Đôi Nét Về Cuộc Đối Thoại Đại Kết Giữa Công Giáo – Chính Thống

0
1174


Vũ Văn An

 

Ngoài việc đáp lại lời mời của Tổng Thống Peres đã có từ hồi tháng Tư năm 2013, cuộc viếng thăm Israel vào tháng Năm tới là để kỷ niệm 50 năm ngày Đức Phaolô VI gặp Đức Thượng Phụ Athenagoras của Constantinople, ngày 5 tháng Giêng, năm 1964, tại Giêrusalem.

Hôm 4 tháng Giêng vừa qua, tờ L’Osservatore Romano có cho đăng lại trọn bộ bản văn ghi lại cuộc đàm đạo giữa Đức Phaolô VI và Thượng Phụ Athenagoras. Đức Phaolô VI không dè dặt nói đến cả điểm chủ yếu vốn chia rẽ Rôma và Phương Đông tức “hiến chế Giáo Hội’ và vai trò của Đức Giáo Hoàng trong đó.

Ngài hứa với Thượng Phụ Athenagoras rằng: “Tôi sẽ nói với thượng phụ điều tôi tin là chính xác, phát xuất từ Tin Mừng, từ thánh ý Thiên Chúa và từ thánh truyền chân chính. Tôi sẽ nói điều đó ra. Và trong điều ấy sẽ có những điểm không trùng hợp với ý nghĩ của thượng phụ về hiến chế Giáo Hội…”

Thượng phụ Athenagoras đáp lại: “tôi cũng sẽ làm như thế”.

Đức Phaolô VI nói tiếp: “Chúng ta sẽ thảo luận, chúng ta sẽ cố gắng tìm kiếm sự thật… Không còn vấn đề thanh thế, tối thượng nào ngoại trừ do chính Chúa Kitô thiết lập. Tuyệt đối sẽ không có điều gì dính dáng tới danh dự, đặc ân. Chúng ta hãy cùng xét xem Chúa Kitô đòi hỏi gì nơi ta và mỗi người chúng ta có quan điểm của mình; nhưng sẽ không có tham vọng nhân bản nào thắng thế, được vẻ vang, được lợi thế. Mà chỉ là để phục vụ”.

Và kể từ ngày 5 tháng Giêng, 1964 tới nay, cuộc đối thoại đại kết giữa Rôma và các Giáo Hội Đông Phương đã gặt hái được nhiều tiến bộ có thực chất. Không ai còn sợ việc phải thảo luận cả những vấn đề nóng bỏng như quyền tối thượng của giáo hoàng nữa.

Tài liệu nền tảng để trao đổi về vai trò phổ quát của giám mục Rôma đã được đúc kết tại Ravenna năm 2007, bởi một nhóm hỗn hợp gồm các giám mục và thần học gia được gọi là “Ủy Ban Hỗn Hợp Quốc Tế để Đối Thoại giữa Giáo Hội Công Giáo và Giáo Hội Chính Thống”. Tài liệu này có tên khá dài là “Các Hậu Quả Giáo Hội Học và Giáo Luật Học về Bản Chất Bí Tích Của Giáo Hội. Sự Hiệp Thông, Tính Công Đồng và Thẩm Quyền Giáo Hội”.

Tài liệu này được mọi người hiện diện nhất trí chấp thuận. Nhưng Giáo Hội Chính Thống Nga không hiện diện trong hội nghị Ravenna vì lúc đó, họ đang có tranh luận với thượng phụ đại kết Constantinople. Đây là một vắng mặt quan trọng, vì Giáo Hội Nga là thành phần đông nhất của toàn bộ thế giới Chính Thống Giáo.

Cuộc tranh luận nội bộ sau đó đã được giải quyết, và Giáo Hội Nga cũng thỏa thuận sẽ tham gia cuộc đối thoại dựa trên tài liệu Ravenna và các bản văn làm việc sau đó nói về vai trò của ngôi vị giáo hoàng trong thiên niên kỷ thứ nhất, được một tiểu ban soạn thảo tại Crete năm 2008 viết ra.

Nhưng trong hai cuộc họp tại Cyprus năm 2009 và tại Vienna năm 2010, các phản đối của Giáo Hội Nga vừa nhiều lại vừa phức tạp đến độ đã ngăn chặn bất cứ cố gắng hòa giải nào giữa hai bên. Phái đoàn Nga yêu cầu và được thỏa mãn rằng văn kiện làm việc soạn ở Crete phải được một tiểu ban mới viết lại từ đầu tới cuối. Phái đoàn này cũng đưa ra nhiều phê phán gay gắt đối với chính tài liệu Ravenna, nhất là đoạn 41 mô tả các điểm nhất trí và bất đồng giữa Rôma và Phương Đông:

“Đôi bên nhất trí rằng […] Rôma, trong tư cách Giáo Hội ‘chủ tọa trong yêu thương’ theo kiểu nói của Thánh Inhaxiô Thành Antiốc, chiếm giữ địa vị thứ nhất trong ‘taxis’ và giám mục Rôma, do đó, là ‘protos’ trong số các thượng phụ. Tuy nhiên, hai bên không nhất trí đối với việc giải thích chứng cớ lịch sử phát sinh từ thời nay liên quan tới các đặc quyền của giám mục Rôma trong tư cách ‘protos’, một vấn đề từng đã được hiểu theo nhiều cách khác nhau ngay từ thiên niên kỷ thứ nhất”.

Protos” là chữ Hy Lạp có nghĩa là “thứ nhất”. Còn “taxis” là việc tổ chức Giáo Hội hoàn vũ. Sự cứng rắn của Giáo Hội Nga đối với quyền tối thượng của giáo hoàng càng đáng lưu ý ở điểm dưới triều giáo hoàng của Đức Bênêđíctô XVI, nó đi song hành với hiện tượng mỗi ngày mỗi đoàn kết hơn giữa Mạc Tư Khoa và Rôma trong các chiến dịch bảo vệ sự sống, gia đình và tự do tôn giáo.

Giáo Hội Nga chắc chắn không hài lòng khi thấy Đức Bênêđíctô XVI, ngay ở lúc đầu triều đại của mình đã bãi bỏ tước hiệu “thượng phụ Tây Phương” khỏi các tước hiệu thường thấy của giáo hoàng. Người Chính Thống Nga coi đây như bằng chứng mới nhất cho thấy giám mục Rôma muốn dành quyền tối thượng đối với Giáo Hội hoàn vũ, bất chấp mọi biên giới địa dư.

Dù, hiện đang có lối giải thích được ưa chuộng hơn, không những của người chính thống Nga mà còn của toàn thể thế giới Chính Thống Giáo, đối với việc Đức Phanxicô chỉ thích tự gọi mình vỏn vẹn là “giám mục Rôma”.

Vì ý thích trên, vào giữa tháng Mười Hai năm ngoái, khi Đức Hồng Y Kurt Koch, chủ tịch Hội Đồng Giáo Hoàng về Hợp Nhất Kitô Giáo qua thăm chính thức Nga và St Petersburg để gặp Thượng Phụ Kirill và TGM Hilarion, nhiều người tiên đoán rằng sẽ có tiến bộ nhanh chóng trong cuộc đối thoại giữa Rôma và Nga, nhờ thái độ khiêm hạ và cởi mở của vị tân giáo hoàng.

Nhưng việc đó đã không xẩy ra. Đức HY Koch quả có gặp được “các kỳ vọng lớn lao” dành cho Đức Phanxicô. Nhưng ngài chỉ nhận được sự sẵn sàng đổi mới đối với cố gắng chung giữa hai Giáo Hội “liên quan tới việc bảo vệ gia đình và che chở sự sống”.

Cuộc gặp gỡ giữa Đức Giáo Hoàng và thượng phụ Chính Thống Nga, lần đầu tiên trong lịch sử, vẫn còn xa mới trở thành một thực tại. Còn về quyền tối thượng của giáo hoàng, tòa thượng phụ Chính Thống Nga cho thấy họ không hề có ý định làm dịu chút nào các chống đối của họ.

Mấy ngày sau khi Đức HY Koch trở về Vatican và trong lúc các cử hành Lễ Giáng Sinh của Giáo Hội Công Giáo đang lên tới cao điểm, tòa thượng phụ Chính Thống Nga đã cho công bố một tài liệu riêng của họ trong đó họ nhắc lại sự bất đồng đối với tài liệu Ravenna và tái xác nhận việc họ hoàn toàn bác bỏ việc dành cho giám mục Rôma bất cứ loại quyền hành nào nếu không là “danh dự” đối với Giáo Hội hoàn vũ.

Tài liệu của Chính Thống Nga được công bố cả bằng tiếng Nga lẫn tiếng Anh trên trang mạng của tòa thượng phụ Nga, tựa là “Lập Trường của Tòa Thượng Phụ Chính Thống Nga về Vấn Đề Quyền Tối Thượng trong Giáo Hội Hoàn Vũ”.

Sự quan trọng của tài liệu này càng lớn lao hơn khi nó được chấp thuận bởi Thánh Công Đồng của tòa thượng phụ này, họp trong hai ngày 25 và 26 tháng Mười Hai, và được nhìn nhận là tài liệu “hướng dẫn trong cuộc đối thoại Chính Thống-Công Giáo”. Do đó, các đại biểu của tòa thượng phụ trong tương lai sẽ không dám đi trệch ra ngoài tài liệu này.

Và như để đánh tan nỗi lo sợ rằng các nhà lãnh đạo các Giáo Hội khác có thể đầu hàng và qui phục quyền tối thượng của Rôma, tài liệu này đã ghi ở phần chú thích lời tuyên bố, khá gay gắt trong bản chất, của thượng phụ Bartholomew, trong một cuộc họp báo chung tại Bulgaria tháng Mười Một, năm 2007:

“Tất cả chúng tôi, những người Chính Thống, xác tín rằng trong thiên niên kỷ thứ nhất của Giáo Hội, vào thời Giáo Hội chưa phân rẽ, quyền tối thượng của giám mục Rôma, tức giáo hoàng, đã được thừa nhận. Tuy nhiên, đó là một quyền tối thượng có tính danh dự, trong yêu thương, chứ không hề là một pháp quyền đối với toàn thể Giáo Hội Kitô Giáo. Nói cách khác, theo nền thần học của chúng tôi, quyền tối thượng này chỉ thuộc phẩm cấp nhân loại; nó được thiết lập ra vì nhu cầu Giáo Hội cần một người đứng đầu và một trung tâm phối trí”.

Tháng Năm này, tại Giêrusalem, Đức Giáo Hoàng Phanxicô và Thượng Tọa Bartholomew sẽ ôm hôn nhau. Trong khi Tòa Thượng Phụ Chính Thống Nga cảnh cáo cả hai vị, với lời phản đối chống lại quyền tối thượng của giáo hòang, coi nó chỉ có giá trị danh dự.

Dù sao, Istanbul đã lập tức phản ứng đối với biện pháp của Chính Thống Nga. Thượng Phụ Bartholomew đã mời các thượng phụ và tổng giám mục của mọi Giáo Hội Chính Thống tới Constantinople họp vào tháng Ba tới, để gia tốc việc chuẩn bị công đồng của toàn thế giới Chính Thống Giáo sẽ diễn ra năm 2015. Khi loan tin này, Nat da Polis, phóng viên đáng tin cậy ở Istanbul của Asia News, đã tường thuật các lời tuyên bố của tổng giám mục Pergamon, Joannis Zizioulas, thần học gia lỗi lạc nhất của Chính Thống Giáo hiện nay và là người hết sức ngưỡng mộ Đức Bênêđíctô XVI và cũng được ngài đánh giá cao. Theo lời tuyên bố này, nguy cơ “tự đẩy mình ra bên lề” do Kitô Giáo Chính Thống thi hành hiện nay có liên hệ tới hiện tượng “tự thoả mãn mình theo kiểu Narcissus, một sự tự thoả mãn sẽ chỉ dẫn tới các kình chống vô bổ”, trong khi điều cần thiết là một cuộc đối thoại đại kết với nền văn hóa đương thời, giống như cuộc đối thoại từng được các giáo phụ thi hành ở các thế kỷ đầu tiên.

Phản ứng thứ hai, có tính trực tiếp hơn, là bài trả lời rộng dài và chi tiết đối với tài liệu của toà thượng phụ Chính Thống Nga về quyền tối thượng trong Giáo Hội hoàn vũ, do tổng giám mục Bursa và là giám mục Bithynia, Elpidophoros Lambriniadis, viết.

Tác giả bài trả lời này không những là một nhà thần học sáng giá, mà còn giữ một vai trò hàng đầu tại tòa thượng phụ Constantinople, trong tư cách đệ nhất bí thư của Thượng Phụ Bartholomew. Tổng giám mục Elpidophoros còn từng là thư ký trong các phiên họp toàn Chính Thống trước đây được tổ chức giữa các năm 1998 và 2008 để chuẩn bị cho công đồng của toàn hế giới Chính Thống Giáo. Và lễ phong chức giám mục của ngài ở Istanbul năm 2011 có sự tham dự của vị đứng thứ hai của tòa thượng phụ Chính Thống Nga là TGM Hilarion. Thành thử, bài trả lời của ngài không phải chỉ nói lên lập trường cá nhân mà thôi.

Ngài mở đầu bài trả lời bằng cách cho rằng với quyết định mới đây, Giáo Hội Nga xem ra đã một lần nữa chọn tự cô lập mình với cả cuộc đối thoại thần học với Giáo Hội Công Giáo lẫn với việc hiệp thông với các Giáo Hội Chính Thống.

Trong khi đó, theo tin Zenit ngày 13 tháng Giêng, Đức Phanxicô, một lần nữa, nhấn mạnh tới các cố gắng hợp tác giữa Giáo Hội Công Giáo và các Giáo Hội Chính Thống Đông Phương. Các cố gắng này có từ thời Đức Phaolô VI với sáng kiến thành lập Ủy Ban Công Giáo Hợp Tác Văn Hóa Với Các Giáo Hội Chính Thống Và Đông Phương, trực thuộc Văn Phòng Cổ Vũ Hợp Nhất Kitô Giáo hồi ấy và nay là Hội Đồng Giáo Hoàng về Hợp Nhất Kitô Giáo dưới quyền điều khiển của Đức HY Kurt Koch. Ủy Ban này có mục tiêu trợ giúp giáo sĩ và giáo dân các Giáo Hội Chính Thống hoàn tất việc học thần học của họ tại các học viện Công Giáo.

Trong buổi tiếp kiến Ủy Ban tại Vatican ngày 11 tháng Giêng vừa qua, Đức Phanxicô cho hay “con đường hòa giải và tình huynh đệ đổi mới giữa các Giáo Hội” cần “các trải nghiệm thân hữu và chia sẻ, phát sinh từ ý thức hỗ tương giữa những người trình bày các Giáo Hội khác nhau”. Ngài nói rằng việc hợp tác này “được đánh dấu tuyệt diệu bởi cuộc gặp gỡ lịch sử đầu tiên giữa Đức Giáo Hoàng Phaolô VI và Thượng Phụ đại kết Athenagoras” diễn ra tại Giêrusalem cách nay 50 năm.

Nhân dịp này, ngài nói với các sinh viên Chính Thống rằng “Việc anh chị em ở với chúng tôi rất quan trọng đối với cuộc đối thoại giữa các Giáo Hội, hôm nay và nhất là ngày mai”. Ngài cầu mong họ cảm nhận được rằng họ “không phải là khách, mà đúng hơn là anh chị em sống giữa anh chị em”.