Đâu Là Tương Lai Cho Những Gia Đình Kitô Hữu

0
436


Đaminh Trần Bình Tiên, OP.

 

Nếu như trước đây chúng ta thường nghe ai đó nói về thời hoàng kim của họ, chúng ta thường hiểu rằng đấy là một quá khứ hào hùng mà ai đó đã trải qua. Là thời gian cao đẹp nhất, trong đấy mọi sự phồn thịnh đạt đến tầm mức viên mãn của một thời đại, của một thời kì, của một đời người… đã qua[1]. Thế nhưng vào thời mới này, thời hoàng kim của con người không còn nằm ở quá khứ, nhưng tuỳ thuộc vào tương lai. Sở dĩ ta nói được như thế bởi vì thống kê cho thấy trình độ về thiên văn học, về kinh tế.. của 5 ngàn năm trước cộng lại vẫn chưa bằng 5 năm sau cùng của thế kỉ 20[2]. Và với đà tiến như thế, những năm tiếp sau này, nhân loại sẽ còn đạt hái nhiều thành công ngoài sức mong đợi trong nhiều ngành nghề khác nữa.

Thời gian gần đây chúng ta thấy đó đây những panô, biểu ngữ trong đấy ghi rằng: tương lai, chuyện nhỏ[3] (Future, no problem!). Với những tiện nghi mà khoa học mang lại cho con người thì cách nào đó chúng ta có thể nói được như vậy. Nhưng thực tại về một gia đình trong thời hiện đại này, ai có thể chắc chắn mình có được một đáp số chính xác? Thực tế đây là vấn đề khá mới cần phải đặt lại khi suy nghĩ về gia đình và những thách đố có thể gặp phải trong cuộc sống. Có rất nhiều buổi thảo luận, có rất nhiều sách vở báo chí đề cập đến nội bộ cũng như tương quan gia đình ngoài xã hội, nhưng có thể nói ít ai đưa ra một kế hoạch cho tương lai của gia đình. Chính bởi thế Đức cố Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã từng nhắc nhở con cái mình trong tông huấn Familiaris Consoritio rằng : tương lai của thế giới và Giáo hội ngang qua gia đình[4].

I. CÓ CHĂNG MỘT TƯƠNG LAI CHO GIA ĐÌNH?

Ở đây, chúng ta không làm một bài dự báo thời tiết hay bói mò, bởi vì như thế là một sự xúc phạm và liều lĩnh. Ai cũng biết, con người là tiểu vũ trụ. Con người là một tinh thần nhập thể, qua giá trị nền tảng tức là sự sống thể xác và nhờ nó mà ngôi vị tự hiện lấy chính mình và đi vào thời gian và không gian. Cũng chính con người nhờ sự sống thể xác, có khả năng tử tỏ lộ cũng như có thể thiết lập và biểu lộ những giá trị khác như sự tự do, tính xã hội và những dự phóng tương lai[5]. Bên trên giá trị nền tảng đó chỉ có thể là sự thiện toàn vẹn và tinh thần của ngôi vị mà thôi, và chỉ sự thiện toàn vẹn cao cả đó mới có thể đòi hỏi người ta phải hi sinh cho điều thiêng liêng cao cả mà thôi.

Tuy nhiên, ở đây cũng xin lưu ý đến những vấn đề mà các phương tiện truyền thông đại chúng đã đưa tin, cũng như những kết quả từ các thống kê, điều tra, học hỏi về các ngành liên quan đến vấn đề xã hội liên quan, nhất là những vấn đề có ảnh hưởng đến nền tảng gia đình Kitô giáo theo cách nhìn của người giáo hữu.

Sở dĩ người viết dám bạo miệng nói được như thế vì tin rằng mỗi người chúng ta, qua phép Rửa, mang trong mình ân huệ của Thánh Thần. Ân huệ này thúc đẩy chúng ta, qua những lý chứng của huấn quyền, của những nghiên cứu, có thể nói tiếng nói ngôn sứ[6] cho đồng loại. Ngôn sứ theo nghĩa Kitô giáo không có nghĩa là thấy trước tường tận những gì sẽ xảy ra như các thầy bói, nhưng là người nhờ ánh sáng của Lời và của kinh nghiệm sống Đức tin trưởng thành của cộng đoàn biết lắng nghe những gì Thần Khí nói về Hội thánh[7]. Không mang, và cũng không nên tham vọng có thể học hỏi được đầy đủ, nhưng chỉ có thể cách nào đó khiêm tốn đưa ra một cái nhìn chung về những vấn đề liên quan đến tương lai gia đình và chúng ta có thể mở rộng trong những trong vấn đề tài chủ đạo : đâu là tương lai gia đình ? Và phần mở rộng của nó khi suy nghĩ về gia đình Kitô giáo tương lai. Khi bàn bạc về tương lai gia đình, ta lưu ý về những khả năng mà tương lai có thể đối mặt khi tiến bước trong thời gian; đang khi mở rộng đề tài khi nói tới tương lai gia đình Kitô giáo ta sẽ quay trở lại với những điểm tựa là giáo huấn của huấn quyền, là mạc khải Kitô giáo. Tất nhiên nói là hai nhưng thực tế chỉ là một. Hai vấn đề trong một suy nghĩ.

II. ĐÂU LÀ TƯƠNG LAI CỦA GIA ĐÌNH?

Nói đến tương lai chúng ta nghĩ ngay đến cái gì đó bấp bênh, không chắc chắn, và chúng ta không thể không mang trong mình một nỗi xao xuyến (Kieerkegaard, le Concept d’angoisse) nào đó có thể xảy đến trong hiện tại. Do đó, trước khi nhìn vào tương lai, ta hãy quay trở lại với chính hiện trạng gia đình Kitô giáo của mình trước. Bởi vì không thể có tương lai nếu như hiện tại không được diễn tiến. Không thể có tương lai của ai đó nếu như chính họ không đi trong hiện tại, không nhìn vào hiện tại với việc nhận thức đầy đủ về những ảnh hưởng trên gia đình. Ta buộc phải biết được hiện tình để hướng dẫn nó theo tinh thần Kitô giáo[8]. Từ đó, dựa vào hiện tại, ta có một bệ phóng gia đình tiến vào tương lai[9]. Với cách nhìn ấy, chúng ta có rất nhiều hậu thuẫn từ kinh nghiệm kế thừa do các ngành học: kinh tế, y học, di truyền, chính trị… tất nhiên không loại trừ sự hướng dẫn của thần học, triết học, mục vụ cũng như các ngành sư phạm, nhân văn và tâm lý nữa.

Thật vậy, mỗi con người là một huyền nhiệm theo như G. Marcel từng nói. Con người chịu ảnh hưởng của những trào lưu văn hoá, tư tương nơi họ được định hình và sống. Thật sự là vô phép khi ai đó đòi cho mình quyền nắm bắt tương lai của từng người. Gia đình cũng thế, là tập hợp của từng nhân vị. Gia đình cũng chịu ảnh hưởng của một tâm thức nào đó. Xin mạo muội đưa ra vài viện dẫn:

1. Thời gian sống quá ngắn

Như ta đã biết thế kỉ vừa qua được coi như ngắn hơn hết trong hai mươi thế kỉ đã qua vì những lí do đã nêu ở đầu bài. Sự vắn vỏi này không được hiểu theo nghĩa vật lý, nhưng để chỉ tốc độ vượt nhanh trong nhiều lãnh vực tâm lý, xã hội, tôn giáo. Nếu như trước kia “một trăm năm thì có một phát minh làm biến đổi thế giới thì vào thế kỉ hai mươi, thời gian rút xuống chỉ còn mười hoặc năm năm. Sự đột biến về phát minh khoa học còn xảy ra nhanh hơn nữa, chỉ còn một năm hoặc một tháng hay một tuần và cũng có thể là vài ngày, cho một phát minh làm biến đổi thế giới”[10]. Từ những thay đổi chóng mặt ấy, ta cũng có thể đặt giả thuyết rằng thế kỉ hai mươi mốt này cũng sẽ là một thế kỷ ngắn hơn nữa cũng với những nguyên nhân trên. Và cũng chính vì lẽ ấy những tác động chắc chắn sẽ xảy đến với xã hội, văn hoá, và trên nhiều lãnh vực khác. Hệ luỵ là gia đình, nhất là gia đình Kitô hữu cũng bị kéo theo vào vòng xoay tất định ấy. Do vậy, ta cần phải nhanh chân và nhạy bén hơn đế có thể kịp bước với đà tiến xã hội.

Gia đình Kitô giáo được mời gọi sống nhập thể ngay trong cách sống đúng đắn của mình để làm những dấu chỉ của thời đại[11] và cống hiến những khả năng để đáp ứng cách thích đáng trước những vấn nạn thường hằng về đời sống này cũng như đời sống mai hậu và về những mối liên hệ chính đáng về xã hội[12]. Nói như thế cũng có nghĩa là phải chung vai gánh lấy trách nhiệm làm chứng cho mọi người thấy kế hoạch về gia đình Kitô giáo luôn phù hợp trong mọi thời đại, dù cho những cơn khủng hoảng về mọi mặt đang sầm sập kéo đến trong tương lai. Một chứng tá như thế sẽ tồn hữu trong thời gian vì năng lực tự thân của nó, và sẽ không hề run sợ trước bóng ma của những con số thống kê đang lờn vờn trước mắt. Hiện nay, con số các gia đình Kitô hữu đang ngày giảm thiểu, nhưng không phải vì thế làm cho các gia đình lo lắng về ngày mai, và cũng phải tự tín rằng ngày nay, cái thiểu số ấy cũng vẫn làm cho nhiều người, nhiều đảng phái phải lo sợ.

Thánh Phaolô nói rằng: ”Tôi xin nói với anh em điều này thời gian chẳng còn bao lâu”[13] với tâm ý muốn chúng ta hiểu theo nghĩa tích cực nhất. Vì cái đoản tính thời gian thôi thúc ta hiểu sâu xa hơn về kế hoạch của Thiên Chúa trong gia đình, khuyến khích tìm hiểu về con đường mới[14]; để mọi người thương yêu nhau hơn như Chúa dạy và hết lòng mong ước điều thiện cho nhau, không mất thời giờ mải mê chạy theo những mẫu gia đình lầm lạc, nhưng theo mẫu gia đình thánh Nagiarét như chính Chúa Giêsu đã sinh ra và sống.

2. Thiếu đời sống tâm linh

Thế kỉ vừa qua cho thấy sự yếu kém và bấp bênh của nó trong tầm mức tư tưởng. Với sự thừa mứa về đời sống vật chất, người ta không còn cảm thấy đâu là điều bất an, đâu là điều cần phải đặt niềm tin vào. Vì thiếu tin tưởng vào đời sống tâm linh, ngược lại, ai ai cũng coi mình là Thiên Chúa khi chủ trương lấy con người làm trung tâm của vũ trụ, nên con người mất dần khả năng đạt đến Sự Thật. Chỉ mới vài năm trong thế kỉ mới, thế nhưng có biết bao nhiêu điều nhức lòng đã xảy đến, do không tin tưởng vào tâm linh nên ngày càng có nhiều vụ tự tử, giết chóc lẫn nhau, nhiều cuộc chiến tranh đã và còn đang từng bước âm thầm được đẩy tới. Trước kia, người ta nói chiến tranh lạnh thì cụm từ này đang dần chuyển sang là hoà bình nóng, nghĩa là người ta sẵn sàng bỏ bom vào đầu nhau vì những lí do hết sức vu vơ.

Trước lối sống bất tín không những trong tư tưởng mà còn trong cả lối sống này, gia đình Kitô giáo được mời gọi tín thác vào căn tính uyên nguyên của mình. Họ được nhắc nhớ Thiên Chúa là căn nguyên ban tặng căn tính và ân huệ ấy, đòi hỏi phải được quản lý bằng sự khôn ngoan sáng suốt. Cha mẹ, thay mặt Thiên Chúa, quản lý những ân huệ ấy của Thiên Chúa. Chính phẩm giá ấy khiến cho những gia đình Kitô giáo mang trong mình niềm kiêu hãnh thánh thiện vì được Thiên Chúa tín nhiệm và trao ban cho nhiệm vụ mà ngoài ơn gọi nguyên thủy, họ còn được sống bằng chính ngôi vị mà họ thừa hưởng từ Thiên Chúa.

Ở đây không hề khuyến khích hay uỷ lạo một gia đình siêu đẳng kiểu Đức quốc hay loại gia đình vô định hình, nhưng cho thấy một mẫu gia đình vững bền bề ngoài và mạnh mẽ trong ân sủng, có khả năng chung chia gánh nặng trách nhiệm với xã hội cũng như đời sống và sứ mạng của Giáo hội.

Bởi thế, các gia đình Kitô giáo phải tự ý thức được sức mạnh của ân huệ, và nhất là kế hoạch về gia đình mà họ lãnh nhận từ Thiên Chúa. Sức mạnh ấy được củng cố và động viên từ các huấn từ, bài luân lý đến từ nền móng vững chắc của huấn quyền và mạc khải Kinh Thánh. Mẹ Giáo hội luôn tìm cách cập nhật hoá và hội nhập hoá nội dung sứ điệp Kinh Thánh dựa trên nền kinh nghiệm các cá nhân trưởng thành qua lời cầu nguyện và việc trao đổi giữa các vợ chồng.

3. Lớn hơn trong cái bé hơn

Vào những năm cuối của thế kỉ trước, một thuật ngữ người ta thường dùng đó là toàn cầu hoá. Tiến trình này làm cho xã hội thay đổi nhiều mặt và hình thành nên nhiều suy thoái mới trong lãnh vực văn hóa và cả con người nữa. Qua quá trình toàn cầu hoá, thế giới ngày càng bé đi, mọi người không còn bị giới hạn địa lý làm cho phân cách. Hàng hoá được trao đổi nhiều hơn, mạng lưới thông tin càng mở rộng… thế nhưng đấy chỉ là những mặt nổi mà ta có thể thấy được. Còn phần lớn đang chìm dưới tầng sâu lạnh lẽo kia mấy ai quan sát được? Phân cực giàu nghèo ngày càng sâu và rõ rệt. Tình liên đới không còn được đặt lên hàng đầu nữa.

Trong bối cảnh này, gia đình Kitô hữu được mời gọi đến với bổn phận mới: mở ra với quốc gia và thế giới. Một kế hoạch giáo dục mới và linh động thay thế cho nền giáo dục tĩnh xưa kia, nghĩa là thích nghi hơn với đà tiến của xã hội đãng thay đổi quá nhanh chóng. Gia đình Kitô giáo phải bảo đảm các thành viên có được sự huấn luyện toàn vẹn về trí thức, nhân bản, luân lý, tôn giáo, thể lý, tâm lý… không còn cảnh uỷ thác hoàn toàn cho các cơ sở giáo dục, nhưng giữ cho mình quyền nhận xét, phê bình và chọn lựa. Và phải coi đây là ưu tiên trên hết và trước hết không thể chối bỏ đối với gia đình. Qua đó gia đình được mời gọi vượt qua chính mình để tránh những khiếm khuyết và trì trệ như hiện nay.

III. NHẬN DIỆN TƯƠNG LAI

Thời gian là một kịch bản được lặp đi lặp lại với trình tự ngày càng nhanh hơn và quyết liệt hơn. Nó dẫn đi từ chiếc nôi đến nấm mồ và lạnh lùng xoay diễn cho đến tận thế. Quá khứ mờ nhạt dần, còn tương lai thì sẽ lững lờ tiến đến. Quá khứ không thể đến sau tương lai. Cũng như mũi tên rời khỏi cánh cung, lao thẳng về phía trứơc với tốc độ ngày càng cao, sau khi rời dây cung, tương lai không dừng lại chờ ai hết[16]. Nói thế không để ta mang thái độ thụ động, nhìn tương lai mà không dám vạch mặt chỉ tên nó. Với sự hỗ trợ của những nghiên cứu, những ngành học liên qua ta vẫn có thể, cách nào đó, lờ mờ nhận dạng được người không mời mà đến trong gia đình cũng như xã hội này.

1. Bấp bênh

Tương lai chúng ta đang chờ đón là tương lai bấp bênh vì những lí do vừa nêu. Chắc chắn có những phát minh khoa học làm con người trở nên kiêu hãnh hơn, nhưng điều này không làm cho họ yên tâm về một tương lai bất định đang chờ đón. Không cần phải là tiên mới có thể thấy được điều này. Con số ngày càng nhiều người li dị và li thân, kéo theo biết bao hệ luỵ khác.

2. Nhiều rắc rối

Điều nổi bật trong mục này đó là những vấn đề liên quan đến luân lý. Những vấn đề thuộc lãnh vực này đang truy vấn các gia đình, kể cả gia đình Kitô giáo[17]. Chúng ta đã chứng kiến sự chiến thắng của chủ thuyết tương đối trong lãnh vực luân lý, và bằng nhiều cách đã lan tràn trong hai thập niên vừa qua. Chủ thuyết này cho rằng không phải mọi thứ con người quan tâm đều tốt đều hay, nhưng chỉ những gì sinh lợi mới được công nhận, không cần đối chiếu, không cần giải pháp hay tìm kiếm.

IV. TƯƠNG LAI GIA ĐÌNH KITÔ HỮU

Khi nói đến đây, trước hết mỗi người phải tự nhận rằng, đời sống gia đình là ân huệ mà Thiên Chúa ban nhưng không từ trên xuống và tiếp đến là sự đáp trả với với ân huệ ấy của Thiên Chúa[18]. Với niềm tín thác và hi vọng, dựa vào những huấn giáo của Kinh Thánh và của Giáo hội, ta có thể đưa ra vài đường hướng hành động cho tương lai của gia đình.

1. Ý thức về ân huệ đã lãnh nhận

Khi ý thức về ân huệ đã lãnh đồng nghĩa với việc ta nhìn lại căn tính gia đình mà ta đang sống. Muốn ý thức được điều này, trước hết cần lắng nghe Lời, ao ước đón nhận sự mới mẻ và những điều thiện hảo liên quan đến sứ điệp hôn nhân. Tự hào vì những giá trị cao đẹp và phổ quát trong ơn gọi gia đình? Việc ý thức này giúp cho mọi người cảm nhận được nguồn năng lực như lương thực cần thiết, nâng đỡ, giúp vượt qua những lao nhọc trên đường đời và đạt được những kế hoạch.

2. Ý thức về bổn phận giáo dục

Bổn phận ở đây trước hết là việc giáo dục con cái trong gia đình. Bổn phận này cần mở ra để chia sẻ kinh nghiệm quý báu của mình và thâu nhận hoa trái từ người khác. Những bổn phận ấy hướng tới mục đích sống hoàn trọn ơn gọi gia đình:

– Về tình yêu: điều này giúp các thanh niên đối đầu và đứng vững trước những tình yêu chợ, nhan nhản trong các quảng cáo với mục đích thoả mãn khoái lạc.

– Về sự chia sẻ: ân huệ đã lãnh nhận được cần mở rộng ra và chia sẻ trong niềm vui tham dự và hiệp thông. Ân huệ cần có môi trường để triển nở cách sung mãn nhất, nếu không đấy cũng chỉ là xác chết. Trước một nhân loại ngày càng bạo lực, một kinh nghiệm tình yêu càng được lan rộng hết mức.

– Về niềm tin và tự do: niềm tin và tự do đón nhận hoa trái của tình yêu đó là con cái. Gia đình là nơi phục vụ sự sống trước tình trạng ngày càng trở nên hiếm muộn dân số trên thế giới.

3. Can đảm dấn thân

Khi nhận ra ân huệ mang trong mình, và lời mời gọi thôi thúc dấn thân. Gia đình Kitô hữu được mời gọi can đảm dấn thân trong:

Xã hội: các gia đình Kitô giáo tham gia xã hội không với tham vọng áp đặt mục đích của mình lên mọi lãnh vực trong xã hội, nhưng được mời gọi thể hiện lối sống của mình, bằng cách cam đảm giương cao ngọn cờ chứng tá tuy đơn sơ nhưng đầy xác tín của mình[20].

Giáo hội: xác tín mình là con cái trong lòng mẹ hiền Giáo hội, các gia đình phải tham gia tích cực vào hoạt động của Giáo hội, đặc biệt ở phạm vi giáo xứ và giáo phận. Công đồng Vatican II đã dạy cho biết mỗi Kitô hữu nhờ bí tích Rửa tội thông dự vào tác vụ ngôn sứ, tư tế và vương đế của Đức Kitô[21]. “Từ gia đình, Kitô giáo thấm nhập vào tất cả các tổ chức cuộc sống và dần biến đổi các tổ chức ấy”[22].

V. GƯƠNG MẪU CỦA CÁC GIA ĐÌNH

Con Thiên Chúa đã lớn lên trong bầu khí gia đình. Mái nhà là trường học đầu tiên. Cha mẹ là thầy cô căn bản[23]. Đức Giêsu lớn dần[24] lên về mọi mặt trong Thánh Gia. Cha Giuse đã dắt trẻ Giêsu vào đời bằng lao nhọc, hi sinh, mưa nắng với nghề thợ mộc. Mẹ Maria rèn trẻ Giêsu với nét đẹp đơn sơ hiền lành, tế nhị, tận tụy hi sinh.. Đúng như tục ngữ Việt Nam có câu: Mẹ rèn con khéo, cha nắn con khôn.

Nền tảng cho mọi việc đào tạo lý trí và tình cảm của con người là đạo đức. Trền nền tảng này, một gia đình hạnh phúc được thành hình. Nếp sống đạo đức của thánh Giuse và mẹ Maria chắc chắn có ảnh hưởng không nhỏ đến con người Giêsu.

Đức thánh Cha Gioan Phaolô II hằng nhắc nhở về sự thánh thiêng của gia đình khi ngài gọi gia đình là nền tảng của Giáo hội[25]. Đức Phaolô VI thì cho rằng gia đình là cung thánh của Giáo hội, là trường học đầu tiên của con cái và cha mẹ là thầy cô[26]. Đức cố hồng y Phanxicô Nguyễn Văn Thuận cũng khẳng định :”Chủng viện thứ nhất, đệ tử viện thứ nhất, trường sư thứ nhất là gia đình Công giáo. Không vị giám đốc tài ba nào, hay chuyên môn đến độ có thể làm thay cha mẹ được. Nếu cơ sở bậc nhất ấy bị hỏng, tương lai Hội thánh và xã hội cũng rung rinh sụp đổ”[27]. Gia đình có trước chính quyền, và làm nên sức mạnh của quốc gia. Từ gia đình, những công nhân, nông dân, sinh viên, thương gia, linh mục, tổng thống, giáo hoàng… xuất thân và cống hiến cho Giáo hội cũng như xã hội.

Thiên Chúa đã muốn cho loài người động số, ngài đặt nền tảng nhân loại trền gia đình. Và Thiên Chúa đã dựng nên bà tổ Eva, trao vào tay tổ ông Ađam[28]. Hoả ngục và các sức mạnh của nó luôn muốn phá đổ công cuộc tạo dưng, nên chứng hằm hè công phá sự hiệp nhất của gia đình. Chúng kéo gia đình đầu tiên ra khỏi tay Thiên Chúa. Nhưng lòng thương xót vượt thắng tội lỗi, bao bọc nhân gian, Đức Giêsu được sai đến sống với và sống cùng nhân loại trong gia đình – Gia đình Nagiarét. Để từ đấy, ngài chảy máu trái tim, làm chất keo dính kết gia đình và các thành viên trong đó với nhau bằng tình yêu Thần Khí, để qua đó, không mãnh lực tối tăm nào có thể phân ly.[29]

VI. LỜI MẸ HIỀN

Phải nói rằng, huấn quyền không là ông kẹ, chuyên rình rập ở bụi bờ[30] để bắt bẻ con cái mình, mà ngược lại, huấn quyền không những chỉ nhằm gìn giữ kho tàng đức tin, mà còn tiếp tục vai trò ngôn sứ của Đức Kitô trong việc loan về Sự Thật[31]. Thật vậy, các tông đồ là những người được sai đi để tìm kiếm những người lầm lạc, chiếu soi cho kẻ mù loà và chữa lành kẻ ốm đau, chắc chắn các ngài không nói theo những quan niệm của người đương thời nhưng theo những đòi hỏi của Sự Thật mà các ngài đã loan truyền[32]. Do đó, ngày nay, các giám mục đã được uỷ thác bổn phận chăm sóc đoàn chiên của Đức Kitô và bổn phận mục vụ đầu tiên là phải loan truyền Sự Thật về Đức Kitô. Khi đứng trước những vấn nạn về gia đình, các vị Cha chung của Giáo hội đã không ngừng đưa ra các huấn dụ để an ủi, khích lệ, hướng dẫn con cái mình can đảm vững bước trên cuộc lữ hành trần thế. Ta chẳng lạ gì trước những phục vụ mà Huấn quyền đã làm và đang làm, điều phi lý là có còn ai nghe theo những lời giáo huấn ấy nữa không. Bởi thế, có nhiều người cho rằng Huấn quyền đã đi quá sâu vào những ngóch ngách của gia đình. Huấn quyền chỉ đúng trong đức tin và phong hoá, để rồi tiếp đến là những câu trả đầy tính nghi ngờ dò xét trước những lời dạy bào này. Thế nhưng, cũng nên biết, thần học là khoa học về Đức tin: sự hiểu biết này nói lên đặc điểm mà chỉ có Giáo hội mới chiếm hữj được toàn bộ sự thật về con người và bao gồm cả sự thật về hôn nhân và gia đình. Vì thế, nếu không có một sự liên kết với Huấn quyền, thì con người không thể có được một sự hiểu biết đích thực về Đức tin, và cũng không thể có được toàn bộ sự thật về con người[33]. Và như thế, khoa thần học trong Kitô giáo sẽ biến mất, cũng như không ai còn có thể nhận biết đâu là lương tâm người Kitô hữu nữa.

KẾT

Nói đến gia đình là nói chuyện dài nhiều tập, và không bao giờ có hồi kết thúc. Phần chúng ta, những người đang lưu tâm đến gia đình và những mục vụ dành cho nó, chúng ta hi vọng và tin tưởng vào những phương kế khả tín, siêu nhiên, là Lời Chúa. Để từ đấy, không ngoài mục đích, chuyển biến và củng cố gia đình Kitô giáo trên hết và trước hết trước thời gian sắp tới.

Hiện tại, không ai có thể đưa ra lời tiên báo khả dĩ về tương lai của mình. Chúng ta chỉ có thể nói lên thái độ lạc quan nào đấy nếu chúng ta biết cách hướng gia đình và hôn nhân vào nền tảng, đó là Thiên Chúa tình yêu. Từ đấy, không ai có thể coi khinh những vấn đề, đồng thời có cái nhìn tích cực hơn về hôn nhân nếu ta nhìn bằng đôi mắt và trái tim của chúng ta. Đó là kết quả mà những gì đã nói ở trên, trong niềm xác tín và tín thác rằng, Đức tin không chỉ có khả năng an ủi và mạc khải mà thôi, nhưng còn là năng lực giải thoát nữa.

 

——————-

[1] Xc. VIỆN NGÔN NGỮ HỌC, Từ Điển Tiếng Việt, mục từ : hoàng kim, nxb Đà Nẵng, 2000, trang 451 

[2] Xc. PAUL THAI HOP, Tomás de Aquino, Teologo militante, Perú, 1988. bản dịch việt ngữ của cùng tác giả : Thánh Thomas Thần Học Gia Dấn Thân, HVĐM, năm 2006, trang 14 

[3] ÂUTINH NGUYỄN VĂN DỤ, Mục Vu Hôn Nhân Gia Đình, Toà Giám Mục Sài Gòn, 2003, trang 435 

[4] Gio-an Phao-lô II, Familiaris Consortio, số 86. Bản dịch của linh mục Âutinh Nguyễn Văn Dụ 

[5] Gm. TRI BỬU THIÊN chủ biên, Đạo Đức Sinh Học, 2003, trang 84 

[6] Kh 19,10 : “Thần Khí linh hứng cho ngôn sứ” 

[7] Xc. Kh 2,7.11.17.29 ; 3,6.13.22 

[8] RAMÓN GARCÍA DE HARO & CARLW ROSSI RSPANET, Hôn Nhân Gia Đình, Rôma, 2004, trang 423-424, bản dịch Việt ngữ của linh mục Âutinh Nguyễn văn Dụ. 

[9] Xc. GIO-AN PHAO-LÔ II, Familiaris Consortio, số 42-45 

[10] Xc. Tạp chí Echip, số 6 tháng 1 năm 2006, bài xu hướng công nghệ thông tin trong năm 2006. 

[11] Lumen Gentium, số 4 

[12] Gaudium et Spes, số 4 

[13] Xc. 1Cr 7,29 

[14] Xc. Tt 3,5 

[15] Familiaris Consortio, số 14; Xc. Gaudium et Spes, số 50 

[16] Xc. TRỊNH XUÂN THUẬN, Giai Điệu Bí An, nxb Khoa hoc5 và Kỹ thuật, 2000, trang 90-92 

[17] Xc. Familiaris Consortio, số 45 

[18] Xc. Giáo ý hội thánh Công giáo, các số 1655-1659 

[19] Xc. Gc 2,26 

[20] Xc. RAMÓN GARCÍA DE HARO & CARLW ROSSI RSPANET, sđd, trang 475-479; Xc. Giáo lý Hội Thánh Công giáo, các số 1880-1889 

[21] Xc. Lumen Gentium, số 10 

[22] Xc. RAMÓN GARCÍA DE HARO & CARLW ROSSI RSPANET, sđd, trang 483; 

[23] Xc. Giáo lý Hội Thánh Công giáo, các số 2221-2231 

[24] Xc. Lc 2,52 

[25] “Gia đình là nền tảng, là tế bào của xã hội, là xã hội tự nhiên”, giáo lý Hội thánh Công giáo số 2207 

[26] Phao-lô VI, 

[27] Fx. NGUYỄN VĂN THUẬN, Đường Hy Vọng, 1998 

[28] Xc. St 2,18 

[29] Xc. Mt 19,5 

[30] Xc. Tv 17, 12 

[31] Dei Verbum, số 17 

[32] J. LIÉBAERT, Giáo Phụ – Tập I – Thế Kỷ 1 Đến 4, Trở Về Nguồn, trang 94-95, không rõ dịch giả 

[33] Xc. RAMÓN GARCÍA DE HARO & CARLW ROSSI RSPANET, sđd, trang 20