Chúa Nhật XXV – Năm B – Thường Niên

0
567

LM. Anthony Đinh Minh Tiên, OP

1/ Bài đọc IKn 2,12. 17-20
12 Ta hãy gài bẫy hại tên công chính, vì nó chỉ làm vướng chân ta,
nó chống lại các việc ta làm, trách ta vi phạm lề luật, và tố cáo ta không tuân hành lễ giáo.
17 Ta hãy coi những lời nó nói có thật không, và nghiệm xem kết cục đời nó sẽ thế nào.
18 Nếu tên công chính là con Thiên Chúa, hẳn Người sẽ phù hộ và cứu nó khỏi tay địch thù.
19 Ta hãy hạ nhục và tra tấn nó, để biết nó hiền hoà làm sao, và thử xem nó nhẫn nhục đến mức nào.
20 Nào ta kết án cho nó chết nhục nhã, vì cứ như nó nói, nó sẽ được Thiên Chúa viếng thăm.”

2/ Bài đọc IIGc 3,16-4,3
16 Thật vậy, ở đâu có ghen tương và tranh chấp, ở đấy có xáo trộn và đủ mọi thứ việc xấu xa.17 Đức khôn ngoan Chúa ban làm cho con người trở nên trước là thanh khiết, sau là hiếu hoà, khoan dung, mềm dẻo, đầy từ bi và sinh nhiều hoa thơm trái tốt, không thiên vị, cũng chẳng giả hình.18 Người xây dựng hoà bình thu hoạch được hoa trái đã gieo trong hoà bình, là cuộc đời công chính.1 Bởi đâu có chiến tranh, bởi đâu có xung đột giữa anh em? Chẳng phải là bởi chính những khoái lạc của anh em đang gây chiến trong con người anh em đó sao?2 Thật vậy, anh em ham muốn mà không có, nên anh em chém giết; anh em ganh ghét cũng chẳng được gì, nên anh em xung đột với nhau, gây chiến với nhau. Anh em không có, là vì anh em không xin;3 anh em xin mà không được, là vì anh em xin với tà ý, để lãng phí trong việc hưởng lạc.

3/ Phúc ÂmMc 9,30-37
30 Đức Giê-su và các môn đệ ra khỏi đó, đi băng qua miền Ga-li-lê. Nhưng Đức Giê-su không muốn cho ai biết,31 vì Người đang dạy các môn đệ rằng: “Con Người sẽ bị nộp vào tay người đời, họ sẽ giết chết Người, và ba ngày sau khi bị giết chết, Người sẽ sống lại.”32 Nhưng các ông không hiểu lời đó, và các ông sợ không dám hỏi lại Người.33 Sau đó, Đức Giê-su và các môn đệ đến thành Ca-phác-na-um. Khi về tới nhà, Đức Giê-su hỏi các ông: “Dọc đường, anh em đã bàn tán điều gì vậy?”34 Các ông làm thinh, vì khi đi đường, các ông đã cãi nhau xem ai là người lớn hơn cả.35 Rồi Đức Giê-su ngồi xuống, gọi Nhóm Mười Hai lại mà nói: “Ai muốn làm người đứng đầu, thì phải làm người rốt hết, và làm người phục vụ mọi người.”36 Kế đó, Người đem một em nhỏ đặt vào giữa các ông, rồi ôm lấy nó và nói:37 “Ai tiếp đón một em nhỏ như em này vì danh Thầy, là tiếp đón chính Thầy; và ai tiếp đón Thầy, thì không phải là tiếp đón Thầy, nhưng là tiếp đón Đấng đã sai Thầy.”


GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Phải sống theo sự khôn ngoan của Thiên Chúa.

             Có nhiều người muốn biết nhưng không chịu học; muốn được khen ngợi nhưng chẳng có gì để được khen ngợi; muốn được người khác yêu thương, thông cảm; nhưng chẳng bao giờ chịu yêu thương và thông cảm người khác; muốn làm lớn nhưng chẳng muốn làm gì cả. Những người này khi không được những điều mình muốn, họ tìm cách phá đám cho bỏ ghét, cho đỡ tức. Lẽ ra họ phải dùng trí khôn để tìm hiểu, xây dựng; họ lại dùng vũ lực để phá hủy, để tiêu diệt.

            Các Bài Đọc hôm nay dạy con người phải biết thay đổi lối sống theo khôn ngoan của thế gian để sống theo sự khôn ngoan của Thiên Chúa. Trong Bài Đọc I, thay vì phải thay đổi cho phù hợp với lối sống của Thiên Chúa, kẻ gian ác muốn thử thách Thiên Chúa bằng cách bách hại người công chính. Trong Bài Đọc II, thánh Giacôbê dạy các tín hữu: nếu muốn có bình an đích thực, họ phải từ bỏ lối sống theo tham vọng trần tục, để sống theo sự khôn ngoan của Thiên Chúa. Trong Phúc Âm, trong khi Chúa Giêsu chuẩn bị hy sinh để chết cho nhân loại trong Cuộc Thương Khó, các môn đệ tranh giành và cãi cọ xem ai là người lớn nhất trong Nước Trời. Chúa Giêsu gọi một em nhỏ tới và bảo các ông: “Ai muốn làm người đứng đầu, thì phải làm người rốt hết, và làm người phục vụ mọi người.”

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Thử thách Thiên Chúa bằng cách bách hại người công chính.

1.1/ Kẻ gian ác bách hại người công chính: Có những người mù quáng chỉ tin vào sự khôn ngoan và sức mạnh của mình; nên từ chối học hỏi sự khôn ngoan và tiếp nhận những lời phê bình xây dựng của người khác.

            + Để biết sự thật, thay vì phải bỏ thời gian và nỗ lực để học hỏi và suy xét, kẻ gian ác lại ngông cuồng dùng vũ lực để tiêu diệt sự thật, bằng cách bách hại người công chính. Họ nói: “Ta hãy gài bẫy hại tên công chính, vì nó chỉ làm ta nhức nhối: nó chống lại các việc ta làm, trách ta vi phạm lề luật, và tố cáo ta không tuân hành lễ giáo.”

            + Thay vì tìm hiểu lý do tại sao người công chính có thể hiền hòa và kiên nhẫn, họ lại chọn dùng vũ lực uy hiếp: “để biết nó hiền hoà làm sao, và thử xem nó nhẫn nhục đến mức nào.”

1.2/ Kẻ gian ác thử thách Thiên Chúa: Vì không tin có Thiên Chúa, nên kẻ gian ác muốn người công chính cũng phải tin như vậy.

            (1) Để tìm ra ý nghĩa của cuộc đời: Thay vì phải học hỏi nơi những mặc khải của Thiên Chúa trong Kinh Thánh và biết suy xét trên kinh nghiệm cuộc đời, họ lại chọn cách tiêu diệt người công chính để chứng minh không có Thiên Chúa. Họ nói: “Ta hãy coi những lời nó nói có thật không, và nghiệm xem kết cục đời nó sẽ thế nào.” Đối với họ, chết là hết.

            (2) Để tìm ra sự hiện hữu của Thiên Chúa: Họ nghĩ: “Nếu tên công chính là con Thiên Chúa, hẳn Người sẽ phù hộ và cứu nó khỏi tay địch thù. Nào ta kết án cho nó chết nhục nhã, vì cứ như nó nói, nó sẽ được Thiên Chúa viếng thăm.” Nếu Thiên Chúa không ra tay cứu, họ kết luận: chẳng có Thiên Chúa.

            Đứng trước Thập Giá của Chúa Giêsu, nhiều thầy thượng-tế, kinh-sư, và biệt-phái đã nhạo báng Ngài: ”Hắn cậy vào Thiên Chúa, thì bây giờ Người cứu hắn đi, nếu quả thật Người thương hắn! Vì hắn đã nói: “Ta là Con Thiên Chúa!” (Mt 27:43).

2/ Bài đọc II: Hãy từ bỏ lối sống tham vọng trần tục để sống theo sự khôn ngoan của Thiên Chúa.

2.1/ Khôn ngoan của Thiên Chúa và của thế gian: Từ ngữ “sophía” là một từ không rõ ràng trong tiếng Hy-lạp; nó có thể áp dụng cho mọi khôn ngoan: Thiên Chúa cũng như con người, tốt cũng như xấu.

            (1) Khôn ngoan của Thiên Chúa: Thánh Giacôbê dùng cả một câu dài để định nghĩa: “Đức khôn ngoan Chúa ban làm cho con người trở nên trước là thanh khiết, sau là hiếu hoà, khoan dung, cầu tiến, đầy từ bi và sinh nhiều hoa thơm trái tốt, không thiên vị, cũng chẳng giả hình.”

            Trước tiên, khôn ngoan theo Thiên Chúa đòi con người phải thanh khiết, không có chút tà ý nào để mưu hại tha nhân. Kế đến, người khôn ngoan phải chú trọng đến việc xây dựng hòa bình, chứ không dùng thủ đoạn để gây chia rẽ và tranh chấp. Người khôn ngoan không ngoan cố giữ ý riêng mình; nhưng sẵn lòng mở rộng tâm hồn để đón nhận những điều hay ý đẹp từ người khác. Người khôn ngoan không dễ kết án tha nhân; nhưng luôn thương xót và tìm dịp để xây dựng cho mọi người. Sau cùng, người khôn ngoan biết đối xử công bằng với mọi người, và luôn sống thật lòng với Thiên Chúa và với tha nhân. Nói tóm, khôn ngoan theo Thiên Chúa bao gồm tất cả niềm tin cũng như thực hành những gì Thiên Chúa dạy.

            (2) Khôn ngoan của thế gian: Khôn ngoan của thế gian là tìm mọi cách để có uy quyền, địa vị, danh vọng, và các lợi nhuận vật chất. Vì người khôn ngoan theo tiêu chuẩn thế gian muốn trổi vượt mọi người, nên họ sẽ dùng mọi thủ đoạn để có thể đạt được những gì họ mong muốn. Thánh Phaolô tóm gọn hệ quả như sau: “Thật vậy, ở đâu có ghen tương và tranh chấp, ở đấy có xáo trộn và đủ mọi thứ việc xấu xa.”

2.2/ Làm sao để biết đâu là khôn ngoan thật: Thánh Giacôbê dạy các tín hữu hãy nhìn vào hậu quả:

            (1) Hậu quả của lối sống khôn ngoan theo Thiên Chúa là sự bình an: ”Người xây dựng bình an thu hoạch được hoa trái đã gieo trong bình an, là cuộc đời công chính.” Người công chính là người biết sống đúng mối liên hệ với Thiên Chúa và với tha nhân, nên họ sẽ có bình an trong tâm hồn và sống hòa bình với mọi người.

            (2) Hậu quả của lối sống khôn ngoan theo con người là sự bất an và chiến tranh: Thánh Giacôbê chỉ rõ: ”Bởi đâu có chiến tranh, bởi đâu có xung đột giữa anh em? Chẳng phải là bởi chính những khoái lạc của anh em đang gây chiến trong con người anh em đó sao? Thật vậy, anh em ham muốn mà không có, nên anh em chém giết; anh em ganh ghét cũng chẳng được gì, nên anh em xung đột với nhau, gây chiến với nhau.”

3/ Phúc Âm: Ai muốn đứng đầu, thì phải làm người rốt hết, và làm người phục vụ mọi người.

3.1/ Chúa Giêsu báo trước Cuộc Thương Khó của Ngài: Đây là lần thứ hai Chúa Giêsu báo về Cuộc Thương Khó sắp tới của Ngài: “Con Người sẽ bị nộp vào tay người đời, họ sẽ giết chết Người, và ba ngày sau khi bị giết chết, Người sẽ sống lại.” Nhưng các ông không hiểu lời đó, và các ông sợ không dám hỏi lại Người. Một số những lý do đàng sau thái độ im lặng này:

            + Các ông không dám đương đầu với sự thật: Lần đầu, Phêrô đã kéo Ngài ra một nơi để khuyên: “Xin những sự đó đừng xảy ra cho Thầy!” Chấp nhận sự thật là phải chấp nhận thay đổi lối sống, các ông chưa sẵn sàng để chấp nhận con đường phải hy sinh đau khổ.

            + Các ông sợ phải đương đầu với đau khổ: Như bao người Do-thái, các ông đang mong đợi một Đấng Thiên Sai uy quyền. Ngài sẽ dùng quyền lực để tiêu diệt kẻ thù và khôi phục địa vị ưu việt cho dân Do-thái.

3.2/ Tranh giành chức vụ và quyền lợi: Sau đó, Đức Giêsu và các môn đệ đến thành Capernaum. Khi về tới nhà, Đức Giêsu hỏi các ông: “Dọc đường, anh em đã bàn tán điều gì vậy?”

Các ông làm thinh, vì khi đi đường, các ông đã cãi nhau xem ai là người lớn hơn cả. Lý do các ông làm thinh, vì:

            – Các ông biết Chúa thấu hiểu tà ý của các ông: Cuộc Thương Khó của Chúa sắp tới, là người môn đệ mà các ông không quan tâm để an ủi Ngài; nhưng lại chỉ để ý đến việc được quyền cao chức trọng. Các ông không những mong chức vụ, mà còn là một chức vụ lớn nhất. Điều này các ông sẽ bày tỏ rõ ràng hơn khi Chúa Giêsu tiên đoán Cuộc Thương Khó lần thứ ba. Ngay sau đó, mẹ của hai tông-đồ Giacôbê và Gioan mang hai con đến xin Chúa cho hai con, một người ngồi bên phải và một người ngồi bên hữu trong vương quốc của Ngài. Mười môn đệ kia tỏ vẻ bất bình với hai anh em về lời xin này.

            Nghịch lý của con người là ở chỗ muốn làm lớn nhưng lại không muốn làm gì cả! Muốn quyền cao chức trọng, nhưng không chịu chiến đấu! Nếu các ông muốn chung phần vinh quang với Ngài, các ông cũng phải chung phần đau khổ với Ngài. Đàng này, các ông chỉ mong muốn vinh quang, và bỏ chạy hết để Chúa chịu đau khổ một mình trên Thập Giá. Chúng ta không bơi móc để trách cứ các tông đồ; nhưng muốn nhận rõ sự nghịch lý này nơi mỗi người chúng ta, với hy vọng sẽ giúp mỗi người thay đổi não trạng đã quá ăn sâu nơi con người. Các tông-đồ sau khi đã nhận ra tội lỗi của mình và tình yêu vô biên của Chúa Giêsu, đã thay đổi cuộc đời và sẵng sàng chịu mọi gian khổ, ngay cả cái chết để làm chứng cho Đức Kitô.

3.3/ Phục vụ là cách thức để trở nên lớn nhất:

            (1) Bổn phận phải phục vụ: Khuynh hướng của nhiều người là thích ăn trên ngồi chóp, và được người khác phục vụ; Chúa Giêsu đảo ngược khuynh hướng này khi Ngài dạy các môn đệ: “Ai muốn làm người đứng đầu, thì phải làm người rốt hết, và làm người phục vụ mọi người.” Nếu một người chịu suy xét Lời Chúa và đối chiếu với kinh nghiệm của cuộc đời, họ sẽ thấy sự hợp lý của Lời Chúa: chẳng ai thích người có thói quen ăn trên ngồi chóp; nhưng yêu mến những người sẵn sàng hy sinh và phục vụ tha nhân. Hơn nữa, người tín hữu đã lãnh nhận bổn phận phải phục vụ tha nhân trong ngày lãnh nhận Bí-tích Rửa Tội, cùng với bổn phận tiên tri và tư tế.

            (2) Phục vụ người cô thân, cô thế: Kế đó, Người đem một em nhỏ đặt vào giữa các ông, rồi ôm lấy nó và nói: “Ai tiếp đón một em nhỏ như em này vì danh Thầy, là tiếp đón chính Thầy; và ai tiếp đón Thầy, thì không phải là tiếp đón Thầy, nhưng là tiếp đón Đấng đã sai Thầy.” Chúa Giêsu biết rõ con người thường có thói quen săn đón những người cao sang, quyền quí, với hy vọng sẽ được nhận lại sự giúp đỡ khi cần tới. Vì thế, Chúa dạy các môn đệ phải làm ngược lại, bằng cách phục vụ những người chẳng có gì để cho lại như trẻ nhỏ. Các em chẳng có gì để cho lại người lớn, nhưng cần người lớn cho mọi sự. Người lớn có lý do phải giúp đỡ trẻ nhỏ vì họ đã nhận được mọi giúp đỡ từ Thiên Chúa, cha mẹ, và thế hệ đi trước. Ngoài ra, Chúa Giêsu còn dạy: khi người môn đệ đón tiếp trẻ nhỏ là họ đón nhận Thiên Chúa, và chính Ngài sẽ trả công cho họ.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

            – Chúng ta phải cố gắng học hỏi và thay đổi nếp sống của chúng ta cho phù hợp với đường lối của Thiên Chúa; chứ đừng ngông cuồng tìm dịp thử thách Ngài bằng cách thử thách và tiêu diệt những người đang sống theo đường lối của Thiên Chúa.

            – Chúng ta cần khiêm nhường nhìn nhận lối sống theo sự khôn lanh của con người chỉ đưa đến ghen tị, tranh chấp, và bất an. Chỉ có lối sống theo sự khôn ngoan của Thiên Chúa mới đem lại bình an, trật tự, và xây dựng cho con người.

            – Chúng ta có bổn phận, không chỉ phục vụ mọi người, mà nhất là những người cô thân, cô thế, không có gì để trả ơn lại. Đây là những con người cần được giúp đỡ hơn ai hết.

Nguồn: https://www.loinhapthe.com/index.php?option=com_content&view=article&id=3012:ch-nht-25-thng-nien-nm-b&catid=25&Itemid=27

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here