Định Nghĩa Và Vị Trí Đời Sống Thánh Hiến Trong Giáo Hội – Vấn Đề 4

0
2194


Học Viện Đaminh

 

NHỮNG THẮC MẮC VỀ GIÁO LUẬT ĐỜI SỐNG THÁNH HIẾN

***

CÁC HỘI DÒNG TẬN HIẾN

NHỮNG ĐIỀU KHOẢN CHUNG

(Điều 573 – 606)

***

VẤN ĐỀ 4

ĐỊNH NGHĨA – VỊ TRÍ TRONG ĐỜI SỐNG HỘI THÁNH

(đ. 573 – 574)

 

Trong Hội Thánh, tất cả mọi người đều được mời gọi nên thánh, như thánh Tông đồ đã nói: “Điều Thiên Chúa muốn là anh chị em hãy nên thánh” (1Tx 4, 3). Sự thánh thiện của Hội Thánh được thể hiện liên lỉ và phải được thể hiện bằng những hoa trái của ân sủng mà Chúa Thánh Thần làm phát sinh nơỉ các tín hữu. Sự thánh thiện này được biểu lộ dưới nhiều hình thức nơi những người hướng về đức ái toàn hảo theo một bậc sống riêng của họ, và xây dựng cho người khác. Sự thánh thiện này được biểu lộ cách riêng qua việc thực hành các lời khuyên quen gọi là “các lời khuyên Phúc Âm”.[1]

Tuy tất cả mọi tín hữu đều được kêu gọi sống tinh thần “các lời khuyên Phúc Âm”, nhưng một ít người đã nhận được ơn gọi riêng để theo đuổi một bậc sống đặc biệt. “Hàng ngũ của những người tuyên giữ những lời khuyên Phúc Âm, tuy không nằm trong cấu trúc phẩm trật của Hội thánh, nhưng hẳn nhiên là thuộc về sự sống và sự thánh thiện của Giáo Hội”.[2]

“Hàng ngũ dựa trên các lời khuyên Phúc Âm” được Bộ Giáo Luật gọi là “Đời Sống Thánh Hiến”. “Những lời khuyên Phúc Âm của sự khiết tịnh tận hiến cho Thiên Chúa, khó nghèo và vâng lời, được đặt nền tảng trên những lời dạy và những gương lành của Chúa Kitô, đã được khuyến khích bởi các Tông đồ, các giáo phụ, các thánh tiến sĩ và các chủ chăn của Giáo Hội, là một ân huệ mà Giáo Hội đã lãnh nhận được từ nơi Chúa của mình, và Giáo Hội luôn luôn giữ gìn nhờ ơn Người”.[3]

Dưới tác động của Chúa Thánh Thần, những tín hữu, đã được thánh hiến do bí tích Thánh tẩy, dấn thân vào đời sống tu trì, quyết tâm sống một lối sống bền vững, tận hiến đời mình cho Thiên Chúa là Đấng được yêu mến trên hết mọi sự.

Được đâm rễ trên đức mến là chính yếu tính của Thiên Chúa, đời sống thánh hiến hướng về việc xây dựng nhiệm thể của Chúa Kitô và việc cứu độ thế giới. Đời sống thánh hiến mang chiều kích “cánh chung”: nó loan báo Nước Trời (điều 573 §1). Vì thế, đời sống thánh hiến này phải được mọi Kitô hữu khuyến khích và tán trợ (đ. 574 §1).

Lối sống bền vững đòi hỏi hai điều kiện:

– Thuộc về một nhóm người đã được thiết định do nhà chức trách có thẩm quyền trong Giáo Hội.

– Dâng hiến đời sống mình cách dứt khoát bằng các lời khấn, hoặc nhũng mối dây ràng buộc thánh, diễn tả rõ ràng ba lời khuyên Phúc Âm về : Khiết Tịnh, Khó Nghèo và Vâng Lời.

Ngoài ra, đời sống thánh hiến là một dấu chỉ của Giáo Hội (đ. 573 §1). Vì thế ta có thể và phải gọi đây là một ơn gọi đặc biệt (đ. 574 §2). Đức Phaolô VI đã nhắc lại rằng: “Các con hãy đi theo Đức Kitô bằngviệc tự do đáp trả tiếng gọi của Chúa Thánh Thần”.[4]

Đây đích thực là một tiếng gọi mà chúng ta có thể phân định – từ những khát vọng thâm sâu, từ những hoàn cảnh, từ những lời khuyên bảo – trong sự cầu nguyện, để nhìn nhận như là một “kế hoạch” của Thiên Chúa dành cho chúng ta.

Đây là một lời mời gọi “tận hiến bản thân cho Chúa” bằng cách triệt để sống các lời khuyên Phúc Âm, chứ không phải là một kêu gọi vào một công tác nào cụ thể trong Giáo Hội (tựa như các tác vụ có chức thánh hoặc các tác vụ khác).Tuy nhiên, cũng có thể là cùng một người nhận ra hai tiếng gọi, như trường hợp ơn gọi tu sĩ và ơn gọi giáo sĩ.

Mục đích và tinh thần của một Hội Dòng Tận Hiến cũng quan trọng cho sứ mạng cứu rỗi của Giáo Hội (đ. 574 §2).

 

 


[1] Công Đồng Vatican II, Hiến chế Lumen Gentium, số 39.

[2] Ibid., số 44

[3] Ibid., số 43.

[4] Đức Giáo Hoàng Phaolô VI, Tông huấn “Evangélica Testificatio” (Chứng tá Tin Mừng), 29-06-1971.