Dẫn Nhập Tin Mừng Theo Thánh Gioan: Vấn Đề Lịch Sử (5)

0
1842


DẪN VÀO TIN MỪNG THEO THÁNH GIOAN

Tác giả: Lm. Tanila Hoàng Đắc Ánh, OP.

***

***

VẤN ĐỀ LỊCH SỬ

 

Đã có lần giá trị lịch sử của sách Tin Mừng thứ tư bị nghi ngờ. Họ đặt vấn đề vì hai nguyên nhân. Một là sách có nhiều điểm khác với các sách nhất lãm. Hai là sách có đặc tính biểu tượng.

1. VẤN ĐỀ

Sách Tin Mừng của thánh Gio-an và các sách nhất lãm khác nhau rõ ràng, và điểm mà các sách ấy khác nhau một cách quan trọng, là giáo huấn của Đức Giê-su.
 
Trước hết là về thể loại văn chương. Trong các sách nhất lãm, lời văn thật là cụ thể, bóng bẩy, linh động và bình dân; còn trong sách Tin Mừng thứ tư, thì lời văn thật là trừu tượng và giáo điều. Trong sách Tin Mừng thánh Gio-an, gần như không có được một dụ ngôn sống động, khả dĩ gợi hình xứ Pa-lét-ti-na thời Đức Giê-su.
 
Thứ đến là về nội dung của giáo lý. Trong các sách nhất lãm, Nước Thiên Chúa là đối tượng của giáo huấn, nhưng sách của thánh Gio-an nói đến Nước Thiên Chúa chỉ có một lần: trong cuộc đàm đạo giữa Đức Giê-su và ông Ni-cô-đê-mô (3,3.5). Thay vào đó, thánh Gio-an nói đến sự sống, ánh sáng, chân lý (18,37). Các cuộc tranh luận giữa Đức Giê-su và dân Do-thái cũng không cùng một đối tượng. Trong các sách nhất lãm, các cuộc tranh luận đề cập đến nhiều vấn đề khác nhau liên quan đến lề luật, khác nhau tùy câu hỏi đặt ra cho Đức Giê-su, như: ăn chay, Sa-bát, nghi lễ để được thanh khiết, hôn nhân, cách sống hoàn thiện. Trong sách của thánh Gio-an, các cuộc tranh luận chỉ có một vấn đề duy nhất, là niềm tin vào Đức Giê-su, Đấng được Chúa Cha phái đến: việc Thiên Chúa muốn chúng ta làm đều thu gọn vào một câu yêu sách ấy (6,29). Về những đặc tính nghèo khó, siêu thoát, phó thác, tỉnh thức và các khía cạnh khác nhau của đời sống luân lý, không thấy nói nữa. Và các điều luật được tóm vào một điều luật duy nhất, đó là tình thương huynh đệ (13,34 tt; 15,12 tt) theo mẫu tình thương của Đức Giê-su đối với những ai thuộc về Người. Còn về hình dung của Đức Giê-su, chỉ còn một nét căn bản và duy nhất, là Người là Con Thiên Chúa, xuống thế làm người để mặc khải Thiên Chúa. Các phép lạ là những hành vi bác ái, nhưng trước hết là dấu hiệu biểu thị vinh quang của Đức Giê-su (2,11; 11,4.40) và nhằm khơi dậy niềm tin đã có trước.
 
Từ đó, người ta muốn kết luận rằng sách Tin Mừng thứ tư chỉ là một bản dịch biểu tượng hoặc một bài suy niệm thần học về đời sống Đức Giê-su, không có giá trị lịch sử.

2. GIẢI ĐÁP

Kết luận như thế, tuy nhiên, là sai lầm.

1) Trước hết, là xét về văn thể của sách Tin Mừng

Theo thánh Ga 20,30 tt, thì đây là sách Tin Mừng. Mà mục đích của sách Tin Mừng là tường thuật những dấu hiệu vững chắc, để loan báo biến cố Ngôi Lời nhập thể và, qua Ngôi Lời, Thiên Chúa mặc khải và ban sự sống. Vậy, nếu những dấu hiệu là những kỳ công nhằm chứng thực biến cố mà lại thiếu giá trị lịch sử, thì làm sao minh chứng được rằng sự kiện Nhập thể và sự sống do sự kiện ấy đem đến, là có thực và có giá trị lịch sử? Không, tác giả dư biết rằng dấu hiệu phải có thực, thì độc giả mới có thể tin vào Mầu nhiệm Nhập thể và đón nhận sự sống do Ngôi Lời Nhập thể đem xuống cho họ. Sau nữa, tác giả muốn làm chứng. Đối với tác giả, đời sống của Đức Giê-su là một cuộc tranh luận trước pháp luật giữa Đức Giê-su và dân Do-thái. Một bên, Đức Giê-su xưng mình là “Đấng được Thiên Chúa phái đến” và là Con Thiên Chúa. Còn bên kia, dân Do-thái đã phũ phàng từ khước (2,18; 5,18; 8,13-18). Và kết cục, Đức Giê-su bị kết án tử hình “theo Lề luật” (19,7). Mà muốn làm lại vụ án đó, tác giả phải đưa ra những lời chứng vững vàng, xác thực. Và, tác giả đã ghi vào hồ sơ lời chứng của thánh Gio-an Tẩy giả (1,19; 3,26 tt; 5,33; 10,41), lời chứng của những công trình (5,36; 9,5; 10,25.37 tt; 14,10 tt; 15,24) và lời chứng của chính mình (19,35). Vì thế, những lời chứng ấy về đời sống Đức Giê-su không thể là thuần túy biểu tượng, trống rỗng nội dung lịch sử được.

2) Thứ đến, là xét về nội dung

Sách Tin Mừng thứ tư có rất nhiều chứng cứ về chân lý lịch sử.
 
Thứ nhất là về diễn tiến của đời sống Đức Giê-su. Trên một lần, sách xác nhận và xác định các dữ kiện các sách nhất lãm đã ghi lại. Ví dụ: về lúc Đức Giê-su bắt đầu hoạt động công khai, sách cho biết Người bắt đầu sứ vụ ở Giu-đê, lúc thánh Gio-an Tẩy giả còn làm phép rửa (3,22 tt). Sách cũng cho biết tại sao Đức Giê-su trở về Ga-li-lê (4,1-3). Sách còn cho biết một số chi tiết về hành trình của Đức Giê-su lúc cuối đời (10,40; 11,54). Về ngày Thương khó, theo thánh Gio-an, thì Đức Giê-su chịu chết áp ngày Lễ Vượt qua; còn, theo các tác giả nhất lãm, thì Người chịu chết chính ngày lễ Vượt qua: về điểm này, thánh Gio-an nói đúng hơn các tác giả nhất lãm. Hơn nữa, nếu không có sách Tin Mừng thứ tư, độc giả có thể lầm tưởng rằng Đức Giê-su đã thu hẹp sứ vụ của mình tại Ga-li-lê và chỉ lên Giê-ru-sa-lem để chịu đóng đinh vào thập giá. Và độc giả còn có thể lầm tưởng rằng Đức Giê-su đã thu ngắn sứ vụ của mình vào một năm mà thôi.
 
Thứ hai là ngày thanh tẩy Đền thờ. Trong đoạn văn tường thuật việc thanh tẩy Đền thờ, sách Tin Mừng thứ tư có một dữ kiện thời gian thuộc loại rõ ràng nhất trong các sách Tin Mừng. Dân Do-thái nói với Đức Giê-su rằng: “Phải mất 46 năm mới cất xong Đền thờ này” (2,20). Mà, theo sử gia Gio-xê-phô, thì Đền thờ đã được vua Hê-rô-đê Cả bắt đầu xây cất khi ông trị vì được 18 năm, nghĩa là lối năm 20/19 TCN. Nên biến cố thanh tẩy Đền thờ đã xẩy ra vào lễ Vượt qua năm 28 SCN.[1] Đoạn văn này còn đặt ra một vấn đề khác, cũng về thời gian. Trong sách của thánh Gio-an, biến cố thanh tẩy Đền thờ là một trong những công việc đầu tiên của Đức Giê-su: nhưng, trong các sách nhất lãm, thì biến cố ấy lại là một trong những công việc cuối đời. Sự thực là thế nào, khó mà phán quyết. Tuy nhiên, xét về mặt tâm lý, thì một cuộc xung đột to tát như vụ xẩy ra nhân dịp thanh tẩy Đền thờ, phải xẩy ra ở cuối sứ vụ mới là hợp lý. Tuy nhiên, khung cảnh của sách Tin Mừng thứ tư vừa chính xác, lại vừa uyển chuyển để phục vụ tư tưởng thần học, và, do đó, tác giả được dễ dàng đặt một biến cố này vào khung cảnh kia.[2]
 
Thứ ba là địa hình. Sách của thánh Gio-an phong phú và chính xác hơn các sách Tin Mừng khác. Sách có đến 20 địa danh hơn các sách nhất lãm: con số ấy quả là to tát trong một số nhỏ những sự việc tác giả tường thuật trong sách. Nhiều tên chắc chắn là có, là đúng. Ví dụ: một là Bê-ta-ni-a tả ngạn sông Gio-đan (1,28). Ở đây, tác giả không thể bịa đặt hoặc kêu tên vì hứng, nhưng kêu tên để phân biệt với Bê-ta-ni-a gần Giê-ru-sa-lem (11,1.18). Hai là Ca-na miền Ga-li-lê (2,1.11; 4,46). Ở đây, cũng vậy, tác giả phải xác định là miền Ga-li-lê, vì có một Ca-na khác ở phía Đông Nam thành Tia (Gs 19,28). Ba là Ê-non: các sách nhất lãm đã chỉ rõ ràng sông Gio-đan là nơi thánh Gio-an Tẩy giả làm phép rửa; nhưng sách Tin Mừng thứ tư lại chỉ Ê-non (3,23). Bốn là hồ Bét-da-tha (5,1) với năm hành lang. Năm hành lang có vẻ như là một công trình kiến trúc không thực và thuần túy biểu tượng. Tuy nhiên, các công trình khảo cổ ngày nay đã cho thấy là có năm hành lang ấy, và còn cho thấy vị trí của các hành lang ấy nữa. Biểu tượng, nếu có, cũng dựa trên địa hình có nền tảng vững chắc.
 
Thứ tư là môi trường lịch sử. Pa-lét-ti-na của sách Tin Mừng thứ tư chính là xứ Pa-lét-ti-na thời Đức Giê-su. Một Pa-lét-ti-na với những mối hận thù ác liệt giữa dân Do-thái và dân Sa-ma-ri-a (4,9; 8,48) dầu đang cùng sống dưới ách nô lệ đế quốc Rô-ma (18,28-31), với những tập tục tôn giáo đặc thù, như: thanh tẩy (2,6; 3,25; 11,55), tang chế (11,38.44; 12,7; 19,31.40), cấm kỵ (18,28; 19,31). Một Ga-li-lê bị khinh thường (7,52) với vua Hê-rô-đê An-ti-pa (4,46) và đoàn lũ sẵn sàng mạo hiểm trong những phong trào chờ mong Cứu Chúa (6,11 tt). Nhất là một Giê-ru-sa-lem với đoàn người hành hương và những người tòng giáo (12,20), với nhóm Pha-ri-siêu khinh miệt thường dân “là dốt đặc về Lề luật” (7,49), với Đền thờ vừa được tái thiết (2,20), đầy nghẹt những con buôn tiền bán vật (2,13 tt).
 
Thứ năm là giáo huấn. Bước sang lãnh vực giáo huấn, chúng ta thấy các đề tài, những cách thức tranh luận và lập luận giữa Đức Giê-su và đối thủ đều có đặc tính Do-thái. Về điểm này, cuộc tranh luận ghi ở chương V là tiêu biểu. Và đề tài của đoạn sách cũng phù hợp với những dữ kiện nhất lãm. Đó là việc vi phạm ngày Sa-bát: kẻ khỏi bệnh đã vi phạm vì đã vác chõng đi, mà chính Đức Giê-su cũng vi phạm vì đã chữa bệnh. Cách Đức Giê-su biện minh cũng là cách thuần túy Do-thái, là “Cha của tôi làm việc không ngừng”, nghĩa là, để biện minh, Đức Giê-su đưa ra sự việc Thiên Chúa làm việc không ngừng, là làm việc cả ngày Sa-bát nữa. Đề tài này cũng đã được bàn cãi giữa các môn phái Do-thái. Sau đó, Đức Giê-su còn vin vào một luật trừ trong luật giữ ngày Sa-bát, một luật đã được các tiên sinh Do-thái chấp nhận. Đó là được phép cắt bì ngày Sa-bát (7,23), thì lại càng được phép chữa bệnh ngày Sa-bát.[3]
 
Thứ sáu là chân dung Đức Giê-su. Chân dung của Đức Giê-su trong sách Tin Mừng thứ tư thật là sống động và đúng thực. Vì muốn độc giả thấy vinh quang của Ngôi Lời Nhập thể, tác giả đã nhấn mạnh uy nghi của Ngôi Lời hơn các tác giả nhất lãm. Điều này dễ thấy nhất trong trình thuật Thương khó. Đức Giê-su “biết những gì phải xảy đến cho mình” (18,4; Xc. 13,1.3; 19,28). Người làm chủ mọi biến cố và mọi hạng người (18,4-8; 19,11; Xc. 14,30). Việc Người phải hãi hùng xao xuyến (Mc 14,33) trong vườn Ghết-sê-ma-ni cũng như tiếng Người kêu gào trên thập giá (Mc 15,34), tác giả không ghi lại. Người làm chủ cả những phút chót đời mình và dâng hơi thở cuối cùng một cách sáng suốt và cao thượng như một vị Tư tế hành lễ (19,28-30). Mạng sống của Người, chính Người hy sinh, chứ không ai cướp được (10,18).
 
Nhưng, ngược lại, Đức Giê-su cũng là một hữu thể có xác có thịt (1,14). Thấy Đền thờ là “Nhà của Cha” Người bị thiên hạ xúc phạm, Người cũng phẫn uất (2,13-17). Đi đường mệt nhọc, Người cũng kiệt sức (4,6 tt). Dân chúng cứng đầu làm Người đau khổ (4,48). Người “trốn” kẻo dân chúng bắt Người (6,15). Người chống lại kẻ vu khống từng điều (5,18-47; 7,20-24; 8,48-58; 10,36). Người cũng có bạn hữu (11,5) và môn đệ thương mến (13,23; 19,26; 21,7.20). Người cũng xao xuyến, cũng khóc tại mồ ông La-da-rô (11,35.38). Bị người môn đệ nộp, Người cũng xúc động (13,21). “Giờ” của Người sắp đến, làm cho Người xao xuyến đến nỗi phải kêu xin cầu cứu (12,27). Bị tên lính tát tai, Người cũng khó chịu (18,23). Trên thập giá, Người cũng la khát (19,28).
 
Thứ bẩy là sách Tin Mừng thứ tư và các sách nhất lãm phù hợp với nhau trên nhiều điểm, giáo huấn, chẳng hạn:
 
Trong sách Tin Mừng thứ tư, cũng có những ý niệm đặc sắc đã có trong các sách Tin Mừng nhất lãm. Ví dụ:
 
– “Nước Trời” (3,3.5);
 
– “Con Người” (1,51; 3,13-14; 5,21-29; v.v.);
 
– “(Đấng Cứu độ) đến” (Mt 3,11; 5,17; 11,19; 23,39; Mc 1,24; Lc 19,10; v.v…);
 
– “Phải (chịu chết)” (Ga 3,14; 12,34; 20,9; Xc. Mt 16,21; Mc 8,31; Lc 17,25);
 
– “Sự sống” (Mt 7,14; 18,8 tt; 19,16 tt; ss.);
 
– Ánh sáng và “con cái ánh sáng” (Mt 4,16; 5,14.16 và ss; 6,23; 17,2; Lc 2,32; 16,8);
 
– “Lời” (Mt 13,19 tt và ss; Mc 2,2; 8,32; Lc 1,2; 5,1; 10,39; 11,28).
 
Và đoạn văn danh tiếng nhất là Mt 11,25-27. Ở đây, Đức Giê-su khẳng định mối tương quan giữa Người với Chúa Cha và, đồng thời, quyền bính tối cao của Người. Điều lạ thường là Đức Giê-su của các sách nhất lãm lại khẳng định bằng ngôn ngữ của thánh Gio-an. Nhưng chúng ta không có lý do gì xác đáng để nói rằng đoạn văn này không do chính các tác giả nhất lãm viết ra. Hơn nữa, đoạn văn ấy còn nằm trong tầng lớp thuộc loại xưa nhất của truyền thống Tin Mừng. Sự việc ấy bảo đảm một cách vững chắc điều này là, về ngôn ngữ và về đạo lý, sách Tin Mừng của thánh Gio-an cũng có giá trị lịch sử như các sách nhất lãm, dầu thánh Gio-an có phu diễn hơn các thánh nhất lãm mà thôi.

3. LỊCH SỬ VÀ BIỂU TƯỢNG

Vậy, giá trị lịch sử của sách Tin Mừng thứ tư là một dữ kiện không thể chối cãi. Chỉ có một điều phải để ý, là quan niệm của tác giả về lịch sử thật là khác với quan niệm của sử gia ngày nay. Tác giả của sách Tin Mừng không nghĩ rằng mình đã nghiên cứu đầy đủ. Tác giả không bận tâm đến những chi tiết. Điều tác giả bận tâm, là đưa ra ánh sáng ý nghĩa của một lịch sử, một lịch sử vừa nhân loại lại vừa thần linh, một lịch sử đã diễn tiến trong thời gian, mà còn đi sâu vào hậu thế. Tác giả muốn tường thuật một cách trung thành và mong ước cho loài người tin một sư kiện thiêng liêng đã xẩy ra trong thế gian qua Đức Giê-su Ki-to â: đó là Ngôi Lời Nhập thể để cứu độ chúng ta. Nếu vậy, thì tuyển chọn một vài sự việc chủ yếu và có ý nghĩa, đã đủ (20,33 tt): một vài dấu lạ, một vài diễn văn, đôi cuộc tranh luận, đôi lời tuyên bố quan trọng, rồi sự chết và sống lại. Thế là có lịch sử. Lịch sử ấy không thỏa mãn những ai tò mò tọc mạch, nhưng cống hiến một nguồn bất tận cho ai chịu suy tư (7,37-39).
 
Vì thế mà sách Tin Mừng thứ tư có đặc tính biểu tượng. Chúng ta thử đưa ra ý nghĩa biểu tượng của một vài phép lạ, một vài sự việc cũng như một vài hình ảnh thường gặp trong sách Tin Mừng thứ tư:
 
Thứ nhất là về các phép lạ. Các sách nhất lãm tường thuật phép lạ rất nhiều; trái lại, sách của thánh Gio-an chỉ tường thuật có bẩy mà thôi (2,1-11; 4,46-54; 5,1-15; 6,1-15; 6,16-21; 9,1-41; 11,1-44), và làm cho những phép lạ ấy nổi bật lên như những “dấu lạ” mặc khải quyền năng cùng vinh quang của Đức Giê-su và biểu thị các ơn Người đem xuống cho nhân loại.
 
Phép lạ “nước hóa rượu” trong các chum người Do-thái dùng trong nghi lễ thanh tẩy, có nghĩa là Thiên Chúa ban Giao ước mới thay thế và hoàn hảo hơn Giao ước cũ. Phép lạ “đứa con của viên chức nhà vua được chữa khỏi” nói lên sức mạnh của niềm tin. Phép lạ “người bệnh tật được chữa khỏi tại hồ Bét-da-tha” minh chứng rằng công trình của Đức Giê-su, Con Thiên Chúa, có khả năng ban sự sống lại thiêng liêng. Phép lạ “bánh hóa nhiều” tiên báo Thiên Chúa sẽ ban bánh trường sinh. Phép lạ “Đức Giê-su đi trên mặt nước” cho chúng ta thấy trước vinh quang của Người một khi đã phục sinh. Phép lạ “người đui từ thuở mới sinh được chữa khỏi” tỏ ra Đức Giê-su là ánh sáng cho đời. Phép lạ “ông La-da-rô sống lại” hàm ý Đức Giê-su đem đến cho loài người sự sống lại và sự sống vĩnh cửu.
 
Con số bảy (7) phô diễn một cái gì trọn vẹn, ở đây, bảy phép lạ công bố rằng Đức Giê-su là hoàn hảo, vì Người là Thiên Chúa (Ga 1,1) và, đồng thời, Người đầy tràn ân sủng vì Người là Ngôi Lời nhập thể (1,14.16).
 
Thứ hai là về các sự việc. Tác giả có tài triệt thấu ý nghĩa thiêng liêng của các sự việc và khám phá ra các mầu nhiệm thần linh trong các sự việc ấy.
 
Qua việc Đức Giê-su thanh tẩy Đền thờ (2,19-21), tác giả nhận thấy dấu chỉ này là Đức Giê-su sẽ chịu chết và sống lại để canh tân Do-thái giáo; Ngài còn thấy biểu tượng này là Đức Giê-su sẽ dùng thân xác phục sinh của Người mà thiết lập Đền thờ mới và đích thực. Qua việc Đức Giê-su bảo người mù đến hồ Si-lô-a mà rửa, tác giả khám phá ra mối tương quan giữa địa danh Si-lô-a (nghĩa là “người được sai phái”) và Đức Giê-su, Đấng do Chúa Cha sai phái (9,7). Lời Thượng tế Cai-pha nói trong Thượng Hội đồng các nhà lãnh đạo dân Do-thái (11,51 tt) được tác giả coi như là lời tiên tri vô ý thức về công trình cứu độ. Tên Giu-đa bỏ tiệc ra đi giữa đêm: đối với thánh Gio-an, đêm ấy gợi lại tâm trạng tối tăm của linh hồn người phản bội (13,30). Đức Giê-su bị kết án áp lễ Vượt qua lúc 12 giờ trưa và chết cũng vào chiều ngày hôm ấy: đối với thánh Gio-an, ngày và giờ ấy ám chỉ Đức Giê-su chết như con chiên lễ Vượt qua, tự hiến để cứu độ thế gian. Lưỡi đòng đâm vào cạnh sườn Đức Giê-su, đối với thánh Gio-an, là mầu nhiệm đã được Thánh Kinh tiên báo và là khuôn dấu được Thiên Chúa đóng trên hy lễ cứu độ (19,14.31.36).
 
Thứ ba là về các hình ảnh nói về Đức Giê-su. Chân dung thánh Gio-an phác họa về Đức Giê-su gồm những nét sống động và gồm cả những biểu tượng quan trọng tôn giáo Đức Giê-su dùng để nói về mình. Ví dụ:
 
Đức Giê-su Na-da-rét là con chiên của Thiên Chúa (1,29.36), là Đền thờ mới (2,21), là Con Người được nâng lên như con rắn bằng đồng trong sa mạc (3,14), là tân lang (3,19), là bánh ban sự sống (6,35), là nguồn nước ban sự sống (7,37 tt), là ánh sáng cho đời (8,12), là cửa ra vào (10,7.9), là mục tử nhân hậu (10,11.14), là sự sống lại (11,25), là con đường, là sự thật, là sự sống vĩnh cửu (14,6), là cây nho chính hiệu (15,1 tt). Chân dung ấy, vừa hiện thực, lại vừa thần thiêng, đã cho khuôn mặt lịch sử của Đức Giê-su tất cả kích thước một Đấng cứu độ thế gian (4,42).
 
Vậy thì văn thể biểu tượng ấy không phải là văn thể ẩn dụ thiếu căn bản thực tại, như đã có người lầm tưởng. Trái lại, đây là một văn thể biểu tượng của thực tại, bắt nguồn từ lịch sử, nói đến ý nghĩa của lịch sử và, đối với vị chứng nhân ưu huệ của Ngôi Lời nhập thể, chỉ có giá trị với điều kiện ấy. Vì thế, phủ nhận đặc tính lịch sử của sự việc vì lẽ sự việc có ý nghĩa biểu tượng là không chính đáng, cũng như phủ nhận văn thể biểu tượng của sự việc để biện hộ đặc tính lịch sử của sự việc, là không chính đáng. Hai đàng, đàng nào cũng là sai, cũng cắt xén một cách trầm trọng một tác phẩm rõ ràng là độc nhất trong loại của nó, bởi lẽ tác phẩm ấy tường thuật một sự việc độc nhất, là đời sống Ngôi Lời Nhập thể, một đời sống mà mọi hành động cũng như mọi cử chỉ đều có ý nghĩa trong chương trình cứu độ, và làm cho lịch sử loài người có ý nghĩa của nó.


[1] JBC, NT, 429.

[2] Xc. C. K. Barrett, John, 163. Xem phaàn chuù giaûi Ga 2,13-22,

[3] BJ, 1541, b.