Dẫn Nhập Tin Mừng Theo Thánh Gioan: Thể Loại Văn Chương (1)

0
2138


DẪN VÀO TIN MỪNG THEO THÁNH GIOAN

Tác giả: Lm. Tanila Hoàng Đắc Ánh, OP.

***

***

THỂ LOẠI VĂN CHƯƠNG

 

1. MỘT SÁCH TIN MỪNG

“Những điều đã được chép ở đây, là để anh em tin rằng: Đức Giê-su là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa và, nhờ tin như vậy, anh em được sống nhờ danh Người” (20,31). Đó là câu kết thúc của sách Tin Mừng theo thánh Gio-an; và câu kết thúc ấy nói lên một cách rõ ràng mục đích tác giả nhằm khi viết sách. Mà, nếu mục đích của sách là như thế, thì sách này nhằm sứ mệnh loan báo Tin Mừng. Quả vậy, loan báo Tin Mừng, theo các tông đồ, là:

– Loan báo cho muôn dân biết Đức Giê-su là Đấng Cứu độ và là Con Thiên Chúa,

– Loan báo qua các dấu lạ (x. Cv 2,22.36; 9,20; 13,33;…),

– Loan báo, để muôn dân tin cậy vào Đức Ki-tô (x. Cv 4,4.32; 5,14; 8,37; 10,43) và nhờ tin mà được sống (x. Cv 11,18; 13,46-48).

Vì thế, tuy sách được sáng tác có muộn màng hơn các sách Tin Mừng khác, nhưng sách Tin Mừng thứ tư này cũng giống các sách Tin Mừng khác, hội đủ những điều các người Ki-tô hữu đầu tiên đã loan báo.

Thứ đến, khi đọc toàn phần, chúng ta thấy sách Tin Mừng thứ tư cũng có những kết cấu và những nét chính yếu của công trình loan báo Tin Mừng như các sách Tin Mừng nhất lãm, là:

– Lịch sử cứu độ đã được hoàn toàn ứng nghiệm nơi Đức Giê-su Ki-tô, là Ngôi Lời của Thiên Chúa và đã nhập thể (1,1-18);

– Theo lời chứng của thánh Gio-an Tẩy giả, Đức Giê-su đã được Chúa Thánh Thần xuống chỉ rõ là Đấng Cứu độ (1,31-34);

– Đức Giê-su đã dùng lời nói và việc làm mà biểu lộ vinh quang của mình (1,35-12,50);

– Sách có những trình thuật về biến cố Đức Giê-su chịu chết, sống lại và hiện ra (13,1-20,20),

– Đức Giê-su trao cho các tông đồ sứ mệnh loan báo Tin Mừng, và còn ban cho các Ngài ơn Thánh Thần và quyền tha tội (20,21-29).

2. LỜI CHỨNG CỦA MỘT VỊ TÔNG ĐỒ

Trong sách, tác giả giấu tên của mình và, trên một lần, chỉ xưng mình là “người môn đệ Đức Giê-su thương mến”. Chẳng hạn, khi nói về việc Giu-đa nộp Thầy (13,23), khi nói về việc Đức Giê-su trối người môn đệ mình thương mến cho Đức Ma-ri-a (19,26),[1] khi tường thuật việc thánh Phê-rô và người môn đệ Đức Giê-su thương mến chạy ra mồ (20,2), khi kể lại cuộc đối thoại giữa Đức Giê-su và thánh Phê-rô về số phận của người môn đệ Đức Giê-su thương mến (21,20). Tác giả còn kêu chứng như vậy trong đoạn nói về việc “một môn đệ khác” dẫn thánh Phê-rô vào sân dinh thượng tế (18,15) và về việc “một người xem thấy và làm chứng” về một người lính lấy giáo đâm vào cạnh sườn Đức Giê-su (19,34-35).

Mà, theo sách Công vụ tông đồ, một lời chứng của một người môn đệ như vậy là một lời chứng của một vị tông đồ. Quả vậy, tông đồ là người thường xuyên có mặt bên cạnh Đức Giê-su “từ khi ông Gio-an làm phép rửa cho Người cho đến ngày Người được cất nhắc khỏi chúng ta” (Cv 1,22 tt), và đối tượng chính yếu của sứ mệnh tông đồ, là làm chứng rằng Đức Giê-su đã sống lại (Cv 1,22). Mà người môn đệ Đức Giê-su thương mến đã được mời gọi ngay từ đầu, lại còn thuộc số người “ăn uống” với Đức Giê-su Phục sinh (Cv 10,41; Ga 21,13). Ông đã thấy mồ trống: về việc này, lời chứng của ông nối tiếp lời chứng của thánh Phê-rô và cũng có giá trị như lời chứng của vị thánh này (20,3-8). Thứ đến, sách của ông cũng chỉ muốn là lời chứng về sự Đức Giê-su sống lại: nhiều lần, ông còn nhấn mạnh rằng chỉ có biến cố Phục sinh mới mạc khải được ý nghĩa của những sự kiện khác trong lịch sử cứu độ (2,22; 6,62; 7,37-39; 12,16; 20,9).

Vì thế, sách Tin Mừng thứ tư là một lời chứng của một vị tông đồ. Và, theo tác giả của sách, làm chứng như vậy là thực thi điều Đức Giê-su đã dạy trong bữa Tiệc ly, rằng: “Cũng vậy, anh em cũng phải làm chứng, vì anh em đã ở với Thầy từ đầu” (15,27; Xc. 17,20).

3. MÔI TRƯỜNG VĂN HÓA

Tuy là một sách Tin Mừng và là lời chứng của một vị tông đồ, tác phẩm của thánh Gio-an cũng có những nét riêng biệt làm cho nó khác hẳn với các sách Tin Mừng nhất lãm. Thay vì những danh từ và ý niệm cụ thể, như: Nước Thiên Chúa, tác giả thường dùng những danh từ và ý niệm trừu tượng, như: sự sống, ánh sáng, vinh quang,v.v. Trong sách lại có nhiều diễn từ có công thức “Êgo êimi” (chính Ta là) với những tượng trưng đi theo công thức ấy, như: bánh, cửa, mục tử, gốc nho, v.v. Thứ đến, trong sách, còn có những cuộc đàm luận thường theo một lược đồ, bắt đầu từ một lời bí ẩn của Đức Giê-su thoạt nghe không ai hiểu, để rồi đi đến việc mặc khải một mầu nhiệm. Sau hết, tác giả nhấn mạnh về tri thức, thường dùng những từ và nghĩa mâu thuẫn, như: sáng/tối, thật/giả, cao/thấp, thế gian/Thiên Chúa. Tất cả những điều ấy làm nên một văn thể riêng biệt. Nhưng văn thể đó là gì?

Một cách tổng quát, chúng ta có thể nói như sau: sách Tin Mừng thứ tư có liên hệ ít nhiều với ba trào lưu này, là: Hy-lạp, Ngộ đạo và Do-thái.

1) Trào lưu Hy-lạp

Thánh Gio-an gần gũi với văn hóa Hy-lạp hơn các tác giả Tin Mừng khác. Ngài có quan tâm hoặc thường nói đến: tri thức, chân lý, nhất là sử dụng từ “Lôgôs” (Lời) và các ẩn dụ. Lý do là vì văn chương Hy-lạp đã đi vào văn chương Do-thái. Hai nền văn hóa, tuy giống nhau trên mặt chữ, nhưng lại rất khác nhau về tư tưởng. Chẳng hạn:

– Theo thánh Gio-an, tri thức không phải là diễn tiến từ tri thức khoa học hoặc triết học lên tới tri thức Đấng Hiện Hữu, nhưng là diễn tiến từ đức tin lên tới Ngôi Lời nhập thể và Thiên Chúa Ba Ngôi (Ga 1,18).

“Lôgôs” trong sách Tin Mừng thứ tư không phải là một thọ sinh ở giữa Thiên Chúa và vũ trụ, mà là Người Con Thiên Chúa, Người Con tiên hữu hoàn toàn kết hiệp với Chúa Cha trong hành động.

2) Trào lưu ngộ đạo

Sách Tin Mừng thứ tư và các sách ngộ đạo có giống nhau về danh từ và về hình ảnh. Từ hai thế kỷ nay, người ta đặt sách Tin Mừng thứ tư vào trong trào lưu ngộ đạo. Thuyết Ngộ đạo chủ trương có thể cứu độ con người. Con người đầu tiên đã sa lầy và, bây giờ, muốn vươn lên cùng Thiên Chúa là nguồn ánh sáng và sự sống, vươn lên bằng cách thấu hiểu các chân lý tôn giáo quan trọng hoặc qua sự xuất thần và, do đó, qua sự khinh chê những thực tại vật chất hoặc thể xác, vì những thực tại ấy bị đồng hóa với sự dữ.

Tuy nhiên, đạo lý của những danh từ và hình ảnh của hai lý thuyết thật là khác nhau. Quả vậy, trong sách Tin Mừng thứ tư, công thức “Êgo êimi” và những tượng trưng đều có đặc tính Thánh Kinh và liên quan đến ơn cứu độ. Những tên gọi của Đức Ki-tô thì giống với những tên gọi của Đức Khôn ngoan trong Cựu Ước. Sự sống Người ban là sự sống vĩnh cửu sau ngày cánh chung theo quan niệm Do-thái giáo và Ki-tô giáo, một sự sống hiện có và trọn vẹn trong bản thân của Người. Những mâu thuẫn sáng/tối, thật/giả, cao/thấp, thế gian/Thiên Chúa trong sách Tin Mừng, đều có tính cách tôn giáo và luân lý, bắt nguồn từ truyền thống Do-thái, minh triết và khải huyền.

Nhân dịp cũng nên nhắc đến quan niệm của thuyết Ngộ đạo và sách Tin Mừng thứ tư về Thiên Chúa và sự tri thức. Trong sách Tin Mừng, Thiên Chúa là Thiên Chúa sáng tạo vạn vật, một quan niệm trái ngược với “triết lý nhị nguyên” siêu hình của thuyết Ngộ đạo. Còn về trí thức, trong sách Tin Mừng, thì đó là một niềm tin vào Đức Giê-su lịch sử (6,29), dựa trên lời chứng và thuộc lãnh vực tín lý, nếu xét về căn bản.

Nói tóm lại, giữa sách Tin Mừng thứ tư và triết lý ngộ đạo, không có mối tương quan rõ ràng và sâu rộng về phương diện tín lý.[2]

3) Trào lưu Do-thái

Với thời gian và khoa học, người ta ngày càng thấy mối tương quan chặt chẽ giữa sách Tin Mừng với văn chương Thánh Kinh, Do-thái và Cum-ran.

a) Về mối tương quan với Cựu ước: Trong sách Tin Mừng thứ tư, có những cách đặt câu của tiếng Sê-mít, những chuyện hoặc những lời mượn ở Cựu Ước, nhất là những đề tài trong văn chương minh triết, như: nước, man-na, mục tử, vườn nho, Đền thờ. Đó là những dấu chứng rõ ràng rằng tác giả đã sử dụng Cựu ước, tuy cách sử dụng có tính cách độc đáo.

b) Về mối tương quan với văn chương Do-thái, nói chung: Sách Tin Mừng thứ tư còn có nhiều điểm giống với văn chương Do-thái về cách suy luận, lối sáng tác và những kiểu nói thông dụng thời ấy, nhất là những phong tục và lề lối suy tư của môi trường Do-thái tại Pa-lét-ti-na vào thế kỷ I. Tuy nhiên, những điểm giống nhau ấy chỉ là hời hợt. Gia dĩ, sách Tin Mừng còn đối chọi với Do-thái giáo (Xc. Ga 9,22; 12,42) vì, xét về phương diện mặc khải, đạo Do-thái đã lỗi thời. Chẳng hạn:

– Thay vì Đức Khôn ngoan được nhân hóa trong luật Mô-sê, thì Ki-tô giáo có Ngôi Lời, Đấng ban sự sống và ánh sáng, mạc khải Chúa Cha cho loài người.

– Tác giả còn như chống đối việc suy tôn quá đáng vai tuồng của ông Gio-an Tẩy giả (1,8.15.30; 5,35). Theo tác giả, ông Gio-an Tẩy giả chỉ là một chứng nhân, phải nghiêng mình trước Đấng đến sau ông (1,7.19.36; 3,27-30; 5,33; 10,40 tt).

Vì những sự việc ấy, có lẽ sách Tin Mừng thứ tư đã ra đời trong môi trường Ki-tô giáo quen thuộc, về mặt văn hóa, với một Do-thái giáo nặng về minh triết và pháp luật và, thứ đến, sách cảnh giác đề phòng khuynh hướng đề cao Do-thái giáo và thánh Gio-an Tẩy giả.

c) Về mối tương quan với văn chương Cum-ran: Văn kiện Cum-ran, được khám phá từ năm 1947, cho thấy một môi trường Do-thái nữa, giống với môi trường sách Tin Mừng thứ tư. Đôi bên đều có đề cập đến một số vấn đề. Chẳng hạn: ánh sáng/tối tăm, chân lý/giả dối, cộng đoàn của mình khai mạc thời đại cánh chung. Vị Thầy công chính đóng vai trò chủ yếu và, cũng vậy, Tinh Thần Chân Lý cũng rất là quan trọng.

Tuy nhiên, giữa hai văn kiện, có nhiều điểm khác nhau. Sách Tin Mừng thứ tư không quá nặng về khía cạnh khải huyền và tinh thần câu nệ luật pháp. Cũng vậy, trong sách Tin Mừng, Đức Giê-su là Đấng Mê-si-a, mà cũng là Thiên Chúa, còn Vị Thầy Công chính mà giáo phái Cum-ran gọi là Mê-si-a, không phải là Thiên Chúa. Hơn nữa, Đức Giê-su cứu độ những ai tin vào Người, còn Vị Thầy Công chính thì chuẩn bị tâm hồn đón nhận ơn cứu độ mà thôi.[3]

4. VĂN THỂ TƯỢNG TRƯNG

Để nói lên tư tưởng thần học, thánh Gio-an thường dùng văn thể tượng trưng: nhân vật, sự việc và cả con số đều có thể mang một ý nghĩa. Dưới đây là một vài tượng trưng thường gặp.

1) Nhân vật

Trong sách Tin Mừng thứ tư, các nhân vật vừa là những nhân vật lịch sử, lại vừa mang ý nghĩa tượng trưng. Hai môn đệ An-rê và Phi-líp-phê là những mẫu người môn đệ tuyệt đẳng và còn là những mẫu người tông đồ có nhiệm vụ đem thiên hạ đến cùng Đức Giê-su. Dưới cây thập giá, Đức Ma-ri-a là Bà E-va mới, nghĩa là Giáo Hội ra đời (Xc. St 2,21-23).

2) Các sự việc

Trong sách Tin Mừng thứ tư, nước có thể chỉ sự khôn ngoan hoặc giáo huấn của Thiên Chúa (Ga 4,14; Cn 18,4) và, hơn nữa, Thánh Thần (Ga 7,37-38). Rượu ngon trong tiệc cưới tại Ca-na chỉ giáo huấn của Đức Giê-su đối với giáo huấn của ông Mô-sê. “Đêm” nói ở Ga 13,30 chỉ thế lực đen tối chống đối Đức Giê-su. Chiếc áo dài của Đức Giê-su không có đường khâu và không bị xé (Ga 19,23-24), cũng như chiếc lưới đầy cá mà không bị rách (21,11), cả hai ám chỉ Giáo Hội phải là duy nhất. Có rất nhiều loại cá trong lần đánh cá nói ở Ga 21,11, nghĩa là có nhiều người tín hữu thuộc mọi thời đại trong Giáo Hội.

3) Các con số

Con số 7 tượng trưng cho sự viên mãn. Định nghĩa về mình ở Ga 7,28 tt, Đức Giê-su nói Người là Êgo êimi (chính Ta là) và cách nói mầu nhiệm ấy đếm được 7 lần. Ở Ga 21,2, có 7 người môn đệ dự bữa với Đức Giê-su, tượng trưng cho tất cả các môn đệ. Giờ thứ bảy là giờ chiến thắng tử thần (4,52). Trái lại, số 6 tượng trưng cho sự bất toàn, vì thiếu một. Đức Giê-su đi đường bị mỏi mệt vào giờ thứ sáu (4,6). Người bị lên án cũng vào giờ thứ sáu (19,14). Trong bữa tiệc cưới tại Ca-na, chỉ có 6 chum nước và, do đó, cần phải được thanh tẩy (2,6). Số 153, xuất phát từ số 17. Mà số 10 tượng trưng cho sự đông đảo, còn số 7 tượng trưng cho sự trọn vẹn. Nên số 153 chỉ sự đông đảo trọn vẹn. Nếu cá tượng trưng cho người Ki-tô hữu, thì lưới bắt được 153 con cá, có nghĩa là qui tụ được tất cả các tín hữu thuộc mọi thời đại, và đó là Giáo Hội vô cùng đông đảo (Ga 21,11).

5. MỘT SÁCH TIN MỪNG “THIÊNG LIÊNG”

Khi đối chiếu với các sách Tin Mừng nhất lãm là những sách tường thuật các sự việc theo “thể xác”, thánh Cơ-lê-men-tê thành A-lê-xan-ri-a định nghĩa sách Tin Mừng thứ tư là sách “thiêng liêng”, theo đó thánh Gio-an đã cố ý làm nổi bật ý nghĩa của lời nói và việc làm của Đức Giê-su.

Điều này, chúng ta thấy rõ. Quả vậy, tác giả sách Tin Mừng thứ tư coi các biến cố của đời sống Đức Giê-su là những “dấu hiệu”, dấu chỉ, tuy lúc đầu độc giả chưa biết dấu ấy chỉ gì. Chẳng hạn, lời tiên báo về việc tái thiết Đền thờ trong ba ngày (2,19), lời hứa ban nước sự sống (7,37), tiếng hoan hô Đấng Cứu độ ngày Đức Giê-su cưỡi lừa vào thành Giê-ru-sa-lem (12,13-15): những lời ấy, các môn đệ chỉ hiểu khi Đức Giê-su đã sống lại (2,22) và được tôn vinh (7,39; 12,16). Và còn nhiều từ ngữ khác mà người ta chỉ hiểu một khi Đức Giê-su đã chu toàn sứ mệnh và về cùng Chúa Cha. Chẳng hạn: Con Người được nâng lên (3,14; 8,28; 12,32), Đức Giê-su lên (6,62; 7,8-10; 20,17), ra đi (7,33; 8,21; 12,35; 13,33; 14,4), trở lại (14,18; 16,16) và xuống (6,32 tt; 50 tt.58), v.v….

Và chính Đức Giê-su cũng đã nói: “Thầy nói với anh em bằng dụ ngôn. Nhưng đã đến giờ Thầy không còn nói với anh em bằng dụ ngôn nữa” (16,25). Lúc còn tại dương thế, Đức Giê-su đã dùng ngôn ngữ bí ẩn, nhiệm mầu. Đó là thời mạc khải thứ nhất. Nhưng thời mạc khải thứ hai sẽ đến. Thời kỳ ấy, nghĩa là sau khi Đức Giê-su sống lại, Chúa Thánh Thần sẽ đến và sẽ mạc khải nhân danh Đức Giê-su Phục sinh, sẽ dạy dỗ và nhắc lại mọi điều Đức Giê-su đã nói với họ (14,26), dẫn đưa họ đến chân lý toàn diện (16,12 tt). Thời kỳ thứ hai này là chính thời kỳ của sách Tin mừng thứ tư, một thời kỳ được Chúa Thánh Thần soi sáng đầy đủ. Sách ấy đúng là bài chú giải những dụ ngôn của Đức Giê-su, phát hiện những mầu nhiệm mà những dụ ngôn chứa giấu, ví dụ: Đền thờ mới, tái sinh, phượng thờ theo tinh thần và theo sự thật, bánh ban sự sống, nước ban tinh thần, Con Người được nâng lên.

Hiểu như vậy, thì sách Tin mừng của thánh Gio-an còn đi vào truyền thống văn chương Do-thái, truyền thống chú giải những “dấu hiệu” và những “dụ ngôn” của Mặc khải. Tác giả của sách đã là sứ giả và chứng nhân của truyền thống Tin mừng, lại còn là nhà huấn hỗ được linh hứng. Trong công trình huấn hỗ này, lời chú giải kết hiệp chặt chẽ với việc làm và lời nói của Đức Giê-su, chặt chẽ đến nỗi lắm chỗ khó mà phân biệt đâu là lời nói, việc làm của Đức Giê-su, đâu là lời chú giải của nhân chứng.

6. MỘT TIN MỪNG VỀ GIÁO HỘI QUA PHỤNG VỤ VÀ BÍ TÍCH

Văn thể sách Tin mừng thứ tư còn hai nét độc đáo nữa, là Giáo Hội qua Phụng vụ và Bí tích. Trước hết, sách quan tâm đến phụng tự. Đời sống Đức Giê-su được mô tả trong khung cảnh đời sống Phụng vụ. Người làm phép lạ, đọc diễn từ, hô hào kêu gọi: tất cả đều liên quan đến các lễ quan trọng, và thường là trong Đền thờ. Tôn giáo mà chính Người là trung tâm, được định nghĩa đúng với các chế định phụng tự và các nghi lễ của Do-thái giáo, tuy là một phụng tự mới mẻ về tinh thần và về chân lý.

Đàng khác, mật độ tôn giáo của các diễn văn, đặc tính của các hình ảnh, như: con chiên, Đền thờ, nước, bánh, mục tử, gốc nho, v.v., sự biến bi kịch Tin mừng thành một cuộc xung đột giữa ánh sáng và tối tăm, giữa thế gian và Thiên Chúa, và sự sử dụng bất ngờ các đại từ “chúng tôi” (1,14; 3,11), “anh em” (19,35; 20,31): những điểm ấy cho sách Tin mừng một đặc tính phụng vụ. Lời nguyện của Đức Giê-su, cũng gọi là lời nguyện cầu cho Linh mục (17,1-24), được trình bày theo các kinh nguyện trọng thể của Cộng đoàn Ki-tô hữu. Sau hết, một đôi trang, như: Lời tựa, diễn từ về tình yêu của Thiên Chúa và về sự lên án (3,16-21), chúng ta có thể coi đó là những thánh thi bằng phú (prose rythmée).

Từ đó, có người kết luận rằng Sách Tin mừng của thánh Gio-an là một sách phụng vụ: những phần trình thuật của sách thì do chủ tế đọc, các phần Thánh thi thì do ca đoàn đọc hoặc hát. Nói như vậy là mạo hiểm. Tuy nhiên, chắc là sách có liên quan với huấn giáo, đặc biệt là huấn giáo về Phục sinh và Bí tích. Có bao nhiêu đoạn ám chỉ các bí tích? Thật khó mà xác định. Nhưng cuộc đàm luận giữa Đức Giê-su và ông Ni-cô-đê-mô (3,1-21) có tất cả các yếu tố của một bài huấn giáo về phép Rửa tội, tựa như bài ở Ep 5,8-14; còn theo trình thuật về việc Đức Giê-su chữa người mù thuở mới sinh (9,1-39), thì tác giả hình như muốn nói rằng được rửa tội là được soi sáng và có lẽ, theo trình thuật về phép lạ Đức Giê-su làm tại Bét-da-tha (5,1-14.24 tt; 7,21-24), thì được rửa tội là được sống lại.

Trong chương VI, có cả một số giáo lý về bí tích Thánh Thể. Mầu nhiệm Vượt qua Ki-tô giáo thay thế mầu nhiệm Vượt qua Do-thái giáo: trong sách, chỗ nào cũng gặp thấy tư tưởng này (1,29.36; 2,13; 6,4; 19,36). Thay thế các nghi lễ thanh tẩy của Do-thái giáo (2,6; 3,25), thì có sự thanh tẩy các linh hồn bằng Lời của Đức Giê-su (15,3), và còn có quyền năng tha tội bởi phép Thánh Thần (20,22 tt). Sách Tin mừng quy chiếu đời sống Đức Ki-tô với Mầu nhiệm Ki-tô giáo mà người tín hữu đang sống qua việc phụng tự và qua các bí tích. Khi quy chiếu, tác giả còn được cái ưu huệ này, là: một đàng, nhờ mắt thấy tai nghe Đức Ki-tô, nên tác giả đã móc nối một cách dễ dàng đời sống bí tích của Giáo Hội và lời nói việc làm của Ngôi Lời Nhập thể, và, đàng khác, nhờ kinh nghiệm bản thân về đời sống Giáo Hội, nên tác giả còn khám phá, trong những bối cảnh Tin mừng còn nóng hổi trong ký ức, những khía cạnh đã không được mặc khải tức thời (7,39).

Vậy, Sách Tin mừng thứ tư là một tác phẩm phức tạp. Lúc ban sơ, Tin Mừng được loan báo dựa trên lời chứng của một vị tông đồ. Thì sách Tin mừng của thánh Gio-an cũng là Tin mừng theo nghĩa ấy… Nhưng, đồng thời, sách Tin mừng ấy là điểm tới của sức cố gắng dưới sự hướng dẫn của Thánh Thần, nhằm thấu hiểu Mầu nhiệm đời sống Đức Giê-su. Trong sức cố gắng ấy, có những đoạn bút chiến về giáo lý, những cách diễn tả theo lối Hy-lạp cũng như cuộc xung đột đưa đến sự đoạn tuyệt với Do-thái giáo. Những yếu tố ấy đã đánh dấu trên sức cố gắng, và đã ảnh hưởng trên hình thức văn chương của sách. Tuy nhiên, điều nổi bật hơn cả trên các trang sách Tin mừng thứ tư này, là Mầu nhiệm Giáo Hội, một Giáo Hội dùng các Bí tích mà đồ lại những cử chỉ, lời nói và việc làm của Đức Giê-su.


[1] Xc.TOB, 2583, e.
[2] Xc. R. Schnackenburg, Présent et futur, Paris 1969, Cerf, 149-169.
[3] Xc. J. Dheilly, Qumran.