Dẫn Nhập Tin Mừng Theo Thánh Gioan: Tin Mừng Thứ Tư Và Tin Mừng Nhất Lãm (4)

0
418


DẪN VÀO TIN MỪNG THEO THÁNH GIOAN

Tác giả: Lm. Tanila Hoàng Đắc Ánh, OP.

***

***

SÁCH TIN MỪNG THỨ TƯ VÀ CÁC SÁCH NHẤT LÃM

 

Sách Tin Mừng thứ tư cũng là sách Tin Mừng như ba sách Tin Mừng nhất lãm, nhưng có nhiều tài liệu mới mẻ, và, nhiều khi, khác hẳn. Vậy thì, đâu là mối tương quan giữa sách Tin Mừng thứ tư và các sách Tin Mừng kia?

1. ĐỐI VỚI CÁC SÁCH NHẤT LÃM NÓI CHUNG

Về mặt văn chương, sách Tin Mừng thứ tư có liên quan gì với các sách Tin Mừng nhất lãm? Về câu hỏi này, các nhà Thánh Kinh có nhiều ý kiến khác nhau và đôi khi mâu thuẫn.

Những công trình mới nhất cho thấy rằng vấn đề thật là phức tạp. Có nhiều triệu chứng cho thấy rằng thánh Gio-an có biết các truyền thống nhất lãm. Chẳng hạn, có nhiều sự việc quan trọng, nhưng ngài lại bỏ qua hoặc ám chỉ và, hơn nữa, còn xác định. Những sự việc quan trọng ngài bỏ qua, là: Đức Giê-su chịu phép rửa, Đức Giê-su lập phép Thánh Thể. Và những sự việc Ngài ám chỉ mà thôi, là: nguyên quán của Đức Giê-su, là Na-da-rét (1,45; 6,42; 7,41.52; 19,19), thánh Gio-an Tẩy giả bị bỏ tù (3,24), Đức Giê-su làm nhiều phép lạ (2,23; 6,2; 7,3 tt; 11,47; 20,30). Đức Giê-su tuyển chọn các môn đệ (6,70; 15,16; 20,24), ông Giu-đa nộp Thầy (6,64; 12,6; 13,2.27 tt). Sau nữa, có nhiều trường hợp theo đó tác giả sách Tin Mừng thứ tư muốn xác định hoặc bổ túc truyền thống nhất lãm, ví dụ: tác giả nói Đức Giê-su đã bắt đầu hoạt động lúc thánh Gio-an Tẩy giả còn hoạt động (3,2 tt), hoặc khi tác giả viết Đức Giê-su chịu Thương khó ngày 14 tháng Ni-san (18,28; 19,31) và bị án giờ thứ sáu (19,14). Nhất là khi tác giả nhắc đến ba (hoặc bốn) lễ Vượt qua, và phụ diễn các sinh hoạt của Đức Giê-su tại Giê-ru-sa-lem.

Nhưng các nhà nghiên cứu cũng thấy rằng sách Tin Mừng thứ tư đúng là độc lập và độc đáo. Sách Tin Mừng thứ tư và sách Tin Mừng thánh Lu-ca có liên quan với nhau (chúng ta sẽ trở lại vấn đề này) và những đoạn nói về các cuộc bách hại trong diễn văn sau Tiệc ly (15,18 – 16,4) và trong diễn văn cánh chung của các sách nhất lãm cũng có nhiều điểm giống nhau. Nhưng, ngoài ra, mối tương quan về văn chương giữa sách Tin Mừng thứ tư và các sách nhất lãm chỉ còn ở một vài chỗ mà thôi.
– Thứ nhất, ở một vài châm ngôn đanh thép, như: “ngôn sứ không được tôn trọng nơi quê nhà” (4,44), “tôi tớ không cao trọng hơn ông chủ” (13,16; 15,20), “ai đón nhận người Thầy sai đến, là đón nhận Thầy; và ai đón nhận Thầy, là đón nhận Đấng đã sai Thầy” (13,20).
 
– Thứ hai, ở một vài bản văn Cựu Ước được dẫn, nhân một vài sự việc quan trọng, như: Is 40,3 nhân chuyện thánh Gio-an Tẩy giả (1,23), Dcr 9,9 nhân việc Đức Giê-su vào thành Giê-ru-sa-lem (12,15), Is 6,9 tt nhân sự dân Do-thái cứng đầu (Ga 1,2,40).
 
Ngay trong những trình thuật mà cả thánh Gio-an và các tác giả nhất lãm đều có, ví dụ: các người buôn bán bị đánh đuổi khỏi Đền thờ (2,13-22), bánh hóa ra nhiều (6,1-21), bữa ăn tại Bê-ta-ni-a (12,1-8), Đức Giê-su vào thành Giê-ru-sa-lem (12,12-19), thì sách của thánh Gio-an có nhiều điểm khác.
 
Hình như thánh Gio-an nghe biết sự việc qua một nguồn khác. Bởi vậy, cho dù thánh Gio-an có biết các sách nhất lãm và tham chiếu, bổ túc hay xác định đôi chỗ đi nữa, thì thánh Gio-an vẫn không lệ thuộc. Nên, đối với sử gia, sách Tin Mừng thứ tư phản ảnh một sử liệu độc lập, một chứng nhân chính nguồn của truyền thống sơ khai. Có tác giả còn cho rằng thánh Gio-an hiểu biết sự việc một cách sâu xa và phản ảnh truyền thống dưới nhiều hình thức xưa nhất.

2. ĐỐI VỚI SÁCH TIN MỪNG CỦA THÁNH LU-CA

Còn về mối tương quan giữa hai sách Tin Mừng của hai thánh Gio-an và Lu-ca, công trình nghiên cứu cho tới nay, tuy chưa được đầy đủ, nhưng cũng đã cho thấy rằng hai tác giả có nhiều điểm giống nhau. Ví dụ: thánh Lu-ca cũng như thánh Gio-an chỉ có một trình thuật về việc Đức Giê-su hóa bánh ra nhiều.[1] Hơn nữa, hai tác giả gắn liền việc Đức Giê-su hóa bánh ra nhiều với việc thánh Phê-rô tuyên xưng đức tin (Lc 9;10-20; Ga 6,1-69).[2] Nghĩa là, khác với hai thánh Mát-thêu và Mác-cô, hai thánh Luca và Gio-an không đặt hành trình của Đức Giê-su ra ngoài nước giữa hai sự việc (Xc. Mt 14,22-16,12 và Mc 6,45-8,26).[3] Một vài ví dụ nữa, là: Đức Giê-su quí mến hai chị em Mát-ta và Ma-ri-a (Lc 10,38-42; Ga 11,1 tt; 12,1 tt), Hai thánh Phê-rô và Gio-an thường đi đôi với nhau (Lc 8,51; 9,28; 22,8; Ga 13,23 tt; 18,15 tt; 20,3-9; 21,7.20 tt; Xc. Cv 1,13; 3,1 tt.11; 4,13.19; 8,14), vai trò của Xa-tan trong vụ Giu-đa nộp Thầy (Lc 22,3; Ga 13,2.27), nhiều nét trong các trình thuật về Thương khó và Phục sinh như: thiên thần an ủi (Lc 22,44 và ss.), tai bên phải của tên đầy tớ (Lc 22,50 và ss.), ông Phi-la-tô muốn thả (Lc 23,20)…, sự Đức Giê-su thăng thiên được coi như là sự kiện kết thúc sứ mệnh của Đức Giê-su tại trần thế (Lc 9,51; 24,50 tt; Ga 6,62; 13,1; 20,17), Thánh Thần được công bố cho các môn đệ như một hồng ân Chúa Cha sẽ ban xuống vì lời cầu của Đức Ki-tô Phục sinh và được tôn vinh,… Những điểm chung ấy thuộc nhiều lãnh vực khác nhau, như: thần học, lịch sử, văn chương,…
 
Nhưng điều đáng chú ý là ảnh hưởng giữa hai tác giả hình như không phải một chiều. Cũng không chắc là thánh Lu-ca ảnh hưởng đến thánh Gio-an nhiều hơn, như người ta đã có lúc lầm tưởng. Trái lại, có lẽ là thánh Gio-an hoặc truyền thống của thánh Gio-an ảnh hưởng đến thánh Lu-ca nhiều. Thật vậy, trong những điểm giống nhau, có nhiều điểm là những quan niệm đặc thù của thánh Gio-an, thuộc hợp đề thần học của thánh Gio-an. Hình như, khi điều tra, về đời sống của Đức Ki-tô (Lc 1,1-4), thánh Lu-ca đã thu thập các truyền thống của thánh Gio-an và đã dựa vào tác phẩm của mình. Nói thế, tức là nói đã có một truyền thống Tin Mừng của thánh Gio-an và truyền thống ấy đã được làm thành từ xưa, trước khi sách Tin Mừng thánh Gio-an được biên soạn và xuất bản lần chót. Rồi, trong hình thức cuối cùng, sách của thánh Gio-an có bị ít nhiều ảnh hưởng của thánh Lu-ca hoặc, ít ra, đã để ý đến sách của thánh Lu-ca.[4] Điều này chúng ta thấy được là nhờ một đôi đặc ngữ của thánh Lu-ca, một vài chỗ trong đó sách của thánh Gio-an muốn ám chỉ hoặc xác định để bổ túc một trình thuật của sách Tin Mừng thánh Lu-ca, ví dụ: tên làng của hai cô Mát-ta và Ma-ri-a (Lc 10,38; Ga 11,1; 12,1) tên của đầy tớ vị Thượng tế (Lc 22,50; Ga 18,10), việc nhắc đến vết thương cạnh sườn của Đấng Phục sinh (Lc 24,40; Ga 20,20),…
 
Nhìn toàn diện và tóm lại, các nhà nghiên cứu về mối tương quan giữa thánh Gio-an và thánh Lu-ca xác nhận rằng sách Tin Mừng của thánh Gio-an đúng là độc lập đối với các sách Tin Mừng nhất lãm kể cả sách của thánh Lu-ca. Họ còn cho thấy rằng truyền thống và uy thế của thánh Gio-an trong Giáo hội thật là xưa và đã có từ đâu.


[1] Xc. BJ, 1495, e.

[2] Xc. TOB, 148, m.

[3] TOB, 224, n.

[4] Xc. C. K. Barett, St John, London 1962, SPCK, p. 401-493.