ĐÀO TẠO THƯỜNG XUYÊN: LÝ THUYẾT VÀ THỰC HÀNH

0
536

Amedeo Cencini

Thời sự Thần học, Số 103 (tháng 2/2024), tr. 199-217

Tác giả là một linh mục dòng Canossa, giảng viên của môn tâm lý học ở nhiều học viện công giáo ở Rôma, và đã xuất bản nhiều sách bàn về đào tạo tu sĩ, chẳng hạn: Il  respiro  della  vita.  La grazia della formazione permanente, Edizioni San Paolo, Cinisello-Balsamo (Milano), 2002 ; L’albero della vita. Verso un modello di formazione iniziale e permanente,  Edizioni San Paolo, Cinisello-Balsamo (Milano), 2005 ; La verità della vita. Formazione continua della mente credente,  Edizioni  San  Paolo, Cinisello-Balsamo  (Milano),  2007 ; I sentimenti del Figlio. Il cammino formativo nella vita consacrata, Edizioni  Dehoniane, Bologna,   2005; Amerai il Signore Dio tuo. Psicologia dell’incontro con Dio, Edizioni  Dehoniane, Bologna,  2004 ; La croce, verità della vita. Ricerca vocazionale ed esperienza della croce, Ed. Paoline, Milano, 2002. Một số tác phẩm đã được dịch sang tiếng Pháp, Anh và Việt Nam. Trước đây Thời sự thần học đã đăng một bài: “Những giá trị và lý tưởng cuộc đời: sự đóng góp của tâm lý học cho cuộc đào tạo” (số 83, tháng 2/2019, trang 118-139).

Tác giả lưu ý về tính cách “thần học” của việc đào tạo thường xuyên. Đây không phải là việc trau giồi kiến thức cho bằng trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa Giêsu, đáp lại tiếng gọi của Chúa Cha. Tác giả phân biệt hai loại đào tạo thường xuyên: thông thường và ngoại thường. Các “khóa thường huấn” chỉ đáp ứng nhu cầu đào tạo ngoại thường; còn việc đào tạo thông thường càn phải do chính đương sự đảm nhận, và công cuộc này diễn ra trong cuộc sống hằng ngày.

Nội dung

1. Từ đào tạo sơ khởi đến đào tạo thường xuyên (= ĐTTX)

1.1 “Anh em hãy có những tâm tình của Chúa Giêsu Kitô” (Pl 2,5)

1.2 Tác động của Chúa Cha trong suốt cuộc đời và qua trót cuộc sống

1.3 Tính cầu tiến (docibilitas: hiếu học)

2. Hai linh hồn của việc ĐTTX

2.1 ĐTTX thông thường và ngoại thường

2.2 Tương quan giữa hai loại

3. Những lộ trình và đề nghị

3.1 Đối với ĐTTX ngoại thường: những dự án và cơ cấu

3.2 Đối với ĐTTX thông thường: những lộ trình hàng ngày; cộng đoàn như là nơi và chủ thể đào tạo; hiếu học và phân định.

Kết luận: Thập điều về ĐTTX (nó không phải là …)

Nguồn: https://www.passiochristi.org/wp-content/uploads/2018/11/Discorso-CENCINI-ITA.pdf

————-

“Đào tạo thường xuyên” (quen gọi tắt là “Thường huấn”) là một quan niệm khá quen thuộc, theo nghĩa là nó được nói đến rất nhiều; thế nhưng, nói là một đàng còn thực hành lại là một đàng khác! Sự chênh lệch ấy một phần nằm ở chỗ người ta chưa có một ý tưởng chính xác về nó, với nguy cơ không chỉ giới hạn vào lãnh vực khái niệm mà thôi nhưng còn ảnh hưởng đến cuộc sống nữa. Vì thế thiết tưởng cần làm sáng tỏ ý nghĩa của việc đào tạo thường xuyên. (Viết tắt: ĐTTX).

1. Từ đào tạo sơ khởi đến ĐTTX

Để hiểu chính xác ý tưởng ĐTTX cần khởi đi từ ý tưởng chính xác về việc đào tạo.

1.1 “Anh em hãy có những tâm tình như Chúa Giêsu Kitô” (Pl 2,5)

Tôi rất tâm đắc với điều mà tông huấn Vita consecrata đã nói: đào tạo là một tiến trình hấp thụ tiệm tiến những tâm tình của Đức Kitô[1]. Thực vậy, có một điều rất mới mẻ trong thuật ngữ này: thay vì sử dụng những thuật ngữ cổ điển như là “đi theo, bắt chước, làm môn đệ”, bản văn diễn tả một cách khác, rất nhân bản, gần gũi với thực tại cuộc sống. “Tâm tình” (sentimenti) gắn liền với “Nhạy cảm” (sensibilità). Thánh Phaolô mời gọi các tín hữu Philipphê hãy mang trong mình chính cảm xúc của Chúa Giêsu.

Chúng ta nên suy nghĩ một chút để khám phá sự mới mẻ và đẹp đẽ của ý tưởng này: đây không phải là làm cái gì để bắt chước Đức Kitô, hoặc là xử sự như Người đã xử sự, nhưng là hãy có cùng một  loại tâm tình, cảm xúc, cảm giác, ưa thích, giấc mơ, thu hút, chọn lựa, đam mê, tình cảm. Bởi vì từ “nhạy cảm” bao gồm tất cả những điều đó. Nó ám chỉ thế giới nội tâm mà tất cả chúng ta đều có, nhưng lại không để ý đến, bởi vì những kế hoạch đào tạo của chúng ta xoay sang những hướng khác, về cách đi đứng, về cử chỉ, về tác phong, là những điều dễ kiểm chứng. Có nhiều “Chương trình đào tạo” (Ratio Formationis) chẳng nói một lời nào về thế giới nội tâm phong phú của con người. Có người cho rằng các tâm tình, cảm xúc, ước muốn … không quan trọng; điều đáng kể là điều mà mình làm, và nếu khi làm mà mình phải đi ngược lại với điều mình thích thì càng có công lớn. Có người cho rằng con người không chịu trách nhiệm về điều mình cảm thấy hay điều mà mình bị thúc giục; bởi vì vấn đề nằm ở ý chí, mình có làm chủ được tình cảm hay không. Có người cho rằng các cảm xúc là do bẩm sinh, vì thế không thể nào huấn luyện được.

Tiếc rằng quan niệm như vậy rất là tai hại, bởi vì đã loại bỏ một yếu tố trọng tâm của con người ra khỏi vòng đào tạo, quên rằng tất cả chúng ta đều chịu trách nhiệm về sự nhạy cảm của mình, và mỗi người chúng ta có sự nhạy cảm do chính mình tạo ra. Chúng tôi không thể dài dòng về điều này ở đây, chỉ xin nói rằng sự nhạy cảm là sự định hướng về cảm xúc, suy tư cũng như ý muốn, được in vào thế giởi nội tâm của chúng ta do những kinh nghiệm sống, hoặc do những lựa chọn trước đây, vào những hoàn cảnh khác nhau của cuộc đời. Mặt khác, có nhiều loại nhạy cảm: tương quan, trí thức, mỹ thuật, tin tưởng, cầu nguyện, ơn gọi, đạo đức… Đến độ mỗi người chúng ta đã mang trong mình một thứ nhạy cảm được hình thành dần dần và tiếp tục được hình thành qua mỗi lần lựa chọn, hoặc nhỏ hoặc lớn, hoặc công hoặc tư, hoặc vô tình hay cố ý, hoặc minh nhiên hay mặc nhiên.

1.2 Tác động của Chúa Cha trong suốt cuộc đời trải qua tất cả cuộc đời

Từ đó ta rút ra hai hệ luận trực tiếp. Thứ nhất: nếu phải bàn đến sự đào tạo tính nhạy cảm chứ không chỉ là những cử chỉ bên ngoài hoặc hạnh kiểm có thể thấy được, thì không thể nào giới hạn vào một thời hạn nhất định cho lộ trình đào tạo, nhưng nó đòi hỏi suốt đời. Thậm chí, ngay cả cái chết với tất cả tiến trình trước đó (những giới hạn, sự bất lực, tuổi già, cảnh cô đơn). Tất cả đều là những thời điểm đào tạo nếu ta phải đạt tới chỗ là hoán cải trái tim và những ước muốn, những giấc mơ và khát vọng. Tóm lại, tập viện được thực hiện vào lúc cuối đời chứ không phải là lúc khởi đầu. Nếu muốn đạt tới con tim, nghĩa là nếu sự đào tạo muốn đi vào chiều sâu thì cần phải mở rộng đến hết mọi khoảnh khắc của cuộc đời. Việc đào tạo sâu xa cần kéo dài đến tất cả cuộc đời.

Hệ luận thứ hai: nếu cần phải đào luyện trong chúng ta những tâm tình của Người Con đau khổ, của người Tôi tớ đau khổ, của Con Chiên vô tội, thì đương nhiên là chỉ có một Cha làm Giáo, là Đấng duy nhất hiểu biết Người Con, đó là chính Chúa Cha! Duy có Ngài mới có thể dẫn cuộc đào tạo này đến nơi đến chốn.

Đây là ý tưởng của ĐTTX như tác động tác tạo sư phạm của Chúa Cha, Đấng nhào nặn trong chúng ta trái tim Con của Ngài do quyền năng Thánh Linh, trong mỗi khoảnh khắc của đời ta. Chúng ta đi từ thần học, từ khái niệm cốt yếu, ngõ hầu nêu bật rằng sự ĐTTX không chỉ đơn thuần là việc cập nhật, ôn lại những gì đã học trước đây, nhắc nhở những khái niệm tâm linh, hay mục vụ, hay sư phạm cho khỏi quên. Tuy những điều ấy là cần thiết nhưng chưa đi vào cốt yếu.  ĐTTX là tác động của Chúa Cha, nghĩa là ân huệ, được ban cho chúng ta mỗi ngày. Quả là một ân huệ, bởi vì chúng ta không thể tưởng tượng được Chúa Cha mong mỏi như thế nào được gặp thấy nơi chúng ta khuôn mặt của Người Con của Ngài. Vì thế, không có giây phút nào trong cuộc đời chúng ta mà không có ân huệ đào tạo, trong đó Chúa Cha tác động cách nào dó để nặn hình Người Con ở nơi ta.

1.3 Tính cầu tiến (docibilitas)

Điều quan trọng về phía chúng ta là thái độ chú ý và sẵn sàng để cho Cha tác động. Ở đây, không chỉ là docilitas cho bằng docibilitas, ám chỉ sự tỉnh thức của con tim và trí tuệ để nắm bắt mọi thúc đẩy đào tạo[2]. Nói cách khác, docibilitas là sự tự do do của người tín hữu đã học biết để cho mình được đào tạo suốt đời, hoặc đã học biết là cần phải học từ mọi trạng huống của cuộc đời, từ mọi mối tương quan, từ bất cứ người nào, dù thánh thiện hay tội lỗi, thuộc bất cứ lứa tuổi nào, khi thành công hay thất bại, khi mọi sự trôi chảy, khi bị tố cáo vu khống, khi khỏe mạnh và yếu đau, khi còn trẻ hay khi đã lớn tuổi … bởi vì họ tin rằng đàng sau mọi tình huống, mọi biến cố, mọi con người, đều có bàn tay của Chúa Cha đang khát mong được thấy khuôn mặt của Con Ngài nơi chúng ta.

Chúng ta cần chú ý đến cái docibilitas nơi mỗi người được đào tạo. Chúng ta có thể nói rằng chẳng có chủng viện nào đào tạo một linh mục hoặc chẳng có tập viện (học viện) nào đào tạo một tu sĩ, bởi vì duy cuộc sống mới đào tạo (xét như là trung gian của tác động đào tạo của Chúa Cha). Tuy vậy, chủng viện và tập viện (học viện) có một chức năng rất quan trọng, đó là đào luyện docibilitas.

2. Hai linh hồn của ĐTTX

Từ những điều đã nói, xem ra sự ĐTTX có hai linh hồn hoặc chiều kích, cả hai đều quan trọng, nhưng trong đó một chiều kích biểu lộ bản tính và chức năng hơn.

ĐTTX là ngoại thường, nếu được giải thích như là những sự can thiệp đặc biệt, như là những lớp cập nhật, học tập, suy tư về những đề tài có tầm quan trọng, những khóa học 3 ngày, tuần lễ hội thảo, những cuộc tĩnh tâm hằng tháng, những cuộc linh thao, năm sabat…, và những dự án tương tự nhằm nâng đỡ và linh hoạt đời sống tâm linh, trí thức, mục vụ, đặc sủng. Đó là quan niệm cổ điển về ĐTTX, và thường được giải thích và thực hành trong các thể chế của chúng ta. Tuy nhiên đó không phải là cách thức duy nhất để hiểu về nó và cũng chẳng phải là cách quan trọng nhất, cách riêng bởi vì ta không thể hiểu được vì sao “thường xuyên” mà lại chỉ là ngoại thường!

Vì thế chúng tôi chủ trương rằng sự ĐTTX là thứ thông thường, điều được thực hiện mỗi ngày, mỗi giây phút, hợp với bản tính (thần học) của nó. Nếu Chúa Cha vào mỗi giây phút thực hiện dự án này, thì sự ĐTTX là một thực tại thông thường, được thực hiện trong những trạng huống thường ngày, qua những môi giới trong đời sống bình thường, từ những người anh em trong cộng đoàn cho tới những người mà tôi phục vụ. Nó không có những khung cảnh khác thường, nhưng diễn ra tại nơi mà ta sống mỗi ngày. Dĩ nhiên là nó có thể lợi dựng những hoàn cảnh ngoại thường vừa nói trên đây, nhưng điều quan trọng là chính cuộc sống hằng ngày mà nó biểu lộ hiệu lực của nó và tăng trưởng dựa theo sự nhạy cảm của Chúa Con.

2.1 ĐTTX thông thường và ngoại thường

Đây là một biểu đồ so sánh những sự khác biệt giữa ĐTTX ngoại thường và thông thường.

  ĐTTX THÔNG THƯỜNG ĐTTX NGOẠI THƯỜNG
Tác nhân có trách nhiệm Cá nhân Định chế
Thời gian Mỗi ngày Tùy dịp
Mục tiêu Thiêng liêng- cốt yếu (mang những tâm tình Chúa Giêsu) Chức năng – hoạt động (cập nhật đủ loại)
Lãnh vực đào tạo Toàn thể con người (trái tim – trí tuệ – ý chí…) Khả năng chuyên ngành
Thái độ tâm lý nội tâm Docibilitas Docilitas
Nội dung đào tạo Lời Chúa trong ngày Nội dụng và động lực thay đổi
Trung gian loài người Tương quan với bất cứ hạng người nào Vài tương quan với vài người chuyên môn
Địa điểm và không gian đào tạo Cộng đoàn đang sống hoặc tác vụ đang thi hành Một vài nơi và không gian đặc biệt, không quen thuộc

2.2 Tương quan giữa hai loại

Cả hai loại đào tạo đều quan trọng và cần thiết, mặc dù ĐTTX thông thường mới thực sự diễn tả cốt yếu của khái niệm đó. Nếu ai đã đi vào logic của ĐTTX thông thường, đã được huấn luyện theo tâm thức và sự nhạy cảm theo hướng đó thì không cảm thấy khó khăn gì khi tham gia những dự án của việc ĐTTX ngoại thường. Họ coi đó không chỉ như là một sự bổ túc quan trọng mà còn là phương tiện để gắn bó hơn với định chế hoặc cộng đồng mà mình thuộc về. Họ tham gia với sự xác tín và tính sáng tạo của mình. Ngược lại, nếu ai thỏa mãn với sự ĐTTX đến nỗi không cần tham gia các dự án của cộng đồng thì chứng tỏ rằng mình chưa hiểu rõ sự ĐTTX, nhất là chưa học được tính docibilitas, cách riêng các mối tương quan.

Đối lại, người nào đã tham gia nhiều chương trình ĐTTX ngoại thường thì chưa đương nhiên là đã sống cuộc đào tạo mỗi ngày trong cuộc sống. Chúng ta đã thấy rất nhiều người không thấy khó khăn gì khi đăng ký tham dự các cuộc gặp gỡ, hội thảo, tĩnh tâm, hành hương, nhưng rồi sau khi trở về thì không mang theo dấu vết gì của các cuộc gặp gỡ, ra như chúng chỉ là một dấu ngoặc trong cuộc sống tà tà, không tỏ ra dấu hiệu gì của một sự dấn thân cho việc tăng trưởng.

Nói khác đi, sự chuyển tiếp từ ĐTTX ngoại thường đến ĐTTX thông thường không phải là đương nhiên. Chúng ta cần phải nhớ điều ấy, bởi vì những gì mà người ta quen nói hoặc thi hành về ĐTTX (thường huấn) đều giới hạn vào loại ngoại thường (các khóa học, hội nghị, lớp cập nhật, tĩnh tâm, linh thao, vv). Vì thế chúng ta hãy lợi dụng những cuộc gặp gỡ của ĐTTX ngoại thường để tạo ra một não trạng đúng đắn về ĐTTX thông thường, theo nghĩa thần học sâu xa, kéo dài ra suốt cuộc sống và suốt đời. Tôi đề nghị hãy lợi dụng những cuộc gặp gỡ ĐTTX ngoại thường để tạo ra một nền văn hóa ĐTTX chân chính. Đừng để cho các hình thức ngoại thường nghĩ rằng đó là tất cả ĐTTX, nhưng phải hướng đến ĐTTX thông thường, diễn ra trong cộng đoàn, trong tác vụ, và hàm ngụ một thái độ tỉnh thức bên trong nội tâm.

Đồng thời, sự ĐTTX thông thường cũng cần mở ra đến hình thức ngoại thường do định chế hay cộng đoàn khởi xướng, ngõ hầu tránh cho cá nhân coi sự đào tạo cá nhân dựa theo nhãn giới chủ quan. Sự ĐTTX, dù là tự đào tạo hoặc đào tạo nhờ người khác, đều cần đến những tương quan liên chủ vị.

3. Những lộ trình và đề nghị

Bây giờ chúng ta bước sang phần thực hành, để xem có thể làm gì trên bình diện ĐTTX ngoại thường rồi đến thông thường, nhưng luôn khởi đi từ ý tưởng là điều quan trọng không phải là ấn định các chương trình sư phạm cho bằng tạo ra nơi mỗi người tâm trạng sẵn sàng để cho mình được đào tạo bởi đời sống, suốt đời, tức là tính cầu tiến (docibilitas).

3.1 Đối với GDTX ngoại thường

Nên nhớ rằng người chịu trách nhiệm về ĐTTX ngoại thường là định chế: định chế có nhiệm vụ tổ chức những lộ trình đào tạo, và tuy có thể trao cho một ủy ban đặc trách, nhưng chính các bề trên nên tham gia tích cực vào các buổi gặp gỡ này.

a) Những sáng kiến

Có rất nhiều sáng kiến đã được đề ra (mà chúng ta đã biết) và nên được duy trì: các khóa đào tạo, các buổi hội thảo theo một chủ đề, các buổi chia sẻ kinh nghiệm, các cuộc hành hương hay tĩnh tâm tại một đan viện, việc linh hướng hay đồng hành thiêng liêng, vv.

Dù sao, nên lưu ý là không nên dừng lại ở phạm vi lý thuyết (kiểu như bài diễn thuyết của một chuyên gia), nhưng nên cổ vũ sự trao đổi kinh nghiệm với nhau. Những cuộc gặp gỡ như vậy sẽ tăng thêm bầu khí huynh đệ, nhờ vậy khi một người nào đó gặp khủng hoảng thì không cảm thấy mình bị bỏ rơi, nhưng có thể cảm thấy sự gần gũi của ai đó, và được họ nâng đỡ trong lúc khó khăn.

b) Cơ cấu đào tạo thường xuyên?

Hội đồng giám mục Italia (năm 2017) đã nghĩ đến sự cần thiết phải thiết lập – ở cấp giáo phận hay liên giáo phận – một cơ cấu bền vững và nhẹ nhàng, nhằm diễn tả cách hữu hình sự săn sóc của Giáo hội đối với các linh mục (Chúng ta cũng có thể nói cách tương tự về các dòng tu). Nhưng thiết tưởng, khi bàn về cơ cấu, chúng ta nên nghĩ đến việc chỉ định một người (hay một team) được sự tín nhiệm của các linh mục, có khả năng không những là để dạy dỗ mà còn để thiết lập tương quan, và sẵn sàng lắng nghe.

Cụ thể, nhóm đó có trách nhiệm lên chương trình ĐTTX cho giáo phận: tổ chức những buổi gặp gỡ, các khóa học hỏi…, nhưng nhất là nhóm nhỏ (được sự tín nhiệm của mọi người) trở nên nơi quy chiếu trong những tình trạng khủng hoảng, hoặc là để trợ giúp huynh đệ (nếu được yêu cầu), hoặc là hướng dẫn tìm đến những nhà chuyên môn có thể giúp những người gặp khó khăn. Điều quan trọng là không ai cảm thấy mình lẻ loi hoặc xấu hổ khi phải đương đầu với một thời kỳ khó khăn; trái lại, họ cảm thấy rằng mình luôn có người có thể chăm sóc mình. Biết bao cuộc khủng hoảng trong các cộng đoàn tu sĩ sẽ có một kết quả khác nếu gặp được một cơ cấu như vậy!

Ngoài ra, ngày nay, có những đề xuất mọt thời gian tương đối dài (3 tháng, 6 tháng, hoặc một năm sabát). Trong vài Dòng tu, người ta đã lên chương trình cho tất cả mọi người vào những thời điểm khác nhau. Văn kiện của HĐGM Italia nhắc nhở rằng các linh mục nên lợi dụng những thời kỳ ấy để kiện toàn sứ vụ của mình.

3.2 Đối với ĐTTX thông thường

Những gì vừa nói trên đây liên quan đến các nguồn lực và kinh nghiệm thuộc về một vài giai đoạn đặc biệt trong cuộc đời. Nhưng nếu ta muốn đi vào thực chất của việc ĐTTX thì chúng ta không thể nào mãn nguyện với một vài khoảng thời gian và không gian nào đó, nhưng cần nhận ra giá trị đào tạo của mỗi ngày trong cuộc sống, thậm chí của mỗi thời khắc của cuộc đời. Nếu không thì chẳng có gì thay đổi, và mặc dù có đề cập đến nó nhưng nó chẳng mang lại kết quả nào. Và chúng ta cũng cần xác định rằng, tác nhân chịu trách nhiệm về việc ĐTTX ngoại thường là định chế (giáo phận, dòng, tỉnh dòng), còn tác nhân chịu trách nhiệm về ĐTTX thông thường là mỗi cá nhân, và họ không thể ủy nhiệm sự tăng trưởng bản thân cho định chế. Chính họ phải đảm nhận công tác này.

a) Những lộ trình hằng ngày

Trên thực tế, những lộ trình hằng ngày phần lớn đã được ấn định bởi cuộc sống hằng ngày đối với ai có cặp mắt tỉnh táo và trái tim chú ý (cuộc sống biết nói nếu có trái tim biết nghe). Chỉ cần ghi nhận vào cấu trúc trong ngày đã được các bậc hiền nhân truyền lại và đã đào tạo biết bao nhiều vị thánh cho Chúa. Chúng ta hãy nghĩ đến ý nghĩa của lectio matutina, bắt đầu mỗi ngày với Lời Chúa, Lời như là ánh sáng và lương thực, như việc hiển hiện luôn luôn mới mẻ mà Thiên Chúa hằng sống mặc khải mình cho ta và mặc khải cho ta chính bản thân của ta (vì thế nó là lectio divina), Lời được linh ứng (là hơi thở của Thiên Chúa, ra như Ngài ban khí thở trong đó), Lời bao bao trùm suốt ngày, như là sứ vụ hoặc cứu độ cần được thực hiện trong ngày hôm ấy, mang lại một nhịp độ và hòa hợp (lectio continua), Lời Chúa mở ra và khép lại một ngày (lectio vespertina / nocturna), trong sự an bình của kẻ đã nhìn thấy ơn cứu độ.

Hoặc chúng ta nghĩ đến nhịp độ của thời gian sống mỗi ngày trong sự luân phiên giữa thời gian tập trung vào việc chiêm ngắm và cử hành mầu nhiệm (thời gian cầu nguyện), với  thời gian thư giãn (hoặc thuật chuyện), nghĩa là thời gian của sinh hoạt mỗi ngày, trong đó mầu nhiệm được loan báo, ra như giãn ra, mầu nhiệm trở thành dễ hiểu, và được tường thuật qua việc chúng ta làm, nói, hướng dẫn tha nhân,…, và sau cùng như là thời gian viên mãn, như là thời – nhờ sự hòa hợp giữa thời gian tập trung và thời gian thư giãn – việc đào luyện được hoàn tất trên đường hướng về Nước Chúa mỗi ngày trong suốt cuộc đời.

Chúng ta cũng có thể mở rộng hơn nhịp độ thời gian tuy vẫn chi phối đời sống hằng ngày, đó là Năm phụng vụ,  qua đó người tín hữu được đào tạo, trải qua các mùa phụng vụ, những tâm tình của mầu nhiệm Đức Kitô, người Con trung tín, người Tôi tớ đau khổ, Con Chiên vô tội, ngõ hầu những năm tháng của đời sống sinh lý trở thành thời gian đào tạo tiệm tiến dựa theo căn cước của Chúa Giêsu.

Tôi không muốn đi sâu hơn vào vấn đề này, mà chỉ nhấn mạnh rằng mỗi người chúng ta hãy có thái độ sẵn sàng để được đào tạo theo dòng thời gian, nhờ việc tỉnh thức lắng nghe Lời Chúa nói qua mọi hoàn cảnh của cuộc sống.

b) Cộng đoàn như là nơi và chủ thể đào tạo

Khái niệm ĐTTX đặt nặng vai trò của cộng đoàn, coi đó những cộng đoàn bình thường của lộ trình đào tạo, nơi mà mỗi phần từ được tác động của Chúa Cha chạm đến qua trung gian đặc biệt, đó là những người anh em mà tôi không lựa chọn hoặc họ không lựa chọn tôi, và tôi sống với họ. Mỗi người anh em là con đường mà qua đó Chúa Cha đến với tôi và tôi đến với Chúa. Chúng ta nên lưu ý: mỗi người anh em (mà họ chỉ thực sự trở thành anh em khi nào tôi nhận ra vai trò trung gian của họ), chứ không phải chỉ một vài người (hoặc những người tốt lành thánh thiện).  Điều này hàm ngụ rằng, đối với mỗi cá nhân, việc đảm nhận trách nhiệm đối với mỗi phần tử: mỗi người phải chịu trách nhiệm về con đường nên thánh của người khác.

Trên thực tế, để trở thành nơi và chủ thể của việc ĐTTX, cộng đoàn phải thực hiện các dụng cụ thăng tiến điều tốt: chia sẻ thiêng liêng, chia sẻ Lời Chúa, phân định cộng đoàn, dự án cộng đoàn, cổ võ tình huynh đệ; cũng như các dụng cụ chữa trị điều xấu: sự tha thứ, sửa bảo huynh đệ, kiểm điểm đời sống.

Người lãnh đạo cộng đoàn phải tìm cách vận hành các dụng cụ ấy, ngõ hầu mỗi phần tử đảm nhận trách nhiệm của mình đối với việc đào tạo người khác và đào tạo chính mình.

c) Docibilitas như là nhạy cảm, nhạy cảm như là phân định

Chúng tôi đã nói đến docibilitas, và ngay từ đầu chúng tôi đã nói đến ý nghĩa của việc đào Kitô giáo như là một tiến trình hấp thụ tiệm tiến những tâm tình, tức là tính nhạy cảm của Đức Kitô, Đấng luôn luôn tìm kiếm ý muốn của Chúa Cha, và vui mừng vì thi hành ý muốn của Cha.

Tôi nghĩ rằng một yếu tố liên kết hai yếu tố ấy và thường được Đức Thánh Cha Phanxicô nói đến, là sự phân định.

Có thể đây là chìa khóa hoặc biểu tượng hùng hồn nhất của người tín hữu docibilis, người đã phát triển sự nhạy cảm đi tìm Chúa trong mọi sự vật và hoàn cảnh để cho Ngài đào tạo. Thật vật người phân định trước kết là một người lữ hành với cảm thức về mầu nhiệm, họ biết rằng Thiên Chúa là Đấng Hiện diện, và không có không gian và thời khắc nào mà không có Ngài; họ nhận biết Ngài là Đấng Hằng sống, vì thế họ luôn tìm kiếm Ngài khắp nơi (Lạy Chúa, Ngài ở đâu… Ngài đang đòi hỏi hoặc yêu cầu con điều gì…, Ngài đang đưa con đến đâu…, Ngài đang đào tạo con thế nào qua sự bất công hoặc vu khống này…, Ngài muốn cho con trải qua cuộc thử thách này như thế nào…?), bằng cách phát triển một sự nhạy cảm thiêng liêng, chú ý đến “cơn gió hiu hiu”. Đó là người tín hữu ob-audiens[3], đặt bàn tay lên trên tai để nghe tiếng nói không âm thanh của Ngài, và truy lùng tiếng của Ngài trong mọi thực tại, kể cả tiếng nói yếu ớt (nhạy cảm vâng phục). Đó là người cầu nguyện ngỏ lời với Chúa với trái tim của Người Con và lắng nghe những lời mà Chúa Cha nói với Người Con như là đang hướng đến mình: “Đây là người con của ta, kẻ được tuyển chọn” (nhạy cảm cầu nguyện). Nhưng đó cũng là người sống với người khác, sống trong tương quan với những người khác, với những anh em trong cộng đoàn của mình, như là trung gian thông thường của tác động đào tạo của Chúa Cha (nhạy cảm tương quan). Đó là người yêu tìm kiếm tình nhân, và nếu việc đào tạo là câu chuyện tình yêu, thì đó là chuyện của một người trưởng thành trong đức tin đi tìm kiếm với con tim của mình, chứ không an phận với việc tránh phạm tội; họ muốn tìm ra điều gì tốt lành và đẹp lòng Tình nhân (tức là Thiên Chúa) đang mong đợi nơi mình, trong giây phút này, chứ không phải chỉ là điều thích hợp với nhóm.

Nhưng người trở nên trưởng thành trong đức tin khi mà họ dám liều lĩnh (tìm kiếm Thiên Chúa!), và dám lãnh trách nhiệm tự mình lựa chọn và quyết định điều gì tốt phải làm, chứ không chờ lệnh của cấp trên, cũng chẳng dựa vào xung năng của mình, nhưng tìm cách, qua việc phân định, để đạt đến một lương tâm nhạy cảm với điều tốt điều đẹp, điều thật điều ngay, một lương tâm vang vọng tiếng nói của Đấng Hằng Hữu. Vì thế họ để cho mình được kêu gọi ngõ hầu để cho mình được uốn nắn.

Và có lẽ đây là điều nổi bật nhất đáng ghi nhận. Sự phân định đến từ xa, bao hàm một hành trình đào tạo tỉ mỉ, chú ý đến thế giới nội tâm (gồm các cảm giác, cảm xúc, tâm tình, tình cảm, các sở thích, các tiêu chuẩn lựa chọn và phán đoán…). Sự phân định chỉ có ý nghĩa khi trở thành một cách thức bình thường trong lối sống và niềm tin, một cách thức tăng trưởng. Một sự phân định sẽ chẳng có giá trị gì nếu xảy ra cách bộc phát vội vàng trong những hoàn cảnh nguy ngập; làm như thế là rút gọn sự ĐTTX vào những lúc can thiệp bất thường. Ta cần phải luôn luôn thực hiện sự phân định bởi vì vào mỗi thời khắc của cuộc sống, Thiên Chúa vẫn có điều gì để nói với ta, để ban cho ta, để yêu cầu ta, để khiển trách ta, lắm khi một cách bất ngời.

Nếu sự phân định đến từ xa, thì nó cũng đưa ta đi xa, nghĩa là nằm trong quan niệm rằng cuộc sống như là một hành trình bất tận nhằm đào luyện con tim trở nên đồng nhất với Người Con tuân phục, Người Tôi tớ đau khổ, Con Chiên vô tội.

Sự phân định như là hành trình cá nhân và cộng đoàn của sự ĐTTX (thông thường)! Tôi nghĩ rằng đây là một thách đố lớn lao nhưng cũng là ân huệ. Ân huệ bởi vì là tác động liên lỉ của Chúa Cha muốn đào tạo trong mỗi người chúng ta trái tim của Người Con của Ngài. Thách đố bởi vì là cuộc dấn thân của con người có đức tin: nhận ra tác động của Chúa trong mọi giây phút ngõ hầu đáp lại trong tự do và trách nhiệm. Đây chính là sự dấn thân mà hoạt động mục vụ của Giáo hội nhắm tới, ngõ hầu Giáo hội ngày càn trở nên điều mà mình được kêu gọi thành hình, tức là Thân Thể của Đức Kỉtô!

Kết luận

Văn hóa ĐTTX[4]

Để hiểu rõ hơn ĐTTX, tôi xin đưa ra bản 10 điều (thập điều) nhằm sửa đổi vài quan điểm sai lầm. Nói cách khác, tôi sẽ định nghĩa: “ĐTTX không phải là …”

1/ Không phải là cái đến sau, nhưng là cái đến trước. ĐTTX là nơi cưu mang ý tưởng đào tạo trên bình diện tâm lý sư phạm; ý tưởng nguyên thủy về đào tạo phải là cái gì tự bản chất sẽ chi phối tất cả cuộc đời. Và khởi đi từ ý tưởng đó mà người ta có thể phân chia các giai đoạn liên tiếp của việc đào tạo, dọc theo những giai đoạn của cuộc sống. Nói cách khác, việc ĐTTX bắt đầu trước sự đào tạo sơ khởi. Vì thế, không nên coi đào tạo sơ khởi nằm trong định chế, còn ĐTTX thì không.

2/ Không phải là sư phạm, nhưng nhất là thần học. Nếu sự đào tạo nhắm đào luyện trong người môn đệ những tâm tình của Thầy Giêsu, thì sự đào tạo không chỉ là sư phạm mà thôi, nhưng là một dạng thức thần học về đời sống linh mục (hoặc tu sĩ), mà cốt yếu là một tiến trình chậm chạp nhằm nên đồng hình đồng dạng với những tâm tình của Chúa Con.

3/ Không phải là một kế hoạch nhân loại, nhưng là tác động của Chúa Cha, nghĩa là của ân sủng. Trước khi là một chương trình được thiết lập bởi một ủy ban (của giáo quyền), việc ĐTTX là ân huệ đã tác động ngay trong ơn gọi, vốn là một tiếng gọi hằng ngày, trong Lời Chúa mỗi ngày, trong Thánh Thể mỗi ngày, trong Phụng vụ và năm phụng vụ, mà ngay cả trong mọi biến cố như là một điều mà Chúa Cha đã sắp đặt cho ta.

4/ Không chỉ nhằm cập nhật kiến thức hoặc tu nghiệp tác vụ, nhưng hòa nhập với nó để đào tạo con người mới, được tạo dựng theo kế hoạch của Chúa Cha. ĐTTX không chỉ nhằm canh tân người tông đồ, tuy rằng tác vụ tông đồ cũng nhào nặn nên người môn đệ. Người tông đồ tìm thấy nơi tác vụ của mình những lý do và nguồn mạch nuôi dưỡng đời sống thiêng liêng của mình.

5/ Không phải là một thực trạng khác thường như một sự cố, nhưng là một thực trạng thông thường và mỗi ngày. Nó được thực hiện qua những sự việc và những con người mà ta sống với, những người không do ta lựa chọn hoặc ta không được họ lựa chọn, nhưng họ trở nên những trung gian mà qua đó Chúa Cha đào tạo, qua những thời khóa biểu, những công tác được trao, những mệt nhọc kèm theo. “Tất cả là hồng ân” bởi vì tất cả là ĐTTX.

6/ Không phải là một thực tại phổ quát, đã được xếp đặt đàng hoàng, nhưng là kết quả của quyết định cá nhân. Việc đào tạo chỉ trở nên thường xuyên khi chính cá nhân vạch ra một viễn cảnh quyết định cho cuộc sống của mình, bằng việc chọn lựa đi theo Chúa Kitô, và chỉ tính từ lúc đó, chứ không đương nhiên kể từ khi kết thúc giai đoạn đào tạo sơ khởi. Vì lý do đó mà có người bắt đầu cuộc ĐTTX rất sớm, cò người chưa bao giờ bắt đầu, mặc dù đã mừng 25 hoặc 50 năm thụ phong linh mục (hay khấn dòng).

7/ Không nhằm thích nghi và hoàn cảnh mục vụ cho bằng áp dụng liên tục và cá biệt một phương pháp đào tạo sư phạm. Nhiều giáo phận và dòng tu đã có những kế hoạch thường huấn rất quy mô, nhưng đó chỉ là kéo dài sự đào tạo khởi đầu và thường được dành cho các linh mục hay tu sĩ trẻ, nhằm giúp cho họ dần dần làm quen với hoạt động tác vụ. Trái lại, việc ĐTTX có nghĩa là kiên trì thực thi một hệ thống đào tạo bản thân, đã trở thành một lối sống. Nó vừa là tiếp tục vừa là đổi mới.

8/ Không bao giờ kết thúc, bởi vì vẫn tồn tại trong ta một phần của cái TÔI chưa được tự do phát triển. Thật vậy, trong mỗi người chúng ta vẫn còn một phần nào đó (một bản năng, một thái độ, một khao khát vô thức..) đứng bên ngoài lộ trình, khiến chúng ta trở nên cứng cỏi, vô cảm đối với thực trạng bên ngoài (và ngay cả với Lời Chúa). Tiếc rằng, thái độ này không bị giới hạn nhưng có khuynh hướng lan rộng, và làm nhiễm độc tất cả thế giới nội tâm của ta. Vì thế, ta cần phải chú ý và tỉnh thức. ĐTTX là chính sự chú ý và tỉnh thức.

9/ ĐTTX không chỉ là tự đào tạo hay chỉ là được người khác đào tạo, nhưng là cả hai.

10/ ĐTTX không được hết mọi người (linh mục và tu sĩ) chấp nhận. Có những người nghĩ rằng mình đã được đào tạo để trở thành bậc mô phạm cho người khác; vì thế họ không chấp nhận một thứ đào tạo kéo dài suốt đời, hoặc là họ chỉ giới hạn vào một hình thức bên ngoài (khóa thường huấn), chứ không đi sâu hơn.

—————————-

[1] Tông huấn Vita consecrata của ĐTC Gioan Phaolô II (ngày 25-3-1996) số 71tt.

[2] Chú thích của người dịch. Tác giả dùng lối chơi chữ trong tiếng Latinh. Động từ docere có nghĩa là “dạy dỗ”. Tính từ docilis có nghĩa “dễ dạy, dễ bảo, ngoan ngoãn” (tiếng Pháp và tiếng Anh cũng có tính từ docile), và danh từ docilitas có nghĩa là “tính dễ bảo, ngoan ngoãn). Tính từ docibilis có nghĩa là “có thể dạy được”; nhưng ở đây tác giả muốn dùng theo nghĩa chủ động, tức là “muốn được dạy”, nêu bật ý muốn luôn luôn cầu tiến. Docibilitas muốn nói đến khía cạnh tự do: docibilis là người chấp nhận học hỏi thêm từ cuộc sống và từ tương quan với những người khác, cũng như từ mọi trải nghiệm hoặc tốt hoặc xấu, thành công hay thất bại. Docibilitas nói lên tính cách chủ động, không chờ đợi lệnh từ bên ngoài, nhưng đích thân tìm kiếm cơ hội học hỏi trong bất cứ hoàn cảnh nào, bởi vì cảm thấy mình cần phải tăng trưởng. Ta có thể dịch sang tiếng Việt là “cầu tiến” hay “hiếu học”.

[3] Chú thích của người dịch. Có người giải thích rằng nguồn gốc Latinh của từ oboedientia (vâng phục) là ob-audiens (lắng nghe).

[4] Trích: “Formazione permanente e modello dell’integrazione” https://www.notedipastoralegiovanile.it/index.php?option=com_content&view=article&id=9190:formazione-permanente-e-modello-dellintegrazione&catid=105&Itemid=1165

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here