Chúa Nhật XVII – Năm B – Thường Niên

0
722

LM. Anthony Đinh Minh Tiên, OP

1/ Bài đọc I2 V 4,42-44 
42 Có một người từ Ba-an Sa-li-sa đến, đem bánh đầu mùa biếu người của Thiên Chúa: hai mươi chiếc bánh lúa mạch và cốm đựng trong bị. Ông Ê-li-sa nói: “Phát cho người ta ăn.”

43 Nhưng tiểu đồng hỏi ông: “Có bằng này, sao con có thể phát cho cả trăm người ăn được? ” Ông bảo: “Cứ phát cho người ta ăn! Vì ĐỨC CHÚA phán thế này: Họ sẽ ăn, mà vẫn còn dư.”

44 Tiểu đồng phát cho người ta. Họ đã ăn, mà vẫn còn dư, như lời ĐỨC CHÚA phán.

 2/ Bài đọc IIEp 4,1-6 
1 Vậy, tôi là người đang bị tù vì Chúa, tôi khuyên nhủ anh em hãy sống cho xứng với ơn kêu gọi mà Thiên Chúa đã ban cho anh em.2 Anh em hãy ăn ở thật khiêm tốn, hiền từ và nhẫn nại; hãy lấy tình bác ái mà chịu đựng lẫn nhau.3 Anh em hãy thiết tha duy trì sự hiệp nhất mà Thần Khí đem lại, bằng cách ăn ở thuận hoà gắn bó với nhau.4 Chỉ có một thân thể, một Thần Khí, cũng như anh em đã được kêu gọi để chia sẻ cùng một niềm hy vọng. 5 Chỉ có một Chúa, một niềm tin, một phép rửa.6 Chỉ có một Thiên Chúa, Cha của mọi người, Đấng ngự trên mọi người, qua mọi người và trong mọi người.

3/ Phúc ÂmGa 6,1-15
1 Sau đó, Đức Giê-su sang bên kia Biển Hồ Ga-li-lê, cũng gọi là Biển Hồ Ti-bê-ri-a.2 Có đông đảo dân chúng đi theo Người, bởi họ từng được chứng kiến những dấu lạ Người đã làm cho những kẻ đau ốm. 3 Đức Giê-su lên núi và ngồi đó với các môn đệ.4 Lúc ấy, sắp đến lễ Vượt Qua là đại lễ của người Do-thái.5 Ngước mắt lên, Đức Giê-su nhìn thấy đông đảo dân chúng đến với mình. Người hỏi ông Phi-líp-phê: “Ta mua đâu ra bánh cho họ ăn đây? “6 Người nói thế là để thử ông, chứ Người đã biết mình sắp làm gì rồi.7 Ông Phi-líp-phê đáp: “Thưa, có mua đến hai trăm quan tiền bánh cũng chẳng đủ cho mỗi người một chút.” 8 Một trong các môn đệ, là ông An-rê, anh ông Si-môn Phê-rô, thưa với Người:

9 “Ở đây có một em bé có năm chiếc bánh lúa mạch và hai con cá, nhưng với ngần ấy người thì thấm vào đâu!” 10 Đức Giê-su nói: “Anh em cứ bảo người ta ngồi xuống đi.” Chỗ ấy có nhiều cỏ. Người ta ngồi xuống, nguyên số đàn ông đã tới khoảng năm ngàn.

11 Vậy, Đức Giê-su cầm lấy bánh, dâng lời tạ ơn, rồi phân phát cho những người ngồi đó. Cá nhỏ, Người cũng phân phát như vậy, ai muốn ăn bao nhiêu tuỳ ý.

12 Khi họ đã no nê rồi, Người bảo các môn đệ: “Anh em thu lại những miếng thừa kẻo phí đi.”

13 Họ liền đi thu những miếng thừa của năm chiếc bánh lúa mạch người ta ăn còn lại, và chất đầy được mười hai thúng.

14 Dân chúng thấy dấu lạ Đức Giê-su làm thì nói: “Hẳn ông này là vị ngôn sứ, Đấng phải đến thế gian!” 15 Nhưng Đức Giê-su biết họ sắp đến bắt mình đem đi mà tôn làm vua, nên Người lại lánh mặt, đi lên núi một mình.


GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Phải tin tưởng quyền năng Thiên Chúa và rộng lượng san sẻ cho mọi người.

            Ca dao Việt-nam có câu: “Ở đời muôn sự của chung. Hơn nhau một tiếng anh hùng mà thôi.” Tư tưởng này rất gần với quan niệm của người Công Giáo: Thiên Chúa, Đấng dựng nên trời đất và ban cho mọi người cùng hưởng. Ngài muốn con người san sẻ cho nhau để đừng có cảnh người quá giàu trong khi người khác không có của ăn. Để làm được điều này, ca dao Việt-nam đòi con người phải có nhân đức anh hùng; Thiên Chúa đòi con người phải tin tưởng hoàn toàn vào sự quan phòng của Ngài. Con người không dám chia sẻ cho tha nhân những gì mình có, vì sợ sẽ không đủ cho mình; nhưng nếu con nguời biết rộng lượng cho đi, Thiên Chúa sẽ cho lại dư đầy. Chúa Giêsu đã từng nói với các môn đệ: “Anh em đong đấu nào, thì Thiên Chúa cũng sẽ đong đấu ấy cho anh em, và còn cho anh em hơn nữa. Vì ai đã có, thì được cho thêm; còn ai không có, thì ngay cái đang có cũng sẽ bị lấy mất” (Mk 4:24-25).

            Các Bài Đọc hôm nay tập trung trong hai tư tưởng này. Trong Bài Đọc I, tiên tri Elisha truyền tiểu đồng phát quà tặng dân chúng mang đến cho ông, mặc dù chẳng thấm vào đâu; nhưng Đức Chúa đã cho toàn dân ăn no. Trong Bài Đọc II, thánh Phaolô kêu gọi các tín hữu bảo vệ sự hiệp nhất mà họ đã được kêu gọi bằng cách ăn ở khiêm tốn, hiền từ, nhẫn nại, và bác ái. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu làm phép lạ nuôi năm ngàn người đàn ông ăn và còn dư thừa 12 thúng, từ năm chiếc bánh và hai con cá.

 KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Đức Chúa phán thế này: Họ sẽ ăn, mà vẫn còn dư.

1.1/ Phải có lòng rộng lượng để chia sẻ cho tha nhân: “Có một người từ Baal-Shalisha đến, đem bánh đầu mùa biếu người của Thiên Chúa: hai mươi chiếc bánh lúa mạch và cốm đựng trong bị. Ông Elisha nói: “Phát cho người ta ăn.””

            Trình thuật hôm nay nằm trong phần cuối của chương 4 trong Sách Các Vua II. Trong suốt chương 4, tác giả tường thuật sự kiện: Vì hành động tử tế của người đàn bà thành Shunem, tiên-tri Elisha đáp lại bằng cách cho bà có đứa con trai và cứu sống đứa bé khi nó chết vì nhức đầu (II Kgs 4:1-44).

1.2/ Phải tin tưởng nơi quyền năng Thiên Chúa: Nhưng tiểu đồng hỏi ông: “Có bằng này, sao con có thể phát cho cả trăm người ăn được?” Ông bảo: “Cứ phát cho người ta ăn! Vì Đức Chúa phán thế này: Họ sẽ ăn, mà vẫn còn dư.” Tiểu đồng phát cho người ta. Họ đã ăn, mà vẫn còn dư, như lời Đức Chúa phán. Chúng ta còn nhớ trình thuật: Vì hành động tử tế của bà góa thành Zarephath mà tiên-tri Elijah đã làm phép lạ cho hũ bột và chai dầu olive của bà không bao giờ vơi và còn cứu sống con trai của Bà (I Kgs 17:1-18).

2/ Bài đọc II: Hãy sống cho xứng với ơn kêu gọi mà Thiên Chúa đã ban cho anh em.

2.1/ Ơn gọi hiệp nhất của người Kitô hữu: Thánh Phaolô viết lá thư này cho các tín hữu Ephesô, khi người đang bị tù tại Rôma. Ngài khuyên các tín hữu như sau: “Vậy, tôi là người đang bị tù vì Chúa, tôi khuyên nhủ anh em hãy sống cho xứng với ơn kêu gọi mà Thiên Chúa đã ban cho anh em. Anh em hãy thiết tha duy trì sự hiệp nhất mà Thần Khí đem lại, bằng cách ăn ở thuận hoà gắn bó với nhau.”

            Để hiệp nhất, con người cần biết những lý do tại sao họ phải hiệp nhất. Thánh Phaolô đưa ra 7 lý do quan trọng:

            (1) Chỉ có một thân thể: Tất cả các tín hữu là chi thể của một thân thể là Hội Thánh với Đức Kitô là Đầu. Thân thể của Đức Kitô lành mạnh khi tất cả chi thể lành mạnh. Chi thể nào tách rời khỏi thân thể sẽ không thể tồn tại.

            (2) Một Thánh Thần: Có nhiều quà tặng khác nhau, nhưng chỉ có một Thánh Thần, Đấng ban mọi quà tặng cho việc xây dựng Nhiệm Thể của Đức Kitô.

            (3) Một niềm hy vọng: Tất cả các tín hữu đã được kêu gọi để chia sẻ cùng một niềm hy vọng là cuộc sống hạnh phúc đời đời với Thiên Chúa và với nhau.

            (4) Chỉ có một Chúa: là Đức Kitô.

            (5) Một niềm tin: là tin vào Đức Kitô.

            (6) Một phép rửa: bởi Nước và bởi Thánh Thần.

            (7) Chỉ có một Thiên Chúa: Cha của mọi người, Đấng ngự trên mọi người, qua mọi người, và trong mọi người.

2.2/ Những đức tính cần thiết của người Kitô hữu: “Anh em hãy ăn ở thật khiêm tốn, hiền từ và nhẫn nại; hãy lấy tình bác ái mà chịu đựng lẫn nhau.” Đây là những đức tính tối quan trọng không chỉ cho người Kitô hữu, mà còn cho tất cả những ai muốn thành công và sống bình an với mọi người.

            + Khiêm tốn (tapeinofrosu,nh): Con người khiêm tốn nhận ra chỗ đứng thực sự của mình trong mối tương quan với Thiên Chúa và với tha nhân. Những người kiêu ngạo không nhận ra điều này, họ tự cho mình đã biết quá nhiều, quá hay, quá đủ; nên bỏ qua những gì Chúa dạy, và lấy mình như tiêu chuẩn để phán xét tha nhân. Họ quên đi một sự thật là sự khôn ngoan của họ chỉ là một giọt nước trong biển khôn ngoan của nhân loại, và chẳng là gì so với sự khôn quan của Thiên Chúa. Người khiêm tốn sẽ được Thiên Chúa đoái thương nhìn tới và được mọi người quí mến; trong khi kẻ kiêu căng sẽ bị Thiên Chúa và tha nhân khai trừ.

            + Hiền từ (prau<thj): Con người hiền từ luôn biết cách cư xử nhã nhặn với tất cả mọi người; họ không để cho tính nóng giận làm chủ con người họ. Ngược lại, người dữ dằn để cho tính nóng giận làm chủ con người, họ nói những lời cộc cằn thô lỗ, và sẵn sàng dùng bạo lực để giải quyết mọi vấn đề.

            + Nhẫn nại (makroqumi,a): Con người nhẫn nại luôn biết kiên trì và tìm mọi cách để vượt qua những khó khăn và gian khổ trong cuộc đời. Họ không dễ nản lòng, ta thán, và bỏ cuộc.

            + Bác ái (avga,ph): Thánh Phaolô nêu bật tầm quan trọng của nhân đức này: “Trên hết mọi sự, anh em hãy có nhân đức yêu thương, vì đó là sợi giây ràng buộc mọi điều toàn thiện.” Chúng ta đã nói nhiều lần về nhân đức này, nó chỉ tìm thấy trong khuôn khổ của Kitô Giáo, vì nhân đức này đến từ Thiên Chúa qua Đức Kitô. Chỉ khi nào một người có nhân đức này, họ mới có thể thi hành những điều khó khăn Đức Kitô dạy: phải cầu nguyện, tha thứ, và làm ơn cho kẻ thù; họ mới có thể sẵn sàng hy sinh chết để làm chứng cho Thiên Chúa và bảo vệ tha nhân.

3/ Phúc Âm: Người nói thế là để thử ông, chứ Người đã biết mình sắp làm gì rồi.

3.1/ Con người phải tin nơi quyền năng của Thiên Chúa: “Sau đó, Đức Giêsu sang bên kia Biển Hồ Galilee, cũng gọi là Biển Hồ Tiberia. Có đông đảo dân chúng đi theo Người, bởi họ từng được chứng kiến những dấu lạ Người đã làm cho những kẻ đau ốm. Đức Giêsu lên núi và ngồi đó với các môn đệ. Lúc ấy, sắp đến lễ Vượt Qua là đại lễ của người Do-thái. Ngước mắt lên, Đức Giêsu nhìn thấy đông đảo dân chúng đến với mình. Người hỏi ông Philíp: “Ta mua đâu ra bánh cho họ ăn đây?””

            (1) Uy quyền của Thiên Chúa trong biến cố Vượt Qua: Sự kiện Gioan đề cập đến Lễ Vượt Qua không phải là chuyện tình cờ, nhưng mang ý nghĩa thần học. Ngài có ý nhắc cho dân Do-thái nhớ lại uy quyền lớn lao của Thiên Chúa đã mang dân vượt Biển Đỏ an toàn; trong khi quân đội của vua Pharao bị nhận chìm giữa lòng đại dương. Nếu một Thiên Chúa có quyền năng đưa dân Do-thái vượt qua Biển Đỏ, Ngài cũng có thể làm cho dân có bánh ăn no nê trong sa mạc, điều bị coi là không thể đối với con người.

            (2) Uy quyền của Chúa Giêsu khi nuôi năm ngàn người ăn: Đức Giêsu nói: “Anh em cứ bảo người ta ngồi xuống đi.” Chỗ ấy có nhiều cỏ. Người ta ngồi xuống, nguyên số đàn ông đã tới khoảng năm ngàn. Vậy, Đức Giêsu cầm lấy bánh, dâng lời tạ ơn, rồi phân phát cho những người ngồi đó. Cá nhỏ, Người cũng phân phát như vậy, ai muốn ăn bao nhiêu tuỳ ý. Khi họ đã no nê rồi, Người bảo các môn đệ: “Anh em thu lại những miếng thừa kẻo phí đi.” Họ liền đi thu những miếng thừa của năm chiếc bánh lúa mạch người ta ăn còn lại, và chất đầy được mười hai thúng.

            (3) Hình bóng của Bí-tích Thánh Thể: Chúa Giêsu dư biết sự cứng lòng của con người, nên Ngài chuẩn bị cho họ bằng phép lạ “Bánh hóa nhiều.” Nếu Chúa Giêsu có thể làm phép lạ “Bánh hóa nhiều” để nuôi năm ngàn người đàn ông ăn no nê, Ngài cũng có thể hiến thân mình để trở nên của ăn nuôi dân hàng ngày. Hơn nữa trong Tin Mừng Gioan, chúng ta không thấy tường thuật sự kiện Chúa Giêsu lập BT Thánh Thể trong Bữa Tiệc Ly, chúng ta chỉ có công thức truyền phép “Đức Giêsu cầm lấy bánh, dâng lời tạ ơn, rồi phân phát cho những người ngồi đó,” và diễn từ về Thánh Thể trong phần kế tiếp của chương 6.

3.2/ Thiên Chúa đòi hỏi sự cộng tác của con người.

            (1) Con người chỉ quan tâm đến mình: Hai lý do làm con người sợ không dám chia sẻ:

            + Sợ tốn tiền: Ông Philíp đáp: “Thưa, có mua đến hai trăm quan tiền bánh cũng chẳng đủ cho mỗi người một chút.” Các môn đệ không muốn bỏ tiền của mình để mua bánh cho người khác, nhất là với một số dân đông đảo như thế. Trong Tin Mừng Nhất Lãm, các môn đệ khuyên Chúa Giêsu giải tán dân để họ vào các thành mà mua lương thực. Ngược lại, Chúa Giêsu truyền: “Chính anh em hãy cho họ ăn.”

            + Sợ không đủ cho mình: Một trong các môn đệ, là ông Anrê, anh ông Simon Phêrô, thưa với Người: “Ở đây có một em bé có năm chiếc bánh lúa mạch và hai con cá, nhưng với ngần ấy người thì thấm vào đâu!” Phản ứng của con người là lo đầu cơ tích trữ, nhất là trong những lúc khan hiếm lương thực và mạng sống bị đe dọa.

            (2) Thiên Chúa muốn sự cộng tác của con người: Thiên Chúa làm được mọi sự, nhưng Ngài muốn con người biểu lộ niềm tin giống như em bé sẵn sàng đưa cho Chúa 5 chiếc bánh lúa mạch và hai con cá để chia sẻ với mọi người. Trong Kinh Tiền Tụng, chúng ta cũng dâng bánh và rượu là hoa mầu ruộng đất và lao công của con người lên Thiên Chúa, để xin Ngài làm cho trở thành Bánh Trường Sinh và của uống thiêng liêng cho chúng ta.

            Khi linh mục dâng bánh và rượu lên cho Thiên Chúa, người linh mục cũng dâng những đau khổ của chính mình và của dân chúng, cộng với lễ hy sinh đau khổ của Đức Kitô. Tất cả những điều này có sức mạnh để Thiên Chúa chấp nhận và sinh ích cho con người.

             (3) Thiên Chúa không muốn con người chỉ quan tâm đến nhu cầu vật chất: Dân chúng thấy dấu lạ Đức Giêsu làm thì nói: “Hẳn ông này là vị ngôn sứ, Đấng phải đến thế gian!” Con người chỉ quan tâm đến những nhu cầu vật chất. Họ muốn tôn Chúa Giêsu làm vua để Ngài cung cấp bánh ăn cho họ, như ma quỉ đã từng cám dỗ Chúa trong sa mạc để biến đá thành bánh. Chúa Giêsu từ chối việc dân tôn Ngài làm vua để có bánh ăn nên Người lại lánh mặt, đi lên núi một mình. Ngài muốn họ yêu mến Ngài và thực sự muốn mời Ngài làm vua trong lòng của họ.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

            – Chúng ta có dám rộng lượng cho đi để được Thiên Chúa cho lại dư thừa không? Nếu không dám cho đi, ngay cả cái chúng ta đang có cũng sẽ dần dần hao hụt dần.

            – Thiên Chúa vì yêu thương đã thiết lập Bí Tích Thánh Thể để gia tăng nghị lực cho tâm hồn chúng ta. Sau khi đã lãnh nhận Bí Tích Thánh Thể, chúng ta cũng phải trở nên tấm bánh để nuôi sống anh em về phần hồn cũng như về phần xác.

Nguồn: https://www.loinhapthe.com/index.php?option=com_content&view=article&id=2823:ch-nht-17-thng-nien-nm-b&catid=25&Itemid=27

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here