Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội – Lịch sử và thần học của một tín điều

0
5662

Phan Tấn Thành

Nội dung

Dẫn nhập

Ý nghĩa từ ngữ: Immaculata conceptio

I. Auditus fidei

Lịch sử sự tiến triển đạo lý. Bốn chặng:

A) Fides implicita: cho đến công đồng Ephêsô

B) Bước thứ nhất tiến đến fides explicita: từ Ephêsô đến thế kỷ XI

C) Giai đoạn tranh luận thần học bên Tây phương: từ thế kỷ XI đến XIV

D) Giai đoạn fides explicita: từ thế kỷ XV đến khi tuyên bố tín điều (8-12-1854)

II. Cogitatio fidei

A) Nội dung tín điều: Ineffabilis Deus

B) Nền tảng Kinh thánh

III. Praxis fidei

A) Lịch sử Giáo hội

B) Đời sống Kitô hữu

————

Dẫn nhập

Sau vài nhận xét về từ ngữ, bài này được chia làm ba phần, theo mô hình auditus fidei – cogitatio fidei – praxis fidei. Trong phần thứ nhất, chúng ta theo dõi sự tiến triển tín điều (trong đó có cuộc tranh luận của các nhà thần học kinh viện). Trong phần thứ hai, chúng tìm hiểu ý nghĩa của tín điều. Sau cùng, chúng ta sẽ rút ra những hệ luận cho đời sống đức tin: thực vậy, tín điều này không chỉ liên quan đến bản thân Đức Mẹ, nhưng có ảnh hưởng đến mỗi người chúng ta.

Trước hết, nên ghi nhận vấn đề từ ngữ. Cần sử dụng từ ngữ chính xác, bởi vì trong quá khứ cũng như trong hiện tại, nhiều hiểu lầm đã xảy ra bởi vì mỗi người hiểu vấn đề một cách khác nhau (Ông nói gà, bà nói vịt). Danh xưng cổ truyền cho tín điều và lễ trọng này là “Đức Mẹ vô nhiễm nguyên tội” hoặc “Đức Bà chẳng hề mắc tội tổ tông truyền”. Tựa đề xem ra nôm na và dài dòng, cho nên người ta gọi ngắn gọn là “Đức Mẹ vô nhiễm”. Nhưng, hãy cẩn thận kẻo lạc đạo, bởi vì “vô nhiễm” là không nhiễm; không nhiễm cái gì (nhiễm trùng, nhiễm độc) hay là không bị ô nhiễm? Có hội dòng mang tên là “Trinh vương” và hôm nay mừng lễ bổn mạng. Trinh vương tự nó là “Nữ vương đồng trinh”, và thật là gượng gạo khi ghép với đề tài đang bàn, như ta thấy lời mở đầu của bài hát quen thuộc: “Cung chúc Trinh vương không hề nhiễm tội truyền”. Thực ra trong tiếng Tây cũng dễ có sự lầm lẫn giữa hai thuật ngữ “immaculata conceptio” và “conceptio virginalis”. Conceptio là mang thai, nhưng ai là chủ thể ?[1] Đức Maria mang thai Chúa Giêsu (tạm dịch là “Đức Maria thụ thai”), hay là Đức Maria được mang thai bởi thánh Anna (tạm dịch là “Thụ thai Đức Maria”)? Do đó, cần phân biệt: conceptio virginalis được áp dụng cho chủ thể là Mẹ Maria khi mang thai Chúa Giêsu; còn immaculata conceptio được áp dụng cho bà thánh Anna mang thai đức Maria. Lát nữa chúng ta sẽ thấy một sự phân biệt nữa trong việc thụ thai Đức Maria, đó là nhìn từ phía bà Anna (activa) hay là từ phía đức Maria (passiva).

I. Phần thứ nhất: Auditus fidei

Chúng ta bắt đầu với việc tìm hiểu lịch sử tín điều. Việc nghiên cứu này rất là thú vị bởi vì đụng đến nhiều vấn đề thần học nền tảng. Tín điều là một chân lý do Chúa mặc khải và được Huấn quyền tuyên bố. Thế nhưng tại sao phải chờ đến hơn 19 thế kỷ Giáo hội mới nhận ra chân lý này? Và việc nhìn nhận chân lý không êm ả, bởi vì đã gây ra rất nhiều cuộc tranh luận? Phải chăng những ai đã phủ nhận chân lý ấy đều đáng bị kết án lạc giáo? Chắc chắn là không ai dám khẳng định như vậy, bởi vì trong số những người phủ nhận có những vị đại tiến sĩ Giáo hội rất có lòng yêu mến Đức Mẹ, tựa như: Augustinô, Anselmô, Bênađô, Tôma Aquinô. Tốt hơn là hãy tìm hiểu các vấn nạn mà họ đưa ra.

Mỗi khi trình bày lịch sử một tín điều, thần học thường khởi đi từ Thánh Kinh rồi đến Thánh Truyền. Thánh Kinh là khởi điểm của tín điều; phụng vụ (thuộc thánh truyền) là một hình thức bổ túc cho Thánh Kinh. Nhưng trong vấn đề đang bàn, thứ tự lật ngược hoàn toàn. Tín điều là một điểm đến của một tiến trình khởi đi từ phụng vụ; rồi sau đó người ta mới lục lọi Thánh Kinh để kiểm chứng phụng vụ. Thử hỏi: phụng vụ bắt đầu từ đâu? Thưa bắt đầu từ sensus fidelium cảm thức đức tin của Dân Thiên Chúa. Đến đây chúng ta bước vào cuộc hành trình, chia làm bốn chặng[2]: 1/ Đức tin ám tàng (fides implicita) bên Đông phương cho đến công đồng Ephêsô. 2/ Manh nha đức tin minh nhiên: từ Ephêsô đến thế kỷ XI. 3/ Giai đoạn tranh luận (bên Tây phương) từ thế kỷ XI đến XIV. 4/ Tiến tới đức tin minh nhiên (fides explicita) từ thế kỷ XIV đến XIX.

Dĩ nhiên, trong một bài thuyết trình, chúng tôi chỉ có thể gợi lên vài mốc điểm, để nếu ai muốn đào sâu có thể tìm trong những sách chuyên môn.

A) Giai đoạn mở đầu: cho đến công đồng Ephêsô (năm 431)

Trong Tân ước không có chỗ nào nói đến Đức Maria vô nhiễm nguyên tội. (Cũng nên thêm rằng trong những thế kỷ đầu tiên, đạo lý về tội nguyên tổ cũng chưa phát triển). Tuy vậy, ta có thể ghi nhận vài mầm giống sẽ đưa đến sự tiến triển đạo lý sau này, tóm lại vào ba yếu tố sau đây.

1/ Từ thế kỷ II, hai giáo phụ Giustinô và Irêneô nói đến sự liên kết chặt chẽ của Đức Maria với Chúa Cứu thế trong cuộc chiến đấu chống lại ma quỷ. Ý tưởng này được diễn tả qua sự so sánh giữa bà Eva với bà Maria. Bà Maria được mô tả như là bà Eva mới sát cánh với ông Đức Kitô là Adam mới. Tự nó, ý tưởng chưa đả động đến sự vô nhiễm nguyên tội, nhưng chỉ gợi ý rằng bà Eva thì mắc tội còn bà Maria thì không mắc tội[3]; bà Eva đưa nhân loại vào vòng tội lỗi, bà Maria giải thoát nhân loại khỏi vòng tội lỗi.

2/ Từ thế kỷ IV, các giáo phụ thêm tư tưởng “Đức Maria toàn thánh” khi chú giải lời chào của sứ thần (“Đầy ở phúc”). Thánh Ephrem ca ngợi Đức Maria tinh tuyền thánh thiện, không có vết tích tội lỗi[4].

3/ Một sự khó khăn mà Giáo hội Tây phương gặp phải vào thời này là cuộc tranh luận giữa thánh Augustinô với nhóm Pelagio. Điểm then chốt của cuộc tranh luận là sự cần thiết của ân sủng để được cứu độ. Một luận cứ mà thánh Augustinô viện dẫn là tội nguyên tổ, khiến cho con người phải xa cách Thiên Chúa. Tất cả mọi người đều cần đến ơn cứu độ bởi vì tất cả đều mắc tội nguyên tổ. Đến đây, Giulianô giám mục Eclanô vặn lại: thế còn Đức Maria thì sao? Thánh Augustinô cảm thấy lúng túng. Và để bảo vệ đạo lý về sự cần thiết ơn cứu độ, xem ra thánh nhân chịu để cho Đức Mẹ cũng chia sẻ thân phận chung của mọi người[5]. Uy tín của Augustinô sẽ đè nặng trên các nhà thần học Trung cổ. Nên biết là chính vào thời này mà đạo lý về tội tổ tông truyền được thành hình bên Tây phương. Làm thế nào mà tội của ông Adam truyền lại cho con cháu? Thưa do sự sinh sản. Từ đó ta có thể kết luận là sự sinh sản là căn cớ tội lỗi. Chúa Giêsu không mắc tội bởi vì Người được cưu mang bởi mẹ đồng trinh (sự thụ thai không bị ảnh hưởng bởi “concupiscentia”, thường dịch là “dục vọng”)[6].

B) Bước thứ nhất đến fides explicita: từ Ephesô đến thế kỷ XI

Chặng thứ nhất có thể xem như tiền đề dẫn đến sự phát biểu đức tin về Đức Mẹ vô nhiễm nguyên tội ở chặng thứ hai. Hai nhân tố góp phần vào sự tiến triển: 1/ tư tưởng thần học; 2/ lễ phụng vụ.

1/ Tư tưởng thần học. Tác giả đầu tiên sử dụng thuật ngữ “tinh tuyền vô nhiễm” là Theoteknos, giám mục Livias (tk VI hoặc VII) bên Đông phương[7]. Vào thế kỷ VIII, thánh Anrê giám mục Crêta ca ngợi Đức Maria là thụ tạo được hưởng đặc ân thánh thiện như ông Adam trước khi phạm tội. Cũng vào thời này, thánh Germanus giám mục Constantinopolis chào kính Đức Maria là “Immaculatissima”, nhưng không rõ là hiểu về sự thanh sạch khỏi tội cá nhân hay khỏi cả tội nguyên tổ nữa[8]. Bên Tây phương, sang thế kỷ IX ta gặp thấy một chứng tích nơi Pascasius Radbertus[9]. Theo ông, để Đức Kitô không mắc tội nguyên tổ thì không những Người phải được thân mẫu thụ thai trinh khiết (không bởi dục vọng) mà còn do thân mẫu không mắc tội nguyên tổ. Tuy nhiên không rõ là ông muốn Đức Mẹ được khỏi tội tổ tông từ trong bụng mẹ (nghĩa là được thánh hóa trong lòng thánh Anna) hay từ giây phút hiện hữu.

2/ Lễ phụng vụ. Từ hậu bán thế kỷ VI, bắt đầu có lễ kính bà Anna mang thai (De Conceptione beatae Mariae), và trở thành phổ thông vào cuối thế kỷ VII. Nguồn gốc của lễ này là trình thuật của Phúc âm ngụy thư (tục gọi là tiền Phúc âm thánh Giacobê, hoặc Sách về sự ra đời của Đức Maria) về việc bà Anna hiếm hoi đã được thụ thai cách lạ lùng[10]. Tuy nhiên, dần dần trọng tâm của buổi lễ được chuyển từ bà mẹ (conceptio activa) sang người con mà bà cưu mang (conceptio passiva): Thiên Chúa đã chuẩn bị cung điện cho Ngôi Lời nhập thể qua việc đầu thai của đức Maria.

Từ Đông phương, lễ này được truyền sang Tây phương trong hai thế kỷ IX và X, nhưng không hiểu vì sao lại qua con đường từ phía Bắc (Ai-len, Anh, thế kỷ IX và X) rồi xuống miền Nam (Pháp, Bỉ, Đức, Tây ban nha vào thế kỷ XII). Thế nhưng lễ này đã gây ra những vấn nạn thần học, đưa tới các cuộc tranh luận vào giai đoạn ba.

C) Giai đoạn tranh luận thần học bên Tây phương: từ thế kỷ XI đến XIV

Trước hết nên ghi nhận là các cuộc tranh luận này xảy ra bên Tây phương (chứ không bên Đông phương). Chúng ta sẽ bàn đến ba điểm: 1/ Nguyên nhân; 2/ Những ý kiến chống; 3/ Những ý kiến thuận.

1/ Nguyên nhân. Để nắm bắt phần nào then chốt của những cuộc tranh luận, trước tiên cần phải hiểu rõ lý do của nó, vừa thuộc lãnh vực thần học vừa tùy thuộc vào quan niệm sinh học.

a) Nguyên nhân chính của cuộc tranh luận nằm ở quan niệm về sự truyền thụ tội nguyên tổ (thánh Augustinô). Tội nguyên tổ được truyền lại do sự sinh sản tự nhiên (tinh trùng) và do sự liên kết với dục vọng (concupiscentia) kèm theo việc giao hợp vợ chồng. (Nên biết là tư tưởng này đã gây ảnh hưởng tiêu cực đến sự giao hợp vợ chồng, làm hạ giá sự thánh thiện của hôn nhân[11]).

b) Bên cạnh đó, người ta còn tranh luận về thời gian bào thai nhận lãnh linh hồn. Ý kiến chung thời đó là trước tiên, phôi thai chỉ một “chất nhờn” gì đó, rồi sau một thời gian (có khi mấy tháng), linh hồn mới được phú bẩm. Linh hồn bị ô uế khi chạm đến “chất nhờn” nói trên[12].

c) Ơn cứu chuộc phổ quát. Nếu Đức Maria không mắc tội tổ tông truyền, thì Người không cần đến Chúa Kitô cứu chuộc.

2/ Khuynh hướng chống đối

Chúng ta xếp các ý kiến nghịch vào một nhóm, và các ý kiến thuận vào một nhóm để dễ phân tích, chứ không theo diễn tiến của những cuộc tranh luận trải dài nhiều thế kỷ. Trước hết, chúng ta xét đến vấn nạn.

a) Thánh Anselmô nhận thấy đạo lý về vô nhiễm nguyên tội khó dung hợp với ơn cứu chuộc phổ quát của Đức Kitô. Tuy nhiên, Anselmô đã góp phần vào tiến triển đạo lý ở chỗ đề cao sự thánh thiện của Đức Maria vượt trên mọi loài thụ tạo; Người được Thiên Chúa thánh hóa vì thấy trước công trạng của Chúa Kitô. Thánh Bênađô và Phero Lombardo không chấp nhận Đức Maria vô nhiễm vì quan niệm tiêu cực về sự thụ thai (“do dục vọng”, dựa theo quan điểm của Augustinô). Thánh Alberto Cả cũng cùng lập trường, nhưng cho rằng ơn thánh hóa được ban cho Đức Maria ít lâu sau khi linh hồn được phú ban.

b) Đối với Alexander de Hales và thánh Tôma Aquino, vấn nạn chính là sự khó dung hợp giữa sự vô nhiễm nguyên tội với ơn cứu chuộc phổ quát của Chúa Kitô[13]. Trong sách Summa, thánh Toma nhắc lại đạo lý của các nhà thần học đương thời, nhưng thêm rằng: tuy Đức Maria mắc tội tổ tông khi được thụ thai, nhưng Người được thanh luyện khỏi tội trước khi ra khỏi lòng mẹ (Tương tự như truyền thống vốn nghĩ về thánh Gioan Tẩy giả). Uy tín của thánh Toma đã trở nên nguồn gốc của các cuộc tranh luận kéo dài giữa các nhà thần học[14]. Thánh Bonaventura đã trình bày lý lẽ của những người bênh vực và của những người chống đối, và kết luận rằng ý kiến nghịch thì hợp lý hơn.

3/ Những ý kiến bênh vực

Chúng ta có thể kể đến Eadmerus và nhất là Joannes Duns Scotus.

a) Đan sĩ Eadmerus (k.1060-k.1126), một đồ đệ của thánh Anselmo ở Canterbury, trong tác phẩm De conceptione Sanctae Mariae, đã giúp cho sự tiến triển của đạo lý, một đàng nhờ sự phân biệt hai khía cạnh của conceptio: “activa” (do dục vọng concupiscentia, chung cho cả loài người) và “passiva” (mang tính cá nhân, và có thể không mắc tội). Thiên Chúa có thể tách rời hai khía cạnh ra, ngõ hầu Đức Maria có thể thụ thai Chúa Giêsu cách trinh khiết. Eadmerus là tác giả công thức “potuit, decuit, fecit [15], nhưng ông không giải thích sự dung hợp giữa đặc ân này với sự cần thiết ơn cứu độ.

b) William de Ware (+1300) đề ra công thức “redemptio preservativa” (cứu chuộc đề phòng; hoặc phòng ngừa, rào đón). Sự đề phòng này do những công trạng của Chúa Kitô.

c) Theo hướng do thầy dạy tại Oxford mở ra, Duns Scotus OFM phân biệt giữa ơn thánh “rào đón” (gratia praeveniens) và ơn thánh “chữa trị” (gratia curans). Cả hai đều là hậu quả của ơn cứu chuộc của đức Kitô; nhưng đức Maria được ơn thánh “dự phòng” (redemptio praeservativa), nghĩa là Người được giữ gìn khỏi tội vì nhắm thấy trước những công nghiệp của đức Kitô. Duns Scôtô viết rằng: giữ gìn ai cho khỏi sự dữ thì tuyệt hơn là để cho họ rơi vào sự dữ rồi mới cứu ra. Do đó nếu đức Kitô đã lập công mang lại cho các linh hồn ơn sủng và vinh quang (Ngài là đấng Trung gian và Cứu độ của hết mọi người), thì sao lại không thể có linh hồn mang ơn Ngài vì được gìn giữ tinh tuyền?”[16]. Đức Maria được gìn giữ tinh tuyền nhờ ơn cứu chuộc, chứ không được miễn khỏi ơn cứu chuộc.

d) Tiếp theo Scotus, Pierre Auréol sẽ bổ túc thêm với những phân biệt “kỹ thuật”, đó là: nếu ai được mang thai do dục vọng thì mắc tội tổ tông de iure; nhưng de facto thì Thiên Chúa có thể phòng ngừa nếu Ngài muốn. Francois Meyronnes (+1327) khẳng định thêm: “Thiên Chúa có thể làm, Ngài thấy đáng làm, vì thế Ngài đã làm”[17].

D) Giai đoạn fides explicita: từ thế kỷ XV đến khi tuyên bố tín điều

Cuộc tranh luận bắt đầu ngã ngũ theo chiều hướng thuận, với sự ủng hộ của các đại học và huấn quyền.

1/ Từ thế kỷ XV, nhiều đại học nhập cuộc vào cuộc tranh luận này, và buộc các sinh viên phải thề bảo vệ đạo lý thì mới được cấp bằng: Paris (1497); Colonia (1499), Vienna (1501), Valencia (1530), Barcelona, Granada, Compostella, Toledo (1717), Salamanca, Palermo (1618).

2/ Huấn quyền can thiệp qua việc thiết lập lễ phụng vụ[18], và tiến dần đến việc tuyên bố tín điều. Có thể lấy điểm mốc là ĐGH Sixto IV OFM (+1484). Thực ra, ngài chỉ chỉ cấm đôi bên (dù bênh hay chống) đừng tố cáo nhau là rối đạo (Bulla “Cum praeexcelsa” năm 1477, và “Grave nimis” năm 1482); nhưng đồng thời Ngài đã phê chuẩn bài lễ phụng vụ kính đức Mẹ vô nhiễm, phần nào đã bị rơi vào quên lãng tiếp theo những cuộc tranh luận thần học.

Công đồng Trentô (1546)[19] tuy không đả động trực tiếp tới đạo lý này, nhưng cũng tuyên bố không đặt đức Maria trong số những người mắc tội tổ truyền như tất cả mọi người khác (sess.V Decretum de peccato originali, 5: Dz-Sch. 1516).

Vào năm 1661, đức Giáo hoàng Alexandrô VII cho rằng đạo lý đã có tính cách phổ quát[20], và cấm nói ngược lại (Breve Sollicitudo omnium ecclesiarum, 8/12/1661).

Sang thế kỷ XIX, sóng gió đã yên ổn. Vào đầu năm 1849 (thông điệp “Ubi primum” ngày 2/2/1849), đức Piô IX đã tham khảo ý kiến tất cả các Giám mục hoàn cầu về hai điểm: 1) Giáo hội có tin rằng đây là đạo lý do Chúa mạc khải hay không? 2) Có nên long trọng tuyên bố thành tín điều không? Trong số 603 giám mục chính tòa, 546 vị đã trả lời chấp thuận cả hai điểm, và 57 vị đưa ra vấn nạn. Tín điều được công bố ngày 8/12/1854 (Bulla Ineffabilis Deus).

II. Cogitatio fidei

Bước sang phần thứ hai, chúng ta phân tích nội dung tín điều, những nền tảng Kinh thánh.

A. Nội dung tín điều

Trọng tâm của bulla Ineffabilis như sau: “Chúng tôi tuyên bố (declaramus, pronuntiamus et definimus) rằng đây là một đạo lý được Chúa mặc khải: Trinh nữ rất thánh Maria, vào lúc đầu tiên thụ thai đã được gìn giữ không mắc phải tì ố của tội nguyên tổ, do ơn thánh đặc biệt và đặc ân của Thiên Chúa toàn năng, và vì nhắm tới các công nghiệp của Đức Giêsu Kitô Đấng Cứu chuộc loài người. Vì vậy hết mọi tín hữu phải tin vững chắc điều đó”.

Vài nhận xét.

1/ Đức Piô IX tuyên bố rằng đạo lý về Đức Maria vô nhiễm nguyên tội là một chân lý mặc khải. Nhưng Ngài không xác định là mặc khải như thế nào. Theo mạch văn của toàn văn kiện, có lẽ phải nói là mạc khải cách ám tàng (implicite), dựa trên những đoạn Kinh thánh mà chúng ta sẽ xét sau.

2/ Đức Maria đã nhận được một hồng ân phi thường, một đặc ân (singulari gratia et privilegio): Người được thánh hóa theo đường lối ngoại lệ, khác với các tín hữu khác.

3/ Sự khác thường ấy hệ tại chỗ Người được hưởng ơn cứu chuộc của đức Kitô trước những người khác: “vì nhắm tới những công nghiệp của đức Giêsu Kitô Đấng Cứu chuộc loài người” (intuitu meritorum Christi Iesu Salvatoris humanis generis). Đức Maria được thánh hóa do ơn thánh mà Đức Kitô mang lại, chứ không phải được hưởng ơn thánh hóa mà nguyên tổ đã có trước khi phạm tội.

4/ Đức Maria đã được gìn giữ không mắc phải tì ố của tội nguyên tổ (ab omni originalis culpae labe preservatam immunem): nghĩa là được giải thoát khỏi tội nguyên tổ. Tuy nhiên, nên lưu ý là văn kiện không đả động gì tới việc Người có mang theo những hậu quả của tội đó hay không (những hậu quả mà chính đức Kitô đã muốn gánh lấy để tỏ tình liên đới với nhân loại: thư Hr 4,15). Văn kiện cũng không đả động tới những ơn ngoại nhiên (dona praeternaturalia) mà ông Ađam đã hưởng trước khi phạm tội. Đức Pio IX không tuyên bố gì về việc đức Maria không mắc bệnh tật, đau đớn, mệt nhọc, những đam mê … tuy rằng đã có ý kiến yêu cầu gói ghém cả trong tín điều.

B. Nền tảng Kinh thánh

Như đã nói trên đây, khi trình bày lịch sử tín điều, lẽ ra chúng ta phải khởi đi từ Thánh Kinh rồi sau đó mới đến Thánh Truyền. Nhưng trong vấn đề này, thứ tự bị lật ngược. Chúng ta khởi đi từ Thánh Truyền rồi sau đó mới trở lại Thánh Kinh.

Thực ra, trong Kinh thánh, không có tìm thấy đoạn văn nào nói rõ ràng rằng Đức Maria không mắc tội nguyên tổ. Tuy nhiên, do sự tiến triển đạo lý, Giáo hội đã tìm thấy những nền tảng trong Kinh thánh để có thể quả quyết rằng đây là một chân lý được Chúa mặc khải. Nói cách khác, ta không nên đọc Kinh thánh thuần túy theo nghĩa văn chương, nhưng cần đựơc đọc trong truyền thống đức tin của Hội thánh. Hai đoạn Kinh thánh quan trọng nhất thường được trích dẫn là Luca 1,28 (Tân ước) và Sáng thế 3,15 (Cựu ước): hai bản văn được tuyên đọc trong Thánh lễ.

1/ Đức Maria là “Kẻ đầy ơn Chúa” (kecharitoméne: Lc 1,28). Người là kẻ đã được yêu thương tuyển chọn trong đức Kitô (Ep 1,4-5). Đạo lý vô nhiễm nguyên tội muốn xác nhận một chi tiết của sự “đầy ơn” ấy khi xét tới giai đoạn khởi đầu hiện hữu. Thiên Chúa đã yêu thương chọn Người làm mẹ của Con Ngài, Đấng Cứu chuộc nhân loại, và Người đã đáp lại bằng cuộc hiến dâng trót cả cuộc đời cho Chúa, như ta thấy trong cảnh thiên sứ Truyền tin. Từ đó ta có thể nhận thấy rằng trót cả đời Người thuộc về Chúa: tội lỗi (đồng nghĩa với sự khước từ Thiên Chúa) không thể len lỏi vào cuộc đời ấy.

2/ Sự thù nghịch giữa người nữ và con rắn (St 3,15). Dĩ nhiên, đoạn văn này không nói chi tới đức Maria hết. Tác giả của nó chưa có nghĩ tới đức Maria. Tuy nhiên, Thiên Chúa – tác giả của chương trình mạc khải – đã nghĩ tới điều mà con người tác giả chưa biết tới. Có lẽ tác giả cũng chưa có nghĩ tới đức Kitô nữa, mà chỉ nghĩ tới cuộc chiến đấu trường kỳ giữa dòng dõi của phụ nữ (bà Eva, mẹ của chúng sinh St 3,20, với con cháu của bà tức là cả loài người). Mãi tới khi công cuộc cứu rỗi đã hoàn tất, thì ta mới biết được đức Kitô là “Ađam mới” (Rm 5), và đức Kitô cũng chính là miêu duệ của Abraham làm thừa kế các lời hứa (Gl 3,16). Các giáo phụ tiếp tục khai triển thần học về đức Kitô như là Ađam thứ hai đã mang lại ơn cứu độ nhờ sự tuân phục (Rm 5; Pl 2,5-11); từ đó các ngài khám phá ra vai trò của đức Maria như là Eva mới, đã trở thành thù địch của con rắn vì hoàn toàn vâng phục tin Chúa. Cũng vì vậy mà Người hoàn toàn thánh thiện, tuy dẫu ở bên cạnh đức Kitô và tùy thuộc vào Ngài: chính đức Kitô là kẻ đạp dập đầu con rắn; còn đức Maria đứng ben cạnh như thù địch truyền kiếp của nó.

3/ Hai bản văn vừa trích dẫn có thể bổ túc bởi những đoạn văn khác của Cựu ước được chính các tác giả sách Tin mừng áp dụng cho Đức Maria, vì cho rằng Người đã “hoàn trọn” những hình ảnh ấy, chẳng hạn như: “thiếu nữ Sion” (đức Maria là biểu tượng của Israel, dân ưu tuyển của Chúa), “hòm bia Thiên Chúa”. Khi bàn về sự thánh thiện của đức Maria, truyền thống và phụng vụ cũng áp dụng một hình ảnh có ý nghĩa đặc biệt cho Người, thí dụ “cung thánh của Đấng Tối cao”. Đức Maria được ví như thánh điện Giêrusalem, nơi Thiên Chúa đến gặp gỡ Dân Ngài. Trong trình thuật Truyền tin, thiên sứ Gabriel đã nói tới quyền năng của Đấng Tối cao phủ rợp trên Người (Lc 1,35): nếu trong Cựu ước, khi Thiên Chúa đã chiếm ngự đền thờ thì không ai có thể lai vãng đến gần (Xh 40,35; 2 Sb 5,11-14), thì cũng có thể nói rằng khi Đấng Tối cao chọn đức Maria làm cung điện cho mình thời tất nhiên Ngài cũng thanh luyện và thánh hóa ngõ hầu xứng đáng để đón tiếp Ngôi Lời nhập thể. Chúa đã muốn cho đền thờ thiêng liêng thuộc trọn về Ngài, và không để cho ai khác chiếm ngự trước; vì vậy Ngài đã giữ gìn đức Maria không hề phải dưới bóng của tội lỗi. Kinh nguyện phụng vụ ngày lễ Mẹ vô nhiễm đã gợi lên đề tài ấy: “Lạy Chúa, Chúa đã dọn sẵn một cung điện xứng đáng cho Con Chúa giáng trần khi làm cho đức Trinh Nữ Maria khỏi mắc tội tổ tông ngay từ trong lòng mẹ …”.

III. Praxis fidei

Trong phần thứ ba, chúng ta bước sang phần thực hành, nhìn dưới hai khía cạnh: 1/ Lịch sử Giáo Hội. 2/ Đời sống đức tin của mỗi Kitô hữu

A. Lịch sử Giáo hội

Chúng tôi chỉ muốn lướt qua những biến cố có ảnh hưởng đến đời sống Giáo hội, kể từ khi tuyên bố tín điều.

1/ Một biến cố quan trọng xảy ra ngày 25 tháng 3 năm 1858, nghĩa là 4 năm sau khi tuyên bố tín điều, đó là chính Đức Mẹ đã tự xưng là “Đấng vô nhiễm nguyên tội” (Que soy era Immaculada Councepciou) khi cô Bernadette đặt câu hỏi về căn cước. Tuy nhiên cũng đừng nên quên rằng vào năm 1830, khi hiện ra với thánh nữ Catherine Labouré (1806-1870), Người đã muốn cho chị nữ tu dòng Nữ tử bác ái quảng bá “Ảnh vảy phép lạ” với lời khẩn cầu: “Ôi Mẹ Maria được đầu thai vô nhiễm nguyên tội, xin cầu cho chúng con là kẻ đang chạy đến cùng Mẹ”.

2/ Biến cố này nói được là gợi lên một “phong trào Thánh Mẫu” trong Giáo hội Công giáo kéo dài suốt thế kỷ XX, cổ động lòng sùng kính Đức Maria, dưới những tước hiệu: Hồn xác lên trời, Nữ vương vũ trụ, Trung gian mọi ơn lành. Nhiều dòng tu hội đoàn mang tước hiệu Đức Mẹ vô nhiễm nguyên tội, trong đó phải kể đến đền thánh Phú nhai, được cất lên theo lời khấn của thánh Valentino Berrio Ochoa O.P. (Vinh). Giữa lúc cơn bắt đạo tàn khốc tăng gia, thánh giám mục địa phận Trung đã khấn xin Đức Mẹ cầu xin ơn an bình và hứa sẽ dâng đền thờ tri ân. Lời hứa này được thực hiện năm 1866. Đền thờ Đức Mẹ Vô nhiễm nguyên tội được tái thiết nhiều lần tiếp theo những thiên tai và được cung hiến ngày 8-12-1933. Năm nay kỷ niệm 85 năm cung hiến và 10 năm được tặng tước hiệu vương cung thánh đường.

3/ Một cách tiêu cực dưới khía cạnh đại kết. Anh em Tin Lành không chấp nhận tín điều này là điều dễ hiểu ; nhưng Giáo hội Chính thống cũng không chấp nhận tín điều này. Chúng ta biết rằng đạo lý về Đức Maria toàn thánh cũng như lễ phụng vụ về lễ Conceptio bắt nguồn từ Đông phương. Nhưng các giáo hội Chính thống không chấp nhận một tín điều do giám mục Rôma tuyên bố. Các tín điều phải được công đồng hoàn vũ xác định. Tiếc rằng hơn 1000 năm nay, chẳng có công đồng nào quy tụ tất cả các giám mục Đông và Tây được nhóm họp. Dù sao, cuộc đối thoại với các Giáo hội chính thống cũng giúp chúng ta có một cái nhìn tích cực đối với tín điều. Nói rằng Đức Maria không mắc tội truyền thì còn tiêu cực ; cần phải phát biểu tích cực hơn: Đức Maria là đấng Toàn thánh, hoàn toàn thánh thiện, luôn sống trong ân nghĩa với Chúa.

B Đối với đời sống đức tin

Tín điều vô nhiễm nguyên tội là một đặc ân dành cho Đức Maria. Tín điều này có ảnh hưởng gì đến tôi không ? Tạm có thể kể ra ba điểm sau đây:1/ Sức mạnh của ân sủng. 2/ Ơn phòng ngừa. 3/ Tương quan với mùa Vọng.

1/ Sức mạnh của ân sủng

Bài đọc 2 của Thánh lễ, trích từ thư gửi Ephêsô (1,3-6.11-12), có đoạn viết: “Chúc tụng Thiên Chúa là Thân phụ Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta. Trong Đức Kitô, từ cõi trời, Người đã thi ân giáng phúc cho ta hưởng muôn vàn ơn phúc của Thánh Thần. Trong Đức Kitô, Người đã chọn ta trước cả khi tạo thành vũ trụ, để trước thánh nhan Người, ta trở nên tinh tuyền thánh thiện, nhờ tình thương của Người”. Đoạn văn này không chỉ dành riêng cho Đức Maria nhưng dành cho tất cả chúng ta. Tất cả chúng ta đều được tiền định nên thánh thiện, bất chấp những cơn cám dỗ, những thử thách trên đời. Tội lỗi tuy ngập tràn, nhưng ơn thánh còn mạnh hơn nhiều. Trải qua dòng lịch sử, con người nhiều lần đã nói chống lại Thiên Chúa, do lời xúi giục của ma quỷ. Nhưng tiếng nói cuối cùng của lịch sử không phải là con rắn, bởi vì còn có Kẻ mạnh hơn, đạp dập đầu con rắn.

2/ Ơn phòng ngừa. Trong cuộc tranh luận thần học về sự cần thiết ơn cứu độ, Duns Scotus đã đưa ra lý thuyết “ơn phòng ngừa” để giải thích rằng Đức Maria cũng cần được Chúa Kitô cứu chuộc. Đức Maria được cứu độ nhờ sự phòng ngừa để khỏi bị rơi vào tội lỗi, còn chúng ta cần được cứu chuộc bởi vì đã sa ngã. Nhưng ta cũng có thể chắc chắn rằng cho đến ngày hôm nay, biết bao lần chúng ta cũng đã được Chúa giữ gìn để khỏi rơi vào tội lỗi mà chúng ta không biết ! Đó chẳng phải là lý do để chúng ta sống tâm tình biết ơn phó thác đó sao ? Ơn cứu độ được ban cho chúng ta kể cả trước khi chúng ta ý thức và chấp nhận. Ơn cứu độ là kết quả của lòng Chúa thương xót. Chúng ta được cứu độ nhờ Chúa thương xót chứ không do sự cố gắng của ta. Đây là nền tảng của niềm hy vọng Kito giáo.

3/ Linh đạo mùa Vọng

Tôi xin kết thúc bài suy niệm với việc liên kết lễ Đức Mẹ Vô nhiễm nguyên tội với mùa Vọng. Nói chung, đối với phụng vụ, Mùa Vọng chính là tháng Đức Mẹ. Người được nhắc đến trong các thánh thi, điệp xướng, và đặc biệt là trong tuần lễ cuối cùng (từ 17 tháng 12). Dức Maria là mẫu gương của việc chuẩn bị đón nhận Chúa Cứu thế đến với chúng ta, như Emmanuel.

Cách riêng, khi bàn đến lễ Đức Mẹ Vô nhiễm, Dức thánh cha Gioan Phaolo II đã liên kết giữa lễ này với việc Chúa đến (Adventus)[21]. Các giáo phụ thường nói đến hai lần Chúa đến trong lịch sử nhân loại: lần thứ nhất cách âm thầm, lần thứ hai trong vinh quang. Đức Thánh Cha Gioan Phaolo II thì nói đến ba lần Thiên Chúa đến trong lịch sử nhân loại, và tất cả đều để lại dư âm trong cuộc đời Đức Maria.

Chúa đến lần thứ nhất khi tạo dựng vũ trụ và nhân loại. Chính lần đến thứ nhất này mà Ngài đã tuyển chọn chúng ta được thừa hưởng gia nghiệp hằng cửu. Đó là cái đến của tình yêu tuyển chọn. Chính trong lần đến nguyên thủy này, mà Đức Maria được chọn làm thân mẫu Đức Kitô, và vì thế nhận được vô nhiễm nguyên tội.

Lần đến thứ hai kéo dài từ lúc nguyên tổ sa ngã cho đến lúc Nhập thể. Đức Maria hiện diện lần này trong lời mặc khải của “Tin mừng tiên khởi” về một người phụ nữ đứng kề với Đấng Cứu thế sẽ đạp dập đầu con rắn.

Lần đến thứ ba là lúc truyền tin, đánh dấu việc Chúa Kitô đến thực hiện lời hứa của lần đến thứ hai: Đức Maria đã thưa fiat để cho Đấng Cứu thế đến cư ngụ giữa chúng ta. Nhờ tiếng Xin vâng của Mẹ mà con rắn bị đạp dập đầu. Đức Maria ờ kề bên Chúa Giêsu và nói được là ở kề chúng ta trong cuộc chiến đấu chống lại ma quỷ”.

Đến lượt chúng ta, hãy rước Người về nhà mình.


 

[1] Trong tiếng Việt câu chuyện trở nên rắc rối hơn nữa bởi vì “thụ thai” mang nghĩa chủ động, nghĩa là có thai, mang thai (hiểu về bà mẹ, chứ không hiểu về thai nhi). Ngoài ra, “thụ” vừa có nghĩa là nhận được (thụ động) vừa có nghĩa là truyền đi (truyền thụ). Do đó, thụ thai có thể truyền thụ từ cha mẹ đến thai nhi. – Cưu mang không phải là mang thai! Cưu mang: bận rộn, quấn quít nhiều việc (cưu là bò lan ra, quấn quít; mang là bận rộn).

[2] Dựa theo lược đồ của cha Candido Pozo S.J., Maria Nueva Eva, BAC Madrid 2005, p.315-334. Xem thêm H. Holstein, “Le développement du dogme marial”, in: H. Du Manoir (ed.), Marial, Beauchesne Paris 1962, VI, 241-290.

[3] S. Iustinus, Dialogus cum Tryphone Iudaeo, 100, 5-6 (PG 6,712). S. Ireneus, Adversus haereses 3, 22, 4 (PG 7,959-960).

[4] S. Ephrem, Carmina nisibena 27, 8, in: “Corpus Scriptorum Christianorum Orientalium, Scriptores Syri” 92, 61 (Ed. E. Beck).

[5] Giulianô giám mục Eclanô (k.385-k.455) nại đến niềm tin dân gian vào Đức Maria vô nhiễm nguyên tội để phủ nhận đạo lý của thánh Augustinô cho rằng mọi người đều mắc tội. Ông tố cáo Augustinô đã trao Đức Mẹ cho ma quỷ. Augustinô rất lúng túng khi đưa ra câu trả lời.

[6] S. Augustinus. «Proinde corpus Christi, quamvis ex carne feminae assumptum est, quae de illa carnis peccati propagine concepta fuerat, tamen quia non sic in ea conceptum est, quomodo fuerat illa concepta, nec ipsa erat caro peccati, sed similitudo carnis peccati» (De Genesi ad litteram 10, 18, 32: CSEL 28-1, 320 [PL 34,422]). – “Hinc apparet illam concupiscentiam, per quam Christus concipi noluit, fecisse in genere humano propaginem malí: quia Mariae Corpus quamvis inde venerit, tamen eam non traiecit in corpus quod non inde concepit” (Contra Iulianum 5, 5: PL 44,813).

[7] Homilía 1 in nativitatem B. Mariae (PG 97,812). Thời gian khoảng năm 550-650.

[8] Oratio 2 in dormitionem B. Mariae (PG 98,357).

[9] Xem L. Scheffczyk, Das Mariengeheimnis in Frömmigkeit und Lehre der Karolingerzeit, Leipzig 1959, 326-340.

[10] Cf. J. A. De Aldama, “La fiesta de la Concepción de María”: Estudios Eclesiasticos 36 (1961) 427-459.

[11] Theo thánh Augustinô, mọi xác phàm sinh ra từ sự giao hợp đều là tội lỗi: De nuptiis et concupiscentia, lib. 1, cap. 12, PL 44, 421.

[12] Do đó, danh từ conceptio vào thời Trung cổ được hiểu theo ba nghĩa hay ba chặng: a) conceptio seminis (hoặc activa, xét về phía cha mẹ); b) conceptio carnis (hoặc passiva, về phía phôi); c) conceptio personae (linh hồn được phú bẩm, thai trở thành nhân vị).

[13] “Si nunquam anima Virginis fuisset contagio originalis peccati inquinata, hoc derogaret dignitati Christi, secundum quam est universalis omnium Salvator”: Summa Theologiae III, q.27 a.2 ad 2

[14] Thánh Tôma đề cập đến vấn đề này vào 4 cơ hội: 1/ Chú giải Sententiae của Lombardus (Com. in Sent. III, d. 3, q. 1, a. 1, sol. 1). 2/ Một quaestio quodlibet về lễ Thụ thai Đức Mẹ (q.6; a.7). 3/ Chú giải kinh Kính mừng. 4/ Summa Theologiae (III, q.27,a.2). Tư tưởng không có gì thay đổi.

[15] “Potuit plane et voluit; si igitur voluit, fecit“ (Tractatus de conceptione sanctae Mariae, 10: PL 159,305)

[16] De Immaculata Conceptione B. Virginis Mariae, q.1

[17] “1. Quod Deus potuit matrem suam praeservare; 2. Quod hoc ip­sum decuit; 3. Quod de facto ipsammet ab originali praeservavit” (In 3 Sent. dist.3, q.2).

[18] Như đã nói trên đây, lễ này bắt đầu từ Đông phương (được cử hành vào ngày 9/12), được du nhập vào Tây phương, và gặp những lúc thăng trầm: có nơi đòi bỏ đi (thánh Anselmo, thánh Benardo), có nơi duy trì.

[19] Nên biết là trước đó công đồng Basilea đã tuyên bố đạo lý Đức Mẹ vô nhiễm nguyên tội thuộc về đức tin trong phiên họp ngày 17/9/1439. Nhưng công đồng này bị coi là bất hợp lệ vì thiếu thông hiệp với giáo hoàng.

[20] Từ thế kỷ XVI, các nhà thần học Dòng Tên, Phan-sinh, Au-tinh, Cát-minh, Tôi tớ Đức Mẹ và vài tu sĩ Đa-minh (Cantarino, Campanella, T. Luis Beltran) nghiêng về phía thuận. Chỉ còn Dòng Đaminh là nghịch.

[21] Các bài giảng lễ ngày 8/12 năm 1979, 1986, 1983.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here