DẪN VÀO TIN MỪNG THEO THÁNH GIOAN
Tác giả: Lm. Tanila Hoàng Đắc Ánh, OP.
***
***
NGÔN NGỮ VÀ LỜI VĂN
1. NGÔN NGỮ
Sách Tin Mừng thứ tư được viết bằng tiếng Hy-lạp bình dân, gọi là “kôine”, thông dụng trong vùng Địa trung hải vào thế kỷ thứ I. Hơn nữa, tiếng gốc là tiếng Hy-lạp, nhưng do một người Sê-mít viết. Ảnh hưởng Sê-mít được biểu lộ trong từ ngữ. Khoa học phê bình ngày càng công nhận rằng ngôn ngữ và văn thể của sách là ngôn ngữ và văn thể Sê-mít.
1) Ngôn ngữ của sách đầy những từ ngữ Sê-mít
Ví dụ:
– Vô ra, nghĩa là đi lại thường ngày (10,9);
– Gieo vào lòng, nghĩa là xui giục (13,2);
– Làm chân lý, nghĩa là sống đúng theo chân lý Chúa dạy (3,21);
– Việc gì cho tôi và cho bà, nghĩa là có sự lủng củng (2,4);
– Tên, nghĩa là chính con người (15,16; 17,6.11 tt.26);
– Dâm ô, nghĩa là phản bội Giao ước (8,41);
2) Văn thể của sách cũng mang màu sắc Sê-mít
Trước hết, ở trang đầu, tức là Lời tựa các mệnh đề bắt đầu bằng liên từ “và”, y như ở trang đầu sách Sáng thế ký. Thứ đến, tác giả thường dùng thể văn “mở đóng” hoặc “thủ vĩ ngâm” (Xc. Ga 1,4 và 20,31; 2,1-11 và 19,25-27; Xc. Jean (BJ/1955) 28-30). Sau hết, tác giả còn dùng các thể văn khác thuộc loại song song của ngữ pháp Híp-ri: đồng nghĩa (3,11; 6,35), đối cách (3,6; 3,36), diễn tiến (6,37), vừa diễn tiến vừa đối cách (5,44),…
Vì thế, nếu chỉ tham chiếu ngôn ngữ Hy-lạp đời mà thôi, thì không thể cắt nghĩa được những ý niệm chính yếu mà thánh Gio-an thường nói đến, như: Lời, vinh quang, chân lý, ánh sáng, xét xử, sự sống, tình yêu. Nhưng cần phải để ý đến cách sử dụng các từ ngữ ấy trong Thánh Kinh Hy-lạp và để ý đến các từ ngữ Híp-ri tương ứng trong Thánh Kinh Híp-ri.
2. LỜI VĂN
Lời văn của thánh Gio-an không được uyển chuyển như lời văn của thánh Lu-ca, cũng không linh hoạt như lời văn của thánh Mác-cô. Từ vựng của thánh Gio-an thật là hạn hẹp, đi đi lại lại cũng chỉ có vài ý niệm chính yếu nói trên. Tuy nhiên, lời văn ấy đã đạt tới mật độ đầy hùng mạnh và sinh khí hiếm có.
Cảm giác đầu tiên về toàn diện là cảm giác một thứ độc điệu hùng tráng. Cảm giác ấy phát sinh do nhiều yếu tố: một số từ lập đi lập lại. Và những câu ngắn kế tiếp nhau như sóng lúc thủy triều lên mà thành một thì vận đầy vẻ trang nghiêm phụng vụ.
Tuy trang nghiêm, lời văn ấy rất sống động. Thánh Gio-an có thiên tài truyền thông cho các danh từ trừu tượng một sự sống mới mẻ.
Thật là hồi hộp khi đọc những cuộc đối thoại chấm dứt bằng hành động ném đá: “Tôi đã cho các ông thấy nhiều việc tốt đẹp, vì việc nào mà các ông ném đá tôi?” (10,22-31; 8,31-59).
Không gì khổ tâm cho bằng khi nghe những câu như: “Người ở giữa thế gian, nhưng thế gian lại không nhận biết Người. Người đã đến nhà mình, nhưng người nhà chẳng chịu đón tiếp” (1,10-11).
Và cảm thấy lâng lâng khi cuộc đối thoại đưa lên tận đỉnh cao vút: “Thật, tôi bảo thật các ông: trước khi có ông Áp-ra-ham, thì vẫn có tôi” (8,58).
Tuy nhiên, thánh Gio-an không ác nghiệt, cục cằn. Bằng chứng là ngài có những ý tưởng chan chứa tình yêu: “Phải, Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một” (3,16).
Và còn nhiều câu khác đầy tràn âu yếm, nói lên tình của mục tử đối với đàn chiên (10,11-15), tình nghĩa Thầy trò lúc vĩnh biệt (13,33), tiếng người Phục sinh gọi cô Ma-ri-a đang khóc bên mồ (20,16) và tâm trạng bình thản của Đức Giê-su trên thập giá: một vài lời để giao phó loài người cho Đức Ma-ri-a (19,26) hoặc để công bố bế mạc công trình cứu độ (19,30).
3. BẢN VĂN
Bản văn của sách Tin Mừng thánh Gio-an thật là đông đặc và vắn gọn. Nhưng, khi truyền lại, người chép đã thêm vào những tiếng phụ, như: đại danh từ, túc từ, chủ từ, động từ, cho bản văn dễ hiểu hơn. Vì thế, đôi khi, bản văn không còn rắn rỏi như xưa.
Với khoa học ngày nay, các nhà Thánh Kinh ra công tìm lại bản văn nguyên thủy. Nhà xuất bản khoa học nhất về môn này có lẽ là “The Greek New Testament”.[1]
Còn về cảo bản, thì có lẽ Xi-nai-ti-cô là cảo bản trung thực nhất đối với nguyên văn.
***
THƯ TỊCH
1. La Bible de Jérusalem. Paris 1988, Cerf.
2. La Bible Traduction ecuménique de la Bible (TOB), Édition intégrale. Paris 1988, Cerf
3. La Bible (E. Osty và J. Trinquet), Paris 1973, Seuil.
4. Grelot P., Les Juifs dans l’Évangile selon Jean, Paris 1995, Gabalda.
5. The New Jerome biblical Commentary, London 1990, Prentice – Hall.
6. Boismard M.E., LӃvangile de Jean, Paris 1977, Cerf.
7. Brown R. E., The gospel according to John, The Anchor Bible 29 quyển, New York 1970, Doubleday.
8. Dodd C.H., The Interpretation of the Fourth Gospel, Cambridge 1963, At the University Press.
9. Barrett C.K., Saint John, London 1962, S.P.C.K.