Chúa Nhật V – Năm B – Phục Sinh

0
301

LM Anthony Đinh Minh Tiên, OP

1/ Bài đọc ICv 9,26-31

26 Khi tới Giê-ru-sa-lem, ông Sao-lô tìm cách nhập đoàn với các môn đệ. Nhưng mọi người vẫn còn sợ ông, vì họ không tin ông là một môn đệ.

27 Ông Ba-na-ba liền đứng ra bảo lãnh đưa ông Sao-lô đến gặp các Tông Đồ, và tường thuật cho các ông nghe chuyện ông ấy được thấy Chúa hiện ra trên đường và phán dạy làm sao, cũng như việc ông ấy đã mạnh dạn rao giảng nhân danh Đức Giê-su tại Đa-mát thế nào.

28 Từ đó ông Sao-lô cùng với các Tông Đồ đi lại hoạt động tại Giê-ru-sa-lem. Ông mạnh dạn rao giảng nhân danh Chúa. 29 Ông thường đàm đạo và tranh luận với những người Do-thái theo văn hoá Hy-lạp. Nhưng họ tìm cách giết ông.

30 Các anh em biết thế, liền dẫn ông xuống Xê-da-rê và tiễn ông lên đường về Tác-xô.

31 Hồi ấy, trong khắp miền Giu-đê, Ga-li-lê và Sa-ma-ri, Hội Thánh được bình an, được xây dựng vững chắc và sống trong niềm kính sợ Chúa, và ngày một thêm đông, nhờ Thánh Thần nâng đỡ.

2/ Bài đọc II1 Ga 3,18-24

18 Hỡi anh em là những người con bé nhỏ, chúng ta đừng yêu thương nơi đầu môi chót lưỡi, nhưng phải yêu thương cách chân thật và bằng việc làm. 19 Căn cứ vào điều đó, chúng ta sẽ biết rằng chúng ta đứng về phía sự thật, và chúng ta sẽ được an lòng trước mặt Thiên Chúa. 20 Vì nếu lòng chúng ta có cáo tội chúng ta, Thiên Chúa còn cao cả hơn lòng chúng ta, và Người biết hết mọi sự. 21 Anh em thân mến, nếu lòng chúng ta không cáo tội chúng ta, chúng ta được mạnh dạn đến cùng Thiên Chúa. 22 Và bất cứ điều gì chúng ta xin, chúng ta được Người ban cho, bởi vì chúng ta tuân giữ các điều răn của Người và làm những gì đẹp ý Người. 23 Đây là điều răn của Người: chúng ta phải tin vào danh Đức Giê-su Ki-tô, Con của Người, và phải yêu thương nhau, theo điều răn Người đã ban cho chúng ta. 24 Ai tuân giữ các điều răn của Thiên Chúa thì ở lại trong Thiên Chúa và Thiên Chúa ở lại trong người ấy. Căn cứ vào điều này, chúng ta biết được Thiên Chúa ở lại trong chúng ta, đó là nhờ Thần Khí, Thần Khí Người đã ban cho chúng ta.

3/ Phúc ÂmGa 15,1-8

1 “Thầy là cây nho thật, và Cha Thầy là người trồng nho. 2 Cành nào gắn liền với Thầy mà không sinh hoa trái, thì Người chặt đi; còn cành nào sinh hoa trái, thì Người cắt tỉa cho nó sinh nhiều hoa trái hơn. 3 Anh em được thanh sạch rồi nhờ lời Thầy đã nói với anh em.4 Hãy ở lại trong Thầy như Thầy ở lại trong anh em. Cũng như cành nho không thể tự mình sinh hoa trái, nếu không gắn liền với cây nho, anh em cũng thế, nếu không ở lại trong Thầy.5 Thầy là cây nho, anh em là cành. Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái, vì không có Thầy, anh em chẳng làm gì được.6 Ai không ở lại trong Thầy, thì bị quăng ra ngoài như cành nho và sẽ khô héo. Người ta nhặt lấy, quăng vào lửa cho nó cháy đi.7 Nếu anh em ở lại trong Thầy và lời Thầy ở lại trong anh em, thì muốn gì, anh em cứ xin, anh em sẽ được như ý.8 Điều làm Chúa Cha được tôn vinh là: Anh em sinh nhiều hoa trái và trở thành môn đệ của Thầy.

———————-

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Hiệp nhất trong Thiên Chúa và trong Giáo Hội.

Con người tuy có rất nhiều điểm khác biệt với nhau: niềm tin, văn hóa, hoàn cảnh, địa vị, tính tình, học thức … nhưng được kêu gọi sống chung và hiệp nhất với nhau. Làm sao con người có thể hiệp nhất với nhau giữa bao nhiêu những dị biệt này. Các Bài Đọc hôm nay cung cấp cho chúng ta những điều chính yếu để đạt tới sự hiệp nhất.

Trong Bài Đọc I, Phaolô bị mọi người nghi ngờ vì quá khứ bắt bớ đạo Chúa của ông. Barnabas đã mạnh dạn đứng ra để bênh vực và giới thiệu ông với các Tông-đồ. Sau đó, để tránh xung đột với người Hy-lạp, các Tông-đồ quyết định để Phaolô rời Jerusalem. Trong Bài Đọc II, thánh Gioan nhấn mạnh đến giới răn yêu thương như một nền tảng cho sự hiệp nhất. Ngài khuyên các tín hữu đừng chỉ yêu thương bằng chót lưỡi đầu môi; nhưng phải biểu tỏ bằng hành động và bằng giữ các giới răn. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu dùng hình ảnh quen thuộc để nói lên sự liên hệ mật thiết giữa Ngài và các môn đệ: “Thầy là cây nho, anh em là cành.” Để có thể sinh hoa trái, các tín hữu cần liên kết với cành; nếu không sẽ bị khô héo và chặt đi. Vì thế, Chúa Giêsu là trọng tâm của hiệp nhất. Ngài liên kết mọi người với Ngài và với nhau.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Hãy cho nhau một cơ hội. Đừng giam hãm tha nhân trong quá khứ của họ.

1.1/ Barnabas bênh vực Phaolô:”Khi tới Jerusalem, ông Saul tìm cách nhập đoàn với các môn đệ. Nhưng mọi người vẫn còn sợ ông, vì họ không tin ông là một môn đệ. Ông Barnabas liền đứng ra bảo lãnh đưa ông Saul đến gặp các Tông Đồ, và tường thuật cho các ông nghe chuyện ông ấy được thấy Chúa hiện ra trên đường và phán dạy làm sao, cũng như việc ông ấy đã mạnh dạn rao giảng nhân danh Đức Giêsu tại Damascus thế nào.”

Nghi ngờ là chuyện thường tình của con người; hơn nữa, Hội Thánh tại Jerusalem có lý do để nghi ngờ Saul, vì chỉ trước đây một thời gian ngắn, ông là người bắt đạo khét tiếng. Khi Thượng Hội Đồng ném đá Phó-tế Stephen, họ đã để quần áo của ông dưới chân Saul. Như Hananiah cũng nghi ngờ Saul và được Chúa cho biết Ngài muốn dùng Saul để loan báo Tin Mừng, ông Barnabas cũng đứng ra bảo lãnh cho Saul trước mặt các môn đệ.

Khi đã có bằng chứng của sự trở lại, chúng ta cần phải rộng lượng tha thứ để cho nhau cơ hội làm lại cuộc đời. Nếu Chúa Giêsu và các môn đệ không cho Saul một cơ hội làm lại cuộc đời, Giáo Hội sẽ không có một Tông đồ nhiệt thành rao giảng và làm chứng cho Tin Mừng như thánh Phaolô. Nếu Chúa Giêsu đã cho Saul, và cho tất cả mọi người, có cơ hội ăn năn trở lại; chúng ta là ai mà dám giam cầm tha nhân trong quá khứ không hay của họ!

1.2/ Hội Thánh biết cách giải quyết các xung đột: “Từ đó ông Saul cùng với các Tông Đồ đi lại hoạt động tại Jerusalem. Ông mạnh dạn rao giảng nhân danh Chúa. Ông thường đàm đạo và tranh luận với những người Do-thái theo văn hoá Hy-lạp. Nhưng họ tìm cách giết ông.”

Giáo Hội sơ khai cũng như qua các thời đại, và cho đến bây giờ, vẫn còn là Giáo Hội của con người, nên không thể tránh những va chạm vì khác biệt về cách thức suy luận, tính tình, văn hóa, sở thích … Làm thế nào để giải quyết những va chạm để bảo vệ sự hiệp nhất? Trước tiên, mọi người cần cầu nguyện để xin sự soi sáng và quyết định theo sự hướng dẫn của Thánh Thần. Sau đó, mọi người cần góp ý và cùng nhau giải quyết trong sự yêu thương. Trong cuộc tranh chấp giữa các bà góa, Hội Thánh giải quyết bằng việc chọn và tấn phong 7 Phó-tế. Trong trường hợp hôm nay, “các anh em biết thế, liền dẫn ông xuống Caesarea và tiễn ông lên đường về Tarsus.” Nhờ biết cách giải quyết, nên “hồi ấy, trong khắp miền Judah, Galilee và Samaria, Hội Thánh được bình an, được xây dựng vững chắc và sống trong niềm kính sợ Chúa, và ngày một thêm đông, nhờ Thánh Thần nâng đỡ.”

 2/ Bài đọc II: Phải yêu thương cách chân thật và bằng việc làm.

2.1/ Sự quan trọng của giới luật yêu thương:

(1) Phải yêu thương bằng việc làm. Ngài viết: “Hỡi anh em là những người con bé nhỏ, chúng ta đừng yêu thương nơi đầu môi chót lưỡi, nhưng phải yêu thương cách chân thật và bằng việc làm. Căn cứ vào điều đó, chúng ta sẽ biết rằng chúng ta đứng về phía sự thật, và chúng ta sẽ được an lòng trước mặt Thiên Chúa.” Chỗ khác Ngài viết: “Ai nói mình yêu thương Thiên Chúa, mà lại ghét anh em mình, là kẻ nói dối, và sự thật không có nơi người ấy.” Theo Gioan, yêu thương và sự thật không thể tách rời nhau.

 (2) Thiên Chúa còn cao cả hơn lòng chúng ta: “Vì nếu lòng chúng ta có cáo tội chúng ta, Thiên Chúa còn cao cả hơn lòng chúng ta, và Người biết hết mọi sự. Anh em thân mến, nếu lòng chúng ta không cáo tội chúng ta, chúng ta được mạnh dạn đến cùng Thiên Chúa.” Đây là 2 câu khó hiểu, và có ít nhất 2 cách hiểu: Thứ nhất, nếu lòng chúng ta cáo tội chúng ta, Thiên Chúa còn cao cả hơn lòng chúng ta vì Ngài biết mọi sự; có nghĩa tội của chúng ta không thể tránh khỏi cơn thịnh nộ của Thiên Chúa. Thứ hai, nếu lòng chúng ta cáo tội chúng ta, Thiên Chúa còn cao cả hơn lòng chúng ta; có nghĩa Thiên Chúa không chỉ biết tội của chúng ta, nhưng Ngài còn biết tình yêu, ước muốn, yếu đuối, bệnh tật của chúng ta; vì thế, Ngài hiểu biết và sẵn sàng tha thứ cho chúng ta. Thomas à Kempis phân tích sự khác nhau giữa Thiên Chúa và con người: “Con người nhìn kết quả, Thiên Chúa biết ý định.” Ví dụ, tuy vua David không được phép xây nhà cho Thiên Chúa, nhưng ông đã xây nhà cho Ngài bằng ước muốn (1 Kgs 8:17-18). Châm ngôn Pháp có câu: “Biết tất cả là tha thứ tất cả.” Nếu trong trái tim của chúng ta có yêu thương, chúng ta có thể tự tin khi đến với Ngài. Chỗ khác, Gioan cũng nói: “Yêu thương là đền bù mọi tội lỗi.”

2.2/ Phải giữ các giới răn của Người: Gioan viết: “Đây là điều răn của Người: chúng ta phải tin vào danh Đức Giêsu Kitô, Con của Người, và phải yêu thương nhau, theo điều răn Người đã ban cho chúng ta.” Nếu chúng ta để ý các Sách của Gioan, tin Đức Kitô và yêu thương là hai chủ đề chính của Ngài. Con người phải tin Đức Kitô mới có sự sống đời đời, và phải yêu thương nhau nếu muốn làm môn đệ của Ngài. Giữ giới răn của Thiên Chúa không gì khác hơn là giữ giới luật yêu thương, hay “Mến Chúa yêu người.” Khi chúng ta giữ giới răn Thiên Chúa, hai điều này được bảo đảm cho chúng ta:

– Bất cứ điều gì chúng ta xin, chúng ta được Người ban cho, bởi vì chúng ta tuân giữ các điều răn của Người và làm những gì đẹp ý Người.

– Ai tuân giữ các điều răn của Thiên Chúa thì ở lại trong Thiên Chúa và Thiên Chúa ở lại trong người ấy. Căn cứ vào điều này, chúng ta biết được Thiên Chúa ở lại trong chúng ta, đó là nhờ Thần Khí, Thần Khí Người đã ban cho chúng ta.

 3/ Phúc Âm: Con người phải hiệp nhất với Chúa và với Giáo Hội như cây nho và cành.

3.1/ Chúa Giêsu là cây nho, con người là cành: Khó lòng có thể kiếm được hình ảnh nào nói lên sự cần thiết của hiệp nhất hơn hình ảnh cây nho và cành. Chúa Giêsu mô tả như sau: “Thầy là cây nho thật, và Cha Thầy là người trồng nho. Cành nào gắn liền với Thầy mà không sinh hoa trái, thì Người chặt đi; còn cành nào sinh hoa trái, thì Người cắt tỉa cho nó sinh nhiều hoa trái hơn. Anh em được thanh sạch rồi nhờ lời Thầy đã nói với anh em.”

Thiên Chúa là người trồng nho: Trồng nho là nghề đòi nhiều sự chăm sóc và sức lao động. Người trồng nho phải dọn đất, bón phân, tưới nước, tỉa cành… Cây nho mới không được cho sinh trái trong 3 năm; mục đích là để cho cây tập trung năng lực, để khi cho sinh trái sẽ sinh quả ngon ngọt. Trong lãnh vực thiêng liêng, Thiên Chúa cũng chuẩn bị tất cả: Ngài cho con người cây nho quí giá nhất là chính Người Con Một của Ngài. Bên cạnh đó, Ngài cũng chuẩn bị để con người có cơ hội nghe Lời Chúa, và ban Thánh Thần để con người có thể hiểu và tin vào Đức Kitô…

Thân nho là Giáo Hội: Một sự so sánh với thần học thân thể của Phaolô: con người là chi thể của một thân thể là Giáo Hội, với Đức Kitô là Đầu; cho chúng ta kết luận: con người là cành nho của một thân nho là Giáo Hội, với Đức Kitô là cây nho.

3.2/ Ba loại cành:

(1) Cành nào liền cây sẽ sinh hoa trái: “Hãy ở lại trong Thầy như Thầy ở lại trong anh em. Cũng như cành nho không thể tự mình sinh hoa trái, nếu không gắn liền với cây nho, anh em cũng thế, nếu không ở lại trong Thầy. Thầy là cây nho, anh em là cành. Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái, vì không có Thầy, anh em chẳng làm gì được.”

 (2) Cành nào liền cây và không sinh hoa trái: người làm vườn sẽ chặt đi để nó đừng lãng phí sức của thân cây, dành cho những cành sinh trái. Những cành liền cây mà không sinh trái có thể so sánh với 3 loại người: thứ nhất, những người từ chối không nghe lời Chúa; thứ hai, những người nghe nhưng không chịu thực hành (thờ Chúa bằng môi miệng); thứ ba, những người không dám sống đức tin; khi bị bách hại, họ không dám làm chứng cho Chúa.

(3) Cành nào lìa cây sẽ khô héo liền: “Ai không ở lại trong Thầy, thì bị quăng ra ngoài như cành nho và sẽ khô héo. Người ta nhặt lấy, quăng vào lửa cho nó cháy đi.” Cành nho khô không xử dụng vào việc nấu nướng được, vì nó rất mềm; chỉ có thể làm mồi vì nó cháy rất nhanh. Người nào không có Chúa Giêsu cũng hư biến nhanh như vậy.

3.3/ Hình ảnh hiệp nhất của Bí-tích Thánh Thể: Chúa Giêsu nói: “Hãy ở lại trong Thầy như Thầy ở lại trong anh em … vì không có Thầy, anh em chẳng làm gì được.” Làm sao chúng ta có thể ở lại hay kết hợp với Chúa? Có thể bằng việc cầu nguyện, hay bằng việc lắng nghe và tuân giữ Lời Chúa; nhưng cách kết hợp mật thiết nhất là qua Bí-tích Thánh Thể. Qua Bí-tích này, Chúa thông ban cho chúng ta đời sống thần linh và những ơn thánh cần thiết như nhựa sống của cây, để chúng ta có thể sinh hoa kết trái bằng các việc lành, và có sức để đương đầu với thử thách của cuộc đời. Một gia đình hay cộng đòan năng lãnh nhận BTTT sẽ hiệp nhất với nhau vì được hiệp nhất trong cùng một cây. Người nào không năng lãnh nhận BTTT, họ sẽ từ từ tách biệt ra khỏi gia đình và cộng đoàn.

 ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

– Để hiệp nhất, chúng ta cần có Chúa Giêsu như một trọng tâm qua Lời Chúa và BTTT. Ngoài ra, chúng ta cần có yêu thương và tha thứ; chứ không chỉ đối xử theo lý lẽ hay công bằng.

– Khi có xung đột trong cộng đòan, chúng ta cần cầu nguyện và cùng nhau giải quyết vấn đề. Tự mình tách biệt ra khỏi cộng đoàn không phải là cách khôn ngoan; vì cành nho chỉ sinh ích khi gắn liền với thân cây.

– Chúng ta cần bênh vực những người yếu đuối sa ngã như Chúa đã trợ giúp chúng ta; giam hãm họ trong quá khứ không phải là cách khôn ngoan để giúp họ trở lại.

Nguồn: https://loi-nhap-the.com/ch-nht-v-phc-sinh-nm-b/

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here