Chúa Nhật XII, Thường Niên, Năm C – Mình và Máu Thánh Chúa Kitô

0
710

Lm. Anthony Đinh Minh Tiên, OP.

Bài đọc: St 14,18-20; 1Cr 11,23-26; Lc 9,11b-17.

1/ Bài đọc I: 18 Ông Menkixêđê, vua thành Salem, mang bánh và rượu ra; ông là tư tế của Thiên Chúa Tối Cao.

19 Ông chúc phúc cho ông Ápram và nói: “Xin Thiên Chúa Tối Cao, Đấng dựng nên trời đất, chúc phúc cho Ápram!

20 Chúc tụng Thiên Chúa Tối Cao, Đấng đã trao vào tay ông những thù địch của ông! “
Rồi ông Ápram biếu ông Menkixêđê một phần mười tất cả chiến lợi phẩm.

2/ Bài đọc II: 23 Thật vậy, điều tôi đã lãnh nhận từ nơi Chúa, tôi xin truyền lại cho anh em: trong đêm bị nộp, Chúa Giêsu cầm lấy bánh,

24 dâng lời chúc tụng tạ ơn, rồi bẻ ra và nói: “Anh em cầm lấy mà ăn, đây là Mình Thầy, hiến tế vì anh em; anh em hãy làm như Thầy vừa làm để tưởng nhớ đến Thầy.”

25 Cũng thế, cuối bữa ăn, Người nâng chén và nói: “Đây là chén Máu Thầy, Máu đổ ra để lập Giao Ước Mới; mỗi khi uống, anh em hãy làm như Thầy vừa làm để tưởng nhớ đến Thầy.”

26 Thật vậy, cho tới ngày Chúa đến, mỗi lần ăn Bánh và uống Chén này, là anh em loan truyền Chúa đã chịu chết.

3/ Phúc Âm: 11 Khi ấy Chúa Giêsu nói với họ về Nước Thiên Chúa và chữa lành những ai cần được chữa.

12 Ngày đã bắt đầu tàn. Nhóm Mười Hai đến bên Đức Giêsu thưa Người rằng: “Xin Thầy cho đám đông về, để họ vào các làng mạc nông trại quanh đây, tìm chỗ trọ và kiếm thức ăn, vì nơi chúng ta đang ở đây là nơi hoang vắng.”

13 Đức Giêsu bảo: “Chính anh em hãy cho họ ăn.” Các ông đáp: “Chúng con chỉ có vỏn vẹn năm cái bánh và hai con cá, trừ phi chính chúng con phải đi mua thức ăn cho cả đám dân này.”

14 Quả thật có tới chừng năm ngàn đàn ông. Đức Giêsu nói với các môn đệ: “Anh em hãy bảo họ ngồi thành từng nhóm khoảng năm mươi người một.”

15 Các môn đệ làm y như vậy, và bảo mọi người ngồi xuống.

16 Bấy giờ Đức Giêsu cầm lấy năm cái bánh và hai con cá, ngước mắt lên trời, dâng lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho môn đệ để các ông dọn ra cho đám đông.

17 Mọi người đều ăn, và ai nấy được no nê. Những miếng vụn còn thừa, người ta thu lại được mười hai thúng.

————————————–

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: BÍ TÍCH THÁNH THỂ DIỄN TẢ TÌNH YÊU THIÊN CHÚA DÀNH CHO CON NGƯỜI

Bí tích Thánh Thể và bí tích Truyền Chức không thể tách rời nhau và là hai tặng phẩm vô giá Thiên Chúa đã chuẩn bị cho con người từ xa xưa, vì yêu thương con người.

Các bài đọc hôm nay muốn nêu bật nguồn gốc và mục đích của hai bí tích này. Trong bài đọc thứ nhất, tác giả Sách Khởi Nguyên đề cập đến một nhân vật kỳ lạ là Menkixêđê xuất hiện mang theo bánh và rượu để ra đón Abraham chiến thắng trở về. Không ai biết Menkixêđê là ai cho đến khi tác giả Thư Do Thái dùng phương pháp “midrash” nối kết với Thánh Vịnh 110, để tuyên bố: Đức Kitô chính là Menkixêđê Thiên Chúa đã chuẩn bị từ thời tổ phụ Abraham để làm Thượng Tế cứu thoát con người khỏi tội nhờ lễ vật Ngài dâng trên đồi Golgotha một lần là đủ, và giờ đây chúng ta vẫn còn tái diễn mỗi ngày trong các nhà thờ để hưởng nhờ hiệu quả của biến cố đó. Trong bài đọc II, thánh Phaolô truyền lại những gì Ngài đã tiếp nhận được nơi Đức Kitô cho các tín hữu Côrintô về “bữa tiệc tình yêu.” Đây là trình thuật đầu tiên chúng ta biết được (Thư Corintô I có trước các Sách Tin Mừng) và các cộng đoàn đầu tiên đã trung thành cử hành mỗi khi hội họp để tưởng nhớ Đức Kitô và loan truyền Cuộc Khổ Nạn của Ngài. Trong Phúc Âm, tuy Đức Kitô chính thức thiết lập hai bí tích Thánh Thể và Truyền Chức trong Bữa Tiệc Ly; nhưng các động tác chính của bí tích Thánh Thể: “cầm lấy bánh, ngước mắt lên trời, tạ ơn, bẻ ra, và trao cho các môn đệ” đã có từ khi Chúa Giêsu làm phép lạ nuôi 5,000 người ăn.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Bí tích Thánh Thể và chức tư tế

Tác giả Thư Do Thái dùng phương pháp midrash (tra chữ Menkixêđê) để xác định Menkixêđê chính là Đức Kitô. Ngài là Thượng Tế Tối Cao và muôn đời theo phẩm trật Menkixêđê. Tác giả dùng hai trình thuật chính:

1.1/ Sáng Thế Ký 14,18-20: Menkixêđê không cha, không mẹ có nghĩa Ngài không có nguồn gốc thế gian và là tư tế của Thiên Chúa đến muôn đời. Tên Do Thái của Menkixêđê có nghĩa “Vua công chính.” Ngài đang làm vua thành Salem có nghĩa là “thành bình an.” Hầu hết các học giả đều đồng nhất thành này với thành Giêrusalem hiện giờ. Ông mang bánh và rượu ra để chỉ bữa ăn giao ước với Abraham. Ông chúc phúc cho Abram và nói: “Xin Thiên Chúa Tối Cao, Đấng dựng nên trời đất, chúc phúc cho Abram! Chúc tụng Thiên Chúa Tối Cao, Đấng đã trao vào tay ông những thù địch của ông!” Ông Menkixêđê phải quyền thế hơn Abram, vì ông chúc phúc cho Abram và lãnh nhận “một phần mười tất cả chiến lợi phẩm” từ Abram.
 
1.2/ Thánh Vịnh 110,1-4: Thánh Vịnh này được làm bởi vua David và nói về ngày đăng quang của Đức Kitô như sau: Sấm ngôn của Đức Chúa ngỏ cùng Chúa Thượng tôi: “Bên hữu Cha đây, Con lên ngự trị, để rồi bao địch thù, Cha sẽ đặt làm bệ dưới chân con.” Từ Sion, Đức Chúa sẽ mở rộng quyền vương đế của Ngài: Giữa lòng địch quân, xin Ngài làm bá chủ. Đức Chúa phán bảo rằng: “Ngày đăng quang con nắm quyền thủ lãnh, vẻ huy hoàng rực rỡ tựa thần linh. Ngay trước lúc hừng đông xuất hiện, tự lòng Cha, Cha đã sinh ra Con.” Đức Chúa đã một lần thề ước, Người sẽ chẳng rút lời, rằng: “Muôn thuở, Con là Thượng Tế theo phẩm trật Menkixêđê.”

Có rất nhiều điểm trùng hợp giữa hai trình thuật mà tác giả Thư Do Thái nêu lên: Đức Kitô là Thượng Tế đến muôn đời theo phẩm trật Menkixêđê, chứ không phải là Thượng Tế theo phẩm trật Aaron hay Levi, được thiết lập ít nhất 430 năm sau Abraham. Chức tư tế của Đức Kitô được làm bởi lời thề của Thiên Chúa cao trọng hơn chức tư tế theo dòng dõi Levi, cha truyền con nối. Lễ vật của Đức Kitô cao trọng hơn lễ vật của tư tế dâng hằng ngày hay Thượng Tế dâng mỗi năm một lần. Ngài chỉ dâng một lần là đủ vì Ngài dâng chính máu của Ngài chứ không phải máu của các con vật… (x/c Thư Do Thái, chương 7-8) Nói tóm lại, Đức Kitô là Thượng tế của giao ước mới, hoàn hảo hơn giao ước cũ. Ngài đến để hủy bỏ toàn bộ chức tư tế cũ và lễ vật hy sinh của giao ước cũ.

1.3/ Qumran 11Q13: Đây là tài liệu khám phá tại Qumran, hang 11, nói về nhân vật Menkixêđê như sau:

“Ông sẽ xuất hiện trong Năm Thánh sau cùng. Menkixêđê sẽ trả lại cho dân chúng những gì thuộc về họ. Ông sẽ công bố cho họ Năm Thánh, và sẽ giải phóng họ khỏi nợ nần và tất cả các tội của họ. Bắt đầu Năm Thánh, Ông sẽ công bố chiếu chỉ này; sau đó đến Ngày Xá Tội (sau giai đoạn thứ 10 của Năm Thánh), Ông sẽ đền tội cho tất cả các “con của ánh sáng” và những người được tiền định cho Menkixêđê. Vì đây là thời gian ấn định là “Năm hồng ân của Menkixêđê.” Bằng quyền năng, Ông sẽ xét xử dân thánh của Thiên Chúa và sẽ thiết lập một vương quốc công chính, như đã được viết về ông trong Thánh Vịnh: “Một nhân vật giống như Đức Chúa đã thay thế Ngài trong công hội của Thiên Chúa; giữa các sứ thần, ông phân xử” (Tv 82,1). Kinh Thánh cũng nói về ông: “Hãy nhận chỗ cao nhất trên Trời: Một thiên sứ? sẽ phân xử con người” (Tv 7,7-8). Menkixêđê sẽ thi hành việc báo thù theo chỉ thị của Thiên Chúa. Ông cũng giải phóng tất cả các tù nhân khỏi tay của Belial và tất cả quyền lực của quỉ thần với nó.”

Ngôn sứ Isaia đề cập đến Năm Hồng Ân mà Đức Kitô xác định àm chỉ về Ngài: “Thần khí của Đức Chúa là Chúa Thượng ngự trên tôi, vì Đức Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, sai đi báo tin mừng cho kẻ nghèo hèn, băng bó những tấm lòng tan nát, công bố lệnh ân xá cho kẻ bị giam cầm, ngày phóng thích cho những tù nhân, công bố một năm hồng ân của Đức Chúa, một ngày báo phục của Thiên Chúa chúng ta” (Is 61,1-2).
 
2/ Bài đọc II: Truyền thống của Giáo Hội về bí tích Thánh Thể

Thư Corintô là tài liệu sớm nhất (50-60 AC) nói về việc cử hành Lễ Bẻ Bánh hay Lễ Tình Yêu (tiệc Agapê) trong cộng đoàn sơ khai. Các Tin Mừng đều viết sau Thư Corintô (60-100 AC).

Phaolô viết: “Thật vậy, điều tôi đã lãnh nhận từ nơi Chúa, tôi xin truyền lại cho anh em: trong đêm bị nộp, Chúa Giêsu cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng tạ ơn, rồi bẻ ra và nói: “Anh em cầm lấy mà ăn, đây là Mình Thầy, hiến tế vì anh em; anh em hãy làm như Thầy vừa làm để tưởng nhớ đến Thầy.” Cũng thế, cuối bữa ăn, Người nâng chén và nói: “Đây là chén Máu Thầy, Máu đổ ra để lập Giao Ước Mới; mỗi khi uống, anh em hãy làm như Thầy vừa làm để tưởng nhớ đến Thầy.”

Thật vậy, cho tới ngày Chúa đến, mỗi lần ăn Bánh và uống Chén này, là anh em loan truyền Chúa đã chịu chết.” Hai điều chúng ta cần nghiên cứu trong trình thuật này:

2.1/ Tưởng Niệm: “Anh em hãy làm như Thầy vừa làm để tưởng nhớ đến Thầy.”

Tưởng niệm trước tiên là nhớ đến tình yêu của Chúa Giêsu đã làm cho các môn đệ trong suốt cuộc đời tại thế, và nhất là tình yêu hy hiến mà Ngài đã làm cho các ông trong Cuộc Khổ Nạn – Cái chết trên đồi Golgotha – và sự Phục Sinh vinh hiển của Ngài. Tưởng niệm cũng là lúc các môn đệ nhớ lại những gì Chúa Giêsu dạy và các ông phải làm: Noi gương Đức Kitô, các ông cũng phải chết đi cho các tín hữu để tỏ tình yêu cho Thiên Chúa và cho tha nhân.

Thánh Phaolô nhắc lại những điều này để khiển trách các tín hữu Corintô đã không dự tiệc theo như lòng Chúa Giêsu mong muốn. Họ coi đó như là một buổi dạ tiệc hay bữa ăn thông thường. Các tín hữu Corintô đã làm tổn thương đến đức bác ái khi họ chia nhóm theo giai cấp giầu nghèo, không đợi nhau và đoàn kết khi cử hành Lễ Bẻ Bánh. Nói tóm, Ngài khiển trách họ đã biến Lễ Bẻ Bánh thành buổi hội họp chỉ để ăn uống!                   

2.2/ Loan truyền: “Mỗi lần ăn Bánh và uống Chén này, anh em loan truyền Chúa đã chịu chết.”

Loan truyền trước hết là loan truyền ơn cứu độ được Đức Kitô thực hiện qua cái chết của Ngài. Bằng máu của Ngài đổ ra trên Thập Giá, Thiên Chúa đã tha các tội của nhân loại đã xúc phạm đến Ngài. Khi con người được sạch tội, họ được giao hòa với Thiên Chúa, và xứng đáng lãnh nhận ơn cứu độ là cuộc sống đời đời. Hy lễ của Đức Kitô vẫn tái diễn mỗi ngày trên bàn thờ vì con người vẫn phạm tội và cần được tha thứ, dù Lễ Tế của Ngài chỉ thực hiện một lần là có công hiệu suốt đời, vì đó là Máu của con Thiên Chúa.

3/ Phúc Âm: Những chuẩn bị trước cho việc lập Bí-tích Thánh Thể

Đây là trình thuật được tường thuật cả bốn Thánh Ký. Riêng Gioan, trình thuật này được tiếp nối bằng diễn từ về Thánh Thể trong suốt chương 6. Gioan không tường thuật sự kiện Chúa Giêsu thành lập bí tích Thánh Thể trong Bữa Tiệc Ly; nhưng chương 6 chứa đựng tất cả những gì Chúa Giêsu muốn mặc khải về bí tích Thánh Thể và các phản ứng của con người.

3.1/ Chúa Giêsu quan tâm đến nhu cầu ăn uống cũng như tinh thần của dân chúng.

Có thể nói trình thuật của Luca hôm nay như một Thánh Lễ: Chúa tập họp dân chúng từ khắp nơi lại để giảng dạy và chữa lành (tương ứng với Phụng Vụ Lời Chúa). Sau đó là phần cho dân chúng ăn (Phụng Vụ Thánh Thể).

Ba điều chúng ta cần để ý đến trong trình thuật hôm nay: Thứ nhất, Chúa động lòng xót thương dân chúng. Ngài không chỉ bằng lòng với việc dạy dỗ; nhưng còn lo đến kiếm của ăn cho dân. Thứ hai, Ngài truyền cho các môn đệ phải kiếm lương thực cho dân ăn dẫu các ông phản đối. Sau cùng, đây là một phép lạ: Từ năm chiếc bánh và hai con cá, Chúa đã phân phát cho các môn đệ để các môn đệ cho dân ăn no nê mà vẫn còn dư 12 thúng đầy. Phép lạ này phải có liên quan đến bữa tiệc Thánh Thể, vì chỉ một thân thể của Chúa Giêsu được bẻ ra để nuôi biết bao người ăn no nê mà vẫn còn dư.

3.2/ Công thức truyền phép trong bí tích Thánh Thể: “Bấy giờ Đức Giêsu cầm lấy năm cái bánh và hai con cá, ngước mắt lên trời, dâng lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho môn đệ để các ông dọn ra cho đám đông.” Có thể nói đây là một công thức truyền phép của tiệc Thánh Thể mà các môn đệ đã dần dần quen thuộc. Họ chỉ cần nhìn cử chỉ và điệu bộ Chúa làm, họ nhận ra là chính Chúa Giêsu, như hai môn đệ trên đường đi Emmau của Luca, hay như các môn đệ bên bờ hồ Galilê trong Gioan, chương 21.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

– Bí Tích Thánh Thể là bí tích tình yêu mà Thiên Chúa đã chuẩn bị và mặc khải cho con người từ thời tổ phụ Abraham. Sau khi đã nhận được tình yêu Thiên Chúa, chúng ta cũng phải mang tình yêu này vào cuộc sống để yêu thương tha nhân như Thiên Chúa yêu thương chúng ta.

– Bí tích Thánh Thể là bí tích hiệp nhất mọi người trong cùng một thân thể của Đức Kitô. Chúng ta đừng để chia rẽ xảy ra trong gia đình và cộng đoàn.

– Bí tích Thánh Thể là bí tích tạ ơn. Chúng ta cần nhận ra tất cả những ơn lành của Thiên Chúa đã làm cho chúng ta, nhất là ơn cứu độ đến từ Đức Kitô qua hiến lễ trên đồi Golgotha của Ngài.

(nguồn: http://www.loinhapthe.com/index.php?option=com_content&view=article&id=3128:le-minh-va-mau-thanh-chuac&catid=25:loichuamoingay&Itemid=28)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here