CÓ BAO NHIÊU ƠN KÊU GỌI ?

0
5903

Lm. Phan Tấn Thành, OP.

Kính thưa quý vị đọc giả,
Chúa Nhật Chúa Chiên Lành là ngày cầu nguyện cho ơn thiên triệu. Trước đây, người ta thường nói đến ơn gọi làm linh mục và ơn gọi làm tu sĩ; nhưng Thượng hội đồng giám mục (THĐ) họp năm ngoái về các bạn trẻ đã nới rộng khái niệm về ơn gọi. Trên thực tế, có bao nhiêu thứ ơn gọi ?

Khi thiết lập ngày cầu nguyện cho ơn gọi năm 1964 (nghĩa là cách đây 55 năm), Đức Thánh Cha Phaolô VI nghĩ đến ơn gọi giáo sĩ. Đó là lý do ngài đã chọn đề tài Chúa Giesu, mục tử nhân lành, để trưng bày mẫu gương cho các mục tử trong Hội thánh. Sau đó, ngày cầu nguyện cũng được mở rộng cho ơn gọi đời sống thánh hiến. Như vậy, ngày chúa nhật hôm nay chúng ta cầu xin Chúa ban cho Giáo hội được nhiều ơn gọi vào đời sống tu sĩ và giáo sĩ. Thế nhưng, hồi tháng 10 năm ngoái, Thượng hội đồng Giám mục đã họp để bàn về “Tuổi trẻ, Đức tin và Phân định ơn gọi”. Thoạt tiên, nhiều người nghĩ rằng THĐ muốn tìm một giải pháp cho cuộc khủng hoảng ơn gọi bên Âu Mỹ ngày nay. Sự thực không phải như vậy! THĐ muốn bàn chuyện rộng hơn. Ngày nay, nhiều bạn trẻ  sống “không có ơn gọi”, nghĩa là không có một lý tưởng cho cuộc sống: họ sống qua ngày, buông theo số phận, hoặc khép trên chính mình.

Như vậy THĐ buộc chúng ta sửa lại quan niệm về ơn gọi, và cụ thể là cần phải tránh hai thái cực: 1) Một bên là thái độ của những người “không có ơn gọi”, sống bập bềnh trôi nổi qua ngày, chẳng có một lý tưởng nào hết; 2) Bên kia là quan niệm chật hẹp về ơn gọi, đó là chỉ giới hạn ơn gọi vào hàng ngũ linh mục hay đời sống thánh hiến. Tài liệu làm việc của THĐ đã dành hẳn một chương để đào sâu vấn đề này (từ số 85 đến 105) dưới tựa đề “Ơn gọi dưới ánh sáng đức tin”. Số 87 nói rằng Ơn gọi là một thuật ngữ loại suy, áp dụng vào nhiều thực thể khác nhau, tạm chia ra làm ba cấp như thế này:

1) Cấp thứ nhất dành cho tất cả mọi người. Cuộc sống là một ơn gọi (Populorum progressio n. 15). Thiên Chúa đã gọi con người ra cõi hư vô đến chỗ hiện hữu. Con người được kêu gọi sống hiệp thông với Thiên Chúa; đó là hạnh phúc của con người. Con người được kêu gọi để ra khỏi chính mình, đi hiệp thông với người khác.

2) Cấp thứ hai dành cho các Kitô hữu. Nhờ bí tích rửa tội, người Kitô hữu được gọi “đi theo” Chúa Kitô, và trở nên đồng hình đồng dạng với Người. Người Kitô hữu cũng được kêu gọi tham gia vào sứ mạng của Hội thánh, tiếp nối sứ mạng của Đức Kitô, làm chứng cho Tin mừng trước mặt thế gian.

3) Cấp thứ ba, đi vào sứ mạng của Giáo Hội. Giáo hội được ví như một thân thể, với nhiều chức năng khác nhau. Từ đó, có thể nói đến nhiều thứ ơn gọi trong Giáo hội: Ơn gọi lập gia đình; Ơn gọi làm mục tử; Ơn gọi dâng mình cho Chúa; Ơn gọi giáo dân trong những nghề nghiệp khác nhau (số 101-105).

Đây có phải là một cuộc cách mạng tư tưởng của Thượng hội đồng năm ngoái không ?

Không phải! Chẳng có cuộc cách mạng nào hết. Chẳng qua là trở về khái niệm “Chúa gọi” nói trong Kinh thánh đấy thôi. Kinh thánh nói đến việc Chúa gọi ở nhiều phương diện và cấp độ.  1/ Theo một nghĩa rộng nhất, “Chúa gọi” có nghĩa Chúa ban sự hiện hữu cho vạn vật và cách riêng là cho con người. Việc tạo dựng được quan niệm như hậu quả của tiếng Chúa gọi: Chúa gọi con người từ chỗ hư vô sang hiện hữu. 2/ Lên một cấp nữa, “Chúa gọi” có nghĩa là Chúa mời gọi con người đến thông phần hạnh phúc với Ngài. Ơn gọi này cũng hướng tới tất cả mọi nhân sinh, được thánh Phaolô diễn tả trong thư gửi Êphêsô như là “Thiên Chúa tuyển chọn ta trong Đức Kitô trước khi tạo thành vũ trụ, để ta được trở nên tinh tuyền thánh thiện” (Ep 1,4; xc. 1Cr 1,2). Ta thấy hai ý niệm “kêu gọi” và “tuyển chọn” được gắn liền với nhau, nhằm nêu bật tình thương của Thiên Chúa dành cho hết mọi người. Tuy vậy, trong lịch sử cứu độ, chúng ta cũng nhận thấy rằng tình thương mà Thiên Chúa bao phủ hết mọi người không ngăn cản việc Ngài tuyển chọn một dân tộc làm dân riêng, như trường hợp dân Israel trong Cựu Ước. Tân Ước áp dụng tư tưởng đó vào dân mới của Thiên Chúa, tức là Hội thánh. Các phần tử được mời gọi một đàng là chia sẻ chức thiên tử của Đức Kitô, đàng khác là mang ơn cứu độ cho đồng loại. Đây là nguồn gốc của ơn gọi người Kitô hữu được công đồng Vaticanô II nhắc tới nhiều lần, khi nói đến “ơn gọi nên thánh” hay “ơn gọi truyền giáo”.

Như vậy là tất cả các tín hữu đều được ơn Chúa gọi, phải không ?

Đúng như vậy. Qua bí tích rửa tội, tất cả các Kitô hữu đều được mời gọi nên thánh, nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô, vừa trong tư cách là con cái hiếu thảo của Chúa Cha vừa trong tư cách là mang Tin Mừng đến cho nhân loại. Đến đây, chúng ta vẫn còn nằm ở cấp độ mà thần học gọi là ơn gọi phổ quát, nghĩa là hướng đến tất cả mọi tín hữu, không trừ riêng ai. Tuy nhiên, chúng ta hãy đi thêm một bước nữa. Thần học chú ý đến vài đoạn Phúc Âm nói đến việc Chúa gọi vài cá nhân và ủy thác cho họ một sứ mạng đặc thù nào đó. Thí dụ khi Chúa Giêsu gọi các môn đệ đi theo Người: “hãy theo tôi”. Lời kêu gọi này hàm ngụ rằng họ phải rời bỏ môi trường nơi mình đang sinh sống để dấn thân phục vụ một kế hoạch mà Chúa vạch cho họ. Hiểu theo nghĩa này, trong Tân Ước chúng ta phải đặt Đức Maria vào hàng tiên phong của những người được Chúa gọi, qua trung gian của thiên sứ Gabriel; rồi đến các môn đệ và về sau, thánh Phaolô cũng khẳng định là mình được Chúa gọi làm tông đồ để đi rao giảng Tin Mừng cứu độ. Thần học gọi đó là “ơn gọi riêng” đối lại với “ơn gọi chung” (hay phổ quát). Dù sao, ta cũng nên ghi nhận rằng giữa hai bên có sự liên hệ mật thiết: Thiên Chúa kêu gọi một số người (ơn gọi riêng) đi phục vụ toàn thể cộng đoàn (ơn gọi chung).

Có bao nhiêu thứ ơn gọi riêng ?

Câu trả lời tùy theo ngôn ngữ mà ta sử dụng. Trong ngôn ngữ thông thường, ta có thể nói tới rất nhiều ơn gọi riêng, hiểu theo nghĩa là mỗi người được Chúa ban tài nghệ nào đó để phục vụ xã hội: khả năng trí tuệ, đầu óc tổ chức, năng khiếu nghệ thuật, v.v.. Theo ngôn ngữ thần học, từ ngữ “ơn gọi” được hiểu theo nghĩa hẹp hơn, dựa theo những mẫu gương của Đức Maria và các môn đệ vừa nói trên đây.

Một cách cụ thể hơn, trong quá khứ người ta nói đến hai ơn gọi: vào hàng giáo sĩ (ơn gọi linh mục) và vào hàng tu sĩ. Ngày nay, người ta muốn nói đến ơn gọi “đi theo Chúa Kitô” theo gương các môn đệ, với hai nét chính: một đàng là ở gần kề Chúa, và đàng khác là loan báo Tin Mừng. Thực vậy, khi đọc lại các trình thuật Tân Ước về ơn gọi các môn đệ, chúng ta thấy trước hết họ được yêu cầu hãy rời bỏ nếp sống hiện tại (kể cả gia đình, nghề nghiệp) để đến chia sẻ cuộc sống giống như Chúa Giêsu, một nếp sống phục vụ Tin Mừng vừa bằng lời giảng vừa bằng nếp sống.

Tóm lại, chúng ta nói đến ba cấp độ của ơn gọi: thứ nhất là chung cho hết mọi người; thứ hai là chung cho tất cả các Kito hữu; thứ ba là những ơn gọi riêng trong Hội thánh. Ba cấp độ này có liên quan đến Ba ngôi Thiên Chúa không?

Phải nhận đây là một điểm mới mẻ của thần học về ơn gọi, khi đặt trong tương quan với Thiên Chúa Ba ngôi, mà ta có thể phát biểu như sau:

1/ Trong tương quan với Chúa Cha. Theo một nghĩa rộng nhất, “Chúa gọi” có nghĩa Chúa ban sự hiện hữu cho vạn vật và cách riêng là cho con người. Việc tạo dựng được quan niệm như hậu quả của tiếng Chúa gọi: Chúa gọi con người từ chỗ hư vô sang hiện hữu. Tiến thêm một bước nữa, “Chúa gọi” có nghĩa là Chúa mời gọi con người đến thông phần hạnh phúc với Ngài.  Con người được dựng nên “theo hình ảnh của Thiên Chúa”, để chia sẻ hạnh phúc làm nghĩa tử.

2/ Trong tương quan với Chúa Kitô. Riêng đối với các Kitô hữu, qua bí tích rửa tội, Người  gọi ta trở nên đồng hình đồng dạng với Người, và chia sẻ vào sứ mạng mang Tin mừng cứu độ cho nhân loại.

3/ Trong tương quan với Chúa Thánh Thần. Thánh Linh soi sáng cho ta biết quảng đại đáp trả tiếng gọi của Chúa. Hơn thế nữa, Ngài còn ban phát những ân huệ khác nhau để phục vụ cộng đồng. Đó là nguồn gốc của « nhiều ơn gọi » khác nhau giữa các Kitô hữu.

Đó là tư tưởng của các nhà thần học. Còn tông huấn sau Thượng hội đồng nói gì ?

Tông huấn Christus vivit dành chương 8 để bàn về ơn gọi, trong đó chúng ta gặp lại các tư tưởng vừa kể, tuy với lối phân chia hơi khác. Chương 8 mở đầu với số 248, bàn đến ơn gọi theo nghĩa rộng, bao gồm việc Chúa gọi chúng ta ra khỏi hư vô để đi vào cuộc sống, cũng như ơn gọi trong tình thân hữu với Ngài, và ơn gọi nên thánh. Đề tài này được khai triển ở các số 249 đến 252. Bước sang số 253, Đức thánh cha nói đến ơn gọi theo nghĩa đặc biệt, nghĩa là ơn gọi phục vụ tha nhân, mang hết những khả năng của mình để phục vụ xã hội. Trong cấp thứ hai này, tông huấn dừng lại ở ba hình thức: một là hình thức tình yêu hôn nhân gia đình (số 259-266); hai là hình thức lao động (số 268-273). Hai hình thức này xem ra là thông thường trong cuộc đời, nhưng dưới cặp mắt đức tin, ta có thể nhận ra như một sứ mạng: sứ mạng xây dựng tình yêu đưa đến việc truyền sinh và giáo dục con cái; sứ mạng xây dựng xã hội. Cuối cùng, tông huấn bàn về ơn gọi tận hiến đặc biệt (số 274-277). Điểm cuối cùng được DTC Phanxico bàn rộng trong sứ điệp nhân ngày thế giới cầu nguyện cho ơn gọi năm nay, được ban hành ngày 31 tháng 1, nhân lễ thánh Gioan Bosco.

Như vậy, ngày cầu nguyện cho ơn gọi vẫn còn giữ được ý nghĩa như lúc được thành lập cách đây 55 năm phải không ?

Đúng vậy. Tuy nhiên, trong đường hướng mục vụ, Giáo hội cần biết lưu tâm đến các ơn gọi khác nữa. Cách riêng, từ nay mục vụ giới trẻ được coi như đồng nghĩa với mục vụ ơn gọi, theo nghĩa là tất cả mọi hoạt động mục vụ dành cho giới trẻ cần giúp cho họ khám phá ra kế hoạch mà Thiên Chúa dành cho họ: mỗi người được mời gọi hãy nhận ra các khả năng Chúa ban để phục vụ Tin mừng, dù trong bất cứ hoàn cảnh sinh sống nào. Việc khám phá này mang tên là “phân định”, đòi hỏi sự lắng nghe, đồng thời cũng cần đến sự đồng hành, hướng dẫn của những người có kinh nghiệm, như chúng ta đọc thấy trong chương 9 của tông huấn Christus vivit.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here