Có Bao Nhiêu Thứ Cám Dỗ?

0
1378


Có Bao Nhiêu Thứ Cám Dỗ?

————

Kính thưa quý vị,

Hằng năm, trong bài Tin mừng chúa nhật thứ nhất mùa Chay, chúng ta được nghe trình thuật  về cuộc cám dỗ của Chúa Giêsu trên hoang địa. Tại sao thánh Matthêu và thánh Luca kể lại ba cuộc cám dỗ, còn thánh Marcô lại không đả động đến số lần? Có phải bởi vì tác giả muốn nói rằng các cơn cám dỗ nhiều hơn nữa không? Linh mục Phan Tấn Thành trả lời.

Trước khi trả lời cho câu hỏi vừa nêu, tôi nghĩ cần lưu ý đến từ ngữ “cám dỗ”. Trong tiếng Việt, “cám dỗ” mang nghĩa xấu, đó là: dụ dỗ làm điều bất chính. Theo ông Lê Gia (trong từ điển Tiếng Việt nôm na), cám dỗ gốc bởi tiếng Hán “cảm dụ”; dụ là rủ rê; cảm là làm cho động lòng; vì thế cảm dụ là làm cho người ta rung động trong lòng mà rủ rê họ theo mình. Còn trong tiếng Latinh, tentare có nhiều nghĩa: thử thách, thử luyện, trắc nghiệm, dụ dỗ. Vì thế, có khi Kinh thánh nói đến việc Thiên Chúa “thử thách” con người để xem nó có trung thành hay không. Các bậc tôn sư cũng nhìn nhận sự cần thiết phải “thử luyện” học trò, để tập cho họ cứng cát hơn, hoặc “trắc nghiệm” học trò để đo lường mức độ hấp thụ bài học; thậm chí người học trò cũng muốn “thử” chính mình để lượng sức. Từ đó, khi giải thích động từ “tentare”, các nhà thần học phân biệt hai loại: “probatio” (thử luyện) và “seductio” (dụ dỗ). Sự khác biệt nằm ở phía chủ thể: Thiên Chúa có thể thử thách (hay thử luyện) ta, chứ không cám dỗ ta; còn cám dỗ là do ma quỷ. Nhưng phía chúng ta, thì cả hai đều đáng sợ, bởi vì ta có thể yếu đuối làm mất lòng tin nơi Chúa, hoặc chiều theo ích kỷ cá nhân mà quay lưng với Chúa.

Như vậy Chúa Giêsu chịu thử thách hay chịu cám dỗ?

Câu này hơi khó trả lời, tùy theo chúng ta giải thích bản chất của các cơn cám dỗ của Chúa Giêsu: cám dỗ phạm tội, hay là thử thách lòng trung tín? Dù sao, các nhà chú giải Kinh thánh đã lưu ý rằng khi Chúa Giêsu vào trong nơi hoang địa thì chẳng có ai đi theo, cho nên không ai biết được thực sự chuyện gì đã xảy ra; hoàn cảnh này khác lúc Người chịu phép rửa ở sông Giorđanô vì có nhiều người chứng kiến. Bởi thế khi thuật lại câu chuyện, ba tác giả của Tin mừng nhất lãm không dừng lại ở việc mô tả sự kiện cho bằng muốn vạch ra một huấn giáo nữa. Nói cách khác, có lẽ các ngài không chỉ suy gẫm các cơn cám dỗ của Chúa Giêsu mà thôi nhưng còn muốn dạy một bài học cho cuộc sống đức tin của chúng ta. Hiểu như vậy, thì các trình thuật này vừa có thể hiểu như là thử thách vừa có thể hiểu là cám dỗ, tùy theo góc độ.

Trong ba trình thuật của Tin mừng nhất lãm, bản văn của thánh Marcô ngắn nhất, và không đi vào các chi tiết của cuộc cám dỗ như hai vị thánh sử kia. Thánh Marco chỉ ghi nhận rằng sau khi chịu phép rửa thì Thánh Linh đẩy người vào hoang địa bốn mươi ngày chịu Satan cám dỗ. Trước hết, chúng ta hãy thử đọc những dòng này theo nghĩa “cám dỗ”. Vào lúc chịu phép rửa, Đức Giêsu nghe tiếng từ trời phán rằng: “Đây là Con yêu dấu của Cha”. Những lời này có thể khiến cho con người tự phụ, hãnh diện về chức danh của mình. Ma quỷ tìm cách dụ dỗ Đức Giêsu để Người thi thố quyền năng và ra tay hành động. Bằng cách nào? Thánh Matthêu và thánh Luca kể ra vài thí dụ, chẳng hạn như làm phép lạ cho đá hóa bánh, hoặc gieo mình từ nóc đến thờ, và thế nào Đức Giêsu cũng được thiên hạn hoan hô vỗ tay. Tuy thánh Marcô không mô tả hai cơn cám dỗ đó ở trên hoang địa, nhưng chúng sẽ xuất hiện rải rác trong suốt thời gian hoạt động của Người, chẳng hạn khi các người Pharisiêu đến xin Đức Giêsu một dấu lạ, và đặc biệt khi Người chịu đóng đinh trên thập giá, họ thách thức Người hãy xuống đi thì họ sẽ tin. Nhưng chúng ta biết rằng Người đã không xuống. Như vậy là Người đã không chiều theo sự cám dỗ. Người chấp nhận con đường của người tôi tớ đau khổ, chứ không phải con đường của đấng Mesia hiển hách. Sách Giáo lý của Hội thánh Công giáo giải thích điều này ở các số 538-540.

Bản tường thuật có thể hiểu theo nghĩa là cám dỗ, nhưng có thể hiểu như cuộc thử thách không?

Cũng có thể coi là “thử thách” (hoặc thử luyện), dựa trên lối hành văn của thánh Marco ở câu 12 của chương 1. Ông viết rằng: “Thánh Linh đẩy Đức Giêsu vào hoang địa, ở đó bốn mươi ngày”. Câu này nhớ đến đoạn văn của sách Đệ nhị luật chương 8 câu 2: “ Thiên Chúa đã dẫn dân Israel trong hoang địa suốt 40 năm”. Để làm chi?  Câu trả lời có thể đọc thấy liền đó: “để thử thách anh cho biết lòng dạ, xem anh có giữ các mệnh lệnh của Ngài hay không”. Như vậy đó là thời gian vừa dạy dỗ cho họ biết đường lối của Chúa, vừa thử luyện lòng trung tín của họ. Thiết tưởng đây cũng là dụng ý của hai thánh sử Matthêu và Luca khi thuật lại những lời đối đáp của Đức Giêsu cho Satan qua việc trưng dẫn những đoạn văn của sách Đệ nhị luật: “ Thiên Chúa đã bắt ngươi chịu cùng cực, phải đói, rồi đã cho ngươi ăn manna… ngõ hầu ngươi nhận biết người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh nhưng còn nhờ mọi lời miệng Thiên Chúa phán ra” (Đnl 8,3). “Ngươi đừng thách thức Thiên Chúa như đã thách thức ở Masa” (Đnl 6,16). “Hãy kính sợ Thiên Chúa là Đấng mà ngươi phải phụng thờ” (Đnl 6,13). Tiếc rằng dân Israel đã nhiều lần chống lại Thiên Chúa, còn Đức Giêsu thì cương quyết trung thành với Thiên Chúa. Như vậy, Đức Giêsu tượng trưng cho Israel mới. Mặt khác, bên cạnh ý nghĩa thử thách, ta cũng có thể hiểu theo nghĩa là thử luyện, luyện tập. Thật vậy, thời gian 40 đêm ngày trên hoang địa cũng gợi lên thời kỳ ông Mose lên hoang địa để chuẩn bị lãnh nhận giao ước, dựa theo sách Xuất hành chương 34 câu 38. Chính ông Mose đã kể lại như vậy trong sách Đệ nhị luật (chương 9 cầu 9 và 18). Như vậy, Đức Giêsu lên hoang địa 40 ngày để chuẩn bị để thi hành sứ vụ mà Thiên Chúa trao phó. Mặt khác, các nhà chú giải ghi nhận rằng sau cuộc thử thách (hoặc cám dỗ), thánh sử Marco thêm rằng Đức Giêsu sống với dã thú và các thiên sứ hầu hạ Người. Xem ra tác giả muốn nói rằng Đức Giêsu đã lật ngược tình hình của nguyên tổ Adam: xưa kia, trước khi phạm tội, ông sống trong trạng thái hòa bình với thế giới, nhưng tội lỗi đã làm phá tan sự hòa hợp đó. Bây giờ Đức Giêsu hoàn lại trạng thái nguyên thủy, theo như ngôn sứ Isaia đã mô tả ở chương 11.

Như đã nói trên đây, các thánh sử không chỉ kể lại chuyện này vì nhằm đến Chúa Giêsu mà thôi, nhưng còn cho cả chúng ta nữa. Phải hiểu như thế nào?

Lịch sử đời sống tâm linh Kitô giáo coi ba chước cám dỗ của Chúa Giêsu như là điển hình của các thứ cám dỗ của con người. Cơn cám dỗ thứ nhất (muốn biến đá thành bánh) là điển hình cho những sở thích vật chất, đam mê khoái lạc về ăn uống hoặc nhục dục. Cơn cám dỗ thứ hai (muốn giở trò biểu diễn để thiên hạ hoan nghênh) điển hình cho sự ham muốn danh vọng, tiếng tăm; hoặc cũng có thể tượng trưng cho sự thích thành công rẻ tiền. Cơn cám dỗ thứ ba (ma quỷ đòi buộc suy phục hắn thì sẽ được hắn chia sẻ quyền bính cai trị thế gian) tượng trưng cho lòng ham muốn quyền hành để thống trị. Như vậy ba cơn cám dỗ này tương ứng với ba dục vọng được thánh Gioan tông đồ tóm lại trong thư thứ nhất, chương 2 câu 16: “dục vọng của tính xác thịt, dục vọng của đôi mắt, thói cậy mình có của”.

Như vậy, chỉ có ba chước cám dỗ thôi sao?

Chuyện đời đâu có đơn giản như vậy! Bất cứ ai trong chúng ta cũng đã từng cảm nghiệm nhiều thứ cám dỗ khác nhau. Ba chước cám dỗ chỉ mang tính tượng trưng, mà văn chương của nhiều dân tộc cũng thường đề cập, chẳng hạn như các cụ đời xưa ở nước ta quen tóm lại: “tình, tiền, tài” (hoặc quyền). Văn chương cổ điển của đan tu bên Ai cập liệt kê đến 8 “tà kiến” (tư tưởng xấu xa), đó là: 1/ tham ăn; 2/ dâm dục; 3/ tham lam; 4/ buồn sầu; 5/ nóng giận; 6/ chán nản; 7/ hư danh; 8/ kiêu căng. Thứ tự này đi từ thấp lên cao. Nên lưu ý là chúng ta đang nói đến các đan tu trên sa mạc, chứ không phải là các tín hữu sống giữa trần thế. Đến khi những tác phẩm này được truyền sang bên Roma, thì được giáo hoàng Gregorio Cả rút xuống còn 7 (tượng trưng cho sự tròn đầy) và đặt tên là 7 “nết xấu đầu sỏ”, được xếp theo thứ tự từ nặng tới nhẹ như sau: Thứ nhất là kiêu ngạo và hám danh; thứ hai là tham lam; thứ ba là dâm dục; thứ bốn là nóng giận; thứ năm là ghen tương; thứ sáu là tham ăn; thứ bảy là lười biếng. Khi chú giải danh sách này, thánh Tôma Aquino lưu ý rằng nguyên nhân của các nết xấu này là điều tốt chứ không phải là điều xấu; duy có điều là chúng ta đã tìm kiếm điều tốt không đúng cách thức. Thí dụ ham muốn danh dự (tự nó là một điều tốt tinh thần) trở thành lệch lạc khi thiếu chừng mực, đưa tới hám danh kiêu ngạo. An uống để bảo tồn mạng sống là điều tốt, nhưng khi không giữ chừng mực là điều xấu. Một cách tương tư như vậy, bảo tồn nòi giống qua việc truyền sinh là một điều cần thiết, nhưng khi bản năng này được sử dụng vô độ thì trở thành dâm dục. Chúng ta cũng cần có của cải để sinh sống, nhưng tật tham lam phát sinh do sự chiếm hữu của cải trái phép. Mặt khác, thi hành điều tốt thì ai mà chẳng muốn, nhưng khi nghĩ đến những khó khăn vất vả đi kèm, thì chúng ta dễ chùn bước; từ đó có cám dỗ lười biếng. Rồi điều tốt của tha nhân lẽ ra cũng phải lôi cuốn chúng ta, nhưng bởi vì thấy mình bị lép vế, cho nên ta đâm ra ghen tương, hoặc đòi hỏi ta báo đáp vì thế mà ta đâm ra nóng giận. Tóm lại, cũng như trên hoang địa, ma quỷ không cám dỗ Chúa Giesu làm điều xấu mà toàn là chuyện tốt lành, có bằng chứng Kinh thánh hẳn hoi. Nhưng Chúa đã vạch mặt cho thấy tính lừa lọc của nó. Điều này cũng xảy ra cho mỗi người chúng ta: cần phải biết tỉnh thức để phân định thần khí.