Lm. Phan Tấn Thành, OP.
Trong Thánh lễ hôm nay, bài đọc thứ nhất được trích từ sách Tông đồ công vụ thuật lại biến cố Chúa Thánh Thần hiện xuống vào dịp lễ Ngũ tuần, tức là 50 ngày sau lễ Vượt qua; còn bài đọc Tin mừng theo thánh Gioan kể lại việc Chúa Giêsu Phục sinh ban Chúa Thánh Thần cho các môn đệ vào chính ngày sống lại. Trên thực tế, Chúa Thánh Thần được ban cho các môn đệ vào lúc nào?
Hôm nay phụng vụ cử hành Lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống, 50 ngày sau lễ Phục sinh, căn cứ trên sách Tông đồ Công vụ. Cũng dựa theo sách này, sau khi Chúa Giêsu sống lại, Người còn hiện ra với các tông đồ trong vòng 40 ngày rồi mới lên trời, và Chúa Thánh Thần được phái đến 10 ngày sau đó. Tuy nhiên, nếu chúng ta lật qua Tin mừng thánh Luca (nghĩa là cùng tác giả với sách Tông đồ Công vụ), chúng ta sẽ thấy Chúa Giêsu lên trời vào buổi chiều chính ngày sống lại, sau khi đã hiện ra với 11 môn đệ (Lc 24, 51). Như vậy là đã có sự khác biệt ngay giữa hai tác phẩm của thánh Luca, chứ không chỉ giữa vị này với thánh Gioan. Nhiều câu hỏi đương nhiên được đặt lên liên quan đến tính xác thực về thời gian; nhưng các thắc mắc này sẽ tan biến khi biết rằng chủ ý của thánh Luca không phải là mô tả chi tiết các biến cố giống như một phóng viên nhà báo hoặc như một người viết bá cáo cho cơ quan an ninh, cho bằng là một nhà thần học. Điều này còn rõ hơn nữa khi biết rằng sách Tông đồ công vụ kể lại nhiều lần Chúa Thánh Thần hiện xuống, chứ không chỉ một lần vào dịp lễ Ngũ Tuần mà thôi. Để vấn đề được rành mạch, thiết tưởng chúng ta cần sửa đổi quan niệm về tác động của Chúa Thánh Thần trong vũ trụ. Chúa Thánh Thần không chỉ hoạt động sau khi Chúa Giêsu lên trời, nhưng ngài đã hiện diện trong thế giới ngay từ buổi khai nguyên vũ trụ. Sách Giáo lý của Hội thánh Công giáo đã nói rõ điều này ở các số 702-741, khi mô tả sự can thiệp của Thánh Thần qua ba giai đoạn của lịch sử cứu độ: 1/ thứ nhất, thời hứa hẹn với các chặng: tạo dựng, giao ước; ngôn sứ; 2/ thứ hai, thời viên mãn của Đức Kitô; 3/ thứ ba, thời chót của Hội thánh.
Như vậy Chúa Thánh Thần đã hoạt động ngay trong Cựu ước hay sao?
Đúng vậy. Đành rằng phải chờ đến Tân ước, mạc khải về Thánh Linh như là một Ngôi vị mới rõ ràng; thế nhưng sau khi đã lãnh nhận mạc khải đó, các Kitô hữu đã đọc lại toàn thể lịch sử cứu độ và đã nhận ra tác động của Thánh Linh ngay từ lúc tạo dựng. Khi phân tích các bản văn Kinh thánh Cựu ước, chúng ta đã thấy nói tới ruah Yaweh (thần khí Chúa) không những đã hiện diện vào hồi tác tạo vũ trụ (St 1,1-2), nhưng còn tiếp tục duy trì cho các sinh vật được hiện hữu. Nếu Thiên Chúa rút thần khí lại thì mọi vật tan ra mây khói (Tv 104,29). Thánh Linh được kêu cầu như là “Thần khí tác tạo” trong bài thánh thi nổi tiếng “ Veni Creator Spiritus”. Hơn thế nữa, trong lịch sử của Israel, thần khí Chúa không những đã thổi lên làn gió rẽ ngang biển Đỏ để dân thoát cảnh nô lệ Ai cập, nhưng còn gợi dậy bao nhiêu sứ giả cứu tinh, đặc biệt là các ngôn sứ.
Sang thời Tân ước, Thánh Thần tác động như thế nào?
Sách Giáo lý Hội thánh Công giáo gọi thời thứ hai là “thời viên mãn”. Tân ước đã cho thấy Thánh Linh tác động trong cuộc đời của Đức Giêsu, từ khi nhập thể đến lúc Phục sinh; rồi từ biến cố Phục sinh, Thánh Linh trở nên hồng ân mà Đức Kitô ban cho nhân loại. Trong suốt cuộc đời ấy, có ba biến cố mà Thánh Linh can thiệp cách đặc biệt, đó là: vào lúc nhập thể, lúc lĩnh phép rửa, và trên thập giá. 1) biến cố thứ nhất là việc nhập thể. Cả hai thánh sử Mátthêu và Luca đều giải thích việc Đức Maria thụ thai Đức Giêsu là bởi quyền năng của Thánh Linh (Mt 1,20; Lc 1,35). Điều này đã được tuyên xưng trong tất cả các tín biểu: “bởi phép Đức Chúa Thánh Thần, Người đã nhập thể trong lòng trinh nữ Maria và đã làm người”. Dựa theo các giáo phụ, thánh Tôma Aquinô giải thích rằng vai trò của Thánh Linh là kết hợp Ngôi Lời với nhân tính (gratia unionis), nhờ đó mà Đức Giêsu được sung mãn ân sủng và chân lý để thông truyền cho chúng ta với tư cách là đầu của Nhiệm thể. 2) Biến cố thứ hai là vào lúc Đức Giêsu lãnh phép rửa ở sông Giorđan: tất cả bốn Phúc âm đều mô tả sự xuất hiện của Thánh Linh (Mt 3,18; Mc 1,10; Lc 3,21; Ga 1,32). Dựa theo Cv 10,37-38, nhiều giáo phụ đã giải thích biến cố đó như Đức Giêsu được Thánh Linh xức dầu (Kitô, trong tiếng Hy lạp, có nghĩa là người được xức dầu), để khởi sự sứ mạng ngôn sứ và cứu tinh (x. Is 42,1). Như chúng ta đã biết, chính nhờ quyền năng của Thánh Linh đáp xuống trên mình mà Đức Giêsu mang Tin mừng đến cho người nghèo (Lc 4,18), giải phóng con người khỏi vòng nô lệ của ma quỷ (Mc 3,22-20; Mt 12,28), bệnh tật, tội lỗi, chết chóc (Mt 8,17; 12,15-21; Cv 10,38). 3) Thứ ba, biến cố Đức Kitô bị treo lên Thập giá được thánh Gioan giải thích như là sự tôn vinh Thiên Chúa. Thiên Chúa được tôn vinh vì đã mạc khải tình yêu của Ngài qua việc trao ban Con Một mình cho nhân loại (Ga 3,16). Thánh Gioan không mô tả cái chết của Đức Giêsu trên Thập giá như một thảm kịch đau thương cho bằng như một sự mạc khải của tình yêu trao hiến. Sự trao hiến đạt đến mức tột đỉnh khi mà tặng phẩm không phải là một “đồ vật” mà là một “nhân vật”: Thánh Linh chính là nhân vật được trao tặng. Thực vậy, thánh Gioan cho thấy rằng “mọi sự đã hoàn tất” (Ga 19,30) vào lúc mà Đức Giêsu trút hơi thở cuối cùng; thế nhưng động tác này được mô tả không giống như sự trút hơi lìa đời mà là “trút ban thần khí”. Chương trình yêu thương cứu rỗi của Thiên Chúa được hoàn tất do việc Đức Kitô hiến mạng sống mình cho những bạn hữu mình yêu, và cử chỉ tình yêu ấy được đóng ấn với sự trao ban Thánh Linh. Thánh Linh đã được ban phát ngay từ hồi nguyên thủy, nay được ban ra dồi dào từ cái chết của Đức Kitô, như mạch suối nước hằng sống (Ga 19,30; x.7,37-39). Việc trao ban Thánh Linh được biểu thị cách hữu hình vào lúc Đức Kitô phục sinh hà hơi trên các tông đồ: “Các con hãy nhận lãnh Thánh Linh” (Ga 20,22). Thánh Phaolô đã nói rất nhiều về việc Thánh Linh được trao ban từ cuộc Phục sinh của Đức Kitô (thí dụ Rm 1,4; 8,11) để trở thành sinh lực cho chúng ta, biến chúng ta thành con cái Chúa, và là bảo chứng cho việc chúng ta sẽ sống lại mai hậu.
Như vậy, Thánh Thần được trao bao vào lúc Chúa Giêsu được tôn vinh khi được treo lên Thập giá. Tại sao thánh Luca lùi biến cố Thánh Thần hiện xuống vào lễ Ngũ tuần?
Như lúc nãy đã nói, thánh Luca không đóng vai một phóng viên nhà báo cho bằng một giảng viên thần học. Chúng ta đã ghi nhận rằng theo Phúc âm thứ ba, Chúa Giêsu đã lên trời vào chính ngày sống lại, nhưng tác giả sách Tông đồ công vụ dời biến cố này vào 40 ngày sau. Thực ra, chẳng có gì mâu thuẫn hết, bởi vì từ khi sống lại, Chúa Giêsu không còn hiện diện trên mặt đất cách hữu hình nữa: Người là sống lại và đã đi vào vinh quang rồi. Thời gian 40 ngày mang tính tượng trưng của việc chuẩn bị giáo huấn, cũng tương tự như trong Cựu ước, các ngôn sứ trải qua 40 ngày trong sa mạc trước khi gặp gỡ Thiên Chúa, và thậm chí Chúa Giêsu cũng trải qua 40 ngày trong nơi hoang địa để chuẩn bị thi hành sứ vụ. Các thánh tông đồ cũng phải trải qua một thời kỳ chuẩn bị 40 ngày như vậy. Ta có thể hiểu ngậm rằng trong khoảng thời gian ấy, Chúa Phục sinh đã có lần còn hiện ra để dạy dỗ các ông, và chấm dứt với biến cố Lên trời nói ở đầu sách Tông đồ công vụ. Sau đó 10 ngày, Chúa Thánh Thần Hiện xuống, trùng với dịp lễ Ngũ tuần của dân Do thái. Hẳn đây có một dụng ý thần học. Người Do thái cử hành lễ Ngũ tuần 50 ngày sau lễ Vượt qua để tưởng niệm việc Thiên Chúa ban giáo ước trên núi Sinai. Thánh Luca muốn cho Chúa Thánh Thần hiện xuống vào dịp này để kỷ niệm giao ước mới của Kitô giáo, giao ước mới mà các ngôn sứ Gieremia (3,1-5) và Edekiel (36,25-27) đã tiên báo, đó là một giao ước được khắc trong con tim (thay vì khắc vào bia đá), giao ước được đánh dấu với thần khí mới, thần khí nghĩa tử. Dù sao, như đã nói trên đây, thánh Luca còn kể lại biến cố Chúa Thánh Thần Hiện xuống nhiều lần trong Sách Tông đồ công vụ, chứ không phải chỉ vào dịp lễ Ngũ tuần.
Đó là những lần nào?
Sách Tông đồ Công vụ được coi như “Tin mừng của Thần khí” (Cv 2,1-4), mô tả sự bành trướng của Hội thánh dưới sự hướng dẫn của Thần khí. Trong sách này, Luca đã trình bày vai trò của Thần khí trong đời sống của Hội thánh với những nét tương tự như tác động của Thần khí trong đời sống của Đức Giêsu trong Phúc âm. Cũng như trước đây Thần khí đã đáp xuống Đức Giêsu vào lúc chịu phép rửa (Lc 3,21-22) để sai đi rao giảng Tin mừng cho hết mọi dân (Lc 4,16.25-27); nay Thần khí cũng đáp xuống Hội thánh vào dịp lễ Ngũ tuần (Cv 2,1-4) để rao giảng Tin mừng dành cho hết mọi dân (Cv 2,14.39). Đối với người Do thái, lễ Ngũ tuần tưởng niệm giao ước Sinai; đối với Hội thánh, thì giao ước là chính Thần khí được ban trong khung cảnh không kém uy nghi như trên núi Sinai (chớp sáng và lưỡi lửa Cv 2,2-3, gợi lại cảnh sấm chớp mô tả ở Xh chương 19-20). Thần khí được ban như hồng ân của Đức Kitô phục sinh (Cv 2,33), nhằm hoàn tất các lời hứa của Thiên Chúa (Cv 1,4; Lc 24,49). Thần khí được ban khi các môn đệ họp nhau cầu nguyện (Cv 1,14; 2,1). Sách Cv còn nói tới nhiều lần Thần khí đã đến vào lúc cộng đồng đang cầu nguyện (4,31; 10,44-47). Thần khí không chỉ được ban vào lúc khai sinh cộng đoàn Hội thánh tại Giêrusalem, mà Ngài còn đi kèm Hội thánh trong cuộc sống, khi hướng dẫn những bước đường truyền giáo (8,29.39) mở rộng tới biên cương mới (ch. 10; 15,28; 16,6), đặc biệt là những chuyến hành trình truyền giáo của Phaolô (13,2.4; 16,6; 20,22.23.28; 21,4.11); Thần khí hỗ trợ Hội thánh để làm chứng cho Đức Kitô bất chấp những đe loi, bắt bớ (1,8; 4,31; 5,32; 15,8; 28,31). Trong bối cảnh ấy, thánh Luca kể lại những lần Thánh Linh tỏ hiện với những dấu lạ, để đánh dấu một chặng mới trong hướng truyền giáo. Ngoài biến cố Ngũ tuần ở đầu chương 2 (câu,1-5), ta có thể kể đến biến cố ở Samaria, chương 8 (câu16-18), khi Tin mừng hướng đến dân ngoại; ở nhà ông Cormelio chương 10 (câu 44), tại Êpheso, chương 19 (câu 6-7). Những lần tỏ hiện với dấu lạ như vậy ra như muốn thúc đẩy Hội thánh ra những biên cương mới, và tin tưởng rằng Chúa Thánh Thần ở với họ.
Dựa trên những chứng tích ấy, Hội thánh mọi thời tin rằng Chúa Thánh Thần vẫn tiếp tục hoạt động cả vào thời buổi chúng ta, được sách Giáo lý Hội thánh Công giáo số 688 mô tả qua bảy nơi như sau: 1/ nơi Kinh thánh mà Thánh Linh linh ứng; 2/ nơi Thánh Truyền; 3/ nơi Huấn quyền; 4/ trong phụng vụ bí tích; 5/ trong các đoàn sủng và tác vụ; 6/ trong các dấu chỉ của đời sống tông đồ và truyền giáo; 7/ nơi chứng tá của các thánh.