Đức Maria Với Thánh Linh

0
565


 

Đức Maria Với Thánh Linh

Phan Tan Thanh

(Trích: Đời sống tâm linh tập XV, trang 300-319)

           

Đề tài có thể được phát biểu dưới hai công thức: “Thánh Linh với Đức Maria” hoặc “Đức Maria với Thánh Linh”. Tuy cả hai đều muốn nghiên cứu cùng một mối tương quan, nhưng công thức thứ nhất muốn nhìn tứ phía Thánh Linh (tác động của Thánh Linh trên Đức Maria), còn công thức thứ hai muốn nhìn từ phía Đức Maria (sự cộng tác của Người đối với Thánh Linh). Cũng có thể nói rằng lối phát biểu thứ nhất chú trọng đến các bản văn Kinh thánh, còn lối phát biểu thứ hai lưu ý đến truyền thống Giáo Hội. Chúng ta sẽ sử dụng cả hai đường hướng ấy: trước hết, điểm qua những bản văn Tân ước mô tả tác động của Thánh Linh trên Đức Maria; sau đó, điểm qua những suy tư thần học về tương quan giữa Đức Maria với Thánh Linh.

 

I. Thánh Linh với Đức Maria: những bản văn Tân ước

Thật ra có nhiều đường hướng khảo sát những bản văn Tân ước: cách minh thị hoặc ám tàng. Trước tiên, chúng ta hãy rảo qua những đoạn văn đó, và sau đó sẽ đi sâu vào nội dung.

A. Những cách trình bày

1/ Những đoạn văn của Tân ước minh thị nói đến tác động của Thánh Linh trên Đức Maria không nhiều lắm. Có 4 đoạn đáng ghi nhận: hai đoạn văn trong các Tin mừng thơ ấu của Matthêu và Luca liên quan đến việc nhập thể của Ngôi Lời; hai đoạn văn liên quan đến mầu nhiệm Cứu chuộc trong Công vụ tông đồ và Tin mừng Gioan[1].

– Matthêu 1,18.20: Thiên sứ giải thích cho thánh Giuse lý do của việc Đức Maria mang thai là “do quyền năng của Thánh Linh”.

– Luca 1,35 (26-38): Thiên sứ giải thích cho Đức Maria biết lý do của việc thụ thai Chúa Giêsu (“Thánh Linh sẽ ngự xuống trên Bà”)

– Công vụ 1,8: Đức Maria cùng với các môn đệ họp nhau cầu nguyện ở nhà Tiệc ly để chuẩn bị lãnh nhận Thánh Linh.

– Một cách gián tiếp: Gioan 19,25-27. Đức Maria dưới chân thập giá chứng kiến Đức Giêsu “trao ban thần khí”.

2/ Những đoạn văn ám tàng

Trong bài suy niệm ngày 30/5/2009 (Vọng lễ Ngũ tuần), Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã liệt kê đến 10 biến cố liên quan đến Thánh Linh với Đức Maria[2]:

-i) Truyền tin. Đức Maria đã được đẹp lòng Thiên Chúa, được quyền năng Thánh Linh làm cho trở nên Mẹ Đấng Cứu chuộc (Lc 1,35). Lời xin vâng của Mẹ là một hành vi đức tin, được bộc lên do ơn Thánh Linh, như sẽ nói sau.

– ii) Thăm viếng. Đức Maria được thúc đẩy bởi đức mến, lên đường thăm bà Elisabeth. Khi nghe lời chào của Đức Maria, Thánh Linh làm cho bé Gioan nhảy mừng trong lòng mẹ. Theo các học giả, Luca muốn mô tả cảnh hòm bia Thiên Chúa đến viếng thăm nhà ông Obed-Edom (2Sm 6,10). Cuộc đối thoại giữa hai bà mẹ, dưới sự linh hứng của Thánh Linh, đã bộc phát lên bài ca chúc tụng Magnificat.

– iii) Giáng sinh và cuộc đời thơ ấu của đức Giêsu. Trái tim của Đức Maria trở thành cung điện của Thánh Thần chân lý, nơi mà mọi lời nói và hành động của Thiên Chúa được lưu giữ trong đức tin, đức cậy, đức mến (Lc 2,19.51)

– iv) Trong những năm ẩn dật của Đức Giesu tại Nazareth. Trái tim của mẹ luôn hòa hợp với trái tim của con mình, trong thái độ cầu nguyện liên lỉ và chú ý lắng nghe tiếng nói của Thánh Linh.

– v) Tại tiệc cưới Cana. Ta thấy sự đồng thuận lạ thường giữa Đức Maria và Chúa Giêsu trong việc tìm kiếm ý định của Thiên Chúa. Đức Maria làm trung gian để Chúa Giêsu khai mở bữa tiệc của giao ước mới, rượu của Máu Thánh Chúa.

– vi) Trên núi Calvariô. Đức Maria đứng bên thập giá cùng với người môn đệ để đón nhận những lời cuối cùng, hơi thở cuối cùng mà Đức Giesu trút ban cho chúng ta, tức là Thần khí, cùng với nước và máu.

– vii) Cuộc Phục sinh. Đức Maria tin vào Thần khí được trao từ Thánh giá để nâng đỡ đức tin và niềm hy vọng vào cuộc Phục sinh. Đức tin của Mẹ cũng nâng đỡ các môn đệ đến gặp gỡ Chúa Phục sinh, và kiên tâm chờ đợi được lãnh phép rửa của Thánh Linh.

– viii) Lễ Ngũ tuần. Đức Maria hiện diện như là mẹ của những kẻ được tái sinh trong Thánh Linh nhờ đức tin vào Đức Kitô.

– ix) Trong cuộc đời của Hội thánh. Đức Maria là hình ảnh và khuôn mẫu của Hội thánh trên đường lữ thứ, cùng với Thánh Linh, thành khẩn cầu xin: “Lạy Chúa Giêsu, xin ngự đến” (Kh 22,17.20).

– x) Trong cuộc đời của mỗi người Kitô hữu. Đức Maria là khuôn mẫu cho chúng ta trong việc nhìn nhận sự hiện diện của Thánh Linh trong cuộc đời, chú ý lắng nghe những lời thúc giục, và tuân hành, nhờ đó có thể tăng trưởng cho đến sự viên mãn của Đức Kitô, nhờ những hoa trái của Thánh Linh mà thánh Phaolô kể ra ở Gl 5,22.

B. Nội dung

Chúng tôi muốn tìm hiểu cách riêng nội dung của ba biến cố: 1/ mầu nhiệm nhập thể; 2/ biến cố Ngũ tuần; 3/ dưới chân thập giá.

1/ Mầu nhiệm nhập thể

Giáo hội tuyên xưng rằng “Đức Maria thụ thai Chúa Giêsu do quyền năng của Thánh Linh”. Kinh Tin kính dựa trên hai đoạn văn Tin mừng theo thánh Matthêu và theo thánh Luca.

a) Mt 1,18

Sau đây là sự sinh ra Đức Giêsu Kitô: bà Maria, mẹ Người, đã đính hôn với ông Giuse. Nhưng trước khi hai ông bà về chung sống, bà đã có thai do quyền năng Chúa Thánh Thần” (câu 20: Sứ thần nói với ông Giuse: Này ông Giuse đừng ngại đón bà Maria vợ ông về, vì người con bà cưu mang là bởi Chúa Thánh Thần”). Bản văn muốn nói gì?

Sự sinh ra (genesis): so sánh sự sinh ra của Đức Giêsu với ông Ađam, con người đầu tiên (St 1-2). Do quyền năng của Thánh Linh: là là trên mặt nước (St 1,2) và mang lại sinh khí (St 2,7). Giờ đây Đức Maria ở dưới ảnh hưởng của cuộc tái sinh.

– Đối chiếu cấu trúc tạo dựng của hai trình thuật tạo dựng ông Adam: Sách Sáng thế 1,1-2,4a kể lại các công trình từ dưới đi lên đến con người Ađam như là chóp đỉnh. Bây giờ, “gia phả” của Matthêu đi từ tổ tiên (Abraham) lên đến Đức Giêsu là con người hoàn bị (Emmanuel)

Sinh ra bởi Thánh Thần: thuật ngữ này chỉ được dùng trong Tân ước hai lần: ở Mt 1,20 và Ga 3,5.6.8 (cuộc đối thoại với ông Nicođêmô); sự sinh mới của dân Chúa. Phải chăng Sách thánh muốn nói rằng Đức Maria là mẹ của dân mới?

b) Tin mừng Luca 1,35 (26-38)

Thánh Linh sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối cao sẽ rợp bóng trên bà, vì thế, Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa” (Lưu ý: trong 2 chương đầu của Luca, thuật ngữ “Hagion Pneuma / Spiritus sanctus” xuất hiện 7 lần).

– “Thánh Linh sẽ ngự xuống”. Động từ này sẽ còn được dùng để nói đến biến cố Ngũ tuần (Cv 1,8).

– “Quyền năng Đấng Tối cao sẽ rợp bóng”. Có thể giải thích nhiều cách:

(i) Tác giả muốn gợi lên quyền năng của Thánh Linh lúc tạo dựng vũ trụ (St 1,2: “Thần khí Thiên Chúa bay lượn trên mặt đất”) để diễn tả việc Thánh Linh bắt đầu cuộc tạo dựng mới. Đức Maria trở nên mảnh đất trù phú để Thánh Linh làm triển nở vào thời cánh chung (Is 32,15). Thiên Chúa tạo dựng từ hư vô; Thánh Linh dựng nên con người Giêsu từ sự trinh khiết của Đức Maria.

(ii) Động từ “rợp bóng” còn gợi lên hình ảnh đám mây bao phủ lều tạm và vinh quang Thiên Chúa tràn đầy thánh điện (Xh 40,35). Đức Maria trở thành đền thờ của Thiên Chúa.

(iii) Hơn nữa, Thánh Linh hiện diện như trung gian giữa Thiên Chúa với con người: Con Thiên Chúa trở nên con người. Thánh Linh cũng ban sức cho Đức Maria khả năng đáp lại tiếng gọi của Thiên Chúa. Đức Maria mở màn cho một kỷ nguyên những con người trở thành con Thiên Chúa. Đây là ý nghĩa cứu độ của mầu nhiệm Nhập thể: “Con Thiên Chúa trở thành con người để con người được trở thành con Thiên Chúa”. Xem thêm Gl 4,4: “Khi thời gian đến hồi viên mãn, Thiên Chúa đã sai Con mình đến, sinh làm con một người phụ nữ, và sống dưới lề luật, để chuộc những ai sống dưới lề luật, hầu chúng ta nhận dược ơn làm nghĩa tử. Để chứng thực anh em là con cái, Thiên Chúa đã sai Thần khí của Con mình đến ngự trong lòng anh em mà kêu lên: Abba cha ơi!”. Ga 1,13: “Những ai đón nhận, tức là những ai tin vào danh Người, thì Người cho họ quyền trở nên con Thiên Chúa. Họ được sinh ra, không phải do khí huyết, cũng chẳng do ước muốn của nhục thể, hoặc do ước muốn của người đàn ông, nhưng do bởi Thiên Chúa”.

2/ Biến cố Ngũ tuần

Theo sách Tông đồ công vụ, sau khi Chúa Giêsu lên trời, Đức Maria và các môn đệ trở về nhà Tiệc ly để cầu nguyện, chuẩn bị đón tiếp Thánh Linh. Đàng sau việc kể lại một câu chuyện, tác giả cuốn sách xem ra còn muốn nêu bật vài chi tiết thần học khác nữa.

a) So sánh thời niên thiếu của Đức Giêsu (Lc) và thời niên thiếu của Giáo hội (Cv).

– Thánh Linh ngự xuống trên Đức Maria (Lc 1,35) và ngự xuống trên các tông đồ (Cv 1,8)

– Đức Maria vội vã lên đường (Lc 1,39); các môn đệ rời bỏ nhà Tiệc ly và loan báo Tin mừng với lòng can đảm (Cv 5,20).

b) Vai trò của Thánh Linh.

– Lc 1,35: Thánh Linh xuống trên Đức Maria để tạo nên Đấng Mesia;

– Cv 1,8: Thánh Linh đến khai sinh Hội thánh, Dân Thiên Chúa.

Thánh Linh được nhìn từ hồng ân tác động trên một cá nhân (Đức Maria) đến hồng ân tác động trên một cộng đoàn (Hội thánh).

c) Vai trò của Đức Maria trong Hội thánh tiên khởi

Đức Mẹ lãnh nhận Thánh Linh cùng với Hội thánh tiên khởi (các tông đồ, các anh em của Đức Giêsu, các phụ nữ). Đức Maria thân mẫn của Chúa giữ một vai trò đặc biệt: Mẹ Maria là dây liên kết giữa thời Cựu ước (chương 1 Tin mừng Luca, giờ đây chỉ còn Mẹ, thay mặt cho Dacaria, Elisabet, Gioan), thời Tân ước (Đức Giêsu của Tin mừng), với thời của Giáo hội, dưới sự hướng dẫn của Thánh Linh. Đức Maria là ký ức của Giáo hội.

3/ Dưới chân thập giá

Đức Maria cùng với Hội thánh lãnh nhận Thánh Linh (Ga 19,25-27). Biến cố diễn ra lúc đến “giờ”. Đây là một từ ngữ đặc biệt của thánh Gioan (12,17; 13,1; 17,1.5): giờ của cuộc tôn vinh Đức Giêsu do việc được treo lên thập giá và phục sinh. Trước kia, khi ở Cana, Người nói với thân mẫu là “chưa đến giờ” (2,4); bây giờ thì “giờ” đã đến (“từ giờ ấy, môn đệ đón tiếp Đức Maria về nhà mình” 19,27).

Đức Maria đứng bên thập giá, cùng với người môn đệ yêu dấu của Chúa. Đức Maria được trao chức vụ làm Mẹ của môn đệ, tức là Giáo hội khai sinh.

Đức Maria chứng kiến việc Đức Giêsu “trao ban thần khí” (19,30), cũng như sự kiện cạnh sườn bị đâm thâu, từ đó máu và nước trào ra (19,34). Thánh Linh được ban từ Đức Kitô tử nạn và phục sinh, đó là Thánh Linh nguồn mạch nước hằng sống (x. Ga 7,37-39). Có thể coi đây như một sự “trút đổ thần khí”.

Tóm lại, Tân ước nói đến tác động của Thánh Linh trên Đức Maria vào lúc Ngôi Lời nhập thể và vào lúc khai sinh Hội thánh. Như vậy, Đức Maria đã hợp tác với Thánh Linh trong buổi khai sinh Chúa Giêsu cũng như vào buổi khai sinh Hội thánh.

 

II. Đức Maria với Thánh Linh

A. Trong truyền thống Giáo Hội

Các tín biểu cổ điển đều nói đến mối liên hệ giữa Đức Maria với Chúa Thánh Thần khi diễn tả cuộc sinh hạ của Chúa Giêsu : “Bởi phép Chúa Thánh Thần, Đức Kitô đã nhập thể trong lòng trinh nữ Maria và đã làm người”. Lúc đầu, các giáo phụ nói đến tác động của Chúa Thánh Thần để giải thích vì sao Đức Maria tuy là mẹ nhưng vẫn đồng trinh. Nhưng chẳng bao lâu, nhiều giáo phụ đã đào sâu hơn ảnh hưởng của tác động của Thánh Thần nơi Đức Maria.

1/ Tác động trực tiếp hơn cả là sự thánh hóa. Thực vậy, vai trò thánh hóa vốn được coi như độc hữu của Thần khí Thánh (Spiritus Sanctus): Thánh Thần chạm tới đâu thì vật ấy nên thánh! Khi áp dụng vào Đức Maria, thần học coi như một hậu quả đương nhiên là Thánh Thần cần phải biến đổi tâm hồn của Đức Maria thành cung điện xứng đáng để đón tiếp Ngôi Lời. Thần học Tây phương giải thích ân huệ này dưới phương diện tiêu cực (Immaculata,Vô nhiễm: được gìn giữ khỏi mọi tội lỗi); thần học Đông phương giải thích tích cực hơn (Người là Panagia: Đấng Toàn thánh , vì là Đấng đầy ân sủng).

2/ Ngoài ra, theo thần học cổ điển, Thánh Thần được ví như tình yêu nối kết giữa Cha và Con. Do đó, các nhà thần học cũng rút ra kết luận là hậu quả của tác động Thánh Thần nơi Đức Maria là trút đổ tình yêu cho Người (Rm 5,5), ngõ hầu có thể yêu mến Thiên Chúa hết lòng.

B. Vài đường hướng nghiên cứu hiện nay

Một số nhà thần học đã thử đề nghị vài chiều hướng suy tư về mối liên hệ giữa Đức Maria và Thánh Thần, tuy không phải lúc nào cũng được tán đồng[3]:

1/ Đức Maria hôn thê của Thánh Thần. Ý tưởng này xuất hiện trong thần học Tây phương từ thế kỷ XIII với thánh Phanxicô Assisi[4]. G. Philips cũng như R. Laurentin thấy rằng từ ngữ này khá hàm hồ, vì có thể đưa tới ý tưởng Chúa Thánh Thần kết hôn với Đức Maria để sinh ra Đức Kitô (đề tài “Hieros gamos” đọc thấy trong một số thần thoại) ! Tân ước không hề dùng hình ảnh hôn nhân cho Chúa Thánh Thần, song chỉ áp dụng cho mối tương quan giữa Đức Kitô và Hội thánh (Ep 5,25-33 ; 2 Cr 11,2 ; Mt 9,15 ; 25, 1.5-6). Công đồng Vaticanô II diễn tả tương quan của Đức Maria với Ba ngôi như sau: “Thân mẫu của Chúa Con, Ai nữ của Chúa Cha, Đền thờ của Chúa Thánh Thần” (LG 53).

2/Đức Maria “đồng lao” với Thánh Thần. Thần học Đông phương quan niệm rằng khi người nào để cho Thánh Thần hướng dẫn, thì họ trở nên “đồng lao” (syn-ergheia: cùng năng lực), cùng với Thánh Thần để tác động. Điều này đã xảy nơi Đức Maria, khi Người cùng tác động với Thánh Thần trong công cuộc sinh ra Chúa Giêsu. Cha D. Bertetto kéo dài tới toàn thể cuộc đời của Đức Maria, để xét đến tất cả những hoạt động của Người dưới tác động của Thánh Thần : khi cầu nguyện lẫn trong các hành vi nhân đức. Dĩ nhiên, Chúa Thánh Thần là tác nhân chính, còn Đức Maria hợp tác như khí cụ.

3/ Đức Maria phản ánh của Thánh Thần

Trước đây, các Giáo hội Chính thống và Tin lành thường trách trách thần học công giáo vì đã gán cho Đức Maria những chức phận lẽ ra thuộc về Chúa Thánh Linh, thí dụ khi gọi Người là “trạng sư, bầu cử” (một chức phận của Đấng Paraclitus : Đấng An ủi, trạng sư theo Ga 14,16.26 ; 15,26 ; 16,7). Đức Maria cũng được coi như trung gian giữa Đức Kitô với loài người (per Mariam ad Jesum), đang khi mà Tân ước coi Thánh Thần mới thực là trung gian. Thực vậy, theo Ga 16,7.14-15, Thánh Thần sẽ nhắc nhớ cho các môn đệ nhớ lời của Đức Kitô ; Thánh Thần sẽ làm Đức Kitô hiện diện với các môn đệ. Dù lời chỉ trích ấy đúng, nhưng việc trao trả lại cho Thánh Thần những chức phận vừa nói không có nghĩa là từ nay Đức Maria bị gạt ra bên lề. Thực vậy, ta có thể nói rằng Đức Maria phản ánh vài đặc tính cố hữu của Chúa Thánh Thần, thí dụ như :

+ về hoạt động thầm lặng kín đáo (Chúa Thánh Thần hoạt động kín đáo, ta chỉ nhận biết Ngài qua những công hiệu, chứ không nhìn thấy Ngài xuất hiện ; Đức Maria cũng giữ vai trò như vậy giữa lòng Hội thánh, điển hình là tại nhà Tiệc Ly) ;

+ về tình yêu đón tiếp trao ban (giữa lòng Ba Ngôi, Thánh Thần là tình yêu liên kết giữa Cha và Con ; Đức Maria cũng giữ vai trò như vậy giữa lòng Hội thánh, tình yêu săn sóc của bà mẹ).

Vì thế, ta có thể ví Đức Maria như là “icôn” của Chúa Thánh Thần.

C. Sách Giáo Lý Hội thánh Công giáo

Mối liên hệ giữa Đức Maria với Thánh Thần được đặt trong bối cảnh của lịch sử cứu rỗi, đặc biệt là ở các số 721-726.

+ Thánh Thần đã chuẩn bị cho Đức Maria trở thành thánh điện cho Chúa ngự. Tác động ấy gọi là sự thánh hóa : Đức Maria trở thành kẻ đầy ơn sủng. Không những Đức Maria luôn luôn sống trong ân nghĩa với Chúa (sủng trạng), nhưng trót đời của Người biểu lộ rằng “tất cả là hồng ân” : Thiên Chúa chọn kẻ nghèo hèn khiêm tốn để đổ tràn ơn phúc.

+ Thánh Thần đã tác động nơi Đức Maria cách phi thường qua mầu nhiệm nhập thể, khi thánh hóa cung lòng Đức Maria để trở nên mẹ đồng trinh của Chúa Giêsu.

+ Chính nhờ Đức Maria mà Thánh Thần mang loài người đến kết hợp với Chúa Giêsu, bắt đầu từ những tâm hồn bé mọn như các mục đồng, kế đến là các đạo sĩ, ông Simêon và bà Anna.

+ Kể từ khi Chúa lên trời, Đức Maria hợp với Giáo hội để xin Thánh Thần đến thánh hóa Hội thánh. Đức Maria rất thánh, một kiệt tác của Thánh Thần, là điển hình của sự thánh thiện của Hội thánh (x. số 965 ; 967).

+ Sau cùng, có thể thêm rằng chính khi nhìn ngắm việc Đức Maria hợp tác với Thánh Thần mà Mẹ trở thành gương mẫu cho đời sống tâm linh của các tín hữu. Đời sống tâm linh (hay đời sống tinh thần : vita spiritualis) có nghĩa là : đời sống theo Thánh Thần, để cho Thánh Thần hướng dẫn (xem Rm 8,1-38 ; Gl 5,22-25).

 

Kết luận

Có tác giả muốn chiêm ngắm Đức Maria như khuôn mẫu của việc tuân theo cách mau mắn những linh hứng của Thiên Chúa, hay nói cách khác, Người là kẻ “sung mãn các ân huệ Thánh Linh” (dĩ nhiên là vẫn thấp hơn Đức Giêsu, Đấng đã ứng nghiệm những lời ngôn sứ Isaia loan báo về vị Mêsia).

Có nhiều cách thức để suy gẫm 7 ân huệ Thánh Linh trong cuộc đời Đức Maria. Chúng tôi chỉ giới hạn vào hai mô hình: mô hình thứ nhất theo thứ tự cuộc đời của Đức Maria, ghi nhận bảy “quang cảnh” tương ứng với 7 ân huệ; mô hình thứ hai dựa theo thứ tự 7 ân huệ và áp dụng vào cuộc đời Mẹ Maria

A. Mô hình bảy “mầu nhiệm Mân côi” trong cuộc đời Đức Maria[5].

Mô hình này chiêm ngắm Đức Maria dưới tác động của bảy ân huệ từ trước biến cố Truyền tin cho đến lúc về trời.

1/ Đức Maria chờ mong Đấng Cứu thế cùng với dân Israel (Is 60,1-3): ơn minh luận

Thần khí minh luận giúp ta hiểu biết mầu nhiệm Thiên Chúa trong lịch sử. Thiên Chúa đã dựng nên thế giới để gặp gỡ con người. Tiếc rằng chúng ta không nhận ra sự hiện diện của Thiên Chúa. Đức Maria trông mong Đấng Mesia, tức là sự can thiệp của Thiên Chúa vào lịch sử để mặc khải kế hoạch cứu rỗi nhân loại.

2/ Biến cố Truyền tin (Lc 1,26-38): ơn thâm hiểu

Thần khí thâm hiểu giúp chúng ta hiểu biết mầu nhiệm của Thiên Chúa ở ngay trong chúng ta. Qua lời nói của thiên sứ Gabriel, Đức Maria hiểu được kế hoạch của Thiên Chúa dành cho mình, một nữ tì khiêm tốn, tuân phục, nhưng được Ngài chọn để hợp tác với công trình cứu độ.

3/ Cuộc thăm viếng bà Elisabeth với lời ca hân hoan (Lc 1,46-55): ơn cao minh

Thần khí cao minh giúp ta hiểu biết mầu nhiệm Thiên Chúa với một cái nhìn tổng quan, bao trùm toàn thể lịch sử. Cảm nghiệm này dẫn đến niềm hân hoan, tạ ơn vì những hồng ân mà Thiên Chúa đã thực hiện ngay trong cuộc đời của mình. Bài ca Magnificat bộc lộ tâm tình ấy.

4/ Tiệc cưới Cana (Ga 2,1-11): ơn chỉ giáo

Ơn chỉ giáo dẫn đưa chúng ta đến việc đảm nhận trách nhiệm đáp lại các hồng ân của Thiên Chúa. Một khi đã nhận ra các ân huệ Thánh Linh, cần phải chọn lựa những bước để tiến hành theo dự án của Chúa. Đức Maria đã có khả năng quyết định đúng lúc phải làm gì để cho Chúa Cứu thế biểu lộ vinh quang.

5/ Dưới chân thánh giá (Ga 19,25-33): ơn hùng mạnh

Thần khí hùng mạnh giúp chúng ta cương quyết theo đuổi các quyết định, chống lại những ý nghĩa bỏ cuộc, đặc biệt vào những lúc gặp khó khăn. Đức Maria đã nhận được sức mạnh phi thường để đi theo Chúa cho đến thập giá, đồng thời đảm nhận sứ mạng làm mẹ của Giáo hội.

6/ Lễ Ngũ tuần (Cv 1,12-14; 2,1-6): ơn sùng hiếu

Thần khí sùng hiếu đưa chúng ta đến việc tiếp xúc thường xuyên với Thiên Chúa bằng việc cầu nguyện và bằng cuộc sống thuận theo ý Chúa, ngõ hầu Thánh Linh tiếp tục tuôn đổ các ân huệ. Đức Maria chuyên cần cầu nguyện cùng với các tông đồ: đây vừa là hồng ân vừa là trách nhiệm, để càng ngày càng tiến sâu vào tình thân mật với Thiên Chúa.

7/ Đức Maria trong vinh quang phục sinh (Kh 12,1.3-6): ơn kính sợ

Ơn kính sợ không phải là sự sợ hãi một quyền lực đè bẹp ta, nhưng là tâm tình ngỡ ngàng đứng trước một mầu nhiệm trọng đại. Thái độ của con người lúc ấy là trở nên bé nhỏ để tiến lại gần Thiên Chúa. Tuy nhiên, chúng ta cũng phải sợ sự dữ (tượng trưng nơi ma quỷ) lợi dụng sự yếu đuối của ta để đưa ra xa Chúa. Đức Maria là mẫu gương của một người luôn biết nuôi dưỡng tâm tình thán phục trước công trình của Thiên Chúa, và không hề nhân nhượng với sự dữ. Nguyện xin Mẹ giúp chúng ta cũng được tham dự vào cuộc chiến thắng của Đức Kitô phục sinh trên mọi lực lượng của sự dữ.

B. Mô hình thứ hai: dựa trên 7 lời của Đức Mẹ

Dựa theo một gợi hứng của thánh Bernardino di Siena, cha Ambroise Gardeil[6] cho thấy rằng Tin mừng ghi lại 7 lời nói của Đức Maria: đó là 7 lời của tình yêu và cũng bộc lộ 7 ân huệ. Người đã nói 2 lời với thiên sứ Gabriel, 2 lời với bà Elisabet, 2 lần với Chúa Giêsu, 1 lần với các gia nhân ở Cana. Chúng ta hãy suy niệm 7 lời ấy (phần lớn được ghi lại trong Tin mừng Luca và Tin mừng Gioan).

1/ Ơn kính sợ

Thiên sứ Gabriel thưa với bà Maria: “Thưa bà Maria, xin đừng sợ, vì bà đẹp lòng Thiên Chúa. Và này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giesu. Người se nên cao cả, và sẽ được gọi là Con Đấng Tối cao” (Lc 1,30-31). Đức Maria đã “sợ” khi tiếp xúc với thần linh, sau những chào của vị sứ giả mà bà không hiểu rõ ý nghĩa. Những lời giải thích của thiên sứ lại càng tăng thêm nỗi lo sợ: “Việc ấy sẽ xảy ra cách nào?” (Lc 1,34). Đức Maria đã dâng hiến đời trinh khiết cho Thiên Chúa, làm thế nào lại có thể trở thành mẹ được?

Những lời tiếp theo của Đức Maria (1,38) cho thấy bản chất của lòng kính sợ Thiên Chúa: đó là một kẻ ý thức sự thấp hèn của mình (nữ tì Thiên Chúa), không nuôi dưỡng một hy vọng trần tục nào, nhưng chỉ dựa vào quyền năng Thiên Chúa.

2/ Ơn hùng mạnh

Trước những băn khoăn của Đức Maria, thiên sứ trấn an: “Đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được”. Và bà Maria nói: “ Vâng, tôi đây là nữ tì của Chúa, xin Chúa làm cho tôi như lời thiên sứ nói” (Lc 1,37-38).

Đức Maria đã được biến đổi hoàn toàn, từ chỗ do dự đến chỗ dứt khoát phó thác cho Thiên Chúa hành động. Ơn hùng mạnh đã thúc đẩy Người mạnh mẽ trả lời “Xin vâng”. Người đã trung thành với sứ mạng cho đến cùng, bất chấp những trở ngại. Người cương quyết đi theo Chúa Giêsu cho đến thập giá. Người cũng can đảm khi chấp nhận chức vụ mới là trở thành thân mẫu của Hội thánh. Người khao khát để ý định cứu độ của Thiên Chúa được thực hiện trọn vẹn.

3/ Ơn sùng hiếu

Hồi ấy, bà Maria vội vã lên đường, đến miền núi… Bà vào nhà ông Dacaria và chào hỏi và Elisabet. Bà Elisabet vừa nghe tiếng bà Maria chào, thì đứa con trong bụng nhảy lên, và bà được tràn đầy Thánh Linh, liền kêu lớn tiếng và nói: Em được chúc phúc hơn mọi phụ nữ, và người con mà em đang cưu mang cũng được chúc phúc” (Lc 1,39-42).

Đức sùng hiếu không chỉ giúp cho ta sống tình con thảo với Thiên Chúa, nhưng còn đối xử tha nhân như anh chị em của cùng một cha. Ơn sùng hiếu thúc đẩy Đức Maria đi thông truyền ân lành cho gia đình bà Elisabet. Cũng với những tâm tình tương tự, Người đã đón tiếp các mục đồng và các hiền sĩ đến thờ lạy Chúa Cứu thế. Người cũng đón tiếp các môn đệ của Con mình cũng như những kẻ lầm lạc mà vị Mục tử nhân lành đi tìm kiếm.

4/ Ơn chỉ giáo

Ngày thứ ba, có tiệc cưới tại Cana miền Galilê. Trong tiệc cưới có thân mẫu Đức Giêsu. Đức Giêsu và các môn đệ cũng được mời tham dự. Khi thấy thiếu rượu, thân mẫu Đức Giêsu nói với Người: Họ hết rượu rồi. Đức Giesu đáp: Thưa bà, chuyện đó can gì đến bà và tôi? Giờ tôi chưa đến. Thân mẫu Người nói với gia nhân: Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo” (Ga 2,1-5).

Đức Maria nói với Chúa Giêsu: “Họ hết rượu rồi”. Qua những lời ấy, Đức Maria tỏ ra rằng Người biết tấm lòng của con mình. Người không thôi thúc cũng chẳng yêu cầu, mà chỉ bày tỏ mối quan tâm của mình đối với gia chủ. “Họ hết rượu rồi”: quả thật là lời “chỉ bảo” của một người mẹ đối với người con mà bà hiểu biết lòng tốt và quyền năng. Lời chỉ bảo ấy chứng tỏ đức khôn ngoan, bởi vì biết rằng mình đang nói với ai. Lời thỏ thẻ của Người cũng biểu lộ lòng thương xót, trắc ẩn trước những nỗi khó khăn của tha nhân.

5/ Ơn minh luận

Thân mẫu Chúa nói với gia nhân: Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo. Ở đó có sáu chum dùng vào việc thanh tẩy theo thói tục người Do thái … Đức Giêsu bảo họ: Các anh đổ đầy nước vào chum đi! Và họ đổ đầy tới miệng. Rồi Người nói với họ: Bây giờ các anh múc và đem cho ông quản tiệc. Họ liền đem cho ông” (Ga 2,6-8).

Đức Maria khuyên các gia nhân hãy làm theo lời của Chúa. Lời khuyên này phát xuất từ một tấm lòng thương xót, quan tâm đến nhu cầu của chủ nhà, đồng thời cũng phát xuất từ sự hiểu biết quyền năng của Con mình. Chúa Giêsu cũng động lòng trắc ẩn khi thấy đám đông đi theo mình đã ba ngày mà không có gì để ăn (x. Mc 8,2).

Ơn minh luận giúp ta nhận định tất cả mọi vật theo ánh sáng của Thiên Chúa. Nó được gắn với chân phúc của những kẻ sầu muộn. Đức Maria không chỉ bày tỏ lòng trắc ẩn đối với tha nhân trong hoàn cảnh này. Người cũng tỏ ra nỗi ưu tư lo lắng khi lạc mất con trong đền thờ. Đó là những giọt nước mắt của kẻ đi tìm Chúa; những giọt nước mắt phúc hậu, vì sẽ được ủi an. Tại Cana, Mẹ được ủi an vì nỗi hân hoan của gia chủ. Bản thân của Mẹ cũng được ủi an khi gặp lại Con mình phục sinh sau thời tang tóc của cuộc tử nạn.

6/ Ơn thâm hiểu

Sau ba ngày, hai ông bà mới tìm thấy con trong đền thờ, đang ngồi giữa các thầy dạy, vừa nghe họ, vừa đặt câu hỏi. Ai nghe cậu nói cũng ngạc nhiên về trí thông minh và những lời đối đáp của cậu. Khi thấy con, hai ông bà sửng sốt, và mẹ Người nói với Người: Con ơi, sao con làm như vậy? Con thấy không, cha con và mẹ đây đã phải cực lòng tìm con! Người đáp: Sao cha mẹ lại tìm con? Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà của Cha con sao? Nhưng ông bà không hiểu lời Người vừa nói. Sau đó, Người đi xuống cùng với cha mẹ, trở về Nazaret và hằng vâng phục các ngài. Riêng mẹ Người thì hằng ghi nhớ tất cả những điều ấy trong lòng” (Lc 2,46-51).

Thoạt tiên xem ra Đức Maria “không hiểu”, nhưng kỳ thực Người được ơn thâm hiểu. Người đang nghiền ngẫm lời Chúa. Tâm hồn của Người luôn được nuôi dưỡng bằng lời của Chúa. Trong buổi Truyền tin, thiên sứ Gabriel đã làm sáng tỏ biết bao điều Cựu ước đã tiên báo về Đấng Mesia, con vua Đavit, con Đấng Tối cao. Thế nào là bóng rợp bao phủ? Bài ca Magnificat của Đức Maria cũng cho thấy Người đã nghiền ngẫm đường lối của Thiên Chúa trải qua lịch sử cứu độ, những lời hứa cho tổ phụ Abraham, những cách đối xử với kẻ khiêm tốn và kẻ kiêu ngạo. Và Đức Maria tiếp tục nghiền ngẫm những lời của Con và cũng là Thầy của mình, những lời sẽ được làm sáng tỏ khi Thần khí sự thật được tuôn đổ trên cộng đoàn tiên khởi ở Gierusalem.

7/ Ơn cao minh

“Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa” (Lc 1,46-55).

Ơn cao minh giúp cho chúng ta nhận ra cảm nhận sự thân mật với Thiên Chúa. Khi còn ở dương thế, Đức Maria chưa thể nhìn ngắm bản tính Thiên Chúa, bởi vì Người vẫn còn trên đường lữ hành của đức tin. Tuy nhiên, Mẹ đã trở nên “tòa Đấng Khôn ngoan” vì đã được gần gũi với Đức Kitô là sự Khôn ngoan (Cao minh) của Thiên Chúa, đã thấm nhuần đường lối của Thiên Chúa, khác xa với đường lối của thế gian: điều mà thế gian coi là yếu đuối và điên rồ thì Thiên Chúa đã dùng để biểu lộ quyền năng thượng trí của ngài.

Bài ca Magnificat xuất phát từ một trái tim đầy tràn lòng tri ân yêu mến:“Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa, thần trí tôi hớn hở vui mừng vì Thiên Chúa Đấng cứu chuộc tôi. Phần nữ tì hèn mọn, Người đoái thương nhìn tới, từ nay hết mọi đời sẽ khen tôi diễm phúc. Đấng Toàn năng đã làm cho tôi biết bao điều cao cả, danh Người thật chí thánh chí tôn”. Ra như Đức Maria dã được trực quan để phóng nhìn sự thành tựu của kế hoạch cứu độ mà Thiên Chúa thực hiện qua Người. Những lời kế tiếp cho thấy Đức Maria đã thâm tín sự cao minh của Thiên Chúa, như thánh Phaolô đã nói trên đây: trong Nước Trời, vị trí ưu tiên được dành cho những kẻ khó nghèo, khiêm tốn, chứ không phải cho những kẻ kiêu căng hống hách.

 

 


 

[1]Juan Luis Bastero, Maria y el Espiritu Santo en el Nuevo Testamento, in: El Espíritu Santo y la Iglesia edición dirigida por Pedro Rodríguez… Universidad de Navarra, 1999, pp. 343-361.

[2]Benedetto XVI, Celebrazione mariana per la conclusione del mese di maggio (30/5/2009). https://w2.vatican.va/content/benedict-xvi/it/speeches/2009/may/documents/hf_ben-xvi_spe_20090530_mese-mariano.html

[3]A. Amato, Spirito Santo, in: Nuovo Dizionario di Mariologia a cura di Stefano De Fiores e Salvatore Meo, Paoline, Cinisello Milano 1986, p.1327-1361.

[4]Thánh Phanxicô Assisi trong một lời nguyện, đã ca ngợi Đức Mẹ: “Oi, Thánh Trinh nữ và Mẹ, chưa từng có người phụ nữ nào trên đời giống như Người: ái nữ và nữ tì của Vua chí tôn và Cha trên trời, thân mẫu của Chúa Cứu chuộc chúng ta, Hiền thê của Thánh Linh”. Vài vị thánh cũng sử dụng tước hiệu này: Lorenso Brindisi, Roberto Bellarmino, Lui Maria Grigion de Montfort, Alphonso, Maximiliano Kolbe.

[5]Maria e i doni dello Spirito Santo, in: La Theotokos, Portale di Mariologia.http://www.latheotokos.it/modules.php?name=Sections&op=printpage&artid=35

[6]Ambroise Gardeil, Les dons du Saint Esprit dans les saints Dominicains, Gabalda, Paris 1903, p.177-201.