LM. Anthony Đinh Minh Tiên, OP
1/ Bài đọc I: Hc 15:16-21
16 Trước mặt con, Người đã đặt lửa và nước, con muốn gì, hãy đưa tay ra mà lấy.
17 Trước mặt con người là cửa sinh cửa tử, ai thích gì, sẽ được cái đó.
18 Vì trí khôn ngoan của Đức Chúa thật lớn lao, Người mạnh mẽ uy quyền và trông thấy tất cả.
19 Người để mắt nhìn xem những ai kính sợ Người, và biết rõ tất cả những gì người ta thực hiện.
20 Người không truyền cho ai ăn ở thất đức, cũng không cho phép ai phạm tội.
2/ Bài đọc II: ; 1 Cr 2:6-10
6 Thế mà điều chúng tôi giảng dạy cho các tín hữu trưởng thành cũng là một lẽ khôn ngoan, nhưng không phải là lẽ khôn ngoan của thế gian, cũng không phải của các thủ lãnh thế gian này, là những kẻ sớm muộn gì cũng phải diệt vong.
7 Trái lại, chúng tôi giảng dạy lẽ khôn ngoan nhiệm mầu của Thiên Chúa đã được giữ bí mật, lẽ khôn ngoan mà Thiên Chúa đã tiền định từ trước muôn đời, cho chúng ta được vinh hiển.
8 Không một ai trong các thủ lãnh thế gian này đã được biết lẽ khôn ngoan ấy, vì nếu biết, họ đã chẳng đóng đinh Đức Chúa hiển vinh vào thập giá. 9 Nhưng, như đã chép: Điều mắt chẳng hề thấy, tai chẳng hề nghe, lòng người không hề nghĩ tới, đó lại là điều Thiên Chúa đã dọn sẵn cho những ai mến yêu Người. 10 Còn chúng ta, chúng ta đã được Thiên Chúa mặc khải cho, nhờ Thần Khí. Thật vậy, Thần Khí thấu suốt mọi sự, ngay cả những gì sâu thẳm nơi Thiên Chúa.
3/ Phúc Âm: Mt 5:17-37
17 “Anh em đừng tưởng Thầy đến để bãi bỏ Luật Mô-sê hoặc lời các ngôn sứ. Thầy đến không phải là để bãi bỏ, nhưng là để kiện toàn. 18 Vì, Thầy bảo thật anh em, trước khi trời đất qua đi, thì một chấm một phết trong Lề Luật cũng sẽ không qua đi, cho đến khi mọi sự được hoàn thành. 19 Vậy ai bãi bỏ dù chỉ là một trong những điều răn nhỏ nhất ấy, và dạy người ta làm như thế, thì sẽ bị gọi là kẻ nhỏ nhất trong Nước Trời. Còn ai tuân hành và dạy làm như thế, thì sẽ được gọi là lớn trong Nước Trời. 20 “Vậy, Thầy bảo cho anh em biết, nếu anh em không ăn ở công chính hơn các kinh sư và người Pha-ri-sêu, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời.
21 “Anh em đã nghe Luật dạy người xưa rằng: Chớ giết người; ai giết người, thì đáng bị đưa ra toà. 22 Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: Ai giận anh em mình, thì đáng bị đưa ra toà. Ai mắng anh em mình là đồ ngốc, thì đáng bị đưa ra trước Thượng Hội Đồng. Còn ai chửi anh em mình là quân phản đạo, thì đáng bị lửa hoả ngục thiêu đốt. 23 Vậy, nếu khi anh sắp dâng lễ vật trước bàn thờ, mà sực nhớ có người anh em đang có chuyện bất bình với anh, 24 thì hãy để của lễ lại đó trước bàn thờ, đi làm hoà với người anh em ấy đã, rồi trở lại dâng lễ vật của mình.
25 Anh hãy mau mau dàn xếp với đối phương, khi còn đang trên đường đi với người ấy tới cửa công, kẻo người ấy nộp anh cho quan toà, quan toà lại giao anh cho thuộc hạ, và anh sẽ bị tống ngục. 26 Thầy bảo thật cho anh biết: anh sẽ không ra khỏi đó, trước khi trả hết đồng xu cuối cùng.
27 “Anh em đã nghe Luật dạy rằng: Chớ ngoại tình. 28 Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: ai nhìn người phụ nữ mà thèm muốn, thì trong lòng đã ngoại tình với người ấy rồi.
29 Nếu mắt phải của anh làm cớ cho anh sa ngã, thì hãy móc mà ném đi; vì thà mất một phần thân thể, còn hơn là toàn thân bị ném vào hoả ngục. 30 Nếu tay phải của anh làm cớ cho anh sa ngã, thì hãy chặt mà ném đi; vì thà mất một phần thân thể, còn hơn là toàn thân phải sa hoả ngục.
31 “Luật còn dạy rằng: Ai rẫy vợ, thì phải cho vợ chứng thư ly dị. 32 Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: ngoại trừ trường hợp hôn nhân bất hợp pháp, ai rẫy vợ là đẩy vợ đến chỗ ngoại tình; và ai cưới người đàn bà bị rẫy, thì cũng phạm tội ngoại tình. 33 “Anh em còn nghe Luật dạy người xưa rằng: Chớ bội thề, nhưng hãy trọn lời thề với Đức Chúa. 34 Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: đừng thề chi cả. Đừng chỉ trời mà thề, vì trời là ngai Thiên Chúa. 35 Đừng chỉ đất mà thề, vì đất là bệ dưới chân Người. Đừng chỉ Giê-ru-sa-lem mà thề, vì đó là thành của Đức Vua cao cả. 36 Đừng chỉ lên đầu mà thề, vì anh không thể làm cho một sợi tóc hoá trắng hay đen được. 37 Nhưng hễ “có” thì phải nói “có”, “không” thì phải nói “không”. Thêm thắt điều gì là do ác quỷ.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Hãy tìm học và thực thi đường lối khôn ngoan của Thiên Chúa.
Nếu con người biết khiêm nhường học hỏi và quan sát những điều xảy ra trong vũ trụ, họ sẽ nhận thấy trí khôn của con người rất hạn hẹp và nhiều giới hạn, không thể nào so với sự khôn ngoan vô biên của Thiên Chúa. Một thái độ như thế sẽ giúp con người đặt niềm tin nơi Thiên Chúa và làm theo những gì Ngài dạy, và sẽ gặt hái rất nhiều kết quả tốt lành trong cuộc đời.
Cả ba bài đọc hôm nay đều nhấn mạnh đến sự khôn ngoan của Thiên Chúa vượt xa sự khôn ngoan của con người, và con người phải học hỏi để sống theo đường lối khôn ngoan của Thiên Chúa. Trong bài đọc I, tác giả Sách Huấn Ca đưa ra lý do tại sao con người phải chọn để sống theo đường lối của Thiên Chúa, vì Ngài nắm giữ vận mạng của loài người. Trong bài đọc II, thánh Phaolô phân biệt sự khôn ngoan của Thiên Chúa với sự khôn ngoan của con người. Thiên Chúa ban khôn ngoan của Ngài cho những ai yêu mến và tìm nó. Trong Phúc Âm, sau khi đã loan báo Hiến Chương Nước Trời (Mt 5:1-12) và cho hai ví dụ về muối và ánh sáng, Chúa Giêsu đi thẳng vào trọng tâm của Lề Luật. Ngài vạch rõ những hiểu biết sai lầm về Luật và lối sống vụ Luật; đồng thời dạy dỗ dân chúng lối sống mang lại hiệu quả theo Luật của Thiên Chúa.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Trước mặt con người là cửa sinh cửa tử, ai thích gì, sẽ được cái đó.
Sách Huấn Ca là một trong bảy Sách Khôn Ngoan, chú trọng đến việc dạy dỗ con người biết sống mối liên hệ với Thiên Chúa và với tha nhân: cha mẹ, vợ chồng, con cái, bạn hữu, kẻ thù… Sách rất nhiều lần nhấn mạnh đến chân lý nền tảng: “Kính sợ Thiên Chúa là nguồn mạch mọi khôn ngoan.”
Tại sao phải học hỏi và tuân theo sự khôn ngoan của Thiên Chúa? Câu trả lời đơn giản là vì uy quyền của Thiên Chúa vượt xa con người giới hạn. Tác giả Sách Khôn Ngoan viết: “Vì trí khôn ngoan của Đức Chúa thật lớn lao, Người mạnh mẽ uy quyền và trông thấy tất cả. Người để mắt nhìn xem những ai kính sợ Người, và biết rõ tất cả những gì người ta thực hiện.” Dĩ nhiên, con người có tự do chọn để sống nghịch ý với Thiên Chúa, nhưng làm như vậy có lợi gì đâu, con người chỉ chuốc lấy đau khổ và thiệt hại, cả đời này lẫn đời sau. Tác giả cho một ví dụ chọn lựa: “Trước mặt con, Người đã đặt lửa và nước, con muốn gì, hãy đưa tay ra mà lấy. Trước mặt con người là cửa sinh cửa tử, ai thích gì, sẽ được cái đó.” Ngay cả sự tự do của con người cũng là của Thiên Chúa ban, nhưng không phải là để cho con người muốn chọn sao thì chọn; nhưng phải chọn sao cho hợp với ý của Thiên Chúa, thì mới mang lại kết quả tốt đẹp và hạnh phúc cho con người.
2/ Bài đọc II: Chúng tôi giảng dạy lẽ khôn ngoan nhiệm mầu của Thiên Chúa.
Sự khác biệt giữa khôn ngoan của Thiên Chúa và của con người: Thánh Phaolô ý thức rất rõ những gì ngài rao giảng về Đức Kitô vượt xa giới hạn hiểu biết của con người, nhất là Đức Kitô chết trên Thập Giá là điều mà con người thường không thể hiểu được. Ngài nói: “Thật thế, lời rao giảng về thập giá là một sự điên rồ đối với những kẻ đang trên đà hư mất, nhưng đối với chúng ta là những người được cứu độ, thì đó lại là sức mạnh của Thiên Chúa” (1 Cor 1:18). Thánh Phaolô cũng biết nếu những người liên hệ đến cái chết của Đức Kitô biết Ngài thực sự là Con Thiên Chúa, họ sẽ không bao giờ dám tham dự vào việc giết Ngài; và như vậy, kế hoạch Cứu Độ của Thiên Chúa sẽ không thành công! Chính điều này nói cho con người biết họ khôn ngoan của họ không thể nào sánh kịp khôn ngoan của Thiên Chúa, họ đang thi hành kế hoạch của Thiên Chúa mà họ vẫn tưởng đang làm theo sự khôn ngoan của mình.
Nhưng tại sao Thiên Chúa lại không mặc khải cho tất cả mọi người được biết? Ngoài lý do kể trên, Đức Kitô vẫn không ngừng mặc khải cho họ biết Ngài là Con Thiên Chúa, nhưng họ vẫn bưng tai bịt mắt không chịu nghe Ngài, phần vì họ quá dựa vào sự khôn ngoan của họ, phần vì họ sợ sẽ mất những lợi nhuận vật chất. Nhưng đối với những ai khiêm nhường và yêu mến sự thật, Thiên Chúa vẫn cho mọi người ở mọi nơi và mọi thời có cơ hội để nhận ra và tin vào Đức Kitô, như Phaolô xác nhận: “Điều mắt chẳng hề thấy, tai chẳng hề nghe, lòng người không hề nghĩ tới, đó lại là điều Thiên Chúa đã dọn sẵn cho những ai mến yêu Người. Còn chúng ta, chúng ta đã được Thiên Chúa mặc khải cho, nhờ Thần Khí.”
3/ Phúc Âm: Luật trọn lành của Chúa Giêsu
3.1/ Chúa Giêsu giải thích Lề Luật: Trước tiên, chúng ta cần xác định đâu là ý nghĩa của Luật mà Chúa Giêsu muốn đề cập đến ở đây. Truyền thống Do-thái có ít nhất 4 cách cắt nghĩa: (1) Thập Giới; (2) 5 cuốn Sách đầu tiên của Kinh Thánh, Ngũ Thư; (3) Sách Luật và Sách Ngôn Sứ; và (4) không chỉ 3 điều trên, mà còn cả Luật theo truyền thống của tổ tiên nữa, như luật rửa tay và thanh sạch, như phái Pharisees hay tranh luận với Chúa Giêsu. Chắc chắn, Chúa Giêsu không muốn nói tới luật lệ của con người (4), vì chúng bất toàn và hay thay đổi. Ngài cũng không muốn nói tới cách giải thích Luật theo sự hiểu biết của con người (2) và (3), vì nhiều khi chúng đi quá xa nguyên tắc căn bản và trở thành gánh nặng cho con người; tuy nhiên, lời các ngôn sứ về việc Chúa đến chắc chắn Ngài sẽ kiện toàn. Thập Giới có lẽ là điều Chúa Giêsu muốn ám chỉ ở đây, vì nó đến trực tiếp từ Thiên Chúa và không bao giờ thay đổi. Ba áp dụng của Luật Chúa muốn nói tới ở đây.
(1) Thi hành Luật chứ không phải chỉ biết Luật: Nhiều người nghĩ có thể trở nên công chính bằng việc biết Luật hay biết Đức Kitô, Chúa Giêsu nhấn mạnh việc thực thi Lề Luật. Biết mà không thi hành, có ích lợi gì cho người biết đâu, Satan và bè lũ của chúng biết còn hơn con người. Chúa cũng nhấn mạnh đến việc dạy dỗ con người làm theo những gì Luật dạy: “Còn ai tuân hành và dạy làm như thế, thì sẽ được gọi là lớn trong Nước Trời.”
(2) Không được khinh thường và tức giận với anh em: Nhiều người trong chúng ta chỉ để ý tới tội giết người, mà ít khi chịu để ý tới tội khinh thường và chửi rủa anh em. Dĩ nhiên, Chúa không kết tội nóng giận tự nhiên khi tha nhân làm điều gì cho mình buồn lòng; nhưng không được phản ứng đến độ khinh thường và lăng nhục tha nhân.
(3) Sống hòa thuận với tha nhân: Truyền thống Do-thái không xa lạ với lời dạy của Chúa, vì trong Cựu Ước, tội chỉ có thể được tha khi hội đủ 3 điều: làm hòa, thú tội với Thiên Chúa, và dâng lễ vật đền tội. Tội không thể được tha cho dù đã thú tội và dâng lễ vật. Vì thế, “nếu khi anh sắp dâng lễ vật trước bàn thờ, mà sực nhớ có người anh em đang có chuyện bất bình với anh, hãy để của lễ lại đó trước bàn thờ, đi làm hoà với người anh em ấy đã, rồi trở lại dâng lễ vật của mình.” Chúa cũng dạy một điều rất khôn ngoan là hãy biết sống hòa thuận với tha nhân, và tìm cách giải quyết với nhau khi có vấn đề: chuyện bé đừng xé ra to; chuyện có thể giải quyết với nhau được đừng đưa nhau đến cửa quan để cả hai đều chịu thiệt hại.
3.2/ Sống theo sự thật: Hễ “có” thì phải nói “có;” “không” thì phải nói “không.”
Nguyên tắc căn bản trong cuộc đời là con người phải biết sống theo sự thật, và tuyệt đối không sống theo sự sai trái; dẫu biết sự thật mất lòng, con người vẫn phải nói, sống, và làm chứng cho sự thật. Sống theo sự thật không dễ vì nó đòi hy sinh và ngay cả có thể phải chết để làm chứng cho sự thật. Không ai có thể vỗ ngực tự nhận mình luôn sống theo sự thật; nhưng điều quan trọng là sau khi đã lỡ sống theo sự gian trá, con người phải có can đảm tự nhận và thú lỗi: mình đã không sống theo sự thật Thiên Chúa dạy. Đừng biện hộ với hết lý do này đến lý do kia, để rồi dần dần giải thích sự gian trá theo lý luận quanh co của mình; nhất là để biến sự gian trá thành sự thật. Chúa Giêsu đưa ra 4 áp dụng về việc sống theo sự thật.
(1) Việc ngoại tình: Sự thật không phải chỉ biểu lộ trong việc làm nhưng còn bắt nguồn trong tư tưởng. Chúng ta cần phân biệt ở đây giữa thèm muốn tự nhiên với cố ý thèm muốn. Nếu một người nam nhìn người nữ với sự rung động tự nhiên, rồi gạt bỏ đi ngay, điều đó không có tội. Điều Chúa Giêsu muốn đề cập đến ở đây là trường hợp cố tình nhìn để khơi động tình dục. Hiểu như thế, điều phải tránh không chỉ nhìn phụ nữ nhãn tiền, mà còn bao gồm cả phụ nữ trong phim, ảnh, internet… để kích thích tình dục nữa; khi làm như thế cũng là đang khao khát con người của họ dẫu họ không biết.
Điều Chúa Giêsu dạy: “Nếu mắt phải của anh làm cớ cho anh sa ngã, thì hãy móc mà ném đi; vì thà mất một phần thân thể, còn hơn là toàn thân bị ném vào hoả ngục. Nếu tay phải của anh làm cớ cho anh sa ngã, thì hãy chặt mà ném đi; vì thà mất một phần thân thể, còn hơn là toàn thân phải sa hoả ngục” không thể hiểu theo nghĩa đen, dẫu đã có vài người đã làm như vậy. Với sự yếu đuối của con người, nếu cứ làm như thế, không biết trên thân thể còn gì để móc và cắt! Điều Chúa muốn nêu bật là sự trầm trọng của tội, chúng ta phải cố gắng hết sức để đừng làm nô lệ cho tội lỗi, vì nó sẽ giam hãm chúng ta trong hỏa ngục.
(2) Việc ly dị: Căn bản là sự trung thành với lời mình đã thề hứa với Thiên Chúa và với nhau. Giao ước hôn nhân không bao giờ có thể xóa bỏ được vì “Sự gì Thiên Chúa đã liên kết, loài người không được phân ly.” Con người có thể vịn vào hàng trăm thứ lý do để xin ly dị; nhưng đơn giản là vì con người đã không thật lòng với Thiên Chúa và với nhau, ngay từ ban đầu hay trong cuộc sống lứa đôi. Giáo Hội có cho phép ly dị cũng chỉ vì những yếu đuối không sống theo sự thật được của người xin; chứ Giáo Hội chẳng bao giờ xé được hôn nhân mà Thiên Chúa đã liên kết.
(3) Việc thề hứa: Nguyên tắc căn bản Chúa Giêsu dạy là sống theo sự thật. Nếu con người luôn sống theo sự thật, thề hứa là chuyện thừa. Người ta có thể tin lời của một người luôn sống theo sự thật mà không cần thề hứa gì cả; nhưng nếu một người đã không sống theo sự thật, có thề hứa bao nhiêu cũng chẳng bảo đảm được lời người ấy hứa. Trong lịch sử, đã có những bộ tộc cấm tuyệt đối chuyện thề hứa như Essenes và Quakers. Chúa Giêsu vạch ra những gian manh của con người trong việc thề hứa để khỏi phải giữ, và Ngài dạy: “đừng thề chi cả.”
(4) Sống theo sự gian trá là sống theo ác quỉ: Lời của Thiên Chúa là sự thật, và Đức Kitô đã cầu xin Cha Ngài thánh hóa các môn đệ trong sự thật (Jn 17). Mục đích của việc thánh hóa này là vì các môn đệ còn phải sống trong thế gian, dưới ảnh hưởng của ác thần. Lời Chúa và sự thật không thể tách rời nhau, con người sống theo sự gian trá có thể vì không biết sự thật. Một người luôn học hỏi, suy niệm, và nắm vững Lời Chúa, khó lòng cho ma quỉ cám dỗ theo đường gian ác.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
– Chúng ta phải luôn biết học hỏi và sống theo đường lối khôn ngoan của Thiên Chúa. Một thái độ như thế sẽ giúp chúng ta tránh được khổ đau và sống hạnh phúc trong cuộc đời.
– Sự khôn ngoan và đường lối của Thiên Chúa nhiều khi hoàn toàn ngược lại sự khôn ngoan và đường lối con của con người. Chúng ta cần cầu nguyện và xin ơn khôn ngoan của Thánh Thần trợ giúp khi phải đương đầu với những trường hợp này.
– Chúng ta đừng chỉ tìm hiểu sơ sài và sống hời hợt bên ngoài; nhưng hãy dành thời giờ học hỏi, suy niệm, và cầu nguyện để nhận ra những nguyên lý sâu xa bên trong.
Nguồn: http://www.loinhapthe.com/index.php?option=com_content&view=article&id=1699:ch-nht-6-thng-niena&catid=25:loichuamoingay&Itemid=28