Công Đồng Vatican II Và Việc Giải Thích Kinh Thánh

0
669


Vũ Văn An

(Phóng dịch bài Vatican II on The Interpretation of the Bible,

của Đức HY Avery Dulles, S.J. thuộc Đại Học Fordham University,

đăng trên tạp chí Letter & Spirit 2 (2006): 17–26)

 

Trong cách hiểu Công Giáo, Thánh Kinh không tự mình đầy đủ. Nó không xác định được nội dung, xác minh được tính linh hứng của nó, hay tự giải thích được. Thánh Kinh là hồng phúc Thiên Chúa ban cho Giáo Hội, người gìn giữ và giải thích nó một cách có thẩm quyền. Công Đồng Trent và Công Đồng Vatican II đã làm rõ các điềm này. Một cách tóm tắt, Vatican II tuyên bố rằng thánh truyền, Thánh Kinh và huấn quyền “được liên kết và nối kết chặt chẽ với nhau đến nỗi cái này không thể đứng vững nếu không có cái kia” (Dei Verbum 10).

Nói cách khác, không điều gì đáng tin nếu chỉ dựa vào thế giá của một mình thánh truyền, hay của một mình Thánh Kinh hoặc của một mình huấn quyền. 

Vatican II bàn về Thánh Kinh một các minh nhiên nhất tại chương ba của Hiến Chế về Mạc Khải Thần Linh, Dei Verbum, nhất lả ở tiết 12.

Dei Verbum 12, tức tiết đặt để các nguyên tắc Công Giáo cho việc giải thích Thánh Kinh, có tầm quan trọng rất lớn nhưng cũng là tiết thường hay bị hiểu lầm. Năm 1988, hồi còn là HY Joseph Ratzinger, Đức Bênêđíctô XVI từng viết rằng: 

“Bản thân tôi thực sự xác tín rằng cẩn thận đọc toàn bộ bản văn của Dei Verbum sẽ giúp ta các yếu tố chủ yếu để có được một tổng hợp giữa phương pháp sử học và khoa giải thích thần học, nhưng sự nối kết này không hề dễ hiểu. Vì lý do này, việc tiếp nhận sau công đồng, trên thực tế, đã bác bỏ các phần có tính thần học trong các phát biểu của nó, coi chúng như một nhượng bộ đối với quá khứ và chỉ nhận bản văn như là một xác nhận tuyệt đối chính thức cho phương pháp phê phán dựa trên sử học. Ta có thể liệt việc tiếp nhận Công Đồng một chiều này vào cột lời của sổ tài khoản, căn cứ vào việc các dị biệt tuyên tín giữa các khoa chú giải Công Giáo và Thệ Phản đã hầu như tiêu tán sau Công Đồng. Cột lỗ của việc này hệ ở sự kiện này: đến nay, việc cắt đứt liên hệ giữa khoa chú giải và tín lý trong lãnh địa Công Giáo đã trở nên toàn diện và đối với cả người Công Giáo, Thánh Kinh đã trở thành lời của quá khứ, mà mọi cá nhân cố gắng chuyên chở tới hiện tại theo cách riêng của mình, mà không hề đặt nhiều tin tưởng vào chiếc bè mình đáp. Đức tin như thế chìm xuống thành thứ triết lý sống mà cá nhân tìm cách gạn lọc bao nhiêu có thể từ Thánh Kinh. Tín điều, vì hết khả năng dựa trên cơ sở Thánh Kinh, nên mất hết tính chắc chắn. Thánh Kinh, vì tự cắt đứt khỏi tín điều, nên trở thành một văn kiện của quá khứ và chính bản thân nó cũng thuộc về quá khứ” (1) 

Những lối dịch khiến người ta ra sai lạc 

Ý niệm cho rằng Công Đồng tán dương khoa chú giải dựa trên phương pháp phê bình sử học, coi nó như qui luật tối cao của đức tin, quả là một giải thích sai lạc nghiêm trọng. Tuy nhiên, theo Đức HY Allen Dulles, S.J. của Đại Học Fordham, sự sai lầm kia đã được nhiều bản dịch tiếng Anh phổ thông nhất hỗ trợ. 

Đoạn đầu của tiết Dei Verbum 12 đưa ra một phân biệt chủ yếu giữa hai kiểu chú giải. Tiết này cho rằng, người giải thích phải cố gắng khám phá ra điều các soạn giả thánh thực sự muốn nói và điều được Thiên Chúa vui lòng tỏ lộ qua lời lẽ của họ. Bản La Tinh viết như sau: “attente investigare debet, quid hagiographi reapse significare intenderint et eorum verbis manifestare Deo placuerit.” 

Bản do Austin Flannery (2) chủ biên dịch như sau: Nhà chú giải … “phải cẩn thận tìm ra ý nghĩa mà tác giả thánh thực sự có ở trong đầu, ý nghĩa mà Thiên Chúa có ý định muốn tỏ lộ qua lời lẽ của họ”. Bản dịch này bỏ mất chữ “và” trong nguyên bản La Tinh và thay thế bằng “ý nghĩa mà”, ngụ ý cho rằng Thiên Chúa không thể tỏ lộ bất cứ điều gì khác hơn điều các tác giả thánh có trong đầu. 

Bản do Norman Tanner chủ biên còn sai lạc hơn nữa (3). Nó dịch như sau: Nhà chú giải phải “cẩn thận điều tra ý nghĩa mà các soạn giả Thánh Kinh có ở trong đầu; nghĩa đó cũng là nghĩa Thiên Chúa chọn để tỏ lộ qua lời lẽ của họ”. Cụm từ “nghĩa đó cũng là” không hề có trong bản La Tinh. 

Chỉ có bản do Walter Abbott và Joseph Gallagher chủ biên là dịch chính xác (4) “nhà chú giải… phải cẩn thận điều tra ý nghĩa mà các soạn giả thánh thực sự muốn nói và điều Thiên Chúa muốn tỏ lộ qua lời lẽ của họ”. 

Bản tiếng Việt năm 1972 của Giáo Hoàng Học Viện Piô X Đà Lạt cũng đã dịch đúng như sau: “nhà chú giải Thánh Kinh phải cẩn thận tìm hiểu điều các thánh sử thực sự có ý trình bày và điều Thiên Chúa muốn diễn tả qua lời lẽ của họ”.

Tuy nhiên, chỉ căn cứ vào câu trên mà thôi, ta vẫn chưa giải quyết được vấn đề liệu hai nghĩa kia có đồng nhất với nhau hay không. 

Lịch sử của bản văn cho thấy bản thảo trước đó của câu này chỉ nhắc tới ý nghĩa trong đầu của các soạn giả thánh. Câu sau được thêm vào giúp đưa lại một khoa chú giải thực sự có tính thần học. 

Cả hai hình thức hay hai giai đoạn chú giải đó đều cần thiết. Lời giải thích chính thức (Relatio) đưa ra ngày 3 tháng Bẩy, năm 1964, nói rằng khoa chú giải chỉ có tính thuần lý mà thôi không đủ (5). Lời giải thích này và lời giải thích ngày 20 tháng Mười Một năm 1964 cùng đều quả quyết: Công Đồng không muốn giải quyết vấn đề đang tranh luận về “sensus plenior.” (nghĩa đầy đủ hơn) (6).

Nhưng như ta sẽ thấy, không dễ gì có thể dung hòa giáo huấn của Dei Verbum 12 với ý niệm cho rằng Thánh Kinh không hề có nghĩa nào khác ngoài nghĩa trong đầu của các soạn giả Thánh Kinh. 

Câu mở đầu trên đây dẫn vào hai đoạn kế tiếp, tức đoạn 2 và đoạn 3 của Dei Verbum 12. Đoạn 2 nói về điều các soạn giả thánh muốn nói, trong khi đoạn bắt đầu bằng chữ Sed (“nhưng” hay “đàng khác”) nói về ý nghĩa Chúa muốn nói (7). 

Ở đây, Công Đồng khai triển dựa trên sự phân biệt vốn được thông điệp Divino Afflante Spiritu của Đức Piô XII đưa ra giữa “ ‘nghĩa chiểu tự” của lời muốn nói và được soạn giả thánh phát biểu” và nghĩa thiêng liêng “do Chúa muốn nói và truyền ban” (8).

Nghiên cứu sử học và văn từ

Trước khi đi vào các ý nghĩa đệ nhị đẳng, ta nên vắn tắt khảo sát điều Công Đồng muốn nói về bình diện đệ nhất đẳng. Như được hiểu trong Divino Afflante Spiritu và Dei Verbum, việc nghiên cứu sử học và văn từ nhằm mục đích phát hiện điều các soạn giả thánh muốn nói và đã nói. 

Sau khi đã nghiên cứu đầy đủ về ngôn ngữ và các hoàn cảnh lịch sử, kỹ thuật chú giải đòi nhiều loại phê bình khác nhau: phê bình bản văn để xác định bản văn tốt nhất, phê bình nguồn gốc để xác định việc tùy thuộc các bản văn trước đó về phương diện văn từ, phê bình văn từ để xác định các phương tiện tu từ và văn phong, phê bình thể loại (form) để xác định thể văn và hoàn cảnh sống trong đó bản văn đã được sọan tác, và phê bình cách soạn thảo để xác định cách thế soạn giả cuối cùng sắp xếp các tư liệu cho phù hợp với các quan tâm mục vụ và văn chương của mình (9).

Theo chân Divino Afflante Spiritu, Dei Verbum 12 rất chú trọng việc phê bình văn từ và phê bình thể loại. Theo tiết này, “cần phải chú ý tới thể loại thông thường và đặc biệt mô tả cách nhận thức, cách nói, cách thuật truyện thịnh hành thời ấy”. Muốn biết cách áp dụng các nguyên tắc này ra sao, ta có thể xem Dei Verbum 19. Khi thảo luận tính lịch sử của các Tin Mừng, Công Đồng nhấn mạnh rằng các phúc trình nguyên thủy về “lời nói và việc làm của Chúa Giêsu” đã trải nghiệm nhiều khai triển ngay ở giai đoạn truyền khẩu vì sứ điệp của Người được diễn đạt lại để giải quyết các tình huống khác nhau của các Giáo Hội. Như thế, các soạn giả thánh, khi soạn ra bốn Tin Mừng, đã thực hiện nhiều thích ứng dựa theo các viễn ảnh văn chương và thần học của họ. 

Để hiểu một cách chính xác, ta phải đọc Dei Verbum 19 dưới ánh sáng chỉ thị năm 1964 của Ủy Ban Giáo Hoàng về Thánh Kinh liên quan tới sự thật của các Tin Mừng (10), mà chúng tôi có nhắc tới ở phần chú thích. Chỉ thị này nói một cách đầy đủ hơn về ba giai đoạn của truyền thống Tin Mừng. Dù chủ trương rằng cả bốn Tin Mừng đều có tính lịch sử chân chính, nhưng Công Đồng lưu ý ta rằng chúng không phải hay không có ý định là những phúc trình hay mô tả nguyên văn như những cuộn băng ghi âm. Các Tin Mừng đều là những văn kiện để tuyên xưng, do đức tin viết cho ra đức tin. Cái hiểu rộng rãi về tính lịch sử ấy của Công Đồng rõ ràng đã loại bỏ cái hiểu quá giản lược của người cực đoan. 

Khi bàn về bình điện đệ nhất đẳng của ý nghĩa, Công Đồng đã dành nhiều tự do cho các nhà chú giải trong việc áp dụng các qui luật trong tay nghề của họ. Công Đồng không ấn định họ phải xử với bản văn thánh khác với một bản văn đời. Nhưng ở đoạn cuối, Dei Verbum 12 lại nói tới điều có thể gọi là khoa chú giải thần học hay thiêng liêng. Muốn mang ý nghĩa của bản văn thánh ra ánh sáng một cách chính xác, nhà chú giải phải lưu ý điều này Thánh Kinh là Lời linh hứng của Thiên Chúa (11).

Đọc trong Thần Khí

Đoạn ba trong Dei Verbum 11 bắt đầu bằng việc nhắc lại rằng vì bản văn Thánh Kinh được linh hứng, như trước đó đã xác nhận trong Dei Verbum 11, nó phải được đọc trong cùng một Thần Khí nhờ đó nó đã được viết ra. Muốn vào được ý nghĩa của bản văn thánh, ta phải dựa vào Chúa Thánh Thần và đức tin, vốn là ơn Chúa Thánh Thần. Đến đây, bản văn chưa đi vào ý nghĩa mà Chúa Thánh Thần muốn tỏ lộ cho các độc giả cá nhân để họ được lợi ích thiêng liêng; chủ đề này sẽ được bàn tới tại chương 6 của Dei Verbum (12). 

Nhiều giáo phụ, trong đó có Origen, Thánh Giêrôm và Thánh Grêgôriô Cả, dạy rằng phải có một ái lực thiêng liêng giữa nhà chú giải và bản văn. Phong trào đan viện thời trung cổ đã tạo ra truyền thống lectio divina rất phong phú, một thực hành ngày nay vẫn còn được áp dụng có hiệu quả dưới danh nghĩa chú giải thiêng liêng (spiritual exegesis). Tuy nhiên, trong chương này, hiến chế quan tâm tới ý nghĩa khách quan, tức ý nghĩa dành cho mọi độc giả và toàn thể Giáo Hội nói chung. Hiến chế chưa lưu tâm tới lối chú giải đặc sủng tùy ý, mà là lối giải thích theo phong thái thần học, tức phong thái khoa học theo cách riêng của nó. 

Dei Verbum 12 đề xuất 3 qui luật: tính thống nhất của Thánh Kinh, truyền thống của Giáo Hội và loại suy đức tin (analogy of faith). Ta cần xem sét từng qui luật một. 

Nói về tính thống nhất của Thánh Kinh, Dei Verbum coi Thánh Kinh trong tính toàn bộ của nó như một cuốn sách duy nhất, do Thiên Chúa linh hứng. Nó là Lời của Thiên Chúa theo nghĩa Người tự biến mình thành tác giả của nó qua việc linh hứng. Vì linh hứng tác động lên mọi soạn giả như một nhóm, nên nó không phải chỉ là một hiện tượng cá thể. Nó bảo đảm rằng Thánh Kinh, xét trong toàn bộ, cho ta nền tảng vững chắc trên đó Giáo Hội xây dựng các niềm tin của mình, cả hệ thống luân lý và sinh hoạt thờ phượng của mình (13). 

Khi bàn tới linh hứng và vô ngộ, Dei Verbum 11 đã cho thấy: Công Đồng thừa nhận phần đóng góp nhân bản của các soạn giả thánh với mọi giới hạn bản thân và văn hóa của họ. Vatican nói một cách thoải mái tới việc không những Thiên Chúa là “soạn giả” Thánh Kinh, mà cả các soạn giả nhân bản cũng là “các soạn giả đích thực” của nó nữa (14). 

Trong Dei Verbum 11, khi nói tới tính vô ngộ, Công Đồng tự chế không minh nhiên quả quyết rằng mọi câu tuyên bố trong Thánh Kinh đều chân thực cả. Thay vào đó, Công Đồng chỉ nói rằng các sách Thánh Kinh (số nhiều) giảng dạy một cách chắc chắn và không lầm lạc sự thật này: Thiên Chúa muốn cam kết với chúng vì phần rỗi chúng ta. 

Tính thống nhất của Thánh Kinh, dựa trên ơn lính hứng của Thiên Chúa, có tầm quan trọng quyết định trong việc Kitô hữu đọc Cựu Ước. Trong chương này, Công Đồng quả quyết rằng các sách Cựu Ước “đạt được và bày tỏ được ý nghĩa đầy đủ của chúng (significationem completam) nơi Tân Ước… và ngược lại cũng soi sáng và giải thích cho Tân Ước” (Dei Verbum 16). Việc từ tiên tri bước qua thành toàn và từ tiên trưng (type) bước qua đối trưng (antitype) là mục chủ yếu của khoa chú giải Kitô Giáo cổ điển (15). 

Về qui luật thứ hai của khoa chú giải thần học, bản văn của chúng ta qủa quyết “truyền thống sống động của Giáo Hội phải được lưu ý” (Dei Verbum 12). 

Trước đó, tại Dei Verbum 8, Công Đồng quả quyết rằng truyền thống cần thiết để trọn bộ qui điển được biết đến và để các trước tác thánh được hiểu cách sâu xa. Rồi trong Dei Verbum 10, như đã thấy, Công Đồng khẳng định rằng Thánh Kinh và Thánh Truyền cùng tạo nên một kho tàng thánh. Do đó, sẽ không đúng nếu bảo rằng một mình Thánh Kinh, dù được khảo sát bằng khoa lịch sử phê phán, có thể chuyển giao thỏa đáng Lời Thiên Chúa. 

Dei Verbum nhấn mạnh tới sự cần thiết của “truyền thống sống động” và của huấn quyền như là nguồn cứ liệu (locus) của nó, trong việc biện phân ý nghĩa Thiên Chúa muốn nói. Một thí dụ là tập tục của Công Giáo coi những lời Chúa Giêsu ngỏ với Thánh Phêrô như là cũng ngỏ với cả các vị kế nhiệm ngài nữa, tức các vị giáo hoàng (Mt 16:18-19). 

Qui luật thứ ba được tiếng La Tinh gọi là “analogia fidei.” Bản của Abbott dịch kiểu nói này là “việc hòa hợp các yếu tố khác nhau của đức tin”. Ta biết một cách tiên thiên rằng Thiên Chúa không thể linh hứng một ý nghĩa mâu thuẫn với sự thật cô đọng trong các tín điều của Giáo Hội. Tín điều được dùng như qui luật tiêu cực nhằm loại trừ các giải thích sai lạc. Hơn thế nữa, nó rọi ánh sáng tích cực cho điều Chúa Thánh Thần muốn biểu lộ trong các bản văn Thánh Kinh. Tín điều Đức Mẹ Vô Nhiễm, chẳng hạn, giúp ta hiểu sâu xa hơn kiểu nói “đầy ơn phúc” (dịch chữ Hy Lạp rất hiếm là kécharitôménê) do thiên thần sử dụng để gọi Đức Maria lúc Truyền Tin. 

Chuyển động ngược chiều từ tín điều trở về nguồn Thánh Kinh vốn là một phương pháp được chấp thuận, được Đức Piô XII nói tới trong thông điệp Humani Generis (16). Nhưng trong thông điệp này, Đức Giáo Hoàng cảnh cáo rằng thần học sẽ trở nên khô cằn nếu sao lãng việc tự đổi mới mình bằng các nguồn thánh là Thánh Kinh và Thánh Truyền. Bởi thế, Đức HY Alois Grillmeier đã nhận định một cách chính xác trong lời chú giải của ngài về Dei Verbum: 

“Ở đây, ta thấy có mối tương quan hỗ tương: truyền thống sống động của Giáo Hội giúp ta qua việc mỗi ngày nó mỗi hiểu Thánh Kinh sâu sắc hơn bằng cái hiểu của đức tin. Tuy thế, một lối đọc lại Thánh Kinh mỗi ngày mỗi đổi mới hơn phải trở thành linh hồn của thần học và của toàn thể truyền thống, để mọi sự đều được dẫn trở lại với sự viên mãn đã được thống nhất hóa ngay từ buổi đầu, nơi, mọi sự đều gắn bó với nhau” (17). 

‘Truyền thống sống động’ và giải thích thần học 

Các soạn giả Dei Verbum có lẽ đã không muốn giải quyết vấn đề còn đang tranh luận về sensus plenior hay ý nghĩa đầy đủ hơn. Nhưng đoạn nói về giải thích thần học rõ ràng thích có ý nghĩa này. Khó có thể tin rằng các soạn giả Cựu Ước nắm được mọi ý nghĩa sâu xa hơn của những lời họ viết như các ý nghĩa sau này được tiết lộ nơi các soạn giả Tân Ước, nơi truyền thống Công Giáo và nơi các tín điều Công Giáo, những nguồn mà các soạn giả Cựu Ước không có sẵn để sử dụng. 

Đoạn nói về giải thích thần học kết thúc với câu tuyên bố này: “Tất cả các điều nói về cách giải thích Thánh Kinh cuối cùng đều lệ thuộc phán đoán của Giáo Hội, là người thực thi việc thừa ủy nhiệm và thừa tác vụ duy trì và giải thích lời Thiên Chúa” (Dei Verbum, 12). Huấn quyền không chỉ bước vào khúc cuối của diễn trình, mà can dự vào mọi giai đoạn của diễn trình này. Về mối liên hệ giữa các nhà chú giải và huấn quyền, Dei Verbum 23 dạy rằng “Nhà chú giải Công Giáo… khi sử dụng các phương thế thích hợp, nên tận dụng năng lực của mình, dưới sự chăm sóc canh chừng của huấn quyền thánh, vào việc thăm dò và trình bày các trước tác thần linh”. 

Huấn quyền can dự một cách sâu xa vào từng giai đoạn trong diễn trình 3 giai đoạn của khoa chú giải thần học. Nó đóng vai chủ yếu trong việc thu thập và xác định qui điển Thánh Kinh, và do đó, thiết lập Thánh Kinh như một đơn nhất. Như đã mô tả trong chương 2, không thể tách biệt truyền thống khỏi huấn quyền, vì nó vốn khai triển dưới sự giám sát của các mục tử và “qua lời giảng giải của những vị đã tiếp nhận được ơn chân lý chắc chắn (charisma veritatis certum) nhờ diễn trình truyền thừa giám mục” (Dei Verbum,8). Phương pháp loại suy đức tin, cuối cùng, tùy thuộc ở huấn quyền, là định chế duy nhất có thẩm quyền công bố các khoản tin và các tín điều. 

Dei Verbum 10 quả quyết rằng chỉ có huấn quyền, khi lên tiếng nhân danh Chúa Giêsu Kitô, mới có thể đem lại lời giải thích “chân chính”. Chữ La Tinh “authentica” trong ngữ cảnh này không có nghĩa chân chính cho bằng có thế giá, có thẩm quyền, nghĩa là, lời giải thích được đưa ra bởi những người có sứ mệnh giảng dạy nhân danh Chúa. Các giải thích chân chính theo nghĩa này khá hiếm hoi, nhưng chúng có sức nặng đáng kể, nhất là khi chúng vô ngộ. 

Các tuyên bố tín lý thường dựa vào việc sử dụng đồng qui các bản văn Thánh Kinh khác nhau, đọc theo lối cầu nguyện trong truyền thống của Giáo Hội thờ phượng dưới sự soi sáng của Chúa Thánh Thần. Tương đối rất ít trường hợp trong đó, Giáo Hội xác định ý nghĩa của các bản văn đặc thù, như Công Đồng Trent từng làm trong sắc lệnh về tội nguyên tổ và trong các qui định liên quan tới việc thiết lập một số bí tích. Như Raymond Brown từng nhấn mạnh, ngay trong các trường hợp hiếm hoi này, Giáo Hội “cũng không giải quyết vấn đề sử học về việc điều gì hiện diện trong tâm trí soạn giả khi ông soạn ra bản văn, nhưng chỉ giải quyết vấn đề tôn giáo liên quan tới các hệ luận của Thánh Kinh đối với đời sống của tín hữu” (18). Ý nghĩa thần học là ý nghĩa đích thực của bản văn và không nên bị bác bỏ, coi như “eisegesis” (chú giải diễn cách) như thể Giáo Hội đọc thêm điều gì vào bản văn mà trước đó thực sự nó không có ở đó. 

Một khó khăn chống lại giáo huấn của Dei Verbum và của các công đồng trước đó về thế giá của huấn quyền là với thời gian, một số giải thích về Thánh Kinh bị chứng minh là không xác đáng. Người ta thường nghĩ tới một số luận chứng từng được sử dụng để lên án thuyết mặt trời là trung tâm vũ trụ (heliocentrism) của Galileo hay một vài khía cạnh của các sắc lệnh trước đó của Ủy Ban Giáo Hoàng về Thánh Kinh. 

Về trường hợp Galileo, nay ta đã thấy ra rằng ủy ban giáo hoàng nguyên thủy đã không phân biệt được sự khác nhau cần phải có giữa “ý nghĩa cứu rỗi” của Thánh Kinh và các giả thuyết khoa học rút ra từ các nhà chú giải Sách Thánh” (19). 

Trong Huấn Thị của mình tựa là “Donum Veritatis” (về nhiệm vụ đối với Giáo Hội của thần học gia), Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin của Tòa Thánh thừa nhận rằng một số quyết định có tính mục vụ (phán quyết thuộc loại khôn ngoan) của huấn quyền “rất có thể mắc thiếu sót” (20).

Trong cuộc họp báo nhằm trình bày huấn thị này, bộ trưởng Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin hồi ấy là Đức HY Ratzinger đặc biệt nhắc tới một số quyết định của Ủy Ban Thánh Kinh: “Trong tư cách cảnh báo chống lại các thỏa hiệp vội vàng và hời hợt, các quyết định này vẫn hoàn toàn hợp pháp: các nhân vật như J. B. Metz, chẳng hạn, từng nhận định rằng các quyết định của Giáo Hội chống lại thuyết Duy Hiện Đại đã giúp ích rất nhiều trong việc cứu Giáo Hội khỏi rơi vào thế giới tư sản phóng túng. Tuy thế, chỉ trừ một số khía cạnh đặc thù về nội dung, các quyết định này đã bị thay thế sau khi đã làm xong chức năng mục vụ của chúng trong hoàn cảnh lúc bấy giờ” (21). 

Bao lâu bàn tới các vấn đề kỹ thuật, không có tính tín lý, như việc định niên biểu và việc soạn tác các sách đặc thù, những sắc lệnh này không phải là các phán quyết có tính vô ngộ thực sự nghĩa là đòi phải đồng thuận trong tâm hồn (22). 

Sự canh chừng giám sát của huấn quyền Công Giáo vào thời đó giúp che chở tín hữu trước các kết luận của khoa chú giải quá cấp tiến theo phương pháp phê bình lịch sử. Tuy nhiên, các căng thẳng vẫn có thể và thực sự đã diễn ra, nhất là trong trường hợp các nhà chú giải chuyên môn và các chức sắc có thẩm quyền vượt quá phạm vi năng quyền và trách nhiệm chuyên biệt của mình. 

Hiện tượng trên cũng xẩy ra cho mối tương quan giữa khoa chú giải phê phán và khoa chú giải thần học. Tuy nhiên, dù căng thẳng đôi khi vẫn diễn ra, nhưng như Dei Verbum đã dự đoán, mối tương quan thông thường vẫn là mối tương quan hợp tác. Các học giả Thánh Kinh nào được huấn luyện về các phương pháp phê bình lịch sử có lẽ là những người được trang bị tốt nhất để xác định được ý nghĩa các lời lẽ của soạn giả thánh và những người đồng thời với các vị. Nhưng khoa phê bình qui điển, khoa phê bình truyền thống và khoa chú giải tín lý, nghĩa là mọi khoa lưu ý tới đặc điểm thánh thiêng của bản văn, đều cần thiết để xác nhận, định phẩm và phong phú hóa các phát kiến của ngành nghiên cứu phê bình lịch sử, có thế, Giáo Hội mới thực sự được Lời Thiên Chúa soi dẫn. 

Trong các tuyên bố chân chính của mình, huấn quyền phẩm trật không nói trong tư cách một thẩm quyền độc lập mà trong tư cách một cơ phận của truyền thống sống động, được soi sáng bởi các bản văn linh hứng. Tiếng nói của huấn quyền không phải là tiếng nói xa lạ, nhưng tự bản chất vốn là tôi tớ của Lời Thiên Chúa. Nhờ các đặc sủng nhận được từ việc được thụ phong giám mục và được cử nhiệm vào chức vụ thánh, phẩm trật có khả năng nói với một hiểu biết thấu suốt sâu xa, nhưng phẩm trật này càng có khả năng nói như thế hơn nữa nếu biết lợi dụng các công trình trước đó của các học giả Thánh Kinh, vì một trong các chức năng của các học giả này là dọn đường cho các phán quyết của huấn quyền. 

Như Đức Bênêđíctô XVI đã quả quyết, công việc của các học giả rất có ích trong việc giúp ta hiểu diễn trình sống động trong đó các Sách Thánh đã được khai triển, “ấy thế nhưng một mình khoa học không thể cung cấp cho ta một giải thích dứt khoát và có tính bó buộc… Một ủy nhiệm lớn hơn cần phải có cho việc này, một ủy nhiệm không thể chỉ phát sinh từ các khả năng của con người mà thôi. Tiếng nói của Giáo Hội là điều chủ yếu trong lãnh vực này, một Giáo Hội đã được ủy nhiệm cho Phêrô và đoàn tông đồ cho đến ngày tận thế (23). 

Các học giả Thánh Kinh, các thần học gia và các mục tử không nên đi theo lối riêng, bằng cách phớt lờ nhau hay sợ sệt nhau. Các nhà chú giải Công Giáo cần thành thạo cả phương pháp giải thích thần học lẫn phương pháp giải thích triết học. Các nhà thần học tín lý và các mục tử cần quen thuộc với các phát kiến của khoa chú giải kỹ thuật. 

Khi các học giả Thánh Kinh, các thần học gia và các mục tử làm việc với nhau một cách hòa hợp, toàn thể Giáo Hội sẽ tiến bộ trong việc thấu hiểu Lời Chúa. Sự cởi mở và hợp tác với nhau giữa mọi người lưu tâm tới ý nghĩa của Thánh Kinh sẽ giúp toàn thể dân Chúa đáp ứng tốt hơn tiếng nói của Chúa Thánh Thần và trung thành hơn với Chúa của mình.


———————————-
(1 ) Joseph Ratzinger, chủ biên, Schriftauslegung im Widerstreit. Quaestiones Disputatae 117 (Freiburg: Herder, 1989), 20–21. Đoạn này không có trong bản dịch tiếng Anh do Richard John Neuhaus, chủ biên, Biblical Interpretation in Crisis (Grand Rapids, MI: Eerdmans, 1989).

(2 ) Austin P. Flannery, chủ biên, Documents of Vatican II (Grand Rapids, MI: Eerdmans, 1975).

(3) Norman P. Tanner, chủ biên, Decrees of the Ecumenical Councils, 2 vols. (Washington, DC: Georgetown University, 1990).

(4) Walter M. Abbott, Joseph Gallagher, chủ biên, The Documents of Vatican II With Notes and Comments by Catholic, Protestant, and Orthodox Authorities (New York: Guild Press, 1966).

(5) Acta synodalia sacrosancti concilii oecumenici Vaticani II (Vatican City: Libreria Editrice Vaticana, 1970-1980), Series III, vol., 6 9–109, at 92. (Từ đây sẽ viết tắt là AS III/, hay tương tự như thế)

(6) AS III/, 9 và IV/1, 59.

(7) Cả ở đây nữa, ấn bản Abbott tốt hơn các ấn bản Flannery và Tanner. Theo bản La Tinh chính thức công bố ngày 18 tháng Mười Một, 1965, Abbott chia §12 thành 3 đoạn. Vì một lý do nào đó, hai bản dịch kia chia đoạn thứ hai thành hai, do đó đã làm tối cấu trúc của bản văn. Xin xem bản chính thức trong AS IV/6, 579–609.

(8) Đức Piô XII, “Divino Afflante Spiritu, Encyclical Letter Promoting Biblical Studies”, 16, trong The Scripture Documents: An Anthology of Official Catholic Teachings, Dean P. Béchard, S.J. chủ biên (Collegville, MN: Liturgical Press, 2002), 115–19: “Vì điều được nói và được làm trong Cựu Ước đã được Thiên Chúa sắp đặt và điều hướng một cách hết sức khôn ngoan đến nỗi sự việc quá khứ tiên báo một cách linh thiêng sự việc sẽ xẩy ra trong thời ân sủng mới. Chính vì vậy, nhà chú giải, vì phải tìm hiểu và trình bày nghĩa ‘chiểu tự’ của lời mà soạn giả thánh muốn ngụ ý và muốn phát biểu thế nào, thì họ cũng phải làm như thế đối với nghĩa thiêng liêng, miễn là nghĩa này phải được Thiên Chúa ngụ ý cách rõ ràng. Vì chỉ một mình Thiên Chúa mới biết nghĩa thiêng liêng này và mạc khải nó cho ta mà thôi. Ngày nay, Chúa Cứu Thế của chúng ta cũng hướng và dạy ta cùng một ý nghĩa ấy trong các Tin Mừng. Theo gương Thầy, các tông đồ cũng tuyên xưng ý nghĩa ấy trong lời nói và chữ viết của các ngài”.

(9) Các kiểu phê bình này và các kiểu phê bình tương tự đều được giải thích trong các lời dẫn nhập rất tiêu chuẩn của Joseph A. Fitzmyer,Scripture, the Soul of Theology (New York: Paulist, 1994), 19–24. Muốn biết cách áp dụng các phương pháp này vào Tân Ước, xin xem Raymond F. Collins, Introduction to the New Testament (New York: Doubleday, 1983). Tuy nhiên, cả hai tác giả này đều làm ngơ Dei Verbum12 đối với nghĩa thiêng liêng của Thánh Kinh.

(10) Ủy Ban Giáo Hoàng về Thánh Kinh, “Sancta Mater Ecclesia, Instruction on the Historical Truth of the Gospels” (April 21, 1964), trong The Scripture Documents, 227–235.

(11) Các nghĩa vượt quá điều soạn giả thánh có thể nắm đôi khi được gọi là nghĩa ‘mạnh hơn chiểu tự’, một kiểu nói được Raymond Brown sử dụng trong bộ New Jerome Biblical Commentary. Xin xem Raymond E. Brown và Sandra M. Schneiders, “Hermeneutics,” trong New Jerome Biblical Commentary, Raymond E. Brown, Joseph A. Fitzmyer và Roland E. Murphy chủ biên, 2 vols. (Englewood Cliffs, NJ: Prentice Hall, 1990), 1146–65. Nhưng kiểu dùng từ ngữ của Brown không được mọi người chấp nhận vì dường như nó muốn gợi ý rằng Dei Verbum, ở đây, đi ra ngoài nghĩa chiểu tự. Thần học cổ điển, mà đại diện là Thánh Tôma Aquinô, chủ trương rằng Thiên Chúa là tác giả của Thánh Kinh, và vì Thiên Chúa hiểu chữ nghĩa nhiều hơn chính soạn giả thánh, nên lời “y ngữ’ (literal) của Thánh Kinh có thể chuyên chở hơn một nghĩa “ y thiêng” (spiritual), dù những nghĩa thiêng liêng này dựa trên và giả thiết nghĩa “y ngữ” kia. “Tác giả Thánh Kinh là Thiên Chúa, mà vì quyền năng của Người, ta phải tìm ý nghĩa của Người, không phải chỉ qua lời nói (điều con người cũng có thể làm) mà còn qua chính sự vật nữa… Bởi thế, ngụ ý đầu tiên qua đó lời nói biểu thị sự vật thuộc nghĩa thứ nhất, tức nghĩa lịch sử hay chiểu tự. Sự ngụ ý mà qua đó sự vật được lời nói biểu thị cũng có một ngụ ý thì được gọi là nghĩa thiêng liêng, một nghĩa đặt căn bản trên nghĩa chiểu tự và giả thiết nghĩa chiểu tự này” Summa Theologica, Pt. I, Q. 1, Art. 10 (New York: Benzinger Brothers, 1947). Một số nhà chú giải hiện đại, thay vào đó, thích nói tới nghĩa chiểu tự đệ nhị đẳng hay “nghĩa đầy đủ hơn” (sensus plenior). Xem Paul Synave và Pierre Benoit, Prophecy and Inspiration (New York: Desclee, 1961), 149–51.

(12) Chương 6 của Dei Verbum, ở một số chỗ, nhắc tới ích lợi thiêng liêng mà độc giả cá nhân có thể rút tỉa được từ việc đọc Thánh Kinh theo lối cầu nguyện.

(13) Nói tới tính thống nhất của Sách Thánh là nhắc tới điều thường được gọi là khoa phê bình qui điển (canonical criticism), tức phương pháp từng được áp dụng một cách thành công và được cổ vũ một cách đầy thuyết phục bởi những người như Brevard S. Childs của Đại Học Yale, chẳng hạn. Xem Introduction to the Old Testament as Scripture (Philadelphia: Fortress Press, 1979) của tác giả này.

(14) “Bởi thế, vì phải coi mọi điều được tác giả thánh hay soạn giả thánh quả quyết như đã được chính Chúa Thánh Thần quả quyết, nên hệ luận là ta phải thừa nhận các Sách Thánh là các sách truyền dạy vững chắc, trung thành, và không sai lạc các chân lý mà Thiên Chúa muốn được ghi lại trong các trước tác thánh vì lợi ích phần rỗi của ta” Dei Verbum 11. Như thế, Dei Verbum rõ ràng muốn gán sự vô ngộ cho Thánh Kinh như một toàn bộ, hơn là cho từng chương đoạn cá biệt; các chương đoạn này phải được đọc trong ngữ cảnh toàn bộ.

(15) Xem Manlio Simonetti, Biblical Interpretation in the Early Church: An Historical Introduction to Patristic Exegesis (London: T & T Clark, 1994); Henri de Lubac, Scripture in the Tradition (New York: Crossroad, 2000).

(16) Đức Piô XII, “Humani Generis, Encyclical Letter on Certain False Opinions Threatening to Undermine the Foundations of Catholic Faith”, 21, trong The Scripture Documents, 140-146.

(17) Alois Grillmeier, “The Divine Inspiration and the Interpretation of Sacred Scripture,” trong Commentary on the Documents of Vatican II, Herbert Vorgrimler chủ biên, 5 vols. (New York: Herder and Herder, 1969), 3:199–246, tại 245.

(18) Brown and Schneiders, “Hermeneutics,” 116.

(19) Trong một số khảo luận và diễn văn về vụ Galileo, Đức Gioan Phaolô II nhấn mạnh tới diễn trình tiệm tiến qua đó, Giáo Hội học được cách phân biệt giữa các vấn đề đức tin và các hệ thống khoa học của một thời đại nhất định. Xem “A Papal Address on the Church and Science,” Origins 1 (June 2, 1983): 9–52.

(20) Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin, “Donum Veritatis, Instruction on the Ecclesial Vocation of the Theologian” (May 2, 1990), 2, trong L’Osservatore Romano, ấn bản tiếng Anh hàng tuần (July 2, 1990), 1. Tuy nhiên, văn kiện này có lời dè dặt sau đây: “Các giám mục và các cố vấn của các ngài không luôn luôn xem sét ngay tức khắc mọi khía cạnh trong toàn bộ nét phức tạp của vấn đề. Nhưng sẽ đi ngược lại sự thật, nếu, chỉ mới xem một số trường hợp đặc thù, ta đã vội kết luận rằng huấn quyền Giáo Hội có thói quen lầm lẫn trong các phán đoán khôn ngoan của mình, hoặc nó không được sự trợ giúp thần linh trong việc thi hành chính các sứ mệnh của mình… Một số phán đoán của huấn quyền có thể được biện minh lúc mới được đưa ra, vì trong khi các công bố này chứa đựng cả các quả quyết đúng lẫn các quả quyết không đúng, cả hai loại quả quyết này nối kết với nhau một cách chặt chẽ. Chỉ có thời gian mới cho phép ta biện phân và sau những nghiên cứu sâu xa hơn, ta mới đạt được tiến bộ thực sự về tín lý”.

(21) Muốn có bản văn buổi họp báo của Đức Hồng Y, xem Joseph Cardinal Ratzinger, The Nature and Mission of Theology (San Francisco: Ignatius, 1995), 101–107. Muốn có cuộc thàm luận đầy đủ hơn về vấn đề này, xin xem bài diễn văn của ngài nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày thành lập Ủy Ban Giáo Hoàng về Thánh Kinh “100 Years: The Magisterium and Exegesis,” trong Theology Digest 51 (Spring 2004): 3–8.

(22) Theo lời Đức HY Ratzinger, chúng là “dấu hiệu của khôn ngoan mục vụ, một loại chính sách lâm thời. Cốt lõi của chúng vẫn có giá trị, những các điểm đặc thù do hoàn cảnh tạo nên thì cần phải sử đổi” Nature and Mission of Theology, 106.

(23) Đức Bênêđíctô XVI, Bài giảng Thánh Lễ nhận Tòa Giám Mục Rôma (7 tháng 5, 2005) trong Origins 5 (26 tháng Năm, 2005): 26–28, tại 28.