Đức Tin Mang Lại Cho Ta Những Gì?

0
5990


Lm. Nguyễn Hữu Thy

 

Một câu hỏi mà hầu như tất cả mọi người đều tự đặt ra cho mình trước khi muốn thực hiện bất cứ một dự định nào đó, là làm điều ấy có lợi hay không và lợi nhiều hay ít? Khi bỏ công sức làm điều ấy thì tôi sẽ được gì bù lại?

Đây là một sự thắc mắc rất bình thường, rất con người và cũng rất hợp lý, một sự thắc mắc hoàn toàn chính đáng, vì mỗi hành động và mỗi việc làm của ta dù nhỏ mọn và bình thường đến đâu cũng đều phải có mục đích riêng của nó.

Chúng ta từng tự hỏi mình như thế và cũng luôn sống và hành động như thế: Tìm đạt mục đích của hành động. Chẳng hạn khi bước vào một tiệm bán thực phẩm là để mua thức ăn, khi vào tiệm buôn áo quần là để mua quần áo, khi vào tiệm cắt tóc là để làm đẹp mái tóc trên đầu, khi đi thăm bác sĩ là để khám bệnh, v.v… Trong vấn đề đức tin cũng tương tự như thế, người ta cũng tự hỏi mình, ít là lúc khởi đầu đời sống đức tin, khi tôi tin đạo hay khi tôi tin tưởng phó thác đời tôi cho Thiên Chúa thì tôi sẽ được gì? Cuộc đời tôi sẽ ra sao và tương lai gần cũng như tương lai xa hay tương lai cuối cùng của đời tôi sẽ thế nào? Hay một cách vắn tắt và tổng quát hơn: Đức tin mang lại cho ta những gì?

Sống trên đời, ít ai làm một điều gì đó mà không nhằm mang lại lợi lộc, hoặc cho bản thân hoặc cho xã hội nhân quần, hoặc là lợi lộc vật chất hoặc lợi lộc tinh thần, hoặc lợi lộc chóng qua đời nay hoặc lợi lộc siêu nhiên trường cửu.

NHẬN DIỆN NHỮNG TÁC ĐỘNG CỦA ĐỨC TIN

Bởi vậy, khi nghe có ai đó nêu lên câu hỏi tương tự, người ta không có quyền vội vàng kết án người ấy là còn mang nặng óc vụ lợi thế gian, còn tính toán ích kỷ nhỏ nhặt với cả Thiên Chúa nữa hay chỉ nghĩ đến lợi lộc cá nhân theo kiểu trần thế, v.v…, vì đức tin trước hết là một ơn nhưng không của Thiên Chúa ban cho con người, và do đó người ta cần luôn phải biết cảm tạ Chúa, chứ không được đòi hỏi kiểu thế gian. Thực ra, khi mới thoạt nghe, một sự thắc mắc như thế có thể gây cho người nghe cảm giác nhuốm đầy sắc thái „thế gian“, „vụ lợi“, „ích kỷ“, nhưng tự bản chất của nó, sự thắc mắc ấy là một điều bình thường và không có gì vô lý cả.

Bởi vì, chính các Tông Đồ xưa cũng đã nêu lên với Chúa Giêsu cùng một câu hỏi ấy: „Thưa Thầy, phần chúng con, chúng con đã từ bỏ mọi sự mà theo Thầy, chúng con sẽ được gì bù lại?“ (Mt 19,27) và Chúa Giêsu đã không hề tỏ ra ngạc nhiên hay chê trách các Tông Đồ là trần tục hay còn vụ lợi và tính toán thế này thế kia. Trái lại, Người đã rất thông cảm và hiểu rõ tâm lý các Môn Đệ của Người nên đã vui vẻ và thẳng thắn trả lời sự thắc mắc chân thành ấy của họ như một điều hoàn toàn bình thường: „Thầy bảo thật anh em: Anh em là những người đã theo Thầy, thì đến ngày sống lại, khi Con Người ngự trên tòa vinh hiển, anh em cũng sẽ được ngồi trên mười hai tòa mà xét xử mười hai chi tộc Ít-ra-en. Và phàm ai từ bỏ nhà cửa, anh chị em, cha mẹ, con cái hay ruộng đất vì danh Thầy, thì sẽ được bù đắp lại gấp trăm và còn được cuộc sống vĩnh cửu làm gia nghiệp.“ (Mt 19,28-29) Câu trả lời của Chúa còn cho chúng ta thấy được rằng Người đã hứa không hề để bất cứ ai đã từ bỏ mọi sự để theo Người phải thiệt thòi, chắc chắn Người sẽ ban thưởng cho họ gấp trăm, và Người còn ban thưởng ngay tại đời này nữa.

Điều đó cho thấy là không ít người đã quan niệm hoàn toàn sai lạc chương trình và thánh ý của Thiên Chúa khi họ cho rằng làm người Kitô hữu là luôn luôn phải hy sinh, phải từ bỏ và phải chiến thắng chính mình; tất cả những gì giúp thư giãn, giải trí hay làm cho vui nhộn đều cần phải loại bỏ ra khỏi mọi sinh hoạt của cuộc sống, vì họ cho rằng việc mua vui như thế chỉ để chiều chuộng xác thịt mà thôi. Đây quả là một sự hiểu lầm, một quan niệm sai lạc nguy hiểm. Nếu Chúa Giêsu đã đề cập tới sứ mệnh người Kitô hữu là phải biết can đảm đối mặt với sự bắt bớ, sự đau khổ và biết vác thánh giá hằng ngày của mình, chúng ta đừng quên rằng đức tin vào Thiên Chúa là nhằm mang lại cho cuộc sống của ta niềm hoan lạc và sự an bình chân chính từ tận đáy lòng, hầu chúng ta có đủ nghị lực và sự tin tưởng để vượt lên trên những bắt bớ, cấm cách và khổ giá trong cuộc sống hằng ngày của mình. Vâng, Sứ Điệp Chúa Giêsu mang đến cho nhân loại là Tin Mừng Cứu Rỗi, chứ không phải sự đau khổ và chết chóc. Đây không phải là một điều mơ ước cầu mong, nhưng là một sự khẳng định chắc chắn.

SỰ CẦN THIẾT CỦA ĐỨC TIN

Chân lý của sự khẳng định này đã được chứng minh một cách rõ ràng và cụ thể qua cuộc sống của các vị thánh nhân, những người nhờ có được đức tin Kitô giáo vững chắc và sâu xa nên đã có thể kiên cường gánh chịu mọi thứ bệnh tật nặng nề và nan y hay những cơn đau khổ triền miên trong cuộc sống. Thái độ luôn biết vui vẻ và thanh thản đón nhận mọi tình huống và hoàn cảnh vui buồn của cuộc sống với một lòng tin tưởng phó thác hoàn toàn vào sự quan phòng của thánh ý Thiên Chúa là cả một kho tàng vô cùng quý báu, vượt trên tất cả mọi sự giàu có, mọi danh vọng, tiền bạc và các thứ của cải đời này. Đây là một điều mà chúng ta có thể khám phá thấy khi đọc và tìm hiểu tiểu sử của bất cứ vị thánh nào. Các thánh là những người đã dành trọn vẹn cuộc đời mình cho đức tin vào Thiên Chúa, đến nỗi không một ai có thể lấy bất cứ vinh hoa phú quý nào của thế gian để đổi lại đức tin sắt đá ấy được. Các thánh thà chịu mọi đau khổ và cả việc hy sinh chính mạng sống mình, chứ không để mất đức tin Kitô giáo của mình. Các cuộc tử đạo anh hùng của hàng ngàn, hàng vạn Kitô hữu trên khắp thế giới trong suốt hơn hai ngàn năm lịch sử Giáo Hội mãi cho tới ngày nay, cách riêng máu hồng của trên ba trăm ngàn Kitô hữu Việt Nam, tổ tiên kiên cường và anh dũng của chúng ta, đã đổ ra vì đức tin là một minh chứng hùng hồn và cụ thể nhất.

Qua đó chúng ta đã tìm gặp được câu trả lời thoả đáng cho thắc mắc đã được đặt ra là đức tin mang lại cho ta điều gì? Tự bản chất, đức tin là cả một thành đạt to lớn của nhân vị: Đức tin trợ giúp chúng ta có đủ nghị lực để thắng vượt được những thử thách khó khăn, biết can đảm và bình tĩnh đối mặt với những đau khổ không thể tránh né được trong cuộc sống và rồi biết sáng suốt tìm cách loại bỏ hay vượt lên trên chúng để sống một cách an bình và thanh thản.

Chính đức tin Kitô giáo giúp chúng ta nhìn thấy được hình ảnh Thiên Chúa trong mọi anh chị em đồng loại của mình để hết lòng yêu thương, giúp đỡ và tôn trọng họ, kể cả những anh chị em đau ốm tật nguyền, những người mà các đồ đệ của chủ thuyết thực dụng quá khích và duy vật đánh giá là vô dụng, hay những anh chị em đồng loại đang còn được cưu mang trong dạ mẹ, tức những thai nhi vô sinh chưa được cất tiếng khóc chào đời, vì tất cả họ cũng đều được kêu mời sống cuộc sống hạnh phúc vĩnh cửu như chúng ta.

Chỉ những Kitô hữu chân chính, tức những người có đức tin vững vàng vào Thiên Chúa, mới có thể nhận chân được nhân vị và phẩm giá con người một cách đúng đắn. Cùng với Giáo Hội, họ cương quyết phản đối và tẩy chay tất cả những hành động làm thương tổn đến phẩm giá hay sinh mạng đồng loại, như việc phá thai, tội ác sát hại các thai nhi vô sinh cũng như hành động trợ tử, tức việc giúp cho các bệnh nhân chết nhanh và chết nhẹ nhàng, v.v… Vì đức tin dạy cho họ biết xác tín được một cách chắc chắn rằng sự sống và sự chết của con người hoàn toàn thuộc về một mình Thiên Chúa Tạo Hóa mà thôi; ngoài Thiên Chúa ra, không có bất cứ ai khác có quyền quyết định trên sự sống và sự chết của người khác. Trong khi đó, những người vô thần hay những người sống xa rời đức tin thì chỉ biết tìm kiếm vinh quang và lợi lộc vật chất như mục đích tối hậu của cuộc sống, chứ không hề quan tâm tới hay biết tôn trọng nhân phẩm con người. Đó chính là mối đe dọa nguy hiểm cho cả xã hội nhân loại nói chung và mạng sống mỗi cá nhân nói riêng, vì một khi danh dự và quyền lợi vật chất của những người ấy bị đe dọa, thì họ sẵn sàng thực hiện bất cứ hành động nào, miễn sao bảo vệ được quyền lợi của họ, kể cả những thủ đoạn vô nhân đạo như tội ác sát hại đồng loại của mình, những người đang sống và những thai nhi vô sinh.

HOA QUẢ CỤ THỂ CỦA ĐỨC TIN

Dưới ánh sáng đức tin, phẩm giá cao quý và bất khả xâm phạm của con người mới được nhận chân và được tôn trọng một cách đúng đắn và đầy đủ. Một khi nền tảng tôn giáo, tức nền tảng đức tin bị sa sút và bị lung lay, thì mọi trật tự và nền luân lý đạo đức của xã hội tất nhiên sẽ bị xáo trộn và chao đảo tận gốc. Dĩ nhiên, trên thực tế ít ai muốn hay biết nhìn nhận được sự tương quan trọng yếu ấy. Bình thường người ta luôn lấy kinh tế làm chuẩn mực hay làm yếu tố chính trong việc đánh giá các biến chuyển của xã hội. Chẳng hạn, ở đâu nền kinh tế phát triển thì cuộc sống xã hội an bình hạnh phúc, còn ở đâu nền kinh tế xuống dốc hay sa sút, thì cuộc sống xã hội sẽ mất thăng bằng, sẽ nảy sinh ra đói nghèo và từ đó lại nảy sinh ra các tệ đoan xã hội khác.

Nhận định như thế là không sai, nhưng chưa đầy đủ. Tình hình kinh tế đóng một vai trò quan trọng trong việc ổn định hay gây ra bất an trong xã hội, nhưng một mình yếu tố kinh tế mà thôi thì chưa đủ, yếu tố tôn giáo, yếu tố của sự xác tín tâm linh, tức yếu tố đức tin tôn giáo cũng đóng một vai trò vô cùng cần thiết mang tính cách quyết định trong vấn đề an sinh xã hội. Bởi vì, nếu những con người sống trong một xã hội mà thiếu đi sự xác tín tôn giáo, thiếu đi điểm tựa tâm linh; hay nói đúng hơn, thiếu đi sự soi sáng và hướng dẫn của đức tin, thì dù xã hội ấy đang được hưởng một nền kinh tế phồn thịnh, cũng vẫn rất khó lòng tránh được những tệ đoan và những tội phạm, nếu không muốn nói là các tệ đoan xã hội càng gia tăng hơn.

Đó là điều đã được chứng minh rõ rệt trong thực tế và từng được các nhà lãnh đạo cộng sản cao nhất của Việt Nam nhìn nhận: Ở đâu có đa số người Công Giáo nói chung và đa số người Công Giáo đạo đức nói riêng sinh sống, thì ở đó an sinh xã hội được bảo đảm, ít tệ đoan xã hội xảy ra. Trái lại, ở đâu tuy tình hình kinh tế phát triển tốt, nhưng đời sống tinh thần và nhất là đời sống tâm linh tôn giáo bị băng hoại hay bị sa sút, thì sẽ xảy ra đủ mọi thứ tệ đoan xã hội, kể cả các tội ác. Nếu những kẻ tự vỗ ngực cho mình là vô tôn giáo hay vô thần và trên thực tế họ cũng sống như thế, thì đó là những kẻ vô phúc và bất hạnh nhất, dù cho họ thành công trong cuộc sống, dù cho họ nhiều tiền lắm bạc hay được nổi danh trong lãnh vực này trong lãnh vực nọ. Bởi vì, những kẻ vô thần „chính hiệu“ ấy sẽ hoàn toàn không bao giờ tìm gặp được ý nghĩa đích thực của đời mình, và tận trong đáy lòng sâu thẳm, họ luôn cảm thấy nghèo nàn và trống rỗng, một sự trống rỗng mà các của cải và danh vọng trần thế dư dật của họ không thể lấp đầy được.

Trong khi đó, những người biết đặt niềm tin tưởng phó thác tuyệt đối vào Thiên Chúa thì được lời lãi gấp trăm ở đời này và còn „có được đời sống vĩnh cửu làm gia nghiệp“ như Chúa đã khẳng định với Tông đồ Phêrô mà chúng ta vừa trích dẫn ở phần trên. Ở điểm này, Blaise Pascal, nhà triết học và toán học thời danh người Pháp, đã phát biểu rất chí lý, đáng cho ta phải suy nghĩ: “Một điều quan trọng mang tính cách quyết định cho cả cuộc đời con người là phải nhận thức được điều này là linh hồn mình bất tử hay không bất tử.“(*)

Nếu con người đã xác tín được rằng linh hồn mình bất tử, thì đồng thời con người cũng cần phải nhìn nhận được chân lý khách quan này nữa là cuộc sống thể xác đời này chỉ tạm bợ và một ngày nào đó sẽ vĩnh viễn qua đi để bước vào cuộc sống mới, cuộc sống trường cửu. Nếu thế, tất cả mọi của cải và danh vọng cao quý nhất thuộc cuộc sống đời này hoàn toàn chỉ là phương tiện để con người sử dụng bao lâu còn sống trên cõi đời này mà thôi, còn khi xuôi hai tay hai chân nằm xuống, thì dù có muốn hay không, con người cũng phải bỏ lại tất cả, chứ không thể mang theo được bất cứ điều gì, kể cả những điều thân thương gần gũi nhất của mình, và phải ra đi với hai bàn tay trắng. Điều đó muốn nói rằng con người cần phải biết thiết kế cuộc sống đời này của mình một cách hợp lý, hầu sau cuộc sống tạm bợ này con người sẽ không bị thua thiệt và mất mát, nhưng là được hạnh phúc chân thật. Để thực hiện được mục đích quan trọng tối hậu ấy, chính đức tin Kitô giáo là sao mai sáng chói hướng dẫn từng bước đường của con người đang tiến về cuộc sống vĩnh cửu.

Nhờ đức tin vào Đức Kitô soi sáng, con người luôn biết nỗ lực và cố gắng yêu chuộng và tìm kiếm những giá trị tồn tại trường cửu hơn những giá trị tạm thời và sẽ phai mờ theo thời gian. Nói cách khác, dưới ánh sáng đức tin Kitô giáo, con người biết khôn ngoan sáng suốt yêu chuộng và tìm kiếm các giá trị siêu nhiên muôn đời bền vững, chứ không chạy theo những giá trị vật chất chóng qua đời này. Đức tin Kitô giáo luôn nhằm đạt tới mục đích, chứ không phải chiếm hữu phương tiện, nhằm thỏa mãn được khát vọng tìm kiếm sự chân thật vĩnh cửu, chứ không phải dừng lại nơi những an ủi tạm bợ chóng qua. Chính thánh Phaolô đã cảnh báo các tín hữu Giáo Đoàn Cô-rin-thô xưa: „Nếu chúng ta đặt hy vọng vào Đức Kitô chỉ vì đời này mà thôi, thì chúng ta là những kẻ đáng thương hơn hết mọi người“ (1Cr 15,19). Đối mặt với sự giới hạn ngắn ngủi của cuộc sống đời này, với sự chóng qua của các giá trị trần thế, đức tin Kitô giáo mang đến cho ta một niềm hy vọng vượt lên trên mọi biên giới của cuộc sống và sự chết, và niềm hy vọng ấy soi sáng, hướng dẫn và đỡ nâng ta ngay trong cuộc sống chóng qua đời này, để ta tìm đạt tới được tương lai bất diệt của đời mình trong cuộc sống vĩnh cửu.

Bởi vậy, khi con người đánh mất niềm tin vào tương lai đầy hy vọng ấy là con người đánh mất luôn định hướng đời mình, trở nên trống rỗng, vô vọng và sẽ bị tinh thần thế tục lôi cuốn và thôi thúc chạy theo tìm kiếm những hưởng thụ các thú vui chóng qua đời này, để rồi sau cùng chỉ còn trơ trọi hai bàn tay trắng, mọi sự đều đã tuột khỏi tầm tay từ bao giờ. Đây là tình trạng bất hạnh mà thánh Phaolô đã mỉa mai viết. „Nếu kẻ chết không trỗi dậy, thì chúng ta cứ ăn cứ uống đi, vì ngày mai chúng ta sẽ chết hết.“ (1Cr 15,32b).

Đức tin Kitô giáo không chỉ hệ ở chỗ chu toàn các giới răn và các luật lệ như một số người nghĩ tưởng, nhưng còn mang lại sự an bình, sự thanh thản và niềm hoan lạc nội tâm khôn sánh qua sự tin tưởng và phó thác tuyệt đối vào tình yêu vô biên của Thiên Chúa. Đây là sự thật mà các Kitô hữu chân chính luôn được nếm thử và trải nghiệm trong chính cuộc sống hằng ngày của họ. Nếu một ai đó còn chút nghi ngờ về sự thật ấy, hãy mở đọc tiểu sử của bất cứ vị thánh nào của Giáo Hội, chắc chắn họ sẽ cảm nhận được điều đó một cách rõ ràng, vì ở đó hạnh tích và đời sống các thánh thường được trình bày một cách trung thực và đáng tin tưởng. Khi được hỏi: trong năm đức tin, người tín hữu Công Giáo cần phài làm gì? Một vị Giám Mục người Mỹ đã trả lời: Một trong các điều cần phải làm, là cầm đọc tiểu sử một vị thánh của Giáo Hội. Dĩ nhiên, trong những trình bày về đời sống các thánh, thì bên cạnh những trình bày nghiêm chỉnh và phù hợp với sự thật, còn có những trình bày mang tính cách huyền thoại bao gồm những câu chuyện giả tưởng, cốt thêu dệt cho cuộc đời các thánh thêm hấp dẫn hơn, nhưng lại không đúng sự thật. Đó là điều nguy hiểm, xúc phạm đến sự thật và như thế xúc phạm đến các thánh, chúng ta cần phải tỉnh táo để phân biệt và loại bỏ.

KẾT LUẬN

Nói tóm lại, trước thắc mắc „đức tin mang lại cho ta những gì?“ Chúng ta có thể trả lời một cách bộc phát và đơn giản rằng đức tin mang lại cho con người hơi thở của cuộc sống tinh thần. Cũng như cuộc sống thể xác nếu thiếu hơi thở thì sẽ chết, cuộc sống tinh thần cũng vậy, nếu thiếu đức tin thì sẽ trở nên nghèo nàn, èo ọt, khô cằn và thiếu sức sống. Những giá trị cao quý mà đức tin mang lại cho con người thì vô giá, không thể lấy tiền bạc của cải đời này để so sánh hay đổi chác được.

Đức tin mang đến cho con người tình yêu thương và sự trung tín đích thực, sự bình an và niềm hoan lạc nội tâm bền vững, sự thỏa mãn và sức mạnh tinh thần chân chính. Đó là những giá trị tinh thần quý báu mà mỗi Kitô hữu sống trung thành với đức tin của mình đều có thể chứng nhận được. Một người không có đức tin hay đã tự đánh mất đi đức tin ấy, thì sẽ không bao giờ có thể cảm nghiệm được những giá trị cao quý bất khả nhượng ấy. Và còn hơn hế nữa, người ấy sẽ thiếu đi những định hướng chủ yếu và cần thiết của cuộc sống, và sẽ tựa như một người đang phải đứng chơi vơi giữa ngã ba đường và không biết phải chọn lối nào, phải đi về đâu.

Vâng, đức tin mang lại cho các tín hữu vô vàn ân sủng thiêng liêng và các lợi ích tinh thần khôn sánh. Khi nhìn lại những trải nghiệm đầy đen tối và đau buồn của những ngày tháng trong quãng đời đã qua, các Kitô hữu cao niên từng trải thường chân thành tâm sự: “Những lúc cực kỳ gian nan ấy mà giá thử không có đức tin, thì tôi đã không thể đứng vững và tồn tại cho đến ngày hôm nay được”.

Tuy nhiên, đức tin Kitô giáo mang lại rất nhiều giá trị và lợi ích khôn sánh như thế chỉ cho những ai trung thành sống và thực hành đức tin ấy trong cuộc sống hằng ngày của mình mà thôi, vì một đức tin không có việc làm, tức một đức tin không được cụ thể hóa ra bên ngoài bằng những hành động tốt hay việc thiện thực tiễn, thì đó chỉ là một đức tin thuần lý thuyết, một đức tin chết mà thôi (x. Gc 2,26).

Để kết thúc những dòng này, tôi xin mượn phép kể lại cho quý bạn đọc nghe một câu chuyện rất đáng ngẫm nghĩ. Số là một ngày kia có một vị khách du lịch từ Âu châu đến thăm chân phước Mẹ Têrêxa ở Calcutta/Ấn Độ. Hằng ngày ông trông thấy Mẹ Têrêxa không chút mệt mỏi rảo khắp các hang cùng ngõ hẻm, đi vào các khu nhà ổ chuột nghèo nàn và dơ bẩn của thành phố Calcutta để thu nhặt các người đang hấp hối trong một tình cảnh vô cùng thương tâm và khốn cùng, và đưa về nhà để giúp cho họ có được một cái chết xứng đáng với nhân phẩm, vị khách kia đã nói với Mẹ Têrêxa: „Nếu có ai đó hứa cho tôi một triệu đô-la để thuê làm những công việc Mẹ làm, chắc tôi không thể nào làm được.“ Nghe thế, Mẹ Têrêxa đã không cần phải đắn đo suy nghĩ lâu, nhưng đã trả lời vị khách ngay lập tức: Tôi cũng vậy”.

Câu trả lời vắn tắt của Mẹ Têrêxa chỉ có ba từ, nhưng lại thâm thúy, bao hàm đầy đủ tất cả. Qua câu trả lời „Tôi cũng vậy“, Mẹ Têrêxa muốn nói cho vị khách kia biết rằng nếu chỉ vì một số tiền khổng lồ như thế, một triệu đô-la, chứ không phải vì đức tin vào Đức Kitô, thì chắc chắn Mẹ đã không đủ can đảm và nghị lực để làm được công việc dơ dáy và cực kỳ nguy hiểm cho sức khỏe cũng như cho cả tính mạng như thế được. Đức tin Kitô giáo dạy cho Mẹ biết rằng Thiên Chúa yêu thương Mẹ vô cùng, như thể Mẹ là đứa con cưng duy nhất của Người, và Người cũng muốn Mẹ phải biết đem san sẻ tình yêu thương ấy cho những người anh chị em đồng loại khác nữa, nhất là những anh chị em đang đau khổ và bất hạnh.

Chỉ đức tin Kitô giáo mới là động lực chính và là nguồn sức mạnh bất tận đã giúp Mẹ Têrêxa có đủ can đảm và nghị lực để đi tìm kiếm những anh chị em đồng loại bất hạnh và khốn cùng ấy, và đón rước họ về nhà mình để tạo cho họ có điều kiện chết một cách xứng với nhân phẩm mà Thiên Chúa đã ban cho họ. Vì chính đức tin đã dạy cho Mẹ biết rằng, tất cả mọi người, kể cả những người nghèo đói, đau ốm bệnh tật, đều là con cái đầy yêu thương của một Cha Trên Trời và đã được cứu chuộc bằng giá máu của Con Một Người, và như thế tất cả họ đều là những người anh chị em của Mẹ.

Quả thật, đức tin vô cùng cao quý siêu phàm, người ta không thể lấy tiền bạc và của cải trần gian này để so sánh hay đổi chác được. Một người có được đức tin Kitô giáo sâu xa và kiên cường cũng tựa như một người đang chiếm hữu được một viên ngọc vô cùng quý giá hay như một thửa ruộng đang chất chứa dưới lòng đất của mình một kho báu vậy, mà ai khám phá ra được cũng sẽ đi bán hết gia tài nhà mình để tậu cho bằng được thửa ruộng ấy (x. Mt 13,44-46).

________________

• http://www.amazon.de/Gedanken-Meisterwerke-Philosophie-Blaise-Pascal/dp/3866471521.