Đời Sống Thánh Hiến: Nhận Xét Về Từ Ngữ – Vấn Đề 1

0
620


Học Viện Đaminh

 

NHỮNG THẮC MẮC VỀ GIÁO LUẬT ĐỜI SỐNG THÁNH HIẾN

***

DẪN NHẬP

***

VẤN ĐỀ 1

NHẬN XÉT VỀ TỪ NGỮ

 

1. Đời sống thánh hiến: Vita consecrata

Trong tiếng Việt, “đời sống thánh hiến” dần dần đã trở nên quen thuộc. Đây là một thuật ngữ được du nhập vào Bộ Giáo luật 1983 và được Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II dùng làm tựa đề cho tông huấn hậu thượng hội đồng 1996.

Trong thời gian tu chính bộ giáo luật, nhiều danh xưng đã được đề nghị nhưng đã không được chấp thuận. Thực ra, từ thời Trung cổ cho đến Công Đồng Vatican II, một thuật ngữ đã được sử dụng trong các văn kiện của Tòa Thánh: De Religiosis (Religieux tiếng Pháp; Religious tiếng Anh). Tuy nhiên, kể từ năm 1948, Tòa thánh đã chấp nhận một nếp sống mới Institutum saeculare (Tu hội đời): khác với các religiosi, những thành viên không sống trong cộng đoàn, không mặc tu phục, tuy họ cũng tuyên giữ ba lời khuyên Tin Mừng. Phải tìm từ ngữ nào để bao gồm được cả hai nếp sống ấy? Thật là khó, bởi vì từ ngữ nào cũng gặp những vấn nạn (chẳng hạn như: Institutum vitae perfectionis “đời sống trọn lành”, nhưng các tu sĩ đâu đã trọn lành?).

Cuối cùng, bộ giáo luật đã chọn từ ngữ vita consecrata (tiếng Pháp: vie consacrée tiếng Anh: consecrated life). Tuy nhiên, từ ngữ này cũng gặp không ít vấn nạn:

Consecratio có thể hiểu về hành động của Thiên Chúa (dịch là “thánh hiến”), hoặc về hành động của con người (dịch là “tận hiến”).

– Trong Hội thánh, có nhiều cấp độ consecratio : sự thánh hiến chung cho tất cả mọi tín hữu qua bí tích Thánh tẩy; sự thánh hiến các giáo sĩ qua bí tích Truyền chức. Vì thế đâu có thể chỉ dành riêng cho một hàng ngũ trong Hội thánh?

– Đặc trưng của sự consecratio đang nói là việc tuyên giữ ba lời khuyên Tin Mừng; nhưng có những người giữ ba lời khuyên Tin Mừng mà không được kể vào hàng ngũ này (chẳng hạn như những người chỉ khấn tư).

2. Đời sống tu trì

Trước khi Tin Mừng được truyền bá ở Việt Nam, người dân xứ này đã biết đến nhiều hình thức tu trì: có người “tu tại gia”, có người “tu ở chùa”. Vì thế, các nhà thừa sai không thấy khó khăn khi chuyển ngữ “religiosi” thành các “tu sĩ”. Trên thực tế, từ “tu sĩ” gặp phải nhiều giới hạn.

– “Tu” gợi lên ý tưởng sửa sang, điều chỉnh cái lệch lạc. “Religiosi” còn nói đến việc thờ phượng Thiên Chúa (gốc bởi religio: sự thờ phượng; tiếc rằng từ này thường được dịch là “tôn giáo, tín ngưỡng).

– Không phải ai “đi tu” cũng là tu sĩ. Thật vậy, trong Giáo hội Công giáo, các “giáo sĩ” cũng là những người tu hành, nhưng không phải là “tu sĩ”! Điều này nhận thấy rõ rệt nơi sự phân biệt giữa các “linh mục giáo phận” và các “linh mục tu sĩ”.

3. Dòng tu

Trong tiếng Latinh, tổ chức của những tu sĩ được gọi bằng nhiều danh từ khác nhau, lấy từ các cơ cấu pháp lý Rôma: Ordo, Congregatio, Societas, Institutum,v.v...[1] Khi sang Việt Nam, tất cả các từ ngữ được chuyển bằng một từ ngữ duy nhất là “dòng” (nhà dòng, dòng tu, thầy dòng), muốn nói lên tính gia đình: những người đi tu họp thành một “dòng tộc”, cho chung một gốc tổ (tổ phụ) và coi nhau như anh em (chị em). Tiếc rằng đôi khi vì muốn dịch sát tiếng Latinh, và để phân biệt những hình thức khác nhau theo giáo luật, người ta phải tìm ra những từ ngữ mới: hội dòng, tu hội, tu đoàn,.v.v…

4. Các hội dòng tận hiến và tu đoàn tông đồ

Trong bộ giáo luật hiện hành (xem vấn đề số 2 dưới đây), đời sống thánh hiến được tổ chức theo ba loại hình chính:

a/. Các Hội dòng tận hiến (Institutum vitae consecratae), bao gồm:

– Các Dòng tu (Institutum religiosum)

– Các Tu hội đời (Institutum saeculare)

b/. Các Tu đoàn tông đồ (Societas vitae apostolicae).

Lưu ý. Các từ ngữ sử dụng ở đây khác với bản dịch của Hội Đồng Giám Mục (Hà Nội 2007): Tu hội tận hiến, Hội dòng, Tu hội đời, Tu đoàn tông đồ.

 

 


[1] Về nguồn gốc và ý nghĩa của các từ này, xin coi: Phan Tấn Thành, OP., Đời sống tâm linh tập VI: Những hình thức tu trì Kitô giáo. Rôma, 2006, trang 156 (ordo, congregatio); 148 (societas); xem thêm 17 (religio, religiosus, regularis, saecularis).