Chúa Nhật V Thường Niên, Năm A

0
582

LM. Anthony Đinh Minh Tiên, OP

1/ Bài đọc IIs 58:7-10

6 Cách ăn chay mà Ta ưa thích chẳng phải là chia cơm cho người đói,
rước vào nhà những người nghèo không nơi trú ngụ;
thấy ai mình trần thì cho áo che thân,

không ngoảnh mặt làm ngơ trước người anh em cốt nhục?

8 Bấy giờ ánh sáng ngươi sẽ bừng lên như rạng đông, vết thương ngươi sẽ mau lành.
Đức công chính ngươi sẽ mở đường phía trước,

vinh quang ĐỨC CHÚA bao bọc phía sau ngươi.

9 Bấy giờ, ngươi kêu lên, ĐỨC CHÚA sẽ nhận lời,

ngươi cầu cứu, Người liền đáp lại: “Có Ta đây!”
Nếu ngươi loại khỏi nơi ngươi ở gông cùm, cử chỉ đe doạ và lời nói hại người,

10 nếu ngươi nhường miếng ăn cho kẻ đói, làm thoả lòng người bị hạ nhục,
thì ánh sáng ngươi sẽ chiếu toả trong bóng tối,

và tối tăm của ngươi chẳng khác nào chính ngọ.

2/ Bài đọc II1 Cr 2:1-5

1 Thưa anh em, khi tôi đến với anh em,

tôi đã không dùng lời lẽ hùng hồn hoặc triết lý cao siêu mà loan báo mầu nhiệm của Thiên Chúa.

2 Vì hồi còn ở giữa anh em, tôi đã không muốn biết đến chuyện gì khác ngoài Đức Giê-su Ki-tô, mà là Đức Giê-su Ki-tô chịu đóng đinh vào thập giá.

3 Vì thế, khi đến với anh em, tôi thấy mình yếu kém, sợ sệt và run rẩy.

4 Tôi nói, tôi giảng mà chẳng có dùng lời lẽ khôn khéo hấp dẫn,

nhưng chỉ dựa vào bằng chứng xác thực của Thần Khí và quyền năng Thiên Chúa.

5 Có vậy, đức tin của anh em mới không dựa vào lẽ khôn ngoan người phàm,

nhưng dựa vào quyền năng Thiên Chúa.

3/ Phúc ÂmMt 5:13-16

13 “Chính anh em là muối cho đời. Nhưng muối mà nhạt đi, thì lấy gì muối nó cho mặn lại? Nó đã thành vô dụng, thì chỉ còn việc quăng ra ngoài cho người ta chà đạp thôi.

14 “Chính anh em là ánh sáng cho trần gian. Một thành xây trên núi không tài nào che giấu được.

15 Cũng chẳng có ai thắp đèn rồi lại để dưới cái thùng, nhưng đặt trên đế, và đèn soi chiếu cho mọi người trong nhà.

16 Cũng vậy, ánh sáng của anh em phải chiếu giãi trước mặt thiên hạ, để họ thấy những công việc tốt đẹp anh em làm, mà tôn vinh Cha của anh em, Đấng ngự trên trời.


GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Hãy trở nên khí cụ hữu dụng khi Thiên Chúa dùng tới.

 Thiên Chúa có uy quyền làm mọi sự. Ngài có thể làm cho mọi người trở nên những người con thánh thiện của Ngài, mà không cần dùng tới công sức của con người; nhưng Ngài đã không làm như thế. Ngài cho con người được tham gia vào trong công trình cứu chuộc, bằng cách trở nên những khí cụ Ngài dùng để đưa con người tới Thiên Chúa, và Ngài kể những gì con người làm cho nhau là làm cho chính Ngài. Một điều quan trọng con người cần nhận ra: họ không có năng lực đưa con người tới Thiên Chúa, họ chỉ là khí cụ Thiên Chúa dùng mà thôi. Năng lực đưa con người tới Thiên Chúa là do hoàn toàn nơi Thiên Chúa, vì Ngài hoạt động từ bên trong con người. Vì thế, không ai có thể nói mình đưa một người vào đạo hay một tội nhân trở về với Chúa, mà chỉ là một khí cụ Thiên Chúa dùng mà thôi. Một ví dụ điển hình là lời thú nhận của Gioan Tẩy Giả: “Tôi chỉ là tiếng kêu trong sa mạc: “Hãy dọn đường cho ngay thẳng để Ngài tới.””

Các bài đọc hôm nay muốn làm nổi bật tư tưởng này. Trong bài đọc I, ngôn sứ Isaiah sau khi đã đả kích thói ăn chay hình thức, đã giúp dân chúng hiểu ý nghĩa của việc ăn chay là giúp cho người khác có cơ hội sinh sống; và qua sự giúp đỡ này, những người được giúp đỡ sẽ nhận ra niềm tin của các tín hữu, để rồi họ cũng nhận biết và tin vào Thiên Chúa. Trong bài đọc II, thánh Phaolô giải nghĩa tiến trình một người tin nhận Đức Kitô: Ông chỉ là khí cụ (cái miệng) Thiên Chúa dùng để nói những gì Ngài muốn nói. Tin Mừng là của Đức Kitô mặc khải cho ông. Năng lực giúp một người hiểu sự thật và tin vào Đức Kitô là quyền năng của Chúa Thánh Thần. Trong Phúc Âm, thánh Matthew dùng hai hình ảnh để diễn tả khí cụ Thiên Chúa dùng nơi các tín hữu để giúp con người nhận ra những việc tốt các tín hữu làm, và họ tôn vinh Thiên Chúa.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Cách ăn chay mà Ta ưa thích chẳng phải là chia cơm cho người đói.

1.1/ Thực hành đức bác ái trong lời nói cũng như trong hành động: Ngôn sứ Isaiah nghiêm khắc đả phá việc chay tịnh hình thức và khoe khoang. Ông giúp dân chúng nhận ra cốt lõi của việc ăn chay là để cho tha nhân cũng có cơ hội được sống xứng nhân phẩm của một con người: “Cách ăn chay mà Thiên Chúa ưa thích chẳng phải là chia cơm cho người đói, rước vào nhà những người nghèo không nơi trú ngụ, thấy ai mình trần thì cho áo che thân, không ngoảnh mặt làm ngơ trước người anh em cốt nhục?” Đây là ba điều của 7 điều mà Giáo Hội dạy các tín hữu phải làm trong việc tỏ lòng thương xót tha nhân về phần xác. Ngoài ra, Giáo Hội còn dạy 7 điều thương tha nhân về phần linh hồn như: lấy lời lành mà khuyên người, mở dạy kẻ mê muội, yên ủi kẻ âu lo, răn bảo kẻ có tội, tha kẻ khinh dể ta, nhịn kẻ mất lòng ta, cầu xin cho kẻ sống và kẻ chết.” Trong trình thuật hôm nay, ngôn sứ Isaiah vắn tắt về việc thương linh hồn như sau: “Nếu ngươi loại khỏi nơi ngươi ở gông cùm, cử chỉ đe doạ và lời nói hại người… làm thoả lòng người bị hạ nhục.”

1.2/ Thiên Chúa sẽ nhận lời khi người thực thi bác ái cầu xin: Tất cả của cải, ơn thánh hay tài năng mà một người có được để giúp đỡ người khác đều đến từ Thiên Chúa; nhưng Ngài “kể cho” là giúp đỡ chính Ngài. Những ai chuyên chăm thực thi đức bác ái, Thiên Chúa tiếp tục ban nhiều của cải, ơn thánh và tài năng để họ có thể ban phát nhiều hơn nữa, và đền bù mọi tội lỗi nếu họ đã xúc phạm đến Ngài. Trình thuật của ngôn sứ Isaiah diễn tả hiệu quả của người biết thực thi bác ái như sau: “Ánh sáng ngươi sẽ chiếu toả trong bóng tối, và tối tăm của ngươi chẳng khác nào chính ngọ. Bấy giờ ánh sáng ngươi sẽ bừng lên như rạng đông, vết thương ngươi sẽ mau lành.
Đức công chính ngươi sẽ mở đường phía trước, vinh quang Đức Chúa bao bọc phía sau ngươi. Bấy giờ, ngươi kêu lên, Đức Chúa sẽ nhận lời, ngươi cầu cứu, Người liền đáp lại: “Có Ta đây!””

2/ Bài đọc II: Tôi đã không muốn biết đến chuyện gì khác ngoài Đức Giêsu Kitô.

2.1/ Rao giảng Lời Chúa không bằng lời lẽ hùng hồn hoặc triết lý cao siêu: Đối phương của thánh Phaolô tại thành Corintô chỉ trích sau lưng ngài với các tín hữu là không biết những triết lý cao siêu của triết lý Hy-lạp, là nói năng không hùng biện hay lợi khẩu như họ… Những lời chỉ trích này chẳng những không làm cho Phaolô buồn, mà còn giúp chất liệu cho ngài để làm sáng tỏ đạo lý đức tin với các tín hữu.

Trước tiên, Phaolô muốn nói: người rao giảng Tin Mừng như ông không rao giảng đạo lý của mình hay của bất cứ một ai khác, ngoài đạo lý mà Đức Kitô đã mặc khải cho. Trọng tâm của Tin Mừng là Đức Kitô chịu đóng đinh trên Thập Giá, tuy bị coi là điên rồ đối với người Hy-lạp và sỉ nhục đối với người Do-thái; nhưng đó lại là sức mạnh và uy quyền của Thiên Chúa dùng để đập tan xiềng xích của tội lỗi và mang ơn cứu độ đến cho con người. Phaolô cũng như bất cứ nhà rao giảng Tin Mừng nào phải lo lắng, sợ sệt, và run rẩy khi trình bày đạo lý của Đức Kitô; lý do là phải trình bày sự thực làm sao cho xác thực như Đức Kitô trao phó, chứ không được lẫn lộn và gây hiểu lầm nơi người nhận. Khi nhà rao giảng làm sai lạc sự thật của Tin Mừng, ông chắc chắn sẽ phải lãnh nhận hình phạt nơi Thiên Chúa.

2.2/ Đức tin các tín hữu có được hoàn toàn do quyền năng của Thiên Chúa: Phaolô ý thức rất rõ người rao giảng Tin Mừng chỉ là “cái miệng” Thiên Chúa dùng để loan báo những gì Ngài muốn nói. Phần đạo lý là của Đức Kitô mặc khải. Làm cho độc giả hiểu biết sự thật và tin vào Đức Kitô là do quyền năng Thánh Thần của Thiên Chúa. Phaolô xác tín ông không phải là lý do đức tin của các tín hữu: “Tôi nói, tôi giảng mà chẳng có dùng lời lẽ khôn khéo hấp dẫn, nhưng chỉ dựa vào bằng chứng xác thực của Thần Khí và quyền năng Thiên Chúa. Có vậy, đức tin của anh em mới không dựa vào lẽ khôn ngoan người phàm, nhưng dựa vào quyền năng Thiên Chúa.”

3/ Phúc Âm: Làm chứng cho Thiên Chúa bằng cuộc sống chứng nhân.

Để giúp các tín hữu nhận ra vai trò của mình trong chương trình cứu độ, Chúa Giêsu đưa ra hai hình ảnh rất căn bản và quen thuộc:

3.1/ Muối: “Chính anh em là muối cho đời. Nhưng muối mà nhạt đi, thì lấy gì muối nó cho mặn lại? Nó đã thành vô dụng, thì chỉ còn việc quăng ra ngoài cho người ta chà đạp thôi.”

Từ ngàn xưa, muối là chất liệu không thể thiếu cho đời sống con người. Muối rất quí cho người tiền sử: một kí muối bằng một kí vàng. Lương bổng được trả bằng muối (sal-ary). Sal là tiếng Latin cho muối. Thuế có thể trả bằng muối (1 Mac 10:29, 11:35). Một vài công dụng căn bản của muối:

(1) Ướp để giữ cho đồ ăn khỏi hư: dưa cải, kim chi, bò khô, nai khô, cá khô…

(2) Cho hương vị: đồ ăn ngon đến đâu mà không có muối, cũng trở thành nhạt nhẽo, vô vị.

(3) Làm chảy tan đá: Rảy muối trước cửa nhà và các lối đi để ngăn ngừa khỏi đóng đá.

(4) Khử vi trùng nơi các vết thương ngoài da, trị ong cắn, ngăn ngừa khoai tây và táo khỏi đổi màu.

(5) Thử trứng hư: bỏ trứng vào nước muối, quả nào tươi sẽ chìm xuống, quả nào hư sẽ nổi lên.

(6) Muối cần cho con người, các động vật và thực vật: săn thú vật nơi có các thác mặn, bỏ muối dưới gốc cây cho sinh trái ngọt và chữa bệnh. Thiếu muối hay không có muối, mọi vật sẽ chết hay bệnh tật (1 Kgs 2:20-21).

(8) Muối cũng dùng để tiêu diệt sự sống (quá nhiều muối): Trong chiến tranh, sau khi tàn phá thành phố, họ rắc muối để tiêu diệt sự sống (Jdg 9:45, Carthage).

Trong Kinh Thánh, hình ảnh của muối tượng trưng cho những điều sau:

(1) muối tượng trưng cho sự không thay đổi, không hư nát, và trong sạch. Lev 2:13 truyền phải bỏ muối vào các lễ vật ngũ cốc để tượng trưng cho giao ước của Thiên Chúa (x/c Num 18:19). Giao ước của Thiên Chúa được gọi là giao ước muối (2 Chr 13:5). Làm phép nước phải cho chút muối vào.

(2) sự thật, Lời Chúa (Col 4:6).

(3) tình yêu, bình an (Mk 9:50).

3.2/ Ánh sáng: “Chính anh em là ánh sáng cho trần gian. Một thành xây trên núi không tài nào che giấu được. Cũng chẳng có ai thắp đèn rồi lại để dưới cái thùng, nhưng đặt trên đế, và đèn soi chiếu cho mọi người trong nhà.”

Công dụng của ánh sáng: Ánh sáng và lửa rất gần nhau, ánh sáng cực mạnh sẽ trở thành lửa; vì thế những công dụng của lửa cũng có thể áp dụng cho ánh sáng.

(1) Để soi sáng và đẩy lui bóng tối: Chúa Giêsu là ánh sáng của thế gian. Ngài đến để soi sáng thế gian, nhưng thế gian muốn nuốt trửng ánh sáng mà không được.

(2) Để nấu nướng: Làm sao con người sống nếu không có lửa để nấu ăn!

(3) Ban sự sống: Mọi vật đều cần ánh sáng mặt trời, không có ánh sáng sẽ không có sự sống (hiện tượng quang học “photo synthesis”: lá cây cần có sự sáng để tăng trưởng). Chúa Giêsu tự xưng mình là “ánh sáng ban sự sống.” Ngài vừa là ánh sáng vừa là sự sống, không có Ngài, con người chẳng có ánh sáng mà cũng chẳng có sự sống (Jn 1:4)

(4) Để sưởi ấm: Ánh sáng mặt trời sưởi ấm trái đất; nếu không có ánh sáng mặt trời, trái đất sẽ chết vì lạnh. Bên các sa mạc của Do-thái, ánh sáng mặt trời là nguồn năng lượng chính.

(5) Để chữa bệnh: tia laser dùng để giải phẫu, những tia sáng cực mạnh dùng để đốt cháy các tế bào chết…

(6) Để tiêu hủy: bom nguyên tử dùng tốc độ ánh sáng để tạo năng lượng thật lớn để phá hủy, E=mc2. Ngôn sứ Joel ví Ngày của Đấng Thiên Sai đến như một hỏa lò: vừa có sức thiêu hủy những kẻ kiêu ngạo và gian ác, vừa có sức chữa lành bệnh cho người công chính.

Mục đích của việc chiếu sáng là để:

(1) Cho mọi người nhìn thấy vinh quang Thiên Chúa và ngợi khen Ngài.

(2) Không cho vinh quang cá nhân: Đừng làm việc của Chúa để tạo vinh quang cá nhân, vì chúng ta đã được lãnh phần thưởng là sự khen tặng của người đời; Thiên Chúa không phải trả công cho chúng ta nữa.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

– Con người chỉ là khí cụ Thiên Chúa dùng. Chúng ta đừng bao giờ huyênh hoang đánh cắp công ơn Thiên Chúa hay kể lể công ơn với người khác.

– Khi Thiên Chúa dùng tới, chúng ta hãy cố gắng là khí cụ sắc bén, đừng như muối đã hết vị mặn hay đèn đã hết dầu.

– Tự Lời Chúa đã có tiềm năng phát triển và hoán cải tâm hồn. Chúng ta không cần phải trình bày cách văn hoa hay hùng biện, mà chỉ cần trình bày cách xác thực, chân thành, và đơn giản.

Nguồn: http://www.loinhapthe.com/index.php?option=com_content&view=article&id=1692:ch-nht-v-thng-niena&catid=25:loichuamoingay&Itemid=28

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here