Đời Sống Tâm Linh Của Các Tu Sĩ – Vấn Đề 40

0
902


Học Viện Đaminh

 

NHỮNG THẮC MẮC VỀ GIÁO LUẬT ĐỜI SỐNG THÁNH HIẾN

***

CÁC DÒNG TU

(Điều 607 – 709)

***

VẤN ĐỀ 40

ĐỜI SỐNG TÂM LINH CỦA CÁC TU SĨ

(đ. 663)

 

Điều 663 của Bộ Giáo Luật đưa ra một số những chỉ thị liên quan đến đời sống tâm linh, như một gợi ý tổng quát mà mỗi dòng cần triển khai dựa theo tinh thần và đặc tính của mình. Để “sống với Chúa Kitô ” và nhờ đó tham dự vào sự tăng trưởng và sứ mạng của Giáo Hội, các tu sĩ phải quyết tâm nuôi dưỡng mình bằng Lời của Thiên Chúa, được cống hiến tại bàn tiệc Kinh thánh và bàn tiệc Thánh Thể. Việc cầu nguyện, cử hành Giờ kinh Phụng Vụ, lòng sùng kính Đức Maria, các buổi tĩnh tâm là những phương tiện cổ truyền mà Giáo Hội khuyến khích tất cả các tu sĩ hãy thực hành.

Chúng tôi chỉ đưa ra vài nhận xét chứ không đi vào chi tiết.

A./ Thánh Thể

Việc cử hành Thánh Lễ là trung tâm của đời tu, bởi vì đó là cuộc Tạ ơn Chúa Cha, tưởng niệm cuộc Vượt qua của Chúa Kitô, khẩn nài Thánh Linh, hiệp thông huynh đệ, bàn tiệc Nước Trời.

Những ngăn trở tham dự Thánh Lễ hằng ngày có thể phát sinh bởi vì giờ cử hành không thích hợp, hoặc bởi vì thiếu linh mục. Trong trường hợp này, các cộng đoàn phải dự trù những hình thức thay thế, chẳng hạn cử hành phụng vụ Lời Chúa với những bài đọc và việc suy niệm Thánh Kinh. Nên nhớ rằng theo điều 910 §2, một tín hữu không có chức thành cũng có thể là thừa tác viên ngoại lệ trao Mình Thánh Chúa (xc. đ. 230 §4).

Trong các dòng giáo sĩ, các thành viên nên đồng tế, tuy nhiên mỗi linh mục được quyền tự do dâng Thánh lễ riêng, miễn là không đồng thời với Thánh lễ đồng tế của cộng đoàn trong cùng một nhà thờ hoặc nhà nguyện (đ. 902).

Giáo Luật khuyên mời các tu sĩ hãy nuôi dưỡng lòng tôn thờ Thánh Thể qua việc khiêm cung và liên tục thờ lạy Thiên Chúa hiện diện cách diệu huyền trong những người, những biến cố, những vật thể. Mục tiêu đầu tiên của việc lưu trữ Mình Thánh Chúa là để mang Của ăn đàng cho những người hấp hối, cũng như để trao Minh thánh cho những những người rước lễ ngoài Thánh lễ; nhưng tập tục ấy đã sớm dẫn đưa đến việc thờ lạy Chúa Giêsu hiện diện trong bí tích này.

B/. Nguyện gẫm – Lectio divina – các Giờ kinh Phụng Vụ

Nguyện gẫm, một hình thức cầu nguyện nối dài, đã được các sư phụ đời tâm linh khuyến khích. Việc nguyện gẫm được nuôi dưỡng bằng việc đọc Thánh Kinh (lectio divina). Mối liên hệ giữa nguyện gẫm và các giờ kinh Phụng Vụ tùy thuộc vào những truyền thống khác nhau. Bộ Giáo Luật không ấn định phải cử hành những giờ kinh nào, và để cho mỗi dòng quy định dựa theo đặc sủng của mình.

Các giờ kinh Phụng Vụ là lời ngợi khen và lời khẩn nài ơn cứu độ thế giới. Trong kinh Phụng Vụ, Thiên Chúa nói với dân của Ngài, và dân Thiên Chúa lắng nghe và nhớ lại những việc kỳ diệu của Chúa (đ. 1173). Qua các giờ kinh Phụng Vụ, được thực hiện theo Hiến Pháp của Dòng, (đ. 1174 §l), các tu sĩ chu toàn một nghĩa vụ của đời sống cộng đoàn. Các giờ kinh Phụng Vụ mời gọi các tu sĩ đến lãnh nhận sứ điệp mới mẻ mỗi ngày mà Thánh Linh cống hiến cho họ qua kinh nguyện của Giáo Hội, và thúc giục họ hãy mở rộng tầm nhìn đến lịch sử cứu độ, vượt lên trên những lối nhìn hạn hẹp của thế giới hiện tại.

C/. Hoạt động tông đồ

Đối với các Dòng chuyên lo việc tông đồ, thì hoạt động tông đồ cần được nuôi dưỡng nhờ sự kết hiệp với Thiên Chúa (đ. 675 §2). Nhiều Dòng đã sáng nghĩ những thể thức khác nhau, hoặc cá nhân hoặc cộng đồng, nhằm giúp các tu sĩ phát triển và đào sâu ý thức sâu xa về hai chiều kích của đời sống của mình. Nhờ thế các tu sĩ sẽ học biết cách liên kết lòng say mê làm việc tông đồ với sự chiêm niệm, bởi vì nhờ chiêm niệm mà họ mới kết hiệp với Chúa cả bằng trái tim lẫn tâm trí.[1]

 

 

 


[1]Công Đồng Vatican II, Sắc lệnh Perfectae Caritatis (về Canh Tân Thích Nghi Đời Sống Tu Trì), số 5.