Diễn Từ Ngày Thành Lập Tỉnh Dòng Nữ Vương Các Thánh Tử Đạo, Việt Nam, 18/03/1967

0
1375


 

Bề Trên Tổng Quyền Aniceto Fernádez, OP.[1]

 

 

Hôm nay, ngày 18/03/1967, ngày đại lễ kính thánh Giuse, cha nâng Phụ tỉnh Việt Nam lên hàng Tỉnh dòng độc lập, với danh hiệu rất xứng đáng: “NỮ VƯƠNG CÁC THÁNH TỬ ĐẠO”, với mọi quyền lợi và nghĩa vụ như các Tỉnh dòng khác. Cha rất sung sướng làm việc đó vì, đối với người kế vị thánh phụ Đa Minh, còn gì vui sướng hơn là kỷ niệm 750 năm lập Dòng bằng cách thành lập một Tỉnh dòng mới ở miền Viễn Đông này, nơi mà Giáo hội đang mong chờ những tiến bộ phong phú.

Niềm vui của cha còn tăng thêm vì chính đức Angelo Palmas, Khâm sứ Tòa thánh và đức cha Phaolô Nguyễn Văn Bình, tổng giám mục Saigon, cũng vui mừng tới đây để chứng tỏ sự đồng ý và niềm hoan lạc của các ngài.

Niềm vui của cha còn tăng thêm do chính sự vui mừng của Tỉnh dòng mẹ “RẤT THÁNH MÂN CÔI” Phi-luật-tân, sự vui mừng đó được chứng tỏ bởi sự hiện diện của cha Tỉnh trưởng J. Gayo – mà ai cũng phải tán tụng vì những cố gắng của ngài để sửa soạn cho có ngày hôm nay – bởi sự hiện diện của đức giám mục J. Velasco, của cha Viện trưởng trường đại học Manila, cha Bề trên tu viện thánh Đa Minh, cha Bề trên tu xá Hongkong và của nhiều cha cùng những vị giáo sư khác thuộc các nhà đó.

Niềm vui của cha còn được tăng thêm nhất là bởi sự vui mừng của chính Tân Tỉnh dòng NỮ VƯƠNG CÁC THÁNH TỬ ĐẠO. Các con cái của Tỉnh dòng này, giữa bao nhiêu biến cố đau thương của đất nước, vẫn có lý mà vui mừng hoan lạc; từ thâm tâm họ được tràn ngập một niềm an ủi sâu đậm, vì ước nguyện đã bày tỏ từ lâu nay được thành đạt.

Hơn nữa, hai đức giám mục thuộc dòng Đa Minh: Đức cha Anrê Reginaldo Jacq, đức cha Đa Minh Hoàng Văn Đoàn, đức cha F.X. Trần Thanh Khâm, Giám mục phụ tá địa phận Saigon, cha H.Carpenter, Cố vấn và Tổng bí thư ngành Truyền giáo của cha, thêm vào đó còn có cha Tỉnh trưởng Tỉnh dòng Úc Đại Lợi, nhiều vị linh mục, tu sĩ và số đông giáo dân, thảy đều cùng chúng ta hoan lạc vui mừng, như đã chứng tỏ khi họ tham dự Thánh lễ đồng tế sáng nay và Nghi lễ lúc này, một cách đông đảo và sốt sắng.

Tỉnh dòng hiền mẫu của Tân Tỉnh dòng này là Tỉnh dòng RẤT THÁNH MÂN CÔI Phi-luật-tân, một Tỉnh dòng được liệt vào hàng những Tỉnh dòng oanh liệt nhất của Dòng vì lãnh thổ bao la, vì hoạt động tông đồ rất phong phú, vì con số các vị truyền giáo đông đảo và tài ba, các nhà thần học, triết học và luật gia lỗi lạc, vì trường đại học Manila vượt trên mọi trường đại học Công giáo khác về sĩ số và về phân khoa.

Nhưng có lẽ cái vinh dự đặc biệt nhất của Tỉnh dòng ấy là đã làm trọn sứ mạng tông đồ tại nước Việt Nam này, nơi mà các địa phận truyền giáo thịnh đạt đến nỗi đã được chính thánh bộ Truyền giáo đề cao như mô phạm; nơi mà các vị tông đồ, do sự siêng năng ân cần và do sự nhiệt tâm hữu hiệu, nhất là do sự tử đạo tại nước này, mà số đông là người bản quốc, trong số đó trổi vượt nhất là chân phước Vicente Liêm.

Tỉnh dòng RẤT THÁNH MÂN CÔI Phi-luật-tân, vì bao nhiêu thành tích vẻ vang như thế, đã xứng đáng được cái vinh dự không nhỏ và không phải là cuối cùng này, là làm hiền mẫu của Tân Tỉnh dòng Việt Nam, Tỉnh dòng xứng đáng mang tước hiệu rất thánh là “NỮ VƯƠNG CÁC THÁNH TỬ ĐẠO”.

Để thành lập một Tân Tỉnh dòng cần phải có những điều kiện chính sau đây:

1/ Phải có nhiều tu xá dưới quyền một Bề trên, trong số các tu xá ít nhất phải có ba tu viện hợp quy.

2/ Phải có ít nhất ba mươi cử tri có quyền đầu phiếu trong các cuộc bầu cử.

3/ Phải có lãnh thổ riêng, tách biệt với lãnh thổ của các Tỉnh dòng khác.

4/ Phải có phương tiện kinh tế để đáp ứng sinh hoạt của Tỉnh dòng.

5/ Phải do đại hội của Dòng hoặc do Bề trên Cả cùng Hội đồng Cố vấn của ngài chấp thuận thành lập.

6/ Phải được Toà thánh chuẩn y (Hiến pháp số 280-282).

Nhờ Tỉnh dòng RẤT THÁNH MÂN CÔI tận tình và quảng đại chuẩn bị, Phụ tỉnh Việt Nam đã hoàn toàn hội đủ các điều kiện trên, nên cha đưa lên hàng Tỉnh dòng tự trị và tuyên bố thành lập.

Nhưng xét vì Chúa Quan Phòng muốn chúng ta cộng tác trong việc này, nên lưu ý rằng: những kết quả truyền giáo và những điều kiện kể trên không thể thu lượm nếu không có những đức tính của người Việt Nam là lòng mộ đạo và chuộng luân lý. Đức tin và đức mến, sự nhiệt thành tông đồ và lòng dũng cảm tuyên xưng đức tin của người Việt Nam không thua kém các nhân đức của những tín hữu tiền bối.

Chính cha đây, khi còn là sinh viên, đã được nghe người ta đề cao lòng sùng đạo và nhiệt thành của người Việt Nam, sánh kịp với lòng sùng đạo và sự nhiệt thành của các tín hữu sơ khai. Giờ đây cha rất vui mừng vì được thấy tận mắt và chứng nhận lời nhận định đầy giá trị trên kia là đúng.

Lòng mộ đạo tự nhiên, mà Tertuliano đã nhắc tới, hình như được đặc cách in sâu vào tâm não của người Việt Nam. Không thể nói được rằng lòng sùng đạo của người Việt Nam chỉ dựa trên tình cảm, vì phúc tử đạo của hơn sáu mươi ngàn giáo dân chứng tỏ nền tảng đạo giáo đã đâm rễ sâu trong tâm hồn họ.

Cố nhiên là những điều kiện tốt đẹp tự nhiên và sự trung thành hưởng ứng ơn Chúa đã giúp ích lớn trong việc truyền bá Phúc âm cho hữu hiệu, trong việc phổ biến danh thánh Chúa cho sâu rộng, và do đó cũng giúp cho việc cổ võ và phát triển bản Dòng.

Với niềm hân hoan của hiền phụ, cha xác nhận công danh cao cả của các tu sĩ Việt Nam trong việc tạo nên những điều kiện để có thể chín chắn nâng Phụ tỉnh này lên hàng Tỉnh dòng. Quả thực, sự tận tâm hoạt động và lòng trung thành với ơn thiên triệu Đa Minh đã là những phương thế hữu hiệu để đạt tới kết quả đó. Hơn nữa bằng chứng cụ thể của bao huân công ấy là hai vị giám mục khả kính của chúng ta: Đức cha Đa Minh Hoàng Văn Đoàn và đức cha Giuse Trương Cao Đại.

Trong dịp này cũng không nên quên sự nghiệp cao cả của các tu sĩ thuộc Phụ tỉnh Lyon trong việc truyền bá đức tin ở Việt Nam.

Thường tình khi con cái chia lìa cha mẹ thì cả đôi bên đều khổ tâm. Nhưng luật sinh tồn đòi con cái tới tuổi trưởng thành phải bỏ nhà cha mẹ để đi lập gia đình khác. Cha mẹ nào, vì quá yêu con, không để con ra đi, cũng chẳng đáng khen.

Định luật đó cũng ứng dụng trong lãnh vực siêu nhiên, trong các gia đình tu sĩ, cả hai Tỉnh dòng phụ – tử RẤT THÁNH MÂN CÔI Phi-luật-tân và NỮ VƯƠNG CÁC THÁNH TỬ ĐẠO Việt Nam, đều công nhận đã tới lúc phải phân ly để dễ dàng mưu ích cho cả đôi bên hơn và làm cho Dòng cũng như Giáo hội được thăng tiến hơn. Cả hai bên đều xin cha và cha đã vui lòng chấp nhận.

Cha hy vọng việc đó sẽ mang lại nhiều phúc lợi sáng lạn cho Giáo hội Việt Nam. Để những phúc lợi ấy được dồi dào và phong phú hơn, trong ngày trọng đại thành lập Tỉnh dòng này, cha sung sướng nhắc lại mấy nguyên tắc căn bản mà mọi tu sĩ phải luôn luôn suy niệm.

1. Nguyên tắc thủ yếu phải suy niệm là tính cách siêu nhiên của Tỉnh dòng và của đời tu Đa Minh. Tỉnh dòng là thành phần của Giáo hội, mà Giáo hội, cũng như Chúa Giêsu, Đấng sáng lập Giáo hội, là một mầu nhiệm siêu nhiên, là một xã hội nhân thần (có nhân tính và thiên tính). Công đồng Vaticano đệ nhị đã bàn giải sâu rộng về tính cách đó và đã trình bày như một chân lý tối hệ đối với thời đại chúng ta.

Sinh hoạt của Giáo hội, xét về tính cách siêu nhiên, hoàn toàn lệ thuộc vào ơn thánh Chúa. Tỉnh dòng cũng thế, để tồn tại và sinh hoạt, phải nhờ vào ơn thánh Chúa. Bởi đó, chúng ta đừng bao giờ quên rằng, trợ lực chính yếu làm cho Tỉnh dòng được thăng tiến là do Chúa mà phát xuất và phải xin Chúa ban, chẳng vậy chúng ta sẽ tin tưởng vào người đời và vào những phương thế tự nhiên một cách quá đáng.

Dĩ nhiên không nên coi thường những phương thế của nhân loại; trái lại còn phải cho là cần thiết nữa, vì Tỉnh dòng cũng như cả Dòng và Giáo hội, vẫn được coi là một xã hội có nhân tính, và vì chính Chúa muốn cho chúng ta sử dụng các phương tiện dưới sự hướng dẫn của ơn thánh để cổ võ nếp sống của Tỉnh dòng cũng như các xã hội khác. Nhưng phải đặt những phương thế thực sự siêu nhiên hay là có hiệu lực siêu nhiên lên hàng đầu.

2. Nguyên tắc thứ hai cha muốn nhắc tới là lòng trung thành với Tòa thánh, với quyền bính và sự giáo huấn của Giáo hội: về điểm này Dòng ta luôn luôn trổi vượt. Lòng trung thành với ơn thiên triệu Đa Minh trước hết đòi chúng ta phải tuân phục Giáo hội trong tất cả những gì Giáo hội truyền dạy về đức tin, phong hóa hoặc về bất cứ điều gì. Chúng ta không có lý do gì để do dự về điều đó.

Bởi vậy, phải ân cần sửa chữa ngay những khuyết điểm và những sơ suất đối với sự tuân phục nói trên. Đối với người Công giáo, quyền giáo huấn của Giáo hội là quy luật đệ nhất và tối thượng trong những vấn đề thuộc đức tin hay liên hệ tới đức tin.

3. Nguyên tắc thứ ba là đức mến. Nguyên tắc này cũng quan hệ không kém gì hai nguyên tắc trên. Ai cũng công nhận đức mến là luật căn bản của Kitô hữu và là nữ hoàng các nhân đức; mọi giới răn khác đều hàm chứa trong hai mệnh lệnh: mến Chúa và yêu người. Vai trò chính yếu của đức mến là liên kết linh hồn với Thiên Chúa và kiện toàn sự đoàn kết giữa anh em. Bởi đó thánh Tông đồ đã nhắn nhủ: “Anh em hãy có đức mến, vì đức mến là dây liên kết sự trọn lành” (Cl 3, 14). Nhờ đức mến, cả những việc nhỏ mọn cũng có giá trị vô cùng, nhưng thiếu đức mến thì cả những việc cao trọng nhất cũng trở thành vô dụng.

Chúng ta biết rằng lòng mến Chúa phải biểu lộ trong tình thương yêu tha nhân. Đó là dấu hiệu để phân biệt Kitô hữu. Do đó thánh Gioan cho những ai xưng mình mến Chúa mà không thương yêu anh em là người nói dối (1Ga 4,20). Tình thương yêu tha nhân đó được chính Chúa Giêsu đặc biệt nhắn nhủ trong bữa dạ tiệc, cốt để in sâu vào tâm khảm chúng ta. Vậy nếu chúng ta phải thương yêu mọi người, thì trước hết và trên hết phải tận tình đối với những anh em chung sống với chúng ta hằng ngày. Phải, chính đức thương yêu sẽ đem lại cho cộng đồng sự bình an và hoan lạc, sẽ khai quang đường lối thuận tiện cho mọi nhân đức và làm cho việc tông đồ được đầy hiệu lực.

Để chu toàn nhiệm vụ đức thương yêu, chúng ta phải giữ ba điều:

Thứ nhất: Phải thận trọng đừng bao giờ làm điều gì di hại cho anh em. Bởi đó, phải tránh tất cả những chi khả dĩ làm cho người khác phải đau khổ, buồn phiền và khó chịu; nhất là phải tránh những sự tỵ hiềm, những lời dèm pha ác ý, những hình thức phê phán chua cay và bất công, nhữ lối tranh luận giả hiệu. Hơn nữa, đừng đem truyện nhà và khuyết điểm của anh em nói cho người ngoài.

Thứ hai: Đức mến nồng nàn thúc đẩy chúng ta hết sức lo liệu mọi sự lành cho anh em và thi thố những việc từ bi đối với họ. Một tu sĩ giàu tình yêu thương sẽ không để qua giờ nào mà không giúp đáp anh em nhiều cách; những sự trợ giúp đó, dù lặt vặt, cũng có sức mãnh liệt để nuôi dưỡng đức mến.

Thứ ba: Anh em phải thương xót lẫn nhau và tha thứ cho nhau, yêu mọi người, giúp đỡ mọi người, kể cả những người không đáng yêu mấy, hoặc vì tính tình của họ, hoặc vì đã làm điều gì bất công, hoặc vì một sự xích mích nào đó. Điều này có lẽ rất khó, nhưng là đặc điểm của đức thương yêu Kitô hữu: Chính Chúa Giêsu đã truyền dạy chúng ta phải thương yêu kẻ thù và, trên thánh giá, Người đã làm gương cho ta. Đây cha không muốn ám chỉ những sự thù địch ác ôn ít khi xảy ra nơi các tu sĩ, nhưng cha muốn nói đến những sự bất hoà và khó chịu nhỏ nhen thường có trong các cộng đoàn.

Cố nhiên, để chu toàn các điều kiện kể trên, đức mến sẽ tự chuốc cho mình nhiều hy sinh và từ khước cam go. Nhưng nếu suy đến những thành quả phúc lợi sẽ thu hoạch, hẳn ai trong chúng ta cũng phải sẵn sàng quyết tâm đón nhận những hy sinh ấy. Không ai nghi ngờ được rằng đức thương yêu anh em là phương thế hữu hiệu nhất để cổ võ các nhân đức, việc tông đồ, sự bình an.

4. Nguyên tắc thứ bốn, phát sinh do đức mến nồng nàn, là sự quý chuộng đời sống Đa Minh của chúng ta, và thận trọng trung thành cẩn thủ lời khấn và tu hiến. Một tu sĩ nhiệt thành hẳn là yêu quý và cẩn thủ lời khấn và tu hiến. Nhưng cha muốn đặc biệt nhắn nhủ đôi điều về lời khấn vâng lời, về sự học hành và về các việc đạo đức.

a/ Vâng lời là một nhân đức chi phối toàn thể cuộc đời tu sĩ (x. Hiến pháp số 542). Chính đức mến Chúa giúp ta yêu quý và cẩn thủ đức vâng lời. Linh hồn nào càng tiến trong tình yêu Chúa, càng dễ vâng lời hơn, vì sự hoàn thiện hệ tại bắt ý muốn chúng ta tùng phục ý muốn của Chúa; và những linh hồn hoàn thiện, noi gương Chúa Giêsu, không hăng say điều gì một cách nồng nhiệt hơn là tuân theo thánh ý chúa.

Ngày nay có ba điều gây trở ngại lớn cho việc vâng lời:

1/ Óc phê bình. Óc phê bình làm cho người dưới chỉ tuân hành mệnh lệnh của Bề trên sau khi đã công nhận là đích đáng. Dĩ nhiên là trước khi truyền lệnh Bề trên đã phải bàn luận và cân nhắc cẩn thận; nhưng một khi mệnh lệnh đã ban bố thì buộc người dưới phải tuân hành, vì sự hoàn bị của cộng đoàn chỉ thành tựu khi mọi sự diễn tiến trong trật tự, nghĩa là khi nhiều người sống đoàn tụ tuân phục mệnh lệnh của một Bề trên.

2/ Thuyết nhân vị. Phương diện tích cực của thuyết này cho ta thấy: tu sĩ không phải là vật vô linh và quyền bính phải được sử dụng để phục vụ cộng đoàn. Nhưng một trật cũng phải đề phòng kẻo bề dưới quên giới hạn của mình và coi thường sự trợ lực cần thiết của Bề trên khi nhắn nhủ và truyền khiến: Bề dưới không những phải căn cứ vào lương tâm chắc chắn, mà còn phải căn cứ vào lương tâm ngay thẳng và chân chính.

3/ Thuyết dân chủ quá khích. Do quan niệm tương phản của một thứ cá đối bằng đầu, thuyết dân chủ quá khích làm cho quan niệm tùng phục – đặc tính của đức vâng lời – bị mai một, thành thử chỉ có thể thoả thuận sau khi đã tranh luận.

Với những sự kiện nêu trên, chỉ có đức mến mới giải quyết nổi vấn đề vâng lời và quyền bính, cả những khi cần phải có sự đối thoại chân thành và khiêm nhu, sự đối thoại đó không làm thương tổn tính cách siêu nhiên của mệnh lệnh cũng như của việc tuân hành.

Vì ngày nay đức vâng lời cần thiết hơn bao giờ hết, cho nên để giải thích thoả đáng mọi khía cạnh của đức vâng lời, cần phải, nhờ tình tương thân tương ái, thành tâm suy niệm những điều Công đồng Vaticano đệ nhị đã dạy về lời khấn này (x. PC số 14).

b/ Việc học hành là một kỷ cương chính yếu khác mà nếu không ân cần áp dụng, chúng ta không thể trung thành với ơn thiên triệu của chúng ta và không thể đạt tới mục đích của ta là lấy lời giảng giải mà cứu rỗi các linh hồn (x. Hiến pháp số 627).

Hiển nhiên là trong thời đại này chúng ta phải ân cần nghiên cứu các văn kiện của Công đồng Vaticano đệ nhị, trong đó chúng ta tìm thấy nhiều đạo lý, phương pháp và những huấn thị giúp cho việc tông đồ hiện đại trở nên hữu hiệu một cách thuận lợi hơn.

Chúng ta cũng không nên quên rằng sự chuyên chăm học hỏi thánh Thomas và trung thành với học thuyết của ngài về triết lý và giáo lý là một phương thế liên tục và tuyệt hảo để duy trì lòng trung thành với quyền giáo huấn của Giáo hội, cha còn muốn nói: Đạo lý của thánh Thomas là phương tiện hữu hiệu nhất để thấu hiểu, tra cứu và giải thích một cách chính đáng các văn kiện của Công đồng Vaticano đệ nhị.

Chính lời khuyến cáo mà Giáo hội đã lặp đi lặp lại nhiều lần, và lịch sử của ba thế kỷ cận đại này quá đủ để chứng minh tầm quan trọng của học thuyết thánh Thomas. Và trong hai văn kiện chính Công đồng Vaticano đệ nhị, với mục đích chỉ dẫn và phổ biến những gì cần thiết nhất cho thời đại chúng ta, đã căn dặn phải theo đường lối của thánh Thomas trong những luận chứng triết học cũng như, dưới sự hướng dẫn của bậc danh sư ấy, trong các vấn đề thần học (x. OT số 16; GE số 10).

Vậy nếu lời khuyến cáo ấy ban bố cho mọi người thì càng thích hợp với các tu sĩ của dòng Giảng Thuyết hơn, vì sở dĩ Chúa đã ban cho Dòng được vị danh sư như thế là cốt để các tu sĩ của Dòng đạt được mục đích cho đầy đủ hơn. Vì thế, những người chuyên chú học hỏi thánh Thomas và trung thành gắn bó với đạo lý của ngài phải trổi vượt hơn các người khác (x. Hiến pháp số 662-668).

Đừng sợ rằng, sự trung thành với quyền giáo huấn của Giáo hội và với học thuyết của thánh Thomas sẽ làm trở ngại cho sự tiến triển của khoa học đời và đạo. Trái lại, sự trung thành đó giúp ta tránh đàng tà, theo đàng chính và cổ võ sự tiến triển ấy hơn. Không thể có sự tiến triển chân chính nếu lý trí không theo đúng các nguyên lý tự nhiên của chính lý trí vá các nguyên lý của đức tin hay của mặc khải. Cắt đứt và coi thường mọi truyền thống của nhân loại và của Giáo hội sẽ không tiến hóa mà còn thoái hóa với cực nhọc, đau khổ và cuối cùng là diệt vong.

Vậy triết học và thần học của thánh Thomas là phương tiện tuyệt hảo để tìm thấy chân lý trong lãnh vực tự nhiên, để thấu hiểu các chân lý đức tin, để bảo toàn dây liên lạc giữa các chân lý cũ và mới, và sau hết để nhìn nhận sự hòa hợp giữa hai lãnh vực tự nhiên và siêu nhiên.

Chính vì thế mà Giáo hội đã nhiệt liệt giới thiệu học thuyết của thánh Thomas, một học thuyết đáng ca tụng và cổ võ luôn mãi.

c/ Sự trung thành vuông tròn các việc phụng vụ và đạo đức là căn bản để duy trì và phát triển đời sống thiêng liêng.

Trong số các việc đạo đức ấy có việc dâng Thánh lễ hoặc rước lễ hằng ngày, xưng tội hằng tuần, nguyện kinh Thần vụ chung, suy ngẫm, tôn sùng Đức Mẹ, thánh phụ Đa Minh và các thánh khác của Dòng, nhất là tôn sùng sáu mươi vị anh hùng tử đạo ở Việt Nam mà Giáo hội đã ghi vào sổ chân phước.

Sự trung thành với các việc đạo đức đó trước hết đòi hỏi phải giữ nghi thức bề ngoài, nhưng như thế chưa đủ để sinh hoa trái thiêng liêng, cần phải có sự sốt sắng bên trong tháp tùng. Không những phải vuông tròn với các việc đạo đức ấy một cách máy móc, mà còn phải làm với lòng tin tưởng, yêu mến, với tâm trí hướng về Chúa để suy ngẫm trong lòng những điều đọc ngoài miệng, như thánh Augustino đã nhắn nhủ trong Tu luật.

Sự trung thành đó, tuy được nhắc đến sau cùng, nhưng trong thực tế lại đi tiên phong, vì tất cả đời sống thiêng liêng của chúng ta đều lệ thuộc vào đó. Nếu lòng trung thành ấy bị thiếu sót hay suy giảm, tất nhiên chúng ta cũng thiếu nghị lực để phán đoán các hoạt động của ta một cách ngay thẳng siêu nhiên, để cổ võ đức mến, để củng cố đức vâng lời và sự gắn bó với quyền giáo huấn của Hội thánh và với đạo lý của thánh Thomas.

Khi sự trung thành đó cường tráng thì đời sống nội tâm cũng thăng tiến, việc thiện cũng tăng gia và sức mạnh siêu nhiên được bồi dưỡng. Tất cả các dòng tu, lúc khai nguyên, đều nổi tiếng về lòng sốt sắng đạo đức và việc cẩn thủ Tu luật. Lòng đạo đức và nhiệt thành là hai đặc tính của người Việt Nam: bởi đó cha hy vọng rằng các tu sĩ Việt Nam sẽ đứng vào hàng những tu sĩ dòng Giảng Thuyết nổi tiếng nhất về lòng đạo đức và tinh thần kỷ luật.

Nhưng đây cha muốn tha thiết nhắn nhủ chúng con về việc sùng kính kinh Mân côi. Vì là một việc sùng kính riêng biệt của Dòng, nên hết thảy các tu sĩ Dòng phải hết tình quý mến, nhất là các tu sĩ của Tân Tỉnh dòng này. Lịch sử chứng minh: Kinh Mân côi là phương thế linh nghiệm nhất để truyền bá đức tin trong nước này, để giúp các vị tử đạo anh dũng tuyên xưng đức tin. Chính giữa thời cấm đạo ngặt, chân phước Gieronimo Hermosilla (Liêm) đã khuyên nhủ giáo dân như sau: “Các con rất yêu dấu, các con hãy nâng cao tâm hồn lên, vì nhờ lần hạt Mân côi ngày thịnh đạt hùng cường sẽ chóng đến và đức tin sẽ được rộng mở.”

Vậy Tỉnh dòng NỮ VƯƠNG CÁC THÁNH TỬ ĐẠO của chúng con, được hân hạnh làm trưởng nữ của Tỉnh dòng RẤT THÁNH MÂN CÔI Phi-luật-tân, hôm nay đây cần phải nhắc đi nhắc lại lời đức thánh cha và thánh Công đồng Vaticano đệ nhị như sau: “Để chúng con được can đảm chiến đấu trong trận chiến siêu nhiên hằng ngày, và làm cho những nỗ lực và hoạt động tông đồ của chúng con được đầy sức mạnh thiêng liêng, chúng con hãy quý chuộng kinh Mân côi, nghĩa là đừng bao giờ bỏ cái biểu thức cầu nguyện riêng của gia đình chúng con ấy” (Sứ điệp đức Phaolô VI gửi Tổng hội Bogota năm 1965).

Thực ra, Công đồng Vaticano đệ nhị không nói đích danh kinh Mân côi, nhưng đã dùng những lời sau đây để ám chỉ và in sâu vào tâm hồn các tín hữu: “Giáo dân phải quý trọng các việc thực hành và đạo đức kính Đức Mẹ đã được Giáo hội khuyến khích qua bao thế kỷ nay” (Thông điệp Christi Matri Rosarii, 15/09/1966).

Sau hết, cũng như cha đã mở bài, cha cũng muốn kết thúc bằng cách nhắc trí lên cùng thánh Giuse, bổn mạng của cả Giáo hội, vì cha đã thiết lập Tỉnh dòng Việt Nam trong ngày lễ kính Người.

Việc đó không ngoài chương trình quan phòng của Chúa: Thánh Giuse vẫn được ca tụng là gương mẫu chói lọi của đời sống nội tâm, căn bản của tất cả đời sống tu trì như cha đã nói trên. Chính thánh Giuse đã được sống thân mật với Chúa Giêsu và Đức Trinh Nữ Mẹ Thiên Chúa hơn ai hết. Chính thánh Giuse, sau Chúa Giêsu và Đức Mẹ, nuôi dưỡng sự chiêm niệm của chúng ta để làm cho lời giảng được phong phú. Bởi đó lòng sùng kính thánh Giuse trong Dòng chúng ta là một truyền thống rất lành thánh và cổ kính.

Vậy anh em rất thân mến, nhờ lời cầu bầu của thánh Giuse, các nguyên lý về đời sống tu trì Đa Minh cha đã nhắc trên đây phải được các con luôn luôn suy niệm và làm khai triển trong tâm hồn các con, để sau này Tỉnh dòng của các con, mà ngày hôm nay chúng ta hoan hỷ mừng sinh nhật, được hiển hách vì những thành quả sẽ mang lại cho Giáo hội, cho Dòng và cho tổ quốc Việt Nam một cách hào hiệp.

 

 


[1] Cha Anicento Fernández Alonso, OP. sinh ngày 17/4/1895 tại Pardesivil (León). Năm 1950, cha được bầu làm Giám tỉnh Tỉnh dòng Tây Ban Nha. Năm 1962 được bầu làm Bề trên Tổng quyền và điều hành Dòng trong thời gian diễn ra Công đồng Vatican II, cũng như thời hậu Công đồng. Trong nhiệm kỳ của mình, cha đã thực hiện quyết nghị của Công đồng là soạn thảo và công bố sách Hiến pháp và Chỉ thị mới của Dòng. Đồng thời, cha cũng thực hiện việc canh tân Sách lễ mới của Dòng.

Cha là người đến Việt Nam để thành lập Tỉnh dòng Nữ Vương Các Thánh Tử Đạo, Việt Nam. Cha qua đời tại Roma ngày 13/02/1981 sau một cơn đau tim, được an táng tại Vương cung thánh đường Santa Sabina, Roma.