ĐÀO TẠO THƯỜNG XUYÊN – Một thí dụ từ Dòng Tôi tớ Đức Bà

0
239

ĐÀO TẠO THƯỜNG XUYÊN

Một thí dụ từ Dòng Tôi tớ Đức Bà

Thời sự Thần học, Số 103 (tháng 2/2024), tr. 183-198

Theo giáo luật (đ. 659), mỗi dòng tu cần soạn thảo một chương trình đào tạo (Ratio institutionis) các phần tử. Điều này được nhắc lại trong tông huấn Vita consecrata (số 68). Trên thực tế, không phải Dòng nào cũng có khả năng soạn thảo bản văn, hoặc cùng lắm là chỉ bàn về giai đoạn đào tạo khởi đầu, chứ không đi sâu vào việc đào tạo thường xuyên. Trong bối cảnh ấy, Dòng Tôi tớ Đức Bà (Ordo fratrum servorum Beatae Mariae Virginis) đã cung cấp một thí dụ quý báu. Ratio institutionis ban hành năm 2015 (sau gần 20 năm soạn thảo) đã dành một chương quy định việc đào tạo thường xuyên, lưu ý đến hai yếu tố căn bản: 1/ Dựa theo lứa tuổi (các tu sĩ vừa kết thúc chương trình đào tạo sơ khởi; tráng niên; trung niên; cao niên; cận kề cái chết; gặp thử thách). 2/ Các lĩnh vực đào tạo (nhân bản; theo Chúa Kitô; đời sống chung; đặc sủng của Dòng; hoạt động tông đồ; công lý và hòa bình).

Chương 8. Đào tạo thường xuyên

1. ĐỊNH NGHĨA

1.1 Bản chất

1.2 Những mục tiêu

1.3 Thời hạn

1.4 Nơi chốn

1.5  Chương trình

1.5.1 Tu sĩ vừa hoàn thành chương trình đào tạo sơ khởi

1.5.2 Tu sĩ tráng niên

1.5.3 Tu sĩ trung niên

1.5.4 Tu sĩ cao niên

1.5.5 Tu sĩ cận kề cái chết

1.5.6 Tu sĩ gặp thử thách

2. NHỮNG CHỦ ĐỀ ĐỊNH HƯỚNG CHO VIỆC ĐÀO TẠO THƯỜNG XUYÊN

2.1 Trưởng thành nhân bản

2.2 Đi theo Chúa Kitô

2.3 Đời sống chung

2.4 Đặc sủng của Dòng

2.5 Hoạt động tông đồ, chiều kích truyền giáo

2.6 Công lý và hòa bình

Kết luận. Làm thế nào một người già có thể sinh lại ?

1. ĐỊNH NGHĨA

189. Thánh sử Luca ghi nhận rằng: «Đức Giêsu tăng trưởng về khôn ngoan, tuổi tác và ân huệ trước mặt Thiên Chúa và loài người» (Lc 2,52). Đức Giêsu đã như thế, các môn đệ của Người cũng giống như vậy; Chúa đã nói với họ (x. Ga 16,12-13): «Còn nhiều điều Thầy muốn nói với các con, nhưng lúc này các con chưa hiểu được. Chừng nào Thần khí chân lý đến, Ngài sẽ dẫn chúng con đến chân lý toàn vẹn». Tăng trưởng, học hỏi là ơn gọi đầu tiên của con người và của người Kitô hữu. Đây là một bổn phận trường kỳ: «Không thể khựng lại trong đời sống Kitô hữu. Ai không tiến tới là thụt lùi» (T. Augustinô)[1]. Trải qua những cơn khủng hoảng cần thiết, chúng ta dần dần trở nên điều mà chúng ta được kêu gọi hình thành.1

1.1 Bản chất

190. Tiến trình đào tạo «không thu gọn vào giai đoạn khởi đầu, bởi vì, do những giới hạn của con người, tu sĩ không bao giờ có thể cho rằng mình đã hoàn tất chương trình uốn nắn con người mới, luôn mang những tâm tình của Đức Kitô trong mọi hoàn cảnh cuộc sống. Vì thế sự đào tạo khởi đầu cần được củng cố bởi việc đào tạo thường xuyên, bằng cách tạo ra một thái độ sẵn sàng được đào tạo trong mọi ngày của cuộc sống»[2].

Ơn gọi tu sĩ dòng Tôi Tớ Đức Bà «không hoàn tất trong một hành vi duy nhất, nhưng kéo dài thành môt lời mời gọi bền vững và một lời chấp nhận liên tục» (Hiến pháp số 105). Vì thế, việc đào tạo thường xuyên là một đòi hỏi cho tất cả anh em tu sĩ dòng Tôi tớ Đức Bà[3].

1.2 Những mục tiêu

191. Mục tiêu của việc đào tạo thường xuyên là giúp cho tu sĩ khấn trọng:

  • Sống ơn gọi của mình cách xứng đáng ;
  • Nhìn nhận và sống có ý thức giai đoạn «đào tạo» của lứa tuổi của mình;
  • Tăng trưởng theo dòng thời gian và cuộc đời: chấp nhận chịu khủng hoảng, biết chỗi dậy và tiếp tục hành trình;
  • Hiến thân phục vụ tha nhân dựa theo đặc sủng của Dòng;
  • Trắc nghiệm và phát triển tình huynh đệ đối với con người thời nay, bị phân hóa vì lý do tuổi tác, quốc gia, chủng tộc, tôn giáo, tài sản, giáo dục;
  • Sống các giá trị ưu tiên của đời tu Dòng Tôi tớ Đức Bà.

1.3 Thời hạn

192. «Sự phát triển của người tu sĩ kéo dài suốt cuộc đời»[4]. Tuy nhiên nó tuân theo các giai đoạn đánh dấu sự tăng trưởng nhân bản và tâm linh của con người. Nói cách khái quảt:

  • Sinh ra và thiếu thời (từ 0 đến 12 tuổi);
  • Thanh niên (từ 13 đến 20 tuổi);
  • Tráng niên (từ 20 đến 40/45 tuổi);[5]
  • Trung niên (từ 40/45 đến 65 tuổi), trong đó người ta phân biệt tuổi tứ tuần và ngũ tuần;[6]
  • Cao niên (từ 65 năm trở đi) dẫn đến chỗ kết liễu cuộc đời.

193. Các giai đoạn của cuộc đời đan xen với nhau qua những cuộc khủng hoảng gây ra chấn thương: cuộc sống trong bụng mẹ kết thúc với việc ra đời; tuổi thiếu thời với việc dậy thì, tuổi thanh niên với sự va chạm với thế giới (cảm nghiệm về thực tại); tuổi tráng niên với ý thức về giới hạn của mình; tuổi trưởng thành với cuộc khủng hoảng về sự cắt đứt và chia ly; tuổi già với cái chết[7]; cái chết với sự sống lại.

1.4 Nơi chốn

194. Việc đào tạo thường xuyên diễn ta ngay tại cộng đoàn mà tu sĩ trực thuộc.

Trong những thời kỳ canh tân, khôi phục hoặc cập nhật, chẳng hạn như «năm sabbát»[8], tu sĩ có thể được bổ nhiệm vào một cộng đoàn thích hợp để theo đuổi chương trình được thiết lập với sự thỏa thuận của nhà chức trách có thẩm quyền.

1.5 Chương trình[9]

1.5.1 Tu sĩ trẻ vừa hoàn thành chương trình đào tạo sơ khởi

195. Hoàn cảnh. Đây là một giai đoạn tự nó mang nhiều nguy cơ, vì là thời chuyển tiếp từ một cuộc sống được hướng dẫn sang một tình trạng hoàn toàn được tự lập[10]. Thật vậy, người tu sĩ trẻ cảm thấy mình được tự do hơn, với nhiều trácnh nhiệm hơn, và trong một môi trường mới, và cần khám phá một cách thức mới mẻ trong việc trung tính với Thiên Chúa.

196. Thật là quan trọng, trong khoảng 5 năm từ khi được bổ nhiệm vào một cộng đoàn khác, người tu sĩ trẻ vừa hoàn thành chương trình đào tạo, cần được nâng đỡ và đồng hanh bởi một người anh em, để giúp cho họ sống trọn sự trẻ trung của tình yêu và nhiệt huyết đối với Đức Kitô[11]. Người «đồng hành» do bề trên giám tỉnh / phụ tỉnh chỉ định và sẽ gặp gỡ riêng tư người tu sĩ trẻ ít là mỗi năm 3 lần. Trên cấp độ vùng địa lý, hằng năm các vị hữu trách nên tổ chức cuộc gặp gỡ các tu sĩ trẻ, kéo dài ít là một tuần lễ, «với mục tiêu cụ thể là sống cộng đoàn». Những cuộc gặp gỡ này, cũng có thể coi như thời kỳ canh tân tâm linh, là cơ hội để chia sẻ và đương đầu với các vấn đề cá nhân, cộng đoàn và tông đồ.

1.5.2 Tu sĩ tráng niên

197. Hoàn cảnh. Vẫn đang còn mùa xuân của cuộc đời. Người tu sĩ tráng niên (25-40/45 tuổi) đáng giá tích cực về bản thân qua những công tác mình đã đảm nhận. Thế nhưng, khoảng 10 năm sau ngày khấn trọng, họ có nguy cơ rơi vào tập quán, hoặc chán chường (với những mệt mỏi tâm sinh lý vào tuổi 40) bởi vì thấy hoạt động của mình không mang lại nhiều kết quả và mất hết hứng khởi.

198. Cần phải giúp cho tu sĩ tráng niên tìm ra điều cốt yếu để lấy lại nhiệt huyết và động lực của việc lựa chọn của mình; do đó, cần phải xét lại, dưới ánh sáng Tin mừng và đặc sủng của Dòng, sự lựa chọn nguyên khởi của mình, không nên nhầm lẫn sự toàn lực của việc dấn thân với sự toàn lực của kết quả.

– Nếu đương sự cảm thấy thích thú và khả năng, nên theo đuổi một chuyên ngành nào đó.

– Đương sự nên làm một «năm sabbát» (sống trong cộng đoàn, nếu được) ít là từng 10 năm một: khoảng vào tuổi 35 và 45.

1.5.3 Tu sĩ trung niên

199. Hoàn cảnh. Đây là mùa hạ của cuộc đời. Vào lứa tuổi trung niên (40/45-60 tuổi), tu sĩ cảm nhận tình cha thiêng liêng, cảm nghiệm những thỏa mãn hay chán chường tùy theo cách mình nhận thấy các chương trình trong đời tu, trong nghề nghiệp, trong Giáo hội, có thành công hay công hay không. Người tu sĩ bị cám dỗ bởi một thứ cá nhân chủ nghĩa, kèm theo nỗi lo sợ vì không thích ứng với thời đại, hoặc bởi những thái độ cứng cỏi, khép kín, buông thả.

200. Cần giúp đỡ người tu sĩ trung niên không những khôi phục lại nhiệt huyết của đời sống tâm linh và tông đồ, mà còn khám phá ra đặc trưng của lứa tuổi này.

Nếu người tu sĩ không có can đảm hay kiên nhẫn để làm một «năm sabbát» (khoảng giữa 55 và 65 tuổi), thì ít là :

  • Tìm cách sống những thời kỳ (3 tháng) cập nhật sâu đậm (thần học, văn hóa, mục vụ, …) và bồi dưỡng tinh thần;
  • Theo một vài lớp chuyên ngành

1.5.4 Tu sĩ cao niên[12]

201. Hoàn cảnh. Đây là mùa thu của cuộc đời. Đến tuổi cao niên (từ sau 65 tuổi), vì lý do bệnh tật thường xuyên hay suy giảm sức lực, người tu sĩ bị bó buộc phải từ từ rút lui khỏi hoạt động. Đây là một lúc đau đớn, với nguy cơ cảm thấy cô đơn, yếu ớt, vô dụng. Đây là lúc đương sự cảm nhận thấm thía kinh nghiệm mà thánh Phaolô mô tả trong một bối cảnh hành trình tiến đến sự phục sinh: «Chúng ta đừng nhụt chí, mặc dù con người bên ngoài đang tan ra, nhưng con người bên trong đang đổi mới từng ngày» (2 Cr 4,16; xem thêm 5,1-10). Chính thánh Phêrô, sau khi lãnh nhận trọng trách dẫn dắt đoàn chiên của Chúa, đã được nghe nói: «Khi về già, anh sẽ giơ tay ra, và một người khác sẽ thắt lưng cho anh và dẫn anh đến chỗ anh không muốn» (Ga 21,18).

202. Người tu sĩ cao niên cần được cung cấp một chương trình nâng đỡ tinh thần, và chú ý đến sự hiện diện đều đặn vào sinh hoạt chung (cầu nguyện, hội họp, bữa ăn, giải trí/ nghỉ ngơi), và hoạt động, (lectio divina, đồng hành thiêng liêng, lao động thủ công nhẹ nhàng, giảng thuyết, …) tuy đã giảm bớt tùy theo sức lực. Họ nên hiện diện giữa các tu sĩ trẻ: một đàng họ cảm nhận sự liên tục trong nhiệt tình và sự sáng tạo của tuổi trẻ, đàng khác họ có thể chia sẻ kinh nghiệm, thêm lời khích lệ các bạn trẻ hãy kiên trì trong việc hiến thân và trung tín vui tươi.

1.5.5 Tu sĩ cận kề cái chết

203. Hoàn cảnh. Đây là mùa đông của cuộc đời. Vào lúc xế chiều, người tu sĩ nhận ra mình sắp gặp gỡ Đức Kitô, và hoàn tất sự dâng hiến trót mình cho Người. Đang khi tiến gần đến lúc «lâm chung», người tu sĩ biết rằng Chúa Cha đang hoàn tất tiến trình đào tạo huyền nhiệm đã khởi đầu từ lâu.

204. Đời tu trì là «ars vivendi, ars moriendi» (nghệ thuật sống, nghệ thuật chết). Người tu sĩ đang trên đường về nhà Cha cần được âu yếm tháp tùng bởi Mẹ Hội Thánh (bí tích bệnh nhân, …) và bởi những người bạn đồng hành của mình, ngõ hầu lòng can đảm và nỗi lo âu đi kèm theo giai đoạn chuyển tiếp này biến thành sự bình thản tín thác.

1.5.6 Tu sĩ gặp thử thách

205. Hoàn cảnh. Không tùy thuộc vào những giai đoạn của cuộc đời, mọi lứa tuổi đều có thể trải qua những tình trạng khủng hoảng, do ảnh hưởng của những yếu tố bên ngoài (thay đổi cộng đoàn, hay công tác, những khó khăn của việc làm hoặc thất bại trong hoạt động, sự hiểu lầm hoặc bị gạt ra bên thềm,…), hoặc của những yếu tố cá nhân (bệnh tật thể lý hay tâm lý, những cám dỗ mạnh mẽ, khủng hoảng về đức tin hoặc căn tính, cảm giác về cuộc đời vô nghĩa, vv). Người tu sĩ gặp cơn thử thách, tựa như đứng trước ngã ba đường, cần phải chọn lựa một lần nữa điều mà mình muốn trở thành.

206. Khi lòng trung tín trở nên khó khăn, người tu sĩ gặp thử thách – tựa như ngôn sứ Elia chán chường muốn buông xuôi (1 V 19,1-18) – cần được giúp đỡ để tiếp tục hành trình với một ý thức mới về bản thân và một cảm nghiệm mới về Thiên Chúa, bằng việc cung cấp cho người anh em sự nâng đỡ về lòng tin tưởng và tình yêu thương, ở cấp độ cá nhân cũng như cấp độ cộng đoàn. Trước hết, cần bề trên ân cần gần gũi người anh em mình (xc. HP 47-48). Sự nâng đỡ cũng có thể đến từ một tu sĩ chuyên môn, nhằm giúp đương sự tái khám phá ý nghĩa của giao ước mà Thiên Chúa đã thiết lập và không hề rút lại. Nhờ vậy, người tu sĩ gặp thử thách có thể tới chỗ đón nhận sự thanh luyện và cởi bỏ như là những hành vi cốt yếu của việc đi theo Đức Kitô chịu đóng đinh. Sự thử thách sẽ trở thành như là dụng cụ đào tạo trong tay Chúa quan phòng (xc. Hr 13,4-6), như là cuộc chiến đấu không những là tâm lý (của bản ngã trong tương quan với chính mình và những yếu đuối của mình) mà còn là đạo đức (mang dấu tích của sự hiện diện của Thiên Chúa và của quyền năng Thập giá) nữa!

2. NHỮNG CHỦ ĐỀ ĐỊNH HƯỚNG CHO VIỆC ĐÀO TẠO THƯỜNG XUYÊN

2.1 Trưởng thành nhân bản

207. Đặc trưng

Tăng trưởng về nhân bản và tinh thần dọc theo dòng thời gian, bằng cách chấp nhận những giai đoạn xao xuyến như là những bước đi bắt buộc nhắm đến việc thực hiện kế hoạch của Thiên Chúa dành cho mình, nhờ một sự lựa chọn mới hoặc một sự định hình mới về bản thân.

208. Các phương tiện

  1. Biết tự chủ và giữ gìn sức khỏe. Quý trọng sinh lực của mình, với những đòi hỏi thể lý và tâm lý.
  2. Khả năng phán đoán cá nhân.
  3. Ý thức trách nhiệm và khả nằng tự phê binh, chấp nhận sự khó nghèo của mình (những giới hạn và đức tính.
  4. Đánh giá tích cực sự cô đơn của mình và những đòi hỏi tình cảm: làm chủ những cảm xúc riêng, tình cảm và đặc biệt là giới tính.
  5. Tự do nội tâm; khả năng lắng nghe, kiên nhẫn đón nhận những lời phê bình, sửa chữa[13]: nội tâm hóa và kết hợp những kinh nghiêm sống, quy chiếu về Tin mừng.
  6. Ước mong học hỏi, thâu thập kiến thức: đọc sách, cập nhật về mục vụ và văn hóa.
  7. Hòa giải với quá khứ của bản thân, không để chúng tấn cống với các mặc cảm tội lỗi, thất bại, tức tối.
  8. Học hành, như là phương thế bắt buộc cho sự đào tạo toàn diện. Những khóa học chuyên môn.
  9. Năm sabbat, trong khoảng cách từng 10 năm một.

2.2 Đi theo Chúa Kitô

209. Đặc trưng

Luôn luôn tập trung cuộc đời vào Đức Giêsu Kitô, Đấng là Thầy và Chúa, trong việc đảm nhận các trách vụ

210. Các phương tiện

1. Lectio divina mỗi ngày, kể cả bằng việc chia sẻ với cộng đoàn và với các tín hữu.

2. Hội nhập giữa đời sống cầu nguyện và đời sống làm việc.

3. Cầu nguyện chiêm niệm, như là cái nhìn kéo dài và trìu mến lên Thiên Chúa, nghĩa là kết hợp với Chúa cách cá vị.

4. Trung thành với việc cầu nguyện cộng đoàn và cá nhân

5. Tham dự sống động vào phụng vụ, như là phương thế hữu hiệu nhất cho việc đào tạo tâm linh toàn diện

6. Loan báo Tin mừng: đón nhận Lời Chúa, thấm nhuần vào bản thân và trình bày Lời Chúa với một ngôn ngữ cụ thể và hiện thực.

7. Hướng dẫn tâm linh hoặc mục vụ.

2.3 Đời sống chung

211. Đặc trưng

Biết nhìn nhận đời sống huynh đệ trong cộng đoàn như là căn bản cho việc đào tạo thành người tu sĩ Dòng Tôi tớ Đức Bà, qua việc đảm nhận các công tác và trách vụ.

212. Các phương tiện

1. Hội nhập giữa đời sống cộng đoàn với công tác tông đồ

2. Cổ vũ làm việc theo nhóm.

3. Những tình bạn sâu đậm[14] đưa ra khỏi cảnh cô độc[15], làm cho nhân cách được phong phú, và dẫn đến sự hoàn thiện của đức ái (xc .Ga 13,35; 15,12.15).

4. Kiểm thảo đời sống trong cộng đoàn, lượng định những đường hướng hoạt động tông đồ, chứng tá và sử dụng của cải, và tìm kiếm một viễn ảnh chung.

5. Những tương quan nhân bản cởi mở và vô vị lợi; lắng nghe lẫn nhau, đối thoại chân thành và thân mật, thoát khỏi mọi hình thức ích kỷ

6. Chấp nhận và đối phó cách tích cực những xung khắc không thể tránh được.

7. Đức khôn ngoan của trái tim (xc. Tv 89,12), đức khôn ngoan của người nghèo được yêu thương và của tội nhân được tha thứ (xc Rm 8, 35-37).

8. Tình huynh đệ đại đồng: chấp nhận tha nhân vô điều kiện.

2.4 Căn tính đặc sủng

211. Đặc trưng

Thông đạt niềm vui của người tu sĩ Dòng Tôi tớ Đức Bà qua việc phục vụ.

212. Các phương tiện

1. Ý thức về sự thuộc về, qua việc theo dõi hằng ngày đời sống của Dòng trên thế giới.

2. Đặc sủng của Dòng, được chia sẻ qua việc phục vụ lòng thương xót (xc. Hiến pháp 52).

3. Hiến thân cho Đức Mẹ: trong việc giảng dạy, phụng vụ và các việc đạo đức.

4. Sẵn sàng lên đường đến nơi mà Dòng cần trên thế giới (xc. Hiến pháp 3)

2.5 Công tác tông đồ, truyền giáo

213. Đặc trưng

Am tường điều kiện xã hội, kinh tế, văn hóa và tôn giáo tại nơi đang hoạt động.

214. Các phương tiện

  1. Ý thức làm việc và tinh thần phục vụ.
  2. Ý thức truyền giáo và khả năng thích nghi.
  3. Lao động chân tay, như là yếu tố của công cuộc đào tạo: nhằm giữ quân bình thể chất và tinh thần, để bày tỏ tình yêu dành cho anh em, để sống đức thanh bần, để hiểu biết các điều kiện sinh sống của nhân loại (xc. Hiến pháp 118).
  4. Khả năng gặp gỡ người đời và khiêm tốn hợp tác với họ.
  5. Nhịp sống bớt vội vàng, ý thức về phục vụ vô vị lợi, và nhận chân các giá trị: đặt con người lên trên các cơ cấu; giá trị con người hệ ở phẩm giá hơn là công việc.
  6. Trung tín với sự cam kết và quyết tâm canh tân không ngừng (xc. Hiến pháp 75 d).
  7. Khả năng biết chọn lựa có ý thức, dưới ánh sáng của tiêu chuẩn Nước Trời; khả năng biết nói «không» khi đụng đến các giới hạn (xc. Mt 16,26).
  8. Linh hoạt truyền gíao.

2.6 Công lý và hòa bình

217. Đặc trưng

Đáp ứng các nhu cầu thực sự của xã hội tại nơi đang hoạt động, để đáp lại các dấu chỉ của thời đại; cảm thấy liên đới với những biến cố của Giáo hội và thế giới.

218. Các phương tiện

  1. Chú ý đến các nhu cầu khẩn trương của thời đại, của khung cảnh đang sống.
  2. Khả năng tìm ra những giải pháp cụ thể, khả thi.
  3. Trợ giúp những phần tử yếu ớt (già cả, bệnh tật, nghèo khổ).
  4. Thăm viếng những người Kitô hữu cũng như những người ngoài đạo.
  5. Những cuộc gặp gỡ đại kết và liên tôn

—————————————————————————————————

Làm thế nào một người đã cao tuổi có thể tái sinh (Ga 3,4)

219. Bạn đã biết câu trả lời của Chúa Giêsu cho câu hỏi của ông Nicôđêmô: cần phải sinh bởi nước và Thần khí (Ga 3,5).

Bạn là một người Kitô hữu đang thành hình, trong tình trạng đào tạo thường xuyên. Bạn hãy luôn để ra một không gian trong mình cho một hữu thể mới, đòi hỏi sinh ra và lớn lên, kể từ ngày lãnh bí tích Thánh Tẩy.

Sự phát triển của người tu sĩ Dòng Tôi tới Đức Bà kéo dài suốt đời, Hiến pháp (số 120) đã nói như vậy.

Bạn hãy luôn để một cánh cửa mở cho sự mới mẻ, cho sự thay đổi trong cuộc đời, cho sự cải hoán nội tâm. Đừng bao giờ khép mình lại.

Trải qua dòng thời gian, bạn đừng để trái tim trở nên cứng cỏi đến nỗi thành đá (xc. Ed 36,26). Đang khi thân thể của bạn biến đổi và mất đi một phần sinh khí trước kia, ước gì trái tim bạn duy trì sự trẻ trung tâm hồn. Bạn đừng nhìn cái mà tuổi già lấy đi, nhưng hãy nhìn cái mà nó để lại.

Đừng đánh mất lý tưởng phục vụ. Cho dù tuổi đã cao, bạn hãy duy trì niềm vui phục vụ, tùy theo sức lực của mình, theo gương Chúa Giêsu, kẻ đã đến không phải để được phục vụ, nhưng là để phục vụ (Mt 20,28) và hiến mạng sống vì tha nhân.

Ước gì các người trẻ gặp được những người cao niên bình thản và hạnh phúc trong ơn gọi của của mình; như thế công tác của các nhà đào tạo sẽ nhẹ bớt, và chính bạn cũng được hưởng lợi[16].

—————————————————————————————————

[1] Thánh Bênađô (1090-1153) diễn tả một cách khác: «Không tiến có nghĩa là lùi». Nếu cuộc sống không tiến tới chỗ trưởng thành thì sẽ rơi vào con đường thoái hóa và tự hủy diệt. Vì thế sự đào tạo là một tiến trình liên tục: mỗi người Kitô hữu, tùy theo nhịp độ và khả năng của mình, cần phải phát triển ân huệ của bí tích Thánh Tẩy và ơn gọi, và không ngừng tiến tới sự sung mãn của nó. Xc. GOYA Benito, Formazione integrale alla vita consacrata, alla luce della esortazione post-sinodale = Problemi di vita religiosa (Dehoniane, Bologna 1997) pp. 32-35.

[2] Xc. Tông huấn Vita consecrata (viết tắt VC), số 69.

[3] Xc. Tổng tu nghị 1995. Nghị quyết về việc đào tạo thường xuyên.

[4] «Suốt đời, các tu sĩ phải chuyên chăm tiếp tục việc đào tạo bản thân về tâm linh, đạo lý và thực hành; các vị bề trên hãy cung cấp cho họ những phương tiện và thời gian cần thiết» (Bộ giáo luật, đ. 661).

[5] Lứa tuổi 40/45 được gọi là «trung niên», bắt đầu ý thức rằng cuộc đời bước sang giai đoạn thứ hai và cuối cùng của đời người. Một cách chính xác hơn, có thể nói rằng tuổi trung niên đi từ khoảng 35 đến 45 tuổi; và 37 tuổi đối với nam giới và 40 tuổi đối với nữ giới. Xc. GOYA Benito, Formazione integrale alla vita consacrata, alla luce della esortazione post-sinodale = Problemi di vita religiosa (Dehoniane, Bologna 1997), p. 237.

[6] Xc. Kế hoạch đào tạo các anh em Phan-sinh Capuccino ở Ý (Bologna 1993), trang 28-30.

[7] GUARDINI R., Le età della vita. Loro significato educativo e morale = Sestante 2 (Vita e Pensiero, Milano 1992), p. 82.

[8] «Các bề trên giám tỉnh và phụ tỉnh, với sự thỏa thuận của ban cố vấn, phải bảo đảm cho tất cả các tu sĩ một năm để canh tân tâm linh hoặc thần học, mục vụ hoặc văn hóa. Qua cuộc đối thoại huynh đệ, các bề trên hãy khuyến khích anh em và dàn xếp thời gian thuận tiện để có thể hưởng năm canh tân. Về phần minh, vào thời thuận tiện, tu sĩ hãy trình lên bề trên có thẩm quyền một chương trình chi tiết» (Hiến pháp số 167).

[9] Xc. Tông huấn VC, số 69-71.

[10] Xc. Tông huấn VC, só 70.

[11] Xc. Tông huấn VC, số 70.

[12] Xc. HỘI ĐỒNG GIÁO HOÀNG ĐẶC TRÁCH GIÁO DÂN, Phẩm giá người cao tuổi và sứ mệnh cua họ trong Giáo hội và thế giới (1-10-1998); ĐGH GIOAN PHAOLÔ II, Thư gửi người cao niên (1-10-1999).

[13] «Một cộng đoàn Kitô hữu trở thành một cộng đoàn cứu độ không phải bởi vì những vết thương được chữa lành và những đau khổ được vơi nhẹ, nhưng bởi vì cả hai trở thành một sự chuyển tiếp và cơ hội cho một cái nhìn mới. Việc xưng thú giữa anh em với nhau trở nên một cơ hội để cùng nhau đào sâu niềm hy vọng và việc chia sẻ những sự yếu đuối trở thành một ký ức chung về sức mạnh sắp đến». NOUWEN Henry J. M., The Wounded Healer (Image Books Doubleday, New York, 1990), p. 94.

[14] Nơi các Kitô hữu, tình bạn đã xuất hiện nơi sự đồng tâm nhất trí của cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi (xc. Cv 2,42-48; 4,32-35; 5,12) và ngay trong cuộc đời của Chúa Giêsu. Người có những bạn thân như Gioan Tẩy giả (xc. Ga 3,29), các môn đệ (xc. Ga 1,35tt), Phêrô (xc. Ga 21,15ss), người môn đệ yêu quý dựa đầu trên lòng (xc. Ga 13,25.23; 19,26; 20,2; 21,7.20), Marta, Maria và Lazarô ở Bêtania (xc. Ga 11,3.36), Maria Magđala (xc. Ga 20,11-18) và những người khác. Chúa Giêsu đã yêu và được yêu… Do đó Người không kêu gọi gọi chúng khéo kín trong sự an toàn của sự ấu trĩ tình cảm kéo dài qua thời gian; trái lại Người thách thức chúng ta hãy yêu thương sâu xa. Xc. FERRARI Gabriele, Religiosi e formazione permanente. La crescita umana e spirituale nell’età adulta = Problemi di vita religiosa (Dehoniane, Bologna, 1997), pp. 61-82 (cap. 3. L’amicizia delle persone consacrate: è possibile? come si esprime? Riflessioni e prospettive); ĐGH GIOAN PHAOLO II, Tông huấn Pastores dabo vobis (25-3-1992) số 44.

[15] Cf. MERTON Thomas, No Man is an Island (Image Books, New York, 1967) 197 p.

[16] MOONS Hubert M., OSM, Thư Hãy đứng lên và tiến bước (16-11-1994) số 17.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here