Chúa Nhật XV, Thường Niên, Năm C

0
814

Lm. Anthony Đinh Minh Tiên, OP.

Bài đọc: Đnl 30,10-14; Cl 1,15-20; Lc 10:25-37.

1/ Bài đọc I: 10 Anh em nghe tiếng Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, mà giữ những mệnh lệnh và thánh chỉ Người, ghi trong sách Luật này, miễn là anh em trở về với Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, hết lòng hết dạ. 11 Quả thế, mệnh lệnh tôi truyền cho anh em hôm nay đây, không vượt quá sức lực hay ngoài tầm tay anh em. 12 Mệnh lệnh đó không ở trên trời, khiến anh em phải nói: “Ai sẽ lên trời lấy xuống cho chúng tôi và nói cho chúng tôi nghe, để chúng tôi đem ra thực hành? 13 Mệnh lệnh đó cũng không ở bên kia biển, khiến anh em phải nói: “Ai sẽ sang bên kia biển lấy về cho chúng tôi và nói cho chúng tôi nghe, để chúng tôi đem ra thực hành?

14 Thật vậy, lời đó ở rất gần anh em, ngay trong miệng, trong lòng anh em, để anh em đem ra thực hành.

2/ Bài đọc II: 15 Thánh Tử là hình ảnh Thiên Chúa vô hình, là trưởng tử sinh ra trước mọi loài thọ tạo, 16 vì trong Người, muôn vật được tạo thành trên trời cùng dưới đất, hữu hình với vô hình.
Dẫu là hàng dũng lực thần thiêng hay là bậc quyền năng thượng giới,
tất cả đều do Thiên Chúa tạo dựng nhờ Người và cho Người.

17 Người có trước muôn loài muôn vật, tất cả đều tồn tại trong Người.

18 Người cũng là đầu của thân thể, nghĩa là đầu của Hội Thánh; Người là khởi nguyên, là trưởng tử trong số những người từ cõi chết sống lại, để trong mọi sự Người đứng hàng đầu.

19 Vì Thiên Chúa đã muốn làm cho tất cả sự viên mãn hiện diện ở nơi Người,

20 cũng như muốn nhờ Người mà làm cho muôn vật được hoà giải với mình.
Nhờ máu Người đổ ra trên thập giá, Thiên Chúa đã đem lại bình an
cho mọi loài dưới đất và muôn vật trên trời.

3/ Phúc Âm: 25 Và này có người thông luật kia đứng lên hỏi Đức Giêsu để thử Người rằng: “Thưa Thầy, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp?”

26 Người đáp: “Trong Luật đã viết gì? Ông đọc thế nào?”

27 Ông ấy thưa: “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết sức lực, và hết trí khôn ngươi, và yêu mến người thân cận như chính mình.”

28 Đức Giêsu bảo ông ta: “Ông trả lời đúng lắm. Cứ làm như vậy là sẽ được sống.”

29 Nhưng ông ấy muốn chứng tỏ là mình có lý, nên mới thưa cùng Đức Giêsu rằng: “Nhưng ai người thân cận của tôi?”

30 Đức Giêsu đáp: “Một người kia từ Giêrusalem xuống Giêrikhô, dọc đường bị rơi vào tay kẻ cướp. Chúng lột sạch người ấy, đánh nhừ tử, rồi bỏ đi, để mặc người ấy nửa sống nửa chết.

31 Tình cờ, có thầy tư tế cũng đi xuống trên con đường ấy. Trông thấy người này, ông tránh qua bên kia mà đi. 32 Rồi cũng thế, một thầy Lêvi đi tới chỗ ấy, cũng thấy, cũng tránh qua bên kia mà đi. 33 Nhưng một người Samari kia đi đường, tới ngang chỗ người ấy, cũng thấy, và chạnh lòng thương. 34 Ông ta lại gần, lấy dầu lấy rượu đổ lên vết thương cho người ấy và băng bó lại, rồi đặt người ấy trên lưng lừa của mình, đưa về quán trọ mà săn sóc.

35 Hôm sau, ông lấy ra hai quan tiền, trao cho chủ quán và nói: “Nhờ bác săn sóc cho người này, có tốn kém thêm bao nhiêu, thì khi trở về, chính tôi sẽ hoàn lại bác.” 36 Vậy theo ông nghĩ, trong ba người đó, ai đã tỏ ra là người thân cận với người đã bị rơi vào tay kẻ cướp?”

37 Người thông luật trả lời: “Chính là kẻ đã thực thi lòng thương xót đối với người ấy.” Đức Giêsu bảo ông ta: “Ông hãy đi, và cũng hãy làm như vậy.”

————————————-

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: PHẢI LÀM GÌ ĐỂ ĐƯỢC SỐNG VÀ SỐNG ĐỜI ĐỜI ?

Đạo Công Giáo không chỉ dạy đâu là mục đích tối hậu của đời người, mà còn dạy rất rõ ràng làm sao để đạt được mục đích đó. Thực ra, những lời dạy này đã có từ thời Cựu Ước; nhưng con người không nắm được những lời dạy chính yếu, nên cứ tập trung vào những điều phụ thuộc. Khi Chúa Giêsu đến, Ngài chỉ rõ những điều phải làm, như trong Phúc Âm hôm nay.

Các bài đọc hôm nay tập trung trong việc tìm ra con người phải làm gì để đạt được cuộc sống đời đời. Trong bài đọc I, trong Sách Đệ Nhị Luật, Môsê đã dạy cho con cái Israel là phải: “nghe và giữ những mệnh lệnh và thánh chỉ Người ghi trong sách Luật… và trở về với Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, hết lòng hết dạ.” Trong bài đọc II, tác giả Thư Côlôxê khuyên phải tin vào Thánh Tử Giêsu, vì “nhờ máu Người đổ ra trên thập giá, Thiên Chúa đã đem lại bình an cho mọi loài dưới đất và muôn vật trên trời.” Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu trả lời: “phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết sức lực, và hết trí khôn ngươi, và yêu mến người thân cận như chính mình.” Ngài cũng đưa một ví dụ cụ thể để chứng minh như thế nào là yêu người đích thực.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Anh em hãy nghe tiếng Đức Chúa và giữ những mệnh lệnh và thánh chỉ của Người

1.1/ Những gì phải làm đã được ghi rõ trong Sách Luật.

Nhiều học giả cho những lời này của Sách Đệ Nhị Luật có thể là những lời của bài giảng của một kinh sư trong Thời Lưu Đày. Ông nhắc lại cho dân chúng: điều kiện để được Thiên Chúa bảo vệ và chúc lành là họ phải tuân giữ những mệnh lệnh và thánh chỉ của Thiên Chúa ghi trong Sách Luật, họ phải thành tâm trở về với Đức Chúa là Thiên Chúa duy nhất của họ.

Thiên Chúa không bao giờ truyền cho con người làm chuyện không thể. Đây là những điều con người có thể làm được, chứ không vượt quá sức lực của con người. Điều tối cần là con người phải đặt niềm tin vào Thiên Chúa. Họ phải tin chắc những gì Thiên Chúa hứa Ngài sẽ thực hiện.

1.2/ Con người có khả năng nhận ra, thấu hiểu và thi hành được.

Truyền thống Do-thái rất hãnh diện về Lề Luật. Họ tin không có một thần nào trên thế gian có uy quyền và thương dân đến độ thân hành hiện ra và ban cho dân chúng Lề Luật. Hơn nữa, Thiên Chúa của họ là Đấng dựng nên và quan phòng trời đất, vì vậy, biết được sự khôn ngoan của Ngài qua Lề Luật là biết được những gì đưa sự sống và tránh được những gì đưa tới cái chết. Thánh Vịnh 119 là một ví dụ biểu tỏ niềm tin này.

Trong trình thuật hôm nay, tác giả lặp lại việc Thiên Chúa thân hành ban Lề Luật cho họ: “Mệnh lệnh đó không ở trên trời, khiến anh em phải nói: “Ai sẽ lên trời lấy xuống cho chúng tôi và nói cho chúng tôi nghe, để chúng tôi đem ra thực hành?” Mệnh lệnh đó cũng không ở bên kia biển, khiến anh em phải nói: “Ai sẽ sang bên kia biển lấy về cho chúng tôi và nói cho chúng tôi nghe, để chúng tôi đem ra thực hành?” Thật vậy, lời đó ở rất gần anh em, ngay trong miệng, trong lòng anh em, để anh em đem ra thực hành.” Tác giả có ý muốn nói họ đọc Lề Luật và suy niệm chúng mỗi ngày. Họ chỉ thiếu một điều là đem chúng ra thực hành thì sẽ được Thiên Chúa chúc lành và bảo vệ.

2/ Bài đọc II: Nhờ máu Người đổ ra trên thập giá, Thiên Chúa đã đem lại bình an

2.1/ Thiên Chúa tạo dựng mọi sự qua Ngôi Lời

Nhiều học giả cho Côlôxê 1,9-14 là một Bài Thánh Ca cổ, được hát trong lúc hội họp hay thờ phượng trong những cộng đoàn tiên khởi để ca tụng Đức Kitô, Ngôi Lời của Thiên Chúa. Có học giả còn cho nguồn gốc của Bài Thánh Ca là để chống lại chủ thuyết Thuần Tri (Gnosticism) rất thịnh hành thời đó trong quốc gia Hy-lạp. Nhưng một sự so sánh giữa những gì Giáo Hội dạy và những gì thuyết Thuần Tri chủ trương, cho thấy sự đối nghịch hoàn toàn với chủ thuyết Thuần Tri.

(1) Đức Kitô là Thánh Tử, là Ngôi Lời (Logos), là hình ảnh (eikon) của Thiên Chúa vô hình; đến nỗi có thể nói: thấy Đức Kitô là thấy Thiên Chúa (Ga 14,9). Chủ thuyết Thuần Tri cho Đức Kitô tuy cao hơn các tạo vật, nhưng không phải là Thiên Chúa vì mang trong mình chất liệu của con người; chỉ có Thiên Chúa là hoàn toàn không lệ thuộc vật chất.

(2) Đức Kitô là Trưởng Tử sinh ra trước mọi loài thọ tạo: Ngài là Lời, là sự khôn ngoan của Thiên Chúa. Trong trình thuật về tạo dựng của Sách Sáng Thế, Thiên Chúa tạo dựng bằng cách phán: “Hãy có!” tức thì mọi vật liền có. Do Ngôi Lời mà muôn vật được tạo thành, và không có Ngài, chẳng có vật gì được tạo thành (Ga 1,3). Thuyết Thuần Tri không cho Thiên Chúa tạo dựng thế giới, mà thế giới được tạo thành bởi một vị thần ác, đối nghịch với Thiên Chúa. Thần này muốn hủy hoại công trình của Thiên Chúa.

(3) Thiên Chúa quan phòng mọi sự qua Đức Kitô vì Ngài là chính sự khôn ngoan của Thiên Chúa: “Tất cả đều tồn tại trong Người.” Thuyết Thuần Tri cho vũ trụ tồn tại nhờ chính nó.

2.2/ Thiên Chúa cứu chuộc và hòa giải qua Ngôi Lời.

(1) Đức Kitô cứu chuộc con người: bằng cách đổ máu để thanh tẩy tội lỗi, làm cho con người khỏi chết, và cho con người được sống đời đời với Thiên Chúa bằng sự phục sinh vinh hiển của Ngài. Thuyết Thuần Tri cho con người được giải thoát khỏi nô lệ cho vật chất và đoàn tụ với Thiên Chúa nhờ kiến thức đặc biệt và bí mật, mà chỉ có họ mới có thể cung cấp cho con người.

(2) Đức Kitô hòa giải con người với Thiên Chúa và với nhau: Ngài hòa giải con người bằng việc chấp nhận cái chết trên Thập Giá. Nhờ sự hòa giải này, con người có được sự bình an.

Thuyết Thuần Tri không tin vào tội lỗi và vào sự hòa giải, vì Thiên Chúa không thay đổi và con người luôn xấu xa vì bị giam cầm trong thân xác.

Tại sao Thiên Chúa cho Đức Kitô vào thế gian? Tác giả Thư Do Thái cho chúng ta một lý do: Mặc dù Thiên Chúa đã mặc khải nhiều lần và dưới nhiều hình thức qua các tiên tri, nhưng con người vẫn chưa lĩnh hội hết được. Chúng ta có thể thấy rõ những điều này nơi các kinh sư và biệt phái khi họ tranh luận với Chúa Giêsu. Đức Kitô là mặc khải toàn vẹn của Thiên Chúa. Ngài mang lấy thân xác con người để truyền thông cho con người những gì Ngài thấy nơi Thiên Chúa. Hơn nữa, Ngài mang thân xác để gánh chịu hình phạt của tội lỗi thay cho con người, để con người được hòa giải với Thiên Chúa, và lãnh nhận ơn cứu độ là cuộc sống đời đời. Vì thế, để đạt được cuộc sống đời đời, Đức Kitô đòi hỏi người nghe phải tin vào Ngài. Đây cũng chính là thánh ý của Thiên Chúa (Ga 6,39-40).

3/ Phúc Âm: Mến Chúa và yêu người hết lòng

3.1/ Phải làm gì để được sự sống đời đời?

Đây là câu hỏi rất quan trọng và thực tiễn của cuộc đời. Người hỏi là thầy thông luật, tuy ông đã biết câu trả lời nhưng vẫn hỏi để thử Chúa Giêsu. Thay vì cho ông câu trả lời, Chúa Giêsu hỏi lại ông: “Trong Luật đã viết gì? Ông đọc thế nào?” Ông ấy thưa: “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết sức lực, và hết trí khôn ngươi, và yêu mến người thân cận như chính mình.” Đức Giêsu bảo ông ta: “Ông trả lời đúng lắm. Cứ làm như vậy là sẽ được sống.” Câu trả lời của người luật sĩ là tổng hợp của hai đoạn trong Sách Luật đã có sẵn trong Cựu Ước: Đnl 6,5 và Lv 19,18.

3.2/ Ai là người thân cận của tôi?

Người Do-thái không phải không biết những gì Luật dạy; nhưng điều họ thiếu là thi hành Luật, nhất là cho những người mà họ từ chối nhận là “thân cận.”

Tuy Giêrikhô cách Giêrusalem khỏang 20 dặm nhưng độ cao khác biệt là 3,600 ft. Đây là đọan đường rất nguy hiểm vì lối đi hẹp và có rất nhiều hang động, chỗ ẩn của trộm cướp. Rất ít ai dám đi một mình trên quãng đường này. Người bị đánh trọng thương rất có thể là người Do-thái vì đi từ Giêrusalem xuống. Chúa Giêsu liệt kê ra 3 lọai người và phản ứng của họ khi nhìn thấy người bị thương:

(1) Thầy tư tế: là người Do-thái. Lý do tại sao ông tránh có thể vì sợ sẽ bị không sạch trong 7 ngày (Ds 19,11); nếu động tay vào xác chết, và sẽ không được phục vụ trong Đền Thờ. Ông đặt việc tế tự trên lòng thương xót khi ông tránh qua bên kia mà đi.

(2) Thầy Lêvi: cũng là người Do-thái. Nhiệm vụ của các Lêvi là phục vụ cung điện nơi Hòm Bia của Thiên Chúa ngự. Giống như tư tế ở trên, ông có lẽ cũng sợ bị không sạch, nên tuy cũng thấy người bị trọng thương, nhưng rồi cũng tránh qua bên kia mà đi.

(3) Người Samaria xem người Do-Thái như thù địch và không muốn chung chạ gì với họ. Nhưng khi thấy người bị trọng thương, người Samaria không để ý đến nạn nhân là người Do-thái hay không, ông chạnh lòng thương nạn nhân đau khổ: một niềm thương xót giữa người với người.

Ông ta lại gần, lấy dầu lấy rượu đổ lên vết thương cho người ấy và băng bó lại, rồi đặt người ấy trên lưng lừa của mình, đưa về quán trọ mà săn sóc. Hôm sau, ông lấy ra hai quan tiền, trao cho chủ quán và nói: “Nhờ bác săn sóc cho người này, có tốn kém thêm bao nhiêu, thì khi trở về, chính tôi sẽ hoàn lại bác.”

3.3/ Chúa Giêsu hỏi thầy thông luật: “Vậy theo ông nghĩ, trong ba người đó, ai đã tỏ ra là người thân cận với người đã bị rơi vào tay kẻ cướp?” Người thông luật trả lời: “Chính là kẻ đã thực thi lòng thương xót đối với người ấy.” Đức Giêsu bảo ông ta: “Ông hãy đi, và cũng hãy làm như vậy.” Qua câu truyện, Chúa Giêsu nhấn mạnh đến việc làm, chứ không phải chỉ biết mà thôi; và khi làm, Chúa đòi làm cho tới nơi tới chốn; chứ không phải chỉ làm cho qua lần chiếu lệ.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

– Mến Chúa trên hết mọi sự và yêu tha nhân như chính mình là hai điều kiện cốt yếu để vào Nước Trời. Chúng ta phải sống hai điều này chứ không phải chỉ tin như thế.

– Chúa Giêsu là hình ảnh của Chúa Cha vô hình. Ngài mặc lấy thân xác để biểu lộ tình thương Thiên Chúa và dạy dỗ con người. Tin yêu Đức Kitô là tin yêu Thiên Chúa.

– Tình yêu không có giới hạn và cũng không biết tính toán lợi nhuận. Chúng ta phải yêu Chúa và tha nhân như Chúa đã yêu thương chúng ta.

(nguồn: http://www.loinhapthe.com/index.php?option=com_content&view=article&id=1225:ch-nht-15-thng-nien112&catid=25:loichuamoingay&Itemid=28)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here