Đề Tài Thần Khí Trong Thư Thứ Nhất Gioan (pneuma, khrisma, parakletos)

0
421


Lm. Giuse Lê Minh Thông, OP.

I. DẪN NHẬP

Trước khi phân tích các từ ngữ liên quan đến đề tài thần khí (pneuma, khrisma, parakletos) trong thư thứ nhất Gio-an (1Ga), cần nói sơ lược về bối cảnh và cấu trúc của lá thư này.

1. Bối cảnh thư 1Ga

Thư thứ nhất Gio-an mô tả một cộng đoàn đang bị khủng hoảng nặng nề, vì từ giữa cộng đoàn có những người đã tách ra làm thành nhóm mà tác giả thư 1Ga gọi là “phản Ki-tô” (2,18.22), “con cái của quỷ” (3,10) “ngôn sứ giả” (4,1). Nhóm ly khai này đã tuyên xưng sai lạc về Đức Giê-su. Tác giả thư 1Ga viết ở 4,2-3: “2 Mọi thần khí tuyên xưng Đức Giê-su Ki-tô, Đấng đã đến trong thân xác là bởi Thiên Chúa. 3 Mọi thần khí nào phân chia Đức Giê-su thì không bởi Thiên Chúa, đó là thần khí của tên phản Ki-tô mà anh em đã nghe là nó đang tới và hiện nay nó ở trong thế gian rồi.” Nhóm ly khai đã “phân chia Đức Giê-su”, nghĩa là đã tách rời nhân tính và thiên tính của Đức Giê-su. Nhóm phản Ki-tô không tuyên xưng “Đức Giê-su Ki-tô là Đấng đã đến trong thân xác” (4,2). Xem mục “Bối cảnh thư thứ nhất Gio-an” trong bài viết: “Tổng quát về Ba thư Gio-an.”

2. Cấu trúc thư 1Ga

Thư 1Ga mở đầu bằng lời tựa (1,1-4), giải thích tại sao tác giả viết thư này. Tác giả kết thúc lời tựa như sau: “Những điều này, chúng tôi viết cho anh em để niềm vui của chúng ta được trọn vẹn” (1,4). Phần 1,5–5,13 là nội dung lá thư, bắt đầu bằng câu: “Và đây là lời loan báo mà chúng tôi nghe từ nơi Người, chúng tôi loan báo lại cho anh em rằng:…” (1,5a) và kết thúc ở 5,13: “Những điều này tôi đã viết cho anh em để anh em biết rằng anh em có sự sống đời đời, anh em là những người tin vào danh Con Thiên Chúa.” Phần cuối (5,14-21) là lời kết của bức thư, trong đó tác giả bàn đến đề tài cầu xin, cầu nguyện cho người anh em, đề tài tội và xác tín của niềm tin. Xem cấu trúc chi tiết ở bảng “Cấu trúc thư 1Ga” trong bài viết: Tổng quát về Ba thư Gio-an.”

3. Số lần từ ngữ xuất hiện

Trong thư 1Ga, có ba từ liên quan đến đề tài thần khí:  “pneumapneuma” (thần khí), “khrismakhrisma” (dầu-xức, onction) và “parakletosparaklêtos” (pa-rác-lê).

(1) Danh từ “pneuma” (thần khí) xuất hiện 12 lần trong thư 1Ga ở 3,24; 4,1a.1b.2a.2b.3.6a.6b.13; 5,6a.6b.8. Có 1 lần đại từ “touto” (4,3b) để chỉ thần khí. Tất cả 12 lần trên tập trung vào hai đoạn văn: 3,24–4,13 và 5,6-8. Từ “pneuma” (thần khí) không xuất hiện trong 2Ga và 3Ga.

(2) Danh từ “khrisma” (dầu-xức) xuất hiện 3 lần trong thư 1Ga ở 2,20.27a.27b. Vai trò của Dầu-xức trong 1Ga giống như vai trò của “Đấng Pa-rác-lê – Thần Khí sự thật” trong Tin Mừng Gio-an.

(3) Danh từ “paraklêtos” (pa-rác-lê) chỉ xuất hiện 1 lần trong thư 1Ga ở 2,1 để nói về vai trò của Đức Giê-su. Vai trò này gợi đến “Đấng Pa-rác-lê – Đức Giê-su” và “Đấng Pa-rác-lê – Thần Khí sự thật” trong Tin Mừng Gio-an.

II. THẦN KHÍ

Phần chính này sẽ bàn về đề tài “pneuma” (thần khí) qua ba mục sau: (1) Thẩm định các thần khí (4,1-6); (2) Quà tặng Thần Khí (3,24; 4,13); (3) Lời chứng của Thần Khí (5,6-9).

1. Thẩm định các thần khí (4,1-6)

Trong thư 1Ga, nhiều lúc khó phân biệt giữa Thần Khí của Thiên Chúa (viết hoa) và thần khí của con người (viết thường), chúng tôi sẽ viết hoa hay viết thường từ này tuỳ theo bối cảnh đoạn văn. Phần tiếp theo sẽ bàn đến (a) Bản văn và cấu trúc 1Ga 4,1-6; (b) Dị bản: “không tuyên xưng” hay “phân chia” (4,3a); (c) Phân biệt các thần khí (4,1.6).

a) Bản văn và cấu trúc 4,1-6

Tác giả thư 1Ga viết ở 4,1-6: “1 Anh em thân mến, anh em đừng tin vào mọi thần khí nhưng anh em hãy thẩm định các thần khí xem thần khí nào bởi Thiên Chúa, vì nhiều ngôn sứ giả đã đến trong thế gian. 2 Trong điều này, anh em biết thần khí của Thiên Chúa: Mọi thần khí tuyên xưng Đức Giê-su Ki-tô, Đấng đã đến trong thân xác là bởi Thiên Chúa. 3 Mọi thần khí nào phân chia Đức Giê-su thì không bởi Thiên Chúa, đó là thần khí của tên phản Ki-tô mà anh em đã nghe là nó đang tới và hiện nay nó ở trong thế gian rồi. 4 Còn anh em, anh em thuộc về Thiên Chúa. Hỡi các con bé nhỏ, anh em đã thắng được chúng, vì Đấng ở trong anh em lớn hơn kẻ ở trong thế gian. 5 Chúng thuộc về thế gian, vì điều này, chúng nói theo thế gian và thế gian nghe chúng. 6 Còn chúng ta, chúng ta thuộc về Thiên Chúa. Ai biết Thiên Chúa thì nghe chúng ta. Ai không thuộc về Thiên Chúa thì không nghe chúng ta. Từ điều này, chúng ta biết thần khí sự thật và thần khí sai lầm.”

Đoạn văn 4,1-6 làm thành một đơn vị văn chương, mở đầu bằng lời xưng hô: “Anh em thân mến” (4,1a) và kết thúc bằng kết luận: “Từ điều này, chúng ta biết…” (4,6d). Câu tiếp theo, 4,7 bắt đầu đề tài mới: Yêu mến lẫn nhau. Từ “thần khí” xuất hiện lần đầu tiên trong thư 1Ga ở 3,24: “Ai tuân giữ các điều răn của Người [Thiên Chúa] thì ở lại trong Người và Người trong kẻ ấy. Trong điều này, chúng ta biết là Người ở lại trong chúng ta, đó là nhờ Thần Khí mà Người đã ban cho chúng ta.” Đây là câu cuối cùng (3,24) của ch. 3, vừa là câu kết của những gì đã nói trước đó, vừa dẫn vào đoạn văn tiếp theo: 4,1-6.

Từ “thần khí” trong cụm từ “thẩm định các thần khí” (4,1b) ở số nhiều. Vấn đề là “anh em đừng tin vào mọi thần khí nhưng anh em hãy thẩm định các thần khí xem thần khí nào bởi Thiên Chúa” (4,1b). Việc “thẩm định các thần khí” này là cần thiết “vì nhiều ngôn sứ giả đã đến trong thế gian” (4,1c). Có thể nhóm ngôn sứ giả cũng cho rằng họ có thần khí của Thiên Chúa. Và dựa vào đó, họ có thể làm cho các tín hữu theo họ. Quan sát cấu trúc 4,2-3 giúp hiểu rõ vấn đề “các thần khí.”

Đoạn văn 4,2-3 định nghĩa “thần khí bởi Thiên Chúa” (A. 4,2a) và “thần khí của tên phản Ki-tô” (A’. 4,3c), hai yếu tố này song song với nhau (A // A’). Hai yếu tố B và B’ song song với nhau: “Mọi thần khí tuyên xưng Đức Giê-su Ki-tô” (B. 4,2b) và “Mọi thần khí nào phân chia Đức Giê-su” (B’. 4,3a). Từ “thần khí” trong hai câu trên nói về thần khí hay thần trí của con người. Cụ thể là thần khí của hai nhóm người được tác giả định nghĩa: “Chúng thuộc về thế gian” (4,5a); “Còn chúng ta, chúng ta thuộc về Thiên Chúa” (4,6a).

b) Dị bản: “không tuyên xưng” hay “phân chia” (4,3a)

Ở 1Ga 4,1-6, con người được thúc đẩy bởi thần khí Thiên Chúa hay thần khí của phản Ki-tô. Tiêu chuẩn để thẩm định thần khí liên quan đến Ki-tô học: “Tuyên xưng Đức Giê-su Ki-tô, Đấng đã đến trong thân xác” (4,2b) hay “phân chia Đức Giê-su” (4,3a). Có hai dị bản ở 4,3a về động từ: dị bản “mê homologei” (không tuyên xưng) và dị bản “luei” (phân chia). Dị bản “luei” (phân chia) chỉ xuất hiện trong các thủ bản (manuscrits) La Tinh và nơi một số Giáo phụ (xem chú thích trong Novum Testamentum Graece, (27e éd. rév.), Stuttgart, Deutsche Bibelgesellschaft, 1996).

Xét theo hình thức bên ngoài, dị bản “mê homologei” (không tuyên xưng) ở 4,3a đối xứng 4,2b: “Mọi thần khí tuyên xưng Đức Giê-su Ki-tô.” Tuy nhiên, danh xưng “Ki-tô” và cụm từ “Đấng đã đến trong thân xác” không xuất hiện ở 4,3. Vì thế song song giữa “tuyên xưng” (4,2b) và “không tuyên xưng” (4,3a) không hợp lý. Ngược lại, dị bản “luei” (phân chia) xem ra hợp lý hơn. Vấn đề là phân chia giữa “Đức Giê-su” và  tước hiệu “Ki-tô”, nghĩa là tách rời nhân tính và thiên tính của Người. Vấn đề không phải là “tuyên xưng” hay “không tuyên xưng” mà là tuyên xưng khác nhau. Bản dịch la Bible de Jérusalem (BJ) chọn dị bản “mê homologei” (không tuyên xưng). Còn bản dịch La Traduction Œcuménique de la Bible (TOB) chọn dị bản “luei” (phân chia). Bản dịch trong sách chú giải của các tác giả: R. E. Brown (The Epistles of John, (AB 30), New York (NY), Doubleday, 1982, p. 485-511); và J. Painter (1, 2, and 3 John, (SPS 18), Collegeville (MN), The Liturgical Press, 2002, p. 253-264) cũng chọn dị bản “luei” (phân chia). Chúng tôi chọn dị bản “luei” (phân chia) cho dù dị bản bản này không xuất hiện trong những thủ bản Hy Lạp quan trọng, nhưng xem ra cổ hơn và phù hợp hơn với bối cảnh của bản văn. Xem mục “Thiên tính và nhân tính của Đức Giê-su” trong bài viết: Tổng quát về Ba thư Gio-an.”

c) Phân biệt các thần khí (4,1.6)

Sự phân biệt các thần khí được nói đến ở đầu đoạn văn 4,1-6 (4,1) và trong câu kết luận (4,6b). Tác giả mời gọi cộng đoàn “hãy thẩm định các thần khí xem thần khí nào bởi Thiên Chúa” (4,1b) lý do là “vì nhiều ngôn sứ giả đã đến trong thế gian” (4,1c). Sau khi cho biết cách phân biệt các thần khí (4,2-5), tác giả kết luận ở 4,6b: “Từ điều này, chúng ta biết thần khí sự thật và thần khí sai lầm.”

Sự đối lập giữa hai loại thần khí đã nói đến trong các tài liệu ở Qumrân và các “bản văn Do Thái giữa hai Giao Ước” (les écrits inter-testamentaires), nhưng khác với đối lập các thần khí trong thư 1Ga. Thực vậy, đối lập giữa các thần khí trong các tài liệu trên đây nghiêng về luân lý, còn trong thư 1Ga nhắm đến thần học và Ki-tô học nhiều hơn. Dường như các ngôn sứ giả và phản Ki-tô cũng cho rằng họ có thần khí bởi Thiên Chúa, hay ít ra là trong quá khứ, bởi vì tác giả thư 1Ga viết về họ ở 2,19a: “Chúng xuất thân từ nơi chúng ta, nhưng chúng không thuộc về chúng ta.” Vì lập trường Ki-tô học sai lạc, nên nhóm phản Ki-tô ở trong sai lầm. Thần khí mà họ có là “thần khí sai lầm” (4,6e) và từ sai lầm về đạo lý, dẫn đến những hậu quả luân lý liên quan đến tuân giữ điều răn yêu thương (x. 2,9) và quan niệm sai lạc về tội lỗi (x. 1,8).

Phân biệt các thần khí là việc làm của con người. Việc tuyên xưng “Đức Giê-su Ki-tô, Đấng đã đến trong thân xác” (4,2b) làm cho thần khí của người tin là có thần khí bởi Thiên Chúa, đó là thần khí sự thật. Từ đó con người có thể đón nhận quà tặng Thần Khí.

2. Quà tặng Thần Khí (3,24; 4,13)

Quà tặng Thần Khí được nói đến ở 3,24 và 4,12-13 và hai đoạn văn này song song với nhau:

1Ga 3,24a.b và 4,12b.c song song về hai yếu tố : (1) “Các điều răn của Người [Thiên Chúa]” (3,24a) song song với “chúng ta yêu mến nhau” (4,12b). (2) “Ở lại trong Người” (3,24b) song song với “Thiên Chúa ở lại trong chúng ta.” Bảng trên cho thấy 3,24a.d.e song song với 4,13a.b.c. Hai lời nói về Thần Khí song song với nhau: “Nhờ Thần Khí mà Người đã ban cho chúng ta” (3,24e) và “Từ Thần Khí của Người [Thiên Chúa], Người đã ban cho chúng ta” (4,13c).

Quà tặng Thần Khí được diễn tả bằng động từ “didômi” (cho, ban, tặng). Ở 3,24e, động từ “didômi” chia ở thì aoriste “edôken”, diễn tả một hành động trong quá khứ. Trong khi ở 4,13c, động từ “didômi” chia ở thì hoàn thành “dedôken”, diễn tả sự kéo dài và thường xuyên của quà tặng Thần Khí. Động từ “ở lại” (menô) ở 4,12-13 xác nhận cách hiểu này. Quà tặng Thần Khí (3,24e // 4,13c), đóng khung (encadrer) đoạn văn 4,1-6 (phân biệt các thần khí), cho thấy đời sống nội tâm (niềm tin, lòng yêu mến Thiên Chúa và nhận biết Thiên Chúa) không thể tách rời với những biểu hiện bên ngoài (tuyên xưng Đức Giê-su là Đấng đến trong thân xác, yêu thương lẫn nhau). Quà tặng Thần Khí cho phép nối kết và thống nhất hai yếu tố “bên trong” và “bên ngoài” của đời sống người tin.

3. Lời chứng của Thần Khí (5,6-9)

Đoạn văn 5,6-9 nói về các đề tài: Đức Giê-su là Đấng đã đến nhờ nước và máu (5,6a); lời chứng của Thần Khí (5,6b) và lời chứng của Thiên Chúa (5,8-9). Tác giả thư 1Ga viết ở 5,6-9: “6 Chính Đức Giê-su Ki-tô là Đấng đã đến nhờ nước và máu, không chỉ trong nước, nhưng trong nước và trong máu; và Thần Khí là Chứng Nhân, vì Thần Khí là sự thật. 7 Có ba chứng nhân: 8 Thần Khí, nước và máu, cả ba làm chứng một điều. 9 Nếu chúng ta nhận lời chứng của con người, lời chứng của Thiên Chúa còn lớn hơn; vì đây là lời chứng của Thiên Chúa, Người đã làm chứng về Con của Người.”

Đoạn văn 5,6-9 nằm giữa hai câu 5,5 và 5,10a, nói về người tin. Tác giả viết ở 5,5: “Ai là người thắng thế gian, nếu không là người tin rằng: Đức Giê-su là Con Thiên Chúa?” Ở 5,10a, tác giả nói tiếp: “Ai tin vào Con Thiên Chúa thì có lời chứng ấy nơi mình.” Như thế, qua các đề tài “nước”, “máu” (5,6a.8), “lời chứng của Thần Khí” (5,6c) và “lời chứng của Thiên Chúa” (5,9b), tác giả nối kết các tước hiệu của Đức Giê-su: “Đức Giê-su Ki-tô” (5,6a) và “Con Thiên Chúa” (5,5b.10a).

Để tìm hiểu thêm về lời chứng của Thần Khí, phần sau sẽ bàn tới các mục: (a) Thần Khí là Chứng Nhân (5,6c); (b) Kiểu nói: “Thần Khí là sự thật” (5,6d); và (c) Ba chứng nhân: Thần Khí, nước và máu (5,7-8).

a) Thần Khí là Chứng Nhân (5,6c)

Thần Khí ở 1Ga 5,6c làm chứng bởi vì, theo Tin Mừng Gio-an, Thần khí đã hiện diện lúc khởi đầu và lúc kết thúc sứ vụ của Đức Giê-su. Thần Khí ở lại trên Đức Giê-su ở đầu Tin Mừng (Ga 1,33), là Thần Khí mà Đức Giê-su ban cho các môn đệ vào cuối sứ vụ trần thế của Người. Đức Giê-su Phục Sinh thổi hơi vào các môn đệ và nói: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần” (Ga 20,22). Trước nguy cơ sai lạc đến từ nhóm ngôn sứ giả (1Ga 4,1), Thần Khí tiếp tục làm chứng trong cộng đoàn tác giả thư 1Ga. Vì thế, tác giả thư 1Ga dựa vào lời chứng của Thần Khí về điểm Ki-tô học mấu chốt: “Chính Đức Giê-su Ki-tô là Đấng đã đến nhờ nước và máu, không chỉ trong nước, nhưng trong nước và trong máu” (1Ga 5,6).

b) Thần Khí là sự thật (5,6d)

Vai trò chứng nhân của Thần Khí được giải thích: “Vì Thần Khí là sự thật” (5,6d). Sự kết hợp giữa “Thần Khí” và “sự thật” trong danh xưng “Thần Khí sự thật” đã xuất hiện trong Tin Mừng Gio-an. Đấng Pa-rác-lê được đồng hoá với “Thần Khí sự thật” (Ga 14,17; 15,26; 16,13) và “Thánh Thần” (Ga 14,26).

Ở 1Ga 5,6d, “Thần Khí” nối kết với “sự thật” bằng động từ “eimi” (là) có thể được xem là một định nghĩa. Tuy nhiên, về những đặc điểm liên quan đến Thiên Chúa, những định nghĩa thường được hiểu theo nghĩa chức năng (sens fonctionnel). Chẳng hạn, Thiên Chúa là ánh sáng (1,5), Thiên Chúa là tình yêu (4,8.16). Vì thế, định nghĩa “Thần Khí là sự thật” (5,6d) là nói về biểu hiện hoạt động của Thần Khí.

Trong bối cảnh của đoạn văn 5,6-8,  định nghĩa “Thần Khí là sự thật” khẳng định về sự thật trong lời chứng của Thần Khí. Đối với người tin, chính Thần Khí đã làm chứng về sự thật là “Đức Giê-su Ki-tô là Đấng đã đến nhờ nước và máu” (5,6a). Trong bối cảnh rộng hơn, định nghĩa trên đây về Thần khí nói về sự thật mà Đức Giê-su mặc khải cho con người. “Thần Khí – sự thật” này trước hết là quà tặng của Thiên Chúa như tác giả đã viết ở 4,13c: “Từ Thần Khí của Người [Thiên Chúa], Người đã ban cho chúng ta.”

Định nghĩa “Thần Khí là sự thật” (1Ga 5,6d) còn gợi đến khẳng định của Đức Giê-su ở Ga 14,6. Đức Giê-su nói với Tô-ma: “Chính Thầy là con đường và là sự thật và là sự sống” (1Ga 4,6a). Ở Ga 15,26, Đức Giê-su cho biết: “Đấng Pa-rác-lê – Thần Khí sự thật” là Đấng “xuất phát từ nơi Cha, Đấng ấy sẽ làm chứng về Thầy” (Ga 15,26). Đức Giê-su là Đấng đến từ nơi Chúa Cha, và Người là sự thật (Ga 14,6). Cũng vậy, ở 1Ga 5,6d, Thần Khí được đồng hoá với sự thật. Thần Khí là sự thật, vì Người làm chứng rằng: Đức Giê-su Ki-tô “là Đấng đã đến nhờ nước và máu” (1Ga 5,6a).

c) Ba nhân chứng: Thần Khí, nước và máu (5,7-8)

Sau khi nói về lời chứng của Thần Khí (1Ga 5,6), tác giả thư 1Ga viết về ba nhân chứng ở 5,7-8: “7 Có ba chứng nhân: 8 Thần Khí, nước và máu, cả ba làm chứng một điều.” Các yếu tố “nước” và “máu” đã xuất hiện ở 5,6a.b. Đức Giê-su Ki-tô là Đấng đã đến nhờ nước và máu (5,6a). Yếu tố “nước” gợi đến biến cố Đức Giê-su chịu phép rửa mở đầu sứ vụ công khai của Người. Còn “máu” gợi đến cái chết của Đức Giê-su trên thập giá.

Kiểu nói “nước và máu” ở đây có thể gợi về những gì quân lính đã làm dưới chân thập giá Đức Giê-su. Người thuật chuyện cho biết ở Ga 19,34: “Một trong những người lính lấy giáo đâm vào cạnh sườn của Người [Đức Giê-su], và ngay tức thì, máu và nước chảy ra.” Tuy nhiên, 1Ga 5,6 nói về Đức Giê-su Ki-tô “đến nhờ nước và máu” (1Ga 5,6a), chứ không phải “máu và nước chảy ra” từ cạnh sườn của Người (Ga 19,34). Hơn nữa, ở 1Ga 5,6, thứ tự các từ là “nước và máu” chứ không phải ngược lại: “máu và nước” như ở Ga 19,34.

Qua việc tác giả lặp lại và nhấn mạnh ở 1Ga 5,6b: “Không chỉ trong nước, nhưng trong nước và trong máu”, có thể nghĩ rằng, tác giả tố cáo nhóm đối lập không nhìn nhận cái chết của Đức Giê-su đem lại ơn cứu độ cho con người. Ba chứng nhân ở 1Ga 5,7-8, dường như nhắn đến những biến cố cụ thể. Lời chứng của Thần Khí (1Ga 5,6) nối kết với lời chứng của Gio-an Tẩy Giả ở Ga 1,32 (nước biểu tượng cho sứ vụ của Đức Giê-su) và lời chứng của người môn đệ Đức Giê-su yêu mến dưới chân thập giá ở Ga 19,35 (máu biểu tượng cuộc Thương Khó của Đức Giê-su). Thực vậy, ở Ga 1,32, người thuật chuyện kể: “Gio-an làm chứng và nói rằng: ‘Tôi đã thấy Thần Khí tựa chim bồ câu từ trời ngự xuống và ở lại trên Người…’” Ở Ga 19,35, người thuật chuyện cho biết: “Người đã xem thấy [người môn đệ Đức Giê-su yêu mến], đã làm chứng, và lời chứng của người ấy là xác thực; và người ấy biết rằng mình nói sự thật để cả anh em nữa, anh em tin.” Đối với tác giả thư 1Ga, hai biến cố: (1) Đức Giê-su chịu phép rửa trong nước và (2) Cái chết của Người trên thập giá; kèm theo hai lời chứng: (1) Lời chứng của Gio-an Tẩy Giả và (2) Lời chứng của người môn đệ Đức Giê-su yêu mến là trung tâm của vấn đề tranh luận, nên tác giả nhấn mạnh: “Không chỉ trong nước, nhưng trong nước và trong máu” (1Ga 5,6b).

Trong câu “Thần Khí là Chứng Nhân” (5,6c), động từ “martureomartureô” (làm chứng), chia ở lối động tính từ hiện tại “marturounmarturoun”. Lời chứng của Thần Khí hiện tại hoá những biến cố trong quá khứ và lời chứng này liên quan đến lòng tin của cộng đoàn (x. 5,5.10). Lời chứng của Thần Khí là bảo chứng lòng tin chính thống và đúng sự thật. Ba lời chứng “Thần Khí, nước và máu” cùng làm chứng về một điều (5,8). Đó là làm chứng về căn tính của Đức Giê-su Ki-tô: “Đấng đã đến nhờ nước và máu” (5,6a).

III. DẦU – XỨC (2,20.27a.27b)

Vai trò của “khrisma” (dầu-xức) trong thư 1Ga giống với vai trò của “Đấng Pa-rác-lê – Thần Khí sự thật” trong Tin Mừng Gio-an, nên thuộc về đề tài “thần khí” trong thư 1 Ga. Trong toàn bộ Tân Ước, từ “khrisma” (dầu-xức) chỉ xuất hiện 3 lần ở 1Ga 2,20.27a.27b và thuộc về đoạn văn 1Gc 2,18-27. Trong đó tác giả nói với cộng đoàn về những điều sai lạc của nhóm phản Ki-tô.

Trong bối cảnh tranh luận giữa nhóm phản Ki-tô và “chúng ta” (tác giả thư 1Ga và cộng đoàn), từ “khrisma” (dầu-xức) xuất hiện lần đầu tiên trong đoạn văn 2,19-22. Tác giả viết: “19 Chúng [nhóm phản Ki-tô] xuất thân từ nơi chúng ta, nhưng chúng không thuộc về chúng ta; vì nếu chúng thuộc về chúng ta, chúng đã ở lại với chúng ta. Nhưng để tỏ hiện ra là không phải tất cả thuộc về chúng ta. 20 Phần anh em, anh em có Dầu-xức từ Đấng Thánh và anh em biết tất cả. 21 Tôi đã không viết cho anh em là anh em không biết sự thật, nhưng vì anh em biết sự thật và mọi sự dối trá thì không thuộc về sự thật. 22 Ai là kẻ dối trá, nếu không phải là người chối bỏ và cho rằng Đức Giê-su không phải là Đấng Ki-tô? Người ấy là tên phản Ki-tô, là kẻ chối bỏ Cha và Con.”

Những thành viên trong cộng đoàn của tác giả có “Dầu-xức từ Đấng Thánh” (1Ga 2,20a). Tước hiệu “Đấng Thánh” ở đây chỉ về Thiên Chúa và cũng chỉ về Đức Giê-su. Trong Tin Mừng Gio-an, Si-môn Phê-rô gọi Đức Giê-su là “Đấng Thánh của Thiên Chúa” (Ga 6,69). Dầu-xức mà người tin đã lãnh nhận từ Đức Giê-su gợi đến Thần Khí trong Tin Mừng Gio-an. Thực vậy, Đức Giê-su, Đấng Thánh của Thiên Chúa (Ga 6,69), đã lãnh nhận Thần Khí đầu sứ vụ công khai của Người (Ga 1,33); đến cuối sứ vụ trần thế, Đức Giê-su lại ban Thần Khí cho các môn đệ. Người thuật chuyện kể ở Ga 20,22:  “Nói xong điều đó, Người thổi hơi và nói với các ông: ‘Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần.’”

Hai lần khác của từ “khrisma” (dầu-xức) thuộc đoạn văn 1Ga 2,25-27. Tác giả viết: “25 Và đây là lời hứa mà chính Người đã hứa cho chúng ta: Sự sống đời đời. 26 Tôi viết cho anh em những điều này về những kẻ làm cho anh em lạc đường. 27 Phần anh em, Dầu-xức mà anh em đã nhận từ Người ở lại trong anh em, và anh em không cần có ai để dạy anh em, vì Dầu-xức của Người dạy anh em về mọi sự – dầu ấy là sự thật, không là sự dối trá –. Như dầu ấy đã dạy anh em, anh em hãy ở lại trong Người.”

Ở 2,27, Dầu-xức thực hiện nhiều công việc: Ở lại nơi người tin: “Dầu-xức mà anh em đã nhận từ Người ở lại trong anh em” (2,27a); dạy mọi sự cho người tin: “Dầu-xức của Người dạy anh em về mọi sự” (2,27b). Dầu-xức gắn kết với sự thật: “Dầu ấy là sự thật, không là sự dối trá” (2,27c). Như thế, Dầu-xức là chủ từ của động từ “ở lại” (menomenô) và “dạy” (didaskodidaskô). Những vai trò trên của Dầu-xức được thực hiện bởi “Đấng Pa-rác-lê – Thần Khí sự thật” trong Tin Mừng Gio-an (Ga 14–16). Thực vậy, Đức Giê-su mặc khải cho các môn đệ biết sứ vụ của “Đấng Pa-rác-lê – Thần Khí sự thật” như sau: “Người ở với anh em mãi mãi” (Ga 14,16); “Người ở lại giữa anh em và Người sẽ ở trong anh em” (Ga 14,17); “Người sẽ dạy anh em tất cả và sẽ làm cho anh em nhớ lại tất cả những gì [chính] Thầy đã nói với anh em” (Ga 14,26). Nếu như “Dầu-xức là sự thật (chân thật)” (1Ga 2,27c) thì Đấng Pa-rác-lê trong Tin Mừng Gio-an là “Thần Khí sự thật” (Ga 15,26). Những song song trên đây cho thấy Dầu-xức trong thư 1Ga thực hiện những nhiệm vụ giống như Đấng Pa-rác-lê – Thần Khí sự thật trong Tin Mừng Gio-an.

Câu hỏi đặt ra là tại sao tác giả lại dùng từ “khrisma” (dầu-xức) để nói về những hoạt động của Thần Khí? Từ Hy lạp “khrisma” (dầu-xức) “nói về hành động xức dầu hay dầu-xức [dầu đã xức]. Xét theo từ ngữ, ý nghĩa của từ dầu-xức có thể gợi đến nghi thức phụng vụ trong khung cảnh của nghi lễ rửa tội để gia nhập cộng đoàn (Nauck, Tradition, 94-98)” (MORGEN, Michèle, Les épîtres de Jean, (CB.NT 19), Paris, Le Cerf, 2005, p. 104). Tuy nhiên, “khrisma” (dầu-xức) trong thư 1Ga không nói về nghi thức rửa tội, nhưng là “ở lại” nơi người tin và “dạy” họ về mọi sự (1Ga 2,27).

Trong Tin Mừng Gio-an, vai trò của Đức Giê-su là “ở lại với”  và “dạy” các môn đệ. Thực vậy, qua hình ảnh cây nho và cành nho Đức Giê-su nói với các môn đệ ở Ga 15,5 : “Thầy là cây nho, anh em là cành. Ai ở lại trong Thầy và Thầy trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái, vì không có Thầy, anh em không thể làm gì được.” Diễn từ về bánh sự sống ở Ga 6,25-58 là những lời giảng dạy của Đức Giê-su. Người thuật chuyện nói về diễn từ này: “Những điều này Người [Đức Giê-su] đã nói khi giảng dạy trong hội đường ở Ca-phác-na-um” (Ga 6,59). Theo Max-Alain Chevallier, từ “khrisma” (dầu-xức) gợi đến tranh luận Ki-tô học, bởi vì từ “khrismakhrisma” (dầu-xức) và “KhristosKhristos” (Ki-tô) cùng chung một gốc từ : “khris-” (Cf. M.-A. CHEVALLIER, Souffle de Dieu, le Saint-Esprit dans le Nouveau Testament, p. 528).

Hơn nữa, trong bối cảnh thư 1Ga, dường như nhóm đối lập cũng cho rằng họ có “thần khí” (pneuma) sự thật. Tự nó, từ “thần khí” (pneuma) là dị nghĩa. Vì thế, tác giả thư 1Ga mời gọi “thẩm định các thần khí” (1Ga 4,1) để phân biệt “thần khí sự thật và thần khí sai lầm” (1Ga 4,6). Có thể tác giả thư 1Ga đã dùng từ “khrisma” (dầu-xức) để tránh dị nghĩa như trên. Tóm lại, “khrisma” (dầu-xức) trong thư 1Ga gợi đến hoạt động của Đấng Pa-rác-lê là Thần Khí sự thật và là Thánh Thần trong Tin Mừng Gio-an.

IV. ĐẤNG PARAKLE – PARÁCLÊ  (2,1)

Trong thư 1Ga, chỉ xuất hiện 1 lần từ “paraklêtos” (pa-rác-lê) ở 2,1, và nói về vai trò của Đức Giê-su. Trong khi, trong Tin Mừng Gio-an, Đấng Pa-rác-lê đồng hoá với Thần Khí sự thật (Ga 15,26) và Thánh Thần (Ga 14,26). Ở Ga 14,16, Đức Giê-su được đồng hoá mặc nhiên với Đấng Pa-rác-lê. Đức Giê-su dùng kiểu nói : “Đấng Pa-rác-lê khác” (Ga 14,16) để nói về “Đấng Pa-rác-lê – Thần khí sự thật”, như thế Đức Giê-su cũng là Đấng Pa-rác-lê. Do liên lệ giữa “Thần Khí” và “Đấng Parác-lê” trong Tin Mừng Gio-an, chúng tôi tìm hiểu từ “paraklêtos” (pa-rác-lê) ở 1Ga 2,1.

Từ “paraklêtos” (pa-rác-lê) ở 1Ga 2,1 mô tả hoạt động của Đức Giê-su như là Đấng đã được tôn vinh bên Cha. Tác giả viết ở 2,1-2: “1 Hỡi các con bé nhỏ của tôi, những điều này tôi viết cho anh em để anh em đừng phạm tội. Nhưng nếu ai phạm tội, chúng ta có một Đấng Pa-rác-lê ở với Cha: Đức Giê-su Ki-tô, Đấng Công Chính; 2 và chính Người là của lễ đền tội vì tội lỗi của chúng ta, không chỉ vì tội lỗi của chúng ta mà còn vì tội lỗi của cả thế gian.” Bản dịch La Bible de Jérusalem (BJ) dịch từ “paraklêton” (danh từ giống đực “paraklêtos” ở đối cách) bằng từ “avocat” (luật sư, người bênh vực). Bản Traduction Œcuménique de la Bible (TOB) dịch là “défenseur” (người bảo vệ, bênh vực, bào chữa). Theo Michèle Morgen, tác giả giữ nguyên ngữ tiếng Hy Lạp “paraklêton” và chuyển âm tiếng Pháp: “paraclet”: “Si quelqu’un vient à pécher, nous avons un paraclet auprès du Père, Jésus Christ (le) Juste” (1Jn 2,1b). (MORGEN, Michèle, Les épîtres de Jean, (CB.NT 19), Paris, Le Cerf, 2005, p. 60). Chúng tôi giữ nguyên ngữ từ “paraklêtos” và chuyển âm sang tiếng Việt: “Pa-rác-lê”. Trong văn chương Hy Lạp, “paraklêtos” có nghĩa là người bảo vệ, bênh vực, bào chữa trong một vụ kiện, nhưng nghĩa đặc biệt của từ này trong thần học Gio-an (Tin Mừng và thư 1Ga) làm cho từ “paraklêtos” không thể dịch được.

Người ta thường nối kết lời Đức Giê-su nói ở Ga 14,15-16 với vai trò của Đấng “Pa-rác-lê – Giê-su Kit-ô” ở 1Ga 2,1. Đức Giê-su nói với các môn đệ ở Ga 14,15-16: “15 Nếu anh em yêu mến Thầy, anh em sẽ giữ các điều răn của Thầy; 16 và chính Thầy sẽ can thiệp với Cha và Người sẽ ban cho anh em một Đấng Pa-rác-lê khác để Người ở với anh em mãi mãi.” “Một Đấng Pa-rác-lê khác” trong câu này chính là “Đấng Pa-rác-lê – Thần Khí sự thật” (Ga 14,17; 15,26). Vì thế, danh xưng “một Đấng Pa-rác-lê khác” hàm ẩn Đức Giê-su cũng là Đấng Pa-rác-lê. Trong bối cảnh Tin Mừng Gio-an, Đấng Pa-rác-lê – Giê-su, được trình bày song song với Đấng Pa-rác-lê – Thần Khí, vì có nhiều điểm giống nhau hiển nhiên giữa sứ vụ của Đấng Pa-rác-lê – Giê-su và sứ vụ của Đấng Pa-rác-lê – Thần Khí.

Vai trò của “Đấng Pa-rác-lê – Giê-su Ki-tô” ở 1Ga 2,1 được trình bày trong bối cảnh khác với vai trò của “Đấng Pa-rác-lê – Giê-su” trong Tin Mừng Gio-an. Trước hết, danh hiệu “Pa-rác-lê – Giê-su” là mặc nhiên (không nói rõ) trong Tin Mừng, trong khi thư 1Ga đồng hoá minh nhiên “Đức Giê-su Ki-tô” với “Đấng Pa-rác-lê.” Kế đến, “Đấng Pa-rác-lê – Giê-su” trong Tin Mừng mô tả sứ vụ trần thế của Người, trong khi thư 1Ga nói đến vai trò Pa-rác-lê của Đức Giê-su Ki-tô bên Chúa Cha, sau khi Người hoàn thành sứ vụ trần thế và được tôn vinh bên Cha. Cuối cùng, sứ vụ của “Đấng Pa-rác-lê – Giê-su” trong Tin Mừng liên quan đến việc “ở lại với”, “dạy” các môn đệ và “làm chứng” giống như “Đấng Pa-rác-lê – Thần Khí sự thật”, trong khi vai trò của “Đấng Pa-rác-lê – Giê-su Ki-tô” trong 1Ga liên quan đến việc tha tội cho người tin, tha tội cho các thành viên trong cộng đoàn. Đề tài này không có trong Tin Mừng Gio-an.

Bối cảnh và đề tài khác nhau như trên, cho thấy có rất ít liên hệ giữa “Đấng Pa-rác-lê – Giê-su” trong Ga 14,16 và “Đấng Pa-rác-lê – Giê-su Ki-tô” ở 1Ga 2,1. Tốt hơn nên hiểu vai trò của Đức Giê-su Ki-tô trong bối cảnh thư 1Ga. Hoạt động của Đấng Pa-rác-lê ở 1Ga 2,1 liên quan đến việc tha tội. Việc “làm của lễ đền tội” (1Ga 2,2) của Đức Giê-su được nhấn mạnh trong bản văn, vì tác giả viết ở 2,2: “Chính Người [Đức Giê-su Ki-tô] là của lễ đền tội vì tội lỗi của chúng ta, không chỉ vì tội lỗi của chúng ta mà còn vì tội lỗi của cả thế gian.” Đề tài này còn định nghĩa tình yêu của Thiên Chúa ở 4,10: “Tình yêu ở trong điều này: Không phải chúng ta đã yêu mến Thiên Chúa, nhưng chính Người đã yêu mến chúng ta và sai Con của Người làm của lễ đền tội vì tội lỗi chúng ta.”

Như thế, vai trò của Đấng Pa-rác-lê – Giê-su Ki-tô (1Ga 2,1) là tha thứ tội lỗi cho người tin, làm cho họ xứng đáng bước vào tương quan với Thiên Chúa và hiệp thông với Người. Nhờ “Đấng Pa-rác-lê – Giê-su Ki-tô” mà cộng đoàn có thể “ở lại trong Con và trong Cha” (2,24). Sự hiệp thông này đối lập với lập trường của nhóm phản Ki-tô là “kẻ chối bỏ Cha và Con” (2,22).

V. KẾT LUẬN

Phần trên đã tìm hiểu đề tài “thần khí” trong thư 1Ga qua phân tích các từ: “thần khí” (pneuma), “khrisma” (dầu-xức) và “paraklêtos” (pa-rác-lê). Có thể tóm kết trong bốn điểm sau:

(1) Trong hoàn cảnh khủng khoảng do cách hiểu khác nhau về vai trò và sứ vụ của Đức Giê-su, việc thẩm định các thần khí là cần thiết. Tác giả thư 1Ga mời gọi cộng đoàn “tuyên xưng Đức Giê-su Ki-tô là Đấng đã đến trong thân xác” để có thần khí bởi Thiên Chúa (4,2) và loại bỏ “thần khí sai lầm” của phản Ki-tô, vì họ đã “phân chia Đức Giê-su” (4,3).

(2) Thần khí là thực tại vô hình hoạt động trong con người. Chỉ nhờ những biểu hiện bên ngoài (tuyên xưng niềm tin, giữ điều răn yêu thương, v.v…) mới cho phép đón nhận quà tặng Thân Khí (4,13) và tin vào lời chứng của Thần Khí: Đức Giê-su Ki-tô là Con Thiên Chúa và là Đấng đã đến nhờ nước và máu (5,5-6).

(3) Từ “khrisma” (dầu-xức) ở 1Ga 2,20.27 có nhiệm vụ giống “Đấng Pa-rác-lê – Thần Khí” trong Tin Mừng Gio-an (Ga 14–16). Cộng đoàn đón nhận Dầu-xức từ Đức Giê-su. Dầu-xức ở lại nơi người tin và dạy người tin mọi sự. Việc dùng từ “khrisma” (dầu-xức) để nói về hoạt động của Thần Khí có thể để tránh dị nghĩa của từ “thần khí” trong thư 1Ga.

(4) Trong Tin Mừng Gio-an, từ “paraklêtos” (paraclet) nói về Thần Khí cách minh nhiên và nói về Đức Giê-su cách mặc nhiên. Trong khi, thư 1Ga không dùng từ “paraklêtos” để nói về Thần Khí, từ này chỉ xuất hiện 1 lần (1Ga 2,1) để nói về vai trò của Đức Giê-su Ki-tô bên cạnh Cha của Người. Vai trò của Đức Giê-su ở 2,1 liên quan đến việc tha tội cho người tin. Như thế, hoạt động của Đấng “Pa-rác-lê – Giê-su Ki-tô” ở 1Ga 2,1 đặt trong bối cảnh khác với  Đấng “Pa-rác-lê – Giê-su” trong Tin Mừng Gio-an.

Tóm lại, cách dùng các từ “thần khí”, “dầu-xức” và “Pa-rác-lê” trong thư 1Ga là một trong những đóng góp quý báu của thần học Gio-an. Giáo huấn của tác giả thư 1Ga liên quan đến những đề tài trên giúp độc giả thẩm định các thần khí (4,1-6); đón nhận quà tặng Thần Khí (3,24 ; 4,13); xác tín vào lời chứng của Thần Khí (5,5-7); thừa hưởng những hoạt động của Dầu-xức (2,20.27); và nhận biết vai trò của Đấng Pa-rác-lê – Giê-su Ki-tô (2,1). Nhờ đó, độc giả có thể tuyên xưng lòng tin đích thực vào Đức Giê-su Ki-tô là Đấng đã đến nhờ nước và máu; hiệp thông với Cha và Con; hiệp thông với tác giả và với nhau; đón nhận tình yêu của Thiên Chúa và sống “điều răn yêu thương”./.