Krzysztof Charamsa
“Nếu như thân mẫu của Đức Giêsu đươc vinh hiển hồn xác trên trời là hình ảnh và khởi đầu của Hội thánh phải được hoàn thành ở đời sau, thì ngay trên trần gian này, Người cũng toả sáng như dấu chỉ của hy vọng vững vàng và của niềm an ủi cho Dân Chúa đang lữ hành cho tới ngày Chúa đến (x. 2Pr 3,10)” (Lumen gentium, số 68).
Khởi đi từ đoạn văn số 68 của hiến chế Lumen gentium (số áp cuối) trích dẫn trên đây, tác giả theo dõi sự tiến triển của đề tài này nơi các văn kiện của Huấn Quyền sau Công đồng cũng như trong phụng vụ. Tác giả là một linh mục Ba Lan, Phó tổng thư ký của Uỷ ban Thần học quốc tế. Nguồn: Maria, segno di sicura speranza e di consolazione. La ricezione della Lumen gentium, n. 68, in: Alpha Omega, XV, n. 2, 2012 – pp. 163-187.
Nội dung
I. Vài nhận xét về bản văn của công đồng.
II. Việc tiếp nhận bản văn công đồng.
1) Những lối diễn tả thần học về Đức Maria dấu chỉ hy vọng: “Mẹ của niềm hy vọng”; “Người phụ nữ của hy vọng”; “Gương mẫu hy vọng”; “Ngôi sao hy vọng”; “Bảo chứng hy vọng”.
2) Đức Maria và hy vọng trong huấn quyền hậu công đồng: Đức Phaolô VI “Mẹ của hy vọng và căn nguyên của nỗi vui mừng thánh thiện”; Đức Gioan Phaolô II “Mẹ của hy vọng”; Đức Bênêđictô XVI “Ngôi sao hy vọng”.
3) Đức Trinh nữ Maria Mông Triệu thăng thiên và hy vọng theo phụng vụ Rôma: Thánh lễ Đức Mẹ hồn xác lên trời; bài lễ kính Mẹ hy vọng; kinh tiền tụng IV kính Đức Mẹ.
4) Tầm mức đại kết của số 68 và 69.
III. Kết luận. Sự tiến triển thần học của một đề tài.
—————
I. Vài nhận xét về bản văn của Công đồng
1. Đức Maria, dấu chỉ của hy vọng vững vàng và của niềm an ủi
Chú giải số 68 Lumen gentium liền sau khi bế mạc Công đồng, cha Gérard Philips viết rằng: “Đoạn văn này, tuy ngắn nhất trong toàn thể Hiến chế, đã đụng đến một ý tưởng quan trọng mà xưa nay ít được nhắc đến, đó là ý nghĩa của tình trạng vinh quang của Đức Maria đối với Hội thánh. Người là hình ảnh và khởi đầu cho điều mà Hội thánh sẽ đạt tới trong giai đoạn hoàn tất”[1]. Thật vậy, đoạn văn này rất ngắn và cô đọng nhưng chứa đựng một đạo lý rất phong phú. Đức Maria được ca ngợi như là hình ảnh cánh chung của Hội thánh: Người trở thành dấu chỉ của hy vọng vững vàng và cũng là dấu chỉ an ủi nữa. Điều mà cha Philips nhận xét là “một chân lý bị bỏ quên” và được Công đồng lấy lại, thì dần dần đã được khai triển thêm với những viễn tượng mới, liên quan đến mối tương quan giữa Đức Maria chí thánh với niềm hy vọng của Hội thánh[2].
Nơi Đức Trinh nữ Maria, thân mẫu Chúa Giêsu, được đưa lên trời, Công đồng nhìn thấy “imago et initium Ecclesiae” (hình ảnh và khởi đầu của Hội thánh), sẽ đạt tới sự hoàn tất trong thời cánh chung, cũng như là “signum certae spei et solatii” (dấu chỉ của hy vọng vững vàng và của niềm an ủi) cho dân Thiên Chúa còn lữ hành trong lịch sử[3]. Đức Maria trông nhìn về Hội Thánh, bởi vì Hội thánh luôn trông nhìn về niềm hy vọng đời sống vĩnh cửu mà hiện nay Người được hưởng bên cạnh Chúa Giêsu. Vì thế, từ niềm hy vọng đã được hoàn tất trong mầu nhiệm Mông triệu, Người có thể nâng đỡ cách hữu hiệu niềm hy vọng của các anh chị em còn trên đường đi về trời.
2. Từ đức tin đến đức hy vọng. Số 68 của Lumen gentium trong bối cảnh giáo huấn Thánh-mẫu-học của Hiến chế về Hội thánh
Trong thông điệp Redemptoris Mater, khi tóm tắt giáo huấn Công đồng về Thánh Mẫu, Đức Gioan Phaolô II nêu bật hai yếu tố sau: “Hiến chế Lumen Gentium (…) trong phần kết luận đã vạch ra một tổng hợp về đạo lý của Giáo Hội về Thân mẫu Đức Kitô, được tôn kính như là người Mẹ rất đáng mến và như là hình ảnh của mình về đức tin, đức cậy và đức mến”[4]. Mẹ của Hội thánh và hình ảnh của ba nhân đức hướng Chúa: đó là hai trụ cột của Thánh-mẫu-học Công đồng, đặt nền mầu nhiệm Hội thánh Chúa Kitô lữ hành và hiển vinh nơi cõi trường sinh.
Thật vậy, chương VIII của Lumen gentium nhấn mạnh đến mối tương quan giữa Đức Maria với đức tin, nhưng đồng thời chính trong tương quan này, Công đồng nhìn thấy và mở lối cho mối tương quan giữa Đức Maria với ba nhân đức hướng Chúa. Từ đức tin nảy ra hy vọng (đức cậy), và đức tin càng lớn lao và cao cả bao nhiêu thì hy vọng cũng lớn lao bấy nhiêu, sinh động trong đức mến.
Vì thế, Đức Maria “được nhìn nhận như là một chi thể trổi vượt và độc đáo của Hội thánh, như hình ảnh và mẫu gương tuyệt vời cho Hội thánh về đức tin và đức mến (LG 53), bởi vì – như các giáo phụ đã nhìn nhận – người “không phải là một công cụ hoàn toàn thụ động trong tay Thiên Chúa, nhưng đã hợp tác vào ơn cứu độ loài người với đức tin tự do và đức vâng phục (LG 56) và vì thế đã được bà Elizabeth “tuyên dương là diễm phúc vì tin vào lời hứa cứu độ” (LG 57) để rồi tiến bước trong cuộc đời công khai của Đức Giêsu “trong cuộc lữ hành đức tin” (LG 58). Sau cùng, khi tóm tắt việc cộng tác của Đức Maria vào công trình cứu chuộc, Công đồng viết rằng: “Người đã cộng tác một cách đặc biệt và công trình của Chúa Cứu Thế, với lòng vâng phục, đức tin, hy vọng và lòng mến nồng nhiệt, để khôi phục đời sống siêu nhiên của các linh hồn” (LG 61). “Thánh mẫu Thiên Chúa là hình ảnh của Hội thánh trong đức tin, lòng mến và sự kết hợp hoàn hảo với Chúa Kitô” (LG 63). “Hội thánh cũng trinh khiết, gìn giữ đức tin toàn vẹn và tinh tuyền với Phu quân, noi gương Thân mẫu của Chúa, nhờ quyền năng của Thánh Thần, gìn giữ đức tin cách toàn vẹn, hy vọng vững chắc, lòng mến chân thành” (LG 65). “Về phần mình, Hội thánh khi tìm kiếm vinh quang của Chúa Kitô, sẽ ngày càng giống mẫu gương cao vời của mình qua việc tiến tới liên lỉ trong đức tin, hy vọng và lòng mến, qua việc tìm kiếm và tuân hành ý muốn của Thiên Chúa trong mọi sự” (LG 65). Trong chu kỳ những hành vi đáp lại Chúa Cứu Thế về Đức Maria là thụ tạo yêu dấu và về phía Hội thánh là hôn thê đáng mến, Vị Thân mẫu của Thủ lãnh là “dấu chỉ của hy vọng vững vàng và của niềm an ủi” (LG 68)[5]. Cũng tựa như ông Abraham, tổ phụ của những người có đức tin, Đức Maria đã “tin tưởng và hy vọng khi không còn gì để hy vọng” (Rm 4,18).
3. Lumen gentium, số 68, giữa quá khứ và tương lai
Lumen gentium số 68 mời gọi đào sâu mối dây liên hệ mầu nhiệm Đức Maria với mầu nhiệm cánh chung của đức tin. Mối dây liên hệ này dựa trên điều mà Công đồng Vaticanô I và II gọi là “loại suy đức tin” (analogia fidei), nghĩa là sự liên kết giữa các mầu nhiệm đức tin với nhau và với cứu cánh tối hậu của con người[6]. Qua sự liên kết giữa Đức Maria với Đức Kitô, mầu nhiệm của Người toả chiếu trên tất cả các mầu nhiệm đức tin, bắt đầu từ mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi và mầu nhiệm Hội thánh của Đức Kitô và hoàn tất vào lúc cánh chung (eschaton). Trong lãnh vực cuối cùng này, liên quan đến vấn đề đang bàn, chúng ta chú ý cách riêng đến tín điều Mông triệu, vì nó soi sáng mầu nhiệm của hy vọng tương lai và mầu nhiệm đời sống vĩnh cửu, tuy không bỏ qua mầu nhiệm hiệp thông giữa các thánh. “Đức Maria hồn xác lên trời (…) là một phần của chân lý căn bản về cánh chung, không hiểu như là một tương lai xa vời mà ta trông ngóng, nhưng như là một đức tin đã mang lấy tương lai trong hiện tại, bởi vì phần nào đã nắm được “bảo chứng” của nó (x. 2Cr 1,22)”[7].
Nếu trong quá khứ, đề tài Đức Maria-cánh chung gói ghém trong “dấu chỉ của hy vọng” đã bị lãng quên, thì hiện nay đã thu hút nhiều chú ý của các nhà thần học. Mầu nhiệm của Đức Maria trong chiều kích cánh chung (“trên trời”) mang một tầm quan trọng cho mầu nhiệm của Hội thánh trong chiều kích lịch sử hiện tại (“dưới đất”).
Đức Maria hiển vinh trên cõi vĩnh hằng không dửng dưng xa cách với cuộc sống của các anh chị em mình, với những đau khổ của nhân loại, với những thử thách của Hội thánh và của thế giới. Người ở trên trời và trở thành hy vọng cho những người ở dưới đất cho đến thời tương lai, khi Con của Người đến. Như vậy, Đức Maria là dấu chỉ trung thành và hiển hiện của vòng xoay giữa trời với đất, giữa tương lai cánh chung và hiện tại lữ hành trong dòng lịch sử. Người là hình ảnh của niềm hy vọng đã được thực hiện[8], là chiếc neo[9] móc nối và liên kết toàn thể kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa dành cho nhân loại, Người quả là “bình minh của niềm hy vọng của chúng ta”[10].
4. Khởi đi từ một nền tảng chắc chắn của Truyền thống
Xét về truyền thống Kitô giáo, nên biết rằng đề tài Đức Maria dấu chỉ hy vọng không mới lạ; chủ đề này đã xuất hiện trong suy tư thần học và trong đức tin Hội thánh trước Công đồng Vaticanô II. Chỉ cần nhắc đến những lời của kinh Salve Regina, trong đó Đức Maria được kêu cầu như là “spes nostra”, niềm hy vọng của chúng con[11]. Vai trò của Đức Maria đối với niềm hy vọng Kitô giáo đã được diễn tả hùng hồn trong kinh nguyện. Chủ đề này cũng hiện diện, tuy gián tiếp, trong Kinh cầu Đức Mẹ qua các lời cầu khẩn “Auxilium christianorum” (Phù hộ các giáo hữu) “Refugium peccatorum” (Bàu chữa kẻ có tội) và trong nhiều bài ca kêu van Mẹ cứu giúp: nơi Người chúng ta đặt niềm hy vọng[12].
Đức Mẹ Phù hộ (Auxilium: trợ giúp) là đấng mà các tín hữu kêu cầu khi không còn hy vọng nào ở dưới trần nữa, khi bệnh hoạn và đau khổ, trước kinh nghiệm của cái chết, trước các thảm họa của chiến tránh và thiên tai: nhờ đặt tin tưởng vào Mẹ của niềm hy vọng và thương xót, các tín hữu lấy lại niềm hy vọng Kitô giáo. Các tín hữu xin Mẹ ơn chữa lành thể xác và tâm hồn, và như vậy, xin Người chuyển cầu ân huệ vĩnh cửu nơi Đấng có thể thực hiện tất cả mọi hy vọng của chúng ta.
II. Việc tiếp nhận Lumen gentium, số 68
Khi nghiên cứu bản văn Công đồng, chúng tôi muốn nêu bật những thành quả và những chiều hướng mà Công đồng đã mở ra.
Trước hết, chúng tôi sẽ tóm lại những nghiên cứu, dựa trên hướng đi mà Công đồng đã vạch ra, về truyền thống Kitô giáo về Đức Maria.
Thứ đến, chúng tôi sẽ tìm hiểu Huấn quyền của các giáo hoàng sau Công đồng, giải thích và áp dụng giáo huấn của Công đồng.
Sau cùng, chúng tôi sẽ thêm vào những hướng mới trong phụng vụ và trong lãnh vực đại kết.
1. Những lối diễn tả thần học về Đức Maria “dấu chỉ hy vọng”
Đức Maria, “dấu chỉ của hy vọng” (signum spei), không chỉ có nghĩa là một bản chỉ đường dẫn đến hy vọng, mà còn gói ghém cả nội dung của hy vọng nữa. Hơn nữa, đối với các nghị phụ Công đồng, Đức Maria là dấu chỉ của hy vọng chắc chắn, an toàn vượt trên những hy vọng rời rạc và tạm bợ. Thật vậy, hy vọng chắc chắn của Kitô giáo có phần đối nghịch với tính lạc quan của kinh nghiệm cuộc đời. Hy vọng Kitô giáo là cái gì vượt trên tính lạc quan trên đời, vừa vượt lên vừa bao gồm những hy vọng của con người. Dấu chỉ của hy vọng chắc chắn tiên vàn liên quan đến đời sống vĩnh cửu, là viên mãn của tất cả mọi ước ao của đời sống tốt đẹp. Hy vọng Kitô giáo, cùng với đức tin, nhắm đến việc đạt được những điều thiện mà người tin hữu ước ao, nhờ Chúa giúp[13].
Chúng ta có thể nhận thấy rằng đề tài “Đức Maria, dấu chỉ của hy vọng” đã được thần học sau Công đồng đọc lại dưới viễn cảnh của mối tương quan liên ngôi vị, dưới ánh sáng của các danh hiệu “Thánh mẫu Thiên Chúa” cũng như “Mẹ của Giáo hội”.
Làm thế nào giải thích Đức Maria như là dấu hiệu của hy vọng của chúng ta? Dùng tước hiệu nào để diễn tả tương quan giữa Đức Maria với hy vọng Kitô giáo? Chúng tôi xin ghi lại vài nét thần học về sự phát triển chủ đề nhờ sự thúc đẩy của Công đồng.
1.1 Mẹ của niềm hy vọng
Trước tiên, tương quan giữa Đức Maria và hy vọng được nhìn dưới chức vụ Thánh mẫu Thiên Chúa. Đức Maria là Mẹ của hy vọng, bởi vì Người đã sinh Đức Kitô là hy vọng của muôn dân: Đức Kitô là “hy vọng của chúng ta” (x. 1 Tm 1,1), Đức Kitô ở trong ta là “hy vọng của vinh quang” (x. Cl 1,27). Do đức tin vào Chúa Kitô mà các tín hữu kêu cầu Đức Maria là Mẹ của hy vọng.
Tước hiệu này đã xuất hiện trong một bài thánh ca cổ truyền, được Sách Phụng vụ Giờ kinh lấy lại trong lễ nhớ Đức Maria dâng mình vào đền thờ (21 tháng 11): “Salve, mater misericordiae, mater spei et mater veniae, mater Dei et mater gratiae, mater plena sanctae laetitiae” (Kính chào, mẹ của lòng khoan nhân, mẹ của hy vọng và ơn tha thứ, mẹ Thiên Chúa và mẹ ân sủng, mẹ của niềm vui chan chứa).
Thực ra, tình mẫu tử của Đức Maria khởi đầu từ Đức Giêsu, đã mở rộng đến toàn thể Hội thánh Đức Kitô, nâng đỡ hy vọng của Nhiệm Thể Đức Kitô và của từng người Kitô hữu. Khi sinh ra Đức Kitô là hy vọng của chúng ta, Đức Maria nâng đỡ với tình mẹ những con đường hy vọng của Hội thánh. Giữa lòng Hội thánh, Người là Mẹ của hy vọng, vì đã tham gia hữu hiệu vào lịch sử cứu độ, khởi đi từ tình trạng vinh hiển của mình.
1.2 Người phụ nữ của hy vọng
Trong giai đoạn hậu Công đồng, đề tài “dấu chỉ hy vọng” được phát triển theo chiều hướng nhân-học, cách riêng dựa theo những đặc tính của người phụ nữ khi đáp lại tiếng gọi của Thiên Chúa. Với lối tiếp cận này, Đức Maria là người phụ nữ của hy vọng bởi vì ở nơi Người đức tin, hy vọng và lòng mến đã đạt đến mẫu gương sáng ngời về việc đáp trả tiếng gọi cứu độ của Thiên Chúa, phủ quyện toàn thể con người của Mẹ và đưa Mẹ đến sự hoàn tất của hạnh phúc. Thật vậy, Đức Trinh nữ của chờ đợi và người Phụ nữ của mùa Vọng luôn tháp tùng mùa Vọng của Hội thánh, và đúng thực là Phụ nữ của hy vọng. Dấu chỉ của hy vọng chắc chắn, được mang vào trái đất nơi ngôi của Đức Giêsu, cũng có khuôn mặt của một phụ nữ, một người chị của chúng ta, được lấy từ dòng dõi loài người để – nhờ lời đáp Fiat- trở thành cộng sự viên của “Hy vọng” hiện thân nơi Thiên Chúa làm người.
Người phụ nữ yêu dấu này là phần tử thứ nhất của nhân loại đáp ứng hoàn toàn vào sự thực hiện và hoàn tất hy vọng. Nơi người nữ này, người đi theo Đức Kitô và Thánh linh của Ngài, ta lại gặp nhân loại được thành tựu nhờ các nhân đức hướng Chúa. Đức Maria đã được thành tựu sự sung mãn nhân bản nhờ đức hy vọng, được sách Giáo lý Hội thánh Công giáo mô tả như là: “nhân đức hướng Chúa, nhờ đó chúng ta khao khát Nước Trời và đời sống vĩnh cửu là vinh phúc của chúng ta, khi đặt lòng tin tưởng của chúng ta vào các lời hứa của Đức Kitô và cậy dựa vào sự trợ giúp của ân sủng của Thánh Linh, chứ không vào sức mạnh của chúng ta”[14].
1.3 Gương mẫu hy vọng
Ngoài ra, trong thần học sau Công đồng, Đức Maria còn là gương mẫu của hy vọng. Người là “dấu chỉ của hy vọng” thì cũng là “gương mẫu của hy vọng”, như chúng ta đọc thấy trong Kinh Tiền tụng của bài lễ kính Đức Trinh nữ Maria Mẹ của hy vọng. Theo nghĩa này, cá nhân của Người, là dấu chỉ hy vọng, định hướng mục tiêu và sự hoàn thành của đời sống nhân bản và Kitô hữu. Người là gương mẫu của các nhân đức hướng Chúa cần được thực hiện đến mức thành toàn.
Thực ra, ý nghĩa này đã được phát triển trong linh đạo của thánh Louis Marie de Montfort, khi cầu xin cho Đức Maria được bén rễ các nhân đức ở noi những người được tuyển chọn, ngõ hầu họ được tăng trưởng từ nhân đức này đến nhân đức khác và từ ơn này đến ơn kia, nhờ thế Người có thể diễn lại nơi các Kitô hữu, các nhân đức mà trước đây Người đã thực hiện khi còn tại thế: đức tin bất khuất, đức khiêm nhường sâu xa, sự khổ chế toàn diện, việc cầu nguyện cao siêu, lòng mến nồng nàng, hy vọng vững chắc[15].
1.4 Stella maris – ngôi sao hy vọng
Đây là một tước hiệu được “tái sinh” và phần nào được tiến triển thần học nhờ Đức Bênêđictô XVI, đặc biệt trong phần kết thúc thông điệp Spe salvi (số 49-50)[16]. Ngài cũng đề cập đến tước hiệu này vào nhiều dịp khác nhau.
Trong một diễn từ dành cho các thành viên Uỷ ban Thần học quốc tế, ngài đã kêu cầu “Ngôi sao hy vọng, đến hướng dẫn và che chở công việc quý báu của các thần học thực hiện cho Hội thánh và nhân danh Hội thánh”[17]. Lời cầu xin thật là có ý nghĩa: công tác thần học được liên kết với Ngôi sao hy vọng, vào một giai đoạn khó khăn của Hội thánh, và thần học có thể nhìn thấy nơi Đức Maria tiêu chuẩn để biết cách phát biểu đúng đắn về mầu nhiệm Thiên Chúa và Chúa Kitô. Chúng ta sẽ trở lại với huấn quyền của Đức Bênêđictô XVI sau này.
Xét về nguồn gốc, tước hiệu “Ngôi sao hy vọng” gợi lên hình ảnh “Stella maris”: sao biển. Đức Maria được nhiều tác giả cổ thời nhìn nhận như là ngôi sao soi dẫn đường đi[18]; nhưng bản văn thời danh nhất là của thánh Bênađô mời gọi hãy ngắm lên ngôi sao:
“Hỡi bạn, trên dòng đời, bạn có cảm giác bị chao đảo giữa phong ba bão tố chứ không yên hàn như khi đi trên đất liền, nếu bạn không muốn bị sóng đánh chìm, thì bạn hãy nhìn lên ánh sao rạng ngời này!
Nếu sóng gió của cơn cám dỗ nổi lên, nếu bạn thấy mình vấp vào các tảng đá, thì bạn hãy nhìn lên ngôi sao, hãy kêu Maria.
Nếu bạn bị lung lay với cơn sóng kiêu căng, hám danh, lăng mạ, ghen tương, thì bạn hãy lên ngôi sao, hãy kêu Maria.
Nếu cơn giận dữ, tính tham lam, dâm dục, ồ ạt làm lung lay chiếc thuyền của linh hồn bạn, thì bạn hãy ngước mắt về Maria.
Nếu bạn rụng rờn vì tội lỗi chồng chất, hổ thẹn vì lương tâm hoen ố, lo sợ vì sự phán xét công thẳng, nếu bạn thấy bị cuốn xoáy rơi xuống mồ của buồn phiền hoặc vực thẳm của thất vọng, thì bạn hãy nghĩ tới Maria.
Lúc gặp hiểm nguy, âu lo, nghi nan, thì bạn hãy chạy tới Maria, hãy khẩn cầu Maria.
Đừng để tên của Người bị miệng bạn khóa chặt, đừng để tên của Người xa cách trái tim của bạn; và để bạn đáng được Người giúp đỡ, bạn đừng bỏ qua việc bắt chước tấm gương của Người.
Đi theo Người, bạn sẽ không trệch đường, cầu xin Người, bạn sẽ không thất vọng; nghĩ đến Người, bạn sẽ không sai lầm.
Nếu Người nâng đỡ, bạn sẽ không ngã,
nếu Người che chở, bạn không phải sợ gì hết,
nếu Người hướng dẫn, bạn sẽ không mỏi mệt,
nếu Người phù giúp, bạn sẽ tới đích, và như vậy chính bạn sẽ cảm thấy thật đúng là “người trinh nữ tên là Maria”[19].
Sau này, thánh Louis Marie de Montfort sẽ nhấn mạnh rằng chức vụ của Sao biển là dẫn dắt tất cả mọi tín hữu đến bến an toàn của đời sống vĩnh cửu[20], bởi vậy cần ràng buộc các linh hồn với Đức Maria như là buộc vào chiếc neo chắc chắn bền vững[21].
Đức Bênêđictô XVI sẽ lấy lại những ý tưởng trên đây và khai triển thêm khi giải thích tước hiệu “Ngôi sao hy vọng”.
1.5 Bảo chứng hy vọng
Sau cùng, chúng ta có thể nhìn thấy nơi Đức Maria bảo chứng của hy vọng, như kinh Tổng nguyện bài lễ Đức Trinh nữ Maria Mẹ của hy vọng. Thực ra, Đức Bênêđictô XVI cũng đã dùng tước hiệu này trong lời kinh dâng lên Đức Mẹ Vô nhiễm nguyên tội, và đã giải thích như sau: “Ôi Maria, Kẻ đầy ân sủng. Tên của Mẹ là bảo chứng cho niềm hy vọng an toàn cho tất cả mọi tín hữu. Đúng vậy, như thi sĩ Dante đã viết, Mẹ là suối nguồn hy vọng (Paradiso, XXXIII, 12). Tại nguồn này, tại nguồn của Trái tim vô nhiễm của Mẹ, một lần nữa, chúng con là những người lữ hành đến múc niềm tin và an ủi, niềm vui và tình thương, yên ổn và an bình”[22].
Hẳn nhiên, Đức Kitô và thập giá là bảo chứng của hy vọng và cứu độ, bình an và cứu chuộc; nhưng Đức Maria cũng là thành phần của bảo chứng huyền nhiệm này do sự liên kết chặt chẽ với Con của Người. Bảo chứng là vật trao cho chủ nợ để cho người này được an tâm về món nợ, một thứ bảo đảm trên tài sản của người khác. Đức Maria tham gia vào công trình cứu độ của Đức Kitô, Đấng là bảo chứng đời sống vĩnh cửu cho chúng ta. Nhờ tham gia vào thập giá của Đức Kitô cho nên Đức Maria được ban cho chúng ta như dấu hiệu bảo đảm, bảo chứng cho niềm hy vọng vững chắc, cách riêng qua mầu nhiệm Mông triệu.
2. Đức Maria và hy vọng trong Huấn quyền hậu Công đồng
2.1 Đức Phaolô VI và “Mẹ của hy vọng, là Căn nguyên của nỗi vui thánh thiện”
Đức Phaolô VI đã để lại cho Giáo hội nhiều giáo huấn có giá trị về Thánh mẫu học. Chỉ cần nhắc đến tông huấn Marialis cultus, (2-2-1974) và bài giảng về sùng kính Đức Maria tại đền thánh Đức Mẹ Bonaria ở Cagliari (24-4-1970).
Về Đức Maria, Mẹ của hy vọng, Đức Phaolô VI có lẽ chỉ đề cập một lần, nhưng trong một bản văn và bối cảnh rất đặc biệt của niềm vui Kitô giáo: “Gần gũi với Đức Kitô, Mẹ thâu tóm nơi mình tất cả mọi niềm vui trọn vẹn được hứa cho Hội thánh: Mater plena sanctae laetitiae (Mẹ đầy sự vui mừng thánh thiện); và thật là chính đáng khi các con cái ở trên trần gian, khi hướng về Mẹ, đã kêu cầu Mẹ như là căn nguyên của nỗi vui mừng: Causa nostrae laetitiae (căn nguyên của nỗi vui mừng)»[23].
Sự vui mừng của Kitô giáo là hoa trái của hồng ân đức tin và hy vọng. Theo một nghĩa nào đó, một niềm vui đích thực và lâu bền chỉ có thể có được nhờ nhân đức hy vọng, nhân đức này được thâu tóm cách hoàn hảo nơi Đức Maria. Khác với sự vui vẻ chốc lát, niềm vui đích thực uốn nắn con tim phải làm thành phần của một kế hoạch hy vọng rộng lớn hơn.
2.2 Đức Gioan Phaolô II và “Mẹ của hy vọng”
Triều đại lâu dài của Đức Gioan Phaolô II đã mang nhiều cơ hội để đào sâu mối tương quan giữa Đức Maria và hy vọng[24]. Ngay từ lúc bắt đầu chức vụ giáo hoàng, ngài đã nói: “Đức Maria đứng trước mặt chúng ta như là tấm gương của hy vọng can đảm (…): Mẹ đã trải qua con đường hy vọng, đi từ sự mau mắn của hy vọng Do thái bước sang hy vọng Kitô giáo (…). Theo gương Mẹ, chúng ta cũng phải đứng vững trong hy vọng kể cả khi bão táp ập xuống Giáo hội, ví như con tàu tiến ra giữ những đợt sóng, không hiếm lúc thù nghịch, của những biến cố đời người”[25].
Trong chương trình chuẩn bị Năm Thánh 2000, năm thứ ba (1999) được dành cho Chúa Thánh Linh. Tương ứng với hướng này, đối với Đức Maria là tước hiệu “Mẹ hy vọng”. Đức thánh cha đã nhiều lần đề cập đến tước hiệu này[26], ra như thích hợp hơn cả để diễn tả mối liên hệ giữa Đức Maria với hy vọng, tuy vẫn không loại trừ những chiều kích khác[27].
Vào hai cơ hội quan trọng, trong hai tông huấn dành cho châu Âu và cho tác vụ của các giám mục, Đức thánh cha đã dựa vào Đức Maria Mẹ hy vọng.
Trong tông huấn Ecclesia in Europa ngài viết: “Đức Maria xuất hiện như hình ảnh của Hội thánh, được nuôi dưỡng bằng hy vọng, nhìn nhận tác động cứu độ và lân tuất của Thiên Chúa, đọc con đường của mình và tất cả lịch sử dưới ánh sáng của Chúa. Ngày nay Đức Maria vẫn còn giúp chúng ta giải thích các công chuyện của chúng ta bằng cách quy về Chúa Giêsu. Là thụ tạo được Thánh Linh nhào nắn, Đức Maria làm cho nhân đức hy vọng tăng trưởng nơi chúng ta”[28]. Trong lời khẩn cầu hướng đến “Mẹ của hy vọng và an ủi”, “Hừng đông của một thế giới mới”, Đức thánh cha xin “hãy tỏ ra là Mẹ của hy vọng và canh thức cho chúng con… xin ban Đức Giêsu cho chúng con! Xin làm cho chúng con đi theo và yêu mến Chúa, Đấng là hy vọng của Giáo hội, của châu Âu, của nhân loại… hy vọng của vinh quang”[29].
Với các giám mục, Đức Gioan Phaolô II khuyến khích hãy tìm nơi Đức Maria Mẹ hy vọng, Người hướng dẫn của đời sống tâm linh: “Giám mục cũng tìm thấy sự nâng đỡ cho đời sống tâm linh nơi sự hiện diện từ mẫu của Đức Trinh nữ Maria, Mater spei et spes nostra, (Mẹ của hy vọng và là hy vọng của chúng ta) theo như lời cầu của Hội thánh”[30].
Dưới cái nhìn lịch sử cứu độ, khi Đức Maria được đặt trong cuộc chiến đấu chống lại sự dữ trong suốt dòng lịch sử của nhân loại và của Hội thánh, Đức thánh cha viết: “Trước mặt Thiên Chúa, và cũng như trước mặt toàn thể nhân loại, Đức Maria là dấu chỉ bất biến của sự tuyển chọn về phần Thiên Chúa, theo lời thánh Phaolô “Trong Đức Kitô, Thiên Chúa đã chọn chúng ta ngay cả trước khi tạo thành vũ trụ … đã tiền định cho ta làm nghĩa tử (x. Ep 1,4). Sự tuyển chọn này mạnh mẽ hơn bất cứ cảm nghiệm gì về sự dữ và tội lỗi, mạnh mẽ hơn sự “thù nghịch” ghi dấu trên lịch sử mỗi người. Trong lịch sử này, Đức Maria là một dấu chỉ của niềm hy vọng chắc chắn”[31].
Chân lý này về Đức Maria là hệ luận trực tiếp của Kitô-luận: Đức Kitô, Con Đức Maria, là nguồn mạch vĩnh cửu và cội nguồn của hy vọng.
2.3 Đức Bênêđictô XVI và “Ngôi sao hy vọng”
Đức Bênêđictô XVI đã để lại nhiều giáo huấn và suy niệm về Đức Maria với hy vọng. Tuy vẫn duy trì tước hiệu “Mẹ hy vọng”[32], nhưng ngài thích tước hiệu “Stella spei”[33]. Trong bài giảng tại Lộ-đức ngày 14-9-2008, ngài đã giải thích lý do ấy: “Sứ điệp của Mẹ Maria là một sứ điệp hy vọng cho hết mọi người thời đại chúng ta thuộc bất kỳ nước nào. Tôi thích kêu cầu Đức Maria như là Ngôi sao hy vọng (Thông điệp Spe salvi, số 50). Trên con đường đời, thường là tăm tối, Mẹ là ánh sáng hy vọng soi chiếu và hướng dẫn con đường của chúng ta. Nhờ lời “xin vâng”, nhờ sự quảng đại trao hiến toàn thân mình, Mẹ đã mở cho Thiên Chúa cánh cửa của thế giới và của lịch sử chúng ta. Và Mẹ mời gọi chúng ta hãy sống như Mẹ trong một niềm hy vọng kiên cường, bằng cách khước từ nghe theo tiếng của những người nói rằng chúng ta là nô lệ của số mệnh. Nhờ sự hiện diện mẫu tử, Mẹ đồng hành với chúng ta giữa những biến cố của cá nhân, gia đình, quốc gia. Hạnh phúc thay những người đặt tin tưởng vào Đấng mà vào lúc dâng hiến mạng sống vì phần rỗi chúng ta, đã ban cho chúng ta Thân mẫu của Người để trở thành Thân mẫu của chúng ta”.
Trong bài diễn từ khi đến viếng tượng Đức Maria vô nhiễm tại Piazza di Spagna ở Rôma ngày 8-12-2007, ngài đã tự hỏi: “Người Mẹ chúng ta trên trời đã chẳng mời gọi chúng ta hãy tránh điều xấu và làm điều lành khi tuân giữ luật Thiên Chúa được khắc ghi trên tâm hồn mỗi người Kitô hữu đó sao? Người đã duy trì lòng hy vọng giữa cơn thử thách kinh hoàng, Người đã chẳng yêu cầu chúng ta đừng hoảng hốt khi đau khổ và sự chết đến gõ cửa nhà chúng ta đó sao? Người đã chẳng yêu cầu chúng ta hãy tin tưởng nhìn về tương lai đó sao? Đức Trinh nữ Vô nhiễm đã chẳng khuyên nhủ chúng ta hãy trở thành anh chị em với nhau, cùng nhau xây dựng một thế giới công bình hơn, liên đới hơn, hòa bình hơn đó sao? Đúng thế, thưa các bạn ! (…) Giáo hội cho thế giới thấy Đức Maria như dấu chỉ của hy vọng vững chắc và của cuộc chiến thắng vĩnh viễn của thiện trên ác”[34].
Cách đây vài năm, Đức thánh cha viết cho các bạn trẻ: “Trên con đường tâm linh, Đức Trinh nữ Maria, Mẹ hy vọng, đồng hành với chúng ta. Kẻ là hiện thân của niềm hy vọng của dân Israel, đã ban cho thế giới Vị Cứu thế, và đã đứng dưới chân thập giá với niềm hy vọng kiên cường, Người trở nên tấm gương và chống đỡ cho chúng ta. Nhất là Đức Maria chuyển cầu cho chúng ta và dìu dắt chúng ta trong cảnh tối tăm của những khó khăn để tiến đến bình minh sáng rực của cuộc gặp gỡ Chúa Phục sinh. Các bạn trẻ thân mến, tôi muốn kết thúc sứ điệp này bằng cách lặp lại lời khuyên của thánh Bênađô dựa vào tước hiệu Stella maris, Sao biển, của Đức Maria: “Hỡi bạn, trên dòng đời, bạn có cảm giác bị chao đảo giữa phong ba bão tố chứ không yên hàn như khi đi trên đất liền, nếu bạn không muốn bị sóng đánh chìm, thì bạn hãy nhìn lên ánh sao rạng ngời này! Nếu sóng gió của cơn cám dỗ nổi lên, nếu bạn thấy mình vấp vào các tảng đá, thì bạn hãy nhìn lên ngôi sao, hãy kêu Maria. Đi theo Người, bạn sẽ không trệch đường, cầu xin Người, bạn sẽ không thất vọng; nghĩ đến Người, bạn sẽ không sai lầm. Nếu Người nâng đỡ, bạn sẽ không ngã; nếu Người che chở, bạn không phải sợ gì hết; nếu Người hướng dẫn, bạn sẽ không mỏi mệt; nếu Người phù giúp, bạn sẽ tới đích” (Những bài giảng ca ngợi Đức Trinh nữ Thánh Mẫu, 2,17)”[35].
Chỉ cần đọc lại thông điệp Spe salvi thì đủ rõ tư tưởng của Đức Bênêđictô XVI về tương quan giữa Đức Mẹ với hy vọng. Ở số 49, ngài viết: “Qua một thánh thi đã có từ thế kỷ VIII/IX, nghĩa là đã hơn một ngàn năm, Hội thánh kính chào Đức Maria, Thiên Mẫu như là “ngôi sao biển cả”: Ave maris stella. Cuộc đời con người là một cuộc lữ hành. Đi về đâu? Làm thế nào tìm ra lối đi? Cuộc đời cũng giống như một hành trình trên biển của lịch sử, thường là tối tăm và sóng gió, khi đó chúng ta nhìn các tinh tú chỉ đường cho chúng ta. Những ngôi sao đích thực là những người đã sống cuộc đời chân chính. Học là những ánh sáng hy vọng. Hẳn nhiên, Đức Giêsu là ánh sáng đúng nghĩa, là mặt trời loé lên giữa tăm tối của lịch sử. Nhưng để đi đến với Người, chúng ta cần đến những ánh sáng gần gũi – những con người mang lại ánh sáng lấy từ ánh sáng của Người và cống hiến cho chúng ta sự định hướng cho chuyến đi. Thử hỏi có người nào hơn Đức Maria để có thể trở nên ngôi sao hy vọng – với lời “xin vâng” Mẹ đã mở cửa thế giới chúng ta cho Thiên Chúa; Mẹ đã trở nên Hòm bia giao ước, nơi đó Thiên Chúa làm người, trở nên một người như chúng ta, đã cắm lều ở giữa chúng ta (x. Ga 1,14)?”
Đức Bênêđictô XVI nhìn Đức Maria giữa những tâm hồn khiêm tốn và vĩ đại của dân Israel, những người như ông Simeon mong chờ sự an ủi cho Israel (x. Lc 2,25), như bà Anna mong chờ ơn cứu độ cho Giêrusalem (x. Lc 2,38), như những người sống theo Kinh thánh và mong chờ hy vọng hứa cho ông Abraham và miêu duệ (x. Lc 1,55). Mẹ đón nhận “Đấng mà Israel hy vọng và thế giới đời chờ”[36].
Trong dấu chỉ hy vọng, Đức thánh cha đọc lại tất cả cuộc đời của Đức Maria dưới hình thức một cuộc đối thoại thân tình và cầu nguyện: “Nhờ Mẹ, qua tiếng thưa vâng của Mẹ, hy vọng của biết bao thế kỷ đã trở thành hiện thực, bước vào trần gian và lịch sử. Mẹ đã cúi đầu kính cẩn trước chức vụ cao cả này và thưa: “Này đây, tôi là nữ tì của Thiên Chúa, xin hãy xảy đến cho tôi điều mà thiên sứ đã nói” (Lc 1,38). Khi tràn ngập niềm vui thánh thiện, Mẹ nhanh chóng băng ngang núi đồi xứ Giuđê để đến nhà họ hàng Elizabeth, Mẹ trở thành hình ảnh của Hội thánh tương lai, Hội thánh cũng mang trong lòng niềm hy vọng của thế giới băng ngang những núi đồi của lịch sử. Nhưng bên cạnh niềm vui mà Mẹ đã toả lan qua mọi thời đại bằng lời ca tiếng hát, trong kinh Magnificat, Mẹ cũng đã trải nghiệm những lời tuyên bố tối tăm của các ngôn sứ về sự đau khổ của người Tôi Tớ Chúa ở trần gian. Về sự sinh hạ của Người tại hang đá Belem, ánh quang của các thiên sứ đã mang tin vui cho các mục đồng, nhưng đồng thời, sự nghèo khó của Thiên Chúa ở trần gian này. Cụ già Simeon đã nói với Mẹ về lưỡi gươm sẽ đâm thấu trái tim (x. Lc 2,35), về dấu chứng của sự chống đối mà Con của Mẹ phải chịu ở trần gian”.
Dưới ánh sáng của thần học Fiat, bài suy niệm tiếp tục về con đường lữ thứ của người Mẹ và môn sinh của Con Mình: “Khi Đức Giêsu bắt đầu cuộc đời công khai, Mẹ phải rút lui, ngõ hầu có thể lớn lên một gia đình mới, gia đình mà Người đã đến để thiết lập và phát triển nhờ sự đóng góp của những người lắng nghe và tuân giữ lời của Người (x. Lc 11,27tt). Mặc cho vẻ uy nghi và hân hoan đánh dấu lúc Người xuất hiện lần đầu tiên tại hội đường Nazaret, Mẹ đã phải cảm nghiệm thực chất của lời nói về “dấu chứng của sự chống đối”(x. Lc 4,28tt.). Như thế Mẹ đã thấy gia tăng sức thù nghịch và khước từ dần dần nổi lên chung quanh Đức Giêsu cho đến giờ thập giá, khi mà Mẹ phải nhìn thấy Đấng Cứu độ thế gian, thừa tự của vua Đavit, Con Thiên Chúa chết như một kẻ thất bại, trở thành trò chế nhạo giữa các tội nhân. Mẹ đã đón nhận lời nói: “Thưa bà, đây là con của bà!” (Ga 19,26). Từ thập giá Mẹ đã nhận lãnh một sứ mạng mới. Từ thập giá Mẹ đã trở người Mẹ theo cách thức mới: Mẹ của tất cả những ai muốn tin vào Đức Giêsu là Con của Mẹ và đi theo Người. Lưỡi gươm đau khổ đâm thâu qua trái tim của Mẹ”. Một câu hỏi tự nhiên nảy lên: : “Hy vọng đã chết rồi ư? Thế giới sẽ dứt khoát không còn ánh sáng, cuộc đời không còn mục đích nữa sao?”. Tuy nhiên câu hỏi ấy không phải là không có giải đáp, và Đức Bênêđictô tìm thấy vào lúc Đức Maria được ơn kêu gọi, và bây giờ được lặp lại: “Trong giây phút ấy, có lẽ từ thâm tâm Mẹ lại nghe lời của thiên sứ đáp lại sự sợ hãi vào lúc truyền tin: “Này Maria, đừng sợ!” (x. Lc 1,30). Biết bao nhiêu lần Chúa Giêsu, Con của Mẹ, đã nói với các môn đệ: Đừng sợ! Trong đêm tối của Golgota, Mẹ lại nghe lời ấy một lần nữa. Trước khi bị trao nộp, Người đã nói với các môn đệ: “Can đảm lên! Thầy đã thắng thế gian” (Ga 16,33). “Tâm hồn các con đừng xao xuyến, và đừng sợ hãi” (Ga 14,27). “Này Maria, đừng sợ!” Vào giờ phút ở Nazaret thiên sứ cũng nói với Mẹ rằng: “Triều đại của Người sẽ vô cùng vô tận” (Lc 1,33). Phải chăng triều đại này đã kết thúc trước khi nó bắt đầu ư? Không, kề bên thập giá, dựa vào chính lời của Đức Giêsu, Mẹ đã trở thành Mẹ của những ai có lòng tin. Trong lòng tin ấy, lòng tin trở thành sự chắc chắn của niềm hy vọng kể cả trong cảnh tối tăm của ngày Thứ Bảy thánh, Mẹ đã đi gặp buổi sáng Phục sinh”. Kể cả giữa đêm tối kinh hoàng như ngày Thứ Bảy thánh, Đức Maria vẫn ôm ấp trong mình tất cả hồng ân của đức tin và hy vọng cho đến lúc gặp lại cộng đoàn của Chúa Phục sinh: “Niềm hân hoan của sự phục sinh đã đánh động trái tim của Mẹ và đã liên kết Mẹ cách mới mẻ với các môn đệ sẽ trở thành gia đình của Chúa Giêsu nhờ lòng tin. Như thế Mẹ đã ở giữa cộng đoàn các tín hữu; sau khi Chúa Giêsu lên trời, họ đã đồng tâm cầu xin ơn Thánh Linh (x. Cv 1,14) và họ đã nhận Thánh Linh vào ngày lễ Ngũ tuần. “Triều đại” của Đức Giêsu khác với cách thức mà người đời có thể quan niệm. “Triều đại” này bắt đầu từ giờ ấy và không bao giờ tận. Như thế Mẹ ở giữa các các môn đệ như là người Mẹ, Mẹ của hy vọng. Thánh Maria, Mẹ của Thiên Chúa, Mẹ của chúng con, xin dạy chúng con biết tin tưởng, hy vọng và yêu mến cùng với Mẹ. Xin dạy chúng con đường dẫn đến Triều đại của Chúa! Hỡi ngôi sao của biển cả, hãy chiếu soi chúng con và dẫn dắt chúng con trên đường đời!”[37].
Khi chú ý lắng nghe lời của Đức thánh cha, chúng ta nhận thấy mối liên hệ giữa Đức Maria với hy vọng và niềm vui. Niềm vui đích thực chỉ phát sinh nơi người nào hy vọng thực sự. Đây là một nét căn bản và cốt yếu trong giáo huấn của ngài, Trong bài giảng thánh lễ khai mạc cuộc Loan báo tin mừng cách mới mẻ hồi tháng 10 năm 2011, ngài đã giới thiệu Đức Maria cho các tín hữu khám phá rằng mình là những người loan báo Tin mừng cho thế giới, cách khiêm tốn và can đảm, đơn sơ và khôn khéo, hiền lành và mạnh mẽ: “Đức Trinh nữ Maria, kẻ đã không sợ đáp lại lời Chúa bằng tiếng Xin Vâng, Mẹ đã lên đường, lòng đầy hân hoan và hy vọng; ước gì Mẹ luôn luôn là mẫu gương và kẻ hướng dẫn anh chị em”[38].
3. Đức Trinh nữ Maria Mông triệu và Mẹ hy vọng trong phụng vụ Rôma
Giáo huấn của Công đồng Vaticanô II về Thánh mẫu, được Huấn quyền tiếp theo giải thích, đã mang lại một động lực mới cho phụng vụ và lòng đạo đức kính Đức Mẹ. Đoạn văn ngắn gọn của Lumen gentium số 68 cũng vậy: nó đã soi sáng và định hướng cho kinh nguyện của Giáo hội. Ở đây chúng tôi chỉ trưng dẫn ba thí dụ để cho thấy những lời của Công đồng đã được đưa vào bản văn phụng vụ Thánh lễ.
3.1 Lễ Đức Mẹ hồn xác lên trời được cử hành với những lời của Lumen gentium
Giáo huấn của số 68 Hiến chế Lumen gentium được đưa vào Kinh tiền tụng lễ Đức Mẹ hồn xác lên trời trong nghi điển Rôma[39]. Đức Tin của Giáo hội được phát biểu bằng những lời của công đồng: “Hôm nay, Đức Trinh nữ Maria, thân mẫu Đức Kitô (…) được đưa vào vinh quang thiên quốc. Nơi Người là khởi đầu và hình ảnh của Hội thánh, Cha đã mặc khải sự hoàn tất của mầu nhiệm cứu độ và đã làm sáng lên cho dân của Cha còn lữ hành dưới đất, một dấu chỉ của lòng hy vọng vững chắc và niềm an ủi. Cha đã không muốn Người chịu cảnh hư nát trong mồ, vì Người đã sinh hạ Đấng ban sự sống cho mọi loài”[40].
3.2 Một bài lễ kính Mẹ hy vọng
Trong Hợp tuyển các bài lễ kính Đức Mẹ do Bộ Phụng tự xuất bản năm 1986, những lời của số 68 Lumen gentium được đưa vào Thánh lễ kính “Đức Maria Mẹ của lòng hy vọng”[41], với Kinh Tiền tụng như sau: “ Lạy Cha, ca ngợi và tạ ơn Cha, thật là phải đạo, bởi vì Cha đã ban cho chúng con tác giả ơn cứu độ nơi Đức Kitô và gương của hy vọng nơi Đức Trinh nữ Maria. Người nữ tì khiêm tốn của Cha đã đặt tất cả niềm tín thác nơi Cha: Người trông đợi trong hy vọng và sinh hạ trong lòng tin Người Con của Cha, được các ngôn sứ loan báo; với lòng mến nồng nàn, Người đã hợp tác với công trình của Đức Kitô và trở nên Mẹ của tất cả mọi sinh linh. Người là trưởng nữ của ơn cứu chuộc và chị cả của các con cái Ađam. Hết những ai đang hướng về sự tự do sung mãn đều nhìn lên Người như dấu chỉ của hy vọng vững bền và an ủi, cho tới khi nào Ngày của Chúa bừng sáng lên”.
3.3. Hiệp thông cầu nguyện với Đức Maria, dấu chỉ của hy vọng vững bền
Sau cùng, Kinh Tiền tụng IV kính Đức Mẹ trong Sách Lễ Rôma cũng lấy lại đề tài của bản văn Công đồng. “Liên kết cách lạ lùng với mầu nhiệm cứu chuộc, Người đã kiên trì với các Tông đồ để cầu nguyện đang khi chờ đợi Thánh Linh; ngày nay, Người chiếu soi trên con đường của chúng con như dấu chỉ của lòng an ủi và hy vọng chắc chắn”[42].
Như vậy, huấn quyền của Công đồng đã trở thành lời cầu nguyện của Hội thánh vào thời buổi hôm nay, đang cần đến cái nhìn hiền mẫu của Đấng đầu tiên được Cứu chuộc, ngõ hầu phản chiếu tia hy vọng vào hành trình.
4. Bản hợp ca của hai số cuối cùng của hiến chế Lumen gentium: củng cố sự hợp nhất Hội thánh
Cần ghi nhận sự trùng hợp của hai số cuối cùng của Lumen gentium dành cho Đức Maria: Dấu chỉ của sự hy vọng vững chắc và của an ủi ở số 68 (mà chúng ta đang bàn) được tiếp nối với viễn tượng đại kết: Đức Maria chuyển cầu cho sự hợp nhất của các Kitô hữu (số 69), đây cũng là một dấu chỉ cụ thể của niềm hy vọng cho Giáo hội: “Vì thế thánh Công đồng rất vui mừng khi thấy nhiều người trong số anh em ly khai tỏ lòng tôn kính lên Mẹ của Đấng Cứu độ, đặc biệt là những anh em Đông Phương, là những người rất nhiệt thành sùng kính Đức Thánh mẫu trọn đời đồng trinh. Ước gì mọi tín hữu kiên trì cầu nguyện kên Mẹ Thiên Chúa và Mẹ loài người, ngõ hầu, cũng như Mẹ đã trợ giúp Hội thánh mới khai sinh, thì ngày nay khi được tôn vinh trên tất cả các thánh và các thiên thần, trong sự hiệp thông của các thánh, Mẹ chuyển cầu bên cạnh Chúa Con, cho đến khi nào hết mọi gia đình dân tộc, dù họ mang danh Kitô hữu hay chưa biết Đấng cứu độ của mình, đều được quy tụ thành một dân tộc duy nhất của Thiên Chúa, trong bình an và thuận hoà, để tôn vinh Ba Ngôi chí thánh và bất khả phần”.
Người ta có thể chờ đợi vấn nạn được nêu lên chung quanh mối liên hệ giữa Đức Maria và hy vọng. Thật vậy, Đức Kitô là “spes nostra” (hy vọng của chúng ta) và nguồn gốc của ơn cứu độ và của hy vọng không thể nào chuyển sang cho một ái khác. Tuy vậy, điều này không loại bỏ mà còn siết chặt hơn sự thông hiệp giữa các môn đệ của Đức Kitô: họ nâng đỡ lẫn nhau trong hy vọng, trong số đó nổi bật sự nâng đỡ hữu hiệu của một người môn đệ mang tên là Maria.
Trong cuộc đối thoại đại kết, liên quan đến đề tài đang bàn, Bản Tuyên ngôn Seattle do Uỷ ban quốc tế đặc trách đối thoại giữa Công giáo và Anh giáo thật là quan trọng. Văn kiện kết thúc cuộc đối thoại về Thánh-mẫu-học mang tựa đề rất ý nghĩa: Đức Maria: ân sủng và hy vọng trong Đức Kitô[43]. Cũng như đối với các văn kiện đại kết, đây chỉ là một tài liệu nghiên cứu, một bản văn tạm thời không mang tính cách huấn quyền, nhưng nó thúc đẩy thần học Công giáo và Anh giáo đào sâu thêm đề tài để tìm kiếm sự hợp nhất đầy đủ. Trong bản văn này, các nhà thần học Công giáo và Anh giáo đã nhìn Đức Maria như là mẫu gương của ân sủng và hy vọng, tìm cách tái khẳng định đức tin về Mẹ Thiên Chúa và Mẹ Hội thánh khởi đi từ mối dây ràng buộc với Ân sủng và Hy vọng. Như vậy, với cuộc đối thoại đại kết, Đức Maria là dấu chỉ hữu hiệu của hy vọng, chứ không phải là trở ngại cho sự hợp nhất đầy đủ.
III. Kết luận: sự tiến triển thần học của một đề tài
1. Giáo huấn của Công đồng về Đức Maria “dấu chỉ của hy vọng vững vàng và của niềm an ủi” đã được tiếp nhận nồng nhiệt trong những thập niên gần đây, và đã thúc đẩy việc đào sâu thêm cũng như mở ra vài hướng đi mới.
Khởi đi hạt nhân Kitô-luận và Giáo-hội-luận, người ta đã đào sâu thêm chiều kích nhân luận, nghĩa là trong lãnh vực ân sủng và nhân đức, và như vậy khai triển thêm mối tương quan giữa Đức Maria đối với thần học luân lý và tâm lý[44]. Trong tương lai, có thể tìm hiểu thêm tương quan giữa Đức Maria với niềm hy vọng được nảy sinh từ đức tin và được nuôi dưỡng nhờ lòng mến. Sự suy tư này cũng cần thiết dưới phương diện mục vụ, bởi vì ở thời đại hôm nay, các tín hữu cần hiểu rõ hơn lý do của niềm hy vọng của mình. Điều này cũng cần thiết trong lãnh vực đối thoại đại kết, bởi vì không thể nào né tránh đạo lý về Thánh mẫu học trong truyền thống của các Giáo hội Chính thống và Tin Lành. Về điểm này, tài liệu đối thoại giữa Công giáo và Anh giáo là một thí dụ điển hình và hữu ích.
2. Đức Maria “dấu chỉ – mẹ – ngôi sao của hy vọng”: đó là sự tiếp nhận và giải thích bản văn Công đồng về phía các giáo hoàng, cách riêng do Đức Gioan Phaolô II và Đức Bênêđictô XVI, với những điểm nhấn riêng dựa trên viễn ảnh của mỗi vị, nhưng có thể bổ sung cho nhau. Cách riêng hai số cuối cùng của thông điệp Spe salvi có thể xem như cao điểm của giáo huấn Giáo hoàng về mối tương giữa Đức Maria với hy vọng.
Hai số này không chỉ là kết luận thông thường mang tính Thánh mẫu như vốn quen gặp trong các thông điệp, nhưng là một sự suy niệm mang tính đạo lý thâm thuý về bản thân Đức Maria dưới ánh sáng hy vọng. Những số này không chỉ ôn lại những đoạn văn Kinh thánh viết về Đức Mẹ, nhưng qua đó Đức Bênêđictô XVI đã đọc thấy một sứ điệp đạo lý quan trọng: Đấng diễm phúc ngự ở bên cạnh Thiên Chúa cũng là một tia sáng gần gũi để soi chiếu đường đi của chúng ta, một ngôi sao dẫn đường, một tinh tú đồng hành với kẻ lữ hành và chiếu sáng giữa đêm tối của thế gian, giữa bão tố tăm tối của lịch sử, giữa những thảm cảnh của thời buổi hiện tại. Chiều kích cánh chung của Đức Maria cần được đọc trong mầu nhiệm hiệp thông các thánh, luôn phản chiếu chứ không làm lu mờ ánh sáng của người Con của Mẹ, là Mặt trời cứu độ mọc lên cho thế giới. Thông điệp Spe salvi không bỏ qua sự hợp tác của Mẹ vào kế hoạch của Thiên Chúa, trong đó vạn vật, gồm bởi những con người nam nữ hôm qua cũng như hôm nay, đang cần đến những ánh sáng của các môn đệ chân chính của Đức Kitô, họ đang cần đến ánh sáng của Christus totus, của Hội thánh là Thân thể của Đức Kitô, và Đức Maria toả lên một tia sáng đặc biệt trong cộng đồng ấy. Mẹ thật là dấu chỉ của hy vọng.
Như vậy, đã có sự tiến triển thần học rõ rệt. Điều này cũng ảnh hưởng đến lòng tôn sùng cá nhân và cộng đoàn của các tín hữu. Đồng thời tước hiệu “Ngôi sao hy vọng” cũng có thể mở ra nhiều hướng mới về đạo lý cũng như về lòng đạo đức. Một thí dụ có thể thấy nơi những lần “Ngôi sao hy vọng” được giới thiệu cho các vị giám mục để thúc đẩy kế hoạch “loan báo Tin mừng cách mới mẻ”. Thật vậy, “ngôi sao hy vọng” cũng là “ngôi sao của việc loan báo Tin mừng”, hướng dẫn các mục tử và đoàn chiên trên đường loan báo, phổ biến, thông truyền đức tin[45].
3. Việc đón nhận giáo huấn của Công đồng không chỉ dừng lại ở phạm vi suy tư thần học (intellectus fidei) hoặc những văn kiện của Huấn quyền. Đoạn văn ngắn ngủi của Lumen gentium cũng trở thành chất liệu cho lời kinh của Giáo hội, đặc biệt là phụng vụ cử hành Thánh Thể. Một chân lý của Công đồng dựa trên tín điều Đức Mẹ hồn xác lên trời đã trở thành lời cầu nguyện của Hội thánh: phụng vụ đã dùng những lời của Công đồng để cầu xin ơn an ủi và củng cố niềm hy vọng cho dân Chúa[46].
———————–
[1] G. Philips, La Chiesa e il suo mistero. Storia, testo e commento della Costituzione Lumen gentium, Jaca Book, Milano 1993 (nguyên bản tiếng Pháp: L’Église et son mystère, Desclée & Cie, Paris 1967), 578.
[2] Cfr C. García Llata, «La doctrina mariana de la Lumen gentium en la teología católica postconciliar», Ephemerides Mariologicae 56, n. III (2006) 255-284; R. Calì, C. Carvello, D. Marcucci, edd., Maria Assunta, segno di speranza per l’umanità in cammino: atti del 9° Colloquio internazionale di mariologia, Caltanissetta, 15-17 novembre 2000, 50° anniversario della definizione dogmatica dell’Assunzione, AMI-Associazione mariologica interdisciplinare italiana, Roma 2007.
[3] Về lịch sử việc soạn thảo chương VIII của hiến chế Lumen gentium xin coi : E. Toniolo, La Beata Maria Vergine nel Concilio Vaticano II: cronistoria del capitolo VIII della Costituzione dogmatica “Lumen gentium” e sinossi di tutte le redazioni, Centro di Cultura Mariana “Madre della Chiesa”, Roma 2004, và thu gọn trong bài viết: Id., «Vicissitudini nel processo di elaborazione del capitolo VIII della Costituzione del vaticano II sulla Chiesa», Ephemerides Mariologicae 56, n. III (2006) 217-236. Xem thêm: F. Gil Hellín, ed., Concilii Vaticani II synopsis in ordinem redigens schemata cum relationibus necnon patrum orationes atque animadversiones: constitutio dogmatica de Ecclesia Lumen gentium, Libreria Editrice Vaticana, Città del Vaticano 1995.
[4] ĐGH Gioan Phaolô II, Thông điệp Redemptoris Mater về Đức Trinh nữ Maria diễm phúc trong cuộc sống của Hội thánh lữ hành, (25-3-1987), số 2 . Về mối liên hệ giữa Đức Maria với hy vọng trong thông điệp này, xem : B. Fernández, «Maria de la fe, Maria de la esperanza», Ephemerides Mariologicae 38 (1988) 277-294.
[5] Về chú giải Lumen gentium 68 có thể xem: G.-P. Ziviani, «Maria segno di sicura speranza», Theotokos XV, n. 1 (2007) 296-316.
[6] Vaticanô I, Hiến chế tín lý Dei Filius, chương 4: DS 3016; Vaticanô II, Hiến chế tín lý Dei Verbum, n. 12.
[7] X. L. Scheffczyk, «Il dogma dell ’Assunzione corporea di Maria nell’insieme della fede», in Id., Maria, crocevia della fede cattolica, ed. M. Hauke, Eupress, Lugano 2002, 117-133.
[8] Về nhân đức hy vọng, trong số thư tịch dồi dào, chúng tôi chỉ muốn trưng ra vài tựa đề để cho thấy những lối tiếp cận khác nhau : J. Alfaro, Esperanza cristiana y liberación del hombre, Herder, Barcelona 1972; D. Barsotti, Fede, speranza, carità nella vita cristiana, Edizioni Opera della Regalità, Milano 1993; G. Bortone, ed., La speranza: indagine biblico-teologico-letteraria. XXII corso biblico, ISSRA: Studio biblico teologico aquilano, L’Aquila 2002; R. Fabris, Attualità della speranza, Paideia, Brescia 1984; C. Fabro – S. Gatto, La speranza: impegno di Dio, impegno dell’uomo, Edizioni del Teresianum, Roma 1972; G. Frosoni, Il ritorno della speranza: una nuova teologia, una nuova spiritualità, Edizioni Dehoniane, Bologna 2005; P. Grelot, Nelle angosce la speranza. Ricerca biblica,Vita e pensiero, Milano 1986; P. Grelot, La speranza ebraica al tempo di Gesù, Borla, Roma 1981; M. Lubomirski, Vita nuova nella fede, speranza, carità, Teologia: saggi, Cittadella editrice, Assisi 2000; S. Mosso, «Speranza», in G. Barbaglio – G. Bof – S. Dianich, Teologia. Dizionario San Paolo, San Paolo, Milano 2002, 1531-1542 (con un ampia nota bibliografica); J. Ratzinger, Guardare Cristo, Esercizi di Fede, Speranza e Carità, Jaca Book, Milano 1989; G. Visonà, La speranza nei Padri, Edizioni Paoline, Milano 1993; D. Vitali, Esistenza cristiana: fede, speranza e carità, Queriniana, Brescia 2001.
[9] X. Ioannes Đamascenus, Homilia I in Dorm. Beatae ViriginisMariae, 14: PG 96,719.
[10] ĐGH Bênêđictô XVI, Diễn từ cho Hội nghị Thánh mẫu học lần thứ 23 , Castel Gandolfo, 8-9-2012.
[11] «Salve Regina, Mater misericordiae. Vita, dulcedo et spes nostra, salve. Ad te clamamus..».
[12] X. A. Ziegenaus, «Hoffnung, als Mutter der Hoffnung», in: R. Bàumer – L. Scheffczyk, edd., Marienlexikon, vol. VIII, Eos Verlag, Erzabtei St. Ottilien 1991, 227-228; Id., «Die Gestalt Mariens in Glaubensleben der Kirche», in: G. Rovira, ed., Die Mutter der schönen Liebe. Die Marienverehrung im Leben der Kirche und der Christen, Naumann, Würzburg 1982, 45-63
[13] X. Tommaso d ’Aquino, Compendio di teologia, n. 545.
[14] Sách Giáo lý Hội thánh Công giáo, số 1817. Xem thêm A. Amato, «Con Maria sulle vie dello Spirito nella speranza», in: Nel vento dello Spirito. Per una esistenza trasfigurata, USMI, Roma 1988, 128-137; Id., «Maria, madre e maestra dei discepoli e dei testimoni della speranza», Theotokos 2 (2008) 205-230; C. Militello, «Maria donna di speranza», in Sperare. Forza e fatica del vivere cristiano, Teresianum, Roma 1994, 177-198.
[15] T. Louis Marie de Montfort, Thành thực sùng kính Đức Maria, số 37.
[16] Thư tịch sơ lược về thông điệp: K. Charamsa, «La recezione della Lettera Enciclica Spe salvi di Benedetto XVI. Una prima rassegna di bibliografia italiana», AlphaOmega 11, n. 3 (2008) 463-472; cách riêng S. De Fiores, «Maria, stella della speranza», Rivista di Teologia Morale 158 (2008) 181-190; A. Langella, «Maria donna della speranza nella Spe salvi», Asprenas. Rivista di Teologia 55, n. 1 (2008) 139-160; B. Honings, Semplice e umile lavoratore nella vigna del Signore. Guida alle encicliche di Benedetto XVI in occasione del 60° della sua ordinazione sacerdotale, Libreria Editrice Vaticana, Città del Vaticano 2011, passim.
[17] Discorso ai Membri della Commissione Teologica Internazionale, Vaticano, Sala dei Papi, 2 dicembre 2011.
[18] Chẳng hạn như : Eucher de Lyon, Isidoro de Sevilla, Beda Venerabilis, Alcuin, Fulbert de Chartres, etc. X. I.M. Calabuig, «L’appellativo “Stella maris” da Girolamo a Bernardo: schede per un repertorio», Marianum 44 (1992) 411-428.
[19] Bernardo di Chiaravalle, Sermone II super Missus, in Opera, vol. IV, in: Testi Mariani del Secondo Millennio, Città Nuova, Roma.
[20] Louis Marie de Montfort, Thành thực sùng kính Đức Maria, số 209.
[21] Louis Marie de Montfort, Thành thực sùng kính Đức Maria, số 175.
[22] ĐGH Bênêđictô XVI, Lời cầu xin Đức Mẹ vô nhiễm nguyên tội, Roma, Piazza di Spagna, (8-12-2006) .
[23] ĐGH Paolo VI, Tông huấn Gaudete in Domino (9-5-1975), số IV.
[24] X. S.M. Perrella, Ecco tua madre (Gv 19,27). La Madre di Gesù nel magistero di Giovanni Paolo II e nell’oggi della Chiesa e del mondo, San Paolo, Cinisello Balsamo (MI) 354-375. Riêng về giáo huấn của đức Gioan Phaolô về hy vọng, có thể xem: A. Gandera, La speranza cristiana nell’insegnamento di Giovanni Paolo II. L’unità tra l’aspetto trascendentale e orizzontale, Pontificia Università San Tommaso Angelicum, Roma 1998.
[25] Bài giảng Thánh lễ tại Êphêsô (30-11-1979), số 5.
[26] Một vài thí dụ: Bài giảng tại Guadalupe, Mexico, (27-1-1979), n. 3; Angelus (28-8-1983), n. 2; Sứ điệp, (18-1-1991), đoạn 3; Kinh dâng hiến cho Đức Mẹ Fatima (13-5- 1991); Tiếp kiến chung, (13-5-1992) và (22-11-1995); Sứ điệp (2-6-1996), n. 6; Angelus (8-12-1997), n. 3; Bài giảng lễ an táng Hồng y Eduardo Pironio (7-2-1998), n. 6; Diễn từ, (18-3- 2000), đoạn 4; Angelus (2-12-2001), n. 3; Bài giảng (1-1-2002), n. 1; Angelus (10-8-2003), n. 2.
[27] Trong buổi tiếp kiến ngày 13-10-2004, Đức Maria được gọi là “Người Phụ nữ hy vọng”; trong diễn từ ngày 13-11-1990 “Ngôi sao hy vọng”, vv.
[28] Tông huấn hậu thượng hội đồng Ecclesia in Europa về Đức Giêsu Kitô, hằng sống trong Hội thánh, nguồn mạch hy vọng cho châu Âu (28-6-2003), số 125.
[29] Ibidem.
[30] Tông huấn hậu thượng hội đồng Pastores gregis về Giám mục, kẻ phục vụ Tin mừng Chúa Giêsu cho niềm hy vọng của thế giới (16-10-2003), số. 14.
[31] Thông điệp Redemptoris Mater về Đức Trinh nữ Maria trong cuộc đời của Hội thánh lữ hành (25-3-1987), số 11.
[32] Ngoài thông điệp Spe salvi (30-11- 2007), n. 50, xem Bài giảng lễ (2-12-2006), và (1-12-2007); Angelus (8-12-2007); Diễn từ (2-5-2009). Nên thêm Lời nguyện xin Đức Mẹ Thiên Tân (năm 2008)cầu cho các Kitô hữu Trung quốc: Lạy Mẹ hy vọng, giữa tối tăm của ngày thứ bảy tuần thánh, với lòng tín thác can trường Mẹ đã đi đến buổi sáng Phục sinh, xin ban cho con cái Mẹ khả nảng phân định trong tất cả mọi hoàn cảnh, dù tắm tối mấy đi nữa, những dấu hiệu của sự hiện diện âu yếm của Thiên Chúa”.
[33] Ngoài thông điệp Spe salvi, số 49-50; có thể xem: Diễn từ, (8-12-2007) và (13-12-2007); Thư (1-3- 2008); Angelus (18-5-2008); Bài giảng lễ , Santa Maria di Leuca (14-6-2008); Lời cầu nguyện Madonna della Quercia, Viterbo (6-9- 2009); Sứ điệp Urbi et Orbi, Lễ Phục sinh 2009: “Hội thánh cầu nguyện, khẩn xin Đức Maria, Ngôi sao Hy vọng, hãy hướng dẫn nhân loại tới bến an toàn của sự cứu độ là trái tim của Đức Kitô, Hy lễ Vượt qua, Chiên đã cứu chuộc trần gian, Kẻ vô tội đã hoà giải chúng ta là tội nhân với Chúa Cha”.
[34] Diễn từ khi đi kính viếng Đức Mẹ Vô nhiễm, Roma, Piazza di Spagna, 8-12-2007.
[35] Sứ điệp nhân ngày Quốc tế bạn trẻ lần thứ XXIV (22-2-2009), 11.
[36] Spe salvi 50.
[37] Spe salvi 50
[38] Bài giảng Thánh lễ cho cuộc loan báo Tin mừng cách mới mẻ, Vaticanô, (16-10-2011), số 9.
[39] Về việc tiếp nhận giáo huấn Thánh-mẫu-học vào phụng vụ nói chung, xem: J.M. Ferrer, «La recepción de la mariologia conciliar en los nuevos libros litúrgico des el Concilio vaticano II», EphemeridesMariologicae 56, n. III (2006) 237-254.
[40] Sách Lễ Rôma, Lễ Trọng Đức Mẹ Hồn Xác lên trời. Tiền tụng.
[41] Hợp tuyển các bài lễ kính Đức Mẹ, Mẫu số 17 (Những tước hiệu nói lên sự cộng tác của Đức Maria vào việc thăng tiến đời sống tâm linh của các tín hữu). Sách này chưa được dịch sang tiếng Việt.
[42] Sách Lễ Rôma, Tiền tụng IV kính Đức Mẹ (không được dịch sang tiếng Việt).
[43] Cfr Anglican-Roman Catholic International Commission (ARCIC II), Mary: Grace and Hope in Christ: Maria: grazia e speranza in Cristo, Dichiarazione di Seattle: http://www.vatican.va/roman_curia/pontifical_councils/chrstuni/angl-comm-docs/rc_pc_chrstu-ni_doc_20050516_mary-grace-hope-christ_it.html. Về Đức Maria với cuộc đối thoại đạt kết xem G.M. Bruni, «La Vergine Maria nei documenti ecumenici», in E. Toniolo, ed., Il magistero mariano di Giovanni Paolo II. Percorsi e punti salienti, Centro di Cultura Mariana “Madre della Chiesa”, Roma 2006, 269-296, e più ampiamente in: G. Bruni, Mariologia ecumenica, Approcci, documenti, prospettive, EDB, Bologna 2009, pp. 245 ss.
[44] X. S. DE FIORES, Maria nella vita secondo lo Spirito, Piemme, Casale Monferrato 1998.
[45] X. Diễn từ dành cho các giám mục các xứ truyền giáo Castel Gandolfo,(7-9-2012), số 6: Angelus, (6-1- 2007) số 3; Diễn từ (20-1-2007) số 14, Angelus (6-1-2011), số 3, Sứ điệp nhân ngày Quốc tế Truyền giáo năm 2012; vv.). Ngôi thánh đường đầu tiên tại Rôma được ngài làm lễ cung hiến mang tước hiệu “Đức Maria, ngôi sao của việc loan báo Tin mừng” (Bài giảng ngày 10-12-2006).
[46] Chú thích của người dịch. Thiết tưởng cũng cần nhắc đến số 972 của Sách Giáo lý Hội thánh Công giáo. Dưới tựa đề “Đức Maria, icon cánh chung của Hội thánh”, Sách Giáo lý trích dẫn số 48 LG để kết thúc đoạn bàn về vai trò của Đức Maria trong Hội thánh, trong đó có việc cầu nguyện cùng Mẹ và với Mẹ (xem thêm số 2679). Liên quan đến chiều kích cánh chung, có thể xem thêm hai bài huấn giáo của Đức Gioan Phaolô II: “Đức Maria icon cánh chung của Hội thánh” (tiếp kiến chung ngày 14-3-2001); “Đức Maria người lữ hành đức tin, ngôi sao của thiên niên kỷ thứ ba” (tiếp kiến chung ngày 21-3-2001).