Di dân và Giáo huấn Xã hội của Giáo hội

0
1977

Michael A. Blume, S.V.D.

1. Vài điểm cụ thể của GHXH liên quan đến vấn đề di dân. a) Quyền di cư, bao gồm quyền xin tị nạn. b) Quyền tị nạn có giới hạn không? c) Gia đình và di dân. d) Người di dân tại nơi tiếp cư. e) Nhập cư bất hợp pháp. f) Nhập cư để thay thế.

2. Vài nhận định tạm kết.

Bài này được đăng trên tập san năm 2002 của Hội đồng Tòa thánh về di dân mà lúc ấy tác giả giữ chức Phó Tổng thư ký. (Từ năm 2005, ngài được bổ nhiệm làm Sứ thần Tòa Thánh tại Benin và từ năm 2013 tại Uganda). Nguồn: Migration and the Social Doctrine of the Church http://www.vatican.va/roman_curia/pontifical_councils/migrants/pom2002_88_90/rc_pc_migrants_pom88-89_blume.htm

————–

Nếu ngày nay có một đề tài nào đụng chạm đến phẩm giá của các cá nhân và xã hội, kêu gào công lý, đòi hỏi tình liên đới, và cần sự phối hợp hành động nhắm đến công ích quốc gia và quốc tế, thì hẳn đó là vấn đề di dân. Phẩm giá, liên đới, công ích: đó là ba cột trụ của Giáo huấn xã hội (viết tắt: GHXH) của Giáo hội có thể đóng góp cho thế giới để giải quyết những thảm trạng của nhân loại ngày nay.

Phẩm giá, liên đới, công ích: đây không phải là một lý tưởng nhân đạo hoặc khẩu hiệu chính trị, nhưng là tổng hợp của điều mà Đức Giêsu Kitô đã công bố như là Tin mừng và đã thực hiện đến nỗi chết trên thập giá. Đức Giêsu Kitô, Đấng đã đến ngõ hầu mọi người được sống và sống dồi dào (x. Ga 10,10), “đã mặc khải con người cho con người và làm sáng tỏ ơn gọi cao quý của nó” (GS 22). Cuộc sống ấy được liên kết chặt chẽ với một chuỗi những tương quan: với những cá nhân và đoàn thể khác (xã hội, văn hóa, và quốc gia), với trái đất và vạn vật, và cuối cùng với Thiên Chúa Ba ngôi.

Những mối tương quan ấy sẽ xác nhận: các cá nhân và đoàn thể có một quê hương xứ sở của mình hay không; họ có cần phải rời bỏ quê hương để đi tìm một cuộc sống xứng đáng hơn, hoặc để thoát khỏi sự bắt bớ và cái chết hay không. Tiếc rằng những mối tương quan ấy, thay vì phản ánh Tin mừng và giúp cho việc di dân trở nên cơ hội tiếp xúc giữa các nền văn minh và văn hóa, thì thường lại bị cắt đứt, khiến cho việc di dân trở thành một vấn đề. Đó là lý do vì sao có một đạo lý xã hội của Giáo hội bàn về việc di dân, bên cạnh những đề tài khác.

1. Vài điểm cụ thể của GHXH liên quan đến việc di dân

Có sự tiến triển trong GHXH về việc giải đáp cho những vấn đề cụ thể. Chẳng hạn như Rerum novarum, “thông điệp xã hội” đầu tiên của ĐGH Leo XIII (1891) nhằm trả lời cho cuộc cách mạng kỹ nghệ với những hậu quả tai hại đến cuộc sống của hàng triệu công nhân, “không những đã đề cao phẩm giá và các quyền lợi của người lao động, mà còn bảo vệ những người di dân buộc phải kiếm kế sinh nhai ở nước ngoài”[1]. Những cuộc di dân ồ ạt, được công đồng Vaticanô II xem như một dấu chỉ của thời đại (x. Hiến chế Gaudium et Spes 4-6), là một mối quan tâm giúp khai triển GHXH. Đâu là những điểm quan trọng của việc di dân mà GHXH đề cập?

a. Quyền di cư, bao gồm cả quyền xin tị nạn

Điểm thứ nhất là quyền di cư. “Trong số những quyền lợi cá nhân của con người, ta phải kể đến quyền được nhập một quốc gia mà họ hy vọng có thể lo liệu thích đáng cho bản thân và gia đình” (Thông điệp Pacem in terris 106). GHXH đã lặp lại điều này vào nhiều cơ hội và dưới những hình thức khác nhau.

Quyền này dựa vào đâu? Thưa rằng dựa trên phẩm giá của con người, được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa là Chủ tể sự sống. Con người có quyền sống xứng hợp với hình ảnh của Thiên Chúa, hoàn thành ơn gọi của mình bằng bổn phận lao động theo như Chúa dạy (x. St 3,19). Lao động được bén rễ nơi con người, được thông dự vào công cuộc tạo dựng của Thiên Chúa, bằng cách sinh sản, làm đầy trái đất và làm chủ nó (x. Thông điệp Laborem exercens). Lao động không chỉ là chuyện kiếm sống mà còn là phát triển  tài năng cá nhân, gia đình, văn hóa, đời sống chính trị xã hội.

Do đó, mỗi nhân vị có một quyền lợi  bất khả nhượng được sinh sống và có những hoạt động cần thiết để nâng đỡ và phát triển sự sống[2]. Vì thế nếu những quyền này bị ngăn trở liên tục, thì người ta có quyền đi đến nơi nào mà họ hy vọng có thể bắt đầu cuộc sống mới xứng hợp với con người hơn.

Việc bảo vệ nhân phẩm và sự sống lại càng trở nên rõ rệt hơn nữa trong những hình thức di dân bi đát, đặc biệt là trường hợp những người di cư tị nạn. Tuy vẫn có thể chấp nhận những hạn chế về nhập cư, nhưng “không bao giờ được khước từ quyền tị nạn khi mà sự sống bị đe dọa nghiêm trọng tại quê hương của mình” (Huấn thị RCS số 6)[3].

b. Quyền tị nạn có tính cách tuyệt đối không? Quyền này có giới hạn không? 

GHXH cũng chấp nhận rằng các quốc gia có quyền kiểm soát sự nhập cư và ranh giới của mình. Các quốc gia có quyền lợi và nghĩa vụ bảo vệ chủ quyền cũng như trật tự nội bộ để bảo đảm an ninh, các quyền lợi căn bản và các quyền tự do. Vì thế, các quốc gia có thể ban hành những quyết nghị thực dụng để kiểm soát những sự nhập cư[4]. Tuy nhiên cần phải nhớ nguyên tắc là  những người nhập cư luôn luôn cần được đối xử với sự tôn trọng phẩm giá của mỗi nhân vị. Trong việc kiểm soát những đoàn nhập cư, sự bảo vệ công ích không được phép bỏ qua nguyên tắc ấy. Quả là một thách đố lớn lao khi phải dung hòa việc đón tiếp dành cho mỗi con người với sự lượng định điều gì cần thiết để bảo đảm an ninh thịnh vượng cho cả dân cư địa phương cũng như cho người mới đến[5].

Lập trường này khác hẳn với những chính sách kiểm soát nhập cư, thậm chí đi tới chỗ quyết định tuyệt đối không chấp nhận nhập cư. Để một quyết nghị hạn chế nhập cư phù hợp với luân lý, cần phải xét đến nhiều yếu tố, tựa như:

1/ Thứ nhất, có một bổn phận phải đi tìm hiểu sự thật về di dân, những lợi ích của nó đối với xã hội, và suy xét những ý tưởng thường phổ biến nơi các phương tiện truyền thông, các cuộc tọa đàm, các quán café. Những quyết định dựa theo những thông tin thiếu sót không chỉ làm thiệt hại cho các người di dân mà cho cả những người làm ra chúng nữa. Chỉ duy sự thật mới mang lại tự do, hòa bình và công lý.

2/ Thứ hai, sự hạn chế nhập cư không thể dựa theo những động lực ích kỷ, chẳng hạn như hy vọng sẽ duy trì một mức sống cao, đang khi đa số nhân loại đang sống dưới mức nghèo đói[6]. Cuộc tranh luận về quyền lợi của các quốc gia và của các công dân của họ không được tách rời khỏi tình liên đới, là một yếu tố căn bản của đạo lý công giáo về xã hội. Tình liên đới được đặt trên một nguồn gốc chung của loài người và sự bình đẳng của mọi người, và được bộc lộ qua việc tìm kiếm một trật tự xã hội công bằng hơn. “Các vấn đề kinh tế xã hội chỉ có thể giải quyết được nhờ vào các hình thức của tình liên đới”, kể cả trên bình diện quốc tế, ảnh hưởng đến hòa bình thế giới[7]. Cần có sự toàn-cầu-hóa tình liên đới.

3/  Thứ ba, một cột trụ nữa của GHXH, các tài sản đều được dành cho hết mọi người, cần được cân nhắc khi quyết định về việc hạn chế nhập cư, bởi vì “các tài nguyên thiên nhiên được dành cho toàn thể nhân loại” (Sách Giáo lý HTCG  2402). “Hòa bình và thịnh vượng … được dành cho toàn thể nhân loại: ta không được phép hưởng dụng chúng cách riêng tư và lâu dài cách riêng khi chúng được duy trì nhờ sự gánh vác của các dân tộc khác qua việc vi phạm quyền lợi của họ hoặc bằng cách loại trừ họ ra khỏi những nguồn phúc lợi” (Thông điệp Centesimus Annus 27).

Từ đó chúng ta có thể hiểu lời khuyên của tông huấn Ecclesia in America: “Giáo hội Mỹ châu phải trở thành một luật sư cảnh giác, bằng cách chống lại những hạn chế bất công trái nghịch với quyền tự nhiên của các cá nhân được di chuyển trong quốc gia của mình và từ quốc gia này sang quốc gia khác” (số 65).

Như vậy, phải chăng các quốc gia được phép hạn chế hoặc kiểm soát các cuộc nhập cư? Câu trả lời là “Được, nhưng mà …”. Được phép làm như thế nếu kèm theo hai hành động.

Thứ nhất là tự vấn lương tâm cách nghiêm nghị dựa trên ba nguyên tắc nói trên đây. Về điểm này Giáo Hội có ơn gọi trở nên ngôn sứ bằng việc huấn luyện lương tâm của xã hội và giúp họ kiểm điểm. Giáo hội có quyền lợi và nghĩa vụ làm điều này bởi vì là một “chuyên gia về nhân đạo” (Thông điệp Sollicitudo rei socialis số 7 và 41) liên lỉ nhắc nhở các chân lý căn bản về phẩm giá con người và xây dựng một trật tự xã hội công bằng và huynh đệ hơn.

Thứ hai là cần phải đặt cuộc tranh luận này trong bối cảnh của một cột trụ khác của GHXH, đó là sự hợp tác quốc tế [8] cách công bằng trong việc di dân ngõ hầu phục vụ công ích của cả hai quốc gia tiếp đón và gửi đi. Sự ủng hộ việc hợp tác này thật rõ rệt qua sự hiện diện của Tòa Thánh với tư cách là quan sát viên tại Tổ Chức Di dân Quốc tế, diễn đàn cho cuộc tranh luận về “di dân có trật tự”, tại Cao Ủy LHQ về các người tị nạn với tư cách là thành viên chính thức, và tại những những cuộc tranh luận khác của LHQ về trật tự kinh tế quốc tế với tư cách là quan sát viên, qua lời kêu gọi của Đức Thánh Cha xin giảm hoặc xóa nợ nần quốc tế, và qua việc Tòa Thánh ủng hộ Thỏa ước năm 1990 về những quyền lợi của các di dân lao động và gia đình của họ[9].

Liên quan đến Hoa kỳ, đạo lý của Giáo hội nêu lên những vấn đề về luân lý của việc cất hàng rào hoặc bờ tường gây ra chết chóc. Thêm vào đó là vấn đề những cơ quan an ninh biên phòng lạm dụng các người di dân, cũng như chính sách đẩy lui (refoulement) các thuyền nhân[10].

Các người di dân, với một ít ngoại lệ, là những người đi tìm kiếm một cuộc sống xứng đáng hơn. Những phản ứng của các quốc gia và nhân viên an ninh đối với họ cần phải tương xứng với việc tôn trọng nhân phẩm của họ[11].

c. Gia đình và di dân

Gia đình là một trong những đề tài chính của GHXH bởi vì gia đình là “tế bào nguyên thủy của đời sống xã hội … là xã hội tự nhiên trong đó người chồng và người vợ được kêu gọi trao hiến cho nhau bằng tình yêu và hồng ân sự sống” (Sách Giáo lý HTCG số 2207). Ngày nay gia đình phải trải qua nhiều biến chuyển, trong đó có sự di dân, như ĐGH Piô XII đã nhận thấy cách đây hơn nửa thế kỷ khi ban hành tông hiến Exul Familia về di dân, trong đó một chỗ đáng kể được dành cho gia đình.

(1) Quyền được di cư cùng với gia đình

Trong số những quyền lợi của gia đình, phải kể đến “quyền được ra đi cùng với gia đình để tìm kiếm một cuộc sống khả quan hơn” (Tông huấn Familiaris Consortio 46). Họ hành động như vậy để thực hiện những nghĩa vụ phải “tìm an sinh thể lý, tinh thần và tôn giáo cho gia đình” (Thông điệp Mater et magistra 45). Nhu cầu tìm kiếm một nếp sống xứng đáng tạo ra quyền lợi được ra đi, nhất là khi sự ra đi bị cưỡng bách.

Quyền di cư bao hàm quyền được ở với gia đình của mình[12]. Những tương quan sơ đẳng của nhân vị có vị trí ưu tiên ở trên các lập luận chính trị cũng như sản xuất và lợi nhuận. Điều này khiến cho ĐGH Gioan Phaolô II phản đối các “chế độ kéo dài sự chia ly giữa vợ chồng”[13] hoặc giữa cha mẹ với con cái .

Giáo hội nhấn mạnh rằng … sự bảo vệ các gia đình, cách riêng các gia đình bị chất nặng thêm vì những khó khăn do điều kiện di cư và tị nạn, là một ưu tiên. ‘Điều mà Thiên Chúa đã kết hợp thì không ai được tách rời’ ra như là một lời lên án một xã hội đặt lợi ích kinh tế lên trên các giá trị luân lý[14]. Đó là những lời phát biểu cách đây 16 năm rồi, mà vẫn chưa mất tính cách khẩn trương.

Khi xét đến những nghĩa vụ của xã hội đối với gia đình cũng như những quyền lợi của gia đình (xem Tông huấn Familiaris consortio số 46), ta có thể rút ra kết luận rằng có một quyền lợi không phải di cư, hay phát biểu cách tích cực hơn: “quyền lợi sơ đẳng của con người được sống tại quê hương của mình”[15]. Sự di dân thường có nghĩa rằng quyền lợi này đã không được tôn trọng trên bình diện cá nhân và các gia đình không có khả năng chu toàn những nghĩa vụ đối với mình và con cái trong một xã hội đặc thù.

(2) Những quyền lợi của các gia đình di cư tại nơi đến

Mối quan tâm mục vụ còn dẫn đưa Giáo Hội đến việc bảo vệ giá trị của gia đình, sự tự do của gia đình trong việc di chuyển và quyết định, quyền của gia đình được giáo dục con cái và nuôi dưỡng chúng “phù hợp với truyền thống của gia đình và những giá trị tôn giáo và văn hóa của họ”. GHXH còn nhấn mạnh rằng các quốc gia có nghĩa vụ bảo đảm cho các gia đình di dân cũng được hưởng những điều kiện giống như các công dân của mình[16]. Trong trường hợp xung khắc giữa gia đình và xã hội, thì ưu tiên phải dành cho gia đình. Không được phép kỳ thị các gia đình di dân.

Các cộng đoàn Kitô hữu ở nước tiếp cư được mời gọi tỏ tình liên đới và chia sẻ gánh nặng với các gia đình di dân. Họ hãy đón nhận những người di dân làm sao cho không một người nào lại không có gia đình trên thế giới này. Giáo hội phải là gia đình ấy, đặc biệt là đối với những người mang nhiều gánh nặng. Trong Giáo hội, không ai là kẻ xa lạ.

d. Các người di dân tại nơi tiếp cư

(1) Tôn trọng văn hóa của họ

Mục này bàn vắn tắt về khía cạnh phức tạp của việc hội nhập các gia đình và cá nhân vào một xã hội mới, văn hóa mới, cảm nghiệm mới về Giáo Hội. Những đề tài trở nên khẩn trương khi mà sự toàn cầu hóa thường kèm theo khuynh hướng muốn áp đặt một nền văn hóa thống trị, bắt ép các nền văn hóa khác phải rập theo những khuôn mẫu của thế giới Tây phương, và sự kình địch giữa các nền văn hóa[17]. GHXH đòi hỏi phải tôn trọng và chấp nhận các tập tục văn hóa của người nhập cư, miễn là chúng không đi ngược với các giá trị luân lý phổ quát nằm trong luật tự nhiên hoặc các quyền lợi căn bản của con người[18].

Trong bối cảnh này, thật là hữu ích khi nhắc lại một vài đề tài của các sứ điệp Ngày Di dân. Đề tài của sứ điệp năm 1981 là “Tôn trọng và gia tăng căn tính văn hóa của người di dân”. Văn hóa, bao gồm cả tâm linh và tôn giáo, gắn liền với căn tính của người di dân. Nó giúp cho họ có nơi nương tựa khi họ gặp phải một xã hội xa lạ, thường mang bộ mặt thế tục hóa.

Giáo hội có một vai trò đặc biệt trong lãnh vực này. Kinh nghiệm cho thấy rằng một khi người di dân cảm thấy thoải mái tại giáo hội địa phương[19], thì đó là bước đầu tiên của tiến trình “hội nhập”. Họ cảm thấy thoải mái khi nhận thấy như được sống như tại nhà của mình, có thể tự biểu lộ bằng “ngôn ngữ, phụng vụ, linh đạo, các truyền thống riêng”. Đó là tiến trình của sự “hội nhập Giáo hội, làm cho Giáo hội thêm phong phú” và biểu lộ động lực nhập thể của Con Thiên Chúa[20]. Khi người di dân không bị cưỡng bách, họ sẽ góp phần vào việc làm nổi bật tính chất phổ quát của Giáo hội, nghĩa là “sự mở rộng đến người khác, sẵn sàng chia sẻ và sống trong cùng một sự hiệp thông Giáo hội”[21]. Giáo huấn và kinh nghiệm của Giáo hội có thể trở nên bài học cho các chính quyền khi đối diện với những thách đố của vấn đề các văn hóa đa dạng.

(2) Người di dân và vấn đề lao động

“Lao động là một chìa khóa, có lẽ là chìa khóa then chốt của toàn bộ vấn đề xã hội”, đó là lời khẳng định của ĐGH Gioan Phaolô II trong thông điệp Laborem Exercens[22]. Bởi vì việc di cư thường gắn liền với chuyện tìm kiếm công ăn việc làm, cho nên vấn đề lao động đã được GHXH đặt vào hàng đầu.

GHXH quan tâm đặc biệt đến vài khó khăn mà người di dân phải đương đầu: sự phân biệt và kỳ thị chủng tộc[23], thất vọng liên quan đến điều kiện hoặc hợp đồng lao động, bị đối xử như là dụng cụ chứ không phải như là con người, những công tác hiểm nghèo, những giờ làm việc kéo dài, mức lương thấp hơn so với các các công dân địa phương làm cùng một công việc như vậy[24], nhà ở lụp xụp hoặc chẳng có nhà ở, và không hội nhập vào đời sống xã hội[25]. Sứ điệp của Giáo hội gửi tới các chính phủ và các nhà hữu trách đã quá rõ: họ phải bảo vệ tất cả mọi công dân khỏi những tệ hại nói trên, cho dù đó là di dân chứ không phải là công dân, và hợp tác với tất cả các quốc gia để bàn luận rốt ráo về lao động, nghĩa là tìm ra một trật tự kinh tế công bình cho toàn cầu[26]. Các giáo hội địa phương có nhiệm vụ tỏ tình liên đới với các công nhân di dân[27] và huấn luyện dư luận để tranh đấu sự công bình cho họ.

Bởi vì thái độ đối với các công nhân di dân thường che lấp một thứ kỳ thị chủng tộc, cho nên cần phải đương đầu với đề tài này. Tòa Thánh đã nhiều lần bày tỏ lập trường về sự kỳ thị chủng tộc[28]. Tòa Thánh đã tham gia Hội nghị thế giới chống lại sự kỳ thị chủng tộc (Durban, tháng 9 năm 2001) cũng bao hàm sự đồng thuận với những kiến nghị trong bản Tuyên ngôn và Chương trình Hành động, bao gồm hơn kém 40 điểm. Những điều này đáng chúng ta lưu ý trong việc soạn thảo chương trình giáo dục và quan tâm mục vụ.

e. Hợp pháp hay Bất hợp pháp, có giấy tờ hay không 

Sự nhập cư không có giấy tờ hoặc bất hợp pháp là một chuyện gây ra nhiều phản ứng. Tôi không thể đi vào chi tiết của vấn đề phức tạp này, và chỉ khẳng định những nguyên tắc của GHXH có liên quan.

Tuy nhiên, tiên vàn cần lưu ý một điều: Không có những di dân bất hợp pháp, bởi vì các di dân là những con người, và không có con người nào là bất hợp pháp. Con người có thể thực hiện những hành vi bất hợp pháp, nhưng Đấng Tạo hóa không có làm những việc bất hợp pháp. Cần phải thay đổi một ngôn từ mang theo một sự lên án. Tôi nghĩ là các văn kiện của Giáo hội đã sửa đổi ngôn từ, như đọc thấy trong sứ điệp ngày Di dân năm 2000, đề cập đến “những người ‘lén lút’ sống trong những tình trạng bất hợp pháp”. Tông huấn Ecclesia in America số 65 lưu tâm đến “những quyền lợi của các người di cư và gia đình của họ, và tôn trọng phẩm giá của họ, ngay cả trong trường hợp nhập cư bất hợp pháp”. Đó chỉ là tôn trọng sự thật mà thôi. Sự bất hợp pháp không nhất thiết là hậu quả của ý gian. Ta cần phải đình chỉ việc kết án khi đụng đến những con người, cách riêng khi mà hiện nay khuynh hướng lên án rất là mạnh. Chỉ có hết hạn thông hành hay hộ chiếu, chứ không thể nào hết hạn phẩm giá của một con người ở trong tình trạng bất hợp lệ.

Sau đây là những điểm quan trọng hơn hết trong vấn đề này[29]:

  1. Cần phải ngăn ngừa những sự nhập cư bất hợp pháp; vì vậy cũng cần phải chống lại những hành vi tội phạm nhằm khai thác các người nhập cư. Xét về lâu về dài, cần có sự phối hợp quốc tế nhằm cổ võ sự ổn định chính trị và cứu xét những nguyên nhân của sự di cư bất hợp lệ.
  2. Giáo hội tôn trọng luật pháp của chính quyền, bao gồm cả luật quy định sự nhập cư, nhưng Giáo hội yêu cầu các luật lệ ấy phải công bình.
  3. Việc tuyên truyền chống việc nhập cư có thể ảnh hưởng đến cộng đoàn Kitô hữu. Vì thế các tín hữu cần được hướng dẫn để tìm hiểu vì sao có những người nhập cư đã hành động bất hợp pháp.
  4. Những người di dân trong những hoàn cảnh bất hợp lệ cần được giúp đỡ để sinh sống, và hợp thức hóa trong mức độ có thể. Nếu các công dân giúp cho các di dân trong hoàn cảnh bất hợp lệ được nơi trú ngụ thì mục đích không phải là “bất tuân luật pháp” nhưng là bảo vệ những người không được pháp luật đối xử công bình hoặc trường hợp của họ đáng được xét lại.
  5. Nếu dự trù là không thể giải quyết được, thì có thể giúp cho các người di dân này được tiếp nhận tại một quốc gia khác. Nếu giải pháp này cũng không khả thi, thì cần giúp họ trở lại nguyên quán cách an toàn và xứng đáng.
  6. Giáo hội được mời gọi để hợp tác với chính quyền trong việc cải tiến pháp luật, cách riêng trong trường hợp những người di cư sẽ không thể nào trở về nguyên quán mà không gặp nguy hiểm đến tính mạng.
  7. Giáo hội là nơi mà những người nhập cư “được nhìn nhận và đón tiếp như những anh chị em. Các giáo phận có nhiệm vụ bảo đảm cho những người buộc phải sống ngoài mạng lưới an toàn của xã hội dân sự, được cảm nhận tình huynh đệ trong cộng đoàn Kitô hữu” (số 5).

Một điểm cuối cùng là có những hoàn cảnh mà không thể nào hợp thức hóa hoặc trở về nguyên quán. Tình liên đới đòi hỏi phải tìm ra một giải pháp cho các hoàn cảnh đó. Một thí dụ: năm 1998, tại Hội nghị Thế giới lần thứ bốn về di dân, ĐTC Gioan Phaolo II nhắc đến lời yêu cầu xóa hoặc giảm nợ quốc tế; ngài cũng yêu cầu một điều tương tự đối với các người nhập cư: xin hãy bày tỏ một cử chỉ hòa giải nhân dịp Năm Toàn xá, qua việc ân xá cho những người nhập cư đang đau khổ vì sống trong cảnh bấp bênh bởi vì là bất hợp luật[30]. Nên ghi nhận là vài Hội đồng giám mục đã đón nhận lời kêu gọi ấy và áp dụng cho quốc gia của mình.

f. Nhập cư để thay thế

Hồi tháng 3 năm 2000, Phân bộ đặc trách Vụ kinh tế xã hội của LHQ đã công bố tài liệu mang tựa đề: Nhập cư để thay thế: phải chăng là giải pháp cho dân số sụt giảm và già lão?[31]. Sứ điệp căn bản của nó là tuổi trung bình của dân số tại các nước phát triển sẽ tăng lên nhanh chóng trong vòng 50 năm tới, số người ở tuổi làm việc sẽ giảm, số người ở tuổi hưu sẽ tăng. Tại vài quốc gia, sự sụt giảm dân số công dân không thể nào lật ngược được trong trung hạn. Một giải pháp là tăng gia nhập cư  cho những quốc gia này, ngõ hầu các xưởng kỹ nghệ, các dịch vụ, an sinh, vv. có thể tiếp tục. Bản phúc trình đưa ra nhiều giả thuyết tìm cách thực hiện, nhưng sự gia tăng nhập cư là điều không thể nào tránh được. Thí dụ,  một giả thuyết đề ra là Hoa kỳ cần tiếp nhận mười một triệu người mỗi năm, thay vì dưới một triệu như hiện nay.

Hồi tháng 11 vừa rồi, tôi có tham dự một cuộc gặp gỡ của Tổ chức quốc tế về di dân (IOM) tại Genève, và bản phúc trình được chính tác giả trình bày. Thật đáng ngạc nhiên vì không thấy có phản ứng nào chống đối. Ngay cả một vài quốc gia châu Âu, có liên quan rất nhiều đến bản phúc trình này, cũng nhìn nhận tầm quan trọng của nó.

Trong số nhiều chủ đề được gợi lên, tôi muốn lưu ý đến chuyện “thu hút chất xám”. Sự kiện là các quốc gia phát triển đang tuyển mộ các tài năng từ nước ngoài. Thí dụ mới đây Hoa kỳ đã chấp nhận một trừ lệ cho luật Nhập cư 1998, và cho phép cấp 600.000 hộ chiếu cho những chuyên gia về thông tin, phần lớn đến từ Ấn Độ. Việc tìm kiếm các tài năng nước ngoài đôi khi trở thành cuộc “săn lùng chất xám” chứ không chỉ còn là thu hút nữa. Điều này gợi lên câu hỏi về công bình: có được phép mua các tài năng từ các nước đang phát triển chỉ vì có tiền hay không? Có phải là công bình khi thu hút những người đã được nuôi dưỡng giáo dục ở quê hương mình, gây thiệt hại cho các cơ sở giáo dục, nhằm phục vụ ích lợi kinh doanh cho những nước khác hay không?

Đây là một vấn đề luân lý nghiêm trọng ảnh hưởng đến tư bản nhân sự tại nhiều quốc gia. Một tuyên ngôn gần đây của Hội đồng Giám mục Hoa kỳ đã nêu lên vấn nạn: “Chúng tôi đón tiếp tất cả mọi người mới nhập cư và nhìn nhận rằng Giáo hội chúng tôi, cũng như toàn thể nhân dân Hoa kỳ, trở thành tùy thuộc vào nhiều tài năng và năng lực của những người mới đến, nhưng chúng tôi cũng phải nhắc nhở chính quyền rằng sự ra đi của những cá nhân tài ba từ các nước nghèo gây ra một sự thiệt thòi sâu xa cho những nước ấy”[32].

Theo ngôn ngữ của GHXH, giải pháp cần được đặt trên nền tảng của tình liên đới, các tài nguyên thiên nhiên được dành cho tất cả mọi người, công ích quốc tế, đặt ưu tiên con người lên trên lao động và sở hữu. Điều này cần được nhấn mạnh trong các chương trình giáo dục và đào tạo, nhằm huấn luyện lương tâm của các cá nhân cũng như của các quốc gia nói chung. Trong cuộc họp của Tổ chức quốc tế về di dân (IOM), thật là đau lòng khi nghe những quốc gia đang phát triển khẳng định sự cần thiết phải thảo ra những thỏa ước quốc tế về di dân ngõ hầu bảo đảm rằng những quốc gia xuất cư và những quốc gia nhập cư đều được hưởng lợi ích của sự di dân. Tuy nhiên cần phải xem những bài diễn văn cao quý của các hội nghị quốc tế sẽ được diễn tả ra hành động như thế nào trong những năm sắp đến. Đây là một điểm cần phải theo dõi.

2. Vài nhận định tạm kết chung quanh GHXH về di dân.

a. Chúng ta không nên ngạc nhiên khi thấy có sự trùng hợp giữa GHXH về di dân với quan điểm của nhiều người thiện chí mặc dù không theo một tôn giáo nào. Đây là kết quả của lý luận đúng đắn về nhân vị, và có thể dẫn tới việc đối thoại phong phú giữa các nhà tư tưởng Kitô giáo và các nhà tư tưởng nhân văn. Tuy nhiên, tôi muốn thêm rằng đức tin Kitô giáo không những bảo vệ lý trí tự nhiên mà còn đi xa hơn nữa. Thí dụ, về quyền rời bỏ quê hương của mình, GHXH còn thêm “quyền được đến một xứ sở nơi họ hy vọng có thể tìm thấy những điều thích hợp cho bản thân và người thân của mình” (Thông điệp Pacem in terris 106).

Hơn thế nữa, đức tin bảo vệ công lý, nhân phẩm và liên đới khỏi bị chiếm đoạt bởi các ý thức hệ và chính sách mang theo những chủ trương hành động riêng của mình. Do đó GHXH xem nhân quyền bắt nguồn từ nhân vị. Điều này khác với những luồng tư tưởng đang thống trị hiện nay, khi quan niệm quyền lợi như là điều mà dư luận nhìn nhận, hoặc do luật pháp ban cấp, thay vì quy chiếu về cái gì siêu việt. Thực tế là khi Đấng Tạo hóa bị phủ nhận hay gạt ra bên lề, thì các thụ tạo cũng dễ bị hy sinh. Chẳng hạn như các người di cư tị nạn có thể dễ bị gạt ra bên lề bởi các nhà chính trị hoặc các cơ quan ngôn luận không đếm xỉa đến phẩm giá của mỗi cá vị con người.

b. Điều mà các lập luận của GHXH về di dân muốn nhắm đến là diễn ra hành động những hệ quả của đức tin, dựa trên Lời Chúa và được phát biểu trong Kinh thánh: “Các ngươi không được bóc lột người ngoại kiều: các ngươi đã biết tâm trạng của người ngoại kiều bởi vì các ngươi đã là ngoại kiều trên đất Ai-cập” (Xh 23,9). Mỗi thế hệ phải học bài đó, được đâm rễ trong lịch sử tập thể của dân Thiên Chúa. Hệ quả là “Người ngoại kiều cư trú ở trên đất nước phải được đối xử như một công dân trên đất ngươi; ngươi phải yêu thương người ngoại kiều chư chính mình, bởi vì ngươi đã từng là ngoại kiều trên đất Ai cập: Ta là Gia-vê Thiên Chúa của ngươi” (Lv 19,33). Người ngoại kiều, được Thiên Chúa yêu thương, là một thứ “bí tích” của Con yêu dấu của Thiên Chúa: “Ta là ngoại kiều, và người đã tiếp đón ta” (Mt 25,35). Khi nhắc lại tình yêu của Thiên Chúa nơi hy lễ của Đức Kitô, thánh Gioan viết: “Các con thân mến, vì Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta quá chừng như vậy, chúng ta cũng phải yêu thương nhau” (1Ga 4,11). Thân phận ngoại kiều của chúng ta, đã trở thành kẻ xa lạ với Thiên Chúa do tội lỗi của chúng ta và hủy hoại Giao ước, nay được thay đổi nhờ hành động cứu chuộc của Đức Giêsu trong cái chết và sống lại của Người: “Vì thế từ nay, anh chị em không còn là những ngoại kiều và khách lạ nữa, nhưng anh chị em đã là công dân với các thánh và phần tử của gia đình Thiên Chúa” (Ep 4,19). GHXH giúp chúng ta sống thực tại ấy như là những cá nhân và cộng đồng các kẻ tin vào Đức Kitô trong thế giới của những con người di động.

————————

Phụ thêm của Ban Biên tập

  1. Bốn tiêu chuẩn định hướng chính sách di dân theo GHXH

Theo TGM Giampaolo Crepaldi (25/10/2016). http://www.lanuovabq.it/mobile/articoli-quattro-criteri-per-orientare-le-politiche-migratorie-17823.htm#.WCZw-vl9600

1/ Mỗi người có quyền được rời bỏ quê hương, khi cuộc sống tại đây trở thành khó khăn hoặc không thể chịu đựng nổi do một sự ngược đãi chính trị hoặc tôn giáo đe dọa đời sống của bản thân hay gia đình, hoặc do chiến tranh tàn phá hoặc tình trạng cùng cực. Mỗi người có bổn phận yêu mến quê hương của mình, nhưng không ai buộc phải trở thành nô lệ tại đó.

2/ Mỗi người có quyền được rời bỏ quê hương, nhưng trước đó cần nhấn mạnh rằng mỗi người có quyền không buộc phải rời bỏ quê hương, nghĩa là họ có quyền được sinh sống tại quê hương của mình. Việc di dân không được cưỡng bách. Cộng đồng quốc tế cần phải can thiệp để tránh những hoàn cảnh bó buộc người dân phải rời bỏ quê hương của mình.

3/ Quyền rời bỏ quê hương không có tính cách tuyệt đối: nó lệ thuộc vào chính sách của quốc gia nhập cư. Ngoài nghĩa vụ đón tiếp người di cư, chính phủ của quốc gia này có nghĩa vụ và quyền lợi bảo vệ công ích của dân tộc mình, cũng như bảo vệ căn tính của văn hóa riêng.

4/ Chính sách nhập cư cần đặt nền tảng trên sự thật: phải tìm hiểu thực chất của mỗi “đợt di cư”, điều tra về lý do đích thực, và phân biệt những động lực bất chính tiềm ẩn.

II. Những văn kiện quan trọng của Tòa Thánh từ hậu bán thế kỷ XX về di dân (theo thứ tự thời gian)

ĐGH Piô XII, Tông hiến Exsul familia (1/8/1952). Được coi như Đại Hiến Chương của Giáo Hội về việc di dân.

ĐGH Gioan XXIII, Thông điệp Pacem in terries (1963), số 25.

Công đồng Vaticanô II, Hiến chế Gaudium et spes (số 6, 27, 65, 67, 69, 87).  Sắc lệnh Christus Dominus (số 18, 23).

ĐGH Phaolô VI, Tự sắc Pastoralis migratorum cura (15/8/1969).

Bộ Giám mục, Huấn thị Nemo est, Về việc chăm sóc mục vụ cho người di dân (22/8/1969).

Ủy ban Giáo hoàng về mục vụ di dân và du lịch, Thư Giáo hội và thế giới di động (26/5/1978).

ĐGH Gioan Phaolô II, Thông điệp Laborem exercens (14/9/1981), số 23. Tông huấn Familiaris consortio (), số 46 và 77.

Hội đồng Giáo hoàng về Mục vụ cho người di dân và lữ hành – Hội đồng Tòa Thánh Cor unum, Những người di cư: một thách đố cho tình liên đới (2/10/1992)

Hội đồng Giáo hoàng về Mục vụ cho người di dân và lữ hành, Huấn thị Erga migrantes caritas Christi (Lòng mến Đức Kitô dành cho người di dân), ngày 3/5/2004. Bản dịch Việt ngữ có thể đọc trên mạng: http://gpcantho.com/ArticlesDetails.aspx?ArticlesID=4995

Hội đồng Giáo hoàng về Mục vụ cho người di dân và lữ hành – Hội đồng Tòa Thánh Cor unum, Đón tiếp Đức Kitô nơi những người di cư tị nạn. Những định hướng mục vụ (2013)

– Sách Giáo lý Hội thánh Công giáo: số 2241.

– Sách Tóm lược Giáo huấn Xã hội của Giáo hội: số 297-298 (di dân và lao động); 331-332 (kinh tế phải lấy con người làm gốc).

– Thêm vào đó là các Sứ điệp của Đức Thánh Cha nhân ngày Quốc tế di dân

———————–

[1] ĐGH Piô XII, Tông hiến Exul Familia, (1952), Tựa đề 1.

[2] Hội đồng Giáo hoàng về Mục vụ Di dân, Refugees: A Challenge to Solidarity (Vatican City 1992, viết tắt RCS). Sứ điệp Ngày Di dân và Tị nạn năm 2001, số 3: «Cụ thể, đó là quyền có một quê hương, quyền được sống tự do trên quê hương của mình, quyền được sống với gia đình của mình, quyền được có những tài sản cần thiết cho cuộc sống xứng đáng, quyền được duy trì và phát triển gia sản của chủng tộc, văn hóa và ngôn ngữ của mình, quyền được tuyên xưng tín ngưỡng của mình, quyền được nhìn nhận và đối xử xứng hợp với phẩm giá con người trong hết mọi hoàn cảnh. Những quyền lợi này được bao hàm trong quan niệm về công ích, được hiểu cho toàn thể gia đình nhân loại, vượt lên trên những mối ích kỷ quốc gia. Quyền di cư cần được đặt trong bối cảnh ấy. Giáo hội nhìn nhận cho mỗi người được quyền ấy, xét theo hai mặt: quyền có thể rời bỏ quê hương của mình, và quyền được đến một xứ sở khác để tìm những điều kiện sinh sống tốt đẹp hơn”

[3] Điều này được thừa nhận ở điều 31 của Thỏa ước Genève 1951 về Quy chế Di cư, nền tảng của luật tị nạn hiện đại, theo đó không bị coi là tội phạm nếu đi vào một quốc gia, tuy một cách bất hợp pháp, nhằm xin tị nạn chính trị.

[4] “Hẳn nhiên, việc thi hành quyền lợi ấy [vào một nước khác] cần phải được quy định, bởi vì sự thi hành vô trật tự quyền ấy sẽ gây tổn hại cho công ích của cộng đoàn tiếp nhận người di cư. Đứng trước những ích lợi đa dạng trộn lẫn với luật pháp của mỗi quốc gia, cần phải có những quy tắc quốc tế có khả năng điều hành các quyền lợi của cá nhân, ngõ hầu ngăn ngừa những quyết định đơn phương gây thiệt hại cho những người yếu thế” (Sứ điệp Ngày Di dân và Tị nạn năm 2001, số 3).

[5] ĐGH Gioan Phaolô II, «Sứ điệp ngày Hòa bình thế giới năm 2001”, số 13.

[6] «Về vấn đề này, trong Sứ điệp Ngày Di dân năm 1993, tôi đã nhắc nhở rằng tuy các nước phát triển cao không luôn luôn có khả năng tiếp nhận hết mọi người di dân, dù vậy, cần phải nhấn mạnh rằng tiêu chuẩn ấn định mức độ khả năng chịu đựng không thể nào chỉ dựa trên việc bảo vệ sự thịnh vượng của mình mà chẳng đếm xỉa đến các nhu cầu của những người bị bó buộc phải van nài sự đón tiếp” (Sứ điệp ngày Di dân năm 2001, số 3).

[7] Sách Giáo lý Hội thánh Công giáo số 1941. Xem toàn thể mạch văn từ số 1939-1941.

[8] Xem các thông điệp  Centesimus Annus 57, Laborem Exercens 23; Sứ điệp Ngày Di dân năm 1991 số 2; năm 1995 số 2 và 4.

[9] Xem diễn từ của ĐGH Gioan Phaolô II tại Hội nghị thế giới về di dân lần thứ bốn (L’Osservatore Romano, 10/10/1998, trang 8) và lời tuyên bố trong sứ điệp ngày Di dân năm 1980: “Làn sóng đông đảo này bao gồm cả trăm ngàn những người chồng và người vợ di dân phải chịu cảnh chia ly cưỡng bách, mặc dù người ta có thể ghi nhận nỗ lực cổ vũ việc đoàn tụ gia đình được đưa vào các pháp chế và thỏa ước quốc tế nhằm quy định chính sách di dân” (số 1).

[10] Nguyên tắc “không được đẩy lùi” (non-refoulement) là thánh thiêng trong luật quốc tế về tị nạn, và thường  bị vi phạm bởi những chính sách hoặc hành động giới hạn thủ tục xin tị nạn hoặc trả về nguyên quán, nơi mà họ sẽ phải chịu ngược đãi. Xem RCS số 14; Thỏa ước Genève 1951, điều 33.

[11] Các cơ quan an ninh nên suy nghĩ những lời của Đức Thánh nói đến sự tự vệ chính đáng đối với quân khủng bố, và cho thấy rằng không thể đối xử với di dân như là với quân khủng bố: “Người ta có quyền bảo vệ chính mình chống lại sự khủng bố; nhưng quyền này cần được thực thi trong những giới hạn của luân lý và pháp luật trong việc lựa chọn các mục tiêu và phương tiện. Cần phải xác định can phạm, bởi vì trách nhiệm hình sự luôn luôn mang tính cá nhân chứ không thể nới rộng ra toàn thể quốc gia, chủng tộc hoặc tôn giáo mà can phạm là phần tử. Sự hợp tác quốc tế trong việc chống lại hoạt động khủng bố cũng phải bao hàm quyết tâm can đảm trên bình diện chính trị, ngoại giao và kinh tế, nhằm giảm bớt các tình trạng áp bức và kỳ thị gây ra nạn khủng bố. Thực vậy, sự tuyển mộ quân khủng bố thường dễ dàng hơn ở những nơi mà các quyền lợi bị chà đạp và sự bất dung được dung túng” (ĐGH Gioan Phaolô II, Sứ điệp ngày Hòa bình thế giới năm 2002, số 5). Nếu đối với nạn khủng bố, ta cần có thái độ dè dặt như vậy, phương chi đối với những người đang tìm kiếm công văn việc làm?

[12] Hiến chế Gaudium et Spes số 66 đã khẳng định điều mà các ĐGH Gioan XXIII và Piô XII đã tuyên bố trước đó: “Cần phải đối xử với mọi người [di dân] như là những con người, chứ không phải như dụng cụ sản xuất, và phải giúp họ mang theo gia đình để sống với mình”.

[13] “Những điều kiện nghiêm trọng, tang thương và phức tạp của các gia đình rơi vào tình trạng di dân” (Sứ điệp ngày Di dân năm 1986). Sứ điệp năm 1993 “Những vấn đề của Gia đình di dân” nhắc lại lập trường ấy như góp phần vào Năm của Gia đình. Sứ điệp năm 1980 cũng đề cập đến các gia đình di dân, “hướng đến việc chăm sóc mục vụ thích thời hơn dành cho các gia đình di dân”.

[14] Sứ điệp ngày Di dân năm 1986.

[15] ĐGH Gioan Phaolô II, “Sứ điệp gửi Hội nghị thế giới lần thứ bốn về mục vụ các người di cư và tị nạn”, số 2.

[16] “Xét đến những nhu cầu đặc biệt của họ, nhiệm vụ của Nhà Nước là bảo đảm cho các gia đình này không phải chịu thiếu thốn những gì mà các công dân được hưởng. Cách riêng, Nhà Nước có bổn phận bảo vệ họ khỏi bị kỳ thị vì chủng tộc, bằng cách cổ vũ một nền văn hóa của tình liên đới. Để được như vậy, Nhà Nước hãy dự liệu những biện pháp thích ứng và cụ thể để hội nhập các người di cư, cùng với những dịch vụ nhằm giúp họ sống hòa bình, và được phát triển hợp với nhân phẩm” (Sứ điệp ngày Di dân năm 1994).

[17] ĐGH Gioan Phaolô II, Sứ điệp ngày Hòa bình thế giới năm 2001, các số 8-10.

[18] ibid., số 13.

[19] Sứ điệp ngày Di dân năm 1982 “Sự hiện diện đặc thù của Giáo hội trong những cơ cấu và cơ quan của việc chăm sóc mục vụ dành cho di dân”. Về sự tiến triển của các lối tiếp cận mục vụ biết tôn trọng các ngôn ngữ, văn hóa và truyền thống của di dân, xem Bộ Giáo luật, các điều 787 §1, 769, 518, và 214.

[20] Sứ điệp ngày Di dân năm 1986 “Quyền lợi của các tín hữu di dân được tự do hội nhập vào Giáo Hội”. Xem thêm sứ điệp năm 1981 “Tôn trọng và thăng tiến căn tính văn hóa của những người di dân”.

[21] Sứ điệp năm 1986.

[22] Thông điệp Laborem exercens , số 3.

[23] Sứ điệp năm 1983: “Điều kiện của những người di cư như thách đố cho ơn gọi của người Kitô hữu”.

[24] Xem : Thông điệp Centesimus annus số 8, nhắc đến sự khai thác phụ nữ và trẻ em, trong đó có những người di cư.

[25] Xem Gaudium et Spes 66 và Populorum Progressio 69.

[26] Xem Centesimus Annus số 52.

[27] Sứ điệp ngày Di dân năm 1982 “Sự hiện diện đặc thù của Giáo hội trong những cơ cấu và cơ quan của việc chăm sóc mục vụ dành cho di dân”.

[28] Xem Hội Đồng Giáo hoàng về Công lý và Hòa bình, Giáo hội và nạn kỳ thị chủng tộc: hướng đến một xã hội huynh đệ hơn (Vatican 2001).

[29] Mục này dựa trên Sứ điệp ngày Di dân năm 1995.

[30] ĐGH Gioan Phaolô II, “Sứ điệp gửi Hội nghị thế giới lần thứ bốn về mục vụ các người di cư và tị nạn”, số 2.

[31] Population Division, Dept.Of Economic and Social Affairs, U.N. Secretariat, Replacement Migration: Is it a Solution to Declining and Aging Populations? (New York, 21 March 2000). Có thể xem tại www.un.org/esa/population/unpop.htm.

[32] U.S. Catholic Bishops, Welcoming the Stranger Among Us: Unity in Diversity (Washington DC, USCC, 2000) p. 8.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here