Học Viện Đaminh
NHỮNG THẮC MẮC VỀ GIÁO LUẬT ĐỜI SỐNG THÁNH HIẾN
***
CÁC DÒNG TU
(Điều 607 – 709)
***
VẤN ĐỀ 12
ĐỜI SỐNG TU TRÌ
(đ. 573 §1, 607 §1 và 3)
Đời sống tu trì (vita religiosa) là một cách thức thực hiện cụ thể đời sống thánh hiến trong Giáo Hội, theo đã được định nghĩa nơi điều 573 §1.
A. Đời sống tu trì dưới khía cạnh khách thể
Đời sống này bao gồm:
– Một sự hiến thân cơ bản, “sự hiến dâng toàn thân cho Thiên Chúa”,[1] hàm ngụ một mối liên kết thiêng liêng với Thiên Chúa, nghĩa là một sự “trao hiến toàn vẹn cho Thiên Chúa mà mình yêu mến trên hết mọi sự”. Nhìn trong mối tương quan sinh động với Ba Ngôi, thì đó là: bước theo Đức Kitô, dưới sức tác động của Thánh Linh, để “trao hiến trọn vẹn cho Chúa Cha” nhằm thi hành một sứ mạng mang ba chiều kích là: tôn vinh Thiên Chúa, xây dựng Giáo Hội, cứu rỗi thế giới, với một mục tiêu cánh chung: sự trọn hảo của đức ái trong việc phục vụ Nước Chúa.
– Trở nên một dấu chỉ sáng ngời trong Giáo Hội để tiên báo vinh quang thiên quốc.
– Một lối sống độc đáo: “Tuyên khấn các lời khuyên Phúc âm” (x. đ. 575) theo nghĩa của Hiến chế Lumen Gentium số 39 và 46, Sắc Lệnh “Perfectae Caritatis” (Canh Tân Thích Nghi Ðời Sống Dòng Tu), số 5, và được nói rõ hơn nơi Hiến chế Lumen Gentium số 42-44 về một lối sống bền vững.
Như vậy, đời sống tu trì là một trong những cách thức sống đời thánh hiến, nghĩa là đời sống tu trì của các Dòng tu không phải là tất cả “đời sống thánh hiến”, bởi vì còn có những hình thức khác nữa, chẳng hạn như các ẩn sĩ, các trinh nữ tận hiến, và những hình thức mới của đời sống thánh hiến.
B. Đời sống tu trì dưới khía cạnh ý nghĩa
Hiểu theo nghĩa chặt chẽ, đời sống tu trì của các dòng tu biểu lộ sự kết hợp phu thê giữa Chúa Kitô và Giáo Hội:[2] ở đây, sự kết hợp này mang một ý nghĩa cánh chung: đời sống tu trì tuy nằm ở trong thời gian của cõi nhân sinh, nhưng nhờ sự tận hiến, vạch ra một chân trời khác bên kia dòng lịch sử.[3]
C. Đời sống tu trì xét về phía chủ thể tận hiến cho Thiên Chúa
Thật vậy, đời sống tu trì thành hình nhờ những con người (nam và nữ) cam kết dấn thân, nghĩa là diễn ra đời sống của mình sự dâng hiến cuộc đời cho Thiên Chúa. Điều này có nghĩa là:
“Hoàn tất sự trao hiến trọn vẹn như một hy lễ dâng lên Thiên Chúa”. Tính cách “hoàn tất trọn vẹn” có nghĩa là không chút dè giữ, được diễn tả theo ngôn ngữ Kinh thánh dưới thuật ngữ “hy lễ toàn thiêu”,[4] nghĩa là để cho Thiên Chúa chiếm đoạt hoàn toàn con người của mình.
Đòi hỏi tính cách bền vững: đây không phải là một hành động nhất thời nhưng kéo dài suốt đời người; vì thế việc dâng hiến hàm ngụ lòng trung tín cho đến chết.
“Một việc thờ phượng liên lỉ dành cho Thiên Chúa, trong đức ái”. Đối với Thánh Tôma Aquinô, hy tế là một hành vi thờ phượng bên ngoài diễn tả tâm tình thờ phượng bày tỏ lòng tôn kính dành riêng cho một mình Thiên Chúa. Điều này diễn ra trong đức ái, là nguyên ủy của việc phó dâng mình cho Ngài, tìm cách gắn bó kết hiệp với Ngài.[5]
– Đối với thế gian, việc tuyên khấn mang theo yêu sách làm chứng cho Chúa Kitô. Việc tuyên khấn đặt người tu sĩ trong đoàn những người bước theo Chúa Kitô, đồng thời cũng đặt họ vào vai trò chứng nhân, theo nghĩa là đứng về một phía trong một phiên tòa. Đây là ý nghĩa của việc “tách biệt khỏi thế gian”, bởi vì người chứng phải tách rời khỏi đám đông để lên tiếng. Dĩ nhiên cách thức làm chứng và đối chất với thế gian tùy thuộc vào sáng kiến riêng của mỗi Dòng, làm sao cho lòng nhiệt thành tông đồ “góp phần vào công trình cứu chuộc và mở rộng Nước Thiên Chúa”.[6]
[1] Tông huấn “Evangelica Testificatio” (Chứng tá Phúc Âm), các số 1, 4, 7, 9, 22, 49, 56; Hiến chế “Lumen Gentium”, số 46; Sắc Lệnh “Perfectae Caritatis” (Canh Tân Thích Nghi Ðời Sống Dòng Tu), số 5.
[2] Hình ảnh này cũng được Giáo Hội dùng khi nói về Bí tích Hôn Nhân Kitô giáo.
[3] Về hôn lễ huyền diệu như công trình của Thiên Chúa. Xem Hiến chế “Lumen Gentium”, số 44; Sắc Lệnh “Perfectae Caritatis” (Canh Tân Thích Nghi Ðời Sống Dòng Tu), số 12.
[4] Xem Sắc Lệnh “Perfectae Caritatis” (Canh Tân Thích Nghi Ðời Sống Dòng Tu), số 2.
[5] Xem: Thánh Tôma Aquinô, Tổng Luận Thần Học, II-II, q 85
[6] Sắc Lệnh “Perfectae Caritatis” (Canh Tân Thích Nghi Ðời Sống Dòng Tu), số 5.