Đức Giêsu – Con Người Của Niềm Tin Trong Tin Mừng Theo Thánh Gioan

0
1408


Đức Cha Giuse Võ Đức Minh,

Giám mục Giáo Phận Nha Trang,

Chủ Tịch Ủy Ban Thánh Kinh / HĐGM Việt Nam

 

Hegel có một câu nói bất hủ: “Das Wahr ist das Ganz” (Cái thật là cái toàn diện).

Câu nói trên vẽ ra cho chúng ta một chân trời thật rộng lớn: chỉ khi nào đạt tới toàn diện sự vật, đạt tới mọi chiều kích của vấn đề, chúng ta mới có thể xem như mình đã thấu triệt sự thật tàng ẩn trong sự vật, trong vấn đề đó. Áp dụng câu nói trên vào các sách Tin Mừng, chúng ta càng thấy chí lý: các sách Tin Mừng đều viết về Đức Giêsu Kitô, con Thiên Chúa, Đấng Cứu Thế. Tuy cùng là những dòng chứng tá về Đức Giêsu, nhưng các tác giả Tin Mừng đã chọn bốn hướng khác nhau. Bốn hướng này, tuy có nhiều nét khác biệt nhau, nhưng đều mang những giá trị đặc biệt để đạt tới cái toàn diện của vấn đề. Và như vậy, nếu chúng ta đúc kết 4 sách Tin Mừng lại với nhau, nghiên cứu các hướng đi, các quan điểm thần học, chúng ta có khả năng bắt gặp con người thật của Đức Giêsu, trong tư cách vừa là Đấng Cứu Thế, vừa là Con Thiên Chúa.

Thánh Matthêu đã đồng hóa chứng tá của mình với chứng tá của Cộng đoàn Hội Thánh khi trình bày Đức Giêsu Kitô là Đấng kiện toàn Lời Hứa. Người đến để thiết lập một vương quốc gọi là Nước Trời hay Nước Thiên Chúa, bằng các bài giảng huấn và hành động cứu thế.

Thánh Marcô đã mặc lấy tâm tình của người môn đệ, sử dụng lối văn chấm phá, vẽ lại một cách sống động khuôn mặt Vị Thầy khả kính khả ái. Người luôn di chuyển. Người nói và hành động liên tục. Lời nói và việc làm của Người có sức thu hút đám đông. Người ở giữa mọi người, nhưng vượt ngoài tầm tay mọi người. Người là Vị Thầy lữ hành.

Thánh Luca viết Tin Mừng trên cơ sở Lịch sử cứu độ. Vì thế, để gặp được Đức Giêsu, Luca mời gọi chúng ta hòa tan niềm tin của mình vào niềm tin của toàn thể Hội Thánh. Trong cái nhìn đức tin, ta thấy được hoạt động của Chúa Thánh Thần trong sứ mạng cứu thế của Đức Giêsu và từ đó, Người đến với chúng ta trong tư cách Người Tôi Tớ của Thiên Chúa, dịu hiền – khiêm tốn.

Còn thánh Gioan lại đặt chứng tá của mình trong chứng tá của Thánh Thần về Đức Giêsu Kitô. Nói cách khác, chính Thánh Thần đã làm chứng về Đức Giêsu Kitô qua tâm tình và ngòi bút của Gioan. Chứng tá của Thánh Thần, chứng tá của Gioan nhằm mục đích trình bày Đức Giêsu Kitô chính là con người của niềm tin.

Như vậy, các sách Tin Mừng quả là những tác phẩm lịch sử, được soi dẫn bởi một đức tin sống động, một đức tin chia sẻ trong Cộng đoàn Dân Chúa. Các sách Tin Mừng bó buộc độc giả phải có một lựa chọn dứt khoát: tin theo hoặc chối từ Đức Giêsu. Và bởi vì sứ điệp Tin Mừng dựa trên một nhân vật lịch sử là Đức Giêsu người thành Nazareth, nên một khi tin vào sứ điệp đó tức là tin vào các biến cố bao quanh con người Giêsu Nazareth. Vì vậy, đức tin của kitô hữu phải là một đức tin lịch sử (foi historique).

Khi nhận định về sự khác biệt giữa các sách Tin Mừng, Blaise Pascal có một câu nói khá sâu sắc: “Có nhiều tác giả Tin Mừng để xác nhận sự thật và sự khác biệt của họ thật là hữu ích”. Mọi chiều kích, mọi thành phần, mọi nhân tố đều có những giá trị riêng và khi cùng nhau xác nhận một sự thật, thì chắc chắn “cái thật” của Tin Mừng sẽ được bộc lộ một cách phong phú nhờ vào “cái toàn diện” của nó.

DẤU CHỈ CỦA NIỀM TIN

Trong đoạn kết sách Tin Mừng, thánh Gioan ghi rõ: “Đức Giêsu đã làm trước mặt các môn đồ nhiều dấu lạ khác nữa, không viết lại trong sách này. Các điều đã viết đây là để anh em tin rằng: Đức Giêsu chính là Đức Kitô, Con Thiên Chúa; và bởi tin thì anh em được có sự sống nhờ Danh Ngài” (20,30-31).

Từ ngữ “dấu lạ” ở đây phải hiểu là “dấu chỉ” (tiếng Hylạp: sêmeia). Trong Tin Mừng thứ tư, thánh Gioan lưu ý chúng ta đặc biệt hai dấu chỉ trong phần đầu tác phẩm của mình ở chương 2: 2,1-11: dấu chỉ rượu ở Cana; và 2,13-25: dấu chỉ đền thờ ở Giêrusalem.

Sau khi được Gioan Tẩy Giả giới thiệu (1,19-36) và sau khi đã chọn các môn đệ tiên khởi (1,35-51) – mục đích là để họ nghe, thấy và làm chứng – , Đức Giêsu đã thực hiện hai dấu chỉ cốt khơi lên và mời gọi niềm tin trong tâm hồn các môn đệ.

Dấu chỉ rượu trong bối cảnh tiệc cưới ở Cana nhằm bộc lộ cho mọi người biết Người là Đấng Cứu Thế. Trong truyền thống Kinh Thánh Cựu Ước, nhất là theo hình ảnh biểu trưng của ngôn sứ Isaia, rượu là thức uống đặc biệt mà Đấng Cứu Thế sẽ thết đãi Dân Người trong thời Thiên Sai (x. St 9,20 ; Ds 13,21 ; St 49,11-12 ; Is 2,2-3 ; 25,6 ; 56,6-8 ; 60,11-14 ; Dcr 8,20 và 14,16 ; Mc 2,22t ; 1 Cr 10,16…). Và bởi Người là Đấng Cứu Thế, nên Người lệ thuộc vào thời gian và không gian. Chúng ta sẽ nhận biết Người là Đấng Cứu Thế trong “giờ” của người (x. Ga 2,4 ; xem thêm 7,30 ; 8,20 ; 12,23 ; 13,1). Dấu chỉ rượu sẽ trở nên hiển nhiên, rõ ràng và thực hiện một cách đầy đủ và trọn vẹn trong “giờ” của Đức Giêsu. “Giờ” đó chính là giờ của cuộc khổ nạn, giờ của thập giá. Trước dấu chỉ đó, “các môn đồ đã tin vào Ngài” (Ga 2,11). Như vậy, qua dấu chỉ rượu, Đức Giêsu mạc khải Người là Đấng Cứu Thế. Và mọi người sẽ nhận ra khuôn mặt của Đấng Cứu Thế trong “giờ” của Người: đó là giờ khổ nạn và thập giá. Vì thế, trong tư cách là Đấng Cứu Thế, Đức Giêsu tiến đến giờ thập giá, giờ Người phải chết.

Trong khi đó, dấu chỉ đền thờ mang một sắc thái khác. Với dấu chỉ này, Đức Giêsu bày tỏ cho mọi người biết Người là Con Thiên Chúa. Thật vậy, Người công bố cho mọi người biết đền thờ là nhà Cha của Người (Ga 2,16). Người còn thách những người Do Thái cứng lòng tin: “Phá Đền Thờ này đi! Và trong ba ngày, Ta sẽ dựng lại” (Ga 2,19). Người muốn nói về Đền Thờ thân xác mình, bởi lẽ, Đền Thờ là nơi Thiên Chúa ngự, nơi có sự hiện diện của Thiên Chúa. Như thế, khi tự đồng hóa con người của mình với Đền Thờ, Đức Giêsu minh nhiên công bố Người là Con của Thiên Chúa. Và vì là Con Thiên Chúa, nên Người đã để lòng nhiệt thành đối với nhà Cha Người nghiền nát cả mình Người (Ga 2,17 ; x. Tv 69,10). Rồi, khi dấu chỉ ấy thành sự, tức là khi Người sống lại từ trong cõi chết, các môn đồ “đã tin vào Kinh Thánh và vào lời Đức Giêsu đã nói” (Ga 2,22).

Với hai dấu chỉ này, Đức Giêsu mạc khải thân thế và sứ vụ của Người. Vì là Đấng Cứu Thế, Người sẽ tiến đến giờ của mình, là giờ thập giá ; nhưng vì là Con Thiên Chúa, nên Người sẽ sống lại. Chết và sống lại thực hiện điều mà hai dấu chỉ trên loan báo. Từ đó, các môn đệ “đã tin vào Người”. Đó là những dấu chỉ của niềm tin.

LỜI NÓI TẠO NIỀM TIN

Thánh Matthêu đã cho chúng ta biết Đức Giêsu là Vị Thầy giảng dạy. Có thể nói, trọng tâm Tin Mừng Matthêu xoay quanh năm bài giảng của Đức Giêsu về Nước Trời. Còn thánh Gioan lại tạo cơ hội cho chúng ta thấu hiểu và quán triệt mọi hành động của Đức Giêsu. Nói cách khác, Gioan muốn chúng ta hãy dùng cái nhìn của chính Đức Giêsu để giải thích mọi sự việc xảy ra. Trong chiều hướng đó, Gioan muốn chúng ta trực diện với Đức Giêsu, với con người có lời nói tạo niềm tin này. Thật vậy, lời nói đầu tiên của Đức Giêsu mà thánh Gioan chú ý ghi lại trong tác phẩm của mình chính là một câu hỏi, kèm theo một lời mời gọi: “Các ngươi tìm gì?” – (Rabbi, Ngài lưu lại ở đâu ?) “Hãy đến mà xem!” (Ga 1,38-39). Câu hỏi và lời mời gọi này luôn được lập lại với những ai muốn gặp Đức Giêsu, muốn tiếp xúc với Người cũng như muốn biết Người. Lời Đức Giêsu khiến họ phải suy nghĩ. Lời Đức Giêsu khiến họ phải lựa chọn. Sức mạnh của lời nói Đức Giêsu bộc lộ qua các câu chuyện trao đổi giữa Người với Nicôđêmô (Ga 3,1-21), với người phụ nữ Samari (Ga 4,1-41), và với viên quan chức ngoại giáo ở Galilê (Ga 4,43-53).

Nicôđêmô là mẫu người tiêu biểu cho giới biệt phái, giới lãnh đạo, bậc thầy trong Dân Chúa. Ông đã tìm đến với Đức Giêsu, đã nghe Người nói chuyện, đã được lời Người phá tan khối tự mãn trong con người của ông. Thay vì tranh luận với Đức Giêsu, thì ông đã được lời Người dẫn từ suy nghĩ này qua suy nghĩ khác; có chăng là ông chỉ thốt lên vài câu hỏi biểu lộ sự ngạc nhiên, phơi bày những thắc mắc, thiếu sót của mình trên con đường tìm Nước Thiên Chúa.

Người phụ nữ Samari là nhân vật tiêu biểu cho giới lạc giáo, giới bị xã hội Do Thái khinh bỉ, xếp ngang hàng với phường tội lỗi. Bà cũng đã được nghe lời nói của Đức Giêsu. Lời Người đã soi sáng tâm hồn bà, đưa bà từ thái độ dửng dưng ban đầu (Ga 4,9) đến thái độ gắn bó (4,15); rồi từ một suy nghĩ về tôn giáo (4,20) đến một chọn lựa cơ bản là tin và làm chứng về Người cho đồng hương của mình (4,29.39-42).

Viên quan chức ở Galilê là nhân vật tiêu biểu cho lương dân, cho những người chưa bao giờ nghe nói về Đấng Cứu Thế, hoặc có nghe nhưng đều hiểu sai lệch. Khi nghe tin Đức Giêsu xuất hiện, ông đã quyết định “đi gặp Ngài” (Ga 4,47). Trước lời nói của Đức Giêsu: “Ông hãy đi! Con ông sống!”, thánh Gioan đã ghi lại phản ứng của ông ấy như sau: “Người ấy đã tin vào lời Đức Giêsu nói với mình và đi về” (4,50). Từ thái độ tin vào lời Đức Giêsu – ông tin ngay, dầu chưa thấy được dấu chỉ nào, dầu không có cuộc tranh luận nào, dầu quá khứ của mình không được lời Người phơi bày như trường hợp người phụ nữ Samari -, ông đã chọn một quyết định dấn thân sâu xa và triệt để hơn, “ông đã tin làm một với gia đình ông” (4,53).

Với ba mẫu người trên, thánh Gioan muốn giới thiệu với chúng ta khuôn mặt của toàn thể nhân loại trên con đường tìm về nước Thiên Chúa. Cả ba mẫu người này đều được tiếp xúc và nghe lời Đức Giêsu nói với mình. Cả ba đã có những lời đáp trả với những cường độ khác nhau và cả ba đều đã có kinh nghiệm như nhau, là lời nói của Đức Giêsu đã tạo nên niềm tin trong đời sống của họ.

HÀNH ĐỘNG CỦNG CỐ NIỀM TIN

Thánh Gioan đã ghi lại nhiều hành động mà Đức Giêsu đã thực hiện trong quá trình rao giảng Tin Mừng. Mỗi hành động đều mang một ý nghĩa mạc khải đặc biệt, hoặc về sứ mạng cứu thế của Người, hoặc về mầu nhiệm Nước Thiên Chúa. Và bởi thế, mỗi hành động đều nhằm mục đích củng cố niềm tin những ai đã chọn lựa đi theo Người. Việc Đức Giêsu chữa lành người mù từ lúc mới sinh trong bối cảnh lễ Lều ở Giêrusalem thật đầy đủ ý nghĩa (Ga 9,1-41). Dịp lễ Lều, toàn dân cử hành trong vòng một tuần lễ các nghi lễ hoài niệm thời gian sa mạc, thời gian du mục của tổ tiên mình. Đó là “thời gian của mối tình đầu” giữa Thiên Chúa và Dân Người – nói theo kiểu các ngôn sứ, cách riêng là Hôsê, Giêrêmia và Êzêkiel. Trong dịp lễ đó, dân chúng tụ họp tại Giêrusalem và cử hành một cách đặc biệt các nghi lễ “Kiệu Nước” và “Rước Ánh Sáng”. Nước và Ánh Sáng tượng trưng cho Đức Chúa, cũng như hồng ân của Người đối với dân trong thời sa mạc. Khi dân khát, Người đã cho dân nước từ tảng đá; khi dân phải di chuyển ban đêm, Người đã trở nên cột lửa soi dẫn bước đi. Phát xuất từ ý nghĩa của dịp lễ, Đức Giêsu đã chữa lành người mù từ lúc mới sinh. Người truyền lệnh cho anh phải đi tới rửa mắt ở suối Silôam (nghĩa là suối “Kẻ được sai đi”) để mắt anh được sáng mà trông thấy. Nước và sự sáng đối với người mù là cả một nguồn hạnh phúc. Nước đó phát xuất từ suối “Kẻ được sai đi” – tức là Đấng Mêsia, Đấng được Thiên Chúa sai đến -, và sự sáng là do việc anh mù tin vào lời Đức Giêsu mà hành động.

Như vậy, qua việc chữa lành mắt anh mù, Đức Giêsu như muốn đồng hóa mình với suối nước, với sự sáng trong dịp lễ Lều. Người muốn mạc khải chân tính của Người: Người là Vị Chúa của dân (= sự sáng) và là Quà Tặng Thiên Chúa ban cho Dân (= nước). Trước những hành động chứa đựng nhiều ý nghĩa như trên mà Đức Giêsu đã thực hiện, những ai khiêm tốn như anh mù, những ai nhận biết mình là người có tội, sẽ được thấy, được hiểu để rồi được đi trong sự sáng. Đó là tình trạng của anh mù được chữa lành: “Lạy Ngài, tôi tin!” (9,38). Ngược lại, những ai tự mãn, tự cho mình là công chính, tự cho mình là quan tòa của anh em mình, cứ tưởng rằng mình thấy, mình đã hiểu ơn cứu độ để rồi không cần tin vào lời mạc khải của Người, thì sẽ lui dần về trong bóng tối. Bởi vì: “Chính để phán xét mà Ta đã đến trong thế gian, ngõ hầu kẻ không thấy thì được thấy, còn kẻ thấy được thì hóa đui mù” (Ga 9,39).

Con người Giêsu Kitô trong Tin Mừng thứ tư quả thật lạ lùng. Người đặt ta vào thực tế cuộc sống, vào các sinh hoạt thông thường của con người, để xuyên qua mọi dấu chỉ, lời nói, hành động, Người muốn ta khám phá ra sự sống đích thực nhờ biết đặt niềm tin nơi Người.