu hẹp đức tin vào vào một mới kiến thức, như thực sự đã xảy ra. Phải chờ những cuộc đối thoại đại kết mới đạt được cái nhìn đa diện như sẽ thấy ở công đồng Vaticanô II.

D. Thời cận đại

Lịch sử cận đại bên châu Aâu được đánh dấu với nhiều cuộc cách mạng chính trị, xã hội, tôn giáo. Sau cuộc ly khai giữa Công giáo và Tin lành là những cuộc cách mạng chính trị xã hội muốn khai trừ tôn giáo ra khỏi xã hội. Về mặt văn hóa, người ta đề cao vai trò của lý trí và khoa học thực nghiệm, và đồng hóa tín ngưỡng với mê tín. Trong bối cảnh này, thần học bị dồn vào thế phòng thủ, tìm cách kháng cự những công kích của đối phương; đó là lý do của sự phát triển của ngành hộ giáo (apologetica). Môn này gồm ba mục chính, tương đương với ba mặt trận: 1) bênh vực mạc khải của Chúa Kitô, chống lại thuyết duy lý; 2) bênh vực Kitô giáo là đạo chân thật, chống lại các tôn giáo; 3) bênh vực Giáo hội công giáo như là Hội thánh chân thật, chống lại các lạc giáo và ly giáo. Các sách Hộ giáo có thể được coi như là khảo luận về đức tin công giáo.

Thật vậy,  những thách đố lớn nhất cho đức tin vào thời cận đại là những phong trào duy lý, duy tín, dần dần mở đường cho các phong trào vô thần.

– Có người tố cáo rằng khuynh hướng vô thần cận đại bắt nguồn từ Lutêrô. Theo ông, con người đến với Thiên Chúa với lòng tín thác, chứ không phải với lý trí. Dựa trên tiền đề này, triết gia Emmanuel Kant, qua sự phân biệt giữa “lý trí thuần túy” và “lý trí thực tiễn”, cho rằng con người chấp nhận Thiên Chúa bằng lý trí thực tiễn chứ không phải bằng lý trí thuần túy. Tuy nhiên, khởi đi từ tiền đề ấy, vài triết gia đi đến kết luận rằng Thiên Chúa ở ngoài tầm của lý trí; nói khác đi, lý trí không thể biết gì về Thiên Chúa. Một hệ luận là  lý trí không thể chứng minh sự hiện hữu của Thiên Chúa. Từ chủ trương lý trí không thể chứng minh sự hiện hữu của Thiên Chúa đến chỗ phủ nhận sự hiện hữu Thiên Chúa, chỉ cần một bước ngắn.  Trên thực tế, nhiều nhà khoa học thực nghiệm đã không chấp nhận đức tin với lý do là lý trí chỉ có thể biết cái gì hữu hình, có thể quan sát được. Sự khẳng định các thực tại siêu nghiệm ra ngoài phạm vi khoa học.

– Nói đúng ra, vào thời cận đại, sự chối bỏ Thiên Chúa không chỉ dựa trên những luận cứ tri-thức-luận vừa nói, nhưng còn dựa trên một tiền đề khác, được đặt tên là “thuyết nhân bản vô thần” (humanisme athée), theo đó, nếu con người muốn tự do đích thực thì cần loại bỏ Thiên Chúa. Bao lâu con người còn tin có Thiên Chúa thì vẫn còn bị ràng buộc bởi những luật lệ do Ngài đã đặt ra. Vì thế, để được tự do thực sự, con người cần thoát ly khỏi Thiên Chúa, dám nghĩ và dám làm,  sáng tạo những đường hướng hoạt động cho chính mình. (Chúng ta sẽ trở lại vấn đề này trong bài tới)

1/ Công đồng Vaticanô I (1869-1870) đã dành hiến chế Dei Filius để bàn về đức tin công giáo, gồm bốn chương:

1) Thiên Chúa tạo thành;

2) Mạc khải;

3) Đức tin;

4) Tương quan giữa đức tin và lý trí.

Bối cảnh văn hóa của châu Aâu vào cuối thế kỷ XIX khác với thời Trung cổ. Trước đây, có thể nói được là đức tin bao trùm toàn thể đời sống xã hội, ảnh hưởng tới pháp luật, giáo dục, văn hóa. Lý trí được coi như một phương thế để đào sâu thêm sự hiểu biết về đức tin.  Thế nhưng tình hình đã thay đổi nhiều vào thời cận đại. Lý trí được tách rời khỏi đức tin. Lý trí được coi như biểu tượng của việc tự do truy tầm chân lý, tiêu chuẩn của khoa học. Xét vì không lúc nào đức tin cũng có thể hòa hợp với lý trí, cho nên đức tin bị xem như phản khoa học, và dễ bị đồng hóa với mê tín. Đó là chủ trương của phái duy lý (rationalismus). Ở một thái cực đối lập, phái duy tín (fideismus) cho rằng đức tin vượt xa lý trí; do đó không có sự hòa hợp gì giữa đức tin và lý trí.

Khi trình bày lập trường của Giáo hội về đức tin, công đồng Vaticanô I vừa muốn bảo vệ tính cách siêu việt của mạc khải và đức tin, vừa biện minh cho tính cách hợp lý của đức tin: đức tin vượt lên lý trí nhưng không phi lý! Để có thể xác định tương quan đúng đắn giữa đức tin và lý trí, công đồng thấy cần phải đánh giá đúng mức khả năng của lý trí trong việc truy tầm chân lý. Chúng ta sẽ điểm qua vài giáo huấn căn bản của công đồng được phát biểu trong chương III của hiến chế: a) bản chất đức tin; b) những động lực khả tín; c) đối tượng của đức tin; d) sự cần thiết của đức tin.

a) Bản chất của đức tin

Công đồng Vaticanô I định nghĩa đức tin như là: “một nhân đức siêu nhiên, nhờ đó cùng với ơn soi sáng và giúp đỡ của Chúa mà ta tin thật những điều Chúa đã mạc khải không phải vì lý trí tự nhiên đã nhận ra sự thật nội tại của sự vật, nhưng vì uy thế của chính Thiên Chúa mạc khải là Đấng không thể lầm lẫn cũng không thể lừa dối ai”[9].

Đàng sau câu định nghĩa này, công đồng muốn nói rằng lý trí không phải là tiêu chuẩn duy nhất của chân lý. Ngoài những chân lý mà con người có khả năng khám phá, có những chân lý khác mà con người chỉ có thể biết được nhờ Thiên Chúa mạc khải. Đối với những chân lý mạc khải, con người phải đón nhận bằng đức tin siêu nhiên. Lý trí chấp nhận các chân lý mạc khải không phải vì nhận thấy bằng chứng hiển minh nội tại của nó, nhưng dựa trên uy tín của Thiên Chúa, vì ngài là Đấng không thể sai lầm (canon 1).

Trong chương bốn, công đồng nhìn nhận rằng có hai cấp bậc tri thức: tri thức tự nhiên, gồm những chân lý mà lý trí có khả năng khám phá; thi thức siêu nhiên gồm những chân lý vượt quá khả năng của lý trí. Giữa hai cấp bậc ấy có sự hòa hợp, xét vì cả hai đều bắt nguồn bởi một Thiên Chúa, và ngài không thể nào tự mâu thuẫn.

b) Những động lực khả tín

Tuy rằng đức tin vượt quá tầm hiểu biết của lý trí, nhưng điều này không có nghĩa là tin là một hành vi mù quáng. Chống lại những khuynh hướng dựa đức tin trên nền tảng tâm tình chủ quan, công đồng khẳng định rằng tin là điều hợp lý, dựa trên những dấu hiệu hiển minh khách quan: sự kiện mạc khải, các phép lạ, các lời tiên tri (canon 3). Những dấu hiệu này không chứng minh nội dung của tín điều, nhưng bảo đảm rằng chúng do Chúa truyền dạy và đáng tin cậy. Dù sao, công đồng nhìn nhận rằng cả ánh sáng bên trong (nhờ ơn Chúa) lẫn dấu hiệu bên ngoài đều cần thiết để con người chấp nhận chân lý mạc khải. Nhưng đó là nói cách tổng quát mà thôi, bởi vì đối với một vài người, thì có lẽ những dấu hiệu bên ngoài không cần thiết.

Chính điều này tạo ra đặc tính “tự do” của đức tin. Đức tin là một hành vi của ý chí tự do, không những theo nghĩa là con người không bị cưỡng bách từ một tác nhân bên ngoài, nhưng còn theo nghĩa là con người tự ý chấp nhận tin nhờ ơn thánh cũng như do lòng yêu mến Chúa, chứ không do sự hiển minh nội tại của chân lý (canon 5).

c) Đối tượng của đức tin

Phải tin những điều gì? Câu trả lời thật đơn giản bởi vì đã được nói đến trong định nghĩa về đức tin: phải tin tất cả những điều Chúa đã mạc khải.

Làm sao biết được những điều Chúa mạc khải? Đến đây cần có sự can thiệp của Giáo hội. Giáo hội trình bày cho chúng ta biết những điều Chúa đã mạc khải. Chúng ta tin vào Thiên Chúa (vì thế mà gọi là đức tin “hướng Chúa” hoặc “đối thần”); Giáo hội trình bày chân lý mạc khải với những công thức đức tin (tín điều) vừa xác định nội dung vừa tạo ra một sự hợp nhất trong việc tuyên xưng.

Giáo hội xác định tín điều qua giáo huấn trang trọng (của công đồng hoàn vũ, hoặc giáo huấn “ex cathedra” của đức giáo hoàng) hoặc qua giáo huấn thông thường và phổ quát.

d) Sự cần thiết của đức tin

Đức tin cần thiết để con người được cứu rỗi (được nên công chính). Dĩ nhiên đó là hiểu về đức tin sống động nhờ đức ái (x. Gl 5,6) và kiên trì. Đức tin được nuôi dưỡng và củng cố nhờ chứng tá của toàn thể Hội thánh.

2/ Công đồng Vaticanô II

Vào thời cận đại, đức tin Công giáo gặp nhiều khó khăn, không chỉ vì những cuộc cấm cách của những chính quyền ngoại giáo, nhưng còn bởi những trào lưu triết học và khoa học muốn loại trừ tôn giáo ra khỏi xã hội. Giáo hội bị dồn vào thế phòng vệ, phải lo bảo vệ đức tin trước những sai lạc. Tuy nhiên, sang thế kỷ XX, nhiều luồng gió mới đã làm thay đổi cách trình bày thần học nói chung và đức tin nói riêng. Kể từ khi phái Tin lành chủ trương chỉ nhận Kinh thánh như nguồn mạch duy nhất của đức tin (sola Scriptura), bên Công giáo phản ứng lại bằng cách đề cao Thánh Truyền và Huấn quyền, đến độ coi nhẹ Kinh thánh. Phong trào Thánh kinh vào thế kỷ XX đã thúc đẩy thần học Công giáo cần dựa trên Sách thánh nhiều hơn. Một cách tương tự như vậy, những cuộc đối thoại đại kết đã mời gọi hãy tìm những điểm chung giữa các giáo hội, hơn là tranh luận về những dị biệt, cách riêng khuyến khích trở về thời các giáo phụ khi mà các giáo hội bên Đông và bên Tây vẫn duy trì mối dây hiệp nhất tuy tôn trọng sự đa dạng.

Nhờ vậy, những điểm nhấn mạnh một chiều dần dần được kết hợp trong một cái nhìn rộng lớn hơn. Thật vậy, trước đây, đối lại với thần học Tin lành nhấn mạnh đến khía cạnh chủ thể của đức tin (tin có nghĩa là tín thác vào Thiên Chúa), thần học Công giáo nhấn mạnh đến khía cạnh khách thể của đức tin (tin có nghĩa là chấp nhận các đạo lý mà Giáo hội đã dạy). Thế nhưng thánh Augustinô và thánh Tôma đã chẳng nói rằng đức tin gồm cả hai khía cạnh, chủ thể và khách thể (fides qua creditur và fides quae creditur) đấy ư? Một yếu tố khác cũng ảnh hưởng không nhỏ đến quan điểm về đức tin là học thuyết về nhân vị (personalisme) phát triển vào giữa thế kỷ XX: mạc khải và đức tin được nhìn trong bối cảnh của cuộc đối thoại liên bản vị[10]. Thiên Chúa nói với con người qua mạc khải, và con người đáp lại với Chúa bằng đức tin. Trước hết, tin phải là “tin ai” (tin tưởng, tin cậy, tín thác), rồi mới “tin cái gì” (điều mà người ấy nói). Tin là một cuộc gặp gỡ.

Công đồng Vaticanô II bàn về đức tin trong nhiều văn kiện[11], và đặc biệt là trong hiến chế tín lý về Mạc khải (Dei verbum), số 5–6.

Công đồng trình bày mạc khải như là một cuộc đối thoại âu yếm giữa Thiên Chúa với loài người (số 2). Cuộc đối thoại, bằng hành động và lời nói, diễn ra qua một lịch sử lâu dài, từ hồi tạo dựng, qua các tổ phụ và ngôn sứ trong Cựu ước, và đạt tới chóp đỉnh nơi Đức Kitô (số 3-4). Chúa nói trong mạc khải, con người đáp lại bằng việc tin, như được số 5 diễn tả như sau:

“Phải bày tỏ sự vâng phục bằng đức tin đối với Thiên Chúa mạc khải (Rm 1,5; 2 Cr 10,5-6). Nhờ sự vâng phục đó, con người phó thác toàn thân cho Thiên Chúa một cách tự do “dâng lên Thiên Chúa mạc khải sự suy phục hoàn toàn của lý trí và ý chí” (Vaticanô I), đồng thời sẵn lòng chấp nhận mạc khải mà Ngài ban cho”.

Tin là đáp trả lời Chúa. Thái độ này được mô tả bằng nhiều động từ: vâng phục, phó thác, đón tiếp.

– Tin là “vâng phục”: đây là thuật ngữ mà thánh Phaolô sử dụng ở đầu và cuối thư gửi Rôma. Cũng tương tự trong tiếng Việt, trong nguyên gốc Hy-lạp, vâng phục hàm ý lắng nghe Lời Chúa và suy phục.

– Tin là “phó thác”: đây là cũng là một từ ngữ Thánh kinh, nói lên sự trao hiến toàn thân cho Thiên Chúa dìu dắt. Đặc biệt công đồng nêu bật hai quan năng cao quý nhất nơi con người là trí tuệ và ý chí.

– Tin là “đón nhận”. Trong chế độ mạc khải hiện hành, tin là đón nhận Đức Kitô, Lời của Thiên Chúa. Tin không phải là một tâm tình vu vơ, nhưng có một đối tượng là những điều mà Thiên Chúa đã mạc khải.

Như vậy, xét từ phía con người, tin vừa là một thái độ hiện sinh, bao hàm toàn thể nhân vị (trao phó, tín thác), vừa là một hành vi của trí tuệ, chấp nhận chân lý. Hơn thế nữa, tin còn là một tác động của Thiên Chúa. Chính Thiên Chúa lôi kéo con người lại với ngài, đưa con người vào kết hiệp với ngài. Tác động của ơn thánh được quy gán cho Thánh Linh, được mô tả qua các động từ như sau:

– Thánh Linh đánh động trái tim và hướng nó về Thiên Chúa. Trong Kinh thánh, “trái tim” ám chỉ nơi thâm sâu nhất của con người, nơi gặp gỡ Thiên Chúa và quyết định những vấn đề sinh tử (x. Rm 10,9; Ep 3,17; 1 Ga 5,20).

– Thánh Linh mở mắt tâm trí, làm cho cảm thấy ngon ngọt khi thuận nhận chân lý.

– Thánh Linh kiện toàn đức tin với những linh ân, giúp cho nó được tăng trưởng và vững mạnh.

Như vậy, tin vừa là hành động của con người vừa là tác động của Thiên Chúa. Kinh thánh nói nhiều đến sự cần thiết của ân sủng trong tiến trình đức tin. “Không ai đến được với Thầy nếu Cha Thầy không lôi kéo” (Ga 6,44-45). “Không ai có thể xưng Đức Giêsu là Kyrios nếu không do Thần khí” (1Cr 12,3). Sách Tông đồ công vụ (16,14) kể lại rằng đang khi thánh Phaolô giảng tại Philípphê, thì Chúa mở lòng cho chị Liđia để tin nhận Lời Chúa.

Bước qua số 6, công đồng Vaticanô II tái khẳng định những gì mà công đồng Vaticanô I đã tuyên bố về đối tượng của đức tin, cách riêng khi phân biệt khả năng của lý trí. Tự bản năng, lý trí có thể nhận biết Thiên Chúa như là nguồn gốc và cứu cánh của vạn vật. Nhưng lý trí không thể nào biết được  những chân lý liên quan đến đời sống nội tại của Thiên Chúa cũng như kế hoạch cứu độ. Những chân lý này được biết nhờ mạc khải siêu nhiên, và được đón nhận nhờ đức tin.

II. SÁCH GIÁO LÝ HỘI THÁNH CÔNG GIÁO

Sách GLCG nói dài về đức tin trong phần thứ nhất, như là việc đáp lại Mặc khải (số 142-175), và trong phần thứ ba như là nhân đức đối thần (số 1814-1816; 2087-2089; 2656).

Như đã nói trên đây, nếu nhìn các chỗ trưng dẫn, chúng ta sẽ thấy rằng Sách GLCG đã lấy lại những quyết định của công đồng Vaticanô I (hiến chế tín lý Dei Filius) và Vaticanô II (hiến chế tín lý Dei verbum). Vì thế sau khi đã ôn lại bối cảnh lịch sử của hai công đồng, thì chúng ta hiểu được những khía cạnh khác nhau của đức tin được Sách GLCG bàn đến.

Một sự phân biệt đầu tiên về đức tin trong thần học là khía cạnh chủ thể (fides subiectiva, fides qua creditur) và khía cạnh khách thể (fides obiectiva, fides quae creditur). Một sự phân biệt khác nữa là đức tin xét như một nhân đức đặc thù, và đức tin xét như chi phối toàn thể đời sống Kitô hữu. Vì thế chúng ta có thể chia làm ba khía cạnh: khía cạnh chủ thể, khía cạnh khách thể, khía cạnh đời sống.

A. Fides qua

1/ Nói cách tổng quát, đức tin là “việc con người đáp lại Thiên Chúa, Đấng mạc khải và hiến mình cho con người, đồng thời ban ánh sáng cho con người đang đi tìm ý nghĩa tối hậu của đời mình (số 26). Đức tin được nhìn trong bối cảnh của cuộc đối thoại: Thiên Chúa mạc khải, mời gọi; con người đáp lại lời mời gọi (số 142-143). Hành vi đáp lại này được diễn tả qua hai thái độ: vâng phục và gắn bó.

a) Vâng phục: tự nguyện quy thuận lời đã nghe, bởi vì chân lý của lời đó đã được Thiên Chúa là chính Chân lý bảo đảm (số 144).

b) Gắn bó bản thân con người với Thiên Chúa, đồng thời và không thể tách biệt, là tự nguyện chấp nhận tất cả chân lý được Thiên Chúa mạc khải (số 150). Tin là thưa Amen đối với các lời, các lời hứa và các điều răn của Thiên Chúa, và là phó thác một cách tuyệt đối cho Đấng là Amen của tình yêu vô tận và của sự trung tín trọn vẹn (số 1064, kết thúc phần thứ nhất).

2/ Những đặc điểm chính: tin vừa là ân ban của Thiên Chúa vừa là hành vi của con người.

a) Tin là một hồng ân của Thiên Chúa, là một nhân đức siêu nhiên do Thiên Chúa tuôn ban (số 153), trích dẫn Dei verbum số 5. Điều này cũng muốn lên sự khác biệt giữa “đức tin” và “tín ngưỡng”.

b) Đức tin là một hành vi nhân linh: trí tuệ và ý chí con người hợp tác với ơn thánh Chúa (số 154). Đến đây, dựa theo công đồng Vaticanô I, sách GLCG phân tích hành vi nhân linh qua hoạt động của hai quan năng là trí tuệ và ý chí, hiểu biết và yêu mến.

* Tin là một hành vi hiểu biết sáng suốt:

– (i) tuy rằng động lực khiến chúng ta tin không hiển minh đối với lý trí, nhưng tin không phải là điều phi lý, bởi vì có những dấu chỉ đáng tin (số 156);

– (ii) đức tin thì chắc chắn bởi vì dựa trên chính Lời của Thiên Chúa, Đấng không thể nói dối (số 157)

– (iii) đức tin tìm hiểu biết, muốn biết rõ hơn sâu xa hơn (số 158).

* Tin là một hành vi tự do[12], đồng thời cũng là:

– (i) một tình yêu độc hữu dành cho Thiên Chúa là Đấng Thiện hảo tuyệt đối (số 229);

– (ii) lòng gắn bó thảo hiếu (số 2609);

– (iii) hướng đến sự kết hợp huyền nhiệm (số 2709).

c) Tin mang chiều kích cánh chung

– (i) đức tin cần thiết để được cứu rỗi (số 161; x.1253-1255)[13];

– (ii) đức tin cần kiên trì và tăng trưởng, được nuôi dưỡng bằng Lời Chúa và hành động qua đức ái (số 162);

– (iii) đức tin là khởi đầu của sự sống muôn đời (số 164)

d) Đức tin vừa mang tính cá nhân (“Tôi tin”) vừa mang chiều kích Hội thánh (“Chúng tôi tin”).

Đức tin là một hành vi của Hội thánh:

– (i) từ nguồn gốc: đức tin của Hội thánh đi trước, sinh sản, nâng đỡ và nuôi dưỡng đức tin của chúng ta (số 166; 181; 1124).

– (ii) trong lúc thông truyền. Người tín hữu đón nhận đức tin từ Hội thánh, tuyên xưng đức tin trong Hội thánh, và truyền đạt lại cho tha nhân.

– (iii) Đức tin là dây liên kết: sự hợp nhất trong việc tuyên xưng đức tin (“một đức tin duy nhất: số 172-175), sự nâng đỡ hỗ tương nhờ lời nói và những gương tốt. Xc. Những mẫu gương đức tin: ông Abraham, tổ phục của những kẻ tin ( số 145-147); Đức Maria kẻ thực hành đức tin tuyệt hảo (số 148-149; 494; 506).

B. Fides quae

Tin là chấp nhận các chân lý mạc khải. Chúng ta không tin vào các công thức, nhưng tin vào những thực tại được các công thức diễn tả (số 170)[14].

Ngay từ đầu, các thánh tông đồ đã diễn tả và thông truyền đức tin qua những công thức ngắn ngủi. Hội thánh cũng sớm muốn tóm tắt những yếu tố cốt yếu của đức tin thành những bản toát lược hữu cơ, được gọi là “biểu thức đức tin” (tín biểu: số 171; 185-188). Suốt phần thứ nhất, sách GLCG giải thích nội dung đức tin Kitô giáo dựa trên kinh Tin kính với ba chương (x. số 190).

Nội dung cơ bản của đức tin là “chỉ có một Thiên Chúa là Cha, Con và Thánh Thần” (số 178; xem thêm 150-152).

C. Đức tin trong đời sống Kitô hữu

1/ Cấu trúc của sách GLCG xoay quanh bốn khía cạnh của đức tin: tuyên xưng đức tin, cử hành đức tin, sống đức tin, đức tin cầu nguyện.

2/ Vài chi tiết

a) Đức tin và các bí tích

– Các bí tích đức tin (số13; 15; 1122; 1123; 1133; 1201).

– Đức tin và phép rửa (số 1236; 1253; cf. 977; 978; 1226; 1427; 1987; 1992; 2017). Việc tuyên xưng đức tin khi lãnh phép rửa: số 189.

– Bí tích thêm sức (số 1305).

– Bí tích Thánh Thể: toát yếu và tổng luận đức tin (số 1327).

– Bí tích thống hối (số 1470; 1492).

– Bí tích xức dầu  (số 1519).

– Hôn phối (số 1558; 2225).

b) Đức tin và hành động luân lý.

– Các nhân đức đối thần là nền tảng của hành động luân lý Kitô giáo: đức tin là nguồn mạch đời sống luân lý (số 1812; 1813; 2087).

– Đức tin là đối tượng của mười điều răn (số 2086-2089).

c) Đức tin và cầu nguyện

– Chúng ta đi vào cầu nguyện qua cánh cửa đức tin (số 2656; 2711).

– Lịch sử đức tin (mạc khải) và lịch sử cầu nguyện như nhau (Abraham, Môsê…, Đức Maria).

– Kinh nguyện đức tin không chỉ hệ tại việc kêu cầu “lạy Chúa, lạy Chúa”, nhưng là chuẩn bị tâm hồn để thi hành ý Chúa (số 2611).

– Chóp đỉnh của việc cầu nguyện trùng hợp với chóp đỉnh đức tin, đó là chiêm niệm (n.2715; 2716).

Kết luận

Vài nhận xét:

1/ Sách GLCG không sử dụng những từ ngữ cổ điển của thần học kinh viện để trình bày đức tin, chẳng hạn như:

– fides qua / fides quae creditur (khía cạnh chủ thể / khách thể);

– tin như hành vi (actus) và như nhân đức (habitus, virtus)

– đức tin linh hoạt (fides operativa, formata) / đức tin chết (fides informis).

credere Deum, credere Deo, credere in Deum.

vậy, sách GLCG đa để ý đến các khía cạnh ấy.

2/ Thật vậy, Sách GLCG đã phân tích nhiều khía cạnh của đức tin: như một hồng ân Chúa ban, như một hành vi nhân lý, bao gồm toàn thể con người trong đó nổi bật là vai trò của lý trí (hiểu biết) và tình yêu. Đức tin được nhìn từ khía cạnh chủ thể cũng như khía cạnh đối thể. Một điểm mới là đức tin còn được nhìn dưới khía cạnh Hội thánh “Tôi tin – Chúng tôi tin”. Trong bối cảnh này, cần thêm những đoạn văn nói đến “cảm quan đức tin” (sensus fidei). Xc. GLCG số 91-93.99; 250; 785; 889; 904

3/ Bên cạnh bộ mặt “tĩnh” của đức tin, chúng ta không nên quên bộ mặt “động”. Xét vì đức tin là cái gì sống động cho nên có sự tiến triển. Sự tiến triển này có thể hiểu theo nhiều nghĩa:

a) Về phía cộng đoàn Hội thánh, có sự tiến triển trong việc hiểu biết các sự việc và lời nói thuộc kho tàng đức tin (số 94, trưng dẫn số 8 của hiến chế Dei verbum)

b) Về phía mỗi người tín hữu, đức tin của chúng ta có thể tăng về phía đối thể, khi chúng ta hiểu biết sâu rộng hơn các đạo lý; đồng thời đức tin có thể tăng về phía chủ thể khi chúng ta tin tưởng phó thác vào Chúa hơn. “Lạy Chúa, chúng con tin, nhưng tăng thêm đức tin cho chúng con” (Mc 9,24). Nhìn theo khoa tâm lý tôn giáo, người trưởng thành là người biết trao ban, chứ không chỉ thuần túy nhận lãnh. Một cách tương tự, sự trưởng thành có thể nhận thấy ở chỗ trở nên chứng tá và thông đạt niềm tin của mình cho tha nhân, tham gia vào sứ vụ truyền giáo của Hội thánh (tự sắc Porta fidei, số 7). Sự trưởng thành cũng có thể nhìn như là một cảm nghiệm sâu đậm về Thiên Chúa, nhờ tác động của Thánh Linh, đưa ta đến sự kết hiệp huyền nhiệm, như là nếm trước hạnh phúc mai hậu. Tuy nhiên, cũng đừng nên quên rằng hành trình huyền nhiệm cũng được thánh Gioan Thánh Giá diễn tả như là “đêm tối đức tin”. Như đã biết, đức tin là “ánh sáng” soi đường cho lý trí, nhưng nhìn dưới lăng kính của sự thanh luyện, thì ở những giai đoạn cao cấp của hành trình, đức tin trở thành đêm tối (“đêm tối đức tin”), tuy rằng đó là “đêm tối sáng rực” hoặc “ánh sáng tối hù”, những thuật ngữ tương phản gặp thấy nơi nhiều nhà huyền bí (Grêgôriô Nyssa, Điônysiô Areopagita, Nicolas Cusanô[15].

4/ Những tội trái nghịch đức tin (GLCG 2087-2089)

Các sách thần học luân lý nói đền nhiều thứ tội trái nghịch đức tin, nhưng sách GLCG chỉ liệt kê vài thứ, tựa như: “nghi ngờ” dưới hai dạng “cố tình” hay “vô tình” (số 2088), và đặc biệt là bốn tội: vô tín, lạc giáo, bội giáo, ly giáo.

– (i) Vô tín (infidelitas). Theo nguyên ngữ, in-fidelitas có nghĩa là “không trung thành” (bất trung, bất tín). Tiếc rằng trong quá khứ, từ ngữ infideles cũng được gán cho những người “ngoại đạo” cũng như “vô đạo”[16], từ đó đưa đến sự đồng hóa giữa người “vô đạo” với người “phản đạo”. Thánh Toma phân biệt hai hoàn cảnh infidelitas: tiêu cực (negativa, materialis) và tích cực (positiva, formalis). Hoàn cảnh thứ nhất (những người ngoại đạo) không phải là tội luân lý; hoàn cảnh thứ hai mới là tội, khi từ chối không tin chân lý mạc khải.

– (ii) Lạc giáo (haeresis) là ngoan cố chối bỏ một chân lý phải tin với đức tin hướng Chúa và công giáo, hoặc ngoan cố hồ nghi về chân lý ấy sau khi đã lãnh nhận bí tích rửa tội.

– (iii) Bội giáo (apostasia) là chối bỏ toàn bộ đức tin Kitô giáo.

– (iv) Ly giáo (schisma) là từ chối vâng phục Đức Giáo hoàng hoặc từ chối hiệp thông với các chi thể của Hội thánh dưới quyền ngài.

Mặt khác, mê tín (superstitio, số 2111) và cuồng tín (fanatismus) cũng có thể coi như trái nghịch với đức tin. Những thái độ này có khi bắt nguồn từ sự thiếu hiểu biết về đức tin, nhưng cũng có khi do sự lạm dụng đức tin (hoặc tín ngưỡng) vào những mục tiêu chính trị thương mại.

Sau cùng là tội vô thần, vô tôn giáo mà chúng ta sẽ bàn trong bài tới.

Để kết thúc, chúng ta cũng có thể thêm rằng: nhìn dưới một phương diện thì đức tin là một trong bảy nhân đức; dưới một phương diện khác, đức tin là “tất cả” (một cách tương tự như là “đức ái là tất cả”). Có lúc thánh Phaolô đã đồng hóa Kitô giáo với “đức tin” (1 Tm 4,1.6), và người Kitô hữu là “người tin” (2Tx 1,10).

 

————

THƯ TỊCH

1. Từ điển:

1/ O. Becker – O. Michel, “Fede” in: C. Coenen (cura), Dizionario dei concetti biblici del Nuovo Testamento, EDB Bologna, p. 619-637.

2/ J. Duplacy, “Fede” in: Xavier Leon Dufour (dir.), Dizionario di Teologia Biblica, Marietti Torino 1971, col.380-385.

3/ B. Marconcini, “Fede” in: P. Rossano (cura), Nuovo Dizionario di Teologia Biblica, Paoline Cinisello Balsamo 1988, p.536-552.

4/ G. Langevin, “Fe” in: R.Latourelle – R. Fisichella (dir.), Diccionario de Teologia Fundamental, Paulinas Madrid 1992, p.472-479.

5/ M. Seckler, “Fe”, in H. Fries (dir),  Conceptos Fundamentales de la Teología, Cristiandad, Madrid, 1967, tomo II, p.128-152

6/ M. Seckler – C. Berchtold, “Fede” in: P. Eicher (cura), Enciclopedia Teologica, Queriniana, Brescia, 1989, p.355-368.

7/ J. Alfaro, “Fede”, in: Sacramentum Mundi III, Brescia, Queriniana, 1974, 729-750.

8/ G. Bof, “Fede” in: G. Barbaglio – S. Dianich (cura), Nuovo Dizionario di Teologia, Paoline Roma 1979, p.508-531.

9/ A. De Sutter – M. Caprioli, “Fede” in: E. Ancilli (cura), Dizionario enciclopedico di spiritualità, Citta Nuova Roma 1990, 990-998.

2. Sách:

1/ J. Truetsch – J. Pfammatter, “La fe”, in Mysterium salutis. Manual de Teologia como Historia de la salvacion, Volumen I, Tomo II, Cristiandad Madrid 1969, p.877-993.

2/ H. Fries, Teologia fondamentale, Queriniana Brescia 1987.

3/ H. Waldenfels, Teologia fondamentale, Paoline Cinisello Balsamo 1988.                            


[1] Xem ĐGH Bênêđictô XVI, Tự sắc Porta fidei, số 11

[2] Chúng tôi trưng dẫn theo bản dịch của Ủy Ban Giáo lý đức tin, HĐGM Việt Nam, Nhà xuất bản tôn giáo, Hà Nội 2009.

[3] Có người đếm được trong sách GLCG, “tin” xuất hiện 767 lần, “cậy” 133 lần, “mến” 200 lần. Một tỉ lệ khác hẳn các công đồng Vaticanô II, trong đó “tin” xuất hiện 286 lần, “cậy” 64 lần, “mến” 243 lần. Tại công đồng, tin và mến xấp xỉ ngang nhau, còn trong sách GLCG, “tin” hơn “mến” gần tới bốn lần.

[4] M. Seckler – C. Berchtold, “Fede”, Enciclopedia Teologica , Brescia 1989, 359.

[5] Sermo 43, 7, 9; Epist, 120, 1, 3.

[6] “Ego vero evangelio non crederem, nisi me catholicae ecclesiae commoveret auctoritas” Contra. epistolam quam vocant fundamenti, 5,6.

[7] De Trinitate, l. XIII,2.

[8] In Io., 4, lect. 5.

[9]  “Hanc vero fidem, quae humanae salutis initium est, Ecclesia catholica profitetur virtutem esse supernaturalem, qua, Dei aspirante et adiuvante gratia, ab eo revelata vera esse credimus, non propter intrinsecam rerum veritatem naturali rationis lumine perspectam, sed propter auctoritatem ipsius Dei revelantis, qui nec falli nec fallere potest” (Constitutio Dei Filius c.3: DzSch 3008).

[10] X. Jean Mouroux, Je crois en toi. La rencontre avec le Dieu vivant, Cerf Paris 1954, 2nd éd. (1 éd. 1948)

[11] Hiến chế Gaudium et spes bàn đến hiện tượng vô thần và tục hóa trong thế giới ngày (chương I, số 19-21). Vấn đề đức tin cũng được nêu lên trong các cuộc đối thoại đại kết (Hiến chế Lumen gentium, Sắc lệnh Unitatis redintegratio) và công cuộc truyền giáo (Sắc lệnh Ad gentes), và tự do tín ngưỡng (Tuyên ngôn Dignitatis humanae)..

[12] Sự tự do của đức tin được hiểu theo hai nghĩa: nội tại và ngoại tại. Dựa theo thánh Tôma, công đồng Vaticanô I hiểu về tự do nội tại: vì lý trí không thấy sự hiển minh nội tại của mệnh đề cho nên không buộc phải chấp nhận cách tất yếu. Công đồng Vaticanô II mở rộng ra sự tự do theo nghĩa ngoại tại: không ai có thể bị cưỡng bách chấp nhận đức tin;  con người chỉ bị thu hút bởi sức mạnh của chân lý, chứ không thể bằng bạo lực.

[13]  Đức tin cần thiết để được cứu rỗi. Mệnh đề này có thể hiểu theo hai nghĩa: 1/  Theo các tác giả Tin mừng, tin là điều kiện để được cứu rỗi (xc. Mc 16,16; Ga 3,16-18; 5,24). Tuy nhiên, một câu hỏi đã sớm nảy lên: những người không có đức tin thì sao? Tình trạng này không do lỗi tại họ, nhưng chỉ vì họ chưa được nghe giảng Tin mừng. Các nhà thần học kinh viện đã tìm cách trả lời bằng cách phân biệt tình trạng đức tin ám tàng (implicita: tin rằng Thiên Chúa hiện hữu và là đấng thưởng phạt, dựa theo Dt 11,6), và tin minh nhiên (explicita). Đối với những người chưa được nghe loan báo Tin mừng, thì đức tin ám tàng cũng đủ. Sang thế kỷ XX, các cuộc tranh luận trở nên sôi nổi hơn, liên quan đến sự cứu rỗi của những người ngoài Kitô giáo. 2/  Từ thời Cải cách Tin lành, một đề tài trở thành sôi nổi, liên quan đến tiến trình trở nên công chính (iustificatio), được công đồng Trentô bàn trong Sắc lệnh về việc công chính hóa (Decretum de iustificatione, khóa VI, ngày 13/1/1547). Tiến trình này bao gồm nhiều hành vi: hoán cải, thay đổi tâm tư não trạng, chế ngự các bản năng dục vọng. Tiến trình thanh luyện này cũng cần sự can thiệp của ơn Chúa.

[14] Xem thêm “Các tín điều đức tin” ở các số 88-90; 889.

[15] Xc. Phan Tấn Thành, Đời sống tâm linh, tập IV (Chiều kích huyền bí trong các tôn giáo), trang 341.

[16] Ở đây “vô” có nghĩa là không, chứ không phải là gia nhập (đi vô).