Chúa Nhật Trong Năm Phụng Vụ

0
3136


Học viện Đa Minh biên soạn

Lớp thần IV, niên học 2012 – 2013

 

 

Theo lịch Phụng vụ hiện nay, Chúa nhật được coi là ngày lễ đứng hàng đầu (xc. SC, số 106) và dành để cử hành mầu nhiệm Phục sinh. Chúng giữ một địa vị quan trọng và chỉ nhường bước cho các lễ trọng và lễ kính Chúa. Do đó, ta thấy được tầm quan trọng của Chúa nhật. Công đồng Vaticanô II xác nhận cách mạnh mẽ rằng:

Theo truyền thống có từ thời các Tông đồ, mà cội nguồn là chính ngày Đức Kitô phục sinh, Giáo hội cử hành mầu nhiệm vượt qua vào mỗi ngày thứ tám, ngày này thật xứng với tên gọi là ngày của Đức Chúa hay ngày Chúa nhật (SC, số 106).

Đức Phaolô VI nhấn mạnh một lần nữa tầm quan trọng này khi ngài chuẩn y niên lịch chung mới của Giáo hội Rôma và những tiêu chuẩn tổng quát ấn định quy trình của năm Phụng vụ. Vì thế, các tín hữu cũng được mời gọi để tái khám phá ý nghĩa của Chúa nhật với sức mạnh mới mẻ, khám phá lại “mầu nhiệm” của ngày này, giá trị của việc cử hành ngày này cũng như ý nghĩa của ngày đó đối với cuộc sống của người Kitô hữu và của loài người.

Nhưng ngày nay, người ta thấy kiểu thực hành “week-end” biểu lộ rộng rãi khắp nơi, theo nghĩa là thời gian thư giãn thả lỏng cuối tuần. Hiện tượng này không phải chỉ đáp ứng nhu cầu nghỉ ngơi, mà còn cả nhu cầu “lễ hội” có sẵn trong bản chất mỗi người. Khổ thay, một khi Chúa nhật mất đi ý nghĩa nguyên thuỷ của nó, và thu hẹp chỉ như “một kỳ cuối tuần”, thì có thể dẫn đến việc con người, dù mặc bộ lễ phục, nhưng lại không thể “dự lễ hội” được, vì họ bị đóng kín trong một không gian nhỏ hẹp đến nỗi chẳng nhìn thấy được trời.

Có thể nói, đứng trước những hoàn cảnh mới mẻ và những vấn đề phức tạp phát sinh từ đó, có lẽ hơn bao giờ hết, bây giờ cần phải nhắc lại những lý lẽ sâu xa có tính chất giáo thuyết làm nền cho điều luật của Giáo hội, để mọi tín hữu hiểu rõ về giá trị không thể thay đổi được của Chúa nhật trong đời sống Kitô giáo.

I. Khái niệm tổng quan

1. Tên gọi

a. Ngày của Chúa[1]

Trước hết, ngày của Chúa ám chỉ ngày của Đức Kitô chứ không phải của Thiên Chúa, Đấng Tạo Hóa. Chúa nhật như vậy là ngày của Chúa Kitô, vì là ngày Người sống lại.[2]Kỷ niệm ngày Chúa Kitô sống lại từ cõi chết, người tín hữu cũng kính nhớ luôn cuộc Thương khó trên thập giá của Người. Như vậy là kính nhớ mầu nhiệm Vượt qua bất khả phân, và cùng với mầu nhiệm ấy, tất cả mầu nhiệm cứu độ. Đúng như Pseudo-Eusebio thành Alexandria đã viết: “Ngày Chúa nhật thánh thiện là ngày tưởng niệm Kyrios, nghĩa là tưởng niệm đầy đủ về tất cả nhiệm cục cứu độ đã được thực hiện viên mãn do Chúa Kitô”.

b. Ngày thứ Nhất

Đàng khác, tưởng niệm cuộc Phục sinh của Đấng Cứu Thế, Chúa nhật cũng chính là khởi điểm của một tạo dựng mới. Thế giới này được dựng nên trong trật tự và trong một hòa hợp mỹ lệ, nhưng đã bị tội lỗi làm xáo trộn và gây ung thối loang lổ. Tuy nhiên, nó lại được tái tạo một lần nữa do bàn tay âu yếm của Thiên Chúa, vào buổi sáng Phục sinh trong cuộc vinh thắng hiển hách của Chúa Kitô trên tội lỗi và sự chết. Chính vì thế, ta hiểu tại sao có mối giây liên hệ giữa mầu nhiệm Phục sinh và tạo dựng, và tại sao có kiểu nói “Ngày thứ nhất trong tuần”, Cha Rouillard viết rất chí lý như sau:

Mỗi Chúa nhật đều nhắc nhớ cuộc tạo dựng lần thứ hai này, cuộc tác tạo Phục sinh. Không những nhắc nhở, nó tiếp tục và canh tân luôn mãi, qua thời gian. Do đó, Chúa nhật biện chính cho danh hiệu ngày thứ nhất của nó, cũng như trạng huống của nó ở vào buổi đầu tuần… Mỗi Chúa nhật, khi cử hành mầu nhiệm Phục sinh, người tín hữu phải đinh ninh rằng họ là một kẻ đã phục sinh của Chúa, và họ phải sống như kẻ đã phục sinh. Dọc theo năm tháng, những cuộc cử hành Chúa nhật sẽ giúp họ cởi bỏ con người cũ đễ mặc lấy con người mới đã được tạo nên theo hình ảnh Chúa Kitô.[3]

c. Ngày thứ Tám

Sau hết, ngày thứ nhất trong tuần cũng là ngày trở lại sau ngày thứ bảy, cho nên nó là ngày thứ tám. Thánh Justinô coi kiểu nói này như hàm chứa một mầu nhiệm[4]. Thánh Augustinô thì viết: “Ngày thứ nhất cũng là ngày thứ tám, như vậy là cốt để cho sức sống ban đầu không bị cất đi mà được trở thành vĩnh cửu”.[5] Do đó, Chúa nhật xét là ngày thứ tám, là dấu hiệu của đời sống vĩnh cửu, tưởng niệm sự Phục sinh của Chúa Kitô và thể hiện trước cuộc tái giáng của Người.

d. Ngày Phục sinh

Lịch sử ngày Chúa nhật bắt đầu cùng với cuộc Phục sinh của Chúa Kitô. Ngày Phục sinh, đây là danh hiệu được sử dụng rất thông dụng trong Giáo hội, nó nhắc nhớ lại cách minh nhiên sự liên hệ giữa Chúa nhật và ngày vượt qua của Chúa Phục sinh. Đây cũng là danh hiệu diễn tả sự kiện Phụng vụ. Ngày Chúa nhật chính là ngày tưởng niệm ngày Chúa Phục sinh, Ngày kỷ niệm Chúa trở lại trong vinh quang. Hiến chế về Phụng vụ thánh đã viết:

Theo tông truyền, bắt nguồn từ chính ngày Chúa Kitô sống lại, Giáo hội cử hành mầu nhiệm Phục sinh vào mỗi ngày thứ tám, ngày thật đáng gọi là ngày của Chúa hay ngày Chúa nhật. Thực vậy, trong ngày đó, các Kitô hữu phải hợp nhau lại để nghe Lời Chúa và tham dự lễ Tạ Ơn, để kính nhớ Cuộc Thương Khó, sự sống lại và vinh quang của Chúa Giêsu đồng thời cảm tạ Thiên Chúa, vì Người đã dùng sự Phục sinh của Chúa Giêsu Kitô từ trong kẻ chết sống lại mà tái sinh họ trong niềm hy vọng sống động (1Pr 1,3). Vì vậy, ngày Chúa nhật là ngày lễ độc đáo phải được đề cao và in sâu vào lòng đạo đức của các tín hữu, để ngày ấy trở thành ngày vui mừng và ngày nghỉ việc. Các cuộc lễ khác, nếu không thật sự là lễ rất quan trọng thì không được lấn át ngày Chúa nhật bởi vì ngày Chúa nhật là nền tảng và trung tâm của cả năm Phụng vụ (SC, số 106).

Để tổng hợp tất cả ý nghĩa tên gọi thần học của ngày Chúa nhật, chúng ta có thể nêu lên câu tóm kết của cha Jounel:[6] Thành ngữ “Ngày của Chúa” tự nó gợi lên ba khía cạnh chính yếu mà các danh hiệu khác sẽ nói rõ hơn về từng khía cạnh: – là một cuộc tưởng niệm sự Phục sinh của Chúa mà chúng ta thành tâm kính nhớ trong đức tin; – là sự đợi trông ngày tái giáng của Chúa mà ta sống bằng đức cậy; – là sự hiện diện qua cuộc tập hợp các tín hữu, qua việc tuyên dương Lời Chúa trong cử hành Thánh Thể: sự hiện diện đích thực và âu yếm của Chúa giữa các chi thể của Người, mà ta thông hiệp trong đức mến.

Tưởng niệm, trông đợi (tiên báo), hiện diện, Chúa nhật của chúng ta thật là một sự thể hiện cuộc tạo dựng mới, là nơi đột nhập của đời sống từ trên cao xuống.[7]

2. Lịch Sử Hình Thành

a. Cựu ước

Trong Cựu ước, ngay những chương đầu của sách Sáng Thế đã cho thấy Đức Chúa tạo dựng vạn vật trong sáu ngày, và ngày thứ bảy Đức Chúa nghỉ ngơi (xc. St 2,2). Trong Do Thái giáo, ngày thứ bảy là ngày Sabat và việc tuân giữ ngày Sabat là một luật buộc đối với mỗi người Do Thái (xc. Xh 20,8-11; Đnl 5,12-15). Họ cử hành ngày Sabat như một ngày để tưởng niệm biến cố Đức Chúa đã giải phóng họ khỏi ách nô lệ Ai Cập. Chính vì thế, vào ngày Sabat, người Do Thái thường họp mặt tại Hội Đường để đọc Lời Chúa và học hỏi giáo huấn của Người. Đồng thời họ cử hành nghi thức tôn thờ Đức Chúa, thực thi việc bác ái và ngưng nghỉ mọi công việc phần xác như Đức Chúa đã truyền dạy qua ông Môsê. Tuy nhiên, trải qua dòng thời gian, ý nghĩa tốt lành thuở ban đầu đã bị “biến dạng” và thay vào đó là việc tuân giữ luật ngày Sabat một cách máy móc. Vì thế, khi Chúa Giêsu đến trong thế gian, Người đã mặc cho ngày Sabat một ý nghĩa xác thực hơn.

b. Tân ước

Với Tân ước, ngày Chúa nhật khác hẳn ngày Sabat. Ngày Chúa nhật là ngày liền sau ngày thứ bảy hay ngày Sabat của người Do Thái. Đó là ngày thứ nhất trong tuần. Lịch sử Chúa nhật bắt đầu với sự kiện Chúa Kitô Phục sinh, và có thể nói Chúa nhật Kitô giáo đã thành hình và hoàn tất từ rất sớm, trước Công đồng Nixêa năm 325.

Quả vậy, cả bốn sách Tin mừng (xc. Mt 28,1; Mc 16,9; Lc 24,1; Ga 20,1) cho thấy, vào buổi sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần, Chúa Giêsu đã sống lại từ cõi chết. Người đã sống lại và hiện ra với nhiều người, trong đó có một vài phụ nữ như Madalena (xc. Ga 20,11-18), và sau đó với Phêrô, đặc biệt với hai môn đệ trên đường Emmau (xc. Lc 24,13-32; Mc 16,12). Hai môn đệ này chỉ “nhận ra Người khi Người bẻ bánh” (xc. Lc 24,35). Hơn nữa, Chúa Giêsu còn hiện ra giữa các Tông đồ khi các ông đang tụ họp. Người ban bình an cho các ông và cùng ăn uống với họ. Người còn ban Thánh Thần và trao quyền tháo cởi hay cầm giữ cho các ông (xc. Ga 20,21-23). Việc các Tông đồ họp nhau để cử hành bữa ăn cứu thế của Đấng Phục sinh là biến cố trung tâm điểm của lịch sử cứu rỗi, là biến cố vĩnh viễn đánh dấu “ngày thứ nhất trong tuần”. Tất cả mầu nhiệm cử hành ngày Chúa nhật đã hiện diện trong ngày Phục sinh. Chúa nhật chỉ là cử hành tuần kỳ mầu nhiệm Phục sinh.[8]

Ngay từ thời các Tông đồ, các ngài đã ý thức tầm quan trọng của việc cử hành ngày thứ nhất trong tuần, vì đó là ngày liên kết với những kỷ niệm, sự tưởng niệm và sự hiện diện của Đấng chịu đóng đinh và sống lại. Tất cả mang một ngày đậm nét những kỷ niệm về Chúa Giêsu. Chính vì thế, tám ngày sau, tức là cũng vào ngày thứ nhất trong tuần, các Tông đồ họp nhau để tưởng niệm Chúa Giêsu thì Chúa hiện đến và cho Tôma xem năm dấu nơi Người như ông đã từng yêu sách. Rồi, năm mươi ngày sau, cũng vào ngày thứ nhất trong tuần, Chúa Thánh Thần hiện xuống. Chính với những sự kiện đó, cha Jounel đã nhận xét rất chí lý như sau:

Cuộc Phục sinh của Chúa Kitô từ trong kẻ chết, sự kiện Người hiện ra cho các môn đệ trong khi nhóm họp, việc Người dùng bữa với họ những bữa tiệc thiên sai, ơn Thánh Linh và mệnh lệnh sai đi truyền giáo, tất cả là lễ Phục sinh viên mãn của Kitô giáo vậy. Đó là biến cố trung tâm lịch sử cứu độ, biến cố đã đời đời đánh dấu ngày thứ nhất của tuần lễ. Tất cả mầu nhiệm cần mừng kính của ngày Chúa nhật đã hiện diện đầy đủ ngay từ ngày Phục sinh rồi; Chúa nhật bởi vậy không là gì khác hơn là cử hành hàng tuần mầu nhiệm Phục sinh.[9]

Như vậy, Thánh kinh Tân ước đã cung cấp cho chúng ta một cái nhìn chính xác về nguồn cội của ngày Chúa nhật cũng như những ý nghĩa của việc cử hành này.

c. Diễn tiến theo dòng lịch sử Giáo hội

Như vừa trình bày trên đây, Tân ước đã gọi ngày Chúa Giêsu Phục sinh là ngày thứ nhất trong tuần, ngày mà các Tông đồ họp nhau để tưởng niệm biến cố Chúa Giêsu chịu chết và sống lại. Tuy nhiên, để có thể tụ họp và cử hành ngày Chúa Phục sinh vào thời gian này cũng không phải chuyện dễ, bởi nhiều lý do khác nhau. Do đó, việc cử hành này cũng trải qua một diễn tiến trong lịch sử Hội thánh.

Vào thời gian đầu của Kitô giáo, Giáo hội tiên khởi tại Giêrusalem có lẽ đã cử hành cả ngày Sabat lẫn với ngày Chúa nhật. Rồi trải qua thời gian, ngày Chúa nhật đã tách ra và không cử hành lẫn lộn với ngày Sabat nữa. Vào cuối thế kỷ thứ I, chắc chắn có sự phân cách giữa hai ngày này. Vì vậy, năm 107, thánh Inhaxio thành Antiokia đã viết:

Những kẻ khi xưa sống theo trật tự cũ, nay đã được tiến tới niềm hy vọng mới bằng cách không giữ ngày Sabat nữa, nhưng là sống theo Chúa nhật, ngày mà đời sống chúng ta được trổ sinh nhờ Chúa Kitô và do cái chết của Người.[10]

Vào năm 112, Pline le Jeune, một sử gia ngoại đạo viết cho Trajano:

Các người có đạo bị giam giữ đều quyết rằng tất cả lỗi lầm của họ chỉ ở chỗ vẫn quen hội họp nhau vào một ngày nhất định, trước lúc hừng đông, để hát với nhau khúc ca tôn vinh Chúa Kitô như một Thượng Đế.[11]

Vậy, “ngày nhất định” đây không là ngày nào khác ngoài ngày Chúa nhật. Còn với thánh Justinô, chúng ta có một cái nhìn đầy đủ hơn về cộng đoàn Chúa nhật:

Ngày gọi là ngày Mặt Trời, tất cả chúng tôi kẻ ở tỉnh, người ở thôn quê đều tụ tập nhau về một nơi. Người ta đọc hồi ký các Tông đồ hay là sách của các ngôn sứ… Chúng tôi tất cả họp nhau vào ngày Mặt Trời vì đó là ngày thứ nhất, ngày mà Thiên Chúa đưa vật chất ra khỏi cảnh hỗn mang, tạo dựng nên thế gian này, và cũng chính ngày đó, Chúa Giêsu Kitô, Đấng Cứu Chuộc chúng tôi đã sống lại từ trong kẻ chết.[12]

Như vậy, trong ba thế kỷ đầu tiên của Kitô giáo, việc cử hành ngày Chúa nhật đã có sự tiến triển và phân biệt rõ rệt với ngày Sabat, mặc dù việc cử hành này đã gặp không ít khó khăn từ chính quyền hay từ những người chống đối niềm tin vào Chúa Kitô. Bằng chứng là nhiều tín hữu bị bắt bớ, bị bỏ tù vì tụ họp nhau để tôn vinh Chúa.

Sau sắc chỉ Milan (313), Giáo hội được sống trong thái bình, nên việc cử hành ngày Chúa nhật trở nên dễ dàng và phổ biến hơn. Vào năm 321, hoàng đế Constantino đã ra hai sắc chỉ buộc nghỉ việc vào ngày Chúa nhật. Kể từ đó, ngày Chúa nhật vẫn giữ nguyên bộ mặt như ngày nay. Vì thế, Công đồng Vaticanô II đã xác nhận lại cách mạnh mẽ:

Theo truyền thống Tông đồ, bắt nguồn từ chính ngày Chúa Kitô sống lại, Giáo hội cử hành mầu nhiệm Vượt qua vào một ngày thứ tám, ngày thật đáng gọi là Ngày Của Chúa hay Chúa nhật (SC, số 106).

II. Ý nghĩa của ngày Chúa nhật

1. Ngày của Chúa

a. Thiên Chúa là chủ thời gian

Ngay từ thời các tông đồ, Chúa nhật đã được gọi là “ngày của Chúa” luôn mang hai nghĩa Thiên Chúa là Chúa tể trời đất, là Đấng sáng tạo muôn vật muôn loài (xc. St 1-2) và ngày mà Thiên Chúa tái tạo qua Người Con chí ái trong công cuộc cứu độ. Ngày này được coi trọng cách đặc biệt trong lịch sử Giáo hội vì nó liên quan mật thiết với trọng tâm của mầu nhiệm Kitô giáo. Thật vậy, theo nhịp thời gian một tuần lễ, Chúa nhật nhắc ta nhớ đến ngày Đức Kitô sống lại. Đó là lễ Vượt qua hằng tuần, ngày cử hành cuộc chiến thắng của Đức Kitô trên tội lỗi và sự chết, hoàn thành cuộc tạo dựng đầu tiên nơi chính bản thân Người và khởi đầu “cuộc tạo dựng mới” (xc. 2Cr 5,17). Đó chính là ngày ta gọi là ngày thứ nhất của thế giới để thờ phụng và tạ ơn, đồng thời, trong tác động của đức trông cậy, ngày đó cũng báo trước “ngày cuối cùng”, ngày mà Đức Kitô sẽ ngự đến trong vinh quang (xc. Cv 1,11; 1Tx 4,13-17) và thực hiện cuộc đổi mới vũ trụ (xc. Kh 21,5). Nghĩa là Thiên Chúa là chủ của thời gian, là chủ của lịch sử nhân loại từ khởi thủy cho đến hoàn tất lịch sử, không một giây phút nào ngoài sự quan phòng của Người.

Lời ca tụng trong Thánh Vịnh 118,24: “Đây là ngày Chúa đã làm ra, nào ta hãy vui mừng hoan hỷ” thật rất xứng hợp đối với Chúa nhật. Lời mời gọi vui mừng này được Phụng vụ lễ Vượt qua lấy lại, và được các chứng nhân trong ngày khổ nạn của Đức Kitô hiện diện dưới chân thập giá làm chứng. Rồi “vào sáng tinh sương ngày thứ nhất sau ngày Sabat” (Mc 16,2), họ đã đến thăm mộ Đức Giêsu và thấy trong mộ trống rỗng. Đó cũng là lời mời gọi làm sống lại, theo một nghĩa nào đó, kinh nghiệm của hai môn đệ đi về Emmau. Những người này đã cảm thấy “lòng mình bừng cháy lên” khi Đấng Phục sinh cùng đi với họ, giải nghĩa Kinh thánh cho họ và “mạc khải cho họ nhận ra Người khi Người bẻ bánh” (xc. Lc 24,32-35). Đó cũng là tiếng vọng của niềm vui được các Tông đồ cảm nghiệm. Niềm vui lúc đầu còn e dè vì nỗi sợ hãi nơi khổ hình thập giá và niềm hy vọng bị lung lay, rồi sau đó thì không thể nào kiềm chế được vì vào buổi chiều cùng ngày đó, khi Đức Giêsu Phục sinh đến thăm họ và họ được Người ban bình an và Thần Khí của mình cho họ (xc. Ga 20,19-23).

Cuộc Phục sinh của Đức Giêsu là dữ kiện đầu tiên đặt nền tảng cho đức tin Kitô giáo (xc. 1Cr 15,14). Đó là một thực tại làm cho người ta sửng sốt, được cảm nhận đầy đủ trong ánh sáng đức tin, nhưng lại được chứng thực về phương diện lịch sử bởi những con người được chính Đức Chúa Phục sinh cho đặc quyền nhìn thấy Người, cùng ăn uống và đụng chạm vào Thân Xác Phục sinh của Người. Đó là một biến cố lạ lùng không phải chỉ nổi bật lên một cách tuyệt đối độc đáo trong lịch sử con người, mà nó còn được đặt vào trung tâm của mầu nhiệm thời gian. Thiên Chúa làm chủ không gian và thời gian, ngay cả sự sống và cái chết. Trong đêm Vọng Phục sinh, qua nghi thức làm phép để chuẩn bị cây nến Phục sinh trong Phụng vụ đầy ý nghĩa của đêm Vượt qua, ta thấy “thời gian và muôn thế hệ” đều thuộc về Đức Kitô – Người là khởi nguyên và tận cùng của thời gian. Vì thế, khi tưởng niệm ngày sống lại của Đức Kitô, không phải chỉ mỗi năm một lần, mà vào mỗi Chúa nhật, Giáo hội muốn trình bày cho mọi thế hệ thấy điều tạo nên trục xoay của lịch sử mà mầu nhiệm của mọi cội nguồn và mầu nhiệm về định mệnh tối hậu của thế giới đều quy về đó. Người là trung tâm, là cột mốc để mọi sự quy hướng về.

b. Ngày của mầu nhiệm cứu độ

Đối với một người Kitô hữu, các cử hành Phụng vụ, nhất là mừng kính ngày Chúa nhật trước hết có nghĩa là nhớ rằng Đức Kitô đã sống lại. Sự sống lại này là đối tượng và là căn bản của đức tin, là bảo đảm niềm hy vọng và ơn cứu độ cho họ ngay ở thế gian này và cả bên kia thế giới nữa. Theo thánh Inhaxio thành Antiokia, ngày Chúa nhật là nguyên lý làm cho người Kitô hữu khác với người Do Thái giáo hay một tôn giáo nào khác; thánh nhân viết:

Những ai trước kia sống theo trật tự của chế độ cũ thì bây giờ đạt được niềm hy vọng mới, không phải giữ ngày Sabat nữa, nhưng sống theo ngày của Chúa, ngày mà cuộc đời của chúng ta bừng lên nhờ Nguời và nhờ cái chết của Người (Épître aux Magnésiens 9,1).

Khi mừng kính ngày Đức Kitô sống lại là chúng ta nhớ đến cái chết của Người trên thập giá, nhớ đến mầu nhiệm Phục sinh bất khả phân ly giữa cái chết và sự sống lại của Người, và nhớ đến mầu nhiệm cứu độ, nhờ công ơn Đức Kitô xuống thế làm người để cứu chuộc chúng ta.

Sử gia Eusebio thành Alexandria hồi thế kỷ V viết:

Ngày Chúa nhật là ngày tưởng niệm Đức Kitô, đó là một bản ghi nhớ đầy đủ về chương trình cứu độ. Ngoài việc tưởng niệm cuộc Phục sinh của Đức Kitô, ngày Chúa nhật còn là thời điểm phát sinh một cuộc tạo thành mới. Thế giới này từ khởi thủy đã được dựng nên đẹp đẽ và có trật tự, nhưng tội lỗi đã làm cho vẩn đục và xáo trộn. Thế giới hư hỏng đó, trong buổi sáng Phục sinh, đã được tái tạo, nhờ cuộc chiến thắng tội lỗi và cái chết của Đức Kitô.

Cha Rouillard trong bài “Les Pères: Signification du Dimanche” cũng viết:

Mỗi Chúa nhật nhắc lại cho chúng ta cuộc tái tạo này, cuộc tái tạo sau biến cố Phục sinh. Không những nhắc lại mà còn tiếp tục và đổi mới trải qua thời gian. Bởi đó, ngày Chúa nhật biện minh cho danh hiệu là ngày thứ nhất và cho vị trí được đặt ở đầu tuần lễ. Khi mừng kính Đức Kitô Phục sinh vào mỗi Chúa nhật, người Kitô hữu phải nhớ rằng, mình cũng là người phục sinh và sống như người đã phục sinh: trong suốt cuộc đời, việc mừng kính ngày Chúa nhật giúp họ cởi bỏ con người cũ, mặc lấy con người mới được dựng nên theo hình ảnh Đức Kitô.

Vì thế, Chúa nhật là ngày mà người Kitô được kêu gọi nhớ đến ơn cứu độ được ban cho mình qua phép rửa và ơn cứu độ ấy làm cho mình thành một người mới trong Đức Kitô: “Được mai táng với Người bằng phép rửa, anh em cũng được sống lại với Người trong phép rửa vì anh em đã tin vào sức mạnh của Thiên Chúa đã làm cho Người sống lại từ cõi chết” (Cl 2,12; xc. Rm 6,4-6). Phụng vụ nhấn mạnh đến chiều kích phép rửa Chúa nhật, khi mời gọi cử hành các lễ nghi rửa tội vào ngày này của tuần lễ, không kể vào lễ Vọng Phục sinh, “ngày mà Giáo hội tưởng nhớ sự sống lại của Đức Chúa”.[13] Đồng thời, Phụng vụ cũng gợi ý rảy nước phép, như nghi thức thống hối dành riêng vào đầu Thánh lễ Chúa nhật, để nhắc nhở rõ ràng đến biến cố phép rửa mà qua đó từng cuộc sống người Kitô mới phát sinh, nhờ vào công cuộc cứu chuộc của Đức Kitô.[14]

c. Ngày của mầu nhiệm Phục sinh[15]

Đức Thánh cha Innocentê I viết: “Chúng tôi cử hành Chúa nhật vì cuộc Phục sinh đáng kính của Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, không chỉ cử hành vào dịp lễ Phục sinh, nhưng vào chu kỳ hàng tuần”. Ngài chỉ muốn chứng thực một thực hành đã được lập ra từ lâu. Thực hành này đã được phổ biến ngay từ những thế kỷ đầu theo sau cuộc sống lại của Đức Kitô. Nghĩa là ngày thời kỳ đầu của Giáo hội sơ khai, ngày Chúa nhật đã mang ý nghĩa mừng ngày Chúa Phục sinh, ngày của niềm vui chiến thắng sự chết và Phục sinh của Đức Kitô. Còn thánh Basilio nói về ngày Chúa nhật như sau: “Chúa nhật thánh, được tôn trọng vì cuộc sống lại của Đức Chúa, là của lễ đầu mùa của mọi ngày khác”. Thánh Augustino gọi Chúa nhật là “bí tích của lễ Vượt qua”.

Mối liên hệ chặt chẽ giữa Chúa nhật với cuộc sống lại của Chúa được mọi Giáo hội nhấn mạnh, cả bên Tây Phương cũng như bên Đông Phương. Đặc biệt, trong truyền thống của các Giáo hội Đông Phương, mỗi Chúa nhật đều là ngày lễ Phục sinh, vì chính do yếu tố phục sinh này mà nó là trung tâm của toàn thể phụng tự.

Theo các sách Tin mừng, cuộc sống lại của Đức Kitô từ trong kẻ chết đã xảy ra vào “ngày đầu tiên sau ngày Sabat” (xc. Mc 16,9; Lc 24,1; Ga 20,1). Trong chính ngày này, Đấng Phục sinh hiện ra với hai môn đệ trên đường Emmau (xc. Lc 24,13-35). Tám ngày sau, thánh sử Gioan ghi lại việc môn đệ lại tụ họp nhau khi Đức Giêsu hiện ra với họ và Người làm cho ông Tôma nhận ra Người khi đụng chạm vào dấu tích thương khó của Người như lời ông đã nói. Ngày lễ Hiện Xuống đã vào một Chúa nhật, ngày đầu tiên của tuần thứ tám sau lễ Vượt qua của người Do Thái (xc. Cv 2,1). Vào ngày đó, lời Đức Giêsu hứa với các Tông đồ sau khi Người sống lại đã được thể hiện bằng việc tuôn trào Chúa Thánh Thần (xc. Lc 24,49; Cv 1,4-5). Đó cũng là ngày đầu tiên ông Phêrô công bố cho dân chúng đang tụ họp biết rằng Đức Kitô đã sống lại và “những ai đón nhận lời ông đều chịu phép rửa” (Cv 2,41).

Đức Kitô quả thật là ánh sáng trần gian (xc. Ga 9,5; 1,4-5.9) và ngày tưởng nhớ đến sự sống lại của Người là một sự phản ánh vĩnh hằng về cuộc thần hiện đầy vinh quang của Người, trong nhịp tuần lễ của thời gian. Chủ đề về Chúa nhật như một ngày được chiếu sáng bằng cuộc chiến thắng của Đức Kitô Phục sinh được thấy lại trong Phụng Vụ Các Giờ Kinh và nó đặc biệt biểu lộ trong giờ kinh đêm, chuẩn bị và mở đầu Chúa nhật trong các Phụng vụ Đông Phương. Tập họp vào ngày này, Giáo hội, từ đời này qua đời khác, đã nhận lấy tâm tình kinh ngạc của ông Dacaria như là của mình khi ông hướng tầm nhìn vào Đức Kitô và loan báo về Người như “Vầng Đông mọc lên để soi sáng những ai ngồi nơi tăm tối và trong bóng tử thần” (Lc 1,78-79). Và Giáo hội cũng hoà nhập vào niềm vui mãnh liệt của cụ già Simeon khi ôm trong vòng tay mình Hài Nhi Giêsu như “ánh sáng soi đường cho muôn dân” (Lc 2,32).

d. Ngày của ân sủng Thần Khí[16]

Chúa nhật là ngày của ánh sáng, nhưng quy chiếu về Chúa Thánh Thần lại là ngày của “lửa”. Ánh sáng Đức Kitô thật ra liên kết mật thiết với lửa của Thần Khí và hai hình ảnh này chỉ định ý nghĩa của Chúa nhật Kitô giáo. Khi hiện ra với các Tông đồ vào buổi chiều ngày Phục sinh, Đức Giêsu thổi hơi trên các ông và nói: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần, anh em tha tội cho ai thì người ấy được tha, anh em cầm giữ ai thì người ấy bị cầm giữ” (Ga 20,22-23).

Rồi còn một Chúa nhật nữa, 50 ngày sau khi Chúa sống lại, Thần Khí như một luồng gió mạnh và như ngọn lửa ngự xuống trên các Tông đồ đang tụ họp với Đức Maria (xc. Cv 2,2-3). Lễ Hiện Xuống không phải chỉ là một biến cố nguyên thuỷ, nhưng còn là một mầu nhiệm luôn làm sinh động Giáo hội. Nếu biến cố này đặt nhịp mạnh của mình về phụng tự trong việc cử hành hàng năm để như khép lại cả một “Chúa nhật vĩ đại”, thì nó vẫn khắc ghi ý nghĩa sâu xa của mình trong mỗi Chúa nhật, nhờ mối liên hệ chặt chẽ của nó với mầu nhiệm Vượt qua. “Lễ Vượt qua hàng tuần”, theo một mức độ nào đó, trở thành “Lễ hiện Xuống hàng tuần”, trong đó, người Kitô hữu sống lại kinh nghiệm vui mừng của các Tông đồ gặp được Đấng Phục sinh và để cho làn hơi Thần Khí của Người làm cho sống động lên.

2. Ngày của Giáo hội

Chúa Nhật là ngày của Giáo hội. Thật vậy, Chúa Phục sinh đã hứa “Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,20). Lời hứa này vẫn còn được nghe vang lên trong Giáo hội và ở trong lời đó, ta mới tìm thấy niềm xác tín phong phú của đời sống và nguồn cội hy vọng của Giáo hội. Nếu Chúa nhật là ngày của sự sống lại, thì đó không phải chỉ là việc tưởng nhớ một biến cố trong quá khứ, nhưng đó chính là việc cử hành sự hiện diện sống động của Đấng Phục sinh ở giữa những ai thuộc về Người.[17]

a. Ngày của hiệp nhất

Cuộc họp mặt cộng đoàn vào Chúa nhật là một nơi đặc biệt diễn tả sự hiệp nhất. Người ta cử hành ở đó “bí tích hiệp nhất”. Đây là bí tích diễn tả sâu xa tính cách Giáo hội như là dân tộc được quy tụ lại “nhờ” và “trong” sự hợp nhất của Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần.[18]

Do đó, người tín hữu không chỉ cầu nguyện riêng tư và tưởng nhớ đến cái chết cùng sự sống lại của Đức Kitô trong ý nghĩ, trong thẳm sâu của tâm hồn là đủ. Thật vậy, những ai đã lãnh nhận hồng ân phép rửa không phải chỉ được cứu thoát từng cá nhân riêng rẽ, nhưng là những chi thể trong thân thể mầu nhiệm, họ làm nên thành phần dân Chúa. Vì vậy, việc họ tụ họp với nhau thì rất quan trọng để diễn tả đầy đủ chính căn tính của Giáo hội như là một cộng đoàn hiệp nhất. Từ ngữ này nói về cộng đoàn được Chúa Phục sinh mời gọi đến mà chính Người đã hiến dâng mạng sống mình “để quy tụ con cái Thiên Chúa đang tản mác khắp nơi về một mối” (Ga 11,52). Họ đã nên “một” trong Đức Kitô (xc. Gl 3,28) nhờ ân sủng của Thần Khí. Sự hiệp nhất này biểu lộ ra bên ngoài mỗi khi các Kitô hữu tụ họp nhau. Lúc ấy, họ ý thức cách sống động là dân tộc được cứu chuộc, gồm “muôn người thuộc mọi chi tộc và ngôn ngữ, thuộc mọi nước, mọi dân” (Kh 5,9) và họ làm chứng về điều này trước thế giới.

Sự quy tụ, hợp nhất của các môn đệ Đức Kitô ngày nay, được kéo dài trong thời gian, là hình ảnh của cộng đoàn Kitô hữu đầu tiên, gồm những người được rửa tội mà thánh Luca đã muốn diễn tả lại trong sách Tông đồ Công vụ như một mẫu mực khi viết rằng “Họ chuyên cần nghe các Tông đồ giảng dạy, luôn luôn hiệp thông với nhau, siêng năng tham dự lễ bẻ bánh và cầu nguyện” (Cv 2,42).[19]

Qua lễ dâng Thánh Thể Chúa nhật, khi tôn vinh chứng từ của con cái mình, những người đang miệt mài trong lao động và trong các công việc khác nhau của đời sống, những người biết hiến dâng mọi ngày trong tuần để loan báo Tin mừng và thực hành đức ái, thì Giáo hội chứng tỏ một cách rõ ràng nhất: “Giáo hội cũng là bí tích, theo một nghĩa nào đó, nghĩa là dấu hiệu và phương tiện thể hiện sự liên kết chặt chẽ với Chúa và đồng thời cũng hợp nhất với toàn thể loài người”.[20]

b. Ngày của niềm tin và hy vọng

Ngay từ những thế kỷ đầu, các tín hữu đã nhiệt thành sống ngày Chúa nhật, vì họ đã thấu hiểu mầu nhiệm Chúa nhật. Là chứng nhân của sự cử hành Chúa nhật, họ cũng chứng kiến niềm tin của Giáo hội trong việc cử hành Chúa nhật. Niềm tin của Giáo hội được diễn tả trong ý thức tâm tính căn bản của Chúa nhật. Điều này chứng tỏ Giáo hội đang bước đi theo dòng thời gian, việc nhắc lại cuộc Phục sinh của Đức Kitô cho thấy rằng dân Chúa đang trên đường lữ hành và đang mang một chiều kích cánh chung. Thật vậy, từ Chúa nhật này đến Chúa nhật khác, Giáo hội tiến bước đến “ngày cuối cùng dành cho Chúa”, tới Chúa nhật vĩnh hằng.

Như vậy, việc đợi chờ Đức Kitô đến là một thành phần nòng cốt của chính mầu nhiệm Giáo hội và được thể hiện trong mỗi cuộc cử hành lễ Tạ Ơn. Nhưng ngày của Chúa, với việc tưởng nhớ đặc biệt đến vinh quang của Đức Kitô Phục sinh, lại càng nhắc ta nhớ đến vinh quang của việc Người sẽ “trở lại”. Điểm này làm cho Chúa nhật trở thành ngày Giáo hội được hưởng trước một cách nào đó thực tại cánh chung của Giêrusalem trên trời, khi mà Giáo hội biểu lộ rõ hơn tính cách “hiền thê” của mình. Khi tụ họp con cái mình trong cộng đoàn lễ Tạ Ơn và khi dạy cho họ biết chờ đợi “vị Hôn Phu thần thánh”, Giáo hội như tập cho con cái “thử nghiệm lòng ước mong”. Trong khi tập luyện như vậy, Giáo hội biết trước được niềm vui của trời mới và đất mới, cho tới khi thành thánh, là Giêrusalem mới, từ trời, từ nơi Thiên Chúa ngự xuống, “xinh đẹp như tân nương trang điểm để đón tân lang” (Kh 21,2).[21]

Cũng nhìn từ quan điểm này, Tông thư “Ngày của Chúa”, số 38 cho thấy rằng, nếu Chúa nhật là ngày của niềm tin thì đồng thời cũng là ngày của niềm hy vọng không kém chút nào. Việc tham dự vào “bữa tiệc của Chúa” quả thực là đã được nếm hưởng trước bàn tiệc cánh chung trong “tiệc cưới của Chiên Con” (xc. Kh 19,9). Khi cử hành và tưởng nhớ Đức Kitô sống lại và lên trời, cộng đoàn Kitô hữu đặt mình sống “ở đời này, nơi chúng con hy vọng niềm hạnh phúc, ngày Đức Giêsu Kitô Chúa chúng con lại đến”.[22] Một khi niềm hy vọng của người Kitô hữu được sống và được nuôi bằng nhịp hàng tuần mạnh mẽ đó, thì nó tự biến thành men, thành ánh sáng khơi dậy và chiếu soi toàn bộ niềm hy vọng của loài người. Chính vì vậy, trong lời cầu nguyện “chung”, ta không chỉ thu nhận những mối bận tâm của cộng đoàn Kitô hữu mà còn là của toàn thể loài người. Giáo hội, khi tụ họp để cử hành lễ Tạ Ơn, chứng tỏ cho thế giới hiểu rằng Giáo hội nhận là của mình. “Mọi nỗi vui mừng và hy vọng, âu sầu và lo lắng của con người ngày nay, nhất là của những người nghèo và của những ai đau khổ cũng là vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của các môn đệ Chúa Kitô” (GS 1).

Do đó, Chúa nhật chính là ngày của niềm hy vọng, bởi lẽ đó là ngày cứu độ, ngày của Chúa, và ngày thứ nhất của ánh sáng, ngày đó Đấng Cứu Thế, sau khi hoàn tất mọi công cuộc giữa loài người, sau khi đã thắng sự chết, đã về trời, siêu việt tạo dựng trong sáu ngày và lãnh nhận hưu lễ hiển phúc và sự nghỉ ngơi hiển thánh.[23] Thái độ của Giáo hội đối với hưu lễ là thái độ được Inhaxio thành Antiokia diễn tả: “Những ai đã đến với niềm hy vọng mới không còn phải tuân giữ hưu lễ (ngày Sabat), nhưng Chúa nhật”.[24]Vì thế, Chúa nhật cốt yếu ở việc kính nhớ hiện tại sự sống lại của Chúa và trông đợi ngày Người trở lại.[25]

Ngoài ra, Chúa nhật còn là ngày của cầu nguyện, hiệp thông và niềm vui, nên luôn chiếu toả niềm hy vọng. Đó là nội dung chính của lời loan báo “một khi thời gian được Đấng Phục sinh và là Chúa của lịch sử đón nhận, thì Chúa nhật không phải là mồ chôn tương lai, nhưng là sự chuyển đổi những giây phút hiện tại thành những hạt giống vĩnh hằng”. Vì Chúa nhật là lời mời gọi nhìn về phía trước khi cộng đoàn Kitô hữu dâng lên Chúa lời cầu khẩn của mình: “Maranatha: Lạy Chúa, xin hãy đến!” (1Cr 16,2). Trong lời cầu đầy hy vọng và chờ đợi này, cộng đoàn Kitô hữu có kèm theo và nâng đỡ cả niềm hy vọng của muôn người.[26]

c. Ngày của hy lễ Tạ Ơn

Lễ Tạ Ơn nuôi dưỡng và hình thành nên Giáo hội: “Bởi vì chỉ có một tấm bánh, và tất cả chúng ta chia sẻ cùng một tấm bánh ấy, nên tuy nhiều người, chúng ta cũng chỉ là một thân thể” (1Cr 10,17). Chính từ mối liên hệ sống động của Giáo hội với bí tích Thánh Thể mà mầu nhiệm Giáo hội được loan báo, cảm nhận và sống trước hết trong lễ Tạ Ơn.

Chiều kích nội tại về Giáo hội của lễ Tạ Ơn thực hiện mỗi lần lễ này được cử hành. Nhưng điều đó càng rõ ràng hơn khi lễ này thể hiện vào ngày mà cả cộng đoàn được mời gọi đến để tưởng nhớ cuộc Phục sinh của Chúa. Sách Giáo lý Hội thánh Công giáo dạy một cách đầy ý nghĩa rằng: “Việc giữ ngày Chúa nhật và cử hành Thánh Thể là trung tâm đời sống của Giáo hội”.[27]

Tự bản chất không có gì khác biệt giữa lễ Tạ Ơn và Chúa nhật và bất cứ ngày nào, và cũng không thể bị tách rời khỏi toàn thể đời sống phụng tự và bí tích. Tự bản chất, lễ Tạ Ơn là một cuộc hiển linh của Giáo hội mà giây phút ý nghĩa nhất của nó là lúc cộng đoàn giáo phận tụ họp nhau để cầu nguyện cùng với vị mục tử của mình:

Giáo hội được đặc biệt biểu lộ khi toàn thể Dân Thánh Chúa tham dự trọn vẹn và linh động vào những cử hành Phụng vụ, nhất là trong cùng một lễ Tạ Ơn, trong cùng một lời nguyện duy nhất, gần một bàn thờ duy nhất, ở đó, giám mục chủ toạ giữa linh mục đoàn và các thừa tác viên của Nguời bao quanh (SC, số 41).

Tuy nhiên, lễ Tạ Ơn vào Chúa nhật, do luật buộc phải có sự hiện diện của cộng đoàn và do sự long trọng đặc biệt khác với ngày thường, vì được cử hành vào đúng “ngày Đức Kitô sống lại từ cõi chết và làm cho ta được tham dự vào sự sống bất tử của Người”, nên càng nói lên chiều kích Giáo hội và được đặt làm kiểu mẫu cho mọi cuộc cử hành khác của phép Thánh Thể. Mỗi cộng đoàn, khi tụ họp các tín hữu của mình để làm “nghi lễ bẻ bánh”, phải ý thức mình là nơi để cho mầu nhiệm của Giáo hội được thể hiện cách cụ thể. Chính trong lúc cử hành, cộng đoàn mở lòng ra để hiệp thông với Giáo hội toàn cầu, trong khi cầu xin Chúa Cha “nhớ đến Giáo hội của Người trên khắp hoàn cầu” và làm cho Giáo hội lớn mạnh lên trong sự hiệp nhất với Đức Thánh cha, với các mục tử thuộc các Giáo hội khác nhau, để sau cùng đạt tới sự hoàn hảo của tình yêu thương.[28]

3. Ngày của con người

a. Ngày của nghỉ ngơi

Sách Sáng Thế cho thấy “Ngày thứ bảy, Thiên Chúa đã hoàn thành công việc của Người làm. Khi làm xong mọi việc của Người, ngày thứ bảy, Thiên Chúa nghỉ ngơi” (St 2,2). Thiên Chúa nghỉ ngơi trong ngày thứ bảy như một sự khởi đầu cho quan niệm nghỉ ngày Sabat của người Do Thái hay nghỉ ngày Chúa nhật của người Công giáo và của con người ngày nay.

Xét trên bình diện sinh học, lao động và nghỉ ngơi dường như là hai quá trình đối nghịch nhau nhưng lại thống nhất với nhau trong cùng một mục đích, đó là làm cho con người tồn tại và phát triển. Xét trên phương diện siêu nhiên, lao động và nghỉ ngơi là hai quá trình nối tiếp nhau và được ghi khắc trong bản tính con người, là điều do chính Chúa muốn. Được nghỉ ngơi, con người thoát khỏi vòng trói buộc của những bổn phận trần thế để họ nhận ra rằng, mọi sự đều là công trình của Thiên Chúa và đều phụ thuộc vào Người. Cũng không nên quên rằng, trong thế giới ngày nay, nhiều người vẫn phải làm việc như một nô lệ hoặc làm trong những điều kiện môi trường không bảo đảm an toàn và thời gian lại quá nhiều. Điều này đặc biệt xảy ra nơi những miền đất nghèo trên thế giới hoặc nơi những hoàn cảnh bất công và bị bóc lột giữa người với người ở trong các xã hội có nền kinh tế phát triển. Đức thánh cha Lêô XIII, trong Thông điệp Rerum Novarum, đã trình bày rằng: người lao động phải được nghỉ ngày Chúa nhật, vì đó là quyền lợi của họ mà nhà nước phải bảo đảm.[29]Nói đến quyền nghỉ ngơi, chúng ta nghĩ ngay đến quyền có việc làm, nhưng đây việc làm đang là một vấn đề nan giải của các chính phủ. Cha Timothy Radcliffe trong bài viết “Không có ngày Chúa nhật, chúng tôi không sống được” đã nhấn mạnh:

Trong thế giới ngày nay, kinh tế chỉ cốt làm sao trưng bày ra thị trường những ý tưởng, hình ảnh, thông tin, biểu tượng và “mác”. Vì thế, người lao động không được bảo đảm sẽ có một công việc ổn định. Nếu như xảy ra khó khăn, vốn lập tức sẽ được chuyển đến nơi mà người chủ có thể trả lương thấp nhất cho người lao động. Đây là lý do khiến nhiều người lao động phải nghỉ ngay trong những ngày có thể làm việc.[30]

Với việc nghỉ ngày Chúa nhật, những giá trị tinh thần được đặt lên trên những giá trị vật chất. Sự gặp gỡ và đối thoại giữa con người với nhau và với thiên nhiên sẽ diễn ra trong hòa bình. Thánh Ambroxio mô tả: “Theo một luật bất di bất dịch của sự đồng tâm và của tình yêu”, con người được hòa hợp với các yếu tố của thiên nhiên bằng một mối liên kết hợp nhất và hòa bình.[31] Vì được nghỉ ngày Chúa nhật nên con người có thời gian cho riêng mình để thư giãn, để quan tâm đến những nhu cầu khác của cuộc sống. Sự nghỉ ngơi này là chính đáng và phù hợp với sứ điệp Tin mừng. Điều cần thiết là người tín hữu phải diễn tả niềm tin cá nhân phù hợp với niềm tin tập thể được diễn tả trong việc cử hành và thánh hóa ngày Chúa nhật.

Tóm lại, ngày Chúa nhật là ngày nghỉ có nhiều ý nghĩa. Trước hết, ngày Chúa nhật mang lại sự phong phú tinh thần, một sự hiệp thông huynh đệ và sự hòa quyện với vẻ đẹp của thiên nhiên. Kế đến, con người ý thức lại thân phận thụ tạo của mình và tình yêu đặc biệt mà Thiên Chúa ban cho họ trong việc làm chủ và xây dựng thiên nhiên ngày càng tốt đẹp hơn. Cuối cùng, con người phải sử dụng những phương tiện do xã hội cung cấp để sống phù hợp những giá trị của Tin mừng.[32]

b. Ngày của niềm vui

Niềm vui ngày Chúa nhật đã được Thánh vịnh diễn tả như sau: “Đây là ngày Chúa đã làm ta, nào ta hãy vui mừng hoan hỉ” (Tv 118, 24). Hơn nữa, niềm vui của ngày Chúa nhật xuất phát từ biến cố Chúa Phục sinh. Sự phục sinh của Đức Giêsu là nền tảng của đức tin Kitô giáo và được chứng thực bởi các môn đệ. Biến cố này không chỉ là sự kiện độc nhất vô nhị trong lịch sử mà còn là trung tâm của mầu nhiệm thời gian.

Niềm vui Chúa nhật phải được phát triển trong tình yêu thương huynh đệ, phản ảnh vào đời sống gia đình và xã hội. Niềm vui của đức tin Kitô giáo và niềm tin chân thật của con người lại bổ túc cho nhau. Niềm vui của con người được nâng cao và tìm được nền tảng của mình trong niềm tin vào Đức Kitô vinh hiển (xc. Cv 2,24-31).

Đức Phaolô VI đã nhấn mạnh mối tương quan này trong huấn từ của ngài về niềm vui Kitô giáo như sau: “Tự bản chất, niềm vui Kitô giáo là sự tham dự cách thiêng liêng, tự nguyện vào niềm vui vô tận, là sự nối kết giữa Thiên Chúa và con người và nó nằm tại trái tim của Đức Giêsu Kitô vinh hiển”.[33]

Trong tinh thần đức tin, ngày Chúa nhật thật sự là một lễ hội, một ngày Thiên Chúa dành cho con người lớn mạnh về nhân bản và đạo đức.[34]

c. Ngày của tình liên đới

Ngày Chúa nhật cũng là một cơ hội thuận lợi để con người sống tình liên đới với nhau qua việc bác ái và tông đồ. Việc gặp gỡ Đức Kitô Phục sinh là nguồn gốc, động lực thúc đẩy người tín hữu chia sẻ tình yêu dạt dào trong lòng mình. Không có tình yêu thì cũng không có niềm vui. Đức Giêsu đã giải thích điều này cho chúng ta qua việc liên kết tình yêu và niềm vui của Người cho ta: “Nếu anh em giữ các điều răn của Thầy, anh em sẽ ở lại trong tình thương của Thầy, như Thầy đã giữ các điều răn của Cha Thầy, và ở lại trong tình thương của Người. Các điều ấy, Thầy đã nói với anh em để niềm vui của Thầy ở trong anh em, và niềm vui của anh em được nên trọn vẹn. Đây là điều răn của Thầy: anh em hãy yêu thương nhau, như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 15,10-12).

Như vậy, ngày Chúa nhật không làm cho các tín hữu xa rời bổn phận bác ái của họ, nhưng trái lại thúc đẩy họ tham gia mọi công việc bác ái, đạo đức và tông đồ, đó là bằng chứng hùng hồn của việc các tín hữu dù sống trong thế gian, nhưng họ lại không thuộc về thế gian mà lại là ánh sáng để cho thế gian nhận biết và tôn vinh Thiên Chúa Cha.[35] Chẳng phải trong các cộng đoàn Giáo hội tiên khởi, sau các buổi cử hành phụng vụ và lễ bẻ bánh, các phó tế đã mang của ăn đến chia sẻ để nói lên tình liên đới trong cộng đoàn đó sao.

Tóm lại, sống liên đới với anh em là sự tiếp nối lễ Tạ Ơn và nó trở thành trường dạy bác ái, công lý và hòa bình. Sự hiện diện của Đấng Phục sinh giữa những người thuộc về Người là sự thúc đẩy một sự đổi mới bên trong, khuyến khích việc thay đổi cấu trúc của tội lỗi đang trói buộc con người, cộng đoàn và thậm chí là dân tộc nữa. Vì thế, Chúa nhật của Kitô giáo có một giá trị siêu việt. Nó không phải là một cuộc đào thoát, nhưng là một lời sấm. Lời sấm ấy buộc các Kitô hữu đi theo Đấng đã đến “để loan báo Tin mừng cho kẻ nghèo hèn, công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Chúa” (Lc 4,18-19).

Theo học với Đấng Phục sinh là nhớ lại lời Người đã hứa: “Thầy để lại bình an cho anh em. Thầy ban cho anh em bình an của Thầy” (Ga 14,27). Bình an của Đấng Phục sinh đã được trao cho mọi Kitô hữu, đến lượt mình, họ cũng trở thành người kiến tạo và xây dựng hòa bình trong một thế giới đang bị chia cắt vì sự ích kỷ, tham lam của con người.

III. Cử hành ngày Chúa nhật

1. Bàn tiệc Lời Chúa

Thánh lễ như chúng ta đã biết gồm phụng vụ Lời Chúa và phụng vụ Thánh Thể, nói cách khác, là bàn tiệc Lời Chúa và bàn tiệc Thánh Thể. Cả hai phần liên kết chặt chẽ với nhau đến nỗi làm nên một hành vi phụng tự duy nhất.

Hình ảnh Đức Kitô trong Thánh kinh cho người ta thấy rằng, những gì Thiên Chúa đã hứa, đã truyền trong Cựu ước, đều được Người thực hiện. Nơi Người, Thiên Chúa đã hoàn thành viên mãn sự mạc khải, Người chính là Ngôi Lời Nhập Thể, đã được sai đến với loài người (xc. Ga 3,34) và hoàn thành công trình cứu độ của Chúa Cha đã giao phó cho Người thực hiện. Vì thế, ai thấy Người là thấy Chúa Cha.

Bắt nguồn từ Phụng vụ Hội Đường, vào mỗi ngày Sabat, xưa cũng như nay, tại các cộng đồng Do Thái, người ta cử hành phụng vụ tại các Hội Đường, một phần quan trọng không thể thiếu trong lúc cử hành Phụng vụ là tuyên bố và diễn giải Lời Chúa. Trong cuộc đời công khai rao giảng Tin mừng của Đức Giêsu, trong một lần về quê hương vào ngày Sabat, Người vào Hội Đường, người ta đã trao sách ngôn sứ Isaia, và Người đã công bố Lời Chúa mặc dù Người không phải là tư tế, kinh sư hay kỳ mục. Có lẽ đây là hình thức rõ ràng nhất cho ta thấy nghi thức cử hành Lời Chúa ở các hội đường đã trở nên khuôn mẫu cho phần Phụng vụ Lời Chúa của Hội thánh trong Thánh lễ.

Mỗi khi chúng ta công bố Lời Chúa trong thánh lễ, Giáo hội muốn nhắc nhở cho các tín hữu biết rằng, chính lúc đó Thiên Chúa nói với dân Người và chính Đức Kitô hiện diện trong Lời của mình, lời loan báo Tin mừng. Khi Hội thánh giải thích Thánh kinh trong Thánh lễ cho các tín hữu, thì chắc chắn các tín hữu ngày càng cảm thấy đói khát Lời Chúa hơn. Nhờ sự đói khát này và nhờ sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần mà dân của Giao Ước mới tự đòi buộc mình tiến tới sự duy nhất hoàn toàn trong Hội thánh.

Thật vậy, nếu việc đọc Sách thánh, khi được làm trong tinh thần cầu nguyện và chú giải cách trung thành theo Giáo hội, không thường xuyên làm sinh động đời sống cá nhân và đời sống gia đình Kitô hữu, thì việc công bố đơn thuần Lời Chúa theo phụng vụ khó có thể mang lại những kết quả mong muốn. Vì vậy, thật đúng lúc để hết lòng ca ngợi những sáng kiến mà nhờ đó các cộng đoàn xứ đạo, bao gồm mọi người tham dự lễ Tạ Ơn – như linh mục, thừa tác viên và tín hữu[36] đã chuẩn bị cho Phụng vụ Chúa nhật trong cả tuần lễ, khi suy tư trước về Lời Chúa sẽ được công bố. Đối tượng muốn nhắm đến là toàn thể cuộc cử hành bao gồm lời cầu, việc lắng nghe, việc ca hát, chứ không phải chỉ riêng bài giảng, đều diễn tả sứ điệp của Phụng vụ Chúa nhật theo một cách nào đó, để nó có thể gây ấn tượng cách hữu hiệu nơi những người tham dự. Rõ ràng là có nhiều điều đã được tín cẩn giao phó cho trách nhiệm của những người thể hiện thừa tác vụ Lời Chúa. Họ có nhiệm vụ cẩn thận đặc biệt chuẩn bị cho việc diễn giải Lời của Chúa bằng việc học hỏi bản văn Kinh thánh và bằng lời cầu nguyện, để có thể diễn giải cách trung thực nội dung của bản văn và đồng thời vẫn hiện thực hoá bản văn ấy để đáp ứng được những vấn đề cho đời sống của con người trong thời đại chúng ta.[37]

2. Bàn tiệc Mình và Máu Chúa Kitô

Như đã nói, Thánh lễ gồm bàn tiệc Lời Chúa và bàn tiệc Thánh Thể. Khi đến trần gian, Chúa Giêsu đã không ngừng đến với mọi người, tận tụy hoạt động vì mọi người và cho mọi người. Người tha tội, cứu sống, chữa lành và trao cho những ai tiếp nhận Người niềm tin và hy vọng. Người đã tỏ bày tình yêu vô biên của Thiên Chúa đối với loài người. Qua đời sống của Người, Chúa Giêsu đã tỏ bày cho loài người biết rằng, vì yêu thương mà Thiên Chúa trao ban chính mình cho họ.

Hơn nữa, Chúa Giêsu đã tự hiến mình là lễ vật hy tế dâng lên Chúa Cha bằng cái chết trên thập giá, đó là đỉnh cao của mầu nhiệm Nhập Thể. Trong mỗi Thánh lễ hôm nay, Chúa Giêsu cũng làm lại như thế. Người cũng tự hiến mình làm lễ vật bằng việc cử hành Thánh Thể. Nơi bí tích Thánh Thể, Chúa Giêsu tiếp tục tất cả những điều đó trong lòng Giáo hội và giữa thế giới loài người. Người trao ban chính mình làm của ăn cho con người, để tha tội, để chữa lành và cho họ được sống sự sống của Người; Người ban cho họ niềm tin, niềm hy vọng vào đời sống hạnh phúc vĩnh cửu.

Khi lập bí tích Thánh Thể, Chúa Giêsu cầm lấy bánh và nói rằng: “Đây là Mình Thầy”, rồi Người cầm lấy chén rượu và nói: “Đây là Máu Thầy”. Cả hai lần nói “đây là” đối với hai hình bánh và rượu đều nhắm đến sự hiện diện của toàn thể ngôi vị của Chúa Giêsu, Ngôi vị Thiên Chúa Nhập Thể, mang lấy xác phàm nhân loại, có “Mình” và “Máu”. Chúa Giêsu đã khẳng định Mình và Máu ấy chính là “Mình bị nộp” và “Máu phải đổ ra” của Người. Như vậy, khi lập bí tích Thánh Thể, Chúa Giêsu đã xác định rõ Thánh Thể chính là Thân Mình của Người; đúng hơn, Thánh Thể chính là Thịt và Máu của Ngôi Lời Nhập Thể. Đây là điều mà Giáo hội tin nhận:

Trong bí tích Thánh Thể cực thánh, Mình và Máu cùng với linh hồn và thần tính của Chúa chúng ta là Đức Giêsu Kitô, và như vậy là Đức Kitô toàn thể (totus Christus), hiện diện một cách đích thực, thật sự và theo bản thể (GLCG 1374).

Như cây nho luôn cung cấp nhựa sống cho cành nho, để cành nho được sống và sinh hoa trái thế nào, thì qua bàn tiệc Thánh Thể, Chúa Giêsu cũng không ngừng cung cấp sự sống cho những ai kết hiệp với Người. Nhờ Thánh Thể, Người đến và “tan biến” đi trong họ, làm cho họ sống nhưng không phải là họ mà là chính Người sống trong họ (xc. Gl 2,20).

Cơm bánh là tất yếu cho sự sống thân xác con người thế nào, thì Thánh Thể là lương thực cần thiết cho sự sống linh hồn như vậy. Bữa ăn Thánh Thể ở đây không chỉ mang ý nghĩa biểu tượng nhưng là tham phần vào bữa tiệc hiến tế, thông dự vào chính suối nguồn sự sống. Chúng ta chiếm đoạt lấy cho mình sự sống của Chúa, đồng hóa với sự sống đó, khả dĩ làm cho triển nở sự sống trong ta. Chỉ những ai nuôi dưỡng mình bằng Thịt và Máu của Đức Kitô thì mới có sự sống thần linh nơi mình. “Ai ăn Thịt Tôi và uống Máu Tôi thì được sự sống đời đời” (Ga 6,54). Thế nên, bữa ăn Thánh Thể không phải là một cái gì tùy ý thêm vào đời sống Kitô hữu cho thêm phong phú, nhưng là để đáp ứng một nhu cầu sống còn, một điều kiện để sống. [38]

Và, khi thiết lập bí tích Thánh Thể, Đức Giêsu đã trao cho các môn đệ một món ăn và thức uống đồng nhất, đó là Mình và Máu Người: “Hãy cầm lấy mà ăn, này là mình Thầy….vì đây là máu Thầy, máu Giao Ước mới…” (Mt 26,26; 28). Sự hiệp thông Thánh Thể này chuyển tải cho những người dự tiệc một sức sống mới “như Chúa Cha là Đấng hằng sống đã sai Tôi, và Tôi sống nhờ Chúa Cha thế nào, thì kẻ ăn Tôi, cũng sẽ nhờ Tôi mà được sống như vậy” (Ga 6,57). Sức sống này làm nên một sự thống nhất, được Đức Giêsu diễn tả bằng hình ảnh liên kết của cây nho. “Thầy là cây nho, anh em là cành, ai ở trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái, vì không có Thầy, anh em chẳng làm gì được” (Ga 15,5).

Thánh Phaolô đã diễn tả sự hiệp nhất này qua sự nối kết giữa đầu và thân thể. Ngài gọi Giáo hội là thân mình của Đức Kitô, còn Đức Kitô là đầu. Giáo hội nối kết với Đức Kitô nhờ sự hiệp thông mãnh liệt qua phép Thánh Thể. Thánh Tông đồ phát biểu điều đó hết sức rõ ràng:

Khi ta nâng chén chúc tụng mà cảm tạ Thiên Chúa, há chẳng phải là dự phần vào Máu Đức Kitô và khi ta cùng bẻ bánh ăn, đó chẳng phải là dự phần vào thân thể Người sao? Bởi vì chỉ có một tấm bánh và tất cả chúng ta cùng chia sẻ một bánh ấy, nên tuy nhiều người, chúng ta cũng chỉ là một thân thể” (1Cr 10,16-17).

Bữa ăn tự nhiên tự nó đã có khả năng tạo ra những tương quan huynh đệ. Khả năng của bữa tiệc Thánh Thể siêu việt hẳn còn lạ lùng hơn nữa. Bánh Thánh Thể là thân mình Đức Kitô trong đó có sức mạnh phục sinh của Thánh Thần, là xác thể được làm cho sống và có khả năng ban sự sống nhờ Thánh Thần. Đó là lương thực thần thiêng. Nơi bí tích Thánh Thể xác phàm và Thần Khí trở thành một: “Chính Tôi là bánh trường sinh. Ai đến với Tôi, không hề phải đói; ai tin vào Tôi, chẳng khát bao giờ!” (Ga 6,35).

Bí tích Thánh Thể dọn đường cho sự hiệp nhất, sự “thâu hồi vạn vật dưới một đầu mối là Đức Kitô” (Ep 1,20). Tương giao giữa Đức Kitô và Giáo hội tạo ra những tương quan mới giữa các Kitô hữu. Sự hiệp thông với Đức Kitô làm nên sự hiệp thông với các Kitô hữu. Máu Đức Kitô là Máu Giao Ước mới, không những thánh hóa, mà còn xây dựng sự hiệp nhất. Những thực khách của bàn ăn Thánh Thể được thánh hóa cho nhau và vì nhau. Giữa lòng xã hội tội lỗi đầy những quyền lực đối kháng, bí tích Thánh Thể tạo ra “sự hiệp thông các thánh”.

Đức Kitô Phục sinh là nguồn sống. Người cũng làm cho các Kitô hữu trở nên nguồn sống cho nhau. Bí tích Thánh Thể biến đổi Kitô hữu trở nên điều mà họ lãnh nhận, là bánh sự sống, là lương thực mang lại ơn cứu độ cho tha nhân. Từ sự hiệp thông với Đức Kitô, nảy sinh sự tự hiến cho nhau giữa những người hiệp thông.

Công đồng Vaticanô II qua Hiến chế Lumen Gentium số 11 dạy rằng: “Khi tham dự hy tế Thánh Thể, nguồn mạch và chóp đỉnh của đời sống Kitô hữu,… được nuôi dưỡng bởi Mình Thánh Chúa Kitô trong phụng vụ thánh, họ biểu lộ cụ thể sự hiệp nhất của Dân Thiên Chúa” (LG, số 11).

Trước sự chia rẽ của con cái mình, cũng như thánh Phaolô, Đức Giáo hoàng Phaolô VI, trong Thông điệp Mysterium Fidei khuyên nhủ con cái mình:

Vì Thánh Thể là dấu chỉ và nguyên nhân sự hiệp nhất của Hội thánh… Ước gì tất cả chúng ta, đồng một giọng và một đức tin, cùng cử hành mầu nhiệm Thánh Thể và làm thành một thân thể duy nhất, như Đức Kitô nguyện xin cùng Cha Người: Con ở trong họ và Cha ở trong Con, để họ hoàn toàn nên một; như vậy, thế gian sẽ nhận biết là chính Cha đã sai Con và đã yêu thương họ như đã yêu thương Con” (Ga 17,23).[39]

Như vậy, nhờ Đức Giêsu hiện diện thật sự trong Thánh Thể đã trở nên của ăn cho nhân loại. Khi đón nhận của ăn này, chúng ta được hiệp thông vào Mình và Máu Chúa Kitô, được trở nên một với Chúa Kitô và hiệp nhất với nhau trong Chúa Kitô (1Cr 10,17). Bí tích Thánh Thể biến đổi người Kitô hữu trở nên điều họ đã lãnh nhận, là Bánh sự sống, là lương thực mang lại ơn cứu độ cho tha nhân. Từ sự hiệp thông với Chúa Kitô, nảy sinh sự tự hiến cho nhau giữa những người hiệp thông (Cv 2,42-47).

3. Bàn tiệc Thiên Quốc

Từ Giáo hội trần thế, sự hiệp thông lan rộng theo hai hướng. Một hướng về thành trì Thiên Quốc và một hướng tới dân ngoại. Thánh Thể là dấu chỉ bữa tiệc Thiên Quốc được cử hành trong sự hiệp thông với những thực khách đầu tiên. Đức Trinh nữ Maria, các thánh Tông đồ và các thánh, là những người đang thông phần sự Phục sinh cánh chung của Đức Kitô, Giáo hội cũng mở ra cho những người ở xa, và ở “ngoài”, mà bí tích làm cho được gần gũi bằng cách đưa những người đã được hiệp thông với Chúa đến cùng họ. Có thể nói được rằng bí tích Thánh Thể đưa Giáo hội vào lòng thế giới, làm cho mỗi người cử hành trở nên một người anh em phổ quát, người thân cận với mọi người; đặt nền cho sự hiệp thông toàn diện và cuối cùng.

Khi thiết lập Thánh Thể trong bữa Tiệc ly, chính Chúa Giêsu đã hướng các môn đệ đến sự hoàn tất lễ Vượt qua trong Nước Thiên Chúa khi nói: “Thầy bảo cho anh em biết, từ nay Thầy không còn uống sản phẩm này của cây nho, cho đến ngày Thầy cùng anh em uống thứ rượu mới trong Nước của Cha Thầy” (Mt 26,29) (GLCG, 1403).

Mỗi lần ta hiệp lễ trong đời sống, Thánh Thể luôn là của ăn đường cho ta. Là “Viaticum”, nghĩa là một lương thực dự trữ dành cho cuộc hành trình lâu dài đưa ta về Đất Hứa. Thánh Thể chính là hành trang thiết yếu của người lữ khách xa quê.

Lời chúc “Bình an cho anh em” của Chúa Kitô Phục sinh vinh hiển, khi Người hiện đến với các Tông đồ, nay dưới những hình thái khác, Người hiện diện giữa chúng ta cũng chính thân xác đó, xác thân đã Phục sinh vinh hiển, để ban bình an, để mời gọi chúng ta tin tưởng hướng về Thiên Quốc. Chúa Kitô đã sống lại và Người không bao giờ chết nữa. Sự chết không còn quyền lực trên Người. Thị kiến “Chiên Con Thiên Chúa” của Gioan từ sách Khải Huyền cũng hiến cho ta một hình ảnh tương tự. “Chiên Con đã chịu sát tế nhưng nay đáng lãnh quyền năng, phú quý, khôn ngoan, dũng lực, danh dự, vinh quang và chúc tụng” (Kh 5,12). Thánh Thể trao ban cho ta không những cái chết của Chúa Kitô mà đồng thời cả cuộc vinh thắng của Người trên sự chết nữa. Đó là đề tài vượt qua, vượt qua của Chúa Kitô nhưng cũng là vượt qua của mỗi người chúng ta. Chính nhờ bí tích vượt qua này, ta mới có thể về Thiên Quốc, nơi Chúa Kitô đang mong đợi để cùng ăn và cùng uống với ta bằng rượu mới trong hôn tiệc vinh cửu.

Như vậy, Thánh Thể còn là bí tích cánh chung, vì bí tích này chúng ta hướng tới những thời buổi sau hết, tới ngày chung cuộc. Chính trong viễn tượng đó, mà ngay giữa phần trung tâm kinh Tạ Ơn, câu tung hô của cộng đoàn diễn tả khá đầy đủ. “Mỗi lần chúng con ăn bánh và uống chén này, chúng con loan truyền Chúa chịu chết cho tới khi Chúa đến” (1Cr 11,26).

Chiều kích này của Thánh Thể bao hàm tất cả những gì đã nói về hy tế và tưởng niệm. Nó gợi đến những hiệu quả lạ lùng mà Chúa cứu thế đã để lại cho ta do cái Chết và sự Phục sinh của Người. Thánh Thể xét theo phương diện này, đúng là lương thực độ đường cho lữ khách đang hăm hở tiến về miền Đất Hứa, mà những Manna, nước từ tảng đá đối với dân Do Thái xưa (xc. Xh 16-17) chỉ là những hình bóng tiên báo dọn đường.[40]

Kết luận

Ngày Chúa nhật, người Kitô hữu được mời gọi khám phá lại cái nhìn đầy nét tươi vui của Thiên Chúa và cảm thấy mình như được bao gồm và được bảo vệ bởi cái nhìn này. Cuộc sống chúng ta, trong thời đại của kỹ thuật, càng ngày càng trở thành như vô danh hơn, và chỉ quy hướng về (chỉ phục vụ cho) tiến trình sản xuất. Như thế con người không còn có thể vui hưởng những vẻ đẹp của tạo vật, và hơn nữa, không còn có thể đọc thấy trong những vẻ đẹp này một phản ảnh dung mạo của Thiên Chúa. Những người Kitô hữu dừng lại mỗi ngày Chúa nhật, không những vì lý do để nghỉ ngơi hợp lý, nhưng còn là để cử hành công việc của Thiên Chúa Tạo Hóa và Cứu Chuộc. Từ việc cử hành này, phát sinh những lý do để vui mừng và hy vọng, làm cho đời sống hằng ngày có được mùi vị mới, và cung cấp một phương thuốc căn bản để chữa trị bệnh buồn chán, mất ý nghĩa sống, thất vọng…

Chúa nhật, với “sự trọng đại” bình thường của mình, vẫn tồn tại để làm nhịp sống cho thời kỳ lữ hành của Giáo hội cho tới Chúa nhật chẳng suy tàn. Vì thế, chúng ta, các Kitô hữu, qua đời sống thực hành đức tin, sẽ làm cho giá trị của ngày thánh thiêng này mỗi ngày được nhận biết và được sống nhiều hơn. Điều này sẽ mang lại hoa trái tốt lành trong các cộng đoàn Kitô hữu và sẽ tạo ra một ảnh hưởng tốt đẹp trên toàn thể xã hội dân sự.

Cho nên, khi tham dự và nhìn Giáo hội cử hành mầu nhiệm Đức Kitô Phục sinh vào mỗi Chúa nhật trong niềm vui, mầu nhiệm mà Giáo hội có thể kín múc được ở đó tất cả đời sống của mình, thì chúng ta sẽ ý thức Chúa Phục sinh hiện diện giữa chúng ta, dạy dỗ chúng ta và cho chúng ta hiệp thông hy tế của Người, hầu chúng ta sẽ được biến đổi thành con người mới theo hình ảnh Chúa chúng ta mỗi ngày trong suốt cuộc đời.

 

 

 


[1] Trần Đình Tứ, Phụng Vụ và Thời Gian, phần I, ĐCV thánh Giuse, 1997, tr. 26-27.

[2] Giáo Hội thuộc nghi lễ Bizantino vẫn dùng kiểu nói ‘Ngày Chúa Phục Sinh’ để chỉ Chúa nhật.

[3] PH. Rouillard, Les Pères: Signification du Dimanche, trong: Assemblée du Seigneur, I, Introduction, Bruges, 1962, tr . 47.

[4] S. Justin, Dialogue avec Tryphon, 24,1, éd. G. Archambault, tập I, Picard, 1909, tr. 108.

[5] S. Augustin, Epist. 55, 17, éd. A. Golbacher (CSEL 33,2), tr. 188.

[6] P. Jounel, Le Dimanche et la semaine, trong: L” Église en prière, éd. 1984, tr. 698.

[7] S. Gregoire De Nazianze, De nov. Dom.. 5, P 36, cột. 612.

[8] Xc. Nguyễn Cao Luật, Năm Phụng Vụ, TTHV Đa Minh, tr. 6-8.

[9] P. Jounel, Le Dimanche et la semaine, trong: L” Église en prière, éd. 1984, tr. 692.

[10] Xc. S. Ignace D” Antioche, Épître aux Magnésiens, 9, Ed. Camelot (SC 248), 2e éd., 1951, tr. 102-103.

[11] Xc. Pline Le Jeune, Epistolarum lib. 10, tr. 96.

[12] Xc. S. Justin, Apologie I, 67, 3, éd. L. Pautigny, Picard, 1904, tr. 143.

[13] Nghi thức rửa tội cho trẻ em, phần mở đầu, số 9, xem Nghi thức Khai Tâm Kitô giáo cho người lớn, số 59.

[14] Xem Sách lễ Rôma, Nghi Thức Rảy Nước Thánh Chúa nhật.

[15] Gioan Phaolô II, Tông thư “Ngày của Chúa”, (31.05.1998), số 19-20.

[16] Ibid., số 28.

[17] Ibid., số 31.

[18] Ibid., số 36.

[19] Ibid., số 31.

[20] Ibid., số 38.

[21] Ibid., số 37.

[22] Sách Lễ Rôma, Lời Nguyện Sau Kinh Lạy Cha.

[23] Origène, Commentaire du psaume 91, P. 23, col. 1169.

[24] Inhaxio Antiokia, Épître aux Magnésiens 9. éd. Camelot, (SC, 10) 2e éd., 1951, p. 102-103.

[25] H. Feret: Les sources bibliques, dans Le Jour du Seigneur, p. 92-94; J. Daniélou: La doctrine patristique du dimanche, dans le Jour du Seigneur, p. 113-119.

[26] Gioan Phaolô II, op.cit., số 84.

[27] Ibid., số 32.

[28] Ibid., số 34.

[29] Xc. Thông điệp Rerum novarum (15-5-1891): Acta Leonis XIII, 11 (1891), tr. 127-128.

[30] Timothy Radcliffe, OP., Không có ngày Chúa nhật, chúng tôi không thể sống được.

[31] Hexameron 2, 1, 1: CSEL 32, tr. 41.

[32] Timothy Radcliffe, op.cit.

[33] Tông huấn Gaudete In Domino (9-5-1975), II: AAS 87 (1975), tr. 295.

[34] Timothy Radcliffe, op.cit.

[35] Ibid.

[36] Xc. Ordo lectionum Missae, Praenotanda, chương III.

[37] Gioan Phaolô II, op.cit., số 40.

[38] Trần Ngọc Quỳnh, Cử hành mầu nhiệm Tạ Ơn, Tủ sách Đại Kết, 1996, tr. 208.

[39] Phaolô VI, Thông điệp Mysterium Fidei.

[40] Trần Ngọc Quỳnh, Cử hành mầu nhiệm Tạ Ơn, Tủ sách Đại Kết, 1996, tr. 208.