Có Bao Nhiêu Vị Thánh Được Chó Đi Kèm Theo ?

0
3170


Lm. Giuse Phan Tấn Thành, OP.

 

Thứ tư sắp tới (8/8), phụng vụ mừng kính thánh Đa Minh. Các bức họa vẽ thánh nhân thường có con chó đi kèm theo. Vì lý do gì? Con chó có tháp tùng vị thánh nào nữa không? Linh mục Phan Tấn Thành trả lời.

————

 

Trước hết, chúng ta tìm hiểu ý nghĩa của con chó trong các bức tranh vẽ thánh Đa Minh; sau đó, chúng ta sẽ bàn đến ý nghĩa của con chó trong văn chương Kitô giáo. Về ý nghĩa của con chó trong bức tranh vẽ thánh Đaminh, chân phước Giorđanô (bề trên tổng quyền kế vị thánh tổ phu) đã giải thích như sau: Khi mang thai bà mẹ đã mơ thấy đứa con sắp ra đời sẽ như con chó ngậm cây đuốc đi đốt cả thế giới. Nói cho đúng, một thế kỷ trước đó, bà mẹ của thánh Bênađô (1090-1153) cũng mơ thấy mình mang trong bụng một con chó bạch lưng đỏ đang sủa (xc. Alanus, Vita secunda S. Bernardi: PL 185, col. 470). Đây là một hình ảnh khá quen thuộc vào thời Trung cổ. Con chó canh giữ đàn chiên (chó berger), và sủa rống lên để xua đuổi sói rừng. Nó tượng trưng cho nhà giảng thuyết: một đàng sủa lên bằng lời giảng để hun nóng đức tin của các tín hữu, một đàng sủa to để xua đuổi các lạc giáo. Sủa là một nhiệm vụ của ngôn sứ. Trong Cựu ước, ông Isaia (56,10) đã trách các nhà lãnh đạo là “chó câm” không biết sủa, nghĩa là không lên tiếng để dạy dỗ đường ngay nẻo chính, để cho dân Chúa bị lầm lạc. Dĩ nhiên, chức vụ này đòi hỏi lòng trung thành với Lời Chúa, sự can đảm để dám nói sự thật, cũng như sự sáng suốt để phân biệt đâu là chính đạo và đâu là lạc giáo. Qua câu trả lời này, tôi đã giới thiệu hai vị thánh được chó đi kèm theo: thánh Bênađô (cũng được kính trong tháng 8 này, ngày 20) và thánh Đaminh. Nên biết là con chó trong ảnh thánh Đaminh thường ngậm bó đuốc, tượng trưng cho ánh sáng và sức nóng của Lời Chúa, và con chó không chỉ là biểu tượng của thánh nhân mà còn là của dòng tu do ngài sáng lập, thường được gọi là “những con chó của Thiên Chúa” (tiếng Latinh là Domini canes, gần với danh xưng Dominicani). Đối với thánh Bênađô, cũng nên thêm là bên Thụy sĩ, có loài chó mang tên “Saint-Bernard”. Chúng không có liên quan đến vị thánh đang bàn, nhưng mang tên của một vị thánh khác, Saint Bernard de Menton (k.1000-1081). Ngài lập một tu viện trên núi Alpes, để trợ giúp những người phải qua lại chỗ này, và những con chó được huấn luyện để đi tìm những người bị bão tuyết vùi dập. Con chó cũng xuất hiện trong bức tranh của một vị thánh khác được kính trong tháng 8 (vào ngày 16), đó là thánh Rôcô. Ngài là một giáo dân, sinh vào khoảng năm 1345 tại Montpellier bên Pháp. Mồ côi cha mẹ khi lên 20 tuổi, anh bán hết tài sản, phân phát cho người nghèo, và chỉ giữ lại một ít tiền để đi hành hương sang Rôma. Vào thời ấy, châu Âu đang trải qua cơn đại dịch. Trên đường đi, anh đã cứu giúp nhiều bệnh nhân, và người ta coi anh như một ông thánh. Chẳng may, chính anh cũng lây bệnh luôn. Vì không muốn làm phiền hà người khác, anh rút lui vào sống trong một hang ở ngoài thành phố Piacenza nước Ý. Vào lúc bệnh nặng sắp chết, bỗng nhiên một con chó đã mang thức ăn đến cho anh. Tục truyền rằng con chó tên là Rouna và ông chủ tên là Gottardo Pallastrelli, một phú gia trong vùng. Ông này tò mò muốn đi theo con chó, đến nơi anh đang ở, và nhờ đó anh đã được cứu sống. Anh trở về quê hương là Montpellier (bên Pháp). Tại đây, một cuộc nội chiến đang diễn ra, và người ta cho rằng anh làm gián điệp cho nên bắt bỏ tù. Anh bị giam trong đó 5 năm cho đến khi qua đời ngày 16-8-1378. Bức tranh vẽ thánh Rôcô thường kèm một con chó và cây gậy. Cây gậy ám chỉ cuộc hành hương, và con chó là ân nhân của ngài. Điều đáng nói là ngài được đặt làm bổn mạng của loài chó. Ở Việt Nam, có lẽ chỉ có vùng Phát Diệm mới biết tên thánh Rôcô, nhưng còn một vị thánh khác nổi tiếng có con chó đi kèm theo là thánh Gioan Bosco. Con chó đi với ngài không chỉ là biểu tượng nhưng là có thật, tên là Grigio. Grigio là một con chó hạng dữ, to như chó sói, không biết tung tích ra sao. Thế nhưng nó đã xuất hiện nhiều lần trong cuộc đời của thánh nhân một cách đột ngột, khi có kẻ bất lương mưu tính ám hại ngài, khi ngài đi một mình chỗ hoang vắng hay lúc đêm khuya. Có người giải thích con chó Grigio là hiện thân của thiên thần bản mệnh, và tôi nghĩ cũng chẳng có gì bất kính cả. Dù sao, những sự tích này lặp lại nhiều điển cố đã có trong Kinh thánh nói về chó.

Kinh thánh không có thiện cảm với chó, phải không?

Quả thực có những đoạn mô tả con chó như là thú vật ô uế (Lv 11,27; Is 66,3), vì đồ ăn của nó; và thức ăn của nó mửa ra thì càng đáng tởm hơn nữa (Cn 26,11; 2Pr 2,22)! Lúc khác, chó được nhắc đến như tiếng chửi, giống như trong tiếng Việt: “quân chó má” (Kh 22,15), “đồ chó chết” (1Sm 24,15; 2Sm 9,7; 2 Sm 16,7). Ngoài ra, có những đoạn văn đồng hóa dân ngoại và những kẻ vô đạo với con chó (Tv 22,17; 59,7). Có lẽ hình ảnh này vẫn còn tồn tại trong vài đoạn văn Tân ước, chẳng hạn như khi Chúa Giê-su nói với một thiếu phụ Cananea là đứng lấy bánh mà thảy cho chó (Mt 15,25-26), hoặc thánh Phaolô cảnh giác các tín hữu hãy coi chừng chó (Pl 3,2), nghĩa là các ngôn sứ giả.

Tuy nhiên, để công minh, thiết tưởng chúng ta cần phải phân biệt nhiều loại chó trong kinh nghiệm đời sống thông thường. Dữ nhất là chó sói, có thể làm hại con người và gia súc; có thứ chó hoang. Kế đến là những loại chó giúp việc, chẳng hạn những con chó đi theo đàn chiên; rồi chó nuôi để giữ nhà, ngăn ngừa trộm cướp. Hạng khá giả thì nuôi các chó săn để nhử mồi. Xét vì có nhiều loại chó khác nhau, cho nên phán đoán về chúng cũng khác nhau. Không lạ gì mà bên cạnh những nhận xét tiêu cực, ta đã nhận thấy ngay từ trong Cựu ước, đã có những đoạn văn ca ngợi con chó vì tính trung thành của nó, nó là bạn của con người. Chắc chắn điều này đã gợi hứng cho những người viết chuyện các thánh. Một hình ảnh để lại nhiều ấn tượng là con chó đã tháp tùng chú Tobit trong cuộc hành trình xa xôi, ra như dẫn đường chỉ lối cho cậu ta. Nó quấn quýt bên chủ, chia sẻ những nỗi vui buồn của chủ. Vài giáo phụ đã xem con chó như biểu tượng cho các vị thừa sai lên đường đi truyền giáo: họ đi trước, dọn đường cho Chúa đến, cách riêng bằng lời giảng, cũng như tiếng chó sủa vậy. Như trên đã nói, con chó tượng trưng cho sự trung thành tận tụy bới bổn phận: ai đi làm việc cho Chúa, thì phải trung thành với Lời của Ngài.

Chúng ta hãy tiến thêm một bước nữa. Chúa Giê-su với các môn đệ: “Thầy không còn gọi anh em là tôi tớ, vì tôi tớ không biết việc chủ làm. Nhưng thầy gọi anh em là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy nghe được nơi Cha Thầy, Thầy nói cho anh em biết” (Ga 15,15). Ta thấy thêm một ý nghĩa nữa của con chó, được tục ngữ bên Tây gọi là “bạn hữu của con người”. Trong dụ ngôn về người phú hộ và anh Ladaro nghèo túng, ta thấy rằng người bạn duy nhất là một con chó đến liếm ghẻ chốc của anh ta (Lc 16,21). Con chó này ví được như người Samari nhân hậu nói trong dụ ngôn ở chương 10 của Luca. Chắc hẳn hình ảnh này đã được lấy lại trong tiểu sử thánh Rocô. Trong thời gian anh bị bệnh, ghẻ lở đầy mình, thì một con chó đã mang lương thực cho anh, và liếm các vết thương của anh; thậm chí có lưu truyền nói rằng chính con chó đã chữa bệnh cho anh, chứ không phải là thuốc thang do ông chủ mang đến.

Tân ước có khi nào kể lại Chúa Giêsu gặp chó không?

Không! Như đã nói lúc nãy, có lẽ khi trả lời cho phụ nữ Cananea rằng: không nên lấy bánh mà thảy cho chó, thì chó mang một hình ảnh tiêu cực. Không lạ gì mà Chúa Giêsu không đi gặp chó; thế nhưng chó có đến gặp ngài. Thật vậy, vai trò của chó không chỉ là canh nhà mà thôi, nhưng còn canh giữ súc vật, cách riêng là các đoàn chiên. Chó sẽ ra đi với mục tử, như là nhân viên trật tự để bắt chiên đi vào hàng ngũ, cũng như là đề phòng chiên khỏi bị sói rừng tấn công. Từ đó nó mang tên là chó berger (trong tiếng Pháp, có nghĩa là mục đồng). Chúng ta có quyền suy đoán rằng vào đêm Chúa sinh ra ở Belem, các thiên sứ đã loan tin vui cứu độ cho các mục đồng, và họ đã đến thờ lạy thánh nhi. Chắc chắn là các con chó berger cũng chạy theo. Như vậy, trong hang đá, không chỉ có bò lừa chiên cừu mà còn có chó nữa. Dù nói gì đi nữa, hình ảnh đẹp nhất của con chó để lại trong truyền thống Kitô giáo là những “chó chăn chiên”, hay nói ngược lại, các người chăn chiên (nghĩa là mục tử) cần phải theo gương chó. Hình ảnh này đã có từ trong Cựu ước, khi ông Isaia ví những nhà lãnh đạo tôn giáo là “chó câm” không biết sủa. Ong nói: “Những người canh gác Israel đui mù hết, chẳng hiểu biết gì; cả bọn chúng là lũ chó câm, không biết sủa, chỉ mơ mộng, nằm dài và thích ngủ thôi. Chúng là lũ chó đói, ăn chẳng biết no. Thế mà chúng lại là mục tử chẳng biết phân biệt gì. Cả bọn mạnh ai theo đường nấy, chỉ mưu tìm lợi lộc cho riêng mình… Người công chính tiêu vong, thế mà chẳng ai lưu tâm đến; người hiếu nghĩa bị cất đi mà chẳng ai hay rằng: chính vì sự gian ác mà người công chính bị cất đi” (Is 56,10-57,2). Đối lại với những chó câm ấy là những chó săn hăng hái đi rao giảng Lời Chúa.

Để kết thúc, chúng ta có thể nhắc đến thánh Philippê Neri, được ví như kẻ săn bắt các linh hồn, có tài thám thính, để đánh hơi những ai tiếp xúc với mình, phân biệt mùi thơm của người nhân đức và mùi hôi của kẻ gian ác.