LM. Anthony Đinh Minh Tiên, OP
1/ Bài đọc I: 2 V 4.8-11, 14-16a
8 Một hôm, ông Ê-li-sa đi qua Su-nêm. Ở đó có một phụ nữ giàu sang. Bà ta giữ ông lại dùng bữa. Từ đó, mỗi lần đi qua, ông đều ghé vào dùng bữa.
9 Bà ấy nói với chồng: “Này ông! Tôi biết người thường ghé vào nhà chúng ta là một thánh nhân của Thiên Chúa.
10 Mình phải làm cho ông một căn phòng nhỏ trên lầu có tường có vách, rồi kê ở đó một cái giường, đặt bàn ghế và để một cái đèn cho ông dùng. Như thế, khi nào đến nhà mình, ông sẽ lui vào đó.”
11 Một hôm, ông đến nơi ấy, ông lui vào phòng trên lầu và nghỉ ở đó.
14 Ông Ê-li-sa nói với tiểu đồng: “Nên làm gì cho bà ấy? ” Giê-kha-di đáp: “Tội nghiệp, bà ấy không có con trai, mà chồng thì đã già.”
15 Ông Ê-li-sa bảo: “Đi gọi bà ấy.” Nó đi gọi bà, và bà ấy đến đứng ngoài cửa.
16 Ông Ê-li-sa nói: “Vào thời kỳ này, vào độ này sang năm, bà sẽ được bế con trai.”
2/ Bài đọc II: Rm 6.3-4, 8-11
3 Anh em không biết rằng: khi chúng ta được dìm vào nước thanh tẩy, để thuộc về Đức Ki-tô Giê-su, là chúng ta được dìm vào trong cái chết của Người sao?
4 Vì được dìm vào trong cái chết của Người, chúng ta đã cùng được mai táng với Người. Bởi thế, cũng như Người đã được sống lại từ cõi chết nhờ quyền năng vinh hiển của Chúa Cha, thì chúng ta cũng được sống một đời sống mới.
8 Nếu chúng ta đã cùng chết với Đức Ki-tô, chúng ta cũng sẽ cùng sống với Người: đó là niềm tin của chúng ta.
9 Thật vậy, chúng ta biết rằng: một khi Đức Ki-tô đã sống lại từ cõi chết, thì không bao giờ Người chết nữa, cái chết chẳng còn quyền chi đối với Người.
10 Người đã chết, là chết đối với tội lỗi, và một lần là đủ. Nay Người sống, là sống cho Thiên Chúa.
11 Anh em cũng vậy, hãy coi mình như đã chết đối với tội lỗi, nhưng nay lại sống cho Thiên Chúa, trong Đức Ki-tô Giê-su.
3/ Phúc Âm: Mt 10.37-42
37 “Ai yêu cha yêu mẹ hơn Thầy, thì không xứng với Thầy. Ai yêu con trai con gái hơn Thầy, thì không xứng với Thầy.
38 Ai không vác thập giá mình mà theo Thầy, thì không xứng với Thầy.
39 Ai giữ lấy mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm thấy được.
40 “Ai đón tiếp anh em là đón tiếp Thầy, và ai đón tiếp Thầy là đón tiếp Đấng đã sai Thầy.
41 “Ai đón tiếp một ngôn sứ, vì người ấy là ngôn sứ, thì sẽ được lãnh phần thưởng dành cho bậc ngôn sứ; ai đón tiếp một người công chính, vì người ấy là người công chính, thì sẽ được lãnh phần thưởng dành cho bậc công chính.
42 “Và ai cho một trong những kẻ bé nhỏ này uống, dù chỉ một chén nước lã thôi, vì kẻ ấy là môn đệ của Thầy, thì Thầy bảo thật anh em, người đó sẽ không mất phần thưởng đâu.”
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Hiếu khách và thương người
Trong các quốc gia vùng Cận Đông, khi một khách lỡ đường hay từ xa đến viếng thăm, chủ nhà phải tiếp đón họ cách niềm nở, chu đáo, và chân thành. Ngày nay, nhiều người bị chủ nghĩa cá nhân và tính ích kỷ thống trị, nên họ rất miễn cưỡng tiếp khách, và không kiên nhẫn đủ để chờ khách ra đi. Nhiều người đá chó, mắng mèo, chửi con để đuổi khách về sớm. Có người đặt câu hỏi: Hiếu khách như nào là đủ? Việt-nam có câu tục ngữ có thể làm chỉ nam trong việc tiếp khách: “Thương người như thể thương thân.” Nếu ta muốn được đối xử như nào khi đến nhà người khác, hãy đi bước trước và đối xử với người khác như vậy. Hơn nữa, khi một người rộng lượng cho đi, họ sẽ được Thiên Chúa bù đắp gấp trăm. Nhiều tác giả trong Tân Ước vẫn căn dặn các tín hữu phải tập luyện và thi hành đức tính này (Rom 12:13; 1 Tim 5:10; Heb 13:2; 1 Pet 4:9).
Các bài đọc hôm nay cho chúng ta thấy những ví dụ của việc hiếu khách và những đền đáp cụ thể. Trong bài đọc I, người phụ nữ thành Shunamite rộng lượng tiếp đón ngôn sứ Elisha, dù chẳng biết ông là ai. Bà không chỉ dọn bữa, nhưng còn sửa dọn một phòng với đầy đủ vật dụng cần thiết cho ngôn sứ khi ông đi ngang qua. Cảm kích vì lòng hiếu khách của Bà, ngôn sứ đã dùng uy quyền của Thiên Chúa để cho Bà có một người con trai trong lúc tuổi già. Trong bài đọc II, vì Đức Kitô đã đối xử với chúng ta như một thượng khách, chúng ta cũng phải đáp lại bằng cách giũ sạch các thói hư tật xấu trong cái chết của Ngài, để rồi cùng được sống lại với Ngài trong vinh quang. Trong Phúc Âm, Đức Kitô đòi người môn đệ của Ngài phải hy sinh, từ bỏ, và vác Thập Giá theo Ngài; đồng thời phải luôn biết mở rộng tâm hồn để tiếp đón và giúp đỡ tất cả những ai cần đến, vì tất cả những gì một người làm cho tha nhân là anh làm cho chính Ngài (Mt 25).
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: “Vào thời kỳ này, vào độ này sang năm, bà sẽ được bế con trai.”
1.1/ Tinh thần hiếu khách của người phụ nữ Shunamite: Như đã nói trong phần nhập đề, tinh thần hiếu khách là một điểm son của các quốc gia vùng Cận Đông. Điều này được ghi nhận nhiều lần trong Cựu Ước: Abraham tiếp đón 3 người khách tại Mamre (Gen 18:1-13); ông Lot tiếp đón hai sứ thần của Thiên Chúa tại Sodom (Gen 19:1-11); người phụ nữ tiếp ngôn sứ Elijah (1 Kgs 17:1-15). Trong Tân Ước, chính Chúa Giêsu đã dùng hình ảnh người bạn phải kiên nhẫn phiền hà hàng xóm ban đêm để xin bánh dù bị từ chối ban đầu, để dẫn chứng việc phải kiên nhẫn cầu nguyện (Lk 11:5-8). Một trong những lý do con người phải hiếu khách là có thể họ đang tiếp đón những sứ giả của Thiên Chúa gởi đến mà họ không biết (Heb 13:2). Hơn nữa, nếu một tín hữu đọc những lời của Chúa Giêsu trong Matthew 25, họ phải hiếu khách vì đây là tiêu chuẩn Thiên Chúa dùng để phán xét con người.
Người phụ nữ thành Shunamite là một người giàu có. Bà không chỉ dọn bữa cho ngôn sứ cho Elisha mỗi khi ông đi qua Shunamite; nhưng còn dọn riêng cho ông một căn phòng để ở. Bà nói với chồng: “Này ông! Tôi biết người thường ghé vào nhà chúng ta là một thánh nhân của Thiên Chúa. Mình phải làm cho ông một căn phòng nhỏ trên lầu có tường có vách, rồi kê ở đó một cái giường, đặt bàn ghế và để một cái đèn cho ông dùng. Như thế, khi nào đến nhà mình, ông sẽ lui vào đó.”
1.2/ Tinh thần hiếu khách của Bà được đền bù xứng đáng: Cảm kích về sự hiếu khách của Bà, ngôn sứ Elisha đã dùng quyền Thiên Chúa để ban cho Bà một người con trai trong khi cả hai vợ chồng Bà đều đã cao niên. Ông Elisha loan tin vui cho Bà: “Vào thời kỳ này, vào độ này sang năm, bà sẽ được bế con trai.” Điều này không lạ lắm nếu một người tin Thiên Chúa vẫn đang quan phòng mọi sự trong trời đất, và Ngài có uy quyền làm được mọi sự.
2/ Bài đọc II: Anh em hãy coi mình như đã chết đối với tội lỗi, nhưng nay lại sống cho Thiên Chúa, trong Đức Giêsu Kitô.
2.1/ Ý nghĩa của bí-tích Rửa Tội: Theo thánh Phaolô, bí tích Rửa Tội có tác động chính: Khi một người được dìm mình trong nước là họ được cùng mai táng với Đức Kitô; và khi họ trồi lên khỏi mặt nước là họ được cùng sống lại với Ngài. Ngài cũng cắt nghĩa thêm về hai tác động này: Khi dìm mình xuống nước là các tín hữu lột bỏ con người cũ với đầy những tội lỗi và đam mê xấu xa; khi trồi lên là các tín hữu mặc lấy Đức Kitô với sự thánh thiện và tràn đầy ơn thánh của Người.
Vì Đức Kitô đã hy sinh chịu chết để thánh hóa chúng ta, chúng ta cũng phải chết với Người. Chết đây không phải là cái chết thể lý; nhưng là chết cho tội lỗi và mọi tính hư nết xấu trong người. Hơn nữa, không phải chỉ chừa tội, người tín hữu còn phải tập sống nhân đức; nếu không, các tội xưa lại tái phát, và người tín hữu lại dần dần trở lại nếp sống khi chưa được Rửa Tội.
2.2/ Người tín hữu phải biết đáp trả tình yêu hy hiến của Đức Kitô: Đã nhận ơn là phải biết đền ơn. Người tín hữu không chỉ nhận ơn nhưng là ơn cứu tử để được sống muôn đời; vì thế, người tín hữu không thể để sự hy sinh xương máu của Đức Kitô dành cho họ ra vô hiệu. Trái lại, họ phải cố gắng luyện tập nhân đức để càng ngày họ càng trở nên đồng hình đồng dạng với Ngài.
Trong tiến trình trở nên thánh thiện, người tín hữu không làm việc một mình vì họ đã được Đức Kitô ban tặng Chúa Thánh Thần và 7 quà tặng của Ngài. Chúa Thánh Thần sẽ hướng dẫn họ để nhận ra sự thật, ban sức mạnh để vượt qua những yếu đuối xác thịt, và bảo vệ họ khỏi muôn điều nguy hại. Điều cần là họ phải cộng tác với Chúa Thánh Thần để mưu cầu ích lợi cho riêng họ và cho mọi người.
Vì thế, thánh Phaolô khuyên các tín hữu: “Anh em cũng vậy, hãy coi mình như đã chết đối với tội lỗi, nhưng nay lại sống cho Thiên Chúa, trong Đức Giêsu Kitô.”
3/ Phúc Âm: Ai đón tiếp anh em là đón tiếp Thầy, và ai đón tiếp Thầy là đón tiếp Đấng đã sai Thầy.
3.1/ Người môn đệ phải yêu mến Thiên Chúa hơn hết mọi người: Tại sao Thiên Chúa đòi con người phải yêu Ngài trên hết tất cả: cha mẹ, vợ chồng, con cái? Lý do đơn giản vì Ngài yêu thương chúng ta hơn hết tất cả những người đó. Thiên Chúa không những tạo dựng hồn xác và thế giới cho con người sinh sống, Ngài còn cho Con Một nhập thể để đền tội cho con người, để con người có thể sống hạnh phúc muôn đời bên Ngài. Thiên Chúa đã từng so sánh tình yêu trổi vượt của Ngài dành cho con người: Cho dù cha mẹ của ngươi có quên ngươi đi nữa, Ta cũng sẽ không quên ngươi (Isa 49:15). Rất nhiều người sau khi đã cảm nghiệm được tình yêu Thiên Chúa đã phải thốt lên: Quả thật! Không ai yêu tôi bằng Thiên Chúa. Lịch sử Cựu Ước đầy dẫy những tấm gương con người dám hy sinh cha mẹ như ngôn sứ Elisha (1 Kgs 19:19-21); hy sinh con trai duy nhất như tổ phụ Abraham, bà mẹ của Samuel (Gen 22:1-9; 1 Sam 1:27-28); hy sinh con gái như thủ lãnh Jephthah (Judg 11:30-35).
Tình yêu chân thành đòi phải biểu tỏ ra bằng hành động, chứ không phải chỉ bằng lời nói yêu thương. Thánh Anrê Phú Yên, tuy còn trẻ, nhưng đã thấu hiểu tình yêu của Đức Kitô dành cho ngài; nên đã can đảm thốt lên những lời sau đây trước khi tử đạo: “Phải lấy tình yêu đáp trả lại tình yêu, và phải lấy mạng sống đáp trả lại mạng sống.” Có một sự nghịch lý trong cách sống theo tiêu chuẩn của Thiên Chúa và theo tiêu chuẩn của con người. Con người tìm bảo vệ mạng sống bằng bất cứ giá nào; trong khi Đức Kitô dạy: “Ai giữ lấy mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm thấy được.” Và Ngài mặc khải cho chúng ta một ví dụ: “Amen! Amen! Thầy nói với anh em, nếu hạt giống rơi xuống đất không chết đi, nó chỉ trơ trọi một mình; nhưng nếu nó chết đi, nó sẽ trổ sinh nhiều hạt giống khác.” Vì thế, nếu một người chịu hy sinh chết cho mình để sống cho người khác, người đó mới thực sự sống và làm cho tha nhân được sống; ngược lại, nếu một người chỉ biết ích kỷ sống cho mình, họ sẽ bị cô đơn và cũng chẳng giúp cho ai được sống.
3.2/ Các Kitô hữu phải có tinh thần hiếu khách và thương người: Chúa Giêsu liệt kê 3 loại người mà các Kitô hữu phải đón nhận với tinh thần hiếu khách.
(1) Chúa Giêsu đồng hóa mình với người môn đệ: Động từ “dékomai” mang nhiều ý nghĩa khác nhau. Ý nghĩa căn bản là tiếp nhận hay đón nhận nếu là một đồ vật hay một sứ điệp. Nếu là một người, động từ có nghĩa đón tiếp một người với lòng hiếu khách. Đón tiếp một con người khác với tiếp nhận một món hàng, vì con người có nhân phẩm và phải được đối xử tương xứng với phẩm giá con người.
Chúa Giêsu mặc khải cho chúng ta một chân lý quan trọng: “Ai đón tiếp anh em là đón tiếp Thầy.” Người môn đệ là người được Đức Kitô sai đi cách chính thức. Theo cách thức ngoại giao, ai tiếp nhận người môn đệ hay sứ điệp của người môn đệ là tiếp nhận chính Đức Kitô; ngược lại, ai từ chối không tiếp nhận người môn đệ hay sứ điệp của người môn đệ là từ chối chính Đức Kitô. Chúa Giêsu đi xa hơn nữa: “và ai đón tiếp Thầy là đón tiếp Đấng đã sai Thầy.” Đức Kitô được Thiên Chúa sai đi, và là người ngang hàng với Thiên Chúa; vì thế, ai tiếp nhận người môn đệ là tiếp nhận chính Thiên Chúa.
(2) Chúa Giêsu đồng hóa với ngôn sứ và người công chính: Nhiều người hỏi chúng tôi: Nếu con ủng hộ vào công việc cha đang làm, chúng con sẽ được hưởng những gì? Đây là câu trả lời từ Chúa Giêsu: “Ai đón tiếp một ngôn sứ, vì người ấy là ngôn sứ, thì sẽ được lãnh phần thưởng dành cho bậc ngôn sứ; ai đón tiếp một người công chính, vì người ấy là người công chính, thì sẽ được lãnh phần thưởng dành cho bậc công chính.” Nói một cách cụ thể hơn, nếu người ngôn sứ cứu vớt được một linh hồn, người giúp cho ngôn sứ có phương tiện hoạt động cũng được hưởng phần thưởng của một linh hồn được cứu vớt.
(3) Chúa Giêsu đồng hóa với người nghèo: Sau cùng, Chúa Giêsu tóm gọn trong đức bác ái căn bản của Kitô Giáo: “Và ai cho một trong những kẻ bé nhỏ này uống, dù chỉ một chén nước lã thôi, vì kẻ ấy là môn đệ của Thầy, thì Thầy bảo thật anh em, người đó sẽ không mất phần thưởng đâu.” Chúng ta không thể làm được gì cho Thiên Chúa vì Ngài đã có tất cả; nhưng Ngài kể tất cả những gì chúng ta làm cho anh/chị/em cần đến, là chúng ta làm cho chính Ngài. Trong chương 25 của Tin Mừng Matthew, Chúa Giêsu giải thích điều này cách rõ ràng nhất.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
– Chúng ta hãy học tinh thần hiếu khách của người xưa để chào đón và lo mọi sự chu đáo cho tất cả những ai dừng chân ghé lại thăm nhà của chúng ta. Đừng để bất cứ một ai ghé thăm chúng ta một lần rồi không bao giờ trở lại nữa.
– Đức Kitô đã chết cho chúng ta và Ngài đi trước để dọn chỗ cho chúng ta trong Nhà của Cha Ngài, rồi sẽ trở lại đón chúng ta để Ngài ở đâu chúng ta cũng ở đấy. Chúng ta hãy báo đáp công ơn của Ngài cách xứng đáng bằng cách sống thánh thiện và thương yêu mọi người.
– Tất cả những gì chúng ta làm cho tha nhân, Thiên Chúa kể là làm cho chính Ngài. Chúng ta hãy mở rộng tâm hồn để giúp đỡ và hy sinh mọi sự cho tha nhân. Hãy làm tất cả với một tình yêu chân thành.
Nguồn: http://www.loinhapthe.com/index.php?option=com_content&view=article&id=445:ch-nht-13-thng-nien&catid=25:loichuamoingay&Itemid=28