ĐỂ HỌ ĐƯỢC SỐNG DỒI DÀO

0
2447


 

Lời Tựa

Tôi rất vui mừng khi viết lời tựa cho bản dịch tiếng Việt. Quả là một niềm vui vì đây là một cử chỉ đầy tình huynh đệ, hoa trái của tình bạn giữa các anh em cùng một Dòng. Và đây cũng là một vinh dự trong năm đời sống thánh hiến vì tôi được tham gia vào việc đem lại một nét mới cho đời tu, bên ngoài bối cảnh văn hóa mà cuốn sách này được viết ra.

“Hãy quay về với chính mình”. Lời của người yêu nói với người yêu trong sách Diễm ca (2,10). Đó là mầu nhiệm lớn lao của con người mà tất cả chúng ta được mời gọi đi tới : đi vào chính mình để là mình cách trọn vẹn, chứ không phải ai khác cho dù người ấy hoàn hảo. Con đường đi vào chính mình không dễ dàng chút nào ; rất nhiều người chỉ đi được một đoạn. Ngoài ra, không thể tiến về phía mình mà không biết đến tình yêu, không được tình yêu lôi cuốn mà lại không biết rằng điều tốt nhất về chính mình đang chờ đợi được tỏ bày (Rm 8,18-27). Tiến trình này không chỉ tùy thuộc ý muốn chúng ta, nhưng có Thiên Chúa đồng hành. Việc tiến bước về nơi này làm cho chúng ta ngày thêm sống động, thêm quảng đại vì tràn đầy sự sống và ước muốn thông ban sự sống.

Đời tu là một trong những nẻo đường để trao hiến bản thân cho Thiên Chúa. Nẻo đường này có thể rơi vào ảo tưởng và sai lầm nếu không phải là một con đường tình yêu, và không nhắm đến việc sản sinh. Dường như đó là điều chúng ta phải tìm cách diễn tả để nói cho con người thời nay hiểu thêm về đời tu, và để không gia tăng thêm những lời than vãn về khủng hoảng đời tu, một ẩn dụ xác đáng nhất về sự khô cằn.

Khủng hoảng này diễn ra ở Âu châu chứ không ở khắp thế giới. Vì thế, phải vui mừng khi thấy bên ngoài lục địa Âu châu, đời tu vẫn sống động và tràn đầy niềm vui. Sống trong Giáo hội là phải biết hân hoan vì tất cả những điều vui mừng diễn ra trong thế giới.

Đời tu tại Âu châu đang bị rối loạn, vì nó không suy nghĩ về mình trong bối cảnh mới và trong môi trường hiện đại. Một phần vì nó vẫn bị giam hãm trong lối lý luận thần học, không quan tâm đến những thay đổi về nhân học ; phần khác vì nó chỉ nói về khủng hoảng, chứ không nói về tương lai, và như vậy không thể thoát ra khỏi vòng luẩn quẩn. Tại Á châu có các thách đố khác, nhưng tại đó, người ta tìm ra được những từ ngữ mới để nói về sức sống và niềm vui, về tính phong phú của cách sống này, đồng thời cũng nói đến những nguy hiểm phải đối diện trong một xã hội tiêu thụ và “văn hóa có ngay”, vốn tiềm ẩn nguy cơ mất thăng bằng rất nhanh chóng.

Đời tu như một sự chối từ thế giới, khước từ những thực tại hiện đại và hình thức chống lại một xã hội do những người hoàn hảo đề xướng, nên vẫn là một vấn đề trong một số hội dòng quá quyết liệt về căn tính của mình, và thường trong tình trạng “thập tự chinh” để tái loan báo Tin mừng cho một thế giới mà họ không yêu mến. Một chiến lược như thế có thể hấp dẫn một số người yếu đuối, nhưng không thể làm vang lên lời mời gọi của Đức Kitô là loan báo Tin mừng cho hết mọi người, chứ không dành riêng cho hạng ưu tuyển. Gần đây, đời tu được hiểu như là đi theo Đức Kitô (sequela Christi) ; cách tiếp cận hấp dẫn này vẫn coi đời tu có tính trổi vượt, bởi vì tất cả mọi người đều được mời gọi theo Đức Kitô và khi thêm vào cụm từ “một cách rốt ráo”, lại không phải là đánh giá thấp những người khác không nhiệt thành lắm sao ? Nói về đời tu như một dấu chỉ, –quan niệm thần học phổ biến nhất, không còn thực sự thích đáng trong một thế giới giải trừ Kitô giáo về văn hóa. Người ta không tự coi mình là dấu chỉ, chính những người khác nhìn nhận họ như thế, vì những người này hiếm khi có thể tìm hiểu xem các tu sĩ nam–nữ là ai. Nói rằng đời tu là một dấu chỉ cho các tín hữu không làm thay đổi mối liên hệ vốn không đúng đắn khi người ta nhìn thấy thực tại sống nơi các tu sĩ. Vì thế, để nói về đời tu, cần phải tìm về nền tảng của nó : một quy luật riêng biệt để sống và để yêu thương.

Trước hết, đời tu là một khung cảnh sống. Như mọi hình thức sống (đôi lứa, độc thân…), đời tu là một đời sống với những quy luật, và chính trong các quy luật này mà nó được phân biệt với các thể thức khác, chứ không phải do mục tiêu nên thánh hay loan báo Tin mừng vốn là những điều được ngỏ cho mọi người. Luật lệ không phải là một hệ thống giam hãm hay kiểm soát, nhưng là kết quả của lịch sử (truyền thống) và kinh nghiệm thiêng liêng theo chân các vị sáng lập. Nó là một đề nghị (propositum) nhằm tổ chức đời sống hầu làm cho con người sẵn sàng với Thiên Chúa. Quy luật sống không phải là một sự quy định, nhưng là một sự kết tinh những thông tin để mỗi người có thể gặp gỡ và yêu mến Thiên Chúa. Quy luật không nêu lên những thái độ đạo đức hay những ứng xử có thể đón nhận và xứng hợp (như là bổn phận), nhưng mở ra những cách sống có thể để chuẩn bị mỗi người hướng đến cuộc sống với và vì Đức Kitô.

Điều mà người ta gọi là đoàn sủng chỉ là cách thức khác để hiểu về lề luật khởi đi từ một nơi để nối kết cả những thực hành lẫn sự thành thạo nhằm hiện diện tại nơi này với tình huynh đệ (giáo dục, săn sóc, gần gũi…). Khi nêu lên một đặc sủng riêng, quy luật không nói tới một công việc xã hội, giáo dục, sức khỏe hay huấn giáo ; nó không kể ra một danh sách những công việc phải làm và những công trình cần vận hành. Nó đề cập tới một nơi và một thái độ giúp trở nên sẵn sàng gặp gỡ Thiên Chúa. Đó không phải là diễn từ về “sứ mạng” cần chu toàn (thực tế là ở bên ngoài) cho bằng là một tư thế làm nảy sinh một đời sống nơi người muốn, cùng người khác, gặp gỡ Thiên Chúa, và nơi người cùng chia sẻ cuộc đời với mình. Cách trình bày về sứ vụ quá phổ biến đến nỗi người ta khó thể đặt vấn đề về nó khi nó chỉ hướng về một khoa nhân học theo nghĩa bổn phận phải chu toàn và những việc phải làm mà hiện nay không còn thực sự thích đáng trong nền văn hóa hiện đại quá thiên về kinh nghiệm.

Quy luật –đời tu là một nếp sống đều đặn và không thuộc về thế tục–, tự nó không tốt hay xấu ; nó cho thấy hay không sự thích đáng của mình tùy theo đời sống mà nó tạo nên nơi những người sống theo sự hướng dẫn của nó. Quy luật có thể gây ra chết chóc khi nó được sử dụng để thống trị và kiểm soát, hay nhằm phục vụ các phe nhóm lệch lạc ; nó có thể phục vụ sự sống khi đưa vào tính khách quan và khi đề nghị nẻo đường tình bạn –cả với Thiên Chúa lẫn con người, ở gần và ở xa–, và con đường hoán cải. Các quy luật đặc biệt của các hội dòng hay đan viện, nhờ được Giáo hội nhìn nhận như những nẻo đường đức tin, giúp tăng triển cuộc sống, và vì thế, các đơn vị này tham gia vào việc làm cho Giáo hội tăng thêm sức sống cũng như chu toàn trách nhiệm loan báo Nước Thiên Chúa. Các quy luật là những chỉ dẫn trên đường đi, và như thế, đời tu không phải là một tình trạng, nhưng là một con đường để đạt tới, để dứt mình ra khỏi những thói quen mà sẵn sàng hơn với Thiên Chúa. Trong thực tế, việc xóa bỏ quy luật dẫn đến những xáo trộn sâu xa qua việc nhạt nhòa căn tính cá nhân và xã hội (của hội dòng), điều này dẫn đến hậu quả là làm cho những chủ trương quá khích về căn tính có cơ hội xuất hiện.

Qua việc tổ chức, –chứ không kiểm soát, nếp sống thường ngày, đời sống cầu nguyện, những tương quan giữa con người và tương quan với của cải, các quy luật của đời tu đề nghị một hình thức sống riêng biệt và tạo những cơ hội mà những cách thức sống khác không thể cung cấp cách tương tự. Đời tu là một hình thức sống do một số người chọn, bởi vì họ nhìn thấy trong đó sự phong phú và sức sống cho mình cũng như cho thế giới. Hình thức sống, lối diễn tả gần giống với nghệ thuật sống hay nghệ thuật khôn ngoan –với điều kiện là lối sống này không được ở thế tĩnh hay thụ động, mà phải hướng về tính liên đới và sự biến đổi– nơi các tu sĩ nam nữ không chỉ nhấn mạnh đến các giá trị (của mọi Kitô hữu), nhưng còn đến sự chọn lựa các thực hành liên quan đến thân xác, sự chết, thời gian, công việc, tính nhưng không, lời chia sẻ, và Lời Thiên Chúa…

Nếu là một lối sống đặc biệt, thì đời tu nêu lên một khoảng cách so với những hình thức và những lối lý luận của xã hội hiện đại. Khoảng cách không phải là tạo nên một hố sâu, nhưng là một tiến trình khác biệt hóa, qua không gian mà nó khám phá, là nguồn mạch sự sống không chỉ cho những ai lựa chọn nếp sống này, mà cho cả xã hội nơi người ấy đang sống. Khoảng cách là sự khước từ một số những thái độ tầm thường hóa trong xã hội, và là chọn lựa đến gần những người nam–nữ đang sống bên lề xã hội. Tin mừng cho thấy Đức Giêsu đã tách riêng ra vào những thời điểm quan trọng (Mt 14,13 ; Mc 6,32 ; 9,2…), và toàn bộ cuộc đời của Người là một khoảng cách (không phải là từ chối) so với các thực hành của dân Ítraen ; điều này làm cho Người gẫn gũi với những kẻ rốt hết , những kẻ bị đẩy ra bên lề. Thái độ của Người mở ra với tất cả những ai theo Người trên nẻo đường mới tiến về Thiên Chúa và về con người đích thực của mình (con người mới theo thánh Phaolô, Ep 4).

Khoảng cách phải là nguồn mạch đem lại sức sống. Khoảng cách này được thể hiện qua việc cầu nguyện, thinh lặng, phục vụ, hay cả trong đời sống chung huynh đệ, qua việc đặt mọi sự làm của chung… Tất cả những thực hành này làm cho con người sống theo đó trở nên khác biệt với điều mà xã hội hiện đại, tự do và quy ngã coi như tiêu chuẩn, như con đường duy nhất dẫn đến hạnh phúc. Như thế, những thực hành này được đưa vào tựa những câu hỏi trong một thế giới khẳng định mạnh mẽ về phương thế làm cho đời sống mình thành công bằng cách cạnh tranh và thu vén, cũng như mở ra những chọn lựa khác như là những con đường dẫn tới cuộc sống hạnh phúc và tốt lành. Khoảng cách cũng tạo điều kiện để gần gũi với những người đang sống ở ngoại biên, –theo lối diễn tả của Đức Giáo hoàng Phanxicô–, và những người đang sống tại những nơi cận kề cái chết.

Ngoài việc đặt tài sản, thời gian và ý tưởng làm của chung, khoảng cách đem lại ý nghĩa nhất cho thời đại chúng ta là khoảng cách thinh lặng và chiêm ngắm Thiên Chúa (không chỉ dành riêng cho các đan sĩ), –đời tu đưa tính nhưng không và sự thiệt thòi vào nơi mà thế giới chỉ nhìn theo lối lý luận về lợi lộc và thu tích. Chính khi xóa mình trước Thiên Chúa và với Người, trong đời sống phụng vụ và lectio divina, trong việc cầu nguyện và diện đối diện với Thiên Chúa trong những thời khắc chiêm niệm, đời tu đóng góp rất lớn vào tiến trình nhân bản hóa thế giới.

Đời tu đưa đến sự chọn lựa gần gũi với những tình trạng giới hạn, không phải do sự hấp dẫn của những việc bên lề hay chủ nghĩa anh hùng đấu tranh, nhưng bởi vì tại những nơi này, khát vọng sự sống vốn hiện diện trong ta thôi thúc ta mãnh liệt hơn, và tại đó, đời sống phải được thông chuyển, nhận lãnh, gia tăng thêm và được giải thoát. Đó có thể là ý nghĩa của yêu mến, nếu được bày tỏ cách hỗ tương. Cuộc đời của những nam–nữ tu sĩ được triển nở khi nó làm cho họ có thể đến gần tha nhân đang sống trong đau khổ và bị hạ nhục, khi họ thực sự liên kết để cùng nhau đương đầu với sức mạnh tử thần.

Điều có ý nghĩa là các lời khấn cho thấy những chiều kích nền tảng của cuộc sống, nơi mà tử thần có thể gây nguy hại cho nhân loại. Dấn thân trong lời khấn, tuyên khấn tu trì, đó là chỉ ra những nơi chốn chính yếu mà sự sống chạm đến một giới hạn và cùng tiến đến nơi ấy với những người khác (hội dòng hay đan viện) với mục đích cố gắng củng cố và đón nhận đời sống ấy. Các lời khấn tạo nên những cam kết để liên đới với những người không được yêu thương, những người không chút quyền hành, không tiếng nói, không có quyền lợi lẫn tự do. Sự liên đới này diễn ra qua những câu chuyện được chia sẻ, và ít ra, qua việc lưu tâm đến những người này khi phải quyết định : cầu nguyện, đầu tư, cách sử dụng thời giờ, các hình thức tiêu thụ… Như vậy, toàn bộ nhân tính của chúng ta được bao hàm trong đó.

Đưa ra một chọn lựa như thế, vượt qua tính lãng mạn và đam mê tuổi trẻ, quả là cực kỳ khó khăn, vì toàn bộ xã hội cho rằng người đó điên khùng, vô trách nhiệm, thậm chí lỗi thời hay tâm lý không ổn. Để duy trì khoảng cách mà mỗi tu sĩ nhìn nhận là phong phú, đang khi mà mọi thứ thúc đẩy phải sống theo lối mọi người đang sống, thì cần phải trợ giúp lẫn nhau. Một tu sĩ là người nhận biết rằng mình vừa khao khát, vừa yếu đuối. Để đảm nhận ước vọng của mình, họ phải được trợ giúp từ người khác (đó là ý nghĩa của đời sống chung) cũng như từ một thành viên của cộng đoàn –người có trách nhiệm, bề trên, đan viện trưởng… để họ có thể phát huy cách đặc biệt quyền tra vấn (đó là ý nghĩa của lời khấn tuân phục, trong thực tế là sự nhìn nhận quyền nhắc nhớ về khao khát lùi xa dành cho người có trách nhiệm).

Theo nhãn quan này, không thể hiểu các lời khấn như một sự giảm trừ, một sự thiếu vắng, một tiếng “không”, trái lại, phải hiểu như một phương thế để sống dồi dào, để đời sống được tăng thêm. Lời khấn thanh khiết là một cam kết để nhiều con cái được sinh ra nhờ lời nói, nhờ tình bằng hữu, sự yên ủi hay việc đào tạo; lời khấn khó nghèo có nghĩa cần suy nghĩ lại về sự giàu có thực sự ; lời khấn vâng phục là ý thức rằng rất cần phải đem lại tiếng nói cho những người mà không bao giờ được hỏi han đến. Các lời khấn nhằm phục vụ sự phong phú, điều mà thư gửi tín hữu Rôma (Rm 8) gọi là cuộc sinh ra của tạo thành và của mọi người.

Nhấn mạnh đến sự phong phú phát sinh từ các lời khấn và khoảng cách tức là đời tu, nhưng không thể bỏ qua tầm quan trọng của việc khổ chế : không phải là sự hủy hoại, cũng không phải là một hành động nhắm thành tích, nhưng là một sự lựa chọn, do khoảng cách nội tâm, để sống thái độ sẵn sàng gặp gỡ Thiên Chúa và người khác, mà không coi mình là đầy đủ. Khi dành một chỗ trong cuộc sống của chúng ta cho người khác, cho những nhu cầu và hy vọng của họ, chúng ta có thể hướng về con người thật của chính mình, vượt trên mọi hình ảnh và dáng vẻ bên ngoài.

Những chiều kích này không chỉ nằm ở tầm mức cá nhân. Các lời khấn liên hệ cả với người muốn trở thành tu sĩ, cũng như với tất cả đan viện, toàn thể hội dòng và Giáo hội. Đó là một giao ước nối kết các bên liên quan, và như thế thành một tiến trình liên lỉ, ít ra là phải như thế, nếu nó muốn được ghi dấu bởi đời sống, chứ không phải sự gìn giữ hay bảo vệ vì sợ đối diện với tương lai. Thể chế càng phong phú thì nó càng hướng về hiện hữu đích thực của nó, tức là một con đường để gặp gỡ thiêng liêng với Thiên Chúa và sức sống của con người.

Khoảng cách phong phú mà đời tu thể hiện mặc lấy cách thực hành ngôn sứ, rất quen thuộc với Đức Giáo hoàng Phanxicô, dưới hình thức của thái độ khiêm tốn và tính cộng đoàn. Đời tu là một cách thực hành theo thể chế và cộng đoàn để nhờ Thần Khí của Đức Kitô hướng dẫn, trở nên “ngôn sứ”, chứ không phải là những ngôi sao trên các phương tiện truyền thông, mà là những người nam–nữ có niềm say mê nói cho nhân loại biết, qua ngôn từ và nếp sống thường ngày, rằng Thiên Chúa tin tưởng nơi họ, quan tâm đến họ và muốn ban tặng cho họ tình bằng hữu. Thực hành này vừa là một sự từ khước muôn vàn ngẫu tượng muốn thay thế cho hạnh phúc đích thực, vừa là lời loan báo về một cách thức hiện hữu khác (đời sống chung), cũng là sự thăm viếng con người qua việc gặp gỡ đầy tử tế –a priori (trước hết) với người khác, những người được Thiên Chúa yêu thương như tất cả chúng ta.

Nếu chúng ta để ý đến các chiều kích nhân học đương thời và tái xác định dự phóng đời tu theo hướng đời sống dồi dào, thì những nẻo đường mới sẽ mở ra, không phải để hồi sinh cho điều phải biến mất, nhưng để khai triển điều đang chờ được bày tỏ.

Trong sự mỏng giòn và giới hạn của các thành viên, đời tu tiếp tục tra vấn những giá trị đang áp đặt trong hệ thống kinh tế và xã hội của chúng ta. Như thế đời tu có tính ngôn sứ vượt trên những bất toàn nơi mỗi người, với điều kiện nó biết, không phải quảng cáo, nhưng là dám lên tiếng về kinh nghiệm của mình, được trao tặng cho thời đại chúng ta với nét đơn sơ. Đời tu tạo nên những không gian để sống cách khác và cảm nghiệm sự đồng hành của Thiên Chúa. Để có thể rút ra điều nó là từ sâu xa, nó phải giải thoát mình khỏi một số sự gò bó và chật hẹp tinh thần, và tái xác định một nghệ thuật sống, trong đó chú tâm đến thời khắc chiêm niệm, những diễn giải qua cách sử dụng thời giờ, công việc, mối tương giao với người khác. Khi ý thức về tất cả những gì đã sống, nó dám nhìn về tương lai khởi đi từ truyền thống về lòng quảng đại, về sự trao tặng chính mình, đón tiếp và lắng nghe.

Nhưng điều là hiện tại và tương lai của đời tu, theo lối diễn tả rất hay của Rosenweig , đó là cắm vĩnh cửu vào thời gian, tức là sống mầu nhiệm Thiên Chúa trong thế giới như nó là.

Đó là một cách thức khác để nói rằng các tu sĩ nam–nữ tìm thấy căn tính đích thực của mình cách chân thành, thường là dưới những bóng tối và bấp bênh cùng với Đấng là Cha mà

Đức Giêsu Kitô đến để bày tỏ cho chúng ta biết. Ở đó một nấc thang, nấc thang của Giacóp xuất hiện… trong cái thường ngày của một người nam–nữ đang hướng về huyền nhiệm đích thực của mình.

Jean Claude Lavigne, O.P.

*************************************

MỤC LỤC

Lời tựa            5

Dẫn nhập       16

PHẦN MỘT. NHẬN ĐỊNH      20

Chương I. ________________________________________NÓI ĐI NÓI LẠI VỀ ĐỜI TU         21

PHẦN HAI. MỘT KHOẢNG CÁCH CHO SỰ SỐNG    40

Chương II. ________________________________________MỘT KHOẢNG CÁCH PHONG PHÚ       41

Chương III. ________________________________________NHỮNG NỀN TẢNG      63

Chương IV. ________________________________________KHOẢNG CÁCH ĐƯỢC GỌI LÀ CẦU NGUYỆN92

Chương V. ________________________________________NHỮNG NƠI CHỐN THIÊNG LIÊNG     119

Chương VI. ________________________________________KHOẢNG CÁCH CỦA ĐỜI SỐNG CHUNG         141

Chương VII. ________________________________________CON ĐƯỜNG TIẾN ĐẾN ĐỜI SỐNG HUYNH ĐỆ       165

Chương VII. ________________________________________KHOẢNG CÁCH DO LỜI KHẤN           190

Chương IX. ________________________________________THÀNH NHÂN   214

Chương X. ________________________________________KHOẢNG CÁCH ĐỂ PHỤC VỤ GIÁO HỘI           237

Chương XI. ________________________________________DIACONIA          260

PHẦN BA. HÌNH THÀNH      285

Chương XII. ________________________________________NHỮNG HÀNH TRÌNH ĐỜI SỐNG      286

Chương XIII. ________________________________________MỘT TƯƠNG LAI ?     311

Kết luận          337

Mục lục           339

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here