Có Bao Nhiêu Cách Đọc Kinh Chuỗi Mân Côi?
Kính thưa quý vị thính giả,
Hôm nay là chúa nhật đầu tháng 10, tháng Mân côi. Theo lời nhắn nhủ của Đức Mẹ khi hiện ra ở Fatima, Giáo hội khuyến khích các tín hữu siêng năng đọc kinh Mân côi. Ngoài hình thức cổ truyền, còn có cách thức nào để đọc kinh Mân côi không? Linh mục Giuse Phan Tấn Thành trả lời.
Theo các sử gia, kinh Mân côi bắt đầu từ thế kỷ thứ XII bên Âu châu, và đã tiến triển qua nhiều hình thức. Nhờ những nghiên cứu lịch sử trong thế kỷ vừa qua, nhiều đề nghị được đưa ra để canh tân hình thức mà chúng ta quen đọc, và một vài đề nghị đó đã được chính đức giáo hoàng Phaolô VI và Gioan Phaolô II chấp nhận. Chúng ta hãy thử đi lại con đường lịch sử ấy để khám phá những đặc trưng phong phú của kinh nguyện này. Sự tiến triển quan trọng nhất trong suốt 8 thế kỷ nằm ở chỗ chuyển từ một lời kinh chúc tụng Đức Mẹ Maria đến chỗ suy niệm về cuộc đời Chúa Cứu thế với con tim và cặp mắt của Mẹ Maria. Vì thời giờ ngắn ngủi, tôi chỉ dừng lại ở các nét chính. Kinh Mân côi bắt đầu từ thói tục đọc 150 kinh Kính mừng kính Đức Mẹ. Tại sao 150 kinh? Thưa bởi vì ở nhiều đan viện, có những tu sĩ không đọc được tiếng Latinh, cho nên không thể theo dõi các giờ kinh phụng vụ được; vì thế họ được phép thay thế bằng 150 kinh Lạy Cha, nghĩa là tương ứng với con số 150 thánh vịnh. Do lòng sốt sắng, một số đan sĩ thêm 150 kinh Kính mừng nữa. Nên biết là vào thời đó, kinh Kính mừng chỉ gồm bởi hai lời chúc tụng trích từ Tin mừng Luca (lời chúc tụng của thiên sứ Gabriel và lời chúc tụng của bà Elisabeth), nghĩa là tương ứng với phần đầu của kinh Kính mừng hiện nay. Tục lệ này được đặt tên là “Bộ thánh vịnh kính Đức Mẹ”. Cũng như các đan sĩ không đọc 150 kinh Lạy cha một mạch, nhưng chia làm 3 phần, đọc vào 3 buổi (sáng, trưa, chiều), cho nên vào thế kỷ XIII, các tu sĩ cũng chia bộ thánh vịnh Đức Mẹ thành 3 phần, gọi là ba “vòng hoa” kính Đức Mẹ.
Thế kỷ XV đánh dấu một bước tiến quan trọng, tựu trung ở hai điểm: (1) cắt bộ thánh vịnh Đức Mẹ thành 15 chục, và ở đầu mỗi chục thì thêm kinh Lạy Cha; (2), thêm một câu vắn tắt để tưởng nhớ một mầu nhiệm Chúa Giêsu ở cuối kinh Kính mừng. Thí dụ: Kính mừng Maria, đầy ơn phước, Đức Chúa Trời ở cùng Bà, Bà có phúc lạ hơn mọi người nữ, và Giêsu “mà Mẹ đã cưu mang do lời Thiên sứ”, gồm phúc lạ (hoặc: mà Mẹ mang đi viếng bà Elizabeth, mà mẹ sinh ra mà vẫn giữ mình trinh khiết; hoặc: mà Mẹ đã cung kính thờ lạy) vv. Điển hình cho lối đọc này là đan sĩ Đôminicô Prussia (dòng Chartreux, ở Cologne), với bộ 50 câu Phúc âm ngắn tưởng nhớ các mầu nhiệm của Đức Kitô: 14 câu nhắc tới cuộc đời ẩn dật; 6 câu nhắc tới đời công khai; 24 câu tưởng nhớ cuộc tử nạn; và 6 câu kính nhớ cuộc khải hoàn của Chúa và Mẹ Maria. Sáng kiến của đan sĩ Đôminicô Prussia được nhiều người tán thưởng, và người ta đếm tới 300 câu được gắn vào kinh Kính mừng. Cũng vào thế kỷ này, cha Alain de la Roche dòng Đa-minh (1428-1475) thiết lập Hội Mân côi. Nhiệm vụ của các hội viên là mỗi tuần đọc 150 kinh Kính mừng, chia làm ba phần, kính nhớ cuộc Nhập thể – Tử nạn – Vinh quang của Đức Kitô, như vậy là mỗi phần có 50 kinh Kính mừng.
Sang thế kỷ XVI, nói được là kinh Mân côi đã mang một hình thức cố định như hiện nay, với sắc chỉ Consueverunt romani pontifices của đức thánh cha Pio V (năm 1569), tóm lại ở ba điểm căn bản: (1) chia kinh Mân côi thành 15 chục, mỗi chục suy gẫm một mầu nhiệm của công trình cứu chuộc của Đức Kitô: nhập thể, Thập giá, Phục sinh; (2) Kinh kính mừng gồm hai phần cố định: phần thứ nhất là chúc tụng, trích từ Phúc âm thánh Luca; phần thứ hai là cầu xin. (3) Mỗi chục kinh được mở đầu bằng kinh Lạy Cha và kết thúc với kinh Sáng danh. Qua đầu thế kỷ XXI, ĐTC Gioan Phaolô II thêm 5 chục kinh mùa Sáng, suy niệm sứ vụ của Đức Kitô.
Nếu việc đọc kinh Mân côi đã thành cố định, thì đâu có thể thay đổi được nữa?
Kinh Mân côi là một hình thức đạo đức bình dân, chứ không phải là một bí tích, cho nên có thể thay đổi cả nội dung lẫn hình thức. Về nội dung, như đã nói trên đây, lúc đầu kinh Mân côi là một chuỗi những lời chúc tụng Đức Maria qua 150 kinh Kính mừng; dần dần, bên cạnh việc chúc tụng Đức Maria, còn thêm việc suy gẫm các mầu nhiệm của Chúa Giêsu: cùng với Mẹ Maria, chúng ta suy niệm và sống các mầu nhiệm cuộc đời Chúa Kitô. Vì lý do đó mà Đức thánh cha Phaolô VI gọi đó là “toát yếu Tin mừng”. Từ giữa thế kỷ XX, nhiều sáng kiến đã được đề ra nhằm đạt được mục tiêu này: làm thế nào để kinh Mân côi trở thành trường dạy Phúc âm, nghĩa là giúp chúng ta học hỏi thêm để hiểu biết Chúa Giêsu và uốn nắn cuộc đời chúng ta theo Chúa? Đó là sự thay đổi về hình thức. Các sáng kiến này cũng được đức thánh cha Phaolo VI gợi lên trong tông huấn Marialis cultus (năm 1974) và đức thánh cha Gioan Phaolo II trong tông huấn Rosarium virginis Mariae (năm 2002). Chúng ta có thể đan cử bốn thí dụ về hình thức canh tân.
1/ Thí dụ thứ nhất. Việc xướng mầu nhiệm có thể kéo dài với việc đọc một đoạn Kinh thánh liên hệ. Thí dụ mầu nhiệm Truyền tin (thứ nhất mùa Vui), có thể mở đầu bằng việc đọc trình thuật của thánh Luca về việc thiên sứ truyền tin cho Đức Mẹ, hoặc những đoạn văn Tân ước nói đến cuộc Nhập thể của Ngôi Lời (theo Tin mừng Gioan, hoặc thư thánh Phaolô).
2/ Thí dụ thứ hai. Sau khi đọc lời Chúa, có thể dừng lại để thêm phần suy niệm. Như vậy, buổi đọc kinh Mân côi trở thành buổi Cử hành Lời Chúa, (hoặc lectio divina). Sau khi đọc lời Chúa (lectio), thêm phần suy niệm (meditatio), hoặc huấn giáo (catechesis); kế đó là đọc một chục kinh Kính mừng (oratio), bằng việc đọc kinh Lạy Cha và 10 Kinh Kính mừng. Kinh nguyện kết thúc bằng lời chúc tụng (contemplatio), bằng kinh Sáng danh, hoặc kể cả qua việc dâng các ý chỉ Lời nguyện tín hữu. Nếu tổ chức theo hình thức này, thì mỗi lần chỉ cần suy niệm một mầu nhiệm là đủ, chứ không cần phải suy niệm 5 mầu nhiệm.
3/ Thí dụ thứ ba. Kéo dài Kinh Kính mừng, với một ý tưởng hướng về Chúa Giêsu. Như đã nói trên đây, đan sĩ Đôminicô de Prussia, dòng Chartreux, đã chen 50 đoạn suy niệm cuộc đời Chúa Cứu thế, để tạo nên tràng thánh vịnh kính Đức Maria. Trong thế kỷ XX, cha Joseph Eyquem, dòng Đa Minh cũng đề nghị trở lại với hình thức đó. Trên thực tế, người ta phân biệt hai dạng khác nhau, cách riêng là khi đọc kinh chung. (a) Một dạng đơn giản là chỉ thêm một đoạn trong suốt một chục kinh. Thí dụ mầu nhiệm thứ nhất mùa vui: Kính mừng Maria, đầy ơn phước, Đức Chúa Trời ở cùng bà, bà có phúc lạ hơn mọi người nữ, và Giêsu “Đấng mà bà mang thai do quyền năng Chúa Thánh Thần”, Con lòng bà, gồm phúc lạ. Nên biết là nếu muốn theo sát nguyên bản Tân ước, thì phải dịch thế này: “Kính mừng Maria, đầy ơn phước, Đức Chúa Trời ở cùng Bà, bà được chúc phúc hơn mọi người nữ, và chúc tụng Đức Giêsu hoa trái của lòng Bà”. (b) Dạng thứ hai chi tiết hơn, chêm đoạn Kinh thánh vào mỗi lần đọc kinh Kính mừng. Lấy lại thí dụ của mầu nhiệm thứ nhất. Cộng đoàn đọc: Kính mừng Maria, đầy ơn phước, Đức Chúa Trời ở cùng bà, bà có phúc lạ hơn mọi người nữa, và Giêsu con lòng Bà, gồm phúc lạ. Một người thưa lần lượt đáp lại: 1) Bà đã được thiên sứ sai đến nhà Nadaret và chào kính là kẻ đầy ơn phúc. 2) Bà đã sửng sốt, hỏi lại thiên sứ về ý nghĩa của lời chào. 3) Bà đã ngạc nhiên khi thiên sứ báo tin rằng bà được chọn làm thân mẫu của Thiên Chúa. 4) Bà được thiên sứ cho biết rằng Con của Bà sẽ ngự trị trên ngai của vua Đavít. 5) Bà đã hỏi lại sứ thần: điều đó xảy đến thế nào được vì tôi khấn giữ trinh khiết?. 6) Bà được thiên sứ trả lời: Thần khí Chúa sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối cao sẽ phủ rợp bà. 7) Bà được thiên sứ mạc khải cho biết hài nhi mà Bà sinh ra sẽ là Con Thiên Chúa. 8) Bà được thiên sứ củng cố lời nói bằng việc bà chị họ đã mang thai được sáu tháng. 9) Bà đã hoàn toàn tuân theo chương trình của Thiên Chúa, qua lời thưa: “Này đây tôi là nữ tì của Thiên Chúa, xin lời của Người thực hiện nơi tôi”. 10) Bà đã thụ thai Đức Giêsu, Đấng đã đến thế gian để làm theo ý Chúa Cha.
Sau kinh kính mừng thứ mười, tất cả cùng kết thúc: “Thánh Maria, Đức Mẹ Chúa Trời, cầu cho chúng con là kẻ có tội, luôn biết vâng lời Thiên Chúa cách mau mắn và vui tươi, bây giờ và trong giờ lâm tử. Amen”.
4/ Thí dụ thứ bốn. Thêm những mầu nhiệm mới. Như đã nói trên đây, từ nhiều thế kỷ, các tín hữu đã đọc và suy gẫm 15 mầu nhiệm kính nhớ cuộc Nhập Thể, Tử Nạn và Phục Sinh của Chúa Giê-su. Đức Thánh Cha Gioan Phaolo II đã thêm 5 mầu nhiệm về sứ vụ của Chúa Giê-su. Theo đà này, có thể nói được rằng bất cứ đoạn văn nào của Phúc âm (chẳng hạn như 8 mối phúc thật) cũng có thể trở thành mầu nhiệm kinh Mân côi. Sau mỗi đoạn Kinh thánh, chúng ta suy gẫm, rồi cùng với mẹ Maria, chúng ta xin cho được thấm nhuần tinh thần đó, và mang ra thực hành. Như đã nói trên, mỗi lần họp nhau đọc kinh như vậy, chỉ cần suy gẫm một mầu nhiệm là đủ.