Có Buộc Phải Giữ Hết Các Mệnh Lệnh Luân Lý Của Tân Ước Không?

0
735


Phan Tấn, OP.

 

Vấn đề

Một trong những yêu sách của thần học luân lý là phải tìm về Kinh Thánh để khám phá ra những tiêu chuẩn cho cách cư xử, chứ không phải chỉ dựa vào các triết gia, các học giả. Thế nhưng, khi mở Kinh Thánh, chúng ta lại thấy có những mệnh lệnh (lệnh truyền) xem ra khó mà thực hiện được, nếu không muốn nói là không thể; ví dụ như: khi bị vả mặt bên trái, thì đưa má bên phải cho họ vả thêm?, hoặc như đòi buộc phải yêu thương kẻ thù, kẻ gây hại cho mình, như chính bản thân mình,…

Tuy nhiên, ngoài chuyện khó thực hành trong đời sống của người Kitô hữu đối với một số yêu sách của Tin Mừng (đặc biệt là sự tha thứ), thì cũng còn có nhiều yếu tố khác khiến cho các học giả đặt ra vấn đề, đó là: “Các mệnh lệnh của Tân Ước có tính cách bắt buộc đến mức độ nào?”. Chúng ta có thể tóm lại với ba yếu tố hoặc vấn nạn chính như sau:

– a/. Có những mệnh lệnh lấy từ văn hóa thời đại, chứ không phải của Kitô giáo;

– b/. Trong Tân Ước, chung quanh một vấn đề, có những mệnh lệnh xem ra tương phản nhau;

– c/. Thời buổi ngày nay có những tiêu chuẩn đo lường giá trị luân lý khác thời xưa.

Chúng tôi sẽ khai triển những vấn nạn này, và sau đó trình bày vài kết luận.

1. Vấn nạn thứ nhất

Người ta thấy trong phần khuyến thiện (parenesis) của các thư của thánh Phaolô danh sách các nhân đức và tội lỗi lấy từ nền văn hóa hay luân lý đương thời. Thế thì những mệnh lệnh ấy đâu có phải của riêng Kitô giáo? Do đó, chúng chỉ có giá trị tương đương với những nền văn hóa mà chúng đã được vay mượn.

Thực ra, vấn nạn này chỉ đúng một phần, xét vì thánh Phaolô không trích thuộc lòng danh sách các nhân đức và tội lỗi lấy từ các nền văn hóa khác, nhưng Ngài đã luyện lọc chúng cho phù hợp với tinh thần Tin Mừng. Dù sao, như sẽ thấy sau, một số mệnh lệnh khuyến thiện chỉ có tính cách mục vụ, nghĩa là nhằm đưa ra một đường lối xử sự trong một hoàn cảnh cụ thể, chứ không có tính cách phổ quát.

2. Vấn nạn thứ hai

Trong Tân Ước, người ta thấy có những giáo huấn xem ra tương phản. Tỉ dụ như thái độ đối với nhà nước: Phaolô xem ra hòa hoãn với nhà nước Roma (Rm 13,1-7), còn tác giả sách Khải Huyền chương 13 thì coi nhà nước Roma như đĩ hợm, nguồn gốc của mọi tội ác trần gian. Thậm chí Phaolô trong thư gửi Roma (Rm 13,1-7) khuyên các tín hữu hãy phục tùng quyền bính và luật lệ quốc gia, nhưng sang tới thư thứ nhất gửi Corinto (1Cr 6,1-8) thì trách các tín hữu khi họ đi kiện tụng ở tòa án đời.

Thực ra, vấn nạn này xem ra không quan trọng mấy: có những mệnh lệnh thoạt tiên xem ra mâu thuẫn, song không phải như vậy. Trong thư gửi Roma, thánh Phaolô nhìn nhận vai trò của nhà nước, xét vì nó cần thiết để bảo vệ an ninh trật tự xã hội; thế nhưng trong sách Khải Huyền thánh Gioan đã lên án Roma bởi vì nhà nước tự đặt mình làm Chủ Tể, bắt người dân phục tùng tuyệt đối, và điều này không thể chấp nhận được. Một cách tương tự như vậy, trong thư gửi Roma, Phaolô khuyên tín hữu hãy tôn trọng luật lệ quốc gia, các cơ cấu thể chế của nó; điều đó vẫn đúng khi Ngài viết thư gửi Corinto, duy có điều là Ngài muốn rằng những chuyện nội bộ thì hãy tìm cách dàn xếp ổn thỏa với nhau, chứ đừng cải vả kiện tụng ở tòa án đời.

Dù sao, ta có thể nhận thấy rằng khi đọc những mệnh lệnh luân lý trong Tân Ước, ta cần phải biết yếu tố nào lệ thuộc vào một hoàn cảnh cụ thể, yếu tố nào có tính cách hằng cửu, và nhất là cần tìm hiểu nguyên lý phát xuất mệnh lệnh ấy.

Ta có thể lấy một tỉ dụ khác khi nói về việc ăn đồ cúng được thánh Phaolô đề cập tới trong thư thứ nhất gửi Corinto, chương 8. Theo ngài, đồ cúng chả có gì khác với đồ không cúng hết, cho nên cứ việc ăn; thế nhưng, nếu vì việc mình ăn đồ cúng mà làm cho một người anh em bị vấp phạm, thì hãy tránh: ở đây tiêu chuẩn cư xử là đức ái, tránh đừng gây tổn hại cho người anh em mình.

Nói cách khác, người Kitô có khi được ăn đồ cúng có khi cấm ăn đồ cúng: điều ấy không phải do chính đồ cúng xấu hay tốt, nhưng là trong hoàn cảnh nào việc ăn hay không ăn có thể xúc phạm đến đức ái hay không.

3. Vấn nạn thứ ba

Vấn nạn này chủ trương rằng không những thời đại của chúng ta sống thời nay khác với thời đại của Chúa Giêsu và thánh Phaolô, nhưng ngay trong chính Tân Ước, cũng có sự khác biệt giữa Tin Mừng và các thư thánh Phaolô.

Chúa Giêsu chỉ đề ra những đường hướng căn bản, tựa như theo thánh Gioan, thương yêu là tiêu chuẩn cho hết mọi hành vi cũng như cho cả cuộc đời; còn thánh Phaolô thì thích đi vào chi tiết; nói khác đi, Tân Ước không đề ra một nền luân lý nhất định, nhưng có tính cách mềm dẻo linh động, để có thể thích nghi tùy thời thế.

Hơn thế nữa, có người cho rằng Đức Kitô đề ra một lý tưởng cho mình nhắm tới, chứ Ngài không đòi hỏi phải đem ra thực hiện, xét vì nếu áp dụng mệnh lệnh tha thứ, thì còn gì là tổ chức công lý trong xã hội nữa. Từ đó, các tác giả ấy sẽ cố gắng tìm hiểu đâu là lý tưởng, động lực nòng cốt của luân lý Tân Ước, và đâu là những chi tiết lệ thuộc vào điều kiện văn hóa đương thời.

Từ những vấn nạn vừa nói, chúng ta thấy rằng việc nghiên cứu luân lý của Tân Ước không đơn giản. Tân Ước không phải là một bộ luật viết sẵn trên trời rồi được ghi lại trong Sách Thánh; Kinh Thánh thành hình lên trong khung cảnh đời sống con người gắn chặt với không gian và thời gian; thế nhưng, chính trong điều kiện tương đối ấy mà Thiên Chúa muốn lập một giao ước vĩnh viễn với con người.

Những học giả Kinh Thánh cố gắng khám phá ra những tiêu chuẩn có tính cách vĩnh viễn, tách ra khỏi những gì lệ thuộc vào một hoàn cảnh nhất định. Công cuộc khảo cứu này đòi hỏi việc phân tích hình thức văn chương (ví dụ như: lời khuyên, lời truyền, châm ngôn,…), cũng như phân tích những điều kiện lịch sử, những hoàn cảnh nào đã thúc đẩy thánh Phaolô phải đề ra những biện pháp ấy.

Sau khi phân tích văn chương, còn phải phân tích tư tưởng, nghĩa là xét xem giá trị của một mệnh lệnh xét trong toàn bộ sứ điệp Kitô, bởi vì không phải tất cả các mệnh lệnh đều có tầm quan trọng như nhau đối với Tin mừng cứu độ.

Vài kết luận

Từ những khảo cứu của các nhà chú giải Kinh Thánh trong vòng 30 năm qua, Giuseppe Segalla đã tóm tắt những kết luận như sau:

Trong Tân Ước chúng ta có thể phân biệt bốn loại quy tắc luân lý:

– a/. Quy tắc nền tảng;

– b/. Quy tắc mẫu mực tổng quát;

– c/. Quy tắc riêng biệt;

– d/. Quy tắc mục vụ.

1. Những quy tắc nền tảng, gồm giới lệnh mến Chúa yêu người, nền tảng của các giới răn khác; sự hoán cải để vào nước Chúa; tin theo Tin Mừng; theo chân Chúa Giêsu; sống theo Thánh Thần… Những quy tắc này đề ra những giá trị tối thượng chứ không ấn định chi tiết, nhưng cần được diễn tả ra thực hành trong đời sống cụ thể. Chúng có uy lực bắt buộc tuyệt đối.

2. Những quy tắc mẫu mực và tổng quát. Thường thấy trong các dụ ngôn, các lời khuyên khôn ngoan, thường đựơc diễn tả qua lối văn biểu tượng. Tỉ dụ khi Chúa truyền rằng “khi anh bố thí, thì đừng đánh trống thổi kèn”, ắt là Chúa không cấm đánh trống theo nghĩa đen! Ta cũng có thể hiểu như vậy về những lời: “đưa má kia cho người ta vả”, “cho ai mượn thì đừng đòi lại”,… Đó là những lối hành văn khuyến dụ không nhằm đến chính hành động cho bằng phẩm chất của hành động, nghĩa là mặc cho hành động một động lực mới (thương yêu), hay là chủ đích mới (ơn cứu độ của con người). Khi nói rằng đưa má kia cho người ta vả, Chúa muốn cho chúng ta khước từ vũ lực, và nếu có thể được, hãy cố gắng cứu độ chính người vũ phu đã hành hung mình. Khi nói rằng đừng đòi lại vật mình đã cho người ta mượn, Chúa muốn cho chúng ta có thái độ luôn sẵn sàng giúp đỡ tha nhân. Những quy tắc này có giá trị tổng quát, và cũng có tính cách bắt buộc.

3. Những quy tác riêng biệt, ấn định một hành động cụ thể (ví dụ như phải nộp thuế, đừng xét đoán, đừng tà dâm), hoặc những danh sách các nhân đức và tật xấu. Những điều này thường được lấy từ các nền luân lý Do Thái và Hy Lạp, và được thích ứng với tinh thần Kitô giáo.

Ta phải ghi nhận một đàng là chính hành động, và đàng kia là giá trị gói ghém trong hành động ấy. Dĩ nhiên, cái giá trị nội tại thì quan trọng hơn việc biểu lộ ra hành động bên ngoài; vì vậy những quy tắc này có tính cách bắt buộc xét theo giá trị mà chúng bảo vệ.

4. Sau cùng, những quy tắc mục vụ, nghĩa là những quy tắc nhằm duy trì trật tự nội bộ trong cộng đoàn; chúng lệ thuộc vào những hoàn cảnh thời đại, và nay đã lỗi thời: ví dụ như việc các bà phải đội khăn lên đầu trong các buổi họp (1Cr 11); việc cắt bì (Cv 15); việc ăn đồ cúng (1Cr 8); việc sử dụng đặc sủng (1Cr 14).

Những quy tắc này chỉ được áp dụng trong thời đại chúng ta trong mức độ chúng mang theo những giá trị làm động lực của chúng. Một tỉ dụ đã nói trên đây là việc ăn đồ cúng: giá trị là việc thực hiện bác ái; hoặc sự giữ nết na trong các buổi họp cầu nguyện (không nhất thiết qua việc trùm khăn lên đầu).

Trong số bốn loại quy tắc, loại cuối cùng mang tính cách tương đối hơn cả, vì nó có tính cách nhất thời (ta có thể ví với nhiều biện pháp kỷ luật hiện hành trong Giáo Hội). Loại thứ ba cũng có thể bao gồm những giá trị lệ thuộc vào quan điểm của một thời đại, tỉ như mối tương quan giữa vợ chồng. Quan niệm cổ truyền tôn ti trật tự muốn rằng vợ phải phục tùng chồng, và chồng tùng phục Đức Kitô. Thế nhưng tuy vẫn phải duy trì sự quy hướng của đức tin và đức ái về Đức Kitô, mối liên hệ vợ chồng có thể được phát biểu với một giá trị khác với quan điểm cổ truyền, nghĩa là tương giao chứ không phải tùng phục.

Để kết luận, việc tìm hiểu luân lý của Tân Ước đòi hỏi nhiều nghiên cứu công phu, nhằm phân biệt những quy tắc có giá trị vĩnh viễn và những quy tắc có giá trị nhất thời. Đây cũng là một vấn đề gai góc của thần học hiện đại: có những quy chuẩn tổng quát cho mọi nơi mọi thời hay không?

 

Viết theo: Giuseppe Segalla, “Quale validità obbligante hanno le indicazioni etiche del Nuovo Testamento?” in: Scuola Cattolica 115 (1987) pp. 540-569. I.D., Introduzione all”etica del Nuovo Testamento, Queriniana Brescia 1989 (Recensione in Studia Patavina 37, 1990, pp. 601-625).