Đời Sống Thánh Hiến Với Lời Khấn

0
3036


Lm. Đaminh Trần Xuân Thảo

 

Người ta kể một câu chuyện thiền như sau: Có một Tu sĩ trẻ kia được sư phụ cho phép xuống núi để đi hành hương. Giữa trưa hè nóng bức anh tìm đến một gốc cây để nghỉ chân, Không có sẵn gối, anh lượm lá cây và rơm rạ cuốn lại thành chiếc gối để gối đầu.

Bên gốc cây có một giòng suối, một số cô gái trẻ có thói quen đến để lấy nước. Nhìn thấy người tu sĩ đang lim dim ngủ, họ nói nhỏ với nhau: “Xem kìa người thanh niên này đã chọn con đường tu trì, nhưng không thề ngủ mà không có gối để gốỉ đầu. Anh ta đã cố gắng bó rơm rạ để làm cho bằng được cái gối để gối đầu”.

Nói thế rồi các cô gái tiếp tục đi xuống núi. Anh tu sĩ trẻ nghĩ thầm: “Những cô này có lý khiđưa ra những nhận xét như thế”. Nghĩ như vậy rồi anh ta liền quẳng cái gối bằng rơm đi và ngả đầu trên mặt đất.

Từ giòng suối đi lên, những người con gái liếc nhìn người tu sĩ đang nằm dài trên mặt đất, không chiếu chăn, không gối kê đầu, họ liền che miệng cười khúc khích và kháo láo với nhau: “Thật là một chàng trai dễ thương. Nhưng thật đáng tiếc, anh ta đã quẳng cái gối đi chỉ vì lời nhận xét của chúng mình. Anh ta tìm cách làm vừa lòng con gái chúng mình hơn là làm đẹp lòng Thiên Chúa của anh ta”.

Không những người tu sĩ kia mà nhiều người khác trong chúng ta cũng đã có những thái độ ấy trong đời sống tu trì của mình. Chúng ta sống đời sống tu trì bằng những cái bên ngoài hơn là tình yêu của chúng ta dành cho Chúa. Nguyên nhân nào đưa đến tình trạng này? Thật ra có nhiều nguyên nhân, nhưng ở đây, chúng ta chỉ bàn tới một điểm thách đố là sống thiếu lửa trong lời khấn, dưới những khía cạnh :

A. Hiểu như thế nào về Lời Khấn

1. Theo nghĩa thông thường

Lời khấn là một lời hứa tự nguyện và có suy nghĩ, cam kết với Chúa, sẽ làm một điều gì tốt đẹp, một điều mà làm thì tốt hơn là không làm. Người khấn phải ý thức rằng nếu vi phạm lời khấn mình sẽ phạm một tội rất đặc biệt. Một lời khấn có mức ràng buộc nhiều hay ít nghĩa là không làm sẽ mắc tội (nặng hay nhẹ) tùy theo ý hướng của người khấn. Nếu ta khấn một điều gì nghiêm trọng thì kể như là ta đã có ý ràng buộc mình với lời khấn tới mức nếu không làm sẽ phạm tội nặng. Lời khấn làm tăng giá trị cuộc sống của những hành vi nhân linh vì một vài lý do. Nhờ lời khấn linh hồn được liên kết với Chúa bằng một quan hệ thờ phượng mới; vì thế những hành vi làm theo lời khấn cũng là những hành vi thờ phượng và bởi đó có nhiều công trạng hơn. Khi khấn người ta giao cho Chúa cả tự do cuộc sống của mình, hy sinh các tự do có thể làm khác đi, tựa như một người không những thỉnh thoảng nộp hoa trái mà cho cả cây sinh hoa trái ấy nữa. Lời khấn còn giữ gìn ta khỏi rơi vào sự yếu đuối của con người, vì khi đã khấn ta không còn gì để do dự hay thay đổi thất thường vì đã thuộc về Người trọn vẹn. Mục đích của lời khấn là để kêu cầu ơn Chúa giúp ta trung thành cho đến khi thực hiện xong lời khấn dâng cho đến khi chết, nếu là khấn vĩnh viễn.

2. Theo nghĩa luân lý

Lời khấn là một lời hứa với Thiên Chúa được tiến hành một cách tự do. Người tín hữu sống quyết định chu toàn một hành vi có cùng đích vì tình yêu nhưng không hoặc để tỏ lòng biết ơn. Tất cả các Tôn giáo đều biết đến hình thức tế tự này: Dâng hiến, lời hứa, trong một nghi thức hoặc là không có nghi thức. Thánh Kinh đơn cử một vài ví dụ (Lv 22,21; 27,1-8; Đnl 12,6-12). Giáo hội nhấn mạnh đến sự bó buộc giữ lời khấn. Người nào không chu toàn lời hứa mình đã tự do cam kết, người ấy chế nhạo danh Thiên Chúa (Xh 20,7). Sự bó buộc tham dự vào tính cách thần thánh của Đấng mà lời hứa ấy được ngỏ. Dĩ nhiên là nó sẽ có tính cách triệt để hơn khi lời khấn được nói lên một cách công khai dù đó là các Bí tích Rửa tội, Thêm sức, Hôn phối hoặc giữ Chức thánh hoặc giữ các lời khấn trong đời tư. Từ lúc khấn được trình bày, dù có dưới hình thức riêng tư (chẳng hạn cách này cách khác tiến hành một cuộc hành động, đồng ý bố thí một mức gì đó,v.v…) nó cam kết tác giả, không thể rứt lời lại mà không qua trung gian của Giáo hội. Mọi thiếu sót lúc bấy giờ trở thành một lỗi phạm; nghịch đức công bình.

3. Theo Phụng vụ

Lời khấn hứa có tiếng Latin “Votum” có nghĩa là hứa với Thiên Chúa do động từ “Vovere” là hiến dâng, là tuyên khấn. Khấn hứa là dâng mình cho Thiên Chúa bằng cách này hay cách khác để xin ơn hoặc để tạ ơn. Một cách hiển nhiên và tuyệt đối lời khấn dòng là xin Thiên Chúa ban chính Người cho chúng ta và chúng ta tận hiến toàn thân cho Thiên Chúa. Người Tu sĩ hiến trọn cuộc đời mình cho Thiên Chúa trong Giáo hội của Người chính nhờ sự thúc đẩy của Thần linh. Qua các lời khấn, các tu sĩ cam kết tuân giữ các lời khuyên Phúc âm: Khó nghèo, khiết tịnh và tuân phục. Đôi khi có Dòng thêm một hoặc hai lời khấn khác nữa nói lên đặc điểm trong mỗi đời sống của họ. Tất cả những điều này được thể hiện dần dần trong Phụng Vụ.

4. Theo sách Giáo lý Hội Thánh Công Giáo

Theo Sách Giáo Lý chung của Hội Thánh thì bậc sống thánh hiến là một trong những cách thức để được thánh hiến sâu xa hơn, bắt nguồn từ Bí tích Thánh Tẩy và việc tận hiến cho Thiên Chúa. Trong đời sống Thánh hiến, các Kitô hữu dưới tác động của Thánh Thần, sẵn sàng theo sát Đức Kitô hơn, tự hiến cho Thiên Chúa là Đấng được yêu mến trên hết mọi sự và theo đuổi đức ái hoàn hảo để phụng vụ Nước Trời, bày tỏ và loan báo trong Hội Thánh Thật sự vinh quang của thế giới tương lai.[1]

Đặc tính của đời sống thánh hiến cho Thiên Chúa là công khai giữa các lời khuyên Phúc Âm về nghèo khó, khiết tịnh và vâng phục trong một bậc sống ổn định được Hội Thánh phê chuẩn.[2]

B. Lời khấn theo tinh thần Đaminh

Tôi không phải là một tu sĩ Đaminh, hoặc một tu sĩ của bất cứ Dòng nào khác, nhưng tôi lại mê mệt Cha cựu Bề trên Tổng quyền Timothy Radcliffe, OP. khi ngài nói về Linh đạo của đời sống tu sĩ Đaminh. Đó là Thánh Đaminh, con người của tự do và lữ hành. Trong thư gởi cho anh chị em Đaminh của mình với tiêu đề là: “Tự do và trách nhiệm”, cha Timothy Radcliffe đã viết: “Thánh Đaminh mê hoặc chúng ta bằng sự tự do của Người. Đó là sự tự do của nhà giảng thuyết lữ hành, nghèo khó, sự tự do đã sáng lập nên một Dòng tu không giống một Dòng tu nào khác đã có trước đó. Người tự do khi tung gieo cái cộng đoàn mong manh nhỏ bé, Người đã quy tụ họ quanh mình và phái họ đi tới các đại học. Và Người tự do chấp nhận những điều anh em đã quyết nghị trong tổng hội. Đó là sự tự do của con người có lòng thương cảm dám đối diện và dám trả lời”.

Dòng luôn phát triển thịnh đạt nếu chúng ta sống tự do tâm hồn và khôn ngoan của Thánh Đaminh.

Ngày hôm nay, làm thế nào chúng ta có thể canh tân sự tự do đúng đắn và sâu sắc của Thánh Đaminh? “Sự tự do ấy mang chiều kích đơn giản trong nếp sống và lữ hành trong cầu nguyện”, đây là quan điểm của Cha Bề trên Tổng quyền về vấn đề quản trị Dòng; tuy nhiên, nó cũng rất đúng về việc sống ba lời khuyên Phúc Âm của người tu sĩ Đaminh. Thật vậy, khi đề cập tới ba lời khấn, Cha Timothy cũng cho ta cái tư tưởng và tinh thần ấy; tự do trong lời khấn và lữ hành với lời khấn. Trong thơ gởi cho toàn Dòng ngày 04.5.1994, Ngài đã đặt cho anh chị em của mình bằng một câu hỏi là tại sao chúng ta dám khấn?

Câu trả lời cho câu hỏi này là: “Vì Thiên Chúa là Đấng đáng tin cậy, Ngài luôn trung tín với những lời Ngài hứa. Lời Ngài là sự thật và là sự sống. Ngài đã giữ lời hứa với Cha Ngài, mà chúng ta là con của Ngài, chúng ta cũng dám làm như vậy”. Sự liều lĩnh này có thể đưa chúng ta tới một lời khấn mà tự bản chất đưa chúng ta tới một tương lai mà chúng ta không biết. Nhưng đó là dấu chỉ của địa vị làm con Thiên Chúa và lòng tin tưởng vào Thiên Chúa quan phòng, Đấng bất ngờ làm cho chúng ta như con cừu vướng trong bụi cây và như vậy chúng ta được thực hiện một sự tự do đích thực thuộc về Thiên Chúa để ngài muốn làm gì thì làm và chúng ta được sống hạnh phúc trong Ngài.

Để biện minh cho lời này, cha Timothy đưa ra một hình ảnh thật sống động về cuộc trò chuyện của Người với người phụ nữ Samaria bên bờ giếng, Người nói với các ông: “Lương thực của Thầy là thi hành ý muốn của Đấng đã sai Thầy” (Ga 4,34). Sự tuân phục của Đức Giêsu đối với Chúa Cha không giới hạn sự tự do của Ngài, không giảm quyền tự quyết của Ngài. Đó là lương thực mang lại sức mạnh và làm cho Người kiên vững. Dưới tương quan giữa Người và Chúa Cha là mối tương quan lệ thuộc nhưng lại là mối tương quan hỗ tương về tự do. Đàng khác, theo Cha Timothy thì sự tự do đó không phải chỉ có trong việc thực hiện ba lời khuyên Phúc Âm theo ý hướng thiện, nhưng còn là việc tuyên khấn sẽ đưa anh chị em Đaminh đến chỗ huynh đệ hơn và từ đó là phát sinh tính dân chủ trong quản trị, trong cách sống và trong các mối tương quan để làm phát triển cho Dòng và làm thăng tiến đời tu trì của các khấn sinh. Đặc biệt hơn nữa, sự tự do đó còn được chia sẻ trong đời sống gơn gọi một cách hiểu biết và thông cảm. Ngài viết: “Thực ra, đôi khi có anh chị em thấy rằng mình không thể tiếp tục sống lời khấn mình đã tuyên đọc. Có thể đó là hậu quả của sự thiếu phân định trong giai đoạn đào tạo sơ khởi hoặc đơn giản nói cho đúng đó là cuộc sống mà họ không thể chịu đựng được nữa. Bấy giờ giải pháp khôn ngoan là xin chuẩn miễn lời khấn. Ít ra chúng ta cảm tạ Chúa vì những gì các anh chị em đó đã mang lại cho chúng ta, và hãy vui mừng vì những gì chúng ta đã chia sẻ. Chúng ta cũng tự vấn xem trong các cộng đoàn của chúng ta, chúng ta có thể làm tất cả những gì có thể nâng đỡ các anh chị em ấy trong lời khấn của họ hay không? Thật là quảng đại, hào hiệp, cởi mở và ngay thẳng”.

Một điểm khác nữa của Dòng Đaminh là cuộc lữ hành với ba lời khấn. Đối với Dòng Đaminh, một từ ngữ luôn được nhắc đến đó là “Sứ vụ”. Người tu sĩ Đaminh mang trong mình một sứ vụ hết sức quan trọng đó là sứ vụ bởi Chúa và bởi Dòng. Các sứ vụ này đòi buộc người tu sĩ Đaminh không bao giờ được nghỉ ngơi. Họ lên đường vì các lời khuyên Phúc Âm và các lời khuyên Phúc Âm thôi thúc họ lên đường. Họ thi hành ba lời khuyên Phúc Âm với một tinh thần tiến công và tích cực để đem Tin Mừng đến chỗ hiệu quả nhất là phục vụ Chúa và Hội Thánh, nhưng đồng thời cũng chính những lời khuyên Phúc Âm này cũng sẽ giúp họ mở ra một con đường thênh thang bước vào con đường tình yêu vì Nước Trời. Do đó họ bắt chước Thánh Tổ Phụ để lên đường không mệt mỏi và đúng như Cha Bề trên Timothy đã nói: “Họ không ra đi lủi thủi một mình. Họ cùng với anh chị em đồng hành trong lời khấn một cách huynh đệ và hiến đời thành một cuộc lữ hành truyền bá Tin Mừng”. Là những con người nhận sứ vụ giảng thuyết bởi Chúa và Giáo Hội. Họ không chỉ thuyết giảng bằng lời nói, nhưng bằng chính cuộc sống chứng tá trong cuộc sống thường ngày và đặc biệt trong đời sống tuân thủ ba lời khuyên Phúc Âm. Họ sống đúng như lời Cha Bề trên Tổng quyền đã nói: “Tôi chẳng bao giờ hiểu được rõ ràng các lời khấn của chúng ta mãi cho tới khi tôi đi thăm một làng nhỏ tại ranh giới Lisbonne, nơi ở của những người nghèo khổ nhất, những người bị quên lãng và những người ‘vô hình’ của thành phố và tôi đã thấy ở đó một khu phố đang sống trong cảnh vui tươi vì một nữ tu vẫn chia sẻ cuộc sống của họ sắp tuyên khấn trọn đời. Thực là một ngày hội”. Đó là cuộc lữ hành tuyệt diệu với lời khấn.

C. Những thách đố của lời khấn

Thật vậy, nhân loại đang rơi vào cuộc khủng hoảng to lớn. Đó là cuộc khủng hoảng về niềm tin. Con người không biết tin vào đâu? Trắng đen lẫn lộn, sự thất vọng bao trùm, cuộc sống chỉ mang tính chất hiện tại và không tin vào tương lai. Những hình ảnh như “Con Gấu thời đại”“khoảnh khắc bây giờ” làm ơn gọi mất đi.[3] Con người choáng ngợp trước những văn minh của thế giới đương đại, nhưng không tìm ra được ngõ thoát hướng về tương lai, cái mà người ta gọi là “thế giới bây giờ” to lớn đến độ dường như muốn che lấp cả lối ngõ đi về tương lai đã thật sự ảnh hưởng hết sức ghê sợ trên nhân loại này và tất yếu nó cũng len lỏi vào đời sống tu trì để quảng bá quyền lực của chúng. Vì thế, người tu sĩ trong cuộc có khi bị lừa bịp để đánh mất chính mình và cũng không còn một hấp lực nào để lôi kéo người khác đi vào đường chính để gặp Chúa. Điều này phải chăng đã làm cho những người trẻ đặt lại vấn đề lời khấn hoặc gạt lời khấn ra khỏi cuộc đời họ.

Có lần chúng ta đã chia sẻ về con Gấu của thời đại trong lá thư của Cha Timothy trong bài “Cơn lốc thời đại”, chúng ta đã cảm thấy sức mạnh của con Gấu và của cơn lốc thật vô cùng mạnh mẽ và đáng sợ. Nhưng thật sự cái đáng sợ hơn cả là chính chúng ta. Sự yếu kém trong nhuệ khí, sự mất ý thức tiến công và tinh thần đại khái chủ nghĩa trong lời khấn còn nguy hiểm hơn nhiều. Có người suy nghĩ mang danh nghĩa tu trì đã là một dấu chứng của sự hy sinh rồi thì cần gì phải triệt để quá đáng. Thế nhưng lời Chúa dạy vẫn còn đó: “Nóng thì nóng hẳn, lạnh thì lạnh hẳn, hâm hâm dở dở Ta sẽ mửa ra”. Chúa mửa ra thì ai là người có thể cứu thoát?! Vì thế, không thể có một thái độ thiếu triệt để trong lời khấn. Cuộc lữ hành tuy có vất vả nhưng nó sẽ là bảo chứng tốt nhất của tình yêu và cuộc hoàn tất của một đời sống tu trì hoàn hảo.

Thực hiện lời khấn

Để nói về vấn đề này, chúng ta nên nhắc lại tư tưởng tuyệt vời của Cha Timothy: “Tự do và trách nhiệm theo tinh thần Đaminh” được mời gọi bước vào con đường tình yêu của Thiên Chúa, đó là một cuộc phiêu lưu kỳ thú trên con đường sống chết vì tình yêu của Đức Kitô. Người tu sĩ tự do tumg hoành trong yêu thương vì tình yêu của Chúa là bao la, quảng đại, vô vị lợi, khôn cùng,… Con đường dâng lên tới Chúa bằng những hoa quả thiêng liêng mà một linh hồn yêu Chúa có thể thực hiện được. Bên cạnh đó, vì tình yêu Đức Kitô, người tu sĩ có thể phục vụ anh em mình bất cứ là người nào, bất cứ ở đâu và bất cứ ở hoàn cảnh nào. Họ được tự do để tình yêu thúc bách và trưởng thành đồng thời để tình yêu gọt giũa những gì đẹp lòng Chúa và mưu ích các linh hồn, ngoài ra sự tự do cũng sẽ làm cho những sáng kiến phục vụ con người vì Thiên Chúa được thực hiện cách hữu hiệu hơn. Ba lời khấn không phải là một định thức, nhưng là một quà tặng Thiên Chúa ban cho con người. Nó giúp thúc đẩy con người đi vào chiều sâu của tình yêu Thiên Chúa. Nó là khí cụ tuyệt hảo có một không hai để đưa con người đến cùng Thiên Chúa và trở về với tha nhân.

Nhưng như một con tàu có định hướng, lời khấn cũng tạo nên một trách nhiệm, để con người khỏi bị tha hóa. Nó là cái thuẫn để chống đỡ kẻ thù là thế gian, xác thịt và ma quỷ. Lời khấn là chỗ dựa vững chắc cho đời sống thánh hiến. Người tu sĩ dựa vào lời khấn để biết mình đang đi về đâu? Họ có trách nhiệm cao độ với lời khấn. Và lời khấn giúp họ uốn nắn con đường mình đi cho đúng ý Chúa và Giáo Hội. Chính vì thế họ nghiêm ngặt trong lời khấn và cởi mở bước đi trong linh đạo của Dòng. Họ dấn thân triệt để sống lời khấn như một dấu chứng tình yêu giữa họ và Thiên Chúa, đồng thời ngược lại. Tuy sống trong sự cởi mở, nhưng họ luôn đối chiếu với lời khấn đừng để bao giờ con thuyền trật hướng. Họ vui vẻ sống phó thác và hy vọng triệt để vào Chúa qua lời khấn và quyết định dùng lời khấn làm bàn đạp tiến đức của mình. Họ vui vẻ bước đi loan báo tin vui bằng chính đời sống phó thác cho lời khấn theo tinh thần Đaminh.

 

 


[1] x. CIC, câu 572; Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, số 916.

[2] Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, số 944.

[3] X. Fr. Timothy , Con gấu và chị Đan sĩ: Ý nghĩa đời sống tu trì hôm nay: